- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nhân Cách Bình Nguyên Lộc

21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 25269)
image002

MAI THẢO

Thời gian đầu, sau khi cộng sản đã lấy nốt được miền Nam là thời gian còn được để yên, chưa bị kết tội, chưa bị lùng bắt, tôi thường sáng sáng một mình đạp xe đạp qua một Sài Gòn tan nát tới thăm một nhà thơ và một nhà văn, ngưởi trước Bắc, người sau Nam, cả hai đều thuộc thế hệ trước tôi, cả hai đều đã tên tuổi lẫy lừng từ thời tiền chiến.

Những thăm viếng thường xuyên này của tôi, giữa Sài Gòn và trong đổi đời lúc đó được đọc bởi hai điều. Một, hai khuôn mặt lớn ấy của văn học Miền Nam, từ quốc nạn 1975, đã đóng kín địa chỉ, dựng cao lũy hoa, cắt đứt với đời, không ra khỏi nhà, muốn gặp họ tôi phải tìm tới. Hai, giữa cái thể chế chuyên chính đã trùm kín, chưa bao giờ trong đời tôi lại cảm thấy sự cần thiết lớn lao phải giữ chặt lấy một số thân tình bền vững tôi hằng mến yêu và kính trọng. Và hai cái đối tượng của thăm viếng thường xuyên thì với tôi lại là hai niềm mến yêu và kính trọng vô cùng. Nhà thơ miền Bắc tôi vừa nói tới là Vũ Hoàng Chương. Và nhà văn miền Nam, Bình Nguyên Lộc.

Vũ Hoàng Chương thời gian đó ở khá xa, mãi bên vùng Khánh Hội, trong một ngõ hẻm khuất khúc giữa phường Cây Bàng, trên căn Gác Bút lừng tiếng, nơi thi sĩ bị công an cộng sản tới bắt đem giam nhốt vào khám Chí Hòa rồi trở về trong hấp hối lâm chung và lìa đời ở đó. Bình Nguyên Lộc ở gần hơn. Thăm viếng do vậy cũng ngắn đường hơn, trong cuối đáy một con ngõ yên tĩnh một thời Vũ Hoàng Chương đã ở, khu Cô Giang Cô Bắc, đầu ngõ là con đường Huỳnh Quang Tiên, khúc từ con ngõ nhìn ra có những vì tường xám của hãng thuốc lá MIC chạy dài trước mặt.

Tới ngõ, tôi xuống xe dắt bộ đi vào, và ngừng lại trước một căn nhà một tầng cổ cũ, căn nhà này là của gia đình Bình Nguyên Lộc, nhà văn chỉ mới dọn về ở một thời gian từ sau cái chết của người con trai lớn là Bác sĩ Giám Đốc Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, để sống gần với người chị ruột ở căn nhà kế cận.

Mở cánh cổng thấp, dựa xe vào thành tường, bên cạnh hai chậu vạn niên thanh trấn môn xanh ngắt, một màu xanh muôn thuở, tôi gõ nhẹ tay vào thành cửa đóng kín. Nhớ lần nào tôi cũng phải đứng chờ ít phút, nhưng không lần nào phải trở về. Căn nhà yên lặng hoàn toàn. Tiếng gõ cửa ngân vào thật sâu thật xa ở bên trong, rồi là tiếng chân người đi ra. Rồi là cánh cửa hé mở từ từ và cái thân hình nhỏ bé, bộ đồ ngủ lùng thùng và cái mái tóc rẽ giữa duy nhất của văn học miền Nam, cái mái tóc rẽ giữa của Bình Nguyên Lộc.

Bao nhiêu lần như bao nhiêu lần, và cảm giác này càng rõ rệt những buổi sáng tới bạn sau vực thẳm 1975, lần nào nhìn thấy Bình Nguyên Lộc, tao nhã, gầy guộc, trên cái nền mờ tối của căn nhà đóng kín, tôi cũng có được tức khắc, ở trong tôi, như một mầu nhiệm êm đềm, một ấm áp và một yên tâm không thể nào tả được. Ấm áp như cái thế giới tiểu thuyết Bình Nguyên Lộc, không siêu hình, không gió bão, cái thế giới đã bốn mươi năm văn học ở trong đời sống và làm cho đời sống muôn vàn tươi thắm. Yên tâm như cái văn phong, cái nhân cách Bình Nguyên Lộc, dung dị mà bác học, đơn giản mà trí thức, Bình Nguyên Lộc con người và Bình Nguyên Lộc tác phẩm chính là niềm yên tâm lớn nhất một thời của văn học chúng ta.

Thấy anh, lần nào tôi cũng nói, cảm động thành thực:

- Còn được tới thăm anh.

Lần nào anh cũng cười:

- Còn được gặp anh. Vào đây.

Anh bảo tôi đưa xe vào nhà, kẻo xe mất “hết đường tới thăm bạn”. Đoạn đóng cửa lại, bật ngọn đèn đầu giường và đi về phía sau đun một ấm nước.

Giữa đám sách vở, tài liệu bề bộn, cạnh một chỗ nằm cũng là chỗ ngồi làm việc của ông, trước một khay trà, thật bình dân, không cầu kỳ như khay trà Vũ Hoàng Chương và những điếu thuốc đen ông đốt theo một nhịp điệu đều đặn, tôi thường ở rất lâu với Bình Nguyên Lộc. Tới trưa. Tới sau trưa. Tới cái gạt tàn có ngọn. Tới bình trà nguội tiếp thêm một bình trà. Một vài lần còn tới giữa bữa cơm ông ấy lấy thêm bát đĩa ép tôi cùng ăn, bữa ăn cực kỳ thanh đạm, chỉ một soong cơm và một con cá khô hấp nóng. Phải, nhớ lần nào tôi cũng ở lại thật lâu. Với cái mái tóc rẽ giữa. Với những cử chỉ chậm rãi. Với cặp mắt thông minh sau làn khói. Với những đứng ngồi lên xuống từ tốn. Trong cái thế giới rất riêng tây, cách biệt của Bình Nguyên Lộc, càng riêng tây, càng cách biệt từ cộng sản đã vào tới Sài Gòn.

Những lần tới thăm Bình Nguyên Lộc như vậy, ông thường nói ít lời như một tạ lỗi, nhờ tôi nói lại với anh em, với mọi người. Rằng từ ngày người con trai lớn mất, ông đã chẳng muốn đi đâu. Rằng chứng áp huyết nặng tối kỵ chững di chuyển, những họp mặt. Rằng “họ” đã vào tới rồi, thành phố là của “họ”, đời sống chẳng còn gì đáng thấy, đóng cửa trong nhà thôi.

Lập luận về một thái độ sống thu vào im lặng và ẩn dật, thoạt nghe ở Bình Nguyên Lộc tưởng thật dễ dàng. Sự thật, nó chẳng dễ dàng chút nào, với Bình Nguyên Lộc, với chế độ mới và Bình Nguyên Lộc, suốt thời gian ở đó. Và cái lý do giản dị chỉ là ông chẳng phải là một người viết văn như bất cứ một người viết văn nào mà là nhà văn hàng đầu, nhà văn lớn nhất miền Nam.

Bây giờ, đó là thời gian từ 30 tháng tư 75, tới đầu 76, Trung Ương Đảng Cộng Sản ở Hà Nội, tuy chưa phát động đàn áp và cầm tù văn nghệ sĩ, đã cho thi hành ở Sài Gòn một chính sách lũng đoạn hàng ngũ văn nghệ cực kỳ hiểm độc. Chính sách đó nhằm tạo kỳ thị, gây chia rẽ, giữa những nhà văn miền Bắc vào Nam trong đợt di cư 1954 với những nhà văn sinh trưởng ở Nam Phần. Suốt ba mươi năm văn học, Nam Bắc đã một nhà, Bắc Nam đã bằng hữu. Cộng sản muốn chấm dứt cái tình trạng hòa đồng tốt đẹp đó. Và người chúng đã dành hết mọi nỗ lực khuynh đảo là Bình Nguyên Lộc. Thoạt đầu là đám văn nghệ nằm vùng. Như Sơn Nam, Vũ Hạnh. Kế đó, đến nhóm văn nghệ của Mặt Trận Giải Phóng về thành, tạm thời được nắm giữ những địa vị quan trọng như Trần Bạch Đằng, Giang Nam, Anh Đức, nhiều kẻ đã quen biết Bình Nguyên Lộc từ xưa. Cuối cùng là đám nhà văn, nhà thơ công thần của chế độ và vào từ Hà Nội như Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận. Tất cả, trên từng địa vị khác biệt, đã viết thư, điện thoại ân cần thăm hỏi tác giả Đò Dọc, về sức khỏe, về đời sống của ông, nói thân thế ông mãi an toàn, sinh kế vẫn bảo đảm, sự nghiệp không chôn vùi, ông vẫn nhà văn lớn. Tất cả đã lần lượt đến khu Cô Giang Cô Bắc, tươi cười, nhã nhặn gõ cửa xin gặp người trong ngôi nhà có hai chậu vạn niên thanh. Bình Nguyên Lộc tiếp hết, từ tốn, chững chạc vậy thôi. Duy có một lần, không sao được, ông phải tới dự đại hội văn nghệ thống nhất lần thứ nhất ở Bộ Thông Tin cũ đường Phan Đình Phùng. Kỳ họp này, Vũ Hạnh, Thanh Nghị báo cáo kể công, Sơn Nam đóng trò nhiệt tình khóc lóc, riêng Bình Nguyên Lộc ngồi im lặng từ đầu đến cuối, không chịu phát biểu một lời nào.

Đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng. Của tiếp xúc Bình Nguyên Lộc với chế độ mới. Cố nhân quen biết tương đối thân thiết nhất với anh là Giang Nam, được Thế Lữ ca ngợi là tiếng thơ cách mạng lớn nhất miền Nam, về Sài Gòn giữ chức vụ Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Giải Phóng, mặc dù đã viết cho Bình Nguyên Lộc một lá thư thật dài, thật tình cảm, cũng thất bại. Thư mời Bình Nguyên Lộc tới trụ sở Hội. Mời sinh hoạt. Mời hội họp. Mời viết lại. Và Bình Nguyên Lộc đã nhã nhặn viết một lá thư trả lời. Nói ông rất đau yếu. Nói bị chứng áp huyết. Nói chẳng còn làm được gì. Nói chẳng thể đi đâu. Nói xin được yên thân. Cuối cùng rồi mọi ve vuốt, mọi khuynh loát đều chịu thua, đều lùi bước trước sự nhã nhặn khuớc từ, trước cái nhân cách và sự tự trọng chói lọi của Bình Nguyên Lộc. Hò đành để cho Bình Nguyên Lộc được cách biệt, được một mình, được vẫn mãi mãi là Bình Nguyên Lộc trong căn nhà đóng kín.

Nhân cách trí thức độc lập ấy của Bình Nguyên Lộc, thái độ tuyệt vời của người nhà văn miền Nam ở Bình Nguyên Lộc, không một lần nào, ông phô trương mà chúng tôi đều biết, cả miền Nam đều biết và sung sướng vô cùng và quý mến rất mực.

Nhớ Bình Nguyên Lộc ở xa, tin tức quê nhà đã lâu không nhận được, chẳng biết vẫn còn hay đã mất, những lần sau cùng tới khu Cô Giang Cô Bắc, hình ảnh hai chậu vạn niên đại xanh ngắt một màu xanh muôn thuở trước ngôi nhà văn học đóng kín, lại trở về, xanh ngắt trong tôi.

Bình Nguyên Lộc. Cái mái tóc rẽ giữa, hai miền trung dung phân định như tấm lòng người quân tử một đường ngôi đời thẳng tắp. Bình Nguyên Lộc, bộ đồ lụa trắng, rất thông phán tòa sứ, rất trăng nước miền Nam, trên chiếc cyclo đạp chậm đưa ông tới gặp các tòa soạn Nghệ Thuật, Văn, Vấn Đề chúng tôi làm, phần lớn là anh em nhà văn miền Bắc. Không có Nam Bắc với Bình Nguyên Lợc, chỉ có văn chương, chỉ có hợp tác, chỉ có bằng hữu. Tôi làm biếng lắm, ít khi đi đâu, đến chơi tôi nhé. Thân tình, hòa nhã. Cái truyện ngắn này dục tôi viết gấp, thì phải viết gấp, không được tốt lắm, thôi dùng tạm vậy. Nhũn nhặn, bình dị. Một năm trong bốn năm liền cùng ở chung trong Hội Đồng Giám Khảo giải thưởng Văn Chương toàn quốc, ông từ chói nói chứng áp huyết không còn leo nổi những bực thềm cao của Dinh Độc Lập, cặp mắt đã yếu chẳng thể nào đọc hết được những tác phẩm dự thi. Nài mãi mới nhận. Nhưng cười, giao hẹn: “Vậy phải đọc hết giùm tôi, rồi đưa cho tôi đọc mười cuốn khá nhất.” Nghiêm chỉnh. Ngay thẳng. Năm đó, ông không vào Dinh Độc Lập được thật. Những bực thềm cao quá cho tài viết hàng đầu.

Rồi là cái công trình Văn Học cuối đời của Bình Nguyên Lộc. Cuốn Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam đã phác thảo, đã in thành sách, trọn năm năm trời, tìm kiếm, sưu tập, thu thập thêm một kho tàng tài liệu mới, đã hoàn tất thành một biên khảo vĩ đại hơn một ngàn trang. Cộng Sản vào Nam. Thiên biên khảo kỳ công vẫn còn là bản thảo. Một lần tới thăm, tôi hỏi Bình Nguyên Lộc về công trình văn học đó. Và đó cũng là lần thứ nhất tôi thấy Bình Nguyên Lộc buồn phiền và thất vọng. Trèo qua cái giường ngủ, ông lấy từ một giá sách cao xuống một tập bản thảo nặng chĩu, trao nó cho tôi. Giọng ông trào lộng mà nụ cười thật buồn:

- Nó đây.

Và chỉ tay lên cái giá sách bụi bậm:

- Kia là mồ chôn nó.

Kế đó, ông thuật cho tôi hay về số phận của thiên biên khảo lịch sử, mà nguồn gốc dân tộc Việt, theo sử quan và chứng minh Bình Nguyên Lộc, không từ miền Bắc xuống mà từ biển ngoài vào. Một nhóm những người cao cấp về biên khảo lịch sử của nhà nước Cộng Sản từ Hà Nội vào, được nghe nói về công trình biên khảo này của Bình Nguyên Lộc. Họ tới. Tỏ lòng ngưỡng mộ, rồi xin được mượn tập bản thảo về đọc, nói sẽ có nhận xét, sẽ có thảo luận. Mấy tuần sau, tập bản thảo được gửi trả lại với một lá thư ngắn nói quan điểm lịch sử nói chung và nguồn gốc dân tộc nói riêng của Bình Nguyên Lộc hoàn toàn thoái hóa và sai lầm đối với quan điểm biện chứng duy vật lịch sử cách mạng, khoa học và tiến bộ.

Thuật lại xong, ông lắc đầu, sự thất vọng hiện rõ nhưng giọng nói vẫn từ tốn:

- Thế là gạt bỏ, thế là phủ nhận. Nói là để đối chiếu, để thảo luận, mà không có gì ráo trọi. Tôi buồn vì cái công trình của mình, nhưng buồn hơn cả là cái sự gạt bỏ của miền Bắc đồi với sách tôi không phải là một thái độ văn học, không hề được đặt trên căn bản văn học. Nói đến văn học, tuyệt đối không thể nói đến một lập luận, một giá trị độc tôn nào. Phải nhiều lập luận khác biệt, phải nhiều khái niệm đối nghịch, một vấn đề văn học, một nghi vấn lịch sử mới được chiếu sáng. Khoa học lịch sử thiết yếu phải có được yếu tính và tinh thần đó. Tôi buồn nhất là ở cái sự không có tranh luận, không có đối thoại ấy mà thôi. Chứ không hoàn toàn vì sách tôi không bao giờ còn hy vọng được in ra.

 Tập bản thảo nghìn trang, mồ chôn là cái giá sách bụi bậm. Hai chậu vạn niên thanh xanh ngắt một màu xanh muôn thuở. Trí thức dựng cao lũy hoa. Một nhân cách chói lòa trong tự trọng một đời, đã tám năm im lặng trong ngôi nhà đóng kín. Chẳng bao giờ tôi còn được sàng sáng tới thăm Bình Nguyên Lộc nữa và Vũ Hoàng Chương đã mất. Nhưng ở thật xa và cách thật lâu rồi mà rõ thì vẫn thật rõ. Về Bình Nguyên Lộc, nhà văn miền Nam hàng đầu của văn học ta rõ bởi cái ánh sáng ấy, cái ánh sáng của một nhân cách rực rỡ, tôi đã nhìn thấy không ngừng, sau đổi đời và giữa cộng sản, sáng sáng đạp xe qua một Sài Gòn đổi chủ ngừng xe lại trước nhà có hai chậu vạn niên thanh.

MAI THẢO

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Ba 201911:38 SA(Xem: 21036)
Mảnh giấy không đề tên người nhận, cũng chẳng ký tên người viết, song tôi thuộc tuồng chữ của Thiện, cái tuồng chữ với những phụ âm d, đ, t, th, k, kh, vân vân... đâm thẳng lên trời và cao hơn bình thường như muốn nổi loạn, và những nguyên âm thấp, cam phận, tự nén. Bên dưới hai câu thơ là dòng chữ vỏn vẹn: "Nếu không đoán được ai là tác giả của hai câu thơ trên thì sẽ không về nữa."
20 Tháng Hai 20198:42 CH(Xem: 23960)
Hôm nay, một ngày đầu năm, nơi tôi ở trời lấm tấm mưa và sương mù còn giăng mắc mặc dù đã 10 giờ sáng. Có lẽ không hạnh phúc nào bằng ngồi trước lò sưởi với ly cà phê và vài cuốn sách -- chính xác thì phải nói là với mấy Web sites sách điện tử, hay e-book, trên cái iPad. Bằng hữu ở xa, giờ già cả cũng ít hoặc hết còn đi thăm nhau được. Ngoài trao đổi điện thư ngày một thưa thớt, chỉ còn cái thú làm bạn với sách. Thú thật chưa bao giờ tôi đọc sách báo nhiều như những lúc về sau này.
25 Tháng Giêng 20198:02 CH(Xem: 24934)
Từ Huế ra đến Quảng Trị mấy ngày đầu năm 2019 là những ngày ủ dột mưa. Sau bài viết: Đi tìm bức tượng Mẹ và Con, tác phẩm bị lãng quên của Mai Chửng ở Hải ngoại. VOA 07.06.2018, tôi có ước muốn trở lại thăm Nhà thờ Đức Mẹ La Vang Quận Hải Lăng Quảng Trị, nơi đã từng có một quần thể tượng nghệ thuật tôn giáo của Giáo sư điêu khắc Lê Ngọc Huệ cùng đám môn sinh trong đó có Mai Chửng với chủ đề Mười Lăm Sự Mầu Nhiệm Mân Côi. (3)
03 Tháng Giêng 201910:50 CH(Xem: 21064)
Đêm ấy, một đêm Giáng Sinh rất lạ, sau ngày giải phóng đất nước một năm.1976. Là đêm Giáng Sinh thứ ba, tính luôn cái năm tôi đi sư phạm xa nhà, tôi không còn cùng bát phố với lũ bạn ngoại đạo trong cái thành phố nhỏ nhoi yêu mến tôi đã sống; nhưng vẫn da diết nhớ Giáng Sinh với những chiếc xe hoa lấp lánh, diễn hành dưới màn mưa lạnh, quanh mấy con phố nhỏ; những cỗ xe luôn mang đến một không gian tượi mới và tràn trề hy vọng. Khi còn hy vọng, là người ta còn mơ ước. Khi còn mơ ước,là người ta còn tin yêu cuộc sống này.Và người ta luôn trông chờ điều đó.
04 Tháng Mười Hai 201811:05 CH(Xem: 22774)
Từ một vùng đất hoang vu của dân tộc thiểu số thuộc bộ tộc K'Ho hiện nay, sau khám phá của bác sĩ Yersin (tháng 6 năm 1893), người Pháp đã quy hoạch và xây dựng lên thành phố Đàlạt. Đàlạt trở thành một trung tâm du lịch và giáo dục của Đông Dương trong nửa đầu thế kỷ 20.
11 Tháng Mười 201811:48 CH(Xem: 23792)
Lễ Quốc Tang của Chủ tịch nước Trần Đại Quang dù được tổ chức trọng thể tại cả ba nơi Sài Gòn, Hà Nội, Ninh Bình; và mặc dù nghĩa trang của ông rất lớn, nó chiếm một diện tích lên đến gần 30,000 m2, chúng ta vẫn thấy sự ra đi của ông rất mờ nhạt.
07 Tháng Mười 20189:13 SA(Xem: 23969)
Sinh ngày 6/10 Nhâm Ngọ, tức 13/11/1942, tại thôn “Me Vừng,” làng Phụng Viện thượng Hải Dương, Bình Giang, Hải Dương—nhưng trên khai sinh, đề ngày 6/0/1942—tôi có một lá tử vi khá kỳ lạ. Giáo sư Nguyễn Bỉnh Tuyên—một lãnh tụ Đại Việt Quốc Xã, thày dạy kèm chữ Pháp cho tôi trong hai năm Đệ Tam, Đệ Nhị (1957-1959)—nói tôi có số “ở tù;” nên “ở lính” có thể giải thích như ở tù. Mãi tới năm 1971, bác Phan Vọng Húc—bạn cha tôi ở Hải Dương, phụ thân nhà thơ Phan Lạc Giang Đông—mới đưa ra lời giải đoán khá chính xác: Tôi có số “Ngựa Trời,” sẽ xuất ngoại, đỗ đại khoa, và thọ tới hơn 70.
13 Tháng Chín 20189:07 CH(Xem: 23646)
Sáng nay vừa ra khỏi ngân hàng, tôi ghé vào siêu thị mua tấm thiệp sinh nhật cho ba chồng. Dòng chữ được giác bạc ngoài tấm thiệp đề "For a great Dad..." đầy yêu thương, trân trọng. Vừa lúc đó tôi nhận được điện thoại từ chị gái. Linh cảm bất ổn vì lúc đó đã 10 giờ tối ở VN. Giọng chị hớt hãi "Yến ơi, Ba đi rồi...". Trên tay tôi vẫn cầm tấm thiệp. Vài giây trước đó khi đứng chọn tấm thiệp vừa ý nhất, tôi chợt nghĩ "Vì sao mình chưa bao giờ có được may mắn tặng cho ba mình tấm thiệp nào có nội dung như vậy. Vì sao ba mình không là một người great Dad như bao nhiêu người vẫn tự hào tặng thiệp cho ba họ trong ngày sinh nhật như chồng mình vẫn làm mỗi năm?".
24 Tháng Tám 20187:38 CH(Xem: 25801)
Tôi khởi viết những trang Nhật Ký Cuối Đời này, từ đầu năm 2016, sau ngày mẹ tôi từ trần tại Los Angeles, CA, ngày 27/11 Ất Mùi, tức Thứ Tư, 6/1/2016. Mẹ sinh ngày 7/3 Mậu Ngọ [7/4/1918], tại Phụng Viện thượng, Bình Giang, Hải Dương, thọ 99 tuổi ta. Cha tôi, sinh ngày 27/3 Mậu Ngọ [27/4/1918], mất sớm, ngày 8/3 Kỷ Mùi [4/4/1979], khi mới 62 tuổi, ở Sài Gòn. Khi gia đình ly tán—tôi lưu vong ra hải ngoại, anh trai tôi bị đưa ra bắc “cải tạo”—thuật ngữ tuyên truyền xảo quyệt của những người tự nhận Cộng Sản, dù chẳng hiểu Cộng Sản là gì, và trên thực chẩt, chỉ vẹt nhái theo Trung Cộng, vì Karl Marx và Friedrich Engels không hề nói đến góp chung tài sản, mà chỉ hoang tưởng ngợi ca một xã hội nguyên thủy công hữu [communism].
17 Tháng Bảy 20182:02 CH(Xem: 22802)
Có thể nói Luật Đặc Khu và cuộc trấn áp ngày 17/6 đã biến những người dân VN bình thường trở thành những nhà hoạt động. Và đó là khởi đầu một “cuộc chiến” mới. Trong cuộc chiến này, nhà cầm quyền Hà Nội sẽ phải đương đầu với một sức mạnh mà họ thầm hiểu rằng với nó; quân đội, súng ống, xe tăng,… hỏa lực dù mạnh thế nào cũng chỉ là bùn đất!