- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Người Ở Lại Toul Sleng

20 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 26275)
nguoiolaitoulslengNăm 50 tuổi, tôi mới có một cái áo rằn cọp biển. Đây không phải là một cái áo “gin”, quân phục cũ của những chàng trai thế hệ Thủy Quân Lục Chiến mà là áo thời trang 2005 của thanh thiếu niên lướt ván trên mặt nhựa (skateboarding) và hơi lạ trên người của những kẻ tóc đã hai màu. Thời tôi, nghĩa là 30 năm về trước, thật ra tôi cũng chẳng ưa gì màu áo này, một chọn lựa dựa vào thẩm mỹ cá nhân hơn là vào binh chủng mà màu áo này biểu hiện. Dạo đó, sắc phục ngụy trang (đồ bông) của quân đội miền Nam có ba loại. Thường thấy nhất là loại gọi “hoa dù”, xuất xứ Hoa Kỳ (ERDL, Engineer Research and Development Laboratories, Leaf Pattern) được các sắc lính gọi là lính “dữ” (miền Bắc gọi là “ác ôn”) dùng, Nhảy Dù, Biệt Kích, Biệt Động. Loại hoa bèo Việt Nam, có lẽ dựa vào ngụy trang của Mỹ thời Đệ Nhị Thế Chiến tại Thái Bình Dương và chiến tranh Triều Tiên sau đó (Duck Hunter), sắc vàng nâu, là đồ trận của lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến (còn gọi là Cảnh sát “giả” chết, phát âm theo giọng miền Nam). Loại rằn ri là loại thứ ba, sau này chỉ dùng riêng cho Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến nhưng được Cố vấn Hoa Kỳ ưa thích, Lực lượng Đặc biệt Mỹ dùng một cách không chính thức và gọi là Rằn Cọp Quân đội VNCH (1). Loại này, có lẽ là biến thể của rằn kỳ nhông màu huyết dụ của Nhảy Dù Pháp (Lizzard Pattern), tương tự với ngụy trang rằn của Anh quốc tại Miến Điện và ngày nay còn hiện diện ở Cuba, Angola hay Namibia, Ecuador, Afghanistan dưới một dạng gần kề(2). Đối với người Mỹ, nói rộng, nó tượng trưng cho một thời kỳ, thời kỳ chiến tranh Việt Nam, chẳng hiểu sao lại lọt sang áo quần của dân lướt ván.

Một tối, ở Cali mùa đông trời mát, mặc cái áo này vào quán Romano’s Macaroni Grill, tôi được một chàng phục vụ tuổi sinh viên để ý đến và khen. Anh nói anh cũng có một cái y như vậy, nhãn “ES” (Enjoy Skateboarding), cuối tuần rồi lên núi mang theo để lướt ván trên tuyết (snowboarding). Tôi lấy làm hãnh diện trước mặt các con, ờ tao đây, coi vậy mà cũng là dân chơi lướt ván.

Chắc vì vậy nên vừa rồi, vào dịp đi Đông Nam Á, tuy biết là trời rất nóng, tôi vẫn quyết định mang theo. Tôi là dân chơi lướt ván Vọng Các. Ở nhà hàng (hộp đêm-nhà tắm-mát xa) Poseidon đường Ratchada tôi hẳn sẽ khác với du khách Đài Loan quần cọc, giày phố và vớ cao cổ trắng, ở Phố đi bộ Pattaya tôi sẽ khác khách Nhật Bản mang Leisure Suit bằng vải Jersey đồng màu. Ở Thái thì vậy, nhưng sang đến Cam Bốt, tôi nhận xét là thời trang lướt ván chưa kịp đổ bộ, đồ quân đội nhờ đặc tính rẻ và bền, được ưu ái nhiều nhất ở giới xe ôm, lao động bóc vác và ăn xin tàn phế. Tại nhà hàng Bopha ở Nam Vang về đêm, tôi không dùng đến để nhìn chuột từ bờ sông du kích những chân bàn lượt là vải trắng trải, tại Martini Disco Siem Reap tôi không khóac lên để vằn vện dưới ánh đèn xanh đỏ bập bùng. Nhưng đi dã ngoại thì tôi mang theo phòng hờ. Sắc áo lính dễ lẫn lộn vào đám đông những chợ nhỏ thị trấn, mang vào người tôi có thể phanh ngực ra ngồi chồm hổm bên quốc lộ, chẳng ai lại gần nhìn đít quần tôi có nhãn Dickies để mà nhận ra tôi là người Cali. Tôi mang theo để đi Xoài Riêng, Ba Vẹt, ờ thì nắng gió biên thuỳ.

Vào sáng rời Nam Vang, tôi ghé thăm trại tù Toul Sleng, bí danh S21, giờ là một di tích lịch sử. Trong thời gian 1975-79, ngôi trường học này trở thành một trung tâm khai thác và điều tra của chính quyền Khmer Đỏ, nhận trên 17.000 người vào mà chỉ có dưới 20 người sống sót được nhìn thấy cái cổng ra. Nếu không có giai đoạn kinh hoàng này thì Toul Sleng rất đẹp, kiến trúc kiểu thập niên 1960, sàn đá hoa và tường vôi vàng nhạt với những hàng hiên ủ nắng và cửa mát màu xanh. Và có lẽ cũng nhờ cái quá khứ đẫm máu đó mà ngôi trường còn nguyên vẹn, nếu không đã có thể bị san bằng và đổi mới như những biệt thự ở trung tâm, ngày nay kiến trúc kiểu cây thông giáng sinh đèn nhấp nháy. Nhưng dĩ nhiên, vào Toul Sleng thì phải lặng người, khách đều trầm ngâm và hoe đỏ mắt trước cả ngàn chân dung các nạn nhân nam phụ lão ấu được phóng đại bày khắp các mặt đường. Tôi lân la từ phòng này sang phòng khác, nhìn vào từng đôi mắt vô hồn của các nạn nhân, phần lớn mặc áo đen và quấn khăn rằn Khmer Đỏ, những đứa con của Cách mạng đến lượt bị chính nó nuốt tươi ăn sống. Một số nhỏ, chắc là tù nhân của giai đoạn đầu tiên, còn mặc quần áo phố, có anh áo hoa cổ to và bó chẽn người, tóc bồng bềnh dài quá tai, một hippy lạc loài và vắn số, trong đầu chắc lẩm nhẩm ca từ “Gimme a ticket for an areoplane/ Ain’t got time to take a fast train”(3) nhưng mà đã trễ. Có một người đàn bà rất đẹp, mang áo len cổ lọ và quấn sarong, đứng trước một tường của trại giam và mắt nhìn lên qua khỏi tầm ống kính, như một người mẫu trên trang nào của tạp chí Vogue. Nhưng ấn tượng với tôi là chân dung một người lính, một người lính trẻ mang quân phục Cộng hoà Khmer, một người lính Lon Nol.

Tôi không rõ anh thuộc binh chủng nào, đơn vị nào của quân đội năm năm này (1970-75) nhưng màu áo anh là màu áo rằn cọp biển. Ngay cả trong sắc ngụy trang rằn cọp biển của Việt Nam cũng có nhiều biến thể. Loại vải ngoại có, vải nội có, lại sản xuất bởi nhiều hãng khác nhau nên màu sắc có khác biệt. Sau khi dùng (và giặt) một thời gian, có thứ chỉ còn những rằn đen là nổi bật, có thứ rằn đen lại lem nhem sang màu xanh rừng núi, có thứ bạc đi chỉ còn giữ được sắc vàng, có thứ rõ ràng chi tiết, có thứ vài ba bận đã mất những đường vân. Nhưng trùng hợp thế nào, tôi nhìn thật kỹ, cái áo tôi mang theo ngày hôm đó và cái áo anh mặc trên hình y hệt cùng một sắc vải như nhau, cùng một thứ trong những loại rằn cọp biển (4). Tôi không phải TQLC và chắc anh cũng không, tôi không phải Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ, và anh cũng không nốt, nhưng anh với tôi đâu đó cùng một cỡ tuổi ở hai bên biên giới, đầu này sông Sàigòn và đầu kia sông Cửu Long. Và ba mươi năm sau anh, tôi mới có được có cái áo nhưng ba mươi năm sau anh, tôi còn sống, tôi đi thăm di tích S21 và anh ở trên hình. Ngụ ngôn của chuyện này chẳng phải là áo rằn chỉ nên mặc khi đã trở thành thời trang lướt ván hay khi Khmer Đỏ đến thì nên nhanh tay mà cởi ra và nhanh chân mà di tản, tôi không biết. Tôi chỉ biết khi bước ra khỏi cổng Toul Sleng, tôi bỗng thấy tôi hạnh phúc, như là một trong số 20 người hiếm hoi (trong 17.000) được phóng thích, tôi may và anh rủi, ba mươi năm qua biết bao nhiêu chuyện trên đời , giờ tôi thì đi Neak Luong và anh thì đã chết, anh , hỡi anh, ở lại cùng di tích.

ĐỖ KH.

Chú thích:

(1) DPM Disruptive Pattern Material: An Encyclopedia of Camoflage: Nature, Military, Culture. Hardy Blechman, Frances Lincoln 2005.

(2) Dưới hình thức na ná, ngụy trang rằn cọp biển của miền Nam ngày nay vẫn được Philippines, Thái Lan, Đài Loan sử dụng và cả Không Quân Hoa Kỳ ở dạng gọi là “Rằn cọp kỹ thuật số”. Điều ngạc nhiên nhất là Quân đội Nhân dân Việt Nam gần đây (ít nhất là từ 1995) trang phục lực lượng Lính thủy đánh bộ với một vải rằn gần như tương tự!

(3) “The Letter”, lời Wayne Carson Thompson, ban nhạc The Box Tops.

(5) Tiger Patterns: A Guide to the Vietnam War’s Tigerstripe Combat Fatigue Patterns and Uniforms, Richard Denis Johnson, Schiffer Pub Ltd, 1999.

Theo chuyên gia này thì riêng ở Việt nam trong thời kỳ chiến tranh đã có 19 lọai rằn cọp khác nhau, chưa kể các biến thể do thời gian mưa nắng gây ra trong cùng một lọai rằn (vì chất lượng in ấn trên vải có dị biệt). Áo của người lính Toul Sleng trên đây và áo lướt ván của tôi thuộc về lọai gọi là Late War, Light Weight, Dense (LLD).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 33405)
Dường như có rất nhiều người đến tưới rượu lên mộ Trịnh Công Sơn, nhưng chỉ là để nhớ một bạn nhậu chứ không phải nhớ tiếng đàn, tiếng hát của Trịnh. Anh, nhớ bạn, vào quán một mình, kêu một ly rượu đầy và một chiếc ly không. Lặng lẽ ngồi, lặng lẽ uống. Hết ly mình, đến ly bạn. Mà ly bạn chỉ có ngụm nắng tàn.
27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 34312)
Gia đình chúng tôi có mười bốn anh chị em, gồm năm anh em trai và chín chị em gái. Anh Mai Thảo là người thứ năm trong gia đình. Hai người chị và một người em gái mất sớm. Tới năm 1975, chúng tôi còn lại là mười một người. Tính theo anh em trai, anh là con trai thứ ba. Anh cả tôi là Nguyễn Đăng Thiện, anh kế là Nguyễn Đăng Viên rồi đến chị Tuyết là người chị gái đã mất vì bệnh thương hàn năm chị hai mươi tuổi. Tiếp đến là anh Mai Thảo...
07 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 33768)
Tháng 6, khi những cơn gió Lào khô rốc từ Vịnh Bengan thổi vào dãy Trường Sơn đem hơi nóng ngùn ngụt lửa phả vào mặt, đó là lúc các tin buồn tới tấp bay về bên tôi. Từng người, từng người bạn thay nhau giã từ cuộc chơi. Cái nóng hực lửa bên ngoài, và cái nóng trong lòng tôi ngày một dâng cao. ..Mới tuần trước thôi, anh Nguyễn Xuân Hoàng vẫn còn email trả lời, anh nói bài viết này anh thích quá cho anh post trên Voa đi, tôi còn đùa anh mệt như vậy mà vẫn còn làm việc sao, tùy anh thôi...
17 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 32711)
Nghe nhiều người khen cuốn Ba người khác của nhà văn Tô Hoài, tôi cố tìm đọc. Đọc xong thì hoang mang… Nói cho ngay, đấy là cuốn sách viết khéo với nhiều cảnh đời sống động và được “lên hương” bằng yếu tố gợi dục đậm đà. Quả là cái khéo của bà hàng xén chợ phiên biết bày bán bắt mắt những món hàng xanh xanh đỏ đỏ …
18 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 34628)
Mấy dòng viết vội và muộn màng này chỉ là những hồi tưởng đứt đoạn để gửi tới một người bạn là Nguyễn-Xuân Hoàng...Nguyễn- Xuân Hoàng lại được biết tới nhiều hơn như một nhà văn một nhà báo tên tuổi từ những năm 1970.Hoàng là tổng thư ký tạp chí Văn Sài Gòn từ 1972, tiếp nối Trần Phong Giao, cùng với những tác phẩm đã xuất bản gồm tuyển tập truyện ngắn: Mù Sương, Sinh Nhật; tuỳ bút: Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu; tạp ghi: Ý Nghĩ Trên Cỏ; và hai truyện dài: Khu Rừng Hực Lửa, Kẻ Tà Đạo…
05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 37231)
T uần rồi, nhân kỷ niệm 70 năm ngày 6 tháng 6 năm 1944 khi quân Đồng Minh đổ bộ chiếm bờ biển Normandy để từ đó tiến vào giải phóng Âu Châu đang bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, hệ thống truyền hình PBS chiếu một loạt phim tài liệu liên hệ, trong số đó tôi có dịp xem hai phim, đó là “D-Day 360” do Windfall Films của Anh Quốc sản xuất dưới quyền đạo diễn của Ian Duncan; và phim “D-Day’s Sunken Secrets” do NOVA thuộc PBS thực hiện.
30 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33317)
LTS: N guyệt Quỳnh với bài viết “ Nhìn Vượt Qua Một Ước Mơ Tan Vỡ” vào những ngày 30 tháng 4 năm nay, bằng những giấc mơ tan vỡ đó không riêng của Nguyệt Quỳnh và cũng không có gì ngạc nhiên và mới mẻ, nhưng đó chính là nỗi đau chung của nhiều người, của thân phận con người Việt nam. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu bài viết của Nguyệt Quỳnh cùng bạn đọc của Hợp Lưu khắp nơi.
30 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31858)
LTS: Chúng tôi nhận được bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân vào những ngày tưởng niệm 30 tháng 4 vào năm thứ 39 . Ông Nguyễn Quốc Quân cho biết đây là bài viết đầu tiên của ông về ngày 30/4 từ hơn 30 năm vượt biển và bài này cũng để ghi lại cảm xúc sâu đậm của ông khi đón nhận nhận sự ra đi của thầy giáo Đinh Đăng Định. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài “30 tháng 4 tôi nhìn lại mình” cùng độc giả Hợp Lưu .
17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 35051)
LTS: Một năm rưỡi trước khi từ trần, tướng Trần Độ đã hoàn thành một tập nhật ký mà ông đặt tên là Nhật Ký Rồng Rắn: bắt đầu từ cuối năm 2000, viết xong tháng 5 năm 2001. Nhật ký Rồng Rắn là một bút ký chính trị trong đó, với tất cả tâm huyết, tác giả trình bày suy nghĩ của mình về các vấn đề chính trị của đất nước. Tháng 6.2001, Trần Độ vào Sàigòn thăm con và nhờ người đánh máy bản thảo. Ngày 10.6, ông đi lấy bản thảo, bản vi tính và sao chụp thành 15 bản. Trên đường về nhà, ông bị tịch thu toàn bộ các bản thảo và bản in chụp, xem là "tang chứng" của tội "viết và lưu hành tài liệu xấu". Cho đến ngày từ trần 9.8.2002, tướng Trần Độ không được trả lại nhật ký của mình. Trích đoạn dưới đây là một phần của nhật ký này. {theo tạp chí Diễn Đàn}.
17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34218)
Đ ại văn hào Gabriel Garcia Márquez, tác giả cuốn tiểu thuyết danh tiếng “One Hundred Years of Solitude” và là người đã đoạt giải Văn Chương Nobel năm 1982, đã qua đời ngày 17 tháng 4 vừa qua, hưởng thọ 87 tuổi.