Tôi với nhà tôi lấy nhau là do có sự mối manh giữa hai gia đình. Các cụ tôi đồng ý gả tôi cho nhà tôi là vì nghĩ anh ấy người hiền lành, gia đình tử tế, lấy anh ấy đời tôi sẽ được êm ấm. Không hiểu sao trong họ tôi mọi người vẫn cho rằng con gái họ Trịnh số vất vả, nhất là về đường chồng con. Tôi cũng bằng lòng với quyết định của các cụ tôi, nhưng không phải vì cái ý nghĩ sâu xa ấy. Lần đầu tiên biết anh ấy, tôi đã có cảm tình ngay. Đấy là hôm anh ấy theo người cháu gần bằng tuổi cậu đến ra mắt ở nhà tôi. ở trong buồng nhìn ra, tôi thấy anh ấy người cao lớn, dáng từ tốn, hơi có vẻ ngượng nghịu trong cái vai khó nói của mình. Nhưng chỉ một lát sau, anh ấy đã phá tan được bầu không khí lúng túng giữa những người cùng nói chuyện, chinh phục được thiện cảm của các cụ tôi - và của cả tôi nữa - bằng thái độ thật thà cởi mở, và đặc biệt là nhờ nụ cười rất mực hồn nhiên của mình. Nhìn anh ấy cười rạng rỡ hết cả mặt mày, với hai lúm đồng tiền ẩn hiện hai bên má, đôi lông mày nhướng cao đầy vẻ hồ hởi chân thành, không ai còn có thể giữ thái độ dè dặt với anh ấy. Và tôi đã đặt tất cả lòng tin vào cái nụ cười vừa mới chợt lóe lên của anh ấy.
Lấy anh ấy, ai cũng cho là tôi "tốt số". Nhà tôi có việc làm ổn định ở sở Đoan, người lại đứng đắn, và có chí hướng. Mặc dù anh ấy chưa phải là người nổi danh, nhưng những người thân quen với nhà tôi đều biết anh ấy đang ôm mộng văn chương, thậm chí đã có thơ, văn in ở nơi này nơi khác. Tôi cũng rất mãn nguyện với số phận của mình, sung sướng tận hưởng tuần trăng mật với người chồng yêu kính mà không mảy may ngờ vực hạnh phúc của mình. Ai ngờ chưa đầy một tháng sau khi cưới, chúng tôi chỉ vừa mới quen hơi bén tiếng nhau thì có tin anh ấy bị đổi xuống Hải Phòng. Tôi choáng váng cả người, suốt mấy ngày liền chỉ những nước mắt lưng tròng, cứ nghĩ tới cảnh nay mai phải sống xa anh ấy là lại khóc nấc lên như con trẻ. Bất giác tôi nhớ tới lời mọi người trong nhà vẫn nói là con gái họ Trịnh số vất vả. Vừa than thân trách phận, tôi vừa thương thay cho nhà tôi, chẳng hay vì lấy tôi mà phải chịu lây cái số vất vả, không dưng bị đẩy đi một nơi xa lạ.
Cuộc sống chồng một nơi, vợ một nẻo của chúng tôi bắt đầu từ đấy. Chúng tôi quyết định với nhau là trước mắt nhà tôi xuống ở với người chị gái ở Hải Phòng, còn tôi hẵng ở lại Hà Nội với các cụ tôi. Khi nào dành dụm đủ tiền anh ấy sẽ thuê một căn buồng nhỏ và tôi xuống ở hẳn với nhà tôi. Cho tới khi đó, sự sum họp giữa chúng tôi, rút lại trông chờ vào những ngày nghỉ anh ấy về thăm tôi, hoặc thỉnh thoảng tôi xuống sống dăm bữa nửa tháng cùng anh ấy ở nhà người chị gái, hoặc, trớ trêu thay, khi một trong hai chúng tôi có người ốm, cần có sự chăm sóc, nâng đỡ của người kia. Một lần, được tin nhà tôi ốm, tôi tức tốc đi ngay chuyến tàu đầu tiên xuống với anh ấy. Tại một ga xép nọ, trong lúc đỗ lại để tránh tàu, tôi đang ngồi cầu trời khấn phật cho nhà tôi chóng qua khỏi thì như thấy hút bóng anh ấy trên chuyến tàu đối diện chạy vụt qua. Tôi nghĩ là vì mình cứ quá lo nghĩ về anh ấy mà tưởng tượng ra thế, nhưng cũng không khỏi băn khoăn. Biết đâu lại chẳng là anh ấy thật. Và tôi đã đánh liều "đặt cược" với mình thế này. Nếu không phải là anh ấy đang đi ngược chiều với tôi, thì chúng tôi sẽ sớm được đoàn tụ với nhau mãi mãi. Còn nếu quả là anh ấy thật, thì đây là điềm báo trước duyên phận của chúng tôi rồi đây còn gặp nhiều long đong, lận đận. Càng gần đến Hải Phòng, tôi càng nóng ruột, linh tính như mách bảo tôi sẽ không gặp được anh ấy. Quả nhiên đến nơi, người chị gái cho biết nhà tôi đã về Hà Nội. Anh ấy vẫn chưa khỏi hẳn, nhưng sợ tôi mong - hôm ấy là cuối tuần - nên cứ nhất định đi, ở nhà gàn thế nào cũng không được. Thì ra, dù ở xa hay gần, dù khỏe hay yếu, lúc nào anh ấy cũng hướng về tôi.
Mặc dù vẫn năng đi về được với nhau, chúng tôi rất khổ sở với cảnh sống vợ chồng gần ít, xa nhiều. Lần nào lâu gặp một tí là thể nào anh ấy cũng viết thư về. Thư anh ấy viết cho tôi thường là ngắn gọn, nhưng rất mực âu yếm, tình cảm. Tôi thì lúc nào cũng nghĩ đến anh ấy, nhưng lại rất ngại viết thư. Phần thì sợ mình chữ xấu, phần thì không biết nói gì, chỉ sợ xem thư anh ấy lại cười cho. Hãn hữu lắm, khi không đừng được, tôi mới đánh liều viết thư cho nhà tôi. Nghĩ đến những lá thư của anh ấy hay tới mức tôi nhớ đến thuộc lòng, tôi lại giận cho sự kém cỏi của mình, không làm sao diễn tả được điều mình muốn nói. Và tôi hình dung anh ấy sẽ phải thất vọng ra sao khi đọc những lá thư chữ thì nguệch ngoạc, lời lẽ thì lủng củng của tôi. Ngờ đâu, sau này tình cờ đọc nhật ký của nhà tôi, tôi lại thấy chính những lá thư - nỗi xấu hổ của tôi ấy - được đính ngay ngắn giữa những hàng chữ ghi lại cảm giác thích thú của anh ấy khi đọc thư tôi. Thậm chí, có những lá thư của tôi còn được anh ấy chép lại bằng một thứ chữ đều tăm tắp, có đánh thêm những dấu chấm, phẩy vào những chỗ cần thiết, đúng với thói quen của anh ấy không thể nào viết một câu văn không gọn.
Cũng do đọc nhật ký của nhà tôi mà tôi biết thêm được nhiều điều về tình cảm của anh ấy. Nhà tôi cứ sợ mình già so với vợ - anh ấy hơn tôi đến chục tuổi - nhưng tôi lại không nghĩ thế một chút nào. Thậm chí tôi nghĩ tính tình nhà tôi còn có phần "trẻ con" nữa là đằng khác, với cái tính hay dỗi của anh ấy. Có lần, không nhớ vì lý do gì mà anh ấy giận tôi. Biết ý anh ấy, tôi cố làm ra vẻ không hay biết gì, bắt chuyện với anh ấy để cho qua đi. Mặc cho tôi hỏi gì, nói gì, nhà tôi vẫn cứ lầm lầm lì lì. Tự ái, tôi tấm tức khóc, đắp chăn trùm kín cho anh ấy khỏi biết. Một lát, ý chừng hối hận, anh ấy gọi tôi. Lần này thì đến lượt tôi không chịu trả lời. Biết là thành chuyện, anh ấy lại bên giường, gỡ chăn ra, xoay người tôi lại. Không kìm được nữa, tôi òa khóc nức nở, trách anh ấy qua hàng nước mắt: "Chán anh lắm! Giận gì mà giận dai!" Nhà tôi vừa ra sức vỗ về tôi, vừa lấy khăn tay lau nước mắt lăn xuống trên má, trên môi vợ. Thế là chúng tôi đã làm lành được với nhau trước khi anh ấy ra ga xuống Hải Phòng.
Chuyện tưởng chỉ có thế. Nào ngờ đọc nhật ký của anh ấy tôi mới biết rằng, suốt một thời gian sau nhà tôi còn khổ tâm về chuyện đó. Và anh ấy đã giữ nguyên cái khăn mùi soa trên có in hằn môi của vợ bị nước mắt làm nhòe, coi đó như một sự nhắc nhở mình phải độ lượng hơn với vợ. Vào sở làm việc, thỉnh thoảng nhà tôi lại giở chiếc khăn tay ra xem, chỉ xem chứ không nỡ chùi, sợ làm mất đi cái vệt son đỏ nhỏ nhoi mà anh ấy những muốn áp môi lên, nếu như bên cạnh đấy không có mấy anh đồng liêu tọc mạch. Như thế thì làm sao có thể nghĩ anh ấy già được.
*
Nói sao cho hết nỗi vui mừng của chúng tôi khi nhà tôi được đổi lại lên Hà Nội. ấy là vào quãng tháng 10 năm 1943, vừa đúng bốn năm kể từ cái ngày anh ấy bị chuyển xuống Hải Phòng. Trong thâm tâm tôi đã nghĩ từ đây là chấm dứt cảnh sống xa cách giữa vợ chồng, bố con - lúc ấy chúng tôi đã có cháu gái đầu lòng. Chúng tôi về ở với ông bà nội tôi, vì ước muốn thuê nhà riêng vẫn chưa được khả năng tài chính cho phép, nhưng được cái ở với các cụ cũng thoải mái vì ông bà nội rất quý cháu rể. Sau những năm tháng sống xa nhau tới hơn trăm cây số đường xe lửa, sự đoàn tụ lúc này của chúng tôi mới thật là giá trị. Nhà tôi nói nửa đùa nửa thật là rút cục mình đã được vui thú "điền viên". Hàng ngày anh ấy vào sở làm việc hoặc đi công việc gì đó, tối về lại miệt mài ngồi viết, thường là tới rất khuya. Ngoài việc viết văn, hoạt động Hướng đạo và tham gia Truyền bá quốc ngữ là những việc nhà tôi theo đuổi từ hồi ở Hải Phòng, tôi có cảm giác giờ đây anh ấy còn dự vào một công việc gì đó có phần đặc biệt hơn. Sau này, cách mạng thành công, tôi mới biết là anh ấy hoạt động Việt Minh, và cái tổ chức mà anh ấy giấu tôi kia chính là nhóm Văn hóa cứu quốc. Còn lúc đó tôi chỉ biết giữ kín mối lo trong lòng, tôn trọng mọi công việc của anh ấy với lòng tin rằng không bao giờ nhà tôi làm việc gì có hại cho gia đình.
Cuộc sống ổn định của chúng tôi lần này hóa ra cũng chỉ kéo dài được mấy tháng, cho tới cái ngày máy bay Anh - Mỹ ném bom Hải Phòng, Hà Nội. Lo sợ cho sự an toàn của tôi và cháu nhỏ, nhà tôi khuyên tôi theo các cụ tạm lánh về Tiên Hưng (Thái Bình). Tôi không muốn xa anh ấy chút nào, nhất là để anh ấy lại một mình ở nơi nguy hiểm, nhưng rồi cũng bị anh ấy thuyết phục. Thế là một lần nữa, chúng tôi lại xa nhau.
Đầu năm 1945 (?),nhà tôi thuê một căn gác ở phố Pescadore (nay là phố Phù Đổng Thiên Vương). Việc này anh ấy tự quyết định lấy một mình, không hỏi ý kiến tôi. Thậm chí có nhà riêng rồi anh ấy vẫn không đón tôi về. Vốn quen tôn trọng mọi quyết định của chồng, tôi không thắc mắc gì, song cũng không khỏi băn khoăn về cách giải quyết của nhà tôi. Thì ra, như sau này được biết, anh ấy thuê căn gác ấy là để lấy chỗ đi lại cho các anh em trong tổ chức. Và anh ấy đã dồn tất cả tiền nhuận bút của mấy cuốn sách đang được đăng tải vào việc thuê nhà. Theo như anh Tô Hoài kể lại thì nhà tôi dùng một cái khóa số cho căn gác ấy. Số khóa: 1789 - trùng với năm nổ ra Cách mạng Pháp. Ai biết số cứ việc mở vào. Dần dần căn gác ấy trở thành một thứ "trụ sở" của nhóm Văn hóa cứu quốc. Các anh Trần Huy Liệu, Khuất Duy Tiến vượt ngục ra cũng về đấy ở tạm. Tất cả những việc này về sau tôi mới được biết, chứ lúc ấy anh ấy giấu kín. Kể cả cái việc anh ấy lên chiến khu dự Quốc dân Đại hội cũng vậy. Nhà tôi làm cái việc "tày đình" ấy mà tôi tuyệt nhiên không hay biết gì, cho tới khi anh ấy về, cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên khắp các phố phường Hà Nội. Tôi hiểu chẳng qua là vì anh ấy muốn tránh mọi liên lụy có thể cho vợ con!
Những ngày sau Cách mạng tháng Tám như một cơn lốc cuốn hút anh vào việc. Nhà tôi đi tối ngày, nhiều khi về nhà là chỉ để báo lại có việc phải đi tiếp. Sung sướng nhất là những hôm nhà tôi làm việc ở nhà, chủ yếu là những khi anh ấy cần viết một cái gì đấy. Tiếng là ở nhà, nhưng cũng chẳng mấy khi vợ chồng trò chuyện được với nhau, vì anh ấy cứ ngồi viết suốt. Nhưng chỉ cần thấy bóng anh ấy trong nhà, cắm cúi bên bàn làm việc, là tôi thấy căn buồng như bừng sáng lên. Có lần, nhà tôi ở lì nhà cả tuần liền. ấy là vào quãng đầu năm 1946 gì đó, tôi không nhớ rõ nữa. Anh ấy cứ thế ngồi viết mải miết, từ sáng đến khuya, hết ngày này sang ngày khác. Thường thì nhà tôi viết rất khó khăn, nhiều lúc cứ ngồi thừ ra bên bàn, đến khi viết được thì cũng lại dập xóa luôn. Nhưng không hiểu sao lần này anh ấy viết có vẻ dễ dàng thế, nét mặt cũng không căng thẳng như mọi khi, mà có phần say sưa, sảng khoái. Kịch bản sân khấu Bắc Sơn đã ra đời sau mấy ngày nhà tôi làm việc như thế.
Một ngày đầu tháng tư năm 1946, nhà tôi phấn khởi báo cho tôi biết, tối hôm ấy tại Nhà hát Thành phố công diễn vở kịch Bắc Sơn của anh. Để bày tỏ sự hân hoan trước sự kiện trọng đại này - cái gì liên quan đến anh ấy mà chẳng quan trọng đối với tôi! - tôi cố gắng trang điểm thật đẹp, diện một chiếc áo dài mà anh ấy thích nhất. Và tôi biết mình đã làm vừa lòng anh ấy.
Chúng tôi đến nhà hát sớm hơn bình thường, vì nhà tôi muốn được tự mình đón tiếp các bạn bè, khách khứa. Nhìn anh ấy tươi tắn đi đi lại lại dưới ánh đèn rực rỡ của nhà hát, bắt tay người này, chào hỏi người nọ, chưa bao giờ tôi thấy nhà tôi đẹp đến như thế. Và tôi thật sung sướng, tự hào khi được anh ấy nắm tay dắt vào lô riêng của mình.
Màn vừa mở, tiếng nhạc trầm hùng của nhạc sĩ Văn Cao vừa tấu lên, anh ấy lại nắm lấy tay tôi. Ngạc nhiên vì cái nắm tay quá chặt, tôi quay sang và hiểu rằng nhà tôi đang hết sức xúc động. Mặc dù đã là một người hoạt động văn học nghệ thuật nổi tiếng, đây là lần đầu tiên một vở kịch của anh ấy được trình diễn trên sân khấu của nhà hát quốc gia. Những tiếng lạch cạch khó chịu phát ra từ các hàng ghế chưa ổn định xong chỗ ngồi khi vở diễn đã bắt đầu cứ như xoáy vào tai anh ấy. Một tiếng ho khan đâu đó khi tất cả đã ắng xuống cũng khiến anh ấy giật mình. Đến khi khán giả đã bị cuốn hút vào hành động kịch, chăm chú nhìn lên sân khấu thì anh ấy lại quay ngang quay ngửa, nhìn hết phía này sang phía khác, cố gắng đoán đọc nét mặt của người xem. Tôi nhìn nhà tôi và cũng bị lây cái tâm trạng chờ đợi căng thẳng của anh ấy. Vở kịch đã đi đến hồi kết. Màn vừa hạ xuống, cả nhà hát bùng lên trong tiếng hoan hô vang dậy. ánh sáng được thiết lập trở lại ánh lên trên những gương mặt hoan hỉ của khán giả. Riêng anh ấy thì vẫn ngồi lặng đi như bị thôi miên bởi cảnh tượng tưng bừng của những đợt sóng vỗ tay không dứt. Có lẽ, trong cả nhà hát hôm ấy, duy chỉ có anh ấy là không vỗ tay cho vở kịch của mình.
Mãi cho đến lúc ra về, nhà tôi vẫn giữ sự im lặng sâu lắng ấy. Lúc chỉ còn hai đứa chúng tôi, anh ấy khẽ rỉ tai tôi nói nhỏ:
- Uyên này, em có biết không, Cụ Hồ cũng đến xem đấy!
Nhìn ánh mắt anh ấy sáng lên trong đêm tối, tôi biết là anh ấy xúc động ghê lắm.
*
Những ngày vui sau cách mạng sao mà ngắn ngủi. Bóng đen của chiến tranh không biết từ lúc nào đã len tới ám ảnh tâm trí mọi người. Bầu không khí chính trị căng thẳng, sự có mặt của các đạo quân hết Tàu Tưởng lại đến Pháp với tất cả sự nhiễu nhương của chúng, khiến cho cuộc chiến như có nguy cơ bùng nổ bất cứ lúc nào. Một buổi tối giá rét tháng 11 năm 1946, nhà tôi từ cuộc họp về thẳng nhà, giục tôi phải mau chóng đi tản cư cùng với gia đình. Cho tới lúc đó, chuyện tản cư đâu còn là việc xa lạ gì đối với người Hà Nội, nhưng tôi vẫn nấn ná chưa muốn đi, vì không muốn lại phải xa chồng. Lần này, sự thể có vẻ nghiêm trọng hơn nhiều, với việc quân Pháp gây hấn ở Hải Phòng, và tăng cường lấn lướt ta ở Hà Nội. Trước những lý lẽ cương quyết của nhà tôi, tôi đành phải theo gia đình về Cói, một làng quê ở bên kia sông Đuống, để anh ấy ở lại nơi mà giờ đây tôi thấy đầy rẫy những tai ương.
Cái đêm 19 tháng Chạp năm 46 như một bàn tay tàn phũ đã xóa tan mọi hy vọng mong manh về hòa bình còn rớt lại đến bấy giờ. Đứng ở bên đê nhìn về Hà Nội, thấy đỏ rực lên cả một góc trời với những đường đạn đan chen ngang dọc bầu trời, thỉnh thoảng lại vọng lại những tiếng ì ầm như sấm rền, tôi chỉ nghĩ đến nhà tôi không biết giờ này anh ấy ở đâu, trong hay ngoài cái bể lửa sôi sục ấy.
Chiến sự loang ra nhanh chóng de dọa cả đến cái làng Cói hiền hòa. Các cụ tôi quyết định phải chạy trước khi có nguy cơ địch đánh đến. Một nách ba mụn con nhỏ, tôi có thể làm gì hơn là bám theo gia đình, nhờ cậy các cụ tôi và mấy chị em đỡ nheo nhóc hơn. Chúng tôi về ấp Thanh Trí ở trên Phúc Yên, nhưng vẻ yên hàn nơi đây càng làm cho tôi thấm thía về sự xa cách mỗi lúc một tăng giữa hai chúng tôi. Vậy mà lần mò thế nào nhà tôi cũng tìm đến được và đưa tôi lên Bắc Kạn, nơi cơ quan anh ấy đóng.
ở Bắc Kạn được mấy tuần, nhà tôi lại có việc đi công tác xa. Trong những ngày đầu kháng chiến đầy bỡ ngỡ, việc sắp xếp chỗ ăn ở cho vợ một cán bộ cũng khó khăn, lúng túng như mọi công việc lớn nhỏ nào khác. Để tránh phiền hà cho cơ quan, nhà tôi bàn với tôi hãy tạm về Thanh Trí, đợi sau này khi mọi việc ổn định sẽ đón tôi lên.
Thế rồi có tin giặc nhảy dù Bắc Kạn. Tin có đánh nhau to trên ấy khiến tôi hết sức lo lắng cho nhà tôi. Mấy lá thư liền tôi viết cho anh ấy đều không có trả lời làm cho tôi nghĩ hết khôn dồn đến dại. Giữa lúc ấy thì các cụ tôi cũng cạn sạch tiền, không còn biết lấy gì duy trì cho cuộc sống hàng ngày của cả một đại gia đình đông đúc. Thật là họa vô đơn chí! Trong tâm trạng rối bời ấy, tôi đành theo gia đình lộn về Hà Nội, để rồi sẽ lại tính chuyện ra sau.
Những ngày sống ở Hà Nội bị chiếm đóng sao mà buồn! Cứ nghĩ đến cảnh anh ấy lúc này còn hay mất, lành lặn hay đã bị làm sao, tôi lại thấy não cả lòng. Ăn một miếng cơm cũng nghĩ đến anh ấy không biết có gì ăn không, ngủ đắp chăn bông ấm áp lại nghĩ biết đâu anh ấy lúc này lại không đang ngủ bờ ngủ bụi, mưa nắng dãi dầu. Nhiều lúc nhớ quá, tôi lại giở những quần áo cũ của nhà tôi ra. Ngắm nghía những vật vô tri vô giác mà lúc này như có hồn, tôi lại thấy hiện lên tất cả bóng dáng quen thuộc của chồng mình. Tôi chọn lấy mấy cái áo ngắn của anh ấy mặc bên trong, cả một chiếc áo trấn thủ sờn rách, và thấy ấm áp lạ. Các cụ tôi thương con chỉ biết thở dài.
Cuộc sống chỉ trở lại bình thường với tôi khi vào đầu năm 48, có hai người lạ mặt xuất hiện ở nhà tôi, tự xưng là người của anh ấy và báo tin anh ấy vẫn khỏe mạnh và đang nóng lòng đón tôi ra. Tôi những muốn ra đi ngay để được về bên anh ấy, nhưng đến lúc bàn bạc trong gia đình mới thấy nảy ra một vấn đề. Số là lúc bấy giờ địch đang lúng túng to ở chiến trường nên chúng ra sức kiểm soát ở "hậu phương". Ngày nào cũng có người của chúng qua lại từng nhà một, đặc biệt là các nhà có dính dáng đến kháng chiến, để kiểm tra nhân khẩu và răn đe mọi người không được tiếp tay cho Việt Minh. Nếu tôi mà đi thì người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả là cậu tôi mà lúc này đã tuổi già sức yếu, chắc gì đã chịu được sự khủng bố của địch. Tôi đành gạt nước mắt nhờ các anh nói lại với nhà tôi về tình cảnh gia đình và hẹn để thư thư cho ít lâu nữa. Từ đó tới cuối năm, nhà tôi còn hai lần nữa cho người vào đón tôi ra, nhưng cả hai lần sau này cũng vậy, tôi đều không thể bất nhẫn ra đi. Tôi biết tôi khổ tâm thế nào thì nhà tôi cũng đau khổ thế ấy, nhưng tôi biết làm gì hơn được. Chỉ mong sao anh ấy hiểu cho tôi phần nào và thông cảm với nỗi lòng tôi.
Sau gần chục năm thành vợ thành chồng, nhà tôi nào còn lạ gì tính tôi. Dẫu có thế nào anh ấy cũng không bao giờ nghi ngờ tình cảm của tôi đối với chồng. Song trong điều kiện kháng chiến, khi mà sự phân định giữa các khái niệm ta và địch, tốt và xấu, đi kháng chiến và ở lại trong thành... bao giờ cũng được đặt ra một cách rạch ròi, dứt khoát, thì sự cương quyết của nhà tôi trong việc đòi hỏi tôi phải ra bằng được cũng là điều dễ hiểu. Cho đến đầu năm 51, anh ấy bắn tin cho tôi, nếu tôi không ra ngay thì coi như giữa chúng tôi không còn có sự ràng buộc, và mỗi người được tự do lo liệu cuộc sống riêng của mình. Trước đó, tôi đã nghe đồn có nhiều người thương anh ấy vò võ một mình, khuyên anh ấy lấy vợ. Nhưng cũng có người hiểu và tin tôi, động viên nhà tôi cố đợi. Anh Tố Hữu là một trong những người ấy.
Bán tín bán nghi, tôi quyết định đi ngay. May sao, lúc này sự kiểm soát của địch ở trong thành đã có phần lơi lỏng, tôi ra đi cũng được yên tâm hơn về gia đình. Theo một người bà cô, vợ của nhà văn Nguyễn Triệu Luật dẫn đi, tôi mang theo cháu thứ ba lần mò qua các vùng tề và lên được Thái Nguyên, vùng tự do biết bao trông ngóng. ở đây, tôi bắt liên lạc được với mấy người cháu của nhà tôi và nhờ nhắn tin hộ. Một người cháu của anh ấy tên là Nguyễn Huy Ngạc, công tác ở báo Cứu quốc tỉnh, cho đăng ngay tin trên số báo đầu tiên. Tôi thấp thỏm chờ đợi, không biết sự thể sẽ thế nào. Nhưng anh ấy đã không để tôi phải đợi lâu. Một ngày tháng ba năm 51, nhà tôi, có anh Nguyễn Văn Mãi và chú Thái liên lạc đi cùng, tìm đến nơi tôi ở. Gặp nhau, vợ chồng mừng mừng tủi tủi, bao nhiêu dị nghị trước đây phút chốc đều tan biến. Nhà tôi cho biết, được tin, cả cơ quan đều mừng cho anh ấy. Anh Tố Hữu giục nhà tôi đi ngay, "kẻo chị ấy mong", và bố trí hai anh đi cùng để đón các cháu nhỏ.
Nhớ lại những ngày ở Việt Bắc sao thắm thiết lạ. Cuộc sống của những người đi kháng chiến tuy có gian lao vất vả, nhưng lại bội phần đầm ấm, chan chứa tình thân. Nhà tôi đi công tác suốt. Mà không riêng gì anh ấy, các anh chị khác cũng vậy. Ngay lần về đón tôi ở Thái Nguyên, nhà tôi cũng chỉ đưa tôi lên tới Bờ Đậu, rồi chia tay tôi đi công tác luôn, giao phó tôi cho hai đồng chí đưa hộ về cơ quan đóng ở Tuyên Quang, một nơi heo hút nhưng lại có cái tên đầy thi vị là Cây Đa Nước Chảy. Thường thì cơ quan vắng ngắt vì các anh ấy không mấy khi ở nhà. Nhưng các anh ấy đi đâu thì thôi, hễ cứ về đến nhà là cả cơ quan lại tíu tít lên, tưng bừng như mở hội. Nhìn các anh ấy gặp nhau, tay bắt mặt mừng, hân hoan báo cho nhau những tin vui mới nhận, hay ngậm ngùi chia sẻ với nhau những rủi ro trong cuộc sống riêng chung, tôi lại thấy thêm tin tưởng vào sự nghiệp mà các anh ấy đang quên mình phấn đấu. Mà cuộc sống trên ấy cũng có nhiều cái lạ. Kham khổ, thiếu thốn thì khỏi phải nói, ăn đói mặc rét là chuyện thường tình, không riêng gì người lớn mà cả trẻ con. Nhưng khi có dịp thì các anh ấy lại hết sức "phóng túng", uống rượu với nhau có khi thâu đêm suốt sáng, sẵn sàng say sưa với mọi sự, từ chuyện đàn hát, ngâm ngợi, cho đến việc tranh luận nảy lửa với nhau. Tôi quên sao được những buổi cơ quan tổ chức đấu bóng chuyền, những tối diễn kịch cho nhân dân quanh vùng xem, hay những đêm sinh hoạt lửa trại, vòng người ngồi vây quanh đống lửa bập bùng, càng lúc càng sít lại vào nhau để cho hơi ấm con người xua bớt đi cái cảm giác tê buốt của sương giá mỗi lúc một buông dày đặc. Và tôi hiểu vì sao, sau này, khi về sống giữa phố phường Hà Nội, mỗi khi có điều gì buồn bực, nhà tôi lại hay nhắc đến những ngày Việt Bắc "ấm áp tình người".
*
Hòa bình lập lại, về tiếp quản Thủ đô, nhà tôi thuê một căn buồng ở phố Bà Triệu - nơi giờ đây chúng tôi vẫn ở. Hai vợ chồng với năm đứa con - cháu gái lớn đã đến tuổi có nhu cầu sinh hoạt riêng, cháu thứ năm, cháu trai duy nhất, thì vừa mới lọt lòng - nhét vào cùng một căn buồng vuông chằn chặn quả là bất tiện, ấy là chưa nói đến chỗ làm việc của nhà tôi. Nhưng nhà tôi vẫn lạc quan. Anh ấy cho đấy chỉ là ở tạm, sau này đời sống khấm khá lên, chúng tôi sẽ tậu một ngôi nhà ở ngoại thành, vừa để "vui thú điền viên", vừa để anh ấy được yên tĩnh mà viết sách. Đau đớn thay, mơ ước đó của nhà tôi cho đến lúc mất vẫn chỉ là mơ ước! Còn tạm thời, để lấy chỗ làm việc, anh ấy dùng phên tre ngăn một phần hành lang cạnh phòng thành một không gian riêng cho mình và gọi là "buồng con", thay cho mỹ từ "phòng làm việc" quá to tát so với cái vẻ xoàng xĩnh của nó. Sau này, anh Trịnh Hữu Ngọc, một người thích "người tử tế" thấy chỗ làm việc của nhà tôi tội nghiệp quá, tự động đưa gỗ và thợ đến đóng lại cho thành một cái vách ngăn hẳn hoi. (Việc làm này của anh Trịnh Hữu Ngọc hoàn toàn là vô tư, cũng như mọi mối quan hệ khác giữa nhà tôi với anh ấy. Vậy mà vẫn có người thắc mắc về sự giao du của ông Tưởng với ông Ngọc, một nhà kinh doanh bị quy là tư sản!)
Thời gian đầu nhà tôi bận bịu suốt, hầu như không có mấy lúc được rảnh mà ngồi viết. Hết hội họp liên miên lại đến các công việc hành chính sự vụ ngập đầu. Lúc đầu anh ấy coi đó là chuyện đương nhiên, vì bao giờ mà chẳng thế, mỗi một sự đổi thay đều phải bắt đầu bằng công tác tổ chức, xây dựng. Nhưng rồi càng ngày tôi càng cảm thấy vẻ bứt rứt khó chịu hiện rõ trên nét mặt nhà tôi. Một lần, ở một cuộc họp về, anh ấy buột miệng nói như là với ai ai: "Bàn việc sáng tác thì chả bàn, chỉ độc những thắc mắc nhau!" Điều làm nhà tôi khổ tâm nhất là sau những năm tháng kháng chiến đầy những hy sinh mất mát, bản thân các anh ấy cũng phải tạm gác lại tất cả những dự định sáng tác lớn lao để chờ đến ngày thắng lợi, thì giờ đây, khi đã về sống trong khung cảnh hòa bình ổn định, anh ấy không những không viết được cái gì cho ra hồn mà còn bị mất đi tâm trạng thanh thản của những tháng năm qua. Giải thưởng văn nghệ dành cho Truyện anh Lục cũng không làm cho nhà tôi vui lên được mấy tí, vì tự anh ấy cho đó mới chỉ là quặng thô, chưa phải đã được mài giũa như ý muốn. Thế rồi có những tin tức không hay về cải cách ruộng đất, về cuộc chính biến ở Hungari, trong khi tình hình văn nghệ lại đang diễn biến hết sức phức tạp. Tất cả những cái ấy đã tác động đến tâm trạng nhà tôi một cách ghê gớm. Nhớ lại giai đoạn từ giữa năm 1956 đến đầu năm 1958, tôi nghĩ đó là những ngày đau đớn nhất của anh ấy những năm cuối đời. Đêm nào nhà tôi cũng thức viết nhật ký rất khuya, dường như tất cả những gì anh ấy không thể nói ra với ai hay chưa thể hiện được lên trang in, anh ấy dồn hết vào những cuốn sổ tay chỉ viết cho riêng mình. Bạn bè biết tính nhà tôi hay ghi chép, đi đâu về thường làm quà cho anh ấy những cuốn sổ tay. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi kể trên, tôi để ý thấy nhà tôi thay đến ba quyển nhật ký dày cộp mà giá như tôi có viết cả đời cũng không hết. Lóe sáng lên duy nhất trên cái nền ảm đạm mà tôi nhớ về nhà tôi những ngày này, là cái ngày chủ nhật mùng 4 tháng 11 năm 1956 đáng ghi nhớ ấy, khi đang đêm anh Nguyễn Tuân xộc đến báo tin mừng cho nhà tôi về tình hình Hungari đã trở lại ổn định, rồi các anh ấy hớn hở rủ nhau đi truyền tin vui cho các anh em khác. Được khích lệ bởi cái sự kiện đem lại niềm tin vào một thực tế tốt đẹp hơn, nhà tôi đã hoàn thành bài tùy bút vẫn để lay lứt suốt mấy hôm liền, cái công việc mà anh ấy biết trước là: "Nói những cái sai lầm, mà bút run run, rồi sẽ bị đả kích đến thế nào?" (nhật ký ngày 26-11-1956). Bài tùy bút Một ngày chủ nhật đã ra đời trong bối cảnh như vậy, và theo lời một nhà phê bình văn học mà nhà tôi ghi lại, sẽ có hại cho cả đời anh ấy (!)
Một ngày quãng tháng ba tháng tư gì đó của năm 58, nhà tôi đi họp về, người bần thần. Hôm ấy đã là ngày thứ bao nhiêu rồi của một đợt họp kéo dài, tôi không còn nhớ rõ. Chỉ nhớ là, chính vào một dịp như thế, chứ không phải trong những lúc anh ấy vật vã với những trang bản thảo, nhà tôi đã thốt ra cái câu nói mà giờ đây tôi còn thấy xót xa cho anh ấy. Nhìn chằm chặp đứa con trai bé bỏng mà anh ấy chăm lo hơn cả bản thân mình, nhà tôi chép miệng thở ra: "Sau này các con đừng cho chúng nó theo nghề văn làm gì cho nó khổ!" Và tôi biết là anh nói hết sức nghiêm túc.
May sao, ngay sau đó nhà tôi thôi công tác lãnh đạo. Kể từ đây, nhà tôi mới được tập trung vào sáng tác, ngoài việc lo toan cho cái nhà xuất bản Kim Đồng mà anh ấy đã coi như gia đình thứ hai của mình. Tôi nói "may" đây không phải chỉ riêng cho anh ấy được chuyên tâm vào công việc mình thực sự yêu thích, mà cả cho tôi nữa, từ nay được thường xuyên thấy cái bóng dáng quen thuộc của chồng mình cắm cúi bên bàn làm việc ở nhà. Nhà tôi viết chủ yếu về đêm. Ban ngày anh ấy hay đi lại với bạn bè. Hay đến với nhà tôi hơn cả là các anh Nguyễn Tuân, Kim Lân, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên... Anh Nguyên Hồng ở trên Bắc Giang về Hà Nội lần nào cũng qua chỗ chúng tôi, và thường là ở lại. Nhà tôi đặc biệt quý các anh em miền Nam, cũng như các anh ấy có vẻ mến nhà tôi, thường xuyên lui tới luôn, trong đó hay thấy có các anh Nguyễn Văn Bổng, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Phạm Hổ... Nhưng có lẽ gắn bó hơn cả với nhà tôi lại là một người bạn công tác ở một lĩnh vực khác hẳn. Đó là anh Lưu Văn Lợi, người bạn thủy chung như nhất với nhà tôi từ lúc thiếu thời ở Hải Phòng, người đã từng chia sẻ với anh ấy giấc mộng văn chương của những năm đèn sách, nhưng sau này lại chuyển sang công tác ngoại giao...
Mỗi khi có bạn bè đến chơi, nhà tôi mừng lắm. Anh vốn tính ít nói, thường khi ở nhà chẳng mấy khi nói gì nhiều bao giờ, nhưng hễ có bạn đến là nhà tôi hào hứng hẳn lên. Tôi có cảm giác không chỉ những lúc thao thao bất tuyệt vì đang hứng nói, mà cả những lúc ngồi nghe, nhà tôi cũng làm cho người cùng nói chuyện hứng thú vì sự chăm chú say sưa của mình. Với người bạn nào của anh ấy, tôi cũng chỉ được nghe nói đến mặt tốt, điều hay. Nhà tôi không chú ý đến những điều vặt vãnh bao giờ, nhưng có những cử chỉ nho nhỏ của người khác làm cho anh ấy cảm động, nhớ mãi. Có lần anh Bùi Hiển làm quà cho anh ấy một lọ mực. Một lọ mực trong cả đời viết văn của mình, nhưng lại do một bạn văn tặng, đã trở thành một kỷ niệm không phai như nó đã đọng lại trên trang viết của anh ấy. Nhà tôi cứ nhắc mãi về chuyện đó, và một lần, sau khi viết xong được một đoạn văn, anh ấy nói nửa đùa nửa thật: "Đấy, nhờ có mực của anh Bùi Hiển cho mới viết được bao nhiêu chữ nghĩa như thế đấy!"
Cũng như phần lớn các anh chị nhà văn khác, nhà tôi chẳng lấy gì làm sung túc, thậm chí có thể nói suốt đời túng thiếu là đằng khác. Nhưng cũng giống anh Tuân, nhà tôi hay thích được "vui" với anh em. Mỗi khi có nhuận bút là thể nào nhà tôi cũng không quên bớt lại một chút để "khao bạn". Khi thì anh ấy mời đi đặc sản, khi thì mời về nhà, điều mà có lẽ anh ấy thích hơn, duy chỉ ngại tôi vất vả. Tội nghiệp, nào có đáng gì cái việc ấy mà nhà tôi cứ phải băn khoăn! Được chiều theo ý anh ấy là tôi thích rồi. Mấy mẹ con chúng tôi chuẩn bị cơm nước xong đâu đấy rồi lui ra ngoài "buồng con" với nhau, để các anh ấy được tự nhiên thoải mái. Vui rượu với bạn, nhưng không lần nào nhà tôi quên ra xem "mấy mẹ con có đủ ăn không". Cũng có khi có anh uống quá thành say. Anh Nguyên Hồng là một người hay thế. Thấy tôi cứ lúi húi dọn dẹp mãi, nhà tôi thường tỏ vẻ ái ngại, có lần còn ngỏ ý được làm đỡ, làm cho tôi phát hoảng lên, chỉ sợ anh ấy lại làm bẩn thêm ra. Một lần, nhà tôi nhận được thư của anh Dương Bích Liên từ Cẩm Phả gửi về. Đọc xong, anh ấy vui lắm, chỉ cho tôi xem đoạn kết và bảo: "Anh Liên anh ấy khen em đây này". Thì ra, đó là câu anh Dương Bích Liên hẹn gặp nhà tôi mà tôi xin trích lại nguyên văn: "Gặp nhau thể nào chúng ta cũng phải có một buổi tối như ở Trịnh Tây, nhưng đối với tôi, ấm cúng hơn cả vẫn là ở trong khung cảnh gia đình thân yêu của anh!" (tôi nhấn mạnh - T.T.U.). Tôi cảm động chỉ biết nhìn anh ấy tỏ ý biết ơn vì sự tế nhị của anh ấy trong cách khen tôi, nhưng cũng không khỏi ngạc nhiên vì cứ nghĩ, trong việc tề gia nội trợ, mình còn vụng về lắm.
Do tính chất công việc, nhà tôi hay đi về thất thường. Nhưng bất luận anh ấy đi lâu hay chóng, đi guốc hay đi giày, mang theo xe hay đi người không, hễ anh ấy về đến dưới nhà là tôi đã biết. Dù nhà tôi có về muộn đến mấy, tôi cũng cố thức chờ bằng được. Cũng có khi mệt quá ngủ thiếp đi, nhưng chỉ cần nghe tiếng chân anh ấy là tôi đã choàng tỉnh. Tôi ra mở cửa sẵn sàng để anh ấy khỏi phải gọi. Nhà tôi thấy thế vui lắm, nhưng không muốn tôi phải đợi lâu, lần nào cũng bảo tôi lần sau đừng thức khuya như thế, cứ để anh về gọi cửa cũng được. Nhưng tôi nghĩ tôi làm việc ấy cũng chẳng khó khăn gì, mà lại đem lại được niềm vui đến thế cho anh ấy, thì cớ gì lại không cố thức đợi! Và còn những lần nhà tôi đi xa về nữa. Thường anh ấy không mấy khi báo trước. Nhưng chỉ cần xe về đến dưới nhà là thể nào mấy mẹ con cũng biết. Làm sao chúng tôi có thể nhận ra được tiếng xe anh ấy giữa muôn vàn âm thanh của đường phố không lúc nào ngớt tiếng tàu xe, tôi không thể nào cắt nghĩa được. Song không lần nào linh tính chúng tôi không mách bảo. Sau một tiếng reo: "Bố về!" là cả nhà ùa xuống, tíu tít vợ chồng, bố con, đứa thì nhảy tót lên lòng bố, đứa thì giành lấy mấy quả bưởi, bó mía anh ấy mua về làm quà cho vợ con.
Giờ đây, khi ngồi nghĩ lại những ngày này, tất cả những kỷ niệm kia sao mà gợi nhớ, gợi thương. Nhưng có lẽ hằn sâu nhất trong tôi trước sau vẫn là cái hình ảnh nhà tôi đêm đêm ngồi làm việc. Ôi cái góc phòng bé nhỏ được chiếu sáng yếu ớt bởi một ngọn đèn 40W cho đỡ tốn điện, trên mặt bàn bề bộn những trang bản thảo cũ mới, ở một góc nào đó, lẫn trong đống giấy má, tài liệu ngổn ngang là cái ca sắt tây khiêm nhường tôi pha sữa đậu nành "tẩm bổ" cho anh ấy, hay một hai quả chuối mà anh ấy không chịu vượt quá "khẩu phần"! Cái góc phòng ấy mùa đông thì lạnh buốt vì không được che kín, mùa hè thì hầm hập nóng vì chật hẹp, chính là nơi nhà tôi ngày ngày ngồi làm việc. Thương nhất là những đêm hè vì nhà tôi vốn không chịu được nóng. Anh ấy ngồi viết mà mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, trên người. Những lúc không nghĩ ra văn, nhà tôi lại ngồi thừ ra khổ sở, rồi như sực nhớ tới cái nóng khủng khiếp, anh ấy vớ lấy cái khăn mặt lau qua, hy vọng một chút mát mẻ của hơi nước sẽ làm mình tỉnh táo ra. Cái dáng ngồi thừ ra của nhà tôi, cộng với nét mặt đờ đẫn trên khuôn mặt hơi dài của anh ấy những lúc như thế, đã được anh Nguyên Hồng đặt cho cái tên. Mao Thuỗn, để phân biệt với nhà văn Mao Thuẫn của Trung Quốc. (Anh Nguyên Hồng còn hay gọi nhà tôi là ông Chánh Hòa mà tôi không biết vì sao. Riêng anh Tô Hoài thì đặt cho anh ấy cái tên Tônxtôi vì sự ngưỡng mộ đến say mê của nhà tôi đối với văn hào Nga này, và cũng vì sự giống nhau giữa anh ấy với nhà văn bậc thầy của mình, là khi về "già" cùng xoay ra viết cho thiếu nhi và nhờ đó có được những trang trong sáng nhất trong đời viết văn của mình). Mấy ai biết được, để có được những trang viết hào hùng về cuộc kháng chiến của Thủ đô mà tôi đọc cứ thấy ngất ngây vì cái chất men say lý tưởng, hay những trang viết trong sáng, đầm ấm cho các em được thể hiện bằng một lối kể chuyện hết sức tự nhiên, nhà tôi đã phải vất vả đến thế nào! Phần tôi chỉ biết để sẻ bớt những nỗi nhọc nhằn của anh ấy, những lúc xong việc, tôi lại ra ngồi bên quạt cho nhà tôi đỡ nóng. (Giá mà chúng tôi có tiền sắm một cái quạt máy thì còn nói làm gì). Tôi cứ ngồi lặng lẽ quạt, nhưng cũng có lúc buồn ngủ quá - tôi vốn quen dậy sớm để dọn dẹp nhà cửa - tôi thiếp đi lúc nào không biết. Không muốn làm phiền tôi, nhà tôi vào giường nằm để cho tôi cùng được ngủ. Nhiều khi ngủ được một giấc dài, tôi mơ màng quờ tay sang thì giật mình không thấy nhà tôi đâu nữa.
Lắng nghe tiếng bút sột soạt cày trên giấy từ ngoài "buồng con" lọt vào lúc này đã có vẻ đều hơn, tôi biết là anh ấy đang có đà làm việc. Hiểu là không nên đánh động, tôi chỉ biết cầu trời chóng dịu dịu đi một chút để cái nghề viết văn của anh ấy đỡ khổ!
*
Cuộc sống đang tốt đẹp là thế thì vào một ngày cuối tháng 5-1960, nhà tôi đi khám bệnh về và cho biết, các bác sĩ quyết định anh ấy phải vào nằm viện. Nhìn vẻ lo lắng không giấu nổi của tôi, nhà tôi vội nói ngay để tôi yên tâm: "Chắc cũng chỉ vài ngày thôi. ở trong ấy mới có phương tiện điều trị".
Thực ra cho đến khi ấy, nhà tôi đã phải vài lần nằm viện. Nhưng không hiểu sao, lần này, tôi cảm thấy có cái gì khang khác. Nhà tôi cũng làm ra vẻ bình thản, nhưng tôi có cảm giác anh ấy còn giấu tôi điều gì. Thì ra, lý do để anh ấy phải vào viện là vì các bác sĩ phát hiện ra anh ấy có một cái u. Cái u ở bụng ấy, nhà tôi đã sờ nắn thấy từ lâu, nhưng vẫn cho là bình thường, thậm chí cũng không nói cho tôi biết. Đến bây giờ, trước quyết định của bệnh viện, anh ấy mới thấy hết tính chất nghiêm trọng của nó.
Sáng hôm vào bệnh viện, nhà tôi dậy sớm soạn lại các tài liệu, "để hôm này về, lúc làm đến đỡ phải tìm mệt". Giở đến một tập bản thảo dày cộp, anh chìa ra với tôi và bảo: "Sửa xong được tập này thì phải biết, cả một gia tài để lại cho mẹ nó với các con!" Như sau này tôi biết, đó chính là bản thảo tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô.
Cũng như trước mọi chuyến đi đâu xa khác, nhà tôi chia tay với chúng tôi và kết thúc bằng việc ôm chặt lấy "chú Thắng" của anh ấy vào lòng. Rồi buông con ra, quay sang tôi bảo: "Thôi anh đi". Cả nhà nhìn theo và thật vui mừng khi mấy phút sau thấy anh ấy quay trở lại, tay cầm một bó hoa. Nhà tôi giải thích: "Thấy mấy bông hồng tươi quá, mua cắm cho mấy mẹ con vui cửa vui nhà". Và anh bảo tôi: "Đầu phố có bán muỗm. Em xuống mua cho các con ăn" (muỗm là một trong những hoa quả nhà tôi rất thích, và có lẽ cũng chính vì thế mới có cái hình tượng cây muỗm quả ăn vào mát lòng mát dạ trong thiên truyện Tìm mẹ). Thế là, trong khi mấy mẹ con gọt muỗm thì anh ấy lúi húi cắm hoa. Khốn nạn, cả nhà chỉ có độc một lọ hoa thì lại vừa bị con mèo vồ chuột thế nào làm rơi vỡ mất. Anh ấy đành lấy một cái cốc thủy tinh cắm tạm. Xong cái "công trình" của mình, nhà tôi lùi ra xa ngắm nghía và nói vẻ hài lòng: "Cũng được! Cái chính là được cái hoa tươi". Rồi anh ấy ra đi, nhưng cả lần này nữa, nhà tôi cũng quay trở lại ngay. Anh bảo nhân thể cầm luôn tập bản thảo Lá cờ thêu sáu chữ vàng sang cho Kim Đồng, để tôi đỡ phải đi.
Sau này, khi đã tĩnh trí lại, tôi thường hay ôn lại những sự kiện xảy ra trong những ngày cuối cùng của nhà tôi. Tôi băn khoăn tự hỏi không hiểu vì sao nhà tôi lại làm tất cả những việc mà anh ấy đã làm vào cái hôm ấy. Phải chăng vì biết mình sắp đi xa, hay do số trời đã định, mà anh ấy lại dùng dằng như thế? Phải chăng vì biết rồi đây, thiếu anh ấy, mấy mẹ con sẽ khó khăn, buồn tủi đến thế nào, mà anh ấy đã chuẩn bị cho chúng tôi chu đáo như thế? Cơ hồ bằng việc để lại dở dang tập bản thảo Sống mãi với Thủ đô, nhà tôi đã lo liệu sẵn cho chúng tôi cả về tinh thần và vật chất - vâng, cả về vật chất nữa, bởi vì tiền nhuận bút cuốn Sống mãi với Thủ đô ra gần đúng một năm sau khi anh ấy qua đời, đối với cảnh túng bấn của chúng tôi quả là có ý nghĩa không gì thiết thực hơn! Cơ hồ vì biết vắng anh ấy, nhà cửa sẽ quạnh hiu trống trải mà anh ấy đã để lại mấy đóa hoa tươi; mấy cánh hoa ấy, mãi sau này khi đã héo tàn, mấy mẹ con chúng tôi vẫn nhất định không thay, để lưu giữ như một sự mê tín cái hơi hướng truyền lại từ anh ấy. Hay như việc nhà tôi muốn tự mình cầm cái bản thảo Lá cờ thêu sáu chữ vàng sang cho Kim Đồng, mặc dù trước đấy đã giao cho tôi đưa hộ, tôi cũng nghĩ chắc chắn không phải vì sợ tôi nhỡ đâu làm mất, mà hay chăng là vì anh ấy muốn chia tay với cái tập thể cũng đã trở nên thân thiết như gia đình mình. Nhưng dù vì duyên cớ nào chăng nữa thì cái chính vẫn là anh ấy không thể nào chia tay với gia đình, cơ quan mà lại không lưu luyến cho được.
Ròng rã hai tháng trời nhà tôi nằm viện là hai tháng thấp thỏm những lo âu cùng hy vọng. Lúc đầu, vấn đề đặt ra cho chúng tôi chỉ là anh ấy phải nằm lâu hay chóng, rồi chuyển sang có phải mổ hay không, và cuối cùng là liệu có hy vọng nào qua khỏi? Bản thân nhà tôi cũng chuyển dần từ đấu tranh với đau đớn, bệnh tật sang vật lộn với cái chết. Mặc cho anh ấy luôn luôn hy vọng, mặc cho gia đình, bạn bè hết lòng chăm sóc, động viên, mặc cho mọi sự cố gắng cứu chữa của các giáo sư, bác sĩ, cái chết vẫn như một cái gì không tránh khỏi càng ngày càng hiện rõ trên cơ thể đang mất dần đi sự sống nơi anh ấy, trở thành một sự mặc nhiên thừa nhận giữa anh ấy với những người xung quanh, dù không ai hé ra. Mặc dù không bao giờ chấp nhận nổi cái ý nghĩ là chồng mình đang chết, sẽ chết, tôi đau đớn như thể anh ấy đang rời bỏ mấy mẹ con chúng tôi. Tôi cứ nhìn anh ấy mà ứa nước mắt. Nhiều lúc cũng chẳng buồn giấu người bệnh nữa. Đến một khi nào đó, tôi chỉ còn ý thức được một điều là làm sao để nhà tôi được nhẹ nhõm những ngày này. Tôi đem chuyện "chú Thắng" kể với anh ấy. Anh ấy thật vui khi biết "chú Thắng" mơ thấy bố khỏi, bố về. Nhà tôi cứ hỏi đi hỏi lại mãi: "Thế à? Chú Thắng nói thế à?" Rồi sau một lát nghĩ ngợi miên man, anh ấy nói như để hỏi mà cũng như tự trả lời: "Lời trẻ nói biết đâu chẳng thật?" Tôi vội vàng nói luôn: "Chứ không à! Thì bao nhiêu lần hỏi con có mưa không đấy, có bao giờ sai đâu!"...
Sự có mặt của bạn bè cũng giúp cho nhà tôi rất nhiều. Nhìn anh ấy đang nằm lờ đờ thế, mà hễ có bạn vào là tỉnh hẳn lên, tôi lại thầm nuôi chút hy vọng. Các anh Nguyễn Tuân, anh Nguyên Hồng, anh Kim Lân là những người hay vào thăm nhà tôi nhất. Trong suốt hai tháng trời nhà tôi nằm viện, đặc biệt là sau khi mổ, hầu như ngày nào cũng có mặt các anh ấy, không người này thì người kia. Ngoài những bó hoa tươi, điều nhà tôi mong đợi nhất ở bạn bè là các tin tức của cuộc sống bên ngoài. Nhưng rồi chuyện gì thì chuyện, cuối cùng các anh ấy lại quay trở về với đề tài muôn thuở là bàn về tác phẩm. Không khí tức thì sôi nổi hẳn lên. Cả nhà tôi nữa cũng trở nên hưng phấn. Về phần tác phẩm của mình, có lẽ nhà tôi tâm đắc nhất với vở kịch Vũ Như Tô. Rất nhiều lần trong câu chuyện, tôi thấy nhà tôi nhắc đến vở kịch này. Một lần, nhà tôi tỏ ý tiếc là chưa hoàn chỉnh được bảo thảo Sống mãi với Thủ đô. Anh Nguyễn Tuân, với tất cả sự tinh tế và tính nói thẳng của mình, liền an ủi nhà tôi: "Tôi chưa được đọc bản thảo tiểu thuyết Liên khu I của ông mà tôi đồ rằng sẽ hay, vì đây chính là đề tài sở trường của ông. Nhưng suy cho cùng, ông Tưởng ạ, cả một đời làm thơ viết văn, người ta có khi cũng chỉ dám mong có được một bài thơ, một cuốn sách đọng lại được với đời. Như ông đây, tôi thiết nghĩ, cứ với cái kịch Vũ Như Tô là có thể yên tâm được rồi". Nhân lại nói đến chuyện phê bình, nhà tôi phàn nàn về lối phê bình chụp mũ hiện nay, quy cho tác phẩm đủ mọi cái nó không có hoặc tước đi của tác phẩm những cái nó có. Anh Nguyễn Tuân lại nói cho nhà tôi yên lòng: "Đúng là có cái tình trạng ấy thật. Về mặt này, ông đau như thế nào thì tôi cũng đau thế ấy. Nhưng đã là của thật thì tác phẩm nó vẫn còn đó. Dù người ta có bóp méo nó như thế nào thì rồi ra tác phẩm vẫn cứ tồn tại như bản thân cuộc sống vậy. Mà xem ra, ông đã có sự chuẩn bị cho tác phẩm của ông rồi còn gì. Cứ với cái lời "Tựa" kịch Vũ Như Tô thì người đời không thể không hiểu ông cho được. Thế hệ này chưa hiểu thì thế hệ khác sẽ trả lại giá trị cho nó. Như lời cái cô cung nữ Đan Thiềm của ông đã nói với nhà kiến trúc Vũ Như Tô ấy mà"(1).
Mặc dù không hiểu mấy những điều các anh ấy nói, nhưng tôi vẫn cảm thấy anh Nguyễn Tuân nói thật đúng với những suy nghĩ của tôi. Đơn giản là tôi thấy những lời đề tựa ấy của nhà tôi sao mà hay, mà thấm thía! (Chính vì thế mà sau này, khi nhà xuất bản đặt vấn đề in tuyển tập kịch của nhà tôi, tôi đã giới thiệu với các anh ấy cái lời Tựa kịch Vũ Như Tô mà nhà tôi đã tự đánh máy lấy và dán vào trang đầu cuốn sách. Đến khi gặp anh Nguyễn Tuân, tôi có kể lại việc đó thì anh ấy nói: "ấy chết, sao chị lại dại thế! Đâu đã phải lúc làm cái việc ấy!" Quả nhiên, sau khi sách ra, tôi để ý thấy các nhà phê bình hay vin vào lời Tựa kịch của nhà tôi để phê phán hơn là khen!).
Rồi đến lúc cả đến những câu chuyện văn chương cũng không còn làm cho nhà tôi chú ý. Gần như suốt ngày anh cứ thiếp đi trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Vào một ngày cuối tháng 7, hôm ấy nhà tôi đã kém lắm rồi, bản thân tôi cũng rũ ra vì nỗi buồn mòn mỏi, tôi chập chờn mơ thấy bóng mợ tôi lướt thoáng qua và tiếng Người vọng lại như gió thoảng: "Thương cô Uyên quá!" Và như trong mơ vẫn thế, tôi chợt nhớ tới lời các cụ tôi vẫn nói là con gái họ Trịnh khổ, và bật khóc thành tiếng, như thể chính anh ấy đi mất chứ không phải mợ tôi vừa lướt qua. Giữa lúc ấy thì tôi ú ớ tỉnh dậy. Nước mắt lã chã như khóc thật, tôi thật mừng khi nhận thức được rằng đấy chỉ là một giấc mơ, và nhà tôi vẫn còn đấy. Quả là nhà tôi vẫn còn đấy, trên giường nệm trắng kề bên, nhưng không hiểu sao tôi thấy có điều gì đó khác hẳn. Về chiều, khi các cháu vào thăm, nhà tôi có vẻ tỉnh táo lên, và tôi đã nghĩ cứ thế này biết đâu anh ấy lại không qua khỏi. Nhưng tôi đã vội mừng. Như sau này tôi hiểu ra, lúc sắp chết con người ta thường hay có biểu hiện như thế, giống như ngọn đèn bùng lên lần cuối cùng trước khi tắt hẳn. Vẻ tỉnh táo ở anh ấy biến đi cũng nhanh chóng như khi xuất hiện. Tình trạng sức khỏe trở nên nguy kịch, và lần đầu tiên sau hai tháng trời nằm viện, nhà tôi, như đã mất đi ý thức, cất tiếng rên: "Đau tai quá!" Thế rồi anh ấy hôn mê, và vào 2 giờ sáng ngày 25 tháng 7 năm 1960, nhà tôi rời bỏ cõi trần.
Tất cả những gì tôi nhớ về nhà tôi đều dừng ở đây, còn sau đó là một khoảng trống trong ký ức. Cùng với sự ra đi của anh ấy, toàn bộ sự sống trong tôi cũng đổ sụp theo. Tôi không còn ý thức được điều gì, kể cả về nỗi bất hạnh của mình. Mọi sự đối với tôi đều ngưng trệ, duy chỉ có lễ tang anh ấy thì vẫn cứ tiến hành. Dù có hay không sự lo toan, cắt đặt của tôi.
Đúng là lễ tang của nhà tôi từ đầu đến cuối đều là do các cơ quan, đoàn thể lo liệu. Tôi thật biết ơn Hội Nhà văn, biết ơn các anh Tố Hữu, anh Nguyễn Tuân, anh Nguyên Hồng, anh Nguyễn Đình Thi, anh Tô Hoài và nhiều các anh chị khác đã lo liệu đám tang nhà tôi thật chu đáo! Nếu như không có Hội, không có các bạn bè của nhà tôi thì tôi có thể làm được gì trong những ngày bối rối ấy, và cả rất lâu sau đấy nữa.
Thời gian và bổn phận đã làm được điều mà lý trí không giúp nổi. Bản năng nuôi con của người mẹ đã giúp tôi hồi phục, trở lại thực hiện cái nhiệm vụ mà bằng ánh mắt nhà tôi đã giao phó cho tôi suốt mấy chục năm qua, là thay anh ấy nuôi dạy con cái. Nỗi buồn dần dần trở thành nỗi nhớ. Nỗi đau rồi cũng mất đi vẻ sắc cạnh ban đầu. Sự xót xa cho cái số mình vất vả mãi cũng phải nguôi ngoai. Chỉ còn lai láng trong tôi duy nhất một cảm giác mãn nguyện tốt lành mà cùng với thời gian càng trở nên thấm thía: được là vợ của anh ấy!
Đêm 22-9-1990
Trời đã dịu sau một mùa nóng kéo dài
Nguyễn Huy Thắng ghi
––––––––––
(1) Có lẽ nhà văn Nguyễn Tuân muốn nhắc tới lời cung nữ Đan Thiềm nói với họ Vũ trong vở kịch Vũ Như Tô: "Ông cứ xây lấy một tòa đài cao cả. Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời. Dân ta nghìn thu được hãnh diện, không phải thẹn với những cung điện đẹp nước ngoài, thế là đủ. Hậu thế sẽ xét công cho ông, và nhớ ơn ông mãi mãi" (N.H.Th.).