- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

23 VÀ … TÔI

23 Tháng Mười Một 20246:25 CH(Xem: 825)
Đỉnh_Ba_Vì-Bem photography
ĐỈNH NÚI BA VÌ - photo by BEM PHOTOGRAPHY

                                  

23   và … TÔI

Triệu   Vũ




            Giật mình, ngồi bật dậy, tâm trí nửa tỉnh, nửa mê; tuy còn đang ngơ ngác bần thần, tôi vẫn nghe thoáng bên tai, âm điệu tiếng hát chơi bài lô tô: tìm mãi không ra ...nó chạy đâu xa...nó chạy đâu xa …tìm hoài mới ra ... là con số gì đây... con số gì đây, con số … hai mươi ba (23). Tôi lẩm bẩm: lại nằm mơ nữa rồi! Thực là khó hiểu! Không biết tại sao, vì nguyên cớ nào mà con số 23 gắn liền với dòng đời của tôi; nó tác động, để lại những dấu ấn khó phai mờ. Nay nó còn theo tôi vào giấc ngủ và có thể lắm, nó sẽ theo tôi xuống tận suối vàng. Năm nay tôi đã 85 tuổi, não bộ phần nào bị lão hóa, nhưng may mắn còn một chút minh mẫn để nhớ những sự kiện, những biến cố quan trọng xảy ra trong đời, gắn liền với con số 23. Làm sao quên được, chuyện từ bẩy mươi năm trước, nơi thành phố Genève, thủ đô nước Thụy-Sĩ bên trời Âu xa xôi; các cường quốc hội họp, cuối cùng đã ký kết một hiệp định để chia đôi đất nước Việt-Nam. Hiệp-Định Genève ngày 20-7-1954 là một vết nhơ trong lịch sử Việt, và dòng sông Bến-Hải, phía Bắc tỉnh Quảng-Trị nằm trên vĩ tuyến 17, là ranh giới phân chia hai miền Nam, Bắc. Tôi vẫn nhớ, mùa hè năm ấy, sau khi hiệp định Genève ra đời, thì:

            * 23 - 9 - 1954:  Rời nơi trọ học ở Hà Nội, về tỉnh lỵ Hải-Dương, cùng gia đình di chuyển xuống Hải-Phòng để chuẩn bị di cư vào phía Nam vĩ tuyến 17. Khoảng hai tháng sau, có những chiếc tàu há mồm, đưa gia đình tôi và rất nhiều gia đình khác, từ Hải-Phòng, ra Vịnh Hạ-Long, chuyển đoàn người lên một chiến hạm lớn của Mỹ - có tên General Howze - để xuôi Nam. Sau một ngày lênh đênh trên biển, chiến hạm khổng lồ neo tại cảng Đà-Nẵng. Đoàn người ly hương lại được tàu há mồm, đưa vào bờ, nơi đã dựng sẵn trại tạm cư, thuộc xã An-Hải, bán đảo Sơn-Trà. Tôi đã thực sự rời xa quê hương miền Bắc, lòng không buồn, trái lại đã dâng lên “niềm vui”, một niềm vui có lẽ chỉ riêng tôi cảm nhận được. Bây giờ, bên tôi có Bố Mẹ, có các em. Tôi đã thoát khỏi cảnh xa nhà đi trọ học và nỗi “nhớ nhà” từ nay không còn ray rứt trong lòng tôi nữa! Ngày nay, hơn bảy mươi năm trôi qua, trong tâm trí tôi chưa phai mờ, hình ảnh cậu bé mới mười một, mười hai tuổi, “được” rời xa gia đình đi trọ học ở Hà-Nội. Đã qua rồi, những chiều tan trường về, dừng lại thật lâu trước bến xe Yên-Phụ dưới chân cầu Long-Biên, nhìn những chuyến xe đưa đón khách, tôi nhớ về gia đình ở thị xã Hải-Dương, 60 cây số cách xa; nơi ấy có Bố Mẹ, có các em và có bữa cơm chiều.... Đà-Nẵng đang là mùa mưa. Những cơn gió mạnh, từ biển thổi vào, đem theo mưa nặng hạt. Đường phố ướt mưa, vắng người qua lại. Niên học 1955-1956, tôi ghi danh lớp Đệ Tứ (lớp 9) tại trường Phan-Thanh-Giản; đây là một tư thục mới xây cất, khang trang nhứt thành phố. Cuối năm học, chúng tôi phải vào Hội-An thi Trung-Học Đệ-Nhất-Cấp (Phổ Thông Cơ Sở) vì thời ấy, Đà-Nẵng chưa được phép tổ chức hội đồng thi.

            * 23 - 8 - 1956:  Di chuyển vào Saigon, sau hơn một năm tạm cư ở Đà-Nẵng; gia đình tôi ngụ tại trại định cư Bác-Ái, gần chợ Cây Quéo, nay là khu vực ngã tư đường Hoàng-Hoa-Thám và Nguyễn-Thượng-Hiền, quận Bình-Thạnh. Năm ấy, tôi ghi danh học lớp Đệ Tam B (lớp 10) tại trường Hàn-Thuyên, nằm trên đường Cao-Thắng, Saigon. Ngôi trường Hàn-Thuyên thưở ấy đơn sơ lắm, nhỏ hẹp lắm, nhưng đã lưu lại trong tôi biết bao kỷ niệm thân thương. Đặc biệt, chúng tôi, 5 cậu học trò tuổi mới lớn, dễ thương, thuở nào học chung lớp, ngồi chung bàn, gần bẩy mươi năm sau, vẫn còn đây. Từ lối đi ở giữa, theo thứ tự: Nguyễn-Đình-Phương, Nguyễn-Đình-Liên, Vũ-Đình-Thịnh, Đàm-Quang-Việt và Triệu-Vũ; may mắn thay, chúng tôi vẫn còn nhiều dịp hội ngộ, sau thời gian dài, xa mái trường xưa. Hình ảnh những vị thầy khả kính; những bạn học thương quý, chưa phai mờ trong ký ức. Lần về quá khứ, có thể nói Đệ Tam (lớp 10), là năm học “thoải mái” nhất trong đời học sinh. Là những cậu con trai, ở vào tuổi bẻ gẫy sừng trâu, lại không có kỳ thi quan trọng vào cuối năm học, nên chúng tôi thực sự sống hồn nhiên, vô tư và đong đầy kỷ niệm của tuổi học trò. Ngày cuối tuần hay những dịp nghỉ lễ, chúng tôi đi xem phim, chúng tôi đi ăn kem, đi dạo phố; chúng tôi không ngượng ngùng khoe nhau cái quần, cái áo mới may. Chúng tôi còn kể cho nhau nghe về em nữ sinh nào đó học lớp Đệ Ngũ, Đệ Tứ ... Có khi chúng tôi đi picnic ở Thảo-Cầm-Viên, hay về vùng ven đô như Cần-Đước, Lái-Thiêu, thăm quê của bạn cùng lớp. Tôi nghĩ, thuở còn cắp sách đến trường, chỉ ở thời khoảng này, chung trường, chung lớp, chung bàn, mới thấy giá trị đích thực của tình bạn, thực hồn nhiên và trong sáng. Thế rồi, lên đại-học, hoàn toàn khác, tìm đâu được cảnh chung trường, chung lớp, chung bàn. Thịnh, Phương, Liên học trường Luật, Việt học Kiến-trúc, tôi bên Khoa-học. Vào đời, các bạn tôi là những người thành đạt trong cơ quan hành chánh; riêng Việt là Sĩ-Quan Hải-Quân, còn tôi là Sĩ-Quan Lục-Quân. Ngày nay, qua bao nhiêu biến cố, đổi thay của đất nước, những lời chào hỏi đầu tiên khi gặp gỡ, hay liên lạc qua điện thoại, gói gọn trong câu nói “chúng tôi vẫn còn đây”! Đơn giản, nhưng trong lòng dâng lên niềm vui, nhớ về thuở xa xưa, khi còn là những cậu học trò mặt trắng.

             * 23 - 1 - 1961: Gặp người con gái xứ Đoài, nơi có thành Sơn-Tây ở miền Bắc. Kể từ thời điểm này, tôi thấy yêu thơ của Quang-Dũng nhiều hơn. Đây rồi! Đúng là “Em ở thành Sơn” chạy giặc vào…Nam; còn tôi người tỉnh Đông, tức tỉnh Hải-Dương cũng chạy giặc, di cư vào Nam. Duyên Trời đưa chúng tôi gặp gỡ; rồi xa nhau thì nhớ. Nhà thơ Quang-Dũng nhớ nhiều thứ; ông nhớ đồng lúa vàng, nhớ núi Sài-Sơn, nhớ núi Ba-Vì, nhớ con sông Đáy v.v. Riêng tôi, chỉ nhớ người con gái xứ Đoài, nhớ da diết, nên chúng tôi đã quyết không rời xa và quyết cùng dìu nhau, chung đường đời. Ngày nay, bên nhau, thỉnh thoảng nhắc đến câu thơ của Ông Nguyễn Bính “Thôn Đoài ngồi nhớ Thôn Đông”, chúng tôi lại mỉm cười, vui vui trong lòng. Thực tiếc quá, và cũng giận chính bản thân, thấy mình không phải nhà văn, nhà thơ nên không biết cách, làm sao ghi chép lại, diễn tả lại chuyện tình của chúng tôi. Theo tôi, đây là một chuyện tình thời chinh chiến có thật và có hậu.

           * 23 - 9 - 1964: Người con gái xứ Đoài trở thành người bạn đời. Đường đời chúng tôi dìu nhau đi, đã chính thức bước vào một ngã rẽ quan trọng. Nếu không có cuộc di cư vĩ đại năm 1954; tôi, người xứ Đông, bạn đời người xứ Đoài, chắc gì chúng tôi có cơ hội gặp gỡ để cùng nắm chặt tay nhau, chung bước, chung lòng, xây dựng tương lai, dù cho bị quay cuồng, cuốn hút theo dòng lịch sử, bồng bềnh theo vận nước nổi trôi .. Đúng là Trời định! Tôi có nghe dân gian thường nhắc đến duyên nợ. Có duyên mới gặp gỡ, có nợ mới thành vợ chồng. Tôi miên man, một chút méo mó nghề nghiệp, nghề gõ đầu trẻ, nghĩ rằng duyên và nợ là điều kiện cần và đủ để hai trái tim chung nhịp đập, để hai người yêu nhau, chung sống trong một mái ấm gia đình… Đã có nhiều, rất nhiều, không đếm được, những đôi tình nhân yêu nhau tha thiết, nhưng không cùng nhau sánh bước trên đường đời. Phải chăng họ có duyên mà không có nợ, cho nên khi chia xa, họ đã thảm thiết kêu gào ai oán: “Em còn… nợ Anh, Anh còn… nợ Em”, nghe thực não lòng!  Hơn sáu mươi năm qua đi, giờ đây, ở tuổi hoàng hôn, tôi và người bạn đời, đôi lúc nhắc lại kỷ niệm buồn vui của những ngày tháng cũ, thấy mình thực may mắn: nhờ sợi Tơ Hồng vững chắc của Ông Tơ, Bà Nguyệt; nhờ Phước Đức mà chúng tôi có nhau, còn nhau và luôn kết thúc tâm tình bằng những lời tạ ơn, phát xuất từ đáy lòng.

            * 23 – 11 - 1964: Vì tình hình đất nước, tôi bị gọi nhập ngũ, trình diện tại Quân-Vụ-Thị-Trấn Saigon để theo học khóa 19 Sĩ-Quan Trừ-Bị ở Thủ-Đức. Trên các giấy tờ pháp lý, ngày này gọi là ngày nhập ngũ. Đây cũng là một ngã rẽ quan trọng trên đường đời. Tôi tạm biệt người vợ trẻ, giã từ đời sống dân sự, bước vào đời quân ngũ. Tôi không có chọn lựa nào khác và phải thích ứng ngay với cuộc sống mới. Bước vào quân trường, những khẩu hiệu: “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”; “Thi hành trước, khiếu nại sau”; “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” v.v đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần và thể xác tôi. Nơi đây là “lò luyện thép”, như nhiều người ví von, nghĩ cũng không sai. Quả nhiên, tôi, theo ngày tháng, đã thích nghi với đời sống mới. Thế rồi, mãn khóa học quân sự, về phục vụ tại một đơn vị kỹ thuật thuộc Sư-Đoàn 5 Bộ-Binh (SĐ5BB), đóng tại Bình-Dương. Đây là một đại đơn vị lừng danh của Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa. Ngày đầu tiên về trình diện, trong doanh trại Bộ-Tư-Lệnh, đó đây, đập vào mắt tôi, có những tấm bảng lớn ghi hàng chữ “Không nhiệm vụ nào khó, không hy sinh nào lớn, bổn phận trên hết”. Chỉ 14 chữ đơn giản, nhưng nó là tâm niệm, nhắc nhở tôi và các chiến binh SĐ5BB, mỗi khi được giao phó bất kỳ một trách vụ nào! 

              * 23 - 5 - 1966: Mang cấp Thiếu-Úy. Có nhiều người không hiểu sao, lại gọi là “tiểu úy”. Nghe lạ tai, nhưng cũng vui. Ông đơn vị trưởng không tập họp đơn vị để gắn cấp bậc mới cho tôi trước hàng quân. Bên lề trái của văn thư, ông chỉ ghi “đeo lon liền”. Thế là tôi, một cách âm thầm, tự gắn lon thiếu úy. Tôi vẫn giữ chức vụ Sĩ-Quan Tiếp-Liệu kiêm Thanh-Tra, như ngày mới về đơn vị. Tôi vẫn biết, mới là Thiếu-Úy, tuổi lính chưa bao nhiêu, nên tôi cần học hỏi thêm nhiều. Phải chăng ông đơn-vị-trưởng đã “ưu ái” tôi, nên thường gửi tôi đi học các khóa chuyên môn, ngắn hạn cũng như dài hạn; mãn khóa, về đơn vị, có dùng đến hay không là chuyện khác! Ông còn thường xin Sư-Đoàn cấp sự vụ lệnh cho tôi, chỉ một mình tôi, đến tận nơi hành quân xa xôi của các Đại-Đội, Trung-Đội bộ binh để “tìm hiểu” tại chỗ và ghi nhận “nhu cầu” của các quân nhân. Thời gian này, tôi ít khi có mặt tại đơn vị. Tôi vẫn không quên những hàng chữ đầu tiên học được khi bước vào đời lính “Kỷ luật là sức mạnh của Quân-Đội” và “Thi hành trước, khiếu nại sau”.

             * 23 - 5 - 1968:  Mang cấp Trung-Úy. Tôi cũng tự gắn cấp bậc mới. Giống như lần trước, bên lề trái của nghị định thăng cấp, bút phê của ông đơn vị trưởng cũng chỉ có ba chữ: “đeo lon liền”. Đúng vào thời điểm này, giữa năm 1968, tổ chức quân đội có biến cải. Mỗi Sư-Đoàn Bộ-Binh sẽ thành lập một Tiểu-Đoàn Tiếp-Vận. Sư-Đoàn 5 Bộ-Binh (SĐ5BB) được chỉ định thành lập Tiểu-Đoàn Tiếp-Vận đầu tiên để trắc nghiệm, với danh xưng Tiểu-Đoàn 5 Tiếp-Vận (TĐ5TV). Đơn vị tôi có cấp chỉ huy mới. Năm sau, 1969, các Sư-Đoàn khác mới bắt đầu thành lập Tiểu-Đoàn Tiếp-Vận (TĐTV). Đại cương, TĐTV tổ chức như sau: Bộ-Chỉ-Huy Tiểu-Đoàn & Đại-Đội Chỉ-Huy Công-Vụ; Đại-Đội Tiếp-Liệu; Đại-Đội Bảo-Toàn; Trung-Đội Vận-Tải. Sau 5 năm phục vụ liên tục trong đơn vị, tháng 10-1970, tôi được đề cử làm Đại-Đội-Trưởng Đại-Đội Tiếp-Liệu/TĐ5TV. Theo tổ chức mới, Đại-Đội Tiếp-Liệu là đơn vị lớn, ngoài Đại-Đội-Trưởng, có 12 sĩ-quan và trên hai trăm năm mươi quân sĩ. Là quân nhân, ai mà không hãnh diện khi được giao nhiệm vụ chỉ-huy một đơn vị và tôi, cũng không ngoại lệ.

            * 23 - 1 - 1971: Mang cấp Đại- Úy. Những lần thăng cấp trước, tôi tự gắn lon mới. Lần này, tại sân cờ rộng lớn, trang nghiêm của Bộ-Tư-Lệnh; Tướng hai sao, Tư-Lệnh Sư-Đoàn gắn cấp bậc Đại-Úy cho tôi. Thế rồi, sau hơn hai năm làm Đại-Đội-Trưởng Đại-Đội Tiếp-Liệu, tôi được điều về làm Chỉ-Huy-Trưởng Trung-Tâm 3 Sản-Xuất Đồ Gỗ, doanh trại nằm trên đường Phan-Văn-Trị, quận Gò-Vấp, tỉnh Gia-Định, kế bên Căn-Cứ 30 Tồn Trữ Nhiên Liệu. Từ ngày mãn khóa sĩ-quan, sau hơn 7 năm phục vụ, tôi rời Sư-Đoàn 5 anh dũng vào ngày cuối cùng của năm 1972. Nhưng chưa yên, chỉ một năm sau, vì nhu cầu công vụ, tôi lại được chỉ đích danh, trở lại SĐ5BB, trong nhiệm vụ mới. Và một lần nữa, tôi lại khoác quân phục, mang phù hiệu SĐ5  đến ngày đau buồn 30 tháng 4 năm 1975. Hôm ấy, Trời “nhỏ lệ”; mưa lất phất. Lệnh trên ban ra: buông súng đầu hàng, chờ bàn giao. Chủ Tướng tuẫn tiết, trang quân sử của SĐ5BB cũng khép lại từ đây. Khi định cư trên đất Mỹ, lúc cảm xúc dâng trào, nghĩ về đơn vị ngày xa xưa, nghĩ về chủ tướng; đặc biệt được thân hữu, chiến hữu khuyến khích, tôi đã viết hai bài, đăng trên tạp chí Hợp-Lưu do nhà thơ Đặng-Hiền chủ biên, với tựa đề “ Vài Kỷ Niệm về Sư-Đoàn 5 Bộ Binh &Tướng Lê-Nguyên-Vỹ” và bài “ Gặp Tướng Lê-Nguyên-Vỹ… lần cuối”  Rất vui, hai bài viết đã được phổ biến rộng rãi và đón nhận nồng nhiệt ...

Ngày nay, tuổi đã xế chiều, nhớ lại, suốt mười năm rưỡi trong quân ngũ, bao gồm thời gian huấn luyện trong quân trường và phục vụ tại các đơn vị, tôi nghĩ mình là một diễn viên kịch nghệ, điện ảnh; một diễn viên tài năng đã biểu diễn thành công trên sân khấu (nhưng chưa được đề cử nhận giải tượng vàng). Kịch bản đạo diễn trao cho, phải diễn cho sâu, cho đạt. Một câu nói, nghe có chút chua chát, châm biếm, bỗng hiện ra trong đầu: đời là một tấn tuồng! Tôi cũng không biết đúng hay sai …


                                                            *****



               Bất hạnh thay, cơn hồng thủy 30 tháng 4 –1975 ập đến, cuốn đi tất cả! Ở thời khắc này, người ta mới rõ ai đáng mặt anh hùng. Chắc chắn rằng những tấm gương can đảm tuẫn tiết, thành mất chết theo thành, không chịu hèn, không chịu nhục, sẽ lưu truyền mãi trong trang sử Việt. Thực sự, sau biến cố đó, tôi không biết mình phải đi đâu, về đâu! Tâm trí rối loạn, tôi sống trong hồi hộp, lo lắng, cố tìm lối thoát. Có nhiều đêm, tôi không ngủ ở nhà mình, vì biết đâu chừng, ban đêm tối trời, có kẻ gõ cửa “mời” đi! Tinh thần có phần khủng hoảng, khi nghĩ tới chính sách của nhà cầm quyền hiện tại sẽ ảnh hưởng đến số phận bản thân và gia đình trong những ngày sắp tới. Rồi cuối cùng thông báo cũng loan ra, phải trình diện đi “học tập cải tạo”! Lưu ý, mang theo lương thực đủ dùng trong 10 ngày.

             * 23 - 6 - 1975: Trình diện tại trường nữ trung-học Lê-Văn-Duyệt, Gia-Định, (nay là Võ-Thị-Sáu), rất gần, cách nhà tôi khoảng hai trăm mét. Buổi trưa hôm ấy, vợ tôi đưa tôi đến cổng trường, để “học tập cải tạo” 10 ngày, đâu ngờ rằng tiễn chồng “đi tù khổ sai, biệt xứ”. Đây là một ngã rẽ khác đáng nhớ trong đời. Chúng tôi, những cựu sĩ-quan, ngồi thành từng hàng, trên sân xi măng nóng bỏng giữa trưa hè, chờ gọi tên. Quanh sân và trên lầu của trường học, thấp thoáng những bộ đội ôm súng “giữ an ninh” cho chúng tôi. Lo xong thủ tục nhập học, tất cả được chia từng tổ, chỉ định vào các phòng. Chúng tôi phải xếp gọn, kê lại bàn ghế để có chỗ ngủ. Trường học không có nhà bếp, không có phòng ăn, nên người ta “chu đáo” giao cho nhà hàng, khách sạn lớn, nổi tiếng ở Sài-Gòn, lo việc ẩm thực. Những chiếc xe có sơn bảng hiệu như Đồng-Khánh, Ca-ra-ven, Bát-Đạt, Ngọc-Lan-Đình v.v trưa và chiều, chở thực phẩm nấu sẵn đến tận trường. Buổi chiều ngày 23-6-1975, vợ tôi còn quay lại “tiếp tế” cho tôi một lon ghi-gô cà phê đá (guigoz, tiếng Pháp, thương hiệu sữa bột). Lon cà phê đưa qua khe cổng sắt. Chúng tôi nhìn nhau, không nói được nhiều. Đôi mắt vợ tôi, “dìu dịu buồn Tây-Phương”, như nhà thơ Quang-Dũng diễn tả thuở nào; sao chiều nay, hình như có những giọt nước long lanh đọng trên khóe mắt. Vợ tôi trở về nhà; tôi quay vào trường, mang theo lon cà phê trong tay nhưng trong tâm trí, mang theo đôi mắt nhòa lệ ấy. Trời còn sáng, ngồi trên thềm gạch trước cửa lớp, lon cà phê vợ tiếp tế để kế bên, tôi nghĩ về gia đình. Ôi, làm sao quên được những ánh mắt ngây thơ, ngơ ngác của các con tôi nhìn theo, lúc tôi rời nhà. Bỗng nhiên, một anh bạn cùng phòng, trẻ hơn tôi, vẻ hiền lành thân thiện, lại gần, giọng nhẹ nhàng đủ tôi nghe: “Anh có phải là Anh của Vũ-N-Ch không”? Thực bất ngờ! Chưa kịp trả lời, anh tiếp “Hồi trưa nay, nghe gọi tên của Anh vào phòng, tôi đã đoán được, bây giờ mới dám hỏi”. Một nghi vấn thoáng hiện trong đầu: Có phải “Tình-Báo Hoa-Nam” không đây? Lấy lại bình tĩnh, tôi quan sát và trả lời: “Chỉ là trùng họ và chữ lót thôi”. Như để tôi đừng nghi ngờ, anh bạn tự giới thiệu tên Phạm-Đức-Vượng và cho biết học cùng Dự-Bị Y-Khoa với Ch, em tôi. Dần dần, qua trao đổi và những ngày tháng sinh hoạt chung, qua những trại tù từ Nam ra Bắc, chúng tôi thân nhau, quý mến nhau và có biết bao kỷ niệm kể hoài không hết.

             Hôm sau, 24-6-1975, hạn chót để trình diện; có thêm một số người đến làm thủ tục “nhập học”, tổng số có mặt trong trường vào khoảng 600 người. Cũng vẫn những chiếc xe của nhà hàng, khách sạn lớn chở thực phẩm cung cấp hai bữa trưa và chiều. Mọi việc diễn tiến bình thường; nhưng đến nửa khuya ngày 24-6 ấy, ban đêm tối trời, chúng tôi được lệnh tập họp, chuyển đến cơ sở khác với lý do “có điều kiện tốt hơn để các anh học tập”. Chúng tôi rời trường Lê-Văn-Duyệt, lên đoàn xe bít bùng, đậu sẵn dọc theo đại lộ, phía ngoài cổng trường. Xe chạy trong đêm tối, dừng tại địa điểm mới lúc trời mờ sáng. Chúng tôi được đưa vào khu vực rộng lớn, có nhiều căn nhà tiền chế vách gỗ, lợp tôn, đã cũ và bỏ trống, thuộc vùng Long-Giao, gần Long-Khánh (Xuân-Lộc). Nơi đây là doanh trại của một đơn vị lớn trong quân-đội Việt-Nam Cộng-Hòa ngày trước, bỏ hoang khá lâu, cỏ mọc um tùm. Có những đoàn xe khác tiếp tục chở về trại Long-Giao, những người “học tập cải tạo”, tổng cộng vào khoảng 4000 người.


Khi chuyển đến địa điểm mới Long-Giao này, chúng tôi được nghe những từ mới như Trại Cải-Tạo, Cán-Bộ Quản-Giáo, Anh Nuôi, Giao Ban, Báo Cáo v.v Và đặc biệt những họng súng AK của bộ đội hình như luôn hướng về chúng tôi. Rồi chúng tôi được lệnh phải phát quang, tu sửa hàng rào và doanh trại hư hỏng; rồi xây bếp lò, đào giếng; dựng nhà để đón thân nhân đến thăm; rồi làm sân bóng chuyền, sân bóng đá v.v. nhưng ngỡ ngàng, sửng sốt nhất là có thông báo mới từ Chính-Phủ Cộng-Hòa Miền Nam Việt-Nam ban ra: phải học tập cải tạo ba năm, nếu tiến bộ sẽ cho về; nếu không tiến bộ sẽ đưa ra tòa! Thế là xong!!! Những người được kêu gọi đi “học tập cải tạo”, gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chúng tôi hết hy vọng học tập 10 ngày và trong lòng vô cùng hoang mang! Không biết thế nào là tiến bộ đây?  Hầu như mọi người đều bị xáo trộn tâm lý. Thất vọng, có thể là tuyệt vọng! Cho nên không tránh khỏi có một số cải-tạo-viên tìm cách trốn trại. Người may mắn, thoát được; người không may, bị bắt lại, đưa ra pháp trường. Chắc chắn không có ai trong chúng tôi nghĩ rằng, trình diện để đi tù, không ấn định ngày về. Nhưng oái oăm thay, nếu có người nào nói rằng mình đi tù, là bị kỷ luật ngay, bị khép vào tội xuyên tạc đường lối chính sách của nhà nước. Quá nửa thế kỷ trôi đi, những cựu tù còn lại trên dương thế, mỗi lần gặp nhau, thường nhắc nhớ: đọc thiên kinh vạn quyển, chữ nghĩa đầy bụng, trên thông thiên văn, dưới đạt địa lý, vậy mà chỉ một chữ “NGỜ” cũng không thông…

Sau một năm ở trại Long-Giao, chúng tôi lại bị phân tán, chuyển đến các trại khác; từ Nam ra Bắc. Cuối tháng 6-1976, chiếc tầu chở hàng tên Sông Hương đưa chúng tôi từ Tân Cảng, Saigon ra Hải-Phòng.  Nhìn cảnh mấy ngàn người, mình trần, ướt đẫm mồ hôi, ngồi tựa lưng vào nhau trong khoang tầu, khiến tôi liên tưởng đến những chuyến tầu buôn nô lệ thuở xa xưa. Rồi chúng tôi được dồn vào toa xe lửa chở hàng hóa, chạy từ Hải-Phòng lên Yên-Bái. Xe lửa phải giảm tốc độ, chạy chậm khi tiến vào các ga dọc đường; thế rồi một cách hung hãn, không biết do đâu, người dân đứng hai bên đường sắt, vung tay ném những cục đá, dấu sẵn trong người, vào trong toa xe để “tặng” chúng tôi; thương tích không nặng, chỉ bươu đầu, sứt trán. Một hình ảnh tôi nhớ mãi, có những bà cụ già lưng còng chống gậy đứng bên đường; xe lửa từ từ vào ga, bà cụ giơ cây gậy lên, cố la thật lớn: “lính của thằng Thiệu hả”? Xe lửa dừng ở ga Yên-Bái; rồi từng đoàn ca-nô đưa chúng tôi vào chân rặng Hoàng-Liên-Sơn. Cuối năm 1978, chúng tôi lại được chuyển về trại giam Vĩnh-Quang, thuộc Bộ Nội-Vụ, dưới chân núi Tam-Đảo, gần thị trấn Vĩnh-Yên, tỉnh Vĩnh-Phúc. Vài tháng sau, chiến sự xẩy ra nơi vùng biên giới phía Bắc, đúng vào dịp người Việt đón Tết Kỷ-Mùi, 1979.

             * 23 - 12 - 1979: Bị tai nạn lúc lao động trong trại tù Vĩnh-Quang, để lại một phần thân thể ở Bệnh Viện Nhân Dân Vĩnh-Yên. Mười lăm năm trước, tôi ghi lại chuyện buồn này trong bài viết “Dưới Chân Tam-Đảo”. Vì bị tai nạn, mất sức lao động, nên ít năm sau, được phóng thích. Ra khỏi trại tù, tôi coi như được sanh ra đời lần thứ hai! Tôi là người Việt, sinh ra trên đất Việt nhưng thực trớ trêu lại không phải là “công dân” Việt. Thực mỉa mai và đau lòng! Sau ngày ra khỏi trại tù, tôi, dù sức khỏe yếu kém, phải làm đủ nghề để phụ giúp kinh tế gia đình: Từ đi lượm ve chai, làm ông bán nước…sâm lạnh ngoài lề đường rồi làm ông bán bánh giò trong các ngõ hẻm khu Thị-Nghè. Nhớ lại, thấy vui vui: Tôi nghĩ không có ai bán bánh giò giống tôi. Hầu hết, những người bán hàng cất tiếng rao “bánh chưng, bánh giò” hoặc “bánh giò, bánh chưng”, cứ lặp đi lặp lại. Thỉnh thoảng cũng có một chút thay đổi “bánh chưng, bánh giò nóng đây”. Riêng tôi, ngượng vì không phải chuyên nghề bán bánh dạo, nên không bán ở ngoài mặt đường, phải đi vào hang cùng ngõ hẻm và chỉ cất tiếng rao “có bánh giò”. Có những lúc sợ ế, tôi lại rao “Có bánh giò, mua không cần sổ”! Thế mà lạ thực, ngày nào cũng bán hết, chưa bao giờ bán ế để phải mang bánh về ăn trừ cơm. Nhưng sức người có hạn! “Ông bánh giò” giờ đây già yếu lắm, không còn đủ sức mỗi ngày, dù trời mưa hay nắng, đạp xe chở bánh giò vào các ngõ hẹp …Chuyện xưa, gần bốn chục năm qua, hồi tưởng, lòng chùng xuống và thương sao cảnh đổi đời! Dạo ấy, tuy đã làm hồ sơ xin xuất cảnh đi Mỹ, do chú em bảo lãnh; chờ đợi lâu quá nên nhiều lần chúng tôi cố gắng tìm cách cho 2 con lớn vượt biên; rất tiếc không thành, may mắn không bị bắt. Âu cũng là ý trời. Thời gian cứ trôi, cuộc sống càng ngày càng khó khăn, không thấy ánh sáng cuối đường hầm.

            * 23 - 10 - 1989: Nhận giấy báo, gặp phái đoàn phỏng vấn đi Mỹ. Rất bất ngờ. Bốn ngày sau phải có mặt tại Sở Ngoại-Vụ. Tôi chỉ kịp nhắc nhở các con về y phục, đầu tóc gọn gàng để đi phỏng vấn. Rồi phỏng vấn xong, không gì trở ngại. Khám sức khỏe, tất cả không có vấn đề gì và chỉ đợi ngày lên đường. Ngày 9 tháng 3-1990 bay sang Bangkok, Thái Lan; ở đây một tuần để chờ đáp chuyến bay đi Mỹ. Ngày 16 tháng 3-1990, lúc 10 giờ sáng, phi cơ hạ cánh tại phi trường thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Chúng tôi đã thực sự đặt chân đến Hoa-Kỳ và làm thủ tục nhập cảnh tại đây; sau đó đáp chuyến bay nội địa về thành phố Houston, tiểu bang Texas vào lúc 8giờ30 tối cùng ngày. Chú em tôi đón ở phi trường. Cuộc sống của cả gia đình tôi hoàn toàn thay đổi từ đây. Đường đời tôi đi, đã vào ngã rẽ mới, không biết sẽ về đâu, nơi vùng đất lạ này. Tất cả khởi đi từ số không (0). Vì được xếp theo diện định cư tị nạn, nên chính quyền trợ cấp gia đình tôi 18 tháng. Học tiếng Anh, học lái xe miễn phí. Tôi làm đủ mọi việc, chỉ là lao động phổ thông. Từ gác dan, bảo vệ đến làm công việc vặt trong cơ sở thương mại. Vì phải vật lộn với cuộc sống để kiếm đô la, tôi tự phong danh hiệu “Đô Vật” nhà nghề. Có nhiều người, cũng di dân tị nạn như chúng tôi, một chút chua chát, một chút cay đắng, cố quên đi thân phận mình, gọi là “đi cầy”. Vất lắm, căng lắm nhưng chắc chắn không sợ bị chết đói, không sợ bị “rình rập” như khi còn ở …quê nhà. Nhắc đến quê nhà, tôi nhớ lại ngày xưa, xa lắm rồi, hơn nửa thế kỷ trước; tôi có quen biết một quân nhân Mỹ. Anh ta chính là quan Ba (Đại-Úy), cố vấn của đơn vị tôi. Anh ta rất nhiệt tình, thích được giúp đỡ tôi để hoàn thành nhiệm vụ. Ngày anh hồi hương giữa năm 1972, trong bữa tiệc chia tay do đơn vị tổ chức, anh rất cảm động khi bất ngờ nhận món quà lưu niệm mà anh thích: Một bức tranh thêu Thiếu nữ Việt-Nam, một chiếc nón bài thơ và một đôi guốc cao gót. Thế mà ngờ đâu, 18 năm sau, tôi và gia đình là những người Việt-Nam, “được” gọi là di dân tị nạn, đến xứ Hoa-Kỳ này …Thời gian trôi đi, dần dần chúng tôi hội nhập vùng đất mới. Các con tôi, học trung học hay đại học, cũng phải đi làm 15 đến 20 giờ một tuần; rất may mắn, tốt nghiệp có công ăn việc làm, đời sống ổn định. Nhưng rồi:

            * 23 - 9 - 2009:  Ngày đầu Thu, hai tên “côn đồ xấu xí” có vũ khí, ập vào tấn công tôi ở nơi làm việc. Thoát chết, bị chấn thương nặng ở mặt và ngực, nhưng vết thương nặng hơn là “khủng hoảng” tinh thần. Và tôi, bắt buộc nghỉ hưu, tuổi đời vừa 70. Nhớ đến câu thơ của Cụ Nguyễn-Du, tôi cũng tập tành, để chứng tỏ mình cũng có thơ văn đầy bụng: “Bắt kéo cầy, phải kéo cầy, Cho nghỉ hưu mới được phần nghỉ hưu” … Nhìn chung, tất cả là do Ý Trời! Sau sự việc không vui này, tôi đã thực hiện chuyến về quê hương miền Bắc, thắp nén nhang tạ ơn Ông Bà Tổ Tiên linh thiêng, phù hộ tôi thoát chết trong gang tấc. Chuyến về quê ấy, tôi có ghi lại trong bài “Đôi Dòng Tâm Sự”. Biết được tin tôi bị kẻ xấu tấn công, lấy đi tất cả, các bạn học ngày xưa ở trường Hàn-Thuyên gửi tặng một lap-top để tôi tiếp tục ghi lại đôi dòng tâm sự. Từ khi bị buộc phải buông súng đầu hàng; từ khi bị đi tù dưới danh nghiã “học tập cải tạo”; từ khi phải rời xa quê hương, bỏ lại tất cả; nơi đất khách quê người, tôi cố quên bao tủi nhục đắng cay; hổ thẹn, không dám ngẩng cao đầu nhìn thiên hạ, cúi mặt để kiếm đô la sống qua ngày! Vậy cũng không yên! Tôi không hề có ý định tranh giành, gây thù chuốc oán; chỉ mong hai chữ bình an, lao động lương thiện mưu sinh; thế mà bị tấn công, tánh mạng treo sợi chỉ mành. Độ lạnh của thép súng đẩy vào phía dưới cằm của tôi, giờ này vẫn còn …lạnh! Vết sẹo của báng súng ấn vào ngực, vẫn còn đây. Giận lắm chứ! Hôm nay cơn giận chưa nguôi. Rời bỏ quê Cha đất Tổ; tránh cọp hung gặp hổ dữ! Của mất, mạng còn. Đành rằng của đi thay người, mất của còn hơn mất mạng, nhưng tôi thực khó quên sự việc kinh hoàng ấy; tới giờ này, đã mười lăm năm qua, tâm trí còn bị ám ảnh về hai tên côn đồ xấu xí có vũ trang.

            * 23 - 3 - 2022:  Tôi được xuất viện sau gần một năm điều trị căn bệnh quái ác, chỉ nghe tên cũng rùng mình run sợ; một bệnh rất hiếm gặp, đó là “ung thư” mắt. Và tôi đã điều trị ở một bệnh viện nổi tiếng tại thành phố Houston, tiểu bang Texas. Trung-Tâm Ung-Thư nằm trên tầng 14 của bệnh viện, gợi ý tôi ghi lại hành trình điều trị qua bài viết “Trở về từ Tầng …14”. Trong bài này, tôi ghi lại tất cả những diễn biến của căn bệnh cũng như biến đổi tâm sinh lý của cá nhân tôi, là người bệnh. Tôi có cảm tưởng là đã xuống tới tầng địa ngục thứ 14. Rất may nhờ sự tiến bộ của nền y học, nhờ sự tận tâm, nhiệt tình của bác sĩ và nhân viên y tế, nhờ sự hỗ trợ của gia đình, của người thân và dĩ nhiên nhờ ý chí, quyết tâm cao, không bỏ cuộc; đặc biệt lại tin vào một sức mạnh vô hình, linh thiêng, nên tôi không xuống tầng địa ngục sâu hơn, mà còn ngược dòng trở về dương thế. Những lần quái vật tuốc-bin hút tôi vào bụng, phóng những tia bức xạ vào mắt, vào đầu, mà người ta gọi là xạ trị; rồi những khi người ta đưa những chén cháo đắng chemo vào cơ thể, cháo đắng chemo luân lưu trong mạch máu toàn thân, có tên gọi là hóa trị; Ôi, hình như tôi đã bay bổng, tan vào hư vô, hồn lìa khỏi xác! May mắn thay, tôi cảm thấy có bàn tay của đấng thiêng liêng cứu sống. Tôi đã sống lại, thoát khỏi lưỡi hái Tử Thần. Thực vui mừng khôn tả! Tôi vẫn còn đây! Có thể nói: Tôi đã được sanh ra đời lần thứ ba! Lần đầu, Mẹ sanh tôi tại làng Phụng-Viện, huyện Bình-Giang, tỉnh Hải-Dương; lần thứ hai là ngày được phóng thích khỏi trại giam Vĩnh-Quang, dưới chân núi Tam-Đảo, thuộc tỉnh Vĩnh-Phúc và lần này, lần thứ ba, là ngày tôi xuất viện sau một thời gian dài chữa trị “ung thư” mắt; không ngờ, tôi, nay trở thành một con người mới, buồn ít hơn vui!

              * 23 - 6 - 2024: Đang ngủ, giật mình tỉnh dậy. Còn mơ màng, chưa tỉnh, nhưng nghe có tiếng gọi số 23 theo điệu chơi bài lô tô vọng lại. Nó theo tôi hoài vậy?  Đúng rồi! Hôm nay là 23 tháng 6. Dậy sớm, trình diện sớm. “Học tập cải tạo” mười ngày thôi! Trường nữ trung học Lê-Văn-Duyệt rất gần nhà!... Chuyện buồn của cựu tù nhân, đã qua cả nửa thế kỷ, mà tưởng như vừa mới xẩy ra đây. May sao, chỉ xẩy ra trong giấc mơ.

Nhìn lại, suốt cuộc hành trình 85 năm rong ruổi, tính ra có hàng ngàn con số 23 đi qua đời tôi (chỉ con số thôi). Có những số 23 cứ lặng lẽ trôi đi, trôi đi âm thầm, không để lại một ấn tượng nào. Nhưng, kiểm điểm lại, có hơn mười con số 23 như đã nhắc đến một cách sơ lược và tổng quát, là tác động mạnh mẽ, sâu rộng, để lại dấu ấn hằn sâu trên đường đời tôi đi. Mỗi ngã rẽ, mỗi đoạn đường đời, là chất liệu đủ để sáng tác một áng văn chương. Thời gian dù có vô tình, âm thầm trôi, nhưng những con số 23 có ảnh hưởng đến cuộc đời tôi, vẫn còn nằm nguyên trong ký ức, chưa phai mờ. Tôi có cảm tưởng đó là một mỏ kim loại cực kỳ quý hiếm, có trữ lượng khổng lồ, chờ ngày đẹp trời khởi công khai thác. Có thể lắm, trong tương lai, cũng vào một ngày đẹp trời nào đó, độc giả khắp năm châu đón nhận một tác phẩm văn chương xuất chúng “Giờ Thứ …23”. Và biết đâu chừng, tác phẩm này lại được một hội đồng ở miền xa xôi Bắc Âu, tuyển chọn để trao giải cao quý về văn chương!

 

Triệu Vũ
(Houston, TX)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Mười Một 20248:51 CH(Xem: 1108)
Hình như không đợi đến lúc thật già, chỉ nhá nhem cái tuổi già già thì đã thấy lẩn thẩn cái chi đâu đó trong mắt người khác rồi. Tôi buôn bán ở chợ Qui Nhơn, anh bạn hàng của tôi hôm ghé hàng lấy đồ về cho vợ bán, anh ngồi mà than vãn. - Chắc anh điên mất vì bà vợ của anh. Hễ anh nói gà thì bả nói vịt. Anh nói cái chén thì bả nói cái xe. - Hì hì chuyện thường mà anh. Do giờ anh thay đổi nên thấy vậy đó chớ hồi xưa anh lắng nghe mà nuốt từng lời chị nói đó chớ.
02 Tháng Mười Một 202412:22 SA(Xem: 2930)
Đối với người Việt, dù trong nước hay ở nước ngoài, nhắc đến phở là tự nhiên nước miếng tứa ra. Đi ra nước ngoài, người Việt chỉ mong chóng trở về, ào ra quán phở gần nhà gọi tô phở nóng thưởng thức bù lại những ngày nhớ quê hương.
22 Tháng Chín 202411:34 CH(Xem: 5434)
Anh à, giữa những ngày hội của người làm phim cả nước tại thành phố biển Nha Trang, quặn lòng trước thảm cảnh của dân ta - nhất là người dân vùng núi Tây Bắc - Đông Bắc qua mấy đợt lũ lụt lên tiếp, em bỗng nhớ về anh… Những điều anh dự báo và khẩn thiết kêu gọi trong kịch bản phim truyện "Vùng rừng nóng bỏng" chưa kịp lên màn ảnh đã rơi ập vào chính số phận của anh: chiếc xe khách chở anh đã bị đổ tại đèo Chiềng Đông hiểm trở, do hậu quả của những cơn lũ rừng, sau nhiều năm tháng dài đốt phá rừng triền miên vô tội vạ!
12 Tháng Chín 20242:10 CH(Xem: 4096)
Ngày xưa hồi còn nhỏ, tui hay nghe bà cố tui đọc câu: "Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình". Tui thấy ngồ ngộ dễ thương nên tui nhớ luôn câu ấy ở trong đầu. / Mấy mươi năm trôi qua cho đến giờ tuổi đã về chiều, ngồi ngẫm lại đời mình. À! người ta thì "còn duyên kẻ đón người đưa" còn mình hết cả một đời người trôi qua mà mình có chút duyên nào đâu, vì từ nhỏ cho tới lớn đâu có ai đón đưa, thương nhớ mình chứ ... Xấu hổ thiệt nhưng cũng phải thú thiệt vì ở cái tuổi này rồi, có níu kéo gì nữa đâu hè!! Nói thiệt may ra ông trời ổng thấy tội tội mà kiếp sau ổng cho mình có chút "diên" (duyên)làm vốn lận lưng.
31 Tháng Tám 202410:09 CH(Xem: 4786)
Tôi bán đồ trang sức si mạ ở chợ lớn QuI Nhơn gồm kẹp tóc, nơ cài và cả vòng đeo tay cho con gái. Có một thời tôi bán rất đắt hàng kể cả bán sỉ và lẻ. / Trong chợ có một chị làm công cho các quầy hàng bún phở. Chi tên Xíu, chuyên đi bưng bê các tô bún, tô cháo, hoặc là trà đá chanh, sinh tố cho bạn hàng buôn bán trong chợ. Ngày nào chị cũng ngang qua hàng của tôi mà ngắm nhin. Một buổi chiều sau khi xong việc, chị dừng lại hàng tôi và chỉ chiếc vòng mã não Mỹ mà tôi chưng bày trong tủ kính ( hồi thời đó vòng mã não rất quý).
18 Tháng Tám 20243:37 SA(Xem: 4405)
Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ là cô giáo. Nhưng có lẽ là duyên trời nên tôi đã từng đứng trên bục giảng, dưới kia là những đôi mắt thơ ngây của các em thơ ngày ấy- học trò nhỏ của tôi và tôi đã là cô giáo.
05 Tháng Tám 202412:31 SA(Xem: 6850)
Ông Võ Phiến gọi Nguyễn Mộng Giác là một người “thàng”(hậu). Ông Nguyễn Mộng Giác cũng gọi Võ Phiến là “thàng”. Và, hai ông định nghĩa thàng như sau: Nguyễn Mộng Giác: "Thàng" không phải là hiền. "Thàng" là một chữ định hình, chứ không định tính. Người thàng, là người ít nói, tránh né những tranh chấp rắc rối, sẵn sàng chịu phần thua thiệt để giữ hoà khí, cố giữ bề ngoài đơn giản lùi xùi để không bị ai xem là kẻ quan trọng. Người thàng có thể hiền lành vì không dám làm việc dữ. Nhưng người thàng cũng có thể có những phản ứng bất ngờ dữ dội khi đột nhiên không thể chịu đựng được mãi sự thua thiệt. Người ta bảo người thàng hay cộc.” (Đặc san Tây sơn –Bình Định,1999) Và Võ Phiến: “Thàng là chữ riêng của người Bình Định, và cũng là chữ riêng để mô tả người Bình Định. Thàng cũng nói là thàng hậu; thàng hậu nghiã gần như hiền hậu, nhưng còn đi xa hơn hiền hậu nữa kia, vì nó có khả năng mô tả, hiền hậu thì không. Hiền hậu, thực thà là một đức tình, một nết hay; thàng hậu còn là một...
16 Tháng Bảy 202411:32 CH(Xem: 5742)
Năm tôi 37 tuổi tôi đã chia tay chồng, tôi gặp một người đàn ông do sư thầy ở chùa giới thiệu để giúp tôi một công việc. Ông lớn hơn tôi đúng 12 tuổi, là phật tử hay làm công quả ở chùa tư cách đứng đắn đàng hoàng; thật lạ ngày đầu tiên vừa thấy tôi, ông nhìn sững như quen tự đời nào, ông đưa tay chùi một vết lấm lem trên mặt tôi và sau này bảo rằng ông yêu tôi ngay từ ngày đầu gặp mặt. Mà hồi đó tôi ốm nhom xơ xác xấu xí tựa như con chim bị mắc mưa rủ cánh giữa đông tàn. Qua ngày sau, ông ta đem tới tặng tôi hai quả xoài cát và bảo rằng: "cây xoài nhà anh trồng hơn mười năm đến năm nay nó mới có trái anh hái liền cho em" Tôi cảm thấy cảm động. Tôi thấy mình được quan tâm, cái mà 15 chung sống cùng chồng tôi chưa hề có được ...
05 Tháng Bảy 202410:37 CH(Xem: 6037)
Tình cờ tôi gặp một tấm ảnh trên mạng, trong một album ảnh cũ về Nha Trang - Khánh Hoà trước năm 1975. Tấm ảnh được chụp trên đồi Trại Thuỷ, từ phía sau lưng Kim Thân Phật Tổ (tượng Phật trắng), có lẽ vào quãng những cuối những năm 60 của thế kỷ trước.
05 Tháng Bảy 202410:17 CH(Xem: 6568)
Năm tới 2025, người Việt gốc Mỹ sẽ kỷ niệm 50 năm định cư tại Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng sẽ có thêm một kỷ niệm định cư tại Seattle đươc nửa thế kỷ. Thời gian không còn nhiều sao tôi cứ băn khoăn không hiểu mọi người sẽ chuẩn bị tổ chức ra sao?