- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHỮNG BUỔI SÁNG HÔM QUA

24 Tháng Giêng 202210:36 CH(Xem: 9721)

 

SUONG SOM MAI
Sương Sớm Mai - ảnh UL

 

 

 

Nguyễn Thanh Sơn     

NHỮNG BUỔI SÁNG HÔM QUA     

 

Buổi sáng hôm nay có gì mới ?. Rất mới hơn những ngày hôm qua, vì bởi, nó bước sang một năm 2022 . không chỉ một tờ lịch vừa rơi xuống , mà rớt nguyên cả lốc . Ngày hôm qua của 2021 đã trở thành quá vãng.

Bên ly cà phê buổi sáng, nghe tin tức trên truyền hình, hoặc vào gõ bàn phím . Những câu chuyện thiên hình vạn trạng cứ xoắn xít vào tâm trí, ký ức ôn lại của ngày hôm qua nghe như dài của cả một năm. Tôi đi qua những buổi sáng hôm qua từ vật chất đến tinh thần, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc. God is love ( thượng đế là tình yêu), tôn thờ đấng tối cao, hoặc siêng suy nghĩ và chọn lựa cách sống. – Chấp nhận và im lặng. – Chống đối. – Góp tay cải biến. Cuộc sống như một cuộc hiếp dâm. Nếu chống cự không được thì cứ tận tình chấp nhận.

Những buổi sáng hôm qua biết bao sự kiện dồn dập, nếu kể ra sẽ kết thành xâu chuổi nỗi buồn mà niềm vui chỉ bằng gang. Quả là một năm tang tóc, đau buồn do dịch bệnh, nó cướp đi biết bao sinh mạng trên cõi trần này, để lại bao nỗi đau cho người đang sống , di chứng còn lại cho cả năm sau. Đúng là Tí hư Sửu hao. Năm Dần tới bất lơị hay (lợi ! )

Tôi thấy gì buổi sáng hôm nay? Sự trốn chạy của nắng, gió và cả bóng chim. Chỉ còn tiếng là ở lại.

Trong thế giới u trầm tịch mịch. Nắng của ngày cuối năm hiếm hoi, những đám mây đen cuốn xoắn trên nền trời như trốn chạy cái lạnh ngày đông. Nhưng trong tôi, sự hào phóng của cải tinh thần trào dâng như con chim sâu đang tắm táp trong giọt sương buổi sáng hôm nay.

Tôi thấy gì buổi sáng hôm qua?

Buổi sáng nào như buổi sáng nào, sự lập lại không ngơi nghỉ. Đàn người như kiến bò trên mọi nẻo đường, đủ màu sắc, tím đỏ vàng xanh theo một trật tự nhất định như mỗi buổi sáng nào. Một đàn kiến bò (hoặc chạy) lổn nhổn trên vạch đã định sẳn, có dãy phân cách lề phải, lề trái. Có con ngo ngoe đôi càng râm, mang kiếng đen, bịt miệng bằng khẩu trang, có con nói huyên thuyên trên mọi ngã đường, có con đi chệch đường bị vặt càng trụi lủi, có con ôm nỗi tức muốn hét to lên cho hả tức nhưng đành nuốt cục tức vào lòng hoặc gửi vào lá gió cành chim!

Tôi thấy gì buổi sáng hôm qua?

Diệp lạc hoa khai nhản tiền sự

Tứ thời tâm kính tựa như như ( Nguyễn Du)

Tôi chép câu thơ trên của ngày hôm qua, câu thơ này tôi cóp của ngày hôm kia để thấy gì buổi sáng hôm qua?

Những cơn mơ xào xạc len vào giấc ngủ buổi sáng, con mơ giữa ban ngày, len vào tâm hồn tôi buổi sáng hôm qua nhiều đau buồn , xót xa. Đó là những con chim phải đánh đổi cái giá của tuổi thanh xuân để được hót lên tiếng tự do, tiếng kêu thảng thốt trong lồng sắt, tiếng đập cánh phập phồng vào vách lồng tựa như muốn thoát cảnh tù túng mà bay lên với bầu trời cao rộng . Có rất nhiều con bướm bay tự hồi đêm, bay mãi vào buổi sáng. Đàn bướm bay vô hồi vô tận của thời gian, nó đã vượt bao quãng đường dài, qua bao biển hồ, qua núi sông biển cả mênh mông, vội đến đây vào buổi sáng hôm nay. Rồi lại bay, để làm gì, đi đâu về đâu. Ai biêt?

Tôi bóc một tờ lịch của buổi sáng hôm nay, tờ lịch cuối cùng của một năm Hôm nay có gì, scent of a morning (hương thơm cho buổi sáng), tôi níu kéo ngày bằng những câu ca cũ. Hôm nay, ngày cuối cùng của một năm nhiều niềm vui hay lắm điều phiền não.

“Cuộc đời ai tỉnh ai say

Mà đem non nước làm rầy chiêm bao.”

Buổi sáng hôm nay tôi bói gặp câu thơ của cụ Nguyễn Trãi. Câu thơ gieo vào lòng tôi nỗi riết róng về cõi thực và mộng. Tôi ngân nga hoài câu thơ của cụ suốt buổi sáng hôm nay. Câu ca theo tôi suốt buổi, cõi đời vừa mộng vừa thực đan xen nhau bên những công việc vụn vặt hàng ngày như quét nhà, vo gạo nấu cơm hay rữa chén bát, ra dạng bộ tịch anh chồng đảm đang. Tôi ngâm ngợi câu thơ bên những tiếng đệm lanh canh của bát dĩa, bên tiếng nước chảy dội xuống cái thau. Mãi ngâm ngợi nên nước tràn ra, chảy lênh láng, chảy trôi theo giấc mộng mênh mang. Ôi lạ chưa ! giấc mộng vẫn đang hiện hữu quanh đây, những hạt bụi long lanh trong nắng sớm mai dọi vào nhà, nó thôi nhảy múa reo hò khi cái nền nhà vừa đủ sạch.

Rồi buổi sáng hôm sau.

“ Đêm qua mộng lại thật gần

Đừng lay tôi nhé hồng trần mỏng manh”.

Hay

“Ngỡ chỉ là một cuộc chơi

Ngoái lại sau thấy một trời phù vân”

Câu thơ này của ai, tôi không thể nào biết, nó in vào tờ lịch mỗi ngày nhưng không ghi tên tác giả, rồi nó sẽ trôi vào thinh lặng, nhưng có hề chi, dù gì nó cũng đã rơi vào lòng tôi cho buổi sáng hôm nay, lòng trĩu đầy cõi mộng bên cái ham muốn đầy rẫy ở ngoài kia, trên con đường phố mới bảnh mắt ra đã đầy bụi bặm , con đường tráng nhựa dễ chừng hơn mươi năm. Bây giờ, nó trơ khất đầy đá dăm, xen lẫn ổ gà , ổ voi. Con người bon chen trên đó như đàn kiến bò . Hay như trong sân nhà tôi, mới bảnh mắt ra ông mặt trời chưa mở mắt thì đã nghe tiếng “ tục tục” ở góc sân, bươi nát khóm cây mới trồng chiều hôm qua.

Mỗi buổi sáng, khi bóc lịch, tôi đọc những câu thơ, những lời hay ý đẹp của các danh nhân, những người nổi tiếng. Nhớ những thói quen của ba tôi ngày trước.

Nhớ, khi ba tôi còn tại thế, ông có thói quen là luôn giữ gìn những tờ lịch cũ. Mỗi ngày trôi qua, ông không xé mà cuốn ngược nó lên rồi lấy giây cao su giằng lại trên tấm lịch bằng giấy carton in hình ảnh ba ông phúc lộc thọ, hàng chữ an khang thịnh vượng, phúc lộc khang ninh theo thuyết phong thủy của thời đó. Cuối năm, ông vuốt lại cuốn lịch cho phẳng phiu để rồi lưu giữ nó. Vài năm sau , ông không dùng tấm lịch bằng giấy carton mà thay bằng tấm gỗ cẩn xà cừ với dòng chữ duy nhất là chúc mừng năm mới, khắc hình tùng cúc trúc mai bên dưới. Theo ông, tấm gỗ này gìn giữ lốc lịch được tốt. Mỗi thành viên trong gia đình theo thói quen của ông nên không bao giờ xé tờ lịch của mỗi ngày. Nhìn những tờ lịch được cuốn tròn lại trông giống như từng lá chuối non cuộn tròn, hình ảnh đó có trong câu thơ của cụ Nguyễn Trãi:”Tình thơ một bức phong còn kín “ vậy. Ông lý giải công việc này là, mỗi lốc lịch này , cứ gìn giữ đến 60 năm sau thì nó sẽ trở lại với những ngày này tháng này, không sai biệt, ông gọi đó là một hoa giáp.

Ba tôi không sống được một hoa giáp, không thể vượt qua ngưỡng sáu mươi năm cuộc đời để được nhìn lại những tờ lịch theo vòng quay cũ. Âu cũng là cái hữu hạn của cuộc đời. Sau này khôn hơn, tôi mới ngộ ra một đôi điều của ba tôi ngày trước. Ông không tiết kiệm gì những tờ lịch cũ để dùng lại những 60 năm sau, mà điều duy nhất là ông muốn nhìn ngắm lại những ngày tháng cũ trên đó, thỉnh thoảng ông có ghi lại một vài công việc cần nhớ của ngày hôm đó, của ngày hôm kia, hôm kìa hay của “ hoa này năm ngoái còn cười gió đông”. Cái lớn hơn tôi đã học ở ba tôi là , chớ đánh mất những gì có được của ngày hôm qua.

Tôi bây giờ không có thói quen đó, cũng đã qua một hoa giáp, không học được tính tỉ mẩn của người xưa. Có thể ham cái vui, cái có sẳn ở trước mắt , nên không lo xa chăng.

Ngày hôm qua đã quá vãng. Nỗi buồn, niềm vui đã lùi sâu vào ký ức của mỗi con người, mọi chuyện đâu rồi cũng đi qua. Tờ lịch đã sang trang mới.

 

NGUYỄN THANH SƠN

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Tám 20203:03 CH(Xem: 14976)
Mãi tới năm 2010, hơn 45 năm sau, chúng tôi mới có dịp quay lại Phú Quốc. / Chuyến bay hôm đó, ngồi trong một máy bay cánh quạt của Nga, gần giống như máy bay DC3 thời xưa của Air Vietnam, nhưng xập xệ hơn nhiều. Bầu trời vẫn xanh, nắng vẫn rực rỡ, những đám mây vẫn bạc trắng tinh. Phía dưới những thị trấn nhỏ mới mọc lên bên các nhánh Cửu Long Giang. Ruộng đồng xanh mát không còn những hố bom đạn loang lổ như ngày xưa.
02 Tháng Sáu 20209:59 CH(Xem: 14907)
Ve, loài côn trùng quen thuộc với tôi từ tấm bé, nhưng vì sao lại gọi là ve sầu thì tôi không rõ lắm. Mãi sau này biết sầu, mới dần dà nhận ra (!) Ngày xưa rất xưa, thời dân làng chỉ nhận tin qua giọng loa vang vang sau tiếng cốc cốc của mỏ làng vào rạng sáng hay lúc chiều sập tối, thủa tôi còn loăng quăng bám chéo áo ngoại ra vườn, tiếng ve đã in vào trí óc non nớt của tôi rồi.
17 Tháng Năm 20208:17 CH(Xem: 6621)
Những cơn mưa chiều hiu hiu nhẹ giăng ngang qua thành phố, hàng cây Anh Đào trụi lá khẳng khiu, chúng tôi như thường ngày đội mưa xuống phố. Nhuần lúp xúp chạy…Được mấy ly cà phê…Hiệp cười trong bụi mưa… Bốn thằng ba ly, tốt chán… Bửu vỗ bình bịch vào ngực…Một bịch thuốc rê đây này…Tôi lặng lẽ đi theo các bạn mình và vu vơ thầm đếm bước chân… Chiều một mình qua phố. Âm thầm nhớ nhớ tên em… Ở đây buồn quá, thành phố hiền hòa và nhỏ nhắn như bàn tay, chúng tôi thường rủ nhau lang thang qua các nẻo đường trước khi đến quán cà phê.
25 Tháng Ba 20209:25 CH(Xem: 16207)
Đêm đêm, nhất là những đêm trăng sáng, thỉnh thoảng có những “sinh hoạt” gì đó tôi cũng chẳng biết. Và thỉnh thoảng, có những đoàn quân rất đông người với bao nhiêu là súng ống đạn dược, kéo về trong một đêm, rồi sáng sớm hôm sau họ lại lên đường. Chắc là đánh nhau ở đâu đó. Tôi nghe loáng thoáng cha mẹ tôi nói là bộ đội chủ lực gì gì đó.
23 Tháng Giêng 20201:14 SA(Xem: 17008)
Mấy hôm rày tôi không hát " ầu ơ ví dầu..." để ru cháu ngủ mà hát thật "mùi" cái bài "Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa". Cái thằng cu Ben em cu Tèo nghe êm tai nó "phê" một giấc. Bởi vì "ruột gan" của quại nó có gởi qua đó để hát mà lỵ Bây giờ già già thiệt rồi nên cứ hay nhắc câu: " Nhớ hồi xưa!!...". Mà nhớ gì nhất nào!? Chắc ai cũng như tôi. "Nhớ Tết nhất!". Đó là nỗi nhớ nồng nàn nhất trong muôn nỗi nhớ của cuộc đời.
13 Tháng Mười Hai 20198:55 CH(Xem: 15150)
Ba giờ sáng…tôi bước ra đường, những ngọn gió cuối tháng chạp như con ngựa hoang lồng lộng chạy qua các nẻo phố. Tôi lặng lẽ đi dưới hàng cây Phượng vĩ già trong rét mướt yên tĩnh đêm sâu. Có tiếng rao…Ai bánh nậm, bánh dày đây… cất lên trong khoắc khoải, một vài chiếc xe ba gác chở hàng sớm xình xịch chạy qua lầm lũi.
07 Tháng Mười Một 20198:36 CH(Xem: 19972)
Trong thời niên thiếu, anh cũng như một số bạn đều mê đọc tiểu thuyết, đọc thơ của các văn thi sĩ tiền chiến. Trong các nhóm nhà văn đó thì nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã ảnh hưởng đến anh nhiều nhất. Văn của họ nhẹ nhàng, trong sáng, với những truyện tình lãng mạn lồng trong khung cảnh quê hương đơn sơ và lúc nào cũng man mác tình yêu. Truyện của họ, không lúc nào thiếu trong tủ sách gia đình của anh. Trong nhóm đó, Nhất Linh được anh coi như một mẫu người lý tưởng, một nhà văn, một chiến sĩ cách mạng. Nhiều nhân vật trong truyện đã in sâu vào ký ức anh. Họ không những đã trở thành một phần đời sống của anh mà đôi khi lại là những giấc mộng không thành. Trong những năm cuối cuộc đời, ông xa lánh cảnh trần tục, như một tiên ông quy ẩn bên dòng suối Đa Mê của rừng lan Đà Lạt.
31 Tháng Mười 20191:28 SA(Xem: 17385)
Khi tôi đi gần hết cuộc đời tôi mới nhận ra được điều kỳ diệu nhất trên đời này là tôi có Mẹ. Mẹ là ánh sao, tỏa ánh sáng dịu dàng mang cho tôi đến thế gian này. Khi tôi đi đến cuối con đường tôi chợt nhận ra rằng mẹ là người sống cạnh tôi nhiều nhất hơn hẵn tất cả những người mà tôi đã gặp ở thế gian này. Chín tháng mười ngày mẹ mang tôi tận ở trong lòng, tôi ăn ngủ, buồn vui từ mẹ chở che và chia sẻ cho tôi. Cho đến lúc chào đời, tôi cũng được nằm sát bên mẹ, mẹ lại chuyền hơi ấm, chuyền dòng sữa ngọt ngào món ăn đầu đời cho tôi đủ sức chào đón thế giới bên ngoài.
24 Tháng Mười 201912:51 SA(Xem: 16467)
Lúc đó vào khoảng 22giờ45 tối ngày 08-10-2019 tôi bỗng nghe chuông điện thoại reo.Sau đó là giọng Ngô nguyên Nghiễm.Anh báo tin nhà thơ Trần tuấn Kiệt đã mất mất lúc 5 giờ sáng. Tháng 9-2018 gia đình chuyển từ Cao lãnh về Sai gon tôi có đến thăm . Anh gầy lắm lại ho nhiều., cứ mỗi lần nói vài tiếng lại ngừng để và ho.gặp lại anh em cũ anh như khỏe hẳn lên, nói rất nhiều và cũng ho rất nhiều.Anh ở nhà thui thủi một mình. Suốt ngày ngồi trên cái ghế đồng thờicũng là "giường ngủ"...Mùng hai tết Kỉ hợi tôi lại ghé thăm . Anh rất vui. Dù sức khỏe suy giảm rất nhiều nhưng vẫn đem mấy bài thơ (khoảng bảy bài thơ dài) anh mới sáng tác đọc cho tôi nghe, vừa đọc vừa ngừng đế thở và ho. Tôi nói anh nghỉ cho đỡ mệt, nhưng anh vẫn đọc tiếp, đọc một hơi cho đến bài cuối cùng tưởng như không còn dịp để đọc nữa. Sợ anh quá mệt , tôi tìm cách giã từ anh ra về dù muốn ở lại nghe anh đọc nữa.Tôi dịnh bụng mai mốt sẽ tới thăm anh không ngờ... Sáng ngày 9-10 2019 tôi tới vĩnh biệt a
23 Tháng Tám 20198:25 CH(Xem: 16242)
Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại quyết định hôn anh khi ngồi cạnh nhau bên bờ hồ Gươm vào một đêm thu mát mẻ, ngọt ngào và lãng mạn tháng 9. Tôi sẽ không thi vị hóa nó bằng cụm từ ẩn ngữ quen thuộc của Phan An “mấy sợi tóc em bay bay, má em gần kề”, không phải vì cụm từ đó không đẹp hay vì tôi không biết nói một cách văn vẻ và mượt mà, mà vì tôi thích gọi sự việc bằng đúng tên của nó.