- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nice, Bến Xuân Với Những Họa Sĩ Matisse, Chagall, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ

18 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 29028)

whopluu99-51_0_300x167_1Nice, thủ đô của Bờ Biếc (Côte d’Azur) là bến xuân trên Địa Trung Hải, là nơi hò hẹn của nước, nắng và hoa. Nice, vừa có những cá tính đặc biệt sống động, đầy mầu sắc của các thành phố miền Nam nước Pháp, vừa đứng riêng một cõi như một nàng tiên kiêu sa đài các, không lấm bụi trần. Nằm khuất trong Vịnh Thiên Thần (Baie des Anges), Nice nhờ các ngọn đồi che gió, kín đáo khỏa thân phơi nắng quanh năm. Nét phóng túng đoan trang ấy khiến Nice trở thành nàng thơ, thành thánh địa của cảm hứng nghệ thuật. Dòng sông cạn Paillon chia Nice làm hai: phía tây là Nice mới, phía đông là thành cổ và cảng nằm dưới chân tòa lâu đài ngự trị trên đỉnh đồi như trong các truyện cổ tích. 

Cổ thành Nice, do người Hy Lạp đến chiếm vùng Marseille xây từ năm 350 trước thiên Chúa, rất bé. Năm 125 sau Công nguyên, người La Mã, đánh chiếm từ vùng núi Alpes đến thung lũng sông Rhône làm thuộc địa gọi là Provincia Romana. Tên Provence có từ đó. Kẻ chinh phục tàn phá đồi Cimiez, thắng cảnh bậc nhất của Nice. Rồi sau họ, vết chân những «rợ» khác, đến người Hồi giáo, lần lượt thay phiên nhau càn quét Cimiez thành bình địa. Đến thế kỷ thứ X, Nice được bá tước Provence xây dựng lại.

 

Đến Nice, bạn chẳng thể không dừng chân ở đại lộ Promenade des Anglais - Lối dạo của người Anh, lộng lẫy, chạy dọc theo bờ biển, với những khách sạn sang trọng nhất Bờ Biếc. Đại lộ -hoành tráng với những hàng thốt nốt cao vút nằm chính giữa như những nhánh xương sống mọc lên trời- do cộng đồng người Anh, đến đây rất đông đầu thế kỷ XIX xây dựng. Nice còn là hội: hội hoa đăng, hội pháo bông, hội y phục giả trang... Nice còn là thi: thi xe hoa, thi hoa hậu, thi ca nhạc, thi khiêu vũ... Nice còn là festival: festival âm nhạc, cổ điển và hiện đại. Nice còn là món súp cá bouillabesse, đặc sản của miền Nam nước Pháp. Nhưng đối với người yêu hội họa, Nice thật quyến rũ với hai bảo tàng Matisse và Chagall, nhỏ nhưng độc đáo, tọa lạc trên đồi Cimiez, vùng đất cổ còn lưu lại những dấu vết xa xưa nhất của thành phố đáng yêu này.

 

Marc Chagall mang hình ảnh của người nghệ sĩ buồn, thành công trên đất Pháp, nhưng không bao giờ thoát khỏi mặc cảm «người ngoài», người ngoại quốc sống nhờ gửi tạm. Quê hương ông, nước Nga cộng sản đã không dung, không hiểu hội họa của ông khiến ông phải từ bỏ. Nhưng đất Nga, mồ Nga, luôn luôn trở về như những giấc mơ thiên thần, như cơn ác mộng điạ ngục, như phần đời thầm lặng vô âm, như tình yêu không bao giờ tắt, trong tác phẩm của người họa sĩ nhuốm bút thi ca này. Ở hẳn Pháp từ 1948, Chagall cũng như bao nhiêu họa sĩ khác đã chọn miền Nam làm nơi cư ngụ. Từ 1950, ông đến tỉnh Vence, gần Nice và ở lại. Năm 1973, thành phố Nice khánh thành bảo tàng viện Marc Chagall, tôn vinh ông như những họa sĩ hàng đầu của Pháp trong thế kỷ XX. Bảo tàng viện Chagall lưu trữ những tác phẩm đặc dị của họa sĩ về đạo Chúa. Dường như ông muốn vẽ hành trình độc đáo của Chúa khác với Thánh Kinh, một hành trình siêu thực đầy khổ đau, chiến tranh và ác mộng của thời này, trong những gam mầu rực rỡ, nên thơ, quyến rũ của miền địa đàng Trung Hải. Chúa trầm trong biển biếc Chagall rồi thăng thiên như một vì Chúa mới trong hội họa. Giáo đường Chagall, nằm khuất trong lòng bảo tàng viện với những vitraux (cửa sổ yểm kính vẽ) huyền diệu và bí mật trong mầu xanh thiên thần. Bước ra khỏi viện bảo tàng, mầu xanh Chagall sẽ còn theo bạn một thời gian dài.

 

Matisse một thiên tài khác của hội họa, cũng đã gắn bó sâu sắc với Nice. Ngay từ năm 1917, nhân chuyến đi Marseille với Marquet, Matisse đã khám phá ra Nice, tìm thấy ánh sáng địa đàng của thành phố và ánh sáng ấy đã không ngừng chiếu rọi các tác phẩm của ông. Đường nét và mầu sắc bãi biển Nice cho ta cảm giác an lạc hạnh phúc như thể mình đang đứng trước cái đẹp thuần khiết tuyệt đối. Từ 1921, Matisse đã chọn Nice làm nơi sống và sáng tác tới 1954. Ông mất trên đồi Cimiez, và ông yên nghỉ trên ngọn đồi thơ mộng này, cạnh bảo tàng viện Matisse, như người và nghệ thuật bên nhau, mãi mãi. Ở đây, họa sĩ vĩnh viễn nhìn thấy ánh sáng địa đàng của Vịnh Thiên Thần nằm dưới chân ông.

Viện bảo tàng Matisse tổng kết hành trình hội họa một đời tìm kiếm và sáng tạo. Vào đây, bạn sẽ thấy như đang ở trong không khí gia đình cùng họa sĩ, đang nhìn ông sáng tác: đây là cái ghế thời danh ông đã dùng làm mẫu vẽ bức tranh này, kia là cái bàn nhỏ ông vẫn thường làm việc. Ở đây không hoành tráng, mà thân tình, như những bức tranh nhỏ, những phác họa, những gì ông đang làm dở, rồi bỏ đấy. Ở đây chưa phải là kiệt tác, chưa tiền rừng bạc biển, hoạ sĩ còn trong cảnh hàn vi thanh tịnh. Đó là những dấu ấn sâu đậm nhất mà bảo tàng viện Matisse để lại cho bạn.

 

Nice còn nhiều duyên nợ với hội họa, riêng đối với những họa sĩ đầu tiên của Việt Nam sang đây từ những năm ba mươi của thế kỷ trước như Mai Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Nice là nơi hẹn của họ thời trẻ. Năm 1926, Vũ Cao Đàm vào học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương -do họa sĩ Victor Tardieu vận động chính phủ bảo hộ thành lập năm 1924. Các hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh, Mai Thứ, Lê Phổ... tốt nghiệp khoá đầu: 1925-1930. Vũ Cao Đàm, khoá thứ nhì- ông tốt nghiệp năm 1931 cùng với Tô Ngọc Vân. Lê thị Lựu theo khoá thứ ba. Năm đầu tiên, Vũ Cao Đàm học cả ba môn: phác họa, hội họa và điêu khắc, nhưng sang năm thứ nhì, chuyển sang điêu khắc. Ông kể: «Thầy Tardieu thấy tôi có khả năng về điêu khắc và tôi đã nặn tượng bán thân cho cha tôi, ông khen đẹp. Cho nên năm thứ nhì, tôi học thẳng sang ngành điêu khắc và tôi rất thích, sau đó tôi chuyên về chân dung». Vũ Cao Đàm đã tạc tượng Bảo Đại và Hồ Chí Minh. Ra trường, ông được học bổng đi Pháp học Ecole du Louvre. Rồi ông lại chuyển từ tượng sang tranh. Tại sao? Ông kể lại: «Trong thế chiến thứ hai (39-45), tôi chuyển sang hội hoạ, bởi vì ở thời điểm ấy rất khó tạc tượng vì thiếu chất liệu. Việc đổ khuôn đồng bị cấm trong chiến tranh. Người Đức tịch thu tất cả và tôi phải nặn tượng bằng đất nung đánh bóng, như bức chân dung thi sĩ Jean Tardieu con của thầy tôi, và bà Marie Laure, vợ nhà thơ. Tôi tìm tòi và đào sâu thêm về hội họa, bầy tranh tại các phòng của tư nhân ở Paris như Automne và Tuilerie». Vũ Cao Đàm là người có công tìm tòi, khai phá chất liệu về tranh lụa và sơn dầu. Từ 1943 đến 1952, ông vẽ tranh lụa. Sau 52, chuyển sang sơn dầu. Vì có căn bản về điêu khắc, tranh Vũ Cao Đàm mang tính chất xác thực trong sự khảo sát cơ thể con người, có những đường cong tuyệt mỹ. Hỏi ông về việc tại sao lại chuyển sang tranh sơn dầu, hoạ sĩ cho biết: «Vì tính hiếu kỳ khiến tôi hay tìm hiểu sâu thêm về hội hoạ và tôi thấy tranh lụa bị giới hạn bởi kích thước của bức tranh, vì có miếng kính che gìn giữ cho lụa, cho nên không thể vẽ to được. Hơn nữa, ngay từ thời còn đi học, chúng tôi vẫn ao ước được vẽ tranh ấn tượng và vẽ theo những trường phái mới, mà không quên tất cả vẻ đẹp của nghệ thuật Đông phương». Năm 1938, Vũ Cao Đàm lập gia đình với cô Renée, một nhạc sĩ dương cầm.

Họa sĩ Vũ Cao Đàm xuống miền Nam Pháp trước nhất: năm 1950, vì yếu phổi, ông phải xuống sống ở miền Nam để dưỡng bệnh, ở Vence nơi Chagall cùng «xuống», tỉnh nổi tiếng nghệ sĩ và nghệ thuật. Từ 1950 đến 1958, ông sống và vẽ ở Vence. Nhưng những triển lãm ở Vence thường chỉ bán được một vài bức. Vì chủ phòng tranh từ chối khách mua, muốn dìm họa sĩ xuống để mua đứt cả collection với giá rẻ. Ông lên triển lãm ở Saint Paul de Vence, một danh lam thắng cảnh của vùng và lần này bán được, sau này Saint Paul trở thành làng hội họa. Tình cờ, kiếm được một bà hàng xén ở Saint Paul cần tiền để trả nợ, cho vài họa sĩ chung tiền thuê cửa hàng để trưng bày tranh, không ngờ tranh bán chạy và từ đó ông nổi tiếng, bán tranh cho hai galerie ở Bỉ và ở Pháp. Từ năm 1962, bán thẳng tranh cho galerie Findley ở Mỹ. Từ năm 1959, ông mở galerie riêng tại căn nhà số 43, Phố Lớn (Rue Grande), Saint Paul de Vence. Địa chỉ sau này trở thành phòng triển lãm của con ông. Trong năm mươi năm, mỗi du khách Việt yêu nghệ thuật lên thăm làng hội họa Saint Paul, không thể không đi qua «nhà Vũ Cao Đàm» ở Phố Lớn, như một địa chỉ thân quen, một nhà Việt để ngắm những bức tranh Phật, tranh gà, tranh Kiều, màu Đàm biếc, giao thoa giữa Chagall-Cao Đàm và biển cả trong tâm hồn thiền Việt.

 

Hoạ sĩ Lê Phổ kể lại rằng: «Đại chiến thứ hai bùng nổ, năm 1939, tôi và các bạn Mai Thứ, Phạm Duy Khiêm, Bửu Hội... đầu quân đánh Đức, trong vòng trên dưới một năm, rồi Đức chiếm Pháp, tôi giải ngũ về Nice cuối năm 39. Ở Nice, triển lãm cùng Mai Thứ và Vũ Cao Đàm ở galerie của một người thích hội họa Đông Phương. Một hôm, tình cờ, có người bán tranh tên là Romanet đến gặp chúng tôi và đề nghị với chúng tôi nên đem tranh sang triển lãm ở Alger, vì ở Alger có nhiều khách mua tranh lắm. Tôi và Mai Thứ tổ chức một buổi triển lãm lớn ở Alger với Romanet, bao nhiêu tranh bán được hết, lúc ấy là năm 1941. Chúng tôi ở lại Alger 6 tháng và tại đó tôi gặp Foujita, Marquet, Mainsieux... Nhưng ở Nice, tôi gặp được Matisse, nhờ một chuyện tình cờ không liên can gì đến hội hoạ. Lúc đó, vừa được giải ngũ, tôi đến Nice, làm việc với một người bán tranh của Matisse. Người này rất tốt đã giúp tôi rất nhiều khi tôi mới chân ướt chân ráo đến Nice. Một hôm tôi đề nghị với ông ta: «Ông có muốn tôi giúp gì không?». Lúc ấy đang chiến tranh, thức ăn thiếu thốn, ông ấy tâm sự ngay: «Nếu anh giúp tôi tìm được một miếng bơ cho ông Matisse thì tốt quá, ông ấy thèm lắm. Nếu tìm được thì anh gói vào giấy báo ẩm, rồi mang đến cho Matisse». Tôi trả lời: «Sẵn sàng». Tìm được bơ, tôi điện thoại cho Matisse, ông ấy thích quá. Tôi đến nhà ông ấy, biệt thự tên là Villa des Rêves, biệt thự Mộng Du. Cô thư ký bỏ ngay bơ vào tủ lạnh. Rồi Matisse cho tôi xem tranh và giải thích ông vẽ ra sao. Ông kể cho tôi nghe một điều mà báo chí lúc đó chưa bao giờ nói đến: «Tôi vẽ, sau đó bảo cô thư ký xoá hết bằng ét xăng và ngày hôm sau tôi vẽ lại, cũng bức tranh đó cũng đề tài đó». Vì thế, tôi được biết thủ pháp của Matisse. Ông là một bậc kỳ tài nhưng thực là khiêm nhượng. Tôi nói với Matisse: «Tôi rất thích hội họa của Bonnard». Ông ấy đề nghị ngay: «Để tôi điện thoại cho Bonnard. Bonnard ở Le Cannet, gần Cannes». Lúc đó tôi chỉ là một hoạ sĩ trẻ , mới bước vào nghề, đối diện với hoạ sĩ lừng danh Bonnard. Ông Bonnard rất cao lớn, đang vẽ tranh cho cuốn sách của Montherlant, ông ấy treo trên tường khoảng hơn trăm bản phác hoạ. Khi tôi về, ông ấy còn hẹn lần khác đến chơi, nhưng rồi sau đó tôi về Paris, không gặp lại nữa. Matisse tôi còn gặp lại hai, ba lần. Lúc đó Matisse đang cắt dán những mô hình. Đó là vào những năm 40, 41, 43 và phải nói rằng lúc đó tôi chưa hiểu rõ hội họa Matisse, tôi thích lối vẽ của Bonnard, mãi sau này, tôi mới thực hiểu và yêu Matisse. Khi làm việc với Gallerie Findley, tôi đi Mỹ mỗi năm và có dịp xem bức tranh La Danse của Matisse ở lâu đài Barnes, lúc đó tôi mới thực sự hiểu Matisse».

 

Nơi những họa sĩ tài ba, điểm đầu tiên họ bộc lộ là sự thành thực và khiêm nhượng hiếm thấy trên đời. Ở tuổi tám mươi, Lê Phổ nói «lúc đó tôi chưa hiểu Matisse» một cách tự nhiên với nụ cười hiền hoà của một vị tiên, tóc trắng. Khi hỏi Vũ Cao Đàm: «Bác có nhắn gì cho những họa sĩ trẻ không?», ông ôn tồn bảo: «Kiên trì học tập, ngay khi không bằng lòng với chính mình. Đừng bao giờ chán nản. Cố gắng đào sâu thêm, ngay khi vẽ không ra gì cả, cũng đừng ngần ngại, đừng buồn».

 

Với những kỷ niệm của Chagall, Matisse, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm... trên đây, lần sau đến Nice, chắc bạn sẽ thấy thành phố này đáng yêu bội phần hơn. Một lần khác tôi sẽ kể cho các bạn nghe chuyện biển biếc trong mắt xanh Lê Thị Lựu.

Thụy Khuê

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 28980)
rồi thiên anh hùng ca cũng từ từ khép lại nghìn năm sau nại hà sông vẫn dài thêm tuổi đường trần sao quá vội ngày hai buổi không về cùng chiều lặng. chiều tê
23 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 38042)
T ôi vẫn đi lên đi xuống dọc theo bờ biển miền Tây Hoa Kỳ. Được hỏi khi nào ngưng, tôi chỉ biết cười và trả lời là tới khi nào không còn lái xe được nữa. Tôi thèm những lúc thả hồn giữa những cụm rừng đại thụ gỗ đỏ cao thấu trời mây; giõi theo những cánh chim thiên di hàng năm không biết mỏi, và tưởng tượng từng đàn cá voi bận rộn xuôi nam ngược bắc...
21 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 33125)
H oàng Cung Cambodia, tôi chết lặng trước tấm bản đồ xứ Miên. Bao gồm đất nước tôi, trãi dài từ Miền Trung xuống Miền Nam ngày xưa là đất của Cham Pa và Chân Lạp. Người Việt tôi khởi đầu từ nhà Trần, nhà Nguyễn đã mở rộng bờ cõi như thế này đây…
21 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 34275)
“ B ất cứ lúc nào bất cứ ở đâu” tưởng là kể chuyện tình, nhưng không tôi nghĩ khác. Dù chúng ta không bắt gặp những hình ảnh bắn giết trên chiến trường, nhưng bàng bạc trong từng chuyện là tâm trạng chán nãn, hỗn loạn, bất cần đời, sống không biết ngày mai của một lớp thanh niên, của một Sài Gòn trong thời chiến tranh.
15 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 31516)
Sống trọn vẹn đời mình như đã muốn, phải là, điều ấy đẹp như một bài thơ dù là bài thơ đắng. Xin mượn lời Vũ Hoàng Chương tiễn một nhà thơ để giã biệt Vũ Ánh: Người thơ nằm xuống đó hiên ngang Như một câu thơ trắng thẳng hàng Đẩy mãi bàn chân tìm đất đứng Ngoài ba chiều cũ sắp tan hoang .
15 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 35665)
N hững ngày này, năm Bảy Lăm, tháng Ba, ”Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh”. Đơn vị tôi là một tiểu đoàn Địa Phương Quân (TĐ 497/ ĐP Tiểu Khu Châu Đốc), vẫn trấn đóng trên ngọn 554 thuộc núi Giài, Thất Sơn, Châu Đốc. Bộ Chỉ Huy đặt tại Ba Xoài.
13 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 34131)
L ần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu. Vũ Khuê là bút danh. Sinh sống và làm việc tại Khánh Hòa. Như một món quà gặp mặt người viết xin gởi đến quí độc giả và văn hữu của tạp chí Hợp Lưu một "ức ký" về những ngày cuối của chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu bài viết "Anh Đã Biết Gì về Cuộc Chiến?" của Vũ Khuê. (TCHL)
21 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 36895)
A nh đi rồi còn ai vuốt tóc Lời tình thơm sách vở học trò Đêm xuống rồi em buồn không hở Trời xa mù tầm tay với âu lo…
02 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 37328)
C uối cùng, tôi cũng đến Phnom Penh. Phnom Penh của Hậu, Phnom Penh của tôi trong trí tưởng tượng. Tôi đẩy xe hành lý qua hải quan. Tôi chờ đợi những âm thanh náo động bên ngoài như năm nào tôi về phi trường Tân Sơn Nhất. Hai cánh cửa mở ra. Hơi nóng ngột ngạt bốc lên mặt. Tiếng lá cây rì rào xen trong tiếng người nói nhè nhẹ khiến tôi bỡ ngỡ. Phi trường Phnom Penh vắng vẻ như thành phố tỉnh nhỏ. Buổi trưa nắng chói. Những cánh phượng rực rỡ nở trên bầu trời xanh. Chúng tôi ra lề đường chờ xe nhà đến đón.
02 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 40851)
Bài viết chỉ là hồi tưởng và những kỷ niệm rất riêng tư với giáo sư Phạm Biểu Tâm, với tâm niệm khi viết là làm sao vượt qua được cái tôi thường tình trong một bài tưởng niệm 100 năm ngày sinh của một vị danh sư đã để lại những dấu ấn lâu dài trong Ngành Y của Việt Nam từ thế kỷ trước. (Ngô Thế Vinh)