- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nỗi Xôn Xao Không Mầu

06 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 95279)


ttt-nxxkm_0_300x231_11.
Âm nhạc. Vòng tay ôm thân ái. Biết lúc nào phải vỗ về nỗi đau. Hiểu thế nào sự nhớ mong chân thành. Âm nhạc, buồn như lòng ta đó.
***
Ấm áp là khi đứng trú dưới mái hiên. Nghe tiếng dương cầm của em réo rắt xuyên qua mưa, gởi qua gió. Từng nốt. Từng nốt xa vắng nhưng tha thiết. Gõ xuống tâm hồn anh, nỗi xôn xao không mầu (anh nói thế và cũng quên mau như thế). Hình như trong suốt mùa Hạ chỉ có ngày mưa năm ấy là khác thường. Những ngón tay run cầm cập đỡ lấy tờ nhật trình lem nhem chữ. Tóc ướt. Rối. Những lọn cong cong. Lạnh. Rất lạnh. Bài thơ bảy chữ của anh, đăng trên báo sáng nay, em cẩn thận cất vào túi áo. Những giọt mưa từ đấy biến thành bong bóng thủy tinh. Rồi cứ thế, từng nhịp ngắn dài lấp lánh rơi trên mặt đất.
***
Anh gọi. Lời chúc mừng đầu năm qua điện thoại, “Em thương anh nhiều hơn năm qua nghe”. Cô bấm nút tìm xem tin tức trên đài truyền hình, thấy người ta cũng chúc tụng nhau từa tựa vậy. “Năm 2007 sẽ tốt đẹp hơn năm vừa qua nghe”. À thì ra đó là câu chúc đầu năm gởi nhau. Cái gì thuộc về năm cũ sẽ không bằng năm mới. Cô nhấn mạnh thêm, “Chứ không có phải tại trái tim mình lơ tơ mơ, lời chúc ấy như một câu nhắc nhở”.
***
Anh là nhà Văn, hay là nhà Thơ nhỉ. Cái giọng Bắc Kỳ trầm trầm, nhỉ với nhá. Hai chúng ta láng giềng không xa lạ. Sân vườn nhà em mùa Xuân rải bao nhiêu bóng mát. Sân vườn nhà anh chẳng có mầu lá me rơi nào. Ngày mưa, khi những con chuột cống dung dăng dung dẻ dạo chơi trong lòng phố, em thường hay đứng bên này lóng ngóng nhìn sang bên kia. Đợi chờ. Bài lục bát tháng Hai. Thế nào rồi anh cũng có. Chậm trễ cách nào rồi anh cũng viết. Mưa giọt ngắn, giọt dài, giọt thương, giọt nhớ. Khoảng trời xanh ngan ngát trong khoảnh khắc dịu dàng. Em hình dung tiếng nói anh bên khung cửa khép mở.
- Ồ, em đó hả? Em khoẻ không? Em bệnh sao đó?
Những sợi chỉ ân cần kết thành chiếc quạt lá, phủi nhẹ vào khoang thuyền giấy, bồng bềnh tiếng nhạc bước ra khơi.
20 năm sau quay trở lại. Góc vườn xưa, thay đổi ánh mặt trời.
2.
Ba. Tiếng gọi vắn tắt, không dấu, mà biển trời mênh mang. Người miền Nam gọi thân phụ là ba (hoặc Cha). Người miền Bắc gọi là Bố. Vậy chứ người miền Trung gọi là gì? Ba hai lần trở thành ông Ngoại và, cứ mỗi sáng sáng đọc cái điệp khúc, “Tin khí tượng cho tàu chạy ven biển”. Nhắc đứa cháu này đi học nhớ mang theo chìa khóa (mặc dù ông Ngoại thì không phải đi đâu vắng nhà). Dúi gói khăn giấy vào túi đứa cháu kia, để dành khi cần hỉ mủi là có mà xài ngay”. “Trời bên ngoài lạnh lắm nghe” hoặc, “Hôm nay mưa cả buổi đó nghe”. Mỗi lần như thế đứa con gái lại phàn nàn, “Nắng mưa gì cũng phải đi ra ngoài hết mà! Con phải đi làm. Tụi nhỏ phải đi học. Sao ba cứ hay lo xa chi vậy?” Lo xa chi vậy! Nói nghe ngon miệng quá ta. Không có ba kề cạnh, con đã chết mất xác từ bao giờ. Nội cái chuyện con đi làm sớm, về khuya, không lấy ai để đưa để rước đám con nít thì đời sống con sẽ chật vật biết chừng nào. Đến từng tuổi này mà thỉnh thoảng con chỉ có thể mua cho ba chục tấm thẻ để đi xe điện. Tại ngay trạm Porte de Choisy người ta không bán vé ở quày nữa mà phải bấm máy để mua. Ba hay lúng túng việc này nên mới nhận mấy tấm thẻ con cho.
***
 Bày trẻ đổi chỗ ngủ bất ngờ. Chú Út ôm gối ra nằm cạnh mẹ. Chú Lớn xuống giường chú Út nằm (chen lấn cùng đám thú nhồi bông chồng chất xung quanh). Tiếng thở thả ra khúc nhạc nhỏ và, bóng tối pha trộn cùng tiếng mưa khuya dịu dàng.

3.
Căn phòng là chỗ hẹn hò cuối tuần. Có mái che mưa, che nắng. Một ấm nước nhỏ để dành nấu nước sôi, pha cà phê. Đầu tháng, có chút tiền thì nhà hàng, xem phim, dạo phố. Giữa tháng thì mua một phần gà chiên, khoai chiên về chia đôi. Cuối tháng, đời sống khô khan hơn. Những lúc ấy thì tha hồ gặm bánh mì sô-cô-la, bánh mì với phó mát Đầu Bò. Ăn từ trưa cho đến chiều. Ngồi cạnh bên nhau trên tấm nệm duy nhất trong phòng. Ngồi nhìn nhau cười, bao nhiêu đó cũng đủ làm cho buổi chiều ý nghĩa. Bởi đứa này cảm thấy gần đứa kia hơn một chút. Chúng ta đã cùng nhau vẽ bức tranh cho tương lai. Nơi tá túc cho bạn bè đến trọ. Đứa làm thợ rửa xe. Đứa rửa chén cho nhà hàng. Để rồi hai mươi bốn năm sau, mọi người cùng già theo thời gian. Bỏ lại sau lưng biết bao là kỷ niệm đẹp. Sau chúng ta, trong đám bạn ngày ấy cũng lần lượt lấy nhau. Có đứa, có con có cái với nhau. Cuối cùng, rồi cũng bỏ nhau. Nếu cho rằng đời sống không có gì là vĩnh cửu, chúng ta sẽ không đào sâu nỗi buồn nữa.
***
Cơn giông thổi vào thành phố, bỏ lại bên hông cửa chút lá mây. Bà cụ đứng rửa chén, chép miệng ưu tư. Bà nghĩ đến gia đình các thân nhân bị nạn trên chuyến du lịch vùng Đông Nam Á mà báo chí không ngớt nhắc nhở mấy ngày nay, “Đúng là khổ. Khi không đi du lịch mà cũng chết. Giàu quá sao cũng chết!”
***
Cứ thích thì làm thôi. Tự nhắc nhở, cùng lúc tự an ủi. Bên ngoài, Paris trời đã vào Thu. Lá úa rụng rơi tơi tả. Sau mỗi cơn mưa thành phố trở nên hiu quanh. Cà phê Vỉa Hè. Cà phê Giải Lao. Có nghe không cơn mưa đầu phố ân cần nhắc nhở. Đi ngủ đi cô nương. Khuya quá rồi đó. Dạ, em nghe xong cái này, viết xong cái này, làm xong cái này, là đi ngủ ngay. Chữ “ngay” nói dễ nhưng khó làm. Chểnh mảng và cứ thế mà bay nhảy. Chữ “ngay” ngang tàng tựa như tánh mình thôi chứ khác gì. Mò mẫm tìm cách chép nhạc trên dạng Encore. Ai đó nói, “Dễ ợt cái programme này. Thời buổi hại-điện-hiện-đại, Encore… xưa rồi !” Xưa rồi, nhưng đối với người không quen sử dụng mọi thứ vẫn thành mới. Mò mẫm tìm mấy phố-rùm để học cách hoán chuyển từ một bài viết, một bản nhạc sang dạng hình. Cách đây mấy tháng, vì nhu cầu, học sao cảm thấy rành rẽ lắm. Siêng năng cần cù có thể gọi là vô địch. Bây giờ xong hết rồi chưa chắc nhớ, làm cách nào có thể chép nhạc trên dạng Encore?
Ơ, không sao. Chuyện nhỏ!
4.
Đợi métro buổi sáng với cái bình thản có chuẩn bị. Hãy nhớ, hôm nay là ngày đầu năm. Mình đi đến trạm Opéra rồi đổi sang chuyến xe lửa RER để đi ra ngoài ngoại ô phía Tây Paris. Mình sẽ xuống trạm Nanterre-Préfecture và, đến văn phòng. Ơi hai cái chữ văn phòng nghe mà cảm giác lạnh lùng! Mắt ngó qua khung cửa quờ quạng xem tấm bích chương quảng cáo thật lớn. Mắt nhìn mông lung chìm theo những hành khách ngủ gà ngủ gật. Rồi tự dưng khi không trong lòng thắp lên ngọn nến bao dung. Dặn dò bước chân cố nén ngập ngừng để tập cho trái tim biết khao khát gọi ước mơ về. Hãy đẩy mọi nỗi buồn quá khứ đi thật xa. Hãy mở lòng ra nghe chuyến xe hát. Rồi sẽ có cánh tay nào đó, choàng ngang vai cho mình cũng biết ngủ gà ngủ gật (như đôi tình nhân kia).
***
Đó là ngày 13 tháng tư, vào một trưa ấm áp. Tramway dừng. Anh từ trạm Cité Universitaire bước lên. Anh thấy cô đứng sát gần bên phía cửa sổ. Tóc chấm vai. Cô choàng áo mầu nâu cam. Anh đứng kề cận cô, điện thoại di động sát bên tai. Anh kể chuyện nắng mưa, cái thời tiết vô cùng oái ăm của mấy ngày gần đây, và vài ba chuyện lăng nhăng khác. Cô bất chợt rời cuốn sách ngước nhìn anh, ánh mắt đầy thiện cảm. Mà nông nổi làm sao, anh có dám nắm bắt điều gì trong mầu mắt dịu dàng ấy đâu. Cô xuống trạm Georges-Brassens. Khi cánh cửa mở, cô bước ra ngoài, đi dài theo hành lang bến đợi. Rồi bất ngờ đôi mắt ngoái lại nhìn anh. Cô đang tìm kiếm người thân nào đó chăng? Tramway rời bến. Ánh mắt xa xôi không còn. Bên này một mình anh khoác lên nỗi ngơ ngác thụ động. Giận cái điều vừa mất nên đành mượn sân vườn này nhắn tin. Hy vọng người tóc dài ấy đọc được…
5.
Em loay hoay tìm hoài không ra sợi dây thun để buộc tóc. Anh với lấy cái bao ni-lông đựng chai nước, xé làm sợi dây để buộc tóc em. Chênh vênh. Cao thấp. Ngó rất mắc cười. Nhưng em lại thương vô cùng sợi dây buộc tóc ấy. Gió nhẹ thôi. Mưa phùn bay cũng nhẹ thôi. Anh bỏ tay em ra tìm bao thuốc lá. Nhóm lửa từ chiếc que diêm. Đường ra biển không còn bao xa nữa. Ngoài hai chúng ta, đêm khuya còn có tiếng cười nho nhỏ trên phố, tiếng chó sủa, tiếng chiếc xe hai bánh thắng lại để tránh người đi bộ và, tiếng con gì đó bay chập chờn dưới ngọn đèn đường. Em quay sang hỏi anh có lạnh không? Anh không trả lời, nhưng lại nhắc nhở em nhớ choàng khăn cho kỹ, coi chừng bị cảm lạnh đó. Rồi bất ngờ anh siết nhè nhẹ những ngón tay em. Cảm xúc của anh thường dừng lại ở đôi ba lần như thế.
***
Êm đềm là buổi sáng trước máy vi tính. Không mở lên để mong đợi điều gì mà là để dò lại mấy nốt nhạc chắt chiu gởi vào phần mềm hôm qua. Hôm qua, đã nghe đi nghe lại. Hôm nay, lại mở ra nghe lại nghe lui. Vẫn chưa biết chán là gì! Ờ đó, vẫn chưa biết chán là gì. Rồi sao?
6.
France, nước Pháp. Quê hương thứ hai yêu dấu. Đi xa một chút là nhớ. Đi xa hai chút là mất ngủ. Tại quá quen rồi với cái “à-la-mốt” tân kỳ hay làm reo của các nhân viên xe lửa, ô tô buýt. Đi về mỗi ngày mà không phải xếp hàng chen lấn ngột ngạt hương người thì đâu còn là nước Pháp. Nhớ mới ngày nào dùng métro di chuyển cứ hay ói lên ói xuống vì chịu không nổi sức ép. Giờ ngồi ngược cũng đọc được sách, bị ép đứng như cá mòi cũng dỗ được giấc ngủ (gục) thần tiên. Vậy ra nước Pháp vô tình tập cho mình dứt đi chứng bệnh nhức đầu mà không phải hao tốn đồng xu nhờ đến bác sĩ. Cái bệnh kinh niên thiếu máu, thiếu dinh dưỡng gì gì đó mà hồi nhỏ mình thường nghe. Chẳng lẽ, chen lấn riết nên các đường dây thần kinh não đâm ra chai lì hết rồi chăng?
7.
Gần nhau quá đôi khi dễ mất (mất, bởi vì không còn chuyện gì đáng nói). Xa xôi thì lại hay nhớ. Thường hay cất chuyện này, để dành chuyện kia, đợi có dịp là hăng hái kể cho nhau nghe ngay. (Nhưng bây giờ, xa gần gì cũng đâm ra lười.)
***
Ghen. Máu G, viết tắt. Luôn thấp thoáng dưới đường gân của hai kẻ phải lòng nhau. Thỉnh thoảng người kia tiêm vào người này chút máu G, cốt ý là để đo lường xem trái tim của người nọ, lớn bé thế nào đó mà.
8.
Hãy chào nhau khi vô tình chạm mặt nhau ngoài phố. Một cái nhìn xa lạ, không thay đổi được gì. Không giữ được nhau thì mất nhau. Và điều mất mát ấy, có chi là xấu hổ?
***
Hắn phớt tỉnh, nháy mắt tinh nghịch nhìn cô cười. Nói chung chung, hắn, coi cũng được. Sạch sẽ. Dễ sai. Gàn. Riêng cái tật ngồi mòn ghế thuê trên mạng là cô không ưa. Hắn hay than đau lưng. Không triệu chứng già thì triệu chứng gì? Nhắc hắn mấy lần mà vẫn không chừa. Cứ chát với chiếc. Búa xua.
- Bộ hỏng sợ xương cốt gãy ngang à?
Hắn lại cười, ngó lơ ra ngoài sân nắng. Hắn hay cười như thế để ếm luôn câu trả lời. Bất chợt hắn nói như thể cho con ruồi, con muỗi bay đâu đó nghe.
- Có biết kiểu 69 không đó?
- Cái gì?
Hắn ậm ừ:
- 69! Toi làm như ngây thơ lắm…
Cô nhăn mặt. Cái trán tự dưng đếm đủ ba lằn nhăn gai góc.
- 69 là cái gì? Chọc quê người ta hả?
Hắn trố mắt nhìn cô như thể hắn, (hay cô), từ hành tinh nào đó đến. Hắn với lấy cây viết, miếng giấy. Hăng hái vẽ vẽ tô tô.
- Rồi đó, nhận ra gì chưa?
Cô nghiêng đầu, mái tóc che khuất một bên mặt.
- Chưa. (À, mà hình như nhận ra được một chút rồi). Toi vẽ mấy con lăng quăng?
- Mấy con lăng quăng! (Con nhỏ này ngốc hết biết. Hay là em giả vờ khờ khạo hồn nhiên để một lúc nào đó, bàn chân em dẫm đau điếng lên mấy ngón chân ta. Sướt nẻ không ưu phiền?)
69 với 96, khác nhau thế nào anh?
Thì cũng vậy vậy, thôi em.
***
Hoàng hôn dừng lại ở tháng bảy. Căn phòng buồn, hình vuông. Ánh sáng được rọi xuống từ một tấm kiếng khoét nhỏ trên trần. Người ta xếp những cái ghế san sát vào tường nhưng cũng không chứa được bao nhiêu chỗ. Căn phòng nhỏ. Chật hẹp. Nhưng nỗi đau mất mát thì mênh mang. Phòng không hoa. Không nến. (Người ra đi, có lần đã nói đùa với ước nguyện như thế. Khi còn sống).
***
Hãy cầu mong mọi người hạnh phúc, trái đất rồi có lẽ sẽ biết xúc động nhiều hơn ở những điều bất hạnh.

9.
Mẹ dặn, “Cứ nằm đó, tha hồ mà coi tiểu thuyết thoải mái. Bao giờ quậy xong bột đổ bánh cuốn mẹ kêu xuống phụ mẹ một tay”. Đứa con gái dạ thật ngoan. Lười. Nên chờ chỉ có thế. Năm nay, mẹ gầy hơn xưa. Vẫn không hề quan tâm chuyện bán sôn (soldes) trên xứ Pháp này một năm được hai lần vào tháng giêng và tháng sáu ra sao. Mẹ đi làm cực nhọc, dành dụm tiền để mua đồ chơi cho các cháu, để dành “ra đường rủi ro đạp bánh tráng còn có mà đền cho người ta”, và ân cần đưa cho đám con mượn (không ăn lời, đôi khi còn bị lỗ nặng). Mẹ chưa từng quan tâm đến nhạc con sáng tác (nên mỗi khi có giai điệu nào mới là con ếm đẹp liền). Con viết lung tung. Viết ba lăng nhăng. Mẹ biết. Bởi nghe người này người kia nói lại, có đọc bài con viết. Nhưng mẹ cũng chẳng quan tâm. Điều mẹ liên tục nhắc con là phải bằng mọi cố gắng để dạy mấy đứa nhỏ nên người. Muốn như thế phải tránh bớt ba cái chuyện văn-nghệ-văn-gừng, ba cái chuyện ruồi-bu-kiến-đậu ấy đi! Mẹ gầy hơn năm ngoái, năm kia, mà vẫn không ngừng xách cam, xách bưởi. Toàn là mấy thứ trái cây nặng kí và cốt ý mua về để vắt nước cam tươi cho mấy đứa cháu uống. Còn bưởi thì lột vỏ đâu vào đó, xong ướp vào tủ lạnh, gọi mấy đứa con (văn nghệ) về ăn! Cách đây một tuần mẹ bỗng nói, “Con nhỏ này coi vậy cũng được! Một mình đi làm, trả tiền nhà, nuôi con. Hay ở chỗ là không cần một Đại Gia nào bên cạnh!” Câu nói của mẹ, bất chợt làm con bâng khuâng. Không có tình thương bao la của mẹ, đời sống con mới tiêu điều.
***
Một mình chăm chú nghe bạn bè bàn bạc về thị trường chứng khoán, ồn ào trong cái việc tậu xe hơi thì phải đời mới, rồi sắm thêm vài căn hộ để dành cho thuê. Đứa nào có con, có cái, ngoài việc cho học chữ, còn phải cho học đàn, chơi thể thao. Cần phải nhồi sọ đám trẻ ngay từ lúc nhỏ. Để làm gì à? Cứ hỏi thẳng những bậc cha mẹ chúng thì biết. Một mình, một mình, và một mình. Nghe tiếng người cười nói lao xao mà quên mất tiêu vừa cắn phải con gián. Ngậm trong họng (mà) muốn chết điếng thời gian.
***
Một người có giọng hát tốt nhưng nếu không có cái hồn để diễn tả lời ca tiếng nhạc, thì giọng hát ấy sớm trở thành cơm nguội. Vì cơm nguội thì vừa khô, vừa… nguội. Cho nên những hạt cơm cứ phải trôi bồng bềnh trong miệng, không cách nào trôi xuống cổ họng được. Thế thì một người nói chuyện vô duyên phải làm thế nào để biết cách nói chuyện cho có duyên một chút? Người ta mở lớp luyện giọng, mở lớp luyện thanh, mở lớp luyện cách trình diễn trên sân khấu. Nhưng không biết có trường nhạc nào mở lớp dạy học trò biết diễn tả cảm xúc mình? Như nói chuyện với một người chết duyên, thì với thời gian, có thể nào biến đổi họ nói chuyện cho bớt vô duyên?
***
Mở nắp đàn, ru người hát. Không ngại ngùng đếm những hạt mưa ướt đẫm xung quanh. Chiếc lá chuối cánh lớn làm dù che đầu. Hai đứa nấp dưới màu xanh biếc. Em dìu các nốt trắng đen trên phím. Anh hát cho em nghe, nghe? Em quay sang hỏi nhỏ. Nhưng không có tiếng trả lời. Chỉ thoáng qua một chút gió hời và cơn mưa dịu êm trong vườn phượng sứ tháng Năm.
***
Mưa từ trưa cho đến chiều. Mưa rơi không dứt. Mưa dài theo lối đi. Mưa rơi trên mái ngói. Mưa ướt tóc em. Mưa lạnh vai anh. Hai bàn tay chúng ta bỗng dưng quên mất câu chuyện hôm qua. Quên mất những điều đã nói hôm kia. Những ngón tay rét mướt bất ngờ tìm lấy nhau, đan vào nhau, siết chặt nhau. Đứng giữa trời nghe mưa hôn âm thầm. Không kịp nhớ ra trái tim run rẩy đập bao nhiêu nhịp. Ngay góc đường, cà phê mùa Đông.
***
Mùa hạ. Mưa theo máng xối chảy ào ạt xuống. Gom theo lá khô, lá chết, của cây me bên nhà hàng xóm. Hồi còn nhỏ mẹ đã rất nhiều lần lén lấy cuốn tập rồi xé ra trong đó vài tờ để xếp thành chiếc ghe, chiếc thuyền. Xong thả theo dòng nước vào những lần mưa lớn như thế. Không cần biết chiếc ghe, chiếc thuyền giấy ấy sẽ trôi dạt về đâu. Miễn thấy nó lênh đênh là hạnh phúc lắm rồi. Ngày đó, trò chơi con nít xứ mình nghèo vô cùng. Bởi nghèo nên giàu tưởng tượng và nuôi nhiều sáng kiến. Lượm ba cái nút chai bia, nước ngọt, hoặc bao thuốc lá, xếp dẹp lại để dành chơi tạt lon. Khi thèm, khi đói, gí mấy con gián cho vào lò than để được nghe mùi thơm phưng phức tưởng như là sắp được ăn tôm càng nướng đến nơi vậy! Không như bây giờ, những trò chơi điện tử hiện đại. Ngồi trong phòng đôi khi máy quạt, máy lạnh vặn ào ào. Nước ngọt, bánh ngọt, kem ướp lạnh kế bên. Không phải dầm mưa, giang nắng, tay đuổi ruồi, miệng thì nhai mía, nhai mấy củ năng luộc, củ sắn, cùi thơm. Dù biết rằng ở mỗi thời đại khác nhau, nhưng khi có dịp mẹ vẫn thích cho Trực, cho Quân biết đến những “trò chơi con trai”, mà mẹ đã có dịp tham dự lúc nhỏ với mấy cậu trong nhà.
10.
Những tờ điện thư thời buổi này viết nhanh, gởi nhanh, nhận nhanh. Ai thèm mất thời giờ lắng nghe những ô vuông, dòng mực, chuyện trò với nhau làm gì. Ai thèm hồi hộp đọc tên người gởi bên góc trái bao thư để nghe trái tim mình khi không cuống quýt. Ai thèm chịu khó bỏ quên câu chuyện cơm áo để chắt chiu từng nét chữ người gởi, nghe xúc động khi thấy tên người nhận là mình. Bao thư nằm ngoan trong lòng bàn tay, ép trong một cuốn sách, giấu êm ái dưới gối nằm. Không dám đọc vội. Không dám đọc mau. Cứ sợ nỗi vui mừng lấn lướt. Không như thời buổi này, người ta gởi thư đi nhanh, gởi thư đi dễ dàng. Không cần phải đứng xếp hàng chờ mua con tem và dấu ấn bưu điện mà chỉ cần ngồi thư thả nhấn nhẹ ngón tay trên con chuột điện tử. Thư gởi đi thăm hỏi vội vã (như tra khảo), thư vòng về trả lời chớp nhoáng (như không có gì giấu giếm, như rất là chân thật). Cứ thế. Ném quả banh bàn nhẹ tênh thảnh thơi bay nhảy. Bao giờ rớt lưới người ta đổ thừa đó là Tình Ảo. Đã buớc vào sân chơi là phải biết chấp nhận. Mà chấp nhận gì mới được?
***
Nàng xoay lưng. Mắt nhìn chầm chập ra phía cửa sổ. Tìm gì vậy không biết? Chồng nàng, người đàn ông đi-đi-về-về nhà người ta cũng vừa vén tấm chăn bông chui vào nằm cạnh nàng. Hai chiếc lưng vợ chồng đâu mặt nhau. Từng hàng nút. Ngậm ngùi dang dở. Nàng áp những ngón tay lạnh trên má, cố nghĩ đến điều chồng nói hôm qua, “Làm sao anh có thể dan díu với một người đàn bà lớn hơn anh những mười lăm tuổi chứ, em thiệt tình!” Đúng rồi. Chắc chắn là như vậy rồi. Nỗi bất an nhỏ nhen. Như lần đầu trong nhà xe, nàng đau nhói khi phát hiện ra một tấm nệm, dựng sát vào tường. Chồng nàng khẳng định, “Nhà bà ấy dư một tấm, nên cho lại nhà mình đó thôi”. Đúng rồi. Chuyện cũng bình thường, không có gì gọi là ầm ĩ cả.
Nàng là ai vậy, ở cái thế gian này?
***
Nhà anh ở gần nhà em. Cách nhau vài trạm buýt. Chúng ta quen biết nhau từ bao giờ anh không nhớ. Chỉ biết anh thương em hơn ai hết. Anh tin điều ấy vì anh đọc và hiểu được nỗi lo lắng nơi em. Chúng ta đã một lần yêu nhau, trước khi chồng em chết. Và anh dọn về sống hẳn trong căn biệt thự nhà em, sau khi chồng em qua đời. Hai chúng ta cũng đôi ba lần yêu nhau: sáng, trưa, chiều, tối. Năm em bỏ đi lấy chồng, anh là người tắt ngọn đèn sau cùng.
***
Những nốt nhạc thường đứng ở vị trí lo âu, bởi không biết người nghe đón nhận như thế nào. Sau đó mới là nỗi hồi hộp cho lời bài ca. Một sáng tác với giai điệu đẹp (mà lời không có gì đặc biệt), có thể cất giữ trong bộ nhớ. Đợi có dịp là mang đến phòng thu nhờ bàn tay phù phép của các nhạc sĩ để soạn bản nhạc ấy thành nhạc hòa tấu. Trong khi ấy, lời bài ca đượm đầy chất thơ, giàu hình ảnh mà nghèo giai điệu, thì làm thành cái tiếc ngẩn, tiếc ngơ.
***
Nếu ví hai màu trắng-đen trên những phím dương cầm: phím trắng tạo nên tiếng kêu dung dị, bình yên, phím đen là tất cả sự rối loạn của tâm hồn.
***
Ngày lễ Tình Nhân rồi cũng qua. Lặng lẽ. Không hoa, cũng không quà. Nó đi qua bình thản như mọi ngày bình thản khác. Trong đêm khuya, ngồi một mình nghe lại những bản tình ca viết từ mười năm hơn cho đến trời gần sáng mới tắt đèn đi ngủ. Không cà phê, không thuốc lá. Có biết đâu mà hút. Cạnh bên là ly trà khổ qua. Uống cho dễ ngủ nhưng lại thức. Tại sao lại bắt đầu cuộc hành trình sáng tác bằng những bản nhạc buồn bã như thế này. Hớp một ngụm trà khổ qua, rồi thêm một ngụm nửa. Nghe từng giọt đắng rơi trong cổ họng. Vấp ngã. Lênh đênh. Chới với. Nhớ.
Anh đã nhìn thấy điều gì ở những nốt lặng em thường viết?
Bên cơn sốt nằm chơi vơi giữa mùa Thu cách đây bốn năm. Lần đầu tiên mang cảm giác hạnh phúc rằng mình sẽ bình an lắm nếu như ngay lúc đó mình có thể bay bổng được trên mây! Ý tưởng đó ngày càng lớn dần. Vì trong tột cùng sự chán nản, luôn có một lối ánh sáng thật lạ lẫm dẫn dắt mình thoát ly. Đúng hay sai biết đâu mà nhận thức rõ được. Có đường đột quá, hay dại dột quá, cũng thế. Nỗi mong mỏi mãnh liệt là sẽ tìm thấy được bình an trong lòng. Sốt mê man. Chỉ muốn bay đi. Không mong trở về với hiện tại, với cuộc sống đầy thử thách. Nhắm hay mở mắt trước mặt vẫn không là ngọn hải đăng hy vọng. Hãy cố bơi về hướng ấy, đất liền không bao xa. Không muốn thức dậy để nhìn thấy mặt trời. Không muốn trở mình nghe lá khô xào xạc dưới chân. Không muốn đứng lên mở toang cánh cửa để lắng nghe từng giọt mưa xôn xao quay về.
Anh đã có giác quan nào gọi em thức tỉnh ngay lúc ấy?
Trong sân vườn vắng lặng chỉ có tiếng gió hát lời ru. Anh đứng đó tự bao giờ. Đỡ lấy cánh tay em. Giúp em từng bước đi nhỏ. Và thương em cho đến bây giờ …
***
Nếu không thể nói tốt được ai, ta hãy cố gắng, tránh nói xấu về ai.
Nếu có một nỗi buồn nào đó, sự thất vọng tột cùng nào đó mà không thể giải quyết được, hãy cố gắng can đảm dùng tất cả nghị lực còn lại mà gạn lọc những ưu phiền ấy ra. Đừng dùng sự quyên sinh mà khép cuộc đời mình, vội vàng như thế.
Nếu muốn tránh mọi sự hiểu lầm, tốt hơn hết mình hãy nói thẳng, nói thật, với người ấy. Thời gian không bao giờ lý giải được sự hiểu lầm mà trái ngược lại nó càng tạo ra thêm vết thương lầm lẫn to tát hơn.
Nếu vì nguyên nhân nào đó làm mình rơi trong tình trạng hoang mang, hãy dùng sự yên lặng, chút thời gian, để xét đoán câu chuyện hư thực như thế nào. Và sự yên lặng ấy, cũng như chút thời gian ấy, phải nằm trong ngắn hạn thôi. Hãy không cho phép sự hoang mang ngự trị trong trái tim mình hơn bảy ngày. Vì sao? Bởi một tuần lễ mà phải giữ đến bảy ngày hoang mang coi như đã làm nên bảy sợi tóc bạc phiền muộn rồi.
Nếu có điều gì hay, điều gì đẹp đến từ người khác, ta hãy biết tập khen. Bởi khi biết khen tặng ai với tấm lòng chân thành, ta luôn nhận lại được nơi ta: một màu xanh rất bao la!
11.
Paris. La cà ở quán cà phê là một nghệ thuật: “Nghệ thuật không làm gì hết!” Những chiếc ghế mọc từ trong quán lan ra vỉa hè. Mỗi người đeo đuổi một ý tưởng. Gọi cà phê, kêu thuốc lá, hay xin tách sô-cô-la nóng gì cũng bận rộn như nhau. Vì biết rằng, sau ngụm đắng, ngọt, là ngụm chia tay rất đậm đà.
12.
- Sao không bao giờ anh chịu khó nhớ uống giùm em viên thuốc trước khi con vi trùng cảm trở thành cúm, loang dần trong cơ thể anh vậy ta? Viên thuốc có đắng gì lắm đâu. Bỏ viên thuốc vào miệng, bưng ly nước lên, ực một cái là xong ngay thôi. Anh cũng chẳng bao giờ thèm nghe em nói, chịu khó phân chia công việc ra mà làm. Chuyện gì cũng ôm lấy, làm một mình. Bệnh lúc nào không hay? Bệnh đến dễ dàng từ những cơn mệt nhỏ nhập lại đó, có biết không vậy?
- Nghe em nói cái giọng, cứ như cô giáo người ta!
- Em không có quen ai tên người ta hết nghe. Đi uống thuốc đi.
- Lát đã cưng. Đang nói chuyện mà. Lát anh uống. Bên anh trời mưa quá…
- Biết nói mưa quá mà vẫn hút thuốc.
- Má ơi! Hút thuốc có liên quan gì đến trời mưa đâu mà em so sánh vậy?
- Mưa thì không trúng gió cũng ngã bệnh. Hút thuốc càng nhiều, ho càng nhiều. Nghe anh ho là em không ưa rồi.
- Em đâu cần ưa lúc anh ho, hả cưng?
- Không có cưng, kiếc gì hết nghe. Em đi ngủ đây.
- Em không muốn nói chuyện với anh hả?
- Ừa.
- Em đi ngủ thật à?
- Ừa.
- Ở đó mà ừa đi. Nghe cái giọng em là anh thấy kiêu rồi!
- Vậy mà có người thương.
- Má ơi! Kiêu gớm luôn. Thôi, em làm gì thì làm đi. Anh đi mần đây cưng ơi. Đừng thức khuya quá nhé.
Cơn nắng yếu ớt ngang qua thành phố. Có để lại gì ở trưa nay không?
(Anh bệnh gần mấy ngày nay rồi đó).
13.
Thơ anh viết dán lên tường sáng nay. Anh không thông báo nhưng tình cờ đi ngang qua, em đọc được. Bài thơ viết về tình yêu. Bài thơ không ghi địa chỉ người nhận.
***
Thứ Sáu, một ngày “không làm gì hết”. Cạnh bên là ly sữa nóng pha mật ong. Uống cho bớt đau cổ. Uống, cho đêm bình an. Mùa Thu đã trở về mà buổi chiều mát mẻ như mùa Xuân sắp sang. Nắng chao lượn bên hàng cây lá ươm đầy tiếng gió. Thấp thoáng vài chú chim sẻ dừng lại đứng ngóng mỏ nghe người nhạc sĩ chơi Phong Cầm đàn hát. Ngay trên đại lộ Choisy, góc gần nhà thờ, không hiểu vì sao được nhà nước ưu ái cho trồng đến bốn hàng cây. Thành ra khi các chiếc lá chưa lìa cành, khoảng trời mơ ước xanh biếc ấy còn là chỗ trú mưa che nắng. Dễ thương nhất cuộc đời. Cô đứng lên, hơi chồm người ra bên ngoài cửa sổ. Hăm hở nhìn trời nhìn đất. Vệt nắng nở rộ trong ngày từ từ khép lại. Vệt nắng yếu đuối cuối ngày, duỗi nhẹ chút buồn trên những ngón tay.
***
Tờ Métro dành một cột nhỏ nhắn gửi vu vơ. Đó là bản thống kê cho: “Câu chuyện chăn gối”.
- Dân Tây coi vậy số lượng làm tình đứng trước dân Mỹ. Biết tại sao không?
- Không.
- Dân Tây lao động một tuần 35, 37 tiếng, trong khi ấy dân Mỹ phải ngược xuôi hai ba hãng mỗi ngày. À, nghe đâu dân Nhật làm tình còn thua xa dân Mỹ đến mấy hạng lận đó nghe. Biết tại sao không?
- Có nói thì mới biết tại sao.
Hắn nhìn thẳng đôi mắt cô gái cười nụ trẻ măng.
- Người Nhật họ ăn chơi tốn kém ở ngoài đường không hà.
- Vậy à?
- Về đến nhà là quách cần câu rồi. Còn chè cháo gì nữa.
- Ồ. Bây giờ em hiểu rồi. Ai mà cứ than mệt lên mệt xuống, từ chối xa xôi, có nghĩa là chuyện nọ kia ở bên ngoài hoành tráng lắm. Đúng không?
- Em học đâu ra hai chữ hoành tráng nghe mắc cười thế.
- Em học anh chứ học ai.
- Khỉ!
Hắn nạt cô. Cười. Những giọt nắng xuyên qua khung cửa. Hát ru hai chỗ ngồi. Im lặng. Rồi như thể không cách nào nhìn nhau không nói năng, hắn là người lên tiếng đầu tiên.
- Báo số này dành đặc biệt cho các cây viết bàn về Tình Dục đó em.
- Ồ, cái đề tài gay cấn và hấp dẫn.
- Còn phải nói.
Hắn miên man thêm. Tình dục qua internet nè, tình dục qua e-mail nè, tình dục qua điện thoại nè, tình dục trong các công sở nè. Rồi không biết hắn nói gì đó, (quên mất tiêu rồi), để cô nhăn nhó, để hắn vội phân trần rằng, mỗi người có một cách diễn tả, và độc giả riêng của họ. Có người không thích bóng gió thì cũng có người đậm mầu lãng mạn.
Cô yên lặng nghe. Ngụm cà phê mềm theo tiếng lá. Tình dục và, tình dục. Người ta nhắc đến nó với tất cả vô tình và, chân tình.
***
Tháng bảy. Nắng và nóng. Em bị cảm. Có thể là do thay đổi của khí trời. Nhưng không quan trọng lắm. Mỗi ngày vẫn đạp xe ra phố, đi ngang qua hồ nước, trước khi dừng lại ở tiệm bánh mì. Loay hoay tìm chỗ đậu xe, khóa xe, rồi cất chìa khóa xe vào túi. Có chiếc bàn thấp dành cho hai người. Em đi ngang qua nhưng không ghé vào. Lòng chùng xuống với ý nghĩ, ước gì có ai đó hiện diện vào lúc này để nhắc nhở em hãy uống thuốc.
Hình như trong hai chúng ta, mỗi người đang có những nỗi ray rứt riêng. Em không cho phép em lập lại điều gì đó hai lần. Nên từ đó, anh cũng vô tình không nhận ra nỗi lo âu của em như thế nào.
Nơi anh ở, thành phố vẫn bình an. Tiếng cười anh vô tư. Thong dong ghé quán, ngồi chờ người mang cà phê đến. Thuốc lá ở đầu môi. Sáng, trưa, chiều hay tối, với anh mùa Hè vẫn còn dài vô tận.
Trong đời sống, khó có thể nào mình đọc được ý nghĩa của người khác, thì làm sao mong người khác hiểu được hết những điều mình ngại ngùng không dám nói ra. Vậy sao không thử tập biết bàn luận hơn hai lần? (Nếu can đảm, nếu như mình không muốn chọn những tiếng thở dài làm bạn-thân-thiết!)
14.
Yên tĩnh quá dễ tạo nên rối trí.

t r a n g t h a n h t r u c
13042008

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 96251)
... C hung quanh tôi là ngôn ngữ Việt, thứ ngôn ngữ hào hùng như những lời ca vang vang trên loa công viên. Sân khấu lộ thiên tỏa sáng [...] Cờ bay, cờ bay, oai hùng trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm qua bằng máu. Cờ bay, cờ bay tung trời ta về với quê hương... [...] Núi đồi Bataan ngàn đời câm lặng, đã mở ra đón những người tỵ nạn xa lạ.
11 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 91241)
Ai nghe thấy tên thành phố Seattle đều ngán về cái mưa dai dẳng, một năm gần sáu tháng trời. Biểu tượng của Seattle là một người cầm dù. Nắng ở đây hiếm hoi như hạnh phúc Anh có về gọi nắng đến cho em…( Trần Mộng Tú) Vậy mà chúng tôi đã ở thành phố Seattle gần 36 năm trời .
31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 96688)
C on gái lớn của chúng tôi lấy chồng đã nhiều năm, có hai con. Ông bà thông gia theo đạo Phật. Ông là cư sĩ của một đạo tràng và ăn chay trường từ mấy chục năm qua. Vốn là một dược sĩ, nhưng ông lại nghiên cứu về đạo Phật và có bằng cử nhân Phật Học của trường đại học Vạn Hạnh, Saigon. Kỳ nào có ông đến giảng pháp lý là được nhiều người đến đón nghe. Chúng tôi không phải Phật tử thuần thành, nhưng mỗi năm cũng đi chùa mươi lần và ít khi bỏ lễ Giao Thừa trong đêm trừ tịch.
31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 94488)
L ời tác giả : Viết Ký ức Hà Nội, tôi xem như là một sự đối thoại với Hà Nội, ba mươi sáu phố phường của chị Ban Mai. Cái nhìn của tác giả Ban Mai là của một người phương Nam về Hà Nội với nhiều suy nghĩ và ưu tư. Còn tôi, là cái nhìn của một người trẻ đã từng sống và học tập ở đây...
28 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 104309)
T ôi và nhà thơ Trần Hữu Dũng hiện lưu giữ khoảng 200 số tạp chí Văn, nói không phải “khoe”, đó là một số lượng không phải nhỏ. Có người gạ mua với giá cao, nhưng tôi không bán, bạn tôi tiến sỹ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu yêu đồ cổ nói bán làm gì; dĩ nhiên có thể copy lại để lưu giữ, tuy vậy đọc bản chính vẫn sướng hơn.
26 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 87189)
C húng tôi tới thị xã Cẩm Phả vào hồi mười giờ sáng. Một cơn mưa bất thường ập xuống, làm như trời cũng cảm được lòng người, nhỏ những giọt nước mắt của trời để làm chất xúc tác cho những giọt nước mắt của người có dịp tuôn trào.
15 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 91234)
N hư nhiều người, khi đọc bài “Tìm Thăm Nguyễn Hữu Đang” của Phùng Quán, chúng tôi rất xúc động. Cụ là một người xuất sắc về đủ mọi lãnh vực: văn chương, khoa học, chính trị, thông thạo nhiều thứ tiếng, mà suốt hơn 50 năm qua đã bị đọa đầy đến cùng cực...
08 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 102646)
... Ở đây các nhà thơ đều phải bỏ tiền ra in thơ. Mà họ có giầu gì cho cam. Phải dành dụm từng đồng, bớt xén tiền ăn của cả nhà, có khi đến mấy năm mới in được tập thơ. Mà in rồi chỉ đem đi tặng cũng đủ hết hơi. Thì ra trên thế gian này, thơ văn sinh ra để làm vất vả cho con người...
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 29098)
Khách sạn VIBE ở ngay góc đường Goulburn và Elizabeth. Buổi sáng lúc tôi xuống phòng tiếp tân đẩy cánh cửa kính bước ra đường trời mưa lất phất và lạnh. Cái lạnh làm tôi khựng lại vài giây dưới mái hiên khách sạn. Tôi sực nhớ là mình không mặc đủ áo ấm. Thời tiết vùng này thật khó đoán.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 29413)
Mình có cái tính thích khoe khoang, rất đặc trưng của nơi mình sinh ra. Khi đã vào Nam, cái tính cách ấy, cũng không vì thế mà vơi đi. Hồi mới chuyển qua bên này ở, bạn bè gọi điện, gào lên trong máy điện thoại: Má ơi, sao ở xa vậy má ơi.