- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mừng Tuổi Mẹ

26 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 25031)

Hôm nay đã 28 tháng chạp (23-1-2009). Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Kỷ Sửu (26-1-2009). Tính theo tuổi ta hay tuổi âm lịch, Mẹ tôi bước vào tuổi 92. Mẹ ở với gia đình cô em út, miền nam bang Cali, cách nơi tôi định cư hơn ba giờ bay. Không thể thu xếp sang mừng tuổi Mẹ dịp đầu Xuân, tôi thấy thiếu sót và áy náy trong lòng.

Mẹ tôi thuộc dòng giõi một đại thần dưới triều Tự Đức – từng giữ chức Tổng Thống (quân vụ) Tây Bắc và Tuần Phủ Lạng Sơn Cao Bằng vào thập niên 1860 – nhưng giống như người cùng thế hệ, Mẹ nhuộm răng đen, đen bóng và óng ánh như những hạt na (miền Nam gọi là măng cầu), chít khăn mỏ quạ, áo tứ thân, nón quai thao. Hàm răng của Mẹ, tới nay, dù đã nhuộm trên bẩy chục năm, vẫn y nguyên, chắc chắn và đen nhánh.

Trong gia đình hay những người thân quen thường khen Mẹ lúc nào cũng tươi. Ánh mắt Mẹ luôn ngời sáng niềm vui, không gợn chút ưu tư, nên ai cũng nghĩ Mẹ chẳng biết buồn rầu là gì. Thực ra, lúc gặp hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo, Mẹ đã khéo léo dấu kín những buồn lo tận đáy lòng. Bình thường, Mẹ cười tươi, đúng là "nét cười đen nhánh sau tay áo" qua lối diễn tả của nhà thơ Lưu Trọng Lư.

Rời nhà Ông Bà Ngoại, ngày vu quy, tôi nghĩ thế nào Mẹ cũng khóc và chắc hẳn biết bao thiếu nữ thời ấy mong được khóc như Mẹ vào dịp trọng đại của đời người. Lấy Cha tôi là một hương sư, thế là Mẹ có danh xưng mới: "cô giáo". Rồi theo thời gian, người ta gọi Mẹ là bà giáo, cụ giáo, dù chưa một lần Mẹ cầm phấn, đứng trước bảng đen giảng bài. Hoàn cảnh xã hội vào nửa đầu thế kỷ 20 chỉ cho phép Mẹ học đủ để biết đọc, biết viết và làm bốn phép tính căn bản cộng, trừ, nhân, chia. Nhưng lạ thay, Mẹ thuộc lòng truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai, Phạm Công Cúc Hoa v.v. Nghĩ lại, thật xấu hổ. Những tác phẩm cổ văn này được giảng dạy ở bậc trung học. Hầu hết học sinh chỉ được dạy sơ sài và thuộc một vài đoạn ngắn, nên rời ghế nhà trường ít lâu sau, là chữ thầy trả thầy.

Là một thôn nữ, Mẹ biết cấy lúa. Mẹ biết nuôi tầm, kéo tơ. Tuy đã gần bẩy chục năm, tôi vẫn nhớ rõ từ hình ảnh con ngài (nhài) úp trong chén, đẻ ra trứng, nở thành tầm con. Rồi tầm ăn lá dâu thái nhỏ, tầm "ăn dỗi", đến khi nhả tơ vàng óng bao quanh thân mình, gọi là kén. Mẹ dùng guồng quay, giống một vành bánh xe đạp nhỏ, kiên nhẫn kéo những sợi tơ tầm từ chùm kén nổi lềnh bềnh trong một nồi nước nóng ... Những tấm áo tơ tằm Mẹ và người cùng trang lứa tạo ra khó thể mịn màng như hàng ngoại hóa, từ Quảng Đông, Ấn Độ hay Tây phương nhập cảng, nhưng đủ đẹp mắt người ngắm nghía.

Ngày tôi chào đời, đất nước, xã hội Việt Nam vẫn còn yên bình, sự yên bình giả tạo dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Nhưng tại Âu Châu, ít tháng trước, thế chiến thứ hai vừa bùng nổ, đưa đến những đổi thay, xáo trộn lớn lao cho đất nước, dân tộc Việt.

Giống như đại đa số người Việt thời đó, gia đình tôi sống ở nông thôn. Quê tôi, một làng nhỏ nằm gần quốc lộ số 5, một trục lộ quan trọng chạy từ Hà Nội tới cảng Hải Phòng. Tiếng địa phương gọi là làng Me (hay Me Vừng), một trong chín làng Me, trải dài từ Kẻ Sặt tới Thanh Miện. Nhưng trên giấy tờ ghi là làng Phụng Viện, thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Khi tôi được ba tuổi, Mẹ sinh em trai tôi. Cha tôi vẫn làm nghề dạy học, ở các trường xa quê. Hồi đó tôi ít gặp Cha vì ông thường về nhà trễ, có khi hai, ba ngày mới về. Thỉnh thoảng Cha về sớm, trước khi mặt trời lặn. Hôm ấy thế nào Cha cũng đặt tôi ngồi trên yên chiếc xe đạp của Cha, một tay giữ tôi, tay kia cầm ghi-đông (tay lái) dẫn xe vòng vòng quanh sân trước nhà.

Nhưng một ngày, Cha bỗng vắng nhà khá lâu. Mẹ thường dẫn hai anh em tôi đến gửi nhà Bà Ngoại hoặc Bà Nội để đi tìm Cha. Buổi chiều, Mẹ đón chúng tôi về và lần nào cũng nghẹn ngào trong câu trả lời quen thuộc "Bố bận việc chưa về được". Một hôm, về đến cổng nhà, nhiều tiếng ồn ào vọng ra. Nhiều người dáng điệu hung bạo, khuân bàn ghế, tủ, giường, đồ đạc, v.v. trong nhà tôi ra ngoài sân. Lại có những người đội từng thúng thóc (lúa) mang đi. Sách vở của Cha tôi vứt tung tóe trên hiên nhà. Có người dẫm đạp trên những trang sách trắng ngần. Mẹ tôi hối hả chạy vào, lớn tiếng hỏi: "Các anh làm gì thế này? Tại sao các anh lại tự ý lấy thóc gạo và đồ dùng trong nhà tôi? Anh Cán, ai cho phép anh làm vậy?" Anh Cán, người tôi thường thấy đánh dậm ở ao làng, luôn khúm núm, dạ dạ, vâng vâng mỗi khi có ai thuê anh làm việc vặt. Hôm nay dáng vẻ Cán kiêu hãnh lạ thường. Hai tay chống bên háng, Cán nói: "Chúng tôi theo "nệnh" trên tịch thu nhà bà. Nhà phản động." Rồi Cán cao giọng nói với vào trong nhà: "Các đồng chí khẩn trương "nên"." Lần đầu tiên tôi được nghe những từ ngữ lạ tai mà không hiểu rõ ý nghĩa. Trong trí óc non nớt, chỉ ghi nhớ được là nhà tôi bị tịch thu. Căn nhà trống, không còn đồ đạc gì, bỗng lớn và rộng hơn nhiều.

Bóng dáng Cha vẫn biền biệt. Ông Bà Nội, trước đây ở gần gia đình Bác Cả ở xóm ngoài, dọn vào sống chung với ba mẹ con chúng tôi. Ông Nội đi ra thở dài, đi vào thở dài. Bà Nội thường trông chừng chúng tôi những hôm Mẹ đi tìm Cha. Chiều theo ý Bà Nội, hình như Mẹ tìm đến một người bạn rất thân và cũng là đồng nghiệp của Cha – bác giáo Ái – ở làng Nhữ Thị. Bác giáo Ái rất thương quý tôi. Hoàng, con trai lớn bác, bằng tuổi tôi. Mỗi khi mua quần áo hoặc đồ chơi, Bác đều mua hai cái, một cho Hoàng, một cho tôi. Sau ngày Việt Minh cướp chính quyền, bác trở thành Chủ Tịch Huyện, nhưng không thể giúp được gì, và cũng không biết tin tức gì về Cha. Sau này, trong tập Tài Liệu Nghiên Cứu Cách Mạng Tháng Tám, nhóm ông Trần Huy Liệu xếp cụ Chánh Tổng Đạo và Cha tôi, như hai nhân vật Đại Việt "phản động nhất" trong vùng Bình Giang. Nhưng ngày ấy, tôi chỉ biết Cha vắng nhà. Các bác, các chú và người anh họ tôi bị săn đuổi, bắt bớ.

Ít lâu sau, Ông Nội qua đời. Ông Nội trối trăng cho Cha tôi là "Ông không buồn vì thiếu một cây gậy chống sau quan tài". Lần này chính tôi chứng kiến Mẹ khóc. Ngày tháng trôi qua, Cha vẫn chưa về. Đôi khi thơ thẩn ngồi trên thềm nhà nhìn ra sân, tôi nhớ lại những chiều Cha cho ngồi lên xe đạp dẫn vòng quanh sân. Lúc ấy, tôi sung sướng lớn tiếng gọi và khoe với Mẹ. Mẹ chia xẻ niềm vui của con trai, nhưng nhắc nhở: "Cẩn thận, coi chừng ngã thì khổ". Giờ đây tôi không nhớ rõ hình dáng chiếc xe đạp của Cha, chỉ còn ghi lại trong trí nhớ chiếc yên xe hình mỏ quạ, màu đen, và cái chuông tròn, láng bóng, lớn bằng trái quít, gắn bên trái ghi-đông. Riêng câu nhắc nhở của Mẹ ngày ấy, "cẩn thận, coi chừng ngã thì khổ", vẫn thoáng đâu đây.

Tôi không ngã khi ngồi trên xe đạp mà vấp ngã nhiều lần trên những chuyến xe rong ruổi theo dòng đời. Mỗi lần ngã là một dấu ấn hằn sâu trong tâm não. Quên sao được trận càn quét của lính Tây năm 1947 ấy. Cha vắng nhà. Mẹ giắt hai anh em tôi chạy loạn, tản cư về phía nam. Bà Nội không chịu chạy giặc, ở lại trông nhà. Mới bẩy, tám tuổi, lom khom chạy dưới lằn đạn liên thanh xé rách không gian trên đầu, tôi không nhớ đã bao lần sấp ngã khi băng qua những luống ruộng mới cầy vỡ. Mỗi lần vấp ngã, bất kể đau nhiều hay ít, đầu gối và khuỷu tay xây xước, rướm máu, tôi phải bật dậy ngay. Không một lời than van, hay khóc lóc. Tôi cảm thấy mình đã trở thành "một người lớn", không muốn khiến Mẹ phải bận bịu, phân tâm. Phần em trai tôi, nhờ người chị họ cõng, nên đỡ khổ nhọc. Nhưng cả hai anh em tôi bắt đầu học những bài học vỡ lòng về chiến tranh. Mẹ thì gánh trên vai chiếc đòn gánh đong đưa hai thúng quần áo và vật dụng. Mỗi lần tôi vấp ngã, Mẹ dừng lại, giúp phủi đất bám trên người tôi, quan sát mình mẩy, tay chân và khuyến khích: "Cố lên con, sắp tới nơi rồi". Lần vấp ngã gần đây nhất, phải mất một thời gian dài tôi mới gượng dậy được, sau khi đã nếm mùi cay đắng, đau thương đến tận cùng của tinh thần và thể xác. Cái ngày quái ác ấy, cũng là ngày tang lớn cho hàng triệu người miền Nam – ngày 30 tháng 4-1975. Suốt thời gian 7 năm "vấp ngã" ấy, hơn một lần tôi tự an ủi là gia đình vẫn còn phần may mắn: Em trai tôi thoát ra nước ngoài, sau khi dừng chân ở Côn Sơn buổi tối ngày 28 tháng 4. Không muốn tin, cũng vẫn phải nghĩ đến hai chữ số kiếp, và sự an bày kỳ diệu của một đấng thiêng liêng nào đó.

Sau vài tuần lễ chạy loạn, Mẹ dẫn chúng tôi trở về nhà. Me Chai, làng kế bên, lính Tây càn qua, nhà cửa bị đốt và có mấy người bị chết. Thực là may, lính Tây chỉ đi trên đê và băng ngang cánh đồng, không càn qua làng tôi. Nhà cửa nguyên vẹn. Hình như chỉ có một người bị thương vì lạc đạn. Bà Nội mừng mừng tủi tủi ôm chúng tôi vào lòng, an ủi, vỗ về. Lo sợ phải chạy giặc Tây càn thêm một lần nữa, và vì an toàn của tôi, bà đồng ý với Mẹ cho tôi xuống làng La Ngoại trọ học.

La Ngoại nằm trên lối vào tỉnh Thái Bình, xa về phía nam. Hai người anh họ tôi đã đến ở trọ nhà Ông Lý Tiến từ mấy tháng trước. Mẹ dẫn tôi từ làng Me, qua huyện Thanh Miện, huyện Chương, rồi qua đò Neo. Người chèo thuyền ở bến đò Neo hôm ấy làm tôi buồn lòng. Ông ta lỡ tay quơ cây sào bám đất bùn, làm bẩn chiếc áo tơ tằm Mẹ may cho tôi, sáng hôm đó mới mặc lần đầu. Thấy tôi không vui, mẹ giặt chiếc áo ngay tại bến đò, phơi khô, mặc cho tôi và tiếp tục đi bộ một lúc lâu nữa mới tới La Ngoại. Nhưng chỉ ít tháng sau, chiến tranh cũng lan tới, buộc Mẹ phải vội vã xuống đón tôi về.

***

Vào một chiều đầu hè, gia đình tôi ăn cơm sớm hơn thường lệ. Xong bữa, vẫn còn những vạt nắng quái vàng ươm trên những tàu lá chuối góc sân. Bà Nội và Mẹ thì thầm trao đổi những mẩu chuyện bí mật. Rồi Mẹ vào buồng, lúc bước ra, trên vai khoác sẵn một túi vải lớn. Vẫy tôi lại gần, Mẹ khoác lên vai tôi một túi vải nhỏ khác. Rồi, Mẹ giắt em trai bước ra sân. Tôi nối gót Mẹ, Bà Nội đi sau cùng. Tôi không hỏi Mẹ là sẽ đi đâu, nhưng linh cảm rằng lần này không phải là đi tản cư, chạy giặc Tây càn. Tôi cũng chẳng bận tâm là sẽ đi đâu, và tự nhủ đi đâu chẳng được, miễn là có Mẹ, Bà và có em!

Ra khỏi cổng làng một lúc, nắng chiều nhạt dần. Căn nhà thân quen của gia đình tôi đã khuất sâu sau lũy tre già. Đến bờ sông làng Tuy Lai (có tên khác là làng Lại), cách làng Me của tôi chừng hơn cây số về hướng tây bắc, một chiếc đò nan đang đợi sẵn. Bên kia sông, bờ phía bắc là làng Hạ Cuông, nằm sát quốc lộ số 5, thuộc vùng "Tề". Mẹ tôi quay về phía Bà Nội, giọng đầy xúc động: "Thôi Mẹ về kẻo trời tối. Con cho các cháu đi, rồi tìm cách liên lạc về để Mẹ biết tin."

"Ừ, thôi đưa các cháu đi cho sớm", Bà Nội dịu dàng nói.

"Chào Bà đi con", Mẹ nhắc tôi.

Tôi còn ngơ ngác, Bà cúi xuống, vuốt tóc, vuốt má tôi: "Bố mày, phải ngoan nghe con!" Rồi bà đưa tay xoa nhẹ trên lưng em tôi và giục Mẹ xuống đò.

Chúng tôi đã sang bờ đối diện mà Bà còn đứng nguyên chỗ cũ. Dòng sông khúc này hẹp, tôi thấy hình như Bà đưa vạt áo lên chấm nước mắt trước khi quay lưng trở về làng. Hình ảnh Bà trong ráng chiều, vành khăn nâu vấn quanh mái tóc bạc phơ, trên bờ sông hôm ấy là hình ảnh cuối cùng tôi còn nhớ được về Bà. Ít năm sau Bà mất. Năm 1952, khi an ninh làng Me đã tạm yên ổn, Cha Mẹ tôi làm lễ cải táng Bà. Các bác và anh chị tôi tìm được mấy chiếc răng long và ít lọn tóc của Bà, an táng theo hài cốt vào chiếc tiểu gạch.

Rời khỏi bờ sông, băng qua làng Hạ Cuông, rồi vượt qua quốc lộ 5, Mẹ đưa chúng tôi ngược lên hướng bắc. Đoạn đường khá xa. Phải vượt qua cánh đồng làng Thái Lai, làng Bình Phiên, mới tới được ga Cẩm Giàng. Thỉnh thoảng, trên đường đi, Mẹ phải cõng em tôi. Tới Cẩm Giàng, trời đã sẫm tối. Sáng hôm sau, chúng tôi đáp xe lửa (miền bắc gọi là tàu hỏa) xuôi về tỉnh lị Hải Dương. Tới giờ này, gần bảy chục năm sau, tôi vẫn không quên được cảm giác sợ hãi khi lần đầu tiên được thấy tàu hỏa. Ngày ấy, tôi mới chỉ là một cậu bé miền quê bảy, tám tuổi, quen sống hiền hòa với chiếc cầu ao buổi trưa im vắng, con đê đầu làng những chiều lộng gió, với tiếng sáo diều vi vu v. v. Vật to lớn nhất di động được, trong trí nhớ tôi, chỉ có những chú trâu hiền lành, chậm chạp. Tàu hỏa lúc ấy còn chạy bằng than đá, tiến vào ga Cẩm Giàng, hung hăng như một con thú khổng lồ, hùng hổ, phì phò những cuộn khói trắng xanh; thỉnh thoảng rít lên những hồi còi lanh lảnh, xoáy vào tai, như muốn xé rách màng nhĩ.

Tới ga Hải Dương, trời đã xế trưa. Cha tôi ra đón ở sân ga. Mẹ bảo chúng tôi chào Cha. Em tôi cứ ôm chặt Mẹ, miệng mếu máo, quay mặt nơi khác. Tôi bước tới, khoanh tay trước ngực: "Cháu chào Bác". Cả Cha lẫn Mẹ đều cười. Mẹ nhắc tôi: "Con chào Bố chứ. Đây là Bố, Các bác là anh của Bố còn ở dưới quê." Cha và Mẹ nói cười, mừng mừng tủi tủi sau hơn ba năm xa cách. Tới ngày hôm đó tôi mới biết Cha đã bí mật nhắn tin về để ba mẹ con chúng tôi thu xếp ra tỉnh đoàn tụ với Cha.

Thị xã Hải Dương năm ấy, 1947, đã dưới quyền kiểm soát của Pháp. Dấu vết chiến tranh tàn phá trải khắp thành phố. Những mái ngói gẫy gục, mốc rêu xanh. Những bức tường loang lổ vết đạn, nám đen khói và những khung cửa cháy dở dang. Cha nói phải tìm mãi mới có căn nhà số 22 phố Hàng Lọng là khá nhất, nóc nhà và tường còn nguyên, chỉ cần mua ít miếng phên cót về làm cửa và mất vài ngày dọn sạch bên trong là ở được. Dạo ấy, trên phố Hàng Lọng, từ sáng tới chiều chỉ lưa thưa chừng mươi người qua lại. Thỉnh thoảng, những chiếc xe nhà binh ồn ào chạy qua, nhả bụi, khói mịt mù. Nhưng chỉ ít tháng sau, sinh hoạt trong thành phố thay đổi nhiều. Người dân thị xã tản cư lánh nạn, lục tục hồi cư, cùng với những người từ tứ phương đến lập nghiệp, hoặc tạm thời trốn tránh chiến tranh nên sức sống của thành phố vươn cao mỗi ngày.

Không biết có phải do ảnh hưởng nghề nghiệp hay chăng, Cha tôi bồn chồn trông ngóng tin tức về ngày khai trường trong thị xã. Có lẽ vì tôi đã gần 8 tuổi mà chưa chính thức cắp sách đến trường. Dù bận mưu sinh, Cha vẫn dành ra những giờ quí báu dạy thêm toán và Pháp ngữ cho tôi. Em trai tôi được học vỡ lòng những bài tập đếm bằng đĩa lạc rang bên chén rượu của Bố. Cuối cùng, ngày đầu niên học 1947-1948, Cha xin cho hai anh em tôi vào trường Nam Tiểu Học Tỉnh lị Hải Dương. Thực ra lúc đó em tôi chưa đủ tuổi đi học, Cha xin cho em học lớp đồng ấu (enfantin, lớp 1). Phần tôi, mới học hết lớp mẫu giáo trường làng và suốt thời gian Cha vắng nhà, không tiếp tục đến trường, được nhận vào lớp sơ đẳng (élémentaire, lớp 3). Ngày ấy, tôi cũng hơi ngạc nhiên không thấy Cha tiếp tục làm nghề dậy học, nhưng không dám hỏi.

Trong khi đó tại căn nhà số 22 phố Hàng Lọng, nhiều bạn hữu của Cha lui tới. Tùy theo tuổi tác, anh em tôi gọi là bác hoặc chú. Nào bác Hội Lược, bác Khai (một cán bộ VN Quốc Dân Đảng từng bị đày ra Côn Đảo), bác Yến, bác Tú, bác Loan (Đại Việt). Nào chú Xe, chú Tiến, chú Thoan, chú Tuấn v.v. Cha tôi và các chú, các bác thân nhau như anh em ruột, đùm bọc che chở nhau. Mỗi lần họp mặt, Cha cùng các bác, các chú lại say sưa nhắc đến những kỷ niệm bị giam ở "mạn ngược." Câu chuyện cảm động nhất là bác Yến phải mang chiếc quần lĩnh trao đổi với thổ dân lấy nửa bánh thuốc lào về chia cho các anh em. Hay những trận đòn thừa sống, thiếu chết, treo lên cây mà đánh – chỉ vì Cha đùa cợt "bác" Hồ có tới 4 con ngươi.

Dạo ấy vì quá nhỏ, tôi không hiểu gì về đảng phái hay cách mạng hoặc không cần tìm hiểu lý do tại sao người ta phải thanh toán những thành phần khác trong liên minh. Tại sao những người như bác giáo Ái bỗng từ thân quen trở thành đối nghịch.

Riêng Mẹ tôi, đã hoàn toàn rời xa nếp sinh hoạt nông thôn. Mẹ không còn cấy lúa, hái dâu, nuôi tầm, kéo tơ. Mẹ cũng không phải lo giắt chúng tôi chạy Tây càn như năm trước. Mẹ đi buôn hàng chuyến trên những xe tải hay xe lửa, ngược xuôi trên trục đường Hà Nội-Hải Dương-Hải Phòng.

Nhưng vừa hết niên học, Cha mang gia đình rời Hải Dương về ngụ tại huyện Cẩm Giàng. Nơi đây, Cha cũng quen biết nhiều người. Bác Chánh Lự dành cho gia đình tôi căn nhà trên phố Cẩm Giàng để Mẹ mở quán tạp hóa. Chú Tưởng, nhà ở gần chợ, giúp Cha liên lạc nơi này nơi kia. Em trai tôi thường xuyên ở nhà với Mẹ, trong khi tôi được theo Cha đến những làng xã quanh vùng, có tên gọi dễ thương như làng Ngọc Quan (tên thường gọi là làng Sen), làng Mậu Duyệt (tên thường gọi là làng Quàn) v.v.

Qua những trao đổi giữa Cha và bạn hữu, hình như Cha đang bị Bộ Chỉ Huy quân sự Pháp ở Hải Dương gây khó khăn vì thái độ không chịu hợp tác, nên phải tạm về đây lánh nạn. Nhưng chỉ một năm sau, năm 1949, Cha lại đưa mẹ con chúng tôi trở ra Hải Dương vì tên chỉ huy Pháp cũ đã thuyên chuyển nơi khác.

Hải Dương năm 1949 đã chuyển mình hồi sinh. Đường phố mang tên Việt. Quốc lộ số 5, đoạn chạy ngang qua thành phố có tên mới Đại lộ Trần Hưng Đạo, nhộn nhịp, sầm uất, không còn mang tên của một tướng người Pháp (Maréchal Foch). Khu phố thương mại như Hàng Lọng, Hàng Đồng, Hàng Bạc, Hàng Giầy v.v. tấp nập ồn ào, người mua kẻ bán.

Gia đình tôi trú ngụ ở căn nhà phía sau số 16 phố Hàng Đồng, có cổng trông ra bờ sông. Bác Tuyển, bạn của Cha, chủ cơ sở làm bánh mì lớn trong thị xã, đề nghị Cha hợp tác lập một trại chăn nuôi bò ở ngoại ô. Cha xin cho chúng tôi trở lại học trường Nam Tỉnh lị. Học sinh đông nhưng trường không đủ phòng học. Có nhiều lớp học phải dùng tạm ở chùa chiền, đền miếu. Còn Mẹ, có một sạp bán hàng tạp hóa ở chợ Tây, ngôi chợ lớn phía sau phố Kho Bạc. Tưởng rằng đã có cuộc sống ổn định từ đây; nào ngờ người Pháp không để Cha yên. Họ lại tìm bắt Cha sau khi Cha nhất định cự tuyệt không làm việc cho họ. Thế là Cha lại phải lên Hà Nội lánh nạn và thỉnh thoảng bất ngờ về thăm nhà, nhưng chỉ chiều tối về, sáng sớm ra đi, và mọi việc trong nhà vẫn do một tay Mẹ quán xuyến.

Mùa hè 1951, một hôm Cha về bàn với Mẹ gửi tôi lên Hà Nội. Nói là bàn, thực ra quyết định của Cha là tuyệt đối. Tôi đã học xong bậc Tiểu Học nhưng không nhớ cảm nghĩ của mình lúc bấy giờ ra sao. Cho dù không muốn rời mái ấm gia đình nhưng vẫn phải tuân lời Cha. Mẹ lấy một va li có sẵn trong nhà để tôi xếp ít quần áo, sách vở, đồ dùng cá nhân, sáng sớm hôm sau theo Cha đi Hà Nội. Vừa phụ tôi xếp va li Mẹ vừa nhắc nhở, dặn dò đủ thứ. Mẹ nói nhiều nhưng tôi chỉ còn nhớ: "Phải cố gắng học nghe con! Bố hứa thỉnh thoảng sẽ cho về thăm nhà."

Tại căn nhà số 48 phố Phạm Hồng Thái Hà Nội, gần cửa Bắc, trong khu vực Quan Thánh-Ngũ Xã, vào một sáng mùa hè, giáo sư và bà Nguyễn Bỉnh Tuyên ân cần, niềm nở đón nhận tôi khiến tôi cảm thấy bớt xa lạ. Trước khi chia tay, câu nhắc nhở của Cha, cả đời tôi về sau cũng không quên: "Học không phải để có bằng này bằng nọ hoặc làm ông này ông kia, mà học để làm người!"

Giáo sư Nguyễn Bỉnh Tuyên có quan hệ rộng rãi ở Hà Thành. Ông được nhiều nhân vật tên tuổi, hoạt động trong nhiều lãnh vực nể trọng. Vai trò ông yêu thích nhất có lẽ là Tổng thư ký Nguyệt San Văn Hóa, có tòa soạn và trị sự đặt tại đền Ngọc Sơn Hà Nội. Ông bà chỉ có một con trai duy nhất, kém tôi sáu tuổi. Với người thường lui tới cũng như trong gia đình, Ông bà Tuyên giới thiệu tôi là con nuôi. Nơi tâm tư riêng, hình như tôi cảm thấy có phần nào hãnh diện, nhưng vẫn gọi ông bà là Bác, như một gia đình người anh của Cha.

Hà Nội những năm đầu thập niên 1950 đang trên đà phục hồi nếp sống chốn ngàn năm văn vật. Không khí ngộp thở âu lo vì chiến tranh đã bị đẩy ra xa thành phố. Ngày đó, mới đặt chân đến Hà Nội, tôi chưa thấy hết được nét quyến rũ, thơ mộng của liễu xanh rủ bóng bên Hồ Gươm, hoặc chưa cảm nhận được dáng điệu tình tứ, lãng mạn, của thanh niên thiếu nữ Hà thành dìu bước, thả bộ hai bên đường Cổ Ngư. Trong trí tưởng của tôi, một cậu học sinh mười hai, mười ba tuổi, ở tỉnh nhỏ lên trọ học đơn giản làm sao! Một ổ bánh tây (bánh mì) ba-tê rắc muối tiêu hoặc một đĩa xôi lạp xường bốc khói buổi sáng, rồi chuyến tầu điện có tiếng chuông leng keng xuôi phía nam. Tầu điện ngừng. Đi bộ vài phút đến trường Minh Tân, trên Đại lộ Trần Hưng Đạo. Và rồi cứ vài tuần được về thăm nhà một lần. Hà Nội đi Hải Dương, xe ca mới, hiệu Renault nuốt đoạn đường 60 km mất hơn một tiếng đồng hồ. Ngược xuôi hàng trăm lần trên đoạn đường này nên những địa danh hai bên, dù đã sáu chục năm qua, tôi vẫn thân quen với những tên gọi Gia Lâm, Như Quỳnh, Bần Yên Nhân, Phố Nối, Mỹ Hào, Phố Gỏi, Ghẽ v.v.

Thời gian đầu, thỉnh thoảng Mẹ lên Hà nội nhưng từ cuối năm 1952, em gái thứ nhất của tôi chào đời, Mẹ bận rộn nhiều. Tôi cũng hội nhập dần vào Hà Nội. Bác Tuyên cho tôi được đi xe đạp, không phải đáp tầu điện đến trường.

Trong lúc ấy, tình hình Bắc Việt có nhiều biến chuyển lớn. Báo chí ở Hà Nội loan tin nhiều về tình hình chiến sự. Hoạt động của Việt Minh tại đồng bằng và mặt trận Quốc lộ 5 cũng gia tăng. Những chuyến xe đưa tôi về thăm nhà bắt đầu uốn mình lúc lắc, qua những hố mìn dài theo đoạn đường 60 cây số. Quân đội quốc gia Việt Nam đã được thành lập. Hàng ngàn sinh viên, học sinh từ Đệ tứ trở lên, tình nguyện vào trường sĩ quan Võ bị Liên quân Đà Lạt, hay động viên vào trường sĩ quan trừ bị Nam Định, Thủ Đức, hoặc các trường huấn luyện cấp tốc dành cho hạ sĩ quan cùng binh sĩ. Báo chí cũng đưa tin về các hội nghị giữa Pháp và Việt Minh.

Cha đã rời Hà Nội về Kẻ Sặt để tiếp sức với Bác Tường, người bạn tù và cũng là anh họ của Cha, chỉ huy một đơn vị phụ lực quân tới ngày ký Hiệp Định đình chiến Genève 20-21/7/1954. Đây là hiệp định quân sự ký giữa Pháp, lãnh đạo khối Liên Hiệp Pháp, và Việt Minh, tức chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thành lập từ tháng 3 năm 1946. Ngày ấy, trí óc của tôi chỉ ghi nhớ được một điều là sau khi thua trận Điện Biên Phủ ở Tây Bắc, Pháp chịu chia cho Việt Minh một nửa đất nước ở miền Bắc, với ranh giới tạm thời là sông Bến Hải, ngang vĩ tuyến 17. Người dân hai miền có quyền chọn lựa ra bắc hoặc vào nam sinh sống trước khi tiến hành tổng tuyển cử trên cả nước. Nhưng theo dư luận chung ở Hà Nội ngày ấy là các siêu cường đã quyết định có hai nước Việt Nam, một theo phe Tự Do của Mỹ, một nằm sau bức màn tre Cộng Sản.

Mùa Hè 1954, Bác Tuyên cho phép tôi về nhà. Trong những ngày tháng tiếp đó, gần một triệu người, trong đó có gia đình tôi, bỏ lại mọi thứ, gạt nước mắt di cư vào phía nam vĩ tuyến 17, hy vọng dựng lại cuộc sống từ đầu. Trước ngày rời Hải Dương, Cha nhận được thư của bác giáo Ái, không biết lúc đó giữ chức vụ gì, khuyên nên ở lại, bảo đảm sẽ được ưu đãi. Cha chỉ cười nhạt, không ngần ngại trả lời "đem thảm đỏ và chiếu hoa trải từ Hải Dương về quê, Cha vẫn phải đưa gia đình vào Nam."

Trước khi lên đường, Cha khá bận rộn lo di tản đơn vị. Mẹ và ba anh em tôi xuống Hải Phòng, tạm trú tại nhà bác Bái, bà con trong họ, ở phố Tám Gian, chờ Cha về đón. Chừng nửa tháng sau, Cha xuất hiện. Hai mắt Cha tím bầm. Mẹ giã củ nghệ, gói vào một miếng vải, nhúng trong chén rượu trắng đã đốt nóng rồi chườm lên mắt Cha. Bác Bái và Mẹ gặn hỏi, Cha cho biết bị Pháp bắt và thẩm vấn vì tin lời tên Tây lai làm phòng nhì, báo cáo sai lạc việc Cha cung cấp vũ khí cho bác Khai lập chiến khu Đông Triều. Cuối cùng cả đơn vị của Cha sát nhập vào một Tiểu đoàn Khinh Quân, chuẩn bị di cư vào Nam.

***

Chiến hạm Mỹ mang tên General Howze thả neo ngoài khơi cảng Đà Nẵng. Lại những chiếc tầu há mồm đưa đoàn người di cư vào bờ. Những túp lều lớn, bằng vải bạt dựng trên bãi cát trắng, nóng bỏng ở Mỹ Thị, gần cửa biển, làm nơi tạm trú. Những người di cư đến Đà Nẵng, tập trung đông nhất ở khu bãi biển Thanh Bình và bán đảo An Hải-Sơn Trà. Trong khi chúng tôi ngỡ ngàng trên vùng đất mới, Cha tìm cách ổn định đời sống gia đình vì không muốn anh em tôi gián đoạn việc học hành.

Mặc dù gần một triệu người miền Bắc di cư không bị "tàu há mồm" đổ xuống biển làm mồi cho cá như Việt Minh tuyên truyền, nhưng chính quyền miền Nam lúc ấy không có những biện pháp giúp đỡ hữu hiệu. Chỉ một số các gia đình rời miền Bắc theo tổ chức của các linh mục Thiên Chúa Giáo là được quan tâm giúp đỡ tích cực, qua văn phòng Tổng Ủy Di Cư. Phần lớn các gia đình khác phải tự lực mưu sinh. Chỉ sau thời gian ngắn, Mẹ có một tủ kính lớn và kệ gỗ, bán tạp hoá trong căn nhà tranh, dưới tàn rộng của cây đa cổ thụ, gần bến phà An Hải. Thị xã Đà Nẵng bên kia sông, dạo ấy, cuối năm 1954, đầu 1955, còn nhiều con đường cát, chưa tráng nhựa. Buôn bán nhộn nhịp ở khu chợ Hàn và chợ Cồn. Riêng Cha, lại rong ruổi theo đơn vị xuôi dần vào phía nam, ba bốn tháng mới về thăm nhà ít ngày. Có những thư Cha gửi về, viết từ miền đất xa lạ như Tam Quan, Sa Huỳnh, Trại Bí, Bến Súc, Tà Keo v.v.

Vì các lớp học khai giảng đã lâu, chỉ còn ít tháng là tới hè nên em tôi, dù đã học xong niên khóa Đệ Thất trường Nguyễn Bỉnh Khiêm Hải Dương phải học lại lớp Đệ Thất (lớp 6) trường trung học công lập Phan Châu Trinh. Trường hình như mới xây cất; một dãy nhà có chừng bốn năm lớp học, mái ngói đỏ, tường quét vôi vàng, nằm phơi mình giữa bãi cát vuông cạnh, mỗi chiều khoảng hơn 100 mét. Riêng tôi, tìm không ra một trường trung học tư nào tại Đà Nẵng. Cuối cùng có người giới thiệu đến một căn nhà chiều ngang khoảng 5m, phiá trước có hiên và một khoảng sân nhỏ tiếp giáp với lề đường. Một bức tường ngăn giữa nhà phân chia phòng học phía trước với phần còn lại ở đằng sau. Thành phần giáo sư có 3 người, chỉ dạy những môn chính và đặc biệt giáo sư yêu cầu chúng tôi gọi là Anh. Anh Du dạy Pháp văn, Anh Đức dạy toán và Việt văn. Anh Nghệ, lý hóa ... Tôi có cảm tưởng đây là một gia đình hơn trường học. Nhưng nó là tiền thân của trường Tây Hồ khang trang sau này. Tính ra vì thời cuộc tôi bị trễ mất mấy năm học. Tới niên khoá 1955-1956, có vài tư thục được xây cất như Phan Thanh Giản, Nguyễn Công Trứ v.v. Tôi ghi danh lớp Đệ Tứ (lớp 9) tại Phan Thanh Giản. Đây là một tư thục có cơ sở quy mô nhất tại Đà Nẵng thời ấy. Cuối năm 1955, Mẹ sinh thêm em gái thứ hai. Dù Cha thường vắng nhà, Mẹ vẫn một mình chu đáo lo cho đàn con bốn đứa.

Mùa hè 1956, học hết Trung Học Đệ Nhất Cấp, tôi không ra Huế vì không có người quen ở đó. Cha gửi tôi vào Sài Gòn, ở trọ nhà người Bác họ (lại trọ học), ghi danh học lớp Đệ Tam B (lớp 10) Tư Thục Hàn Thuyên ở đường Cao Thắng Sài Gòn, đối diện rạp hát bình dân Đại Đồng. Trường Hàn Thuyên là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm trong đời học sinh của tôi. Ngày tôi rời Đà Nẵng, Mẹ không lo về việc học hành nhưng không yên tâm về cuộc sống của con trai ở chốn Sài Gòn xa xôi. Sau nhiều bàn tính, cuối cùng, đầu mùa hè 1957, Cha đồng ý để Mẹ và hai em gái vào Nam, còn em trai tôi tiếp tục học ở Đà Nẵng đến hết trung học Đệ nhất cấp.

***

Đầu năm 1958, Cha được trở về đời sống dân sự sau một thời gian đi khai khẩn vùng đất gần biên giới Việt Miên. Gia đình tôi cư ngụ trong trại định cư Bác Ái, gần ngã tư Cây Quéo, ở cuối đường làng 21, sau đổi tên thành đường Hoàng Hoa Thám, thuộc quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Một con đường đất gồ ghề, lồi lõm nối từ đường làng 21 vào trại (sau, mang tên đường Nguyễn Thượng Hiền). Mùa khô đi lại đã không thoải mái, mùa mưa thực vất vả, nhất là lúc tối trời. Dạo ấy, ánh sáng đèn điện chưa vào tới trại. Người ta phải dùng đèn dầu hôi hay nến (đèn cầy). Nhà khá giả thì dùng loại đèn măng-sông, ánh sáng xanh biếc như đèn nê-ông. Đôi lúc tôi tự hỏi không biết nguyên do nào gia đình tôi lại trôi giạt đến trại định cư nghèo nàn này? Cha đã làm gì để bị Việt Minh bắt, rồi Pháp bắt. Và chính quyền hiện tại ghi vào sổ đen, theo dõi, bám sát. Hình như nhìn thấu được những băn khoăn thắc mắc của vợ con nên nhân bữa cơm đầu tiên trong căn nhà ở trại Bác Ái, Cha cảm khái nói Cha chẳng có gì phải ân hận, và Cha chỉ có một tội là "tội yêu nước".

Phần Mẹ, từ ngày rời nếp sống nông thôn ở miền Bắc, hình như mắc nợ với nghề "tạp hóa". Lần này Mẹ tách một góc trước căn nhà gỗ làm tiệm tạp hóa. Gian sau lớn hơn, Cha mở lớp học, dạy con em các gia đình trong xóm và người quen. Thế là gần hai chục năm sau, Cha mới trở lại nghề xưa. Phần đông những người định cư trong trại Bác Ái còn nghèo, đời sống khó khăn không có tiền trả học phí. Thời gian đầu, thu nhập rất khiêm nhường, không đủ chi dùng trong gia đình. Thế nên một tháng, vài ba lần, Mẹ phải buôn hàng chuyến bằng đường xe lửa Sài Gòn-Nha Trang và ngược lại. Nhưng đến mùa Xuân 1960, em gái út của tôi chào đời, Mẹ không có nhiều thì giờ để đi buôn đường xa nữa. Mẹ chuyển sang gói bánh chưng, bánh giò bỏ mối. Mẹ bảo gói bánh chưng đơn giản, gói bánh giò khó nhất là pha bột. Không biết ai đã chỉ cho Mẹ bí quyết pha bột làm bánh giò. Trong số những người nhận bánh đi bán dạo, có bạn cũ của Cha ở Hà Nội, Nam Định – những người từng một thời mong "có danh gì với núi sông". Giống như Cha, hồ sơ các bác các chú được tóm lược bằng những bản án giả mạo của Việt Minh, Mật thám Pháp, hoặc báo cáo, phúc trình sai lạc có chủ ý từ công an, mật vụ, an ninh quân đội của chính quyền đương thời.

Việc dạy học của Cha mỗi ngày một tăng uy tín và được các phụ huynh tin tưởng, đặc biệt các em thi vào Đệ Thất (lớp 6) các trường công lập nổi danh như Chu Văn An, Trưng Vương. Hầu như năm nào cũng 100% trúng tuyển. Có những gia đình ở xa như Khánh Hội, Hòa Hưng, Lăng Cha Cả, Thị Nghè v.v. đưa con đến xin học. Tuy thế, cuộc sống của gia đình 7 người vẫn chật vật, eo hẹp. Nhớ lại những năm đầu thập niên 1960, trong khi tôi ghi danh tại các phân khoa tự do, ít tốn kém, em trai tôi học PCB (Lý Hoá Sinh) rồi thi đậu vào lớp Dự bị y khoa (APM), rất cần có chút tiền để mua sách, tài liệu và dụng cụ thực tập. Chỉ để em có tiền mua bộ sách sinh động vật (Biologie Animale) của Aron và Grassé, Mẹ phải gom góp trong nhà và vay mượn thêm mới đủ 700 đồng. Để có thêm thu nhập cho gia đình, lớp học của Cha ở nhà được mở thêm lớp Toán Lý Hóa luyện thi Trung Học Đệ Nhất Cấp (Phổ Thông Cơ Sở) do hai anh em tôi phụ trách. Hình như em tôi không có duyên với ngành y. Sau khi đậu phần thi viết năm học APM, một giảng nghiệm viên phụ tá phòng thí nghiệm, vì tư thù nhỏ nhen làm em tôi không được lên học năm thứ nhất trường Y. Em tôi có nhiều "trăn trở", muốn bỏ giảng đường để đi "nhận diện quê hương". Năm 1963, tuổi đời vừa quá đôi mươi, em tôi đi khóa 16 trừ bị Thủ Đức, trở thành Sĩ quan Pháo Binh tại vùng IV Chiến thuật, và rồi xin chuyển qua binh chủng Nhảy Dù. Khoảng giữa thập niên 1960, cuốn ký sự chiến trường "Đời Pháo Thủ" mà em tôi là tác giả, được nhiều người đọc, đặc biệt là các chiến sĩ Pháo Binh thưở ấy đón nhận nồng nhiệt.

Vài năm sau, tình hình đất nước thay đổi nhiều. Tôi cũng nhận được lệnh gọi nhập ngũ, vào học trường Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức. Hầu hết thanh niên miền Nam thời đó đều ở trong quân ngũ. Mặc dù hai con trai của Mẹ nay đã là Sĩ quan trong quân đội nhưng thực xấu hổ, tiền lương hàng tháng nuôi bản thân không đủ, làm sao giúp đỡ Cha Mẹ. Dẫu sao gia đình cũng bớt được hai "miệng ăn". Trong khi Cha Mẹ và ba em gái còn nhỏ, sống thanh bần ở thành phố, hai anh em chúng tôi bị cuốn hút vào dòng đời, quay cuồng trong một xã hội nhiều xáo trộn. Tuy nhiên, dần dần, ít năm sau cuộc sống trong gia đình đã tạm ổn định.

Nhưng rồi cơn "hồng thủy" ngày 30 tháng 4-1975 tràn đến, cuốn đi tất cả. Cha ít nói và uống rượu nhiều hơn. Mẹ, trước cảnh gia đình ly tán, khánh tận, phải cùng hai cô em buôn thúng bán bưng qua ngày. Không riêng gia đình tôi mà cả hàng triệu người lâm khổ nạn trong cảnh đổi đời.

***

Vì là Sĩ quan của miền Nam, gốc Bắc di cư, tôi bị đưa đi tù "cải tạo" ở miền Bắc, trong một trại giam dưới chân núi Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Yên. Được tin tôi bị thương nặng khi lao động cải tạo, Mẹ lặn lội từ Sài Gòn ra thăm nuôi. Thấy tôi trong hoàn cảnh đáy thẳm vực sâu, Mẹ xót thương nhưng không rơi nước mắt mà còn âu yếm an ủi "May quá! Chỉ bị thương ở chân. Còn sống là phước đức lắm." Lúc ấy, dù đã ngoài bốn mươi, tôi thấy mình như thưở nào, còn trong vòng tay đùm bọc, chăm sóc của Mẹ, xúc động không ngăn được dòng lệ. Biết tù nhân chúng tôi làm gì có được những ngày no bụng, Mẹ thường hỏi muốn ăn gì Mẹ mua. Không suy nghĩ đắn đo, tôi chỉ xin Mẹ mua cho tôi xôi và chè. Tôi sinh bệnh thèm đường lúc nào không rõ. Trong trại giam, lâu lâu mới nhận được một gói quà không quá 3 cân từ miền Nam, món trân quí nhất luôn luôn là đường. Sau 1975, đường trắng hầu như biến dạng. Gói đường chúng tôi nhận được thường là đường cục, màu đất nâu, hình trái cật. Nhưng bọn tù chúng tôi suýt soa khen nó có màu hổ phách, dễ thương và đáng yêu vô vàn. Khi tiếng kẻng báo hiệu giờ ngủ, có anh em hồi hộp, nín thở nằm trong mùng (màn) nhẹ nhàng thanh toán nhanh gọn hết cân đường "hổ phách", dù sáng hôm sau phải lên y vụ khai bệnh.

Suốt thời gian ở Vĩnh Yên, ngày nào Mẹ cũng mua một gói xôi, hôm thì xôi đậu xanh, hôm xôi gấc v.v và một ca chè. Thỉnh thoảng Mẹ mua cái đùi và bộ lòng gà đã luộc chín. Dạo ấy, tôi tin Mẹ chính là phép lạ đã nuôi người tù được no bụng. Không những Mẹ cho ăn no mà còn đem theo từ miền Nam biết bao tin nhà mà tôi trông ngóng. Từ sức khỏe của Cha, nay đã khá nhưng không uống được nhiều rượu nữa. Các em vẫn ngoan. Đăc biệt vợ tôi, dù vắng tôi vẫn chăm sóc các con đầy đủ và chấp nhận sống khổ cực ở Sài Gòn, không đi vùng kinh tế mới vì không dám tin là chính quyền sẽ phóng thích những người tù, nếu gia đình đi sinh sống tại vùng xa xôi ấy. Ấm lòng hơn nữa là hai em tôi ở bên Mỹ, tuy vẫn còn đi học, thỉnh thoảng cố chắt chiu gửi "thuốc bổ"về cho Bố Mẹ.

Mẹ cũng tế nhị, không bao giờ hỏi tôi về cảnh sống trong trại giam, chỉ khuyên tôi giữ gìn sức khoẻ tốt và nhờ phước đức của tổ tiên, nhờ ơn Trời Phật, thế nào cũng được về. Có lần tôi kể Mẹ nghe, tôi đã nằm mơ thấy Cha từ trần, lại còn mơ thấy cả hình ảnh lúc cử hành tang lễ. Mẹ thản nhiên gạt đi, "Ôi! Mơ ta ra người! Giải chiêm bao tốt lành!" Để tôi yên lòng hơn, Mẹ thêm: "Bố cũng muốn ra thăm anh, nhưng không thể ép lòng lên công an địa phương xin giấy phép. Ngày Mẹ ra đây, Bố còn dặn là cứ yên tâm, con khỏi rồi, Mẹ về cũng được. Nhà đã có các em lo." Mẹ lại cười, vẫn nụ cười tươi và đen nhánh.

Ba tuần lễ trôi qua. Tôi ngỏ ý Mẹ nên về Sài Gòn để nhà biết tin về tôi và Mẹ nhớ nói khéo để mọi người đừng lo lắng. Mẹ do dự, chưa muốn về nhưng cuối cùng, một sáng cuối thu, tôi chống nạng tiễn Mẹ ra tận cổng lớn của bệnh viện. Tôi nhìn theo Mẹ một hồi lâu. Mẹ không ngoảnh lại, rảo bước trên con đường đất thẫm nâu, dẫn đến ga Vĩnh Yên. Hai bên đường, ruộng lúa vừa mới gặt, xám lạnh. Xa xa, những rặng núi còn mù khuất sau màn sương buổi sớm.

"Anh Triệu! Vào thôi!" Tôi giật mình quay lại. Người công an vũ trang mặc thường phục đứng phiá sau tự bao giờ. Suốt buổi sáng còn lại, tôi miên man nghĩ đến Mẹ và đoạn đường rong ruổi hơn ngàn cây số xuôi Nam. Tấm thân gầy đã ngoài sáu mươi, vì sao chưa được an hưởng tuổi già? Trưa hôm ấy, những suy tư mông lung dằn vặt, nặng trĩu, níu tôi nằm lại trong phòng điều trị, không lên phòng ăn của bệnh viện.

"Anh Triệu! Có thân nhân đến thăm." Tôi nhíu mày ngơ ngác, khi nghe anh công an thông báo. Hai người chị họ, chị Viễn và chị Song, vừa xuất hiện ngay cửa phòng. Chị Viễn là con Bác Cả, anh lớn của Cha. Chị Song là con dâu người chị của Cha. Ngày đất nước bị chia đôi, mùa hè 1954, các chị và gia đình kẹt lại ở miền Bắc. Hai chị nhờ có quan hệ tốt, xin được giấy phép, lặn lội từ quê lên thăm tôi. Đến trại giam, dưới chân núi Tam Đảo, được thông báo tôi đang đều trị tại bệnh viện, hai chị đi bộ hơn hai chục cây số, quay ngược lại Vĩnh Yên và không ngờ rằng Mẹ tôi mới rời Vĩnh Yên sáng đó. Trong khi các chị lấy từ giỏ xách những món quà mang theo, tôi đặc biệt chú ý đến vành khăn trắng quấn trên đầu hai chị.

"Hai chị đội khăn đẹp, để tang ai vậy?" tôi hỏi.

"Ô hay! Ông chú mất rồi, em không biết à?" Chị Viễn trả lời, rồi tiếp: "Mới cúng 49 ngày tháng trước. Chị có vào trong đó."

Chị Song xen vào: "Thôi chết! Bà dấu em. Bây giờ nói ra, Bà sẽ trách các chị thôi."

Cổ họng tôi như chừng mắc nghẹn. "Không sao đâu chị." Tôi nghe giọng mình ẩm nước mắt. "Mẹ em không muốn em buồn, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay."

Mi mắt tôi cộm nhức, nhớ đến lời giải đoán của Mẹ về giấc mộng của tôi. Không ngờ theo sau quan tài Cha, thiếu cả hai cây gậy tang.

***

Ngày tôi được phóng thích, ngồi xe "ôm" từ ga Bình Triệu về nhà. Trời tối, cảnh vật lại thay đổi nhiều, phải dừng lại lần thứ ba mới đúng là nhà mình. Cánh cửa ra vào đã đóng kín. Ánh điện yếu ớt hắt qua khung cửa sổ. Mẹ tôi ngồi quay lưng ra ngoài, mặt hướng lên bàn thờ nhỏ, có hình Phật, treo lưng chừng trên tường ngăn cách với phần căn nhà phía sau. Tôi ngập ngừng, cố trấn tĩnh, ghé sát cửa sổ: "Mẹ ơi!"

Mẹ giật mình, ngơ ngác, nhìn bên phải rồi bên trái.

"Mẹ ơi! Con Triệu đây! Con về rồi!"

Mẹ tôi đứng phắt dậy, vội vàng ra mở cửa. Vừa dìu tôi vào, Mẹ mếu máo gọi vọng ra phía sau nhà: "Mẹ con thằng Ti đâu? Bố mày được thả về rồi!"

Vợ tôi và hai đứa con trai lớn từ sau nhà chạy lên. Đứa con lớn đỡ cặp nạng gỗ, dựng vào góc nhà. Mẹ và vợ tôi, những nụ cười gượng gạo, nước mắt lưng tròng, dìu tôi ngồi xuống chiếc ghế dài.

"Chân anh có sao không?" Câu đầu tiên, vợ tôi hỏi, mắt không rời bàn chân tôi.

Chưa kịp trả lời, Mẹ lên tiếng: "Trời Phật phù hộ! Thật là phước đức, con được về nhà là mừng rồi."

Vài phút sau, con gái tôi và hai con trai nhỏ, bị đánh thức dậy, còn ngái ngủ, ngỡ ngàng lại ngồi gần tôi. Tôi ôm đứa con út đã mười tuổi, nhớ lại ngày bị đi tù, nó mới bi bô học nói. Tôi nghĩ đến công khó của vợ tôi trong thời gian qua, trải bao gian khổ; lòng xót xa và tự trách đã "trở về trên đôi nạng gỗ," và trở về trong tư thế "bại tướng cụt chân." Rồi hai cô em gái, từ trên lầu xuống, cũng vui mừng thăm hỏi.

Con trai lớn tôi đã nhanh chân, chạy sang bên Ngoại báo tin. Căn phòng khách nhỏ bỗng chật ních người. Tiếc rằng Cha đã qua đời. Nếu còn sống, với tính nghiêm khắc sẵn có, liệu Cha có quở trách, rằng tôi đã không quyết định đúng nên hậu quả tai hại khôn lường? Giữa lúc cảnh xum họp đoàn tụ còn tưởng như trong mơ, anh công an khu vực xuất hiện, lạnh lùng yêu cầu tôi sáng hôm sau lên phường trình diện.

Niềm vui mừng được phóng thích, được xum họp với gia đình rồi cũng qua mau. Tôi phải đối diện với thực tế, nhất là phải chữa trị tiếp bàn chân bị thương và tính đến việc chia bớt gánh nặng của vợ con tôi. Dĩ nhiên có chồng, có cha ở bên cạnh, không khí gia đình đầm ấm hơn và cuộc sống bớt "vất", bớt "căng" nhiều.

Thế rồi, tôi đã làm một số nghề không có chọn lựa khác như làm ông "bán nước" sâm ở lề đường, ông "bánh giò" bán rong trong các ngõ hẻm. Không ngờ có ai đó chỉ Mẹ cách pha bột làm bánh giò hơn hai mươi năm trước, thực hữu dụng đối với gia đình tôi trong cảnh đổi đời này! Nhưng bán nước ở lề đường cũng không yên thân. Thỉnh thoảng công an đi dẹp lòng lề đường, chân đau, đẩy xe nước sâm vào ngõ hẻm không kịp, công an đưa người và xe về đồn, hăm dọa rồi bắt nộp phạt. Còn bán bánh giò cũng không kéo dài được lâu vì "ông bánh giò giờ đây già yếu lắm! ..." Cuộc sống của gia đình cứ đi dần vào ngõ hẹp, không một ánh sáng ở cuối đường hầm.

Bất ngờ, như có phép lạ, cả gia đình chúng tôi may mắn được di dân qua Mỹ vào cuối mùa Xuân 1990. Dù đã gần 20 năm qua, thật khó quên cái cảm giác khi nghe tiếng bánh phi cơ chạm xuống phi đạo ở sân bay Bangkok. Tôi thầm nhủ với mình, trong tiếng thở dài nhẹ nhõm pha chút ngậm ngùi, thoát rồi – thực sự thoát rồi. Không còn nỗi lo sợ phi cơ được lệnh quay trở lại. Dù đó là quê hương tôi, quê Cha đất Tổ dấu yêu.

Mẹ và hai cô em gái cũng được chấp thuận qua Mỹ, đoàn tụ gia đình, cùng chuyến bay. Lúc ấy Mẹ đã 73 tuổi. Nụ cười của Mẹ vẫn tươi và đen nhánh như ngày nào.

Tuy sống tại Mỹ, không khí trong lành hơn, sức khoẻ được chăm sóc tốt hơn lại có các con cháu ở gần nhưng Mẹ không quên được đất nước, quê hương. Đời sống ở đây hối hả, chạy đua với thời gian. Chưa làm được việc gì đã hết ngày. Rồi một tuần, một tháng và một năm qua mau. Thấm thoắt gia đình tôi sống trên xứ lạ quê người đã gần hai chục năm. "Đàn con năm đứa" của Mẹ nay đã ổn định, yên bề gia thất. Di cốt của Cha cũng đã chuyển sang Mỹ, an vị trong bảo tháp thường xuyên nhang khói. Người ta bảo rằng nước Mỹ không thích hợp với các cụ già Việt Nam nhưng Mẹ không có ý định về sống ở quê hương.

Từ ngày rời đất Việt, Mẹ về thăm quê hương được một lần. Luật tạo hóa không miễn trừ ai cả. Mẹ ngày một yếu, không thể ngồi liên tục trên máy bay suốt chặng dường dài hai chục tiếng đồng hồ. Nhưng các con cháu vẫn thường chở Mẹ đến những khu thương mại tập trung đông người Việt hoặc chở Mẹ lên chùa, vào "thăm" Cha trong bảo tháp. Mẹ được gặp những đồng hương, được nghe những tiếng chào hỏi thân quen. Mẹ lại được tụng kinh, niệm Phật. Câu kinh, tiếng kệ hòa lẫn tiếng chuông ngân nga tưởng như khi còn ở quê nhà. Buổi chiều, con cháu đến đón về, niềm vui hàn huyên, tâm sự với các đồng hương, đồng đạo vẫn còn phảng phất trong nụ cười, vẫn nụ cười tươi và đen nhánh.

Nhưng tôi nghĩ, lần Mẹ cười tươi và rạng rỡ nhất trong đời, là ngày lễ vu quy của cô em gái út, ngày mà Mẹ mong đợi từ lâu. Hôm ấy, Mẹ cười tươi hơn ngày dự lễ tốt nghiệp của em, tại trường y khoa ở Galveston ít năm trước. Những người thân quen hay bạn của Mẹ thường nhắc lại lời chúc mừng "Lo cho cô út xong là cụ khoẻ rồi!"

Vẫn giọng quen thuộc, Mẹ nhẹ nhàng "Cũng nhờ phúc đức và nhờ ơn Trời Phật."

***

Đã có hàng trăm, hàng ngàn bài viết, bằng đủ thứ ngôn ngữ, đủ thể loại, tự cổ chí kim, để nói về bậc Từ Mẫu – niềm kiêu hãnh và an ủi ngàn đời của những người con.

Nhưng hình như chỉ sau khi Mẹ qua đời, người ta mới nghĩ nhiều, mới viết nhiều về Mẹ. Có những bài thơ, bản nhạc nói về đấng Mẹ hiền, tôi đã đọc, đã nghe từ năm, sáu chục năm, tới thời điểm này, vẫn còn tràn đầy rung động, bồi hồi. Ngặt nỗi, tôi không biết làm thơ; từ thưở bé đến giờ, chưa làm được một câu thơ. Tôi lại dốt về nhạc và chưa từng mơ tưởng đến việc soạn một nhạc khúc. Bởi thế, hơn một lần tôi băn khoăn tự hỏi mai kia Mẹ về cõi Phật, cõi Tiên, làm sao có thơ, có nhạc để cúng lễ lên Mẹ. Hơn nữa, thực chăng có cõi Tiên, cõi Phật? Khi đã về trên cao đó, liệu Mẹ có đọc, có nghe được lời tôi? Bởi vậy, tôi đã quyết tâm viết về Mẹ, gói ghém trọn vẹn niềm yêu quí, kính trọng và biết ơn của chúng tôi khi người còn hiện diện trên trần thế.

Chín mươi năm đời mẹ, và 70 năm đời tôi không thể gọi là ngắn. Những tao ngộ, truân chuyên của Mẹ Cha và gia đình tôi khó gói gọn trong vài mươi trang. Nhưng tôi vẫn cố gắng sơ lược lại sự hy sinh của Mẹ – cũng như hàng triệu bậc Từ Mẫu Việt khác – trong một thời khoảng mà không ít người phải nấu cơm bằng nước mắt, chỉ biết viện dẫn phúc đức như một chiếc phao cấp cứu, một biện luận cho những đổi dời, dâu bể trong một xã hội đại loạn.

Đại đa số chúng ta đều có niềm kiêu hãnh riêng về bậc sinh thành. Mẹ anh, Mẹ tôi, Mẹ chúng ta đều là những thiên thần có thực, trong mỗi cuộc sống. Những cánh thiên thần huyền diệu đã đưa chúng ta vượt thắng những sạn đạo của một quê hương đã sinh tồn, vững mạnh dần sau ngàn năm lịch sử thành văn, thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, gia đình này sát cánh bên gia đình khác. Mẹ tôi, Mẹ anh chị, Mẹ chúng ta đều xứng đáng được dâng hiến những lời tạ ơn mà chữ nghĩa đôi khi trở thành bất lực để diễn tả.

Cao quí biết bao những bậc Mẹ Việt Nam. Nên dù chỉ đơn sơ trong mươi trang giấy, tôi vẫn nỗ lực hoàn tất bài viết này. Gửi đăng báo và chính mình thu âm vào băng nhựa, chuyển đến Mẹ, như một món quà Tết nhỏ bé. Hy vọng rằng Mẹ, ở tuổi 92, chấp nhận những lời tri ân của đàn con về công sinh thành, dưỡng dục. Có người nào đó đã nói rằng: "Nếu không làm được ngôi sao sáng trên trời thì hãy làm ngọn đèn tỏ trong nhà." Làm sao sáng chắc không nổi, nhưng làm ngọn đèn tỏ liệu có được chăng? Dù gì đi nữa, Mẹ vui khi nghe chính con viết và đọc bài này là con hãnh diện và mãn nguyện lắm rồi. Nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Bảy mươi tuổi, cháu nội ngoại đã có, con muốn thưa lên Mẹ một câu thôi: "Cầu xin Mẹ được trường thọ để thấy các con, cháu của Mẹ Cha đều đã nên Người".

 

Triệu Vũ
(Houston TX)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 52790)
“Kính gửi chị…..Tạp chí Văn đã đình chỉ đã vài tháng rồi nhưng chúng tôi chưa thông báo cho độc giả kịp. Thành thật xin lỗi chị”. Một cảm giác hụt hẩng và bàng hoàng xâm chiếm hồn tôi. Một mất mác vô cùng lớn bỗng làm tôi xốn xang như tôi vừa đánh mất một điều gì quí giá trong cuộc đời mình...
27 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 52392)
T háng 3 năm 75, cái hiền hòa thơ mộng của thành phố Nha Trang đã biến mất. Đà Nẵng đã thất thủ, dân và lính từ Kontum, Pleiku đang ào ạt đổ về thành phố biển. Thành phố bụi bặm và đông nghẹt người di tản với khuôn mặt ngơ ngác lo âu, những chiếc xe M-113 phủ lá cây ngụy trang từ Tây Nguyên ầm ì chạy vào thành phố và ngồi sau những khẩu đại liên là những người lính mệt mỏi đăm chiêu.
12 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 53135)
K hi nói tới kinh nghiệm làm việc với ông Chu Tử, một chi tiết chợt bật ra trong đầu mà đã từ lâu tôi quên bẵng đi mất. Đó là việc làm “ghost writer” cho người tự nhận đã bắn ông Chu Tử năm 1966, vào một giai đọan có thể nói là một trong các thời kỳ chính trị nhiễu nhương nhất của Việt Nam Cộng Hoà.
30 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 61720)
“… (Bệnh viện) Ung Bướu VN đã làm một điều quá tàn nhẫn với em là chuẩn đoán sai và phẫu thuật cẩu thả. bây giờ, mỗi khi nhìn xuống ngực mình là em rớt nước mắt. không biết nó đã cứu em hay đã giết chết em bằng 1 cách nào đó. em rất muốn gặp 1 người phụ nữ mất ngực để hỏi xem bằng cách nào mà họ vượt qua nỗi đau đó mà sống yên vui. em chưa thể...” ...Từ chỗ nằm gần như suốt ngày đêm, thư của Trang khiến tôi bật dậy..
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 64844)
Đ àn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi...
22 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 107882)
T ôi đến thăm anh một chiều mưa Huế. Nói chính xác là một chiều mưa rằm Huế. Trời xầm xì và mưa lách nhách. Lá cây ướt đầm...
22 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 104641)
K hi tôi viết những dòng chữ này, thì ở Nam California gia đình và thân hữu của nhà văn Nguyễn Mộng Giác đang tiến hành những nghi thức cuối, tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Trước đây gần hai năm cũng tại địa điểm này, cũng những thân hữu này, đã tiễn đưa nhà văn Cao Xuân Huy trong chuyến đi chót cùng của đời anh. Nguyễn Mộng Giác là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút đầu tiên và Cao Xuân Huy là chủ nhiệm kiêm chủ bút cuối cùng của tạp chí  Văn Học ...
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 106492)
N guyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Định, trong một gia đình gồm 7 anh chị em. Ông là người con thứ hai. Cha ông, một nhà giáo trong thời Pháp thuộc, thưở nhỏ ông cắp sách theo cha đi nhiều nơi vì thời gian đó nhà giáo luôn được thuyên chuyển công tác liên tục. Ông thừa hưởng nếp sống mô phạm từ cha mình.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 87073)
T ôi thật sự muốn viết đôi dòng tưởng nhớ anh Nguyễn Mộng Giác nhưng ngày qua bốn ngày, vẫn không viết được gì. Nhớ rất nhiều chuyện. Nghĩ rất nhiều chuyện. Âm ỉ âm u.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 89992)
T háng 10, năm 1999, lần đầu tiên tôi gửi bài cho báo Văn Học. Gửi thử thôi. Không có hy vọng báo đăng. Một vài cây viết kỳ cựu trước 1975 bảo tôi, Văn Học, Văn “tuyển” bài lắm. Có người còn dọa, làm thơ phải biết “nhậu”, viết văn phải biết xã giao, phải có quen biết, có gửi gắm,… Đóng cửa như tôi thì viết có mà để giun dế đọc.