- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NÀNG MÂY CỦA TRỊNH

07 Tháng Năm 20211:54 SA(Xem: 10717)
mây trắng bay-Quy SG
Mây Trắng Bay - ảnh Qúy SG 

Ban Mai

NÀNG MÂY CỦA TRỊNH

 

 

Tôi gặp anh Nguyên Minh lần đầu tại một quán cà phê vỉa hè đường Phan Xích Long. Hơn mười năm trước tôi thường viết bài trên trang vanchuongviet, ngày ấy chủ biên Nguyễn Hòa chưa ngã bệnh anh còn xông xáo chuyện chữ nghĩa. Anh em thỉnh thoảng gặp nhau khi tôi vào Sài Gòn, hôm ấy có tôi, vợ chồng anh chị Trương Văn Dân _ Elena, anh Nguyễn Hòa hẹn gặp Sâm Thương và Nguyên Minh. Các anh đều là những bậc tiền bối tôi ngồi nghe các anh bàn luận và dự tính ra mắt một tập san văn học nghệ thuật riêng của mình, từ đó anh em quen nhau.

 

Nhà văn Nguyên Minh trước năm 1975 là chủ biên tạp chí Ý Thức, với kinh nghiệm làm báo in ấn phát hành, năm 2011 anh đứng ra thành lập tạp chí Quán Văn tại Sài Gòn làm sân chơi cho những người yêu thích văn chương. Nhà văn Nguyên Minh là một người mê văn chương nghệ thuật bất vụ lợi, nếu ai đã từng gặp hẳn nhiên sẽ nhận ra điều này ngay tức khắc.

Ngoài việc đam mê làm báo anh còn là một nhà văn, với mối quan hệ rộng trong giới văn chương nghệ thuật. Ở anh là một kho tàng giai thoại của các văn nghệ sĩ mà anh quen biết từ khi còn đi học cho đến lúc làm báo cuối thập kỷ 60s.

“Mây Trôi” là một truyện ngắn, nhà văn Nguyên Minh kể lại kỷ niệm về một người bạn học cũ.

 

Nguyên Minh là bạn cùng học Sư Phạm Quy Nhơn với Trịnh Công Sơn những năm 1962-1964. Sau khi ra trường mỗi người được phân công một nhiệm sở, Nguyên Minh về Phan Rang giảng dạy ở quê nhà, Trịnh Công Sơn điều lên Bảo Lộc. Tình cờ sau 4 năm, Nguyên Minh gặp gỡ Trịnh Công Sơn và những người bạn học trong một lần lên Đà Lạt, ngày ấy Trịnh Công Sơn đã bỏ dạy, ông chuyên tâm sáng tác nhạc, những Ca khúc da vàng viết về thân phận con người trong chiến tranh của ông đã nổi tiếng khắp Miền Nam, ngày gặp đó TCS đang làm một đêm nhạc hát cho sinh viên trường Đại học Đà Lạt.

Nguyên Minh nhã ý mời Trịnh Công Sơn đến Phan Rang chơi và làm một đêm nhạc tại quán cà phê Tao Nhân. Nhạc sĩ họ Trịnh hào hứng vì ông thích những nơi xa lạ chưa từng đến.

 

Quán cà phê Tao Nhân nằm ở số 11 Nguyễn Thái Học, trên một con đường vắng với hàng me cổ thụ rợp bóng mát, là con đường dành cho các đôi tình nhân. Quán cà phê này là căn nhà của Nguyên Minh, sau khi trở về Phan Rang dạy học, thị xã lúc đó buồn hiu, không biết làm gì vào buổi tối, anh cùng vài người bạn mở một quán cà phê sau giờ làm từ 6h chiều đến 10h đêm, đó là nơi cho bạn bè hẹn hò, đàm đạo trong tiếng nhạc dìu dặt những bản Dư âm, Suối tóc, Tà áo xanh, Người đưa thư … với tiếng hát Thúy Nga, Thanh Thúy rồi Khánh Ly, Lệ Thu trầm buồn, một chốn thư giãn của mọi người sau một ngày làm việc căng thẳng. Vì vậy, quán cà phê Tao Nhân phút chốc đã trở nên nổi tiếng, đó là nơi thường đến của các anh nhà giáo, công chức, bác sĩ, các cô cậu học sinh tuổi mới lớn đang hẹn hò yêu đương. Một trong những người khách thỉnh thoảng đến quán là nàng Vân Phi. “Trong những người khách đến quán vừa thích nghe nhạc vừa hạp gu cà phê, có một người con gái cùng lứa tuổi chúng tôi đã để lại một ấn tượng khó quên. Nàng tên Vân Phi. Người con gái dáng mảnh khảnh, mắt mí lót, tóc đen mướt xõa quá lưng. Nàng có một giọng ca trầm trầm, ấm áp. Hình ảnh Vân Phi thời còn đi học chung với chúng tôi ở trung học đệ nhị cấp. Nàng là một trong những người nữ sinh duyên dáng đã từng làm biết bao cậu học sinh cùng lứa tuổi phải thẫn thờ. Đã vậy nàng còn là huynh trưởng Gia đình Phật tử… Trong vở kịch Quan Âm Thị Kính, nàng thủ vai Phật Bà, thỉnh thoảng xuất hiện trên sân khấu với khuôn mặt trong sáng và thánh thiện. Hình ảnh Vân Phi để lại trong tôi của thời thanh xuân là như thế… Cô là đồng nghiệp với chúng tôi. Cô dạy ở một trường rất xa thị xã, nơi ấy là vùng dân tộc. Bẵng đi mấy năm tôi không gặp.” (*)

 

Nhà văn kể sau một thời gian Vân Phi vắng mặt, lần đầu tiên gặp lại ông ngỡ ngàng tưởng rằng Vân Phi đang diễn kịch khi thấy nàng biến thành một cô gái hoàn toàn khác từ một cô gái yếu đuối, xanh xao mang vẻ đẹp liêu trai nay Vân Phi với khuôn mặt trét đầy phấn, quần kaki bạc màu, áo thun đỏ sát nách ôm sát thân hình, môi đỏ thắm với mái tóc bung xù, phì phà điếu thuốc trên môi nhìn như dân bụi đời, ông không thể tin nổi. Chuyện gì đã làm nàng thay đổi không tưởng như vậy? Sau này ông mới biết, Vân Phi khủng hoảng, sầu đời, sống buông thả sau khi người yêu là lính chết trận. Cái chết đột ngột của người tình mà cô yêu say đắm làm cô điên loạn, cô phản kháng đập phá mọi giá trị mà cô tôn thờ, cô từ bỏ gia đình phật tử, bỏ dạy học, sống bất cần đời, giờ cô trở thành “nữ tặc” với đàn em chuyên đi phá phách.

 

Rồi cuộc đời cũng mang đến cái duyên cho nàng Mây. Đêm nhạc Trịnh Công Sơn hát cho quán cà phê Tao Nhân tại Phan Rang chỉ mời hạn chế trong bạn bè thân quen vì những đêm nhạc Da vàng của Trịnh thường mất an ninh, không hiểu sao Vân Phi lại biết và cô là khách không mời tự đến, gõ cửa xin vào khi chương trình đã bắt đầu. Đêm ấy, cô không là “nữ tặc” mà là một cô gái dịu dàng với tà áo dài tím.

Đêm đó: “Sơn hát như lời thầm thì tâm sự về nỗi đau của người con gái Việt Nam đã mất mát những người tình nơi chiến trường. Phải chăng đó cũng là nỗi sầu của Vân Phi. Suốt hai tiếng đồng hồ Trịnh Công Sơn hát liên miên, từ bài này sang bài khác, không biết mệt. Giọng anh trầm buồn hạp với lời tâm sự nỉ non về thân phận con người Việt Nam da vàng đang đau khổ vì chiến tranh đã gây ra cảnh tang tóc cho mọi người, từ người già ngơ ngác trong tiếng đại bác, từ em bé lõa lồ, trong công viên những người điên ru con hai lần, từ lúc con lọt lòng, và khi con chết, những người con gái yêu quê hương như yêu đồng lúa chín nay ruộng đồng đã tan nát. Những trai tráng trong làng, trong thị thành, đều khoác áo lính và bỏ mình hoặc trở về nhà với thân tàn ma dại, chỉ còn một cánh tay, một bàn chân, đôi mắt mù lòa. Bao nhiêu cuộc tình tan nát, chia lìa… Mọi người trong quán đều xúc động, mắt cay đỏ hoe và tim bị thắt lại, không phải vì khói thuốc và không khí ngột ngạt mà vì Trịnh Công Sơn đã dồn những niềm đau của từng người thành một, chồng chất lên nhau, thành một nấm mồ. Sơn hát cho mọi người nghe mà như anh hát cho ai đó, những oan hồn của người chết đâu đó trên đất nước này đang lang thang trên các chiến trường, cũng lảng vảng quanh đây, bên tiếng đàn guitar của anh…”.(*)

 

Bài hát cuối cùng đã kết thúc, âm vang lời bài hát Gia tài của mẹ vẫn còn lắng đọng:

Dạy cho con tiếng nói thật thà

Mẹ mong con chớ quên màu da

Con chớ quên màu da nước Việt xưa

Mẹ trông con mau bước về nhà

Mẹ mong con lũ con đường xa.

Ôi lũ con cùng cha quên hận thù

 

Khách đã ra về, chỉ còn nàng Vân Phi ở lại, cô xin Nguyên Minh được gặp Trịnh Công Sơn. Anh lưỡng lự vì sợ cô làm phiền, như hiểu ý, cô nói nhỏ: Tôi sẽ không làm phiền gì các ông đâu.

Nguyên Minh viết: “Tôi lên gác chuyển lại với Sơn ý định đó của Vân Phi. Các bạn ngả mình lên chiếc giường của tôi, nghỉ ngơi sau một ngày mỏi mệt và nghĩ rằng Sơn cũng cần như thế. Sơn cười:

- Mình rất thích có dịp trực diện với người ái mộ mình.

Tôi dặn dò Sơn:

- Tôi xuống trước báo lại và để dọn bàn ghế như cũ chỉ một lát là xong, ông xuống thì vừa.” (*)

 

Tiếng hát trong đêm khuya, giọng trầm trầm, khàn khàn như ai vừa uống rượu say, như ai vừa hút thuốc quá nhiều còn đọng khói nơi cuống phổi, đưa hơi thở ra ngoài, như ai đã giữ trong lòng bấy nhiêu năm một nỗi hờn căm, giận đời, giận mình, bây giờ có dịp trào ra. Tiếng đàn ghi-ta tha thiết đệm theo. Tất cả âm thanh ấy dội lên từ quán Tao Nhân của tôi, những bản tình ca của Trịnh Công Sơn.

Anh nằm xuống, như một lần vào viễn du

Đứa con xưa đã tìm về nhà

Đất hoang vu khép lại hẹn hò

Người thành phố, trong một ngày, đã nhắc tên

Những sớm mai, lửa đạn

những máu xương chập chùng

Xin cho một người vừa nằm xuống

thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang

(Cho một người nằm xuống)

 

Em đi qua cầu. Có gió bay theo

Thổi bùng khăn tang. Trắng giữa khung chiều

Em đi qua cầu. Có gió hiu hiu

Thổi lòng em xa. Đến mãi nơi nào

(Em đi trong chiều)

 

Tiếng hát Vân Phi và Trịnh Công Sơn trong những bản tình ca đã đưa tôi vào giấc ngủ từ lúc nào.

Lúc tỉnh dậy, Nguyên Minh đi xuống và nhìn thấy “…cô gái mà chúng tôi gọi là “Nữ tặc”, đôi mắt nhắm nghiền, mái tóc đen xõa dài xuống ngang vai, trở nên hiền thục. Nàng ngả đầu dựa vào góc tường. Hai tay khoanh lại. Tôi nhận ra khuôn mặt từ bi của Phật Bà Quan Âm ngày cũ. Người con trai đối diện, chàng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tay vẫn ôm cây đàn guitar, ngả người vào thành ghế, đôi mắt, sau cặp kính trắng, khép lại, còn đôi môi chàng lại nhoẻn một nụ cười đôn hậu, như vừa làm xong một việc thiện”. (*)

 

Sau đêm đó, Vân Phi ra đi bỏ lại thị xã nhỏ đầy thành kiến với mình, đến một nơi xa lạ nào đó với một cái tên khác, với một con người mà suýt nữa nàng đánh mất. Ba mươi năm qua, những người lập quán Tao Nhân ngày xưa, giờ không còn nữa. Nguyên Minh vào Sài Gòn, từ lâu làm báo viết văn, một vài lần gặp lại Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ nhắc lại kỷ niệm xưa và anh hỏi:

- Cô ấy giờ ở đâu?

Tôi hỏi lại:

- Cô nào?

- Cô Mây Trôi.

Tôi thật sự ngạc nhiên vì có quen ai tên đó. Sơn kể:

- Có vài lần ngang qua thị trấn đó, mình nhớ đến quán Tao Nhân xưa, nhớ đến cô gái đã hát cho mình nghe những bản tình ca của mình. Hồi đó mình hỏi tên, cô nói cứ gọi cô là Mây Trôi”. (*)

 

Thì ra Vân Phi là Mây Trôi của Trịnh.

Cuộc đời con người như giấc phù du, chúng ta chỉ là những sát na bé nhỏ đi qua chốn trần gian này. Những gặp gỡ tình cờ dù chỉ là thoáng qua cũng là một hữu duyên. Một trong những hạnh duyên ấy nàng Mây đã có.

Hạnh duyên gặp gỡ Trịnh Công Sơn, thực chất là hạnh duyên của gặp gỡ âm nhạc.

Chính âm nhạc đã xoa dịu vết thương lòng của nàng, những ca từ trong bài nhạc của Trịnh Công Sơn như an ủi, vỗ về nàng, giúp nàng Mây hiểu rỏ sự vô thường của kiếp người, hồi sinh một cuộc đời dường như đã mất.

 

Truyện ngắn “Mây trôi” của nhà văn Nguyên Minh là một truyện ngắn viết theo kiểu cổ điển, với giọng văn bình dị, lối kể chuyện đơn giản, nhưng ẩn tàng phía sau là một nội dung tinh tế, phần kết bao giờ cũng là cái kết mở cho người đọc cảm nhận. Trong mỗi câu chuyện của ông ẩn sau con chữ là một chữ Tình viết HOA, tình người, tình tha nhân. Với tôi nó là một lời ca ngợi cao quý cho âm nhạc nghệ thuật, nếu là nghệ thuật đích thực nó sẽ giúp con người thăng hoa, thậm chí thay đổi cách nghĩ, hồi sinh số phận một con người.

19 năm trước, tác giả viết truyện ngắn này sau khi nghe tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, nó như nén tâm nhang nhớ đến một người bạn tài hoa, ca ngợi thiên sứ của âm nhạc, chính bản thân âm nhạc nghệ thuật đã làm nên sự bất tử của nó. Đó là vài cảm nhận của tôi sau khi khép lại truyện ngắn “Mây trôi” của nhà văn Nguyên Minh.

 

Nàng Mây của Trịnh nếu còn đâu đó trên đời, tôi tin đã thoát khỏi nỗi đa đoan và sống an nhiên bình lặng trên cõi hồng trần này. Có lẽ nàng đã “ngộ” ra cõi đời này chỉ là cõi tạm và như Trịnh Công Sơn đã từng kêu gọi mọi người hãy sống vui vẻ nơi Quán Trọ này:

Con chim ở đậu cành tre

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn

Cành tre ... í ... a

Dòng sông ... í ... a

Tôi nay ở trọ trần gian

Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời

(Ở trọ - Trịnh Công Sơn)

 

Ban Mai

Quy Nhơn, 5/5/2020

(*) những đoạn trích từ “Mây trôi” – Nguyên Minh

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Hai 20198:42 CH(Xem: 24122)
Hôm nay, một ngày đầu năm, nơi tôi ở trời lấm tấm mưa và sương mù còn giăng mắc mặc dù đã 10 giờ sáng. Có lẽ không hạnh phúc nào bằng ngồi trước lò sưởi với ly cà phê và vài cuốn sách -- chính xác thì phải nói là với mấy Web sites sách điện tử, hay e-book, trên cái iPad. Bằng hữu ở xa, giờ già cả cũng ít hoặc hết còn đi thăm nhau được. Ngoài trao đổi điện thư ngày một thưa thớt, chỉ còn cái thú làm bạn với sách. Thú thật chưa bao giờ tôi đọc sách báo nhiều như những lúc về sau này.
25 Tháng Giêng 20198:02 CH(Xem: 25025)
Từ Huế ra đến Quảng Trị mấy ngày đầu năm 2019 là những ngày ủ dột mưa. Sau bài viết: Đi tìm bức tượng Mẹ và Con, tác phẩm bị lãng quên của Mai Chửng ở Hải ngoại. VOA 07.06.2018, tôi có ước muốn trở lại thăm Nhà thờ Đức Mẹ La Vang Quận Hải Lăng Quảng Trị, nơi đã từng có một quần thể tượng nghệ thuật tôn giáo của Giáo sư điêu khắc Lê Ngọc Huệ cùng đám môn sinh trong đó có Mai Chửng với chủ đề Mười Lăm Sự Mầu Nhiệm Mân Côi. (3)
03 Tháng Giêng 201910:50 CH(Xem: 21198)
Đêm ấy, một đêm Giáng Sinh rất lạ, sau ngày giải phóng đất nước một năm.1976. Là đêm Giáng Sinh thứ ba, tính luôn cái năm tôi đi sư phạm xa nhà, tôi không còn cùng bát phố với lũ bạn ngoại đạo trong cái thành phố nhỏ nhoi yêu mến tôi đã sống; nhưng vẫn da diết nhớ Giáng Sinh với những chiếc xe hoa lấp lánh, diễn hành dưới màn mưa lạnh, quanh mấy con phố nhỏ; những cỗ xe luôn mang đến một không gian tượi mới và tràn trề hy vọng. Khi còn hy vọng, là người ta còn mơ ước. Khi còn mơ ước,là người ta còn tin yêu cuộc sống này.Và người ta luôn trông chờ điều đó.
04 Tháng Mười Hai 201811:05 CH(Xem: 22909)
Từ một vùng đất hoang vu của dân tộc thiểu số thuộc bộ tộc K'Ho hiện nay, sau khám phá của bác sĩ Yersin (tháng 6 năm 1893), người Pháp đã quy hoạch và xây dựng lên thành phố Đàlạt. Đàlạt trở thành một trung tâm du lịch và giáo dục của Đông Dương trong nửa đầu thế kỷ 20.
11 Tháng Mười 201811:48 CH(Xem: 23927)
Lễ Quốc Tang của Chủ tịch nước Trần Đại Quang dù được tổ chức trọng thể tại cả ba nơi Sài Gòn, Hà Nội, Ninh Bình; và mặc dù nghĩa trang của ông rất lớn, nó chiếm một diện tích lên đến gần 30,000 m2, chúng ta vẫn thấy sự ra đi của ông rất mờ nhạt.
07 Tháng Mười 20189:13 SA(Xem: 24126)
Sinh ngày 6/10 Nhâm Ngọ, tức 13/11/1942, tại thôn “Me Vừng,” làng Phụng Viện thượng Hải Dương, Bình Giang, Hải Dương—nhưng trên khai sinh, đề ngày 6/0/1942—tôi có một lá tử vi khá kỳ lạ. Giáo sư Nguyễn Bỉnh Tuyên—một lãnh tụ Đại Việt Quốc Xã, thày dạy kèm chữ Pháp cho tôi trong hai năm Đệ Tam, Đệ Nhị (1957-1959)—nói tôi có số “ở tù;” nên “ở lính” có thể giải thích như ở tù. Mãi tới năm 1971, bác Phan Vọng Húc—bạn cha tôi ở Hải Dương, phụ thân nhà thơ Phan Lạc Giang Đông—mới đưa ra lời giải đoán khá chính xác: Tôi có số “Ngựa Trời,” sẽ xuất ngoại, đỗ đại khoa, và thọ tới hơn 70.
13 Tháng Chín 20189:07 CH(Xem: 23737)
Sáng nay vừa ra khỏi ngân hàng, tôi ghé vào siêu thị mua tấm thiệp sinh nhật cho ba chồng. Dòng chữ được giác bạc ngoài tấm thiệp đề "For a great Dad..." đầy yêu thương, trân trọng. Vừa lúc đó tôi nhận được điện thoại từ chị gái. Linh cảm bất ổn vì lúc đó đã 10 giờ tối ở VN. Giọng chị hớt hãi "Yến ơi, Ba đi rồi...". Trên tay tôi vẫn cầm tấm thiệp. Vài giây trước đó khi đứng chọn tấm thiệp vừa ý nhất, tôi chợt nghĩ "Vì sao mình chưa bao giờ có được may mắn tặng cho ba mình tấm thiệp nào có nội dung như vậy. Vì sao ba mình không là một người great Dad như bao nhiêu người vẫn tự hào tặng thiệp cho ba họ trong ngày sinh nhật như chồng mình vẫn làm mỗi năm?".
24 Tháng Tám 20187:38 CH(Xem: 25918)
Tôi khởi viết những trang Nhật Ký Cuối Đời này, từ đầu năm 2016, sau ngày mẹ tôi từ trần tại Los Angeles, CA, ngày 27/11 Ất Mùi, tức Thứ Tư, 6/1/2016. Mẹ sinh ngày 7/3 Mậu Ngọ [7/4/1918], tại Phụng Viện thượng, Bình Giang, Hải Dương, thọ 99 tuổi ta. Cha tôi, sinh ngày 27/3 Mậu Ngọ [27/4/1918], mất sớm, ngày 8/3 Kỷ Mùi [4/4/1979], khi mới 62 tuổi, ở Sài Gòn. Khi gia đình ly tán—tôi lưu vong ra hải ngoại, anh trai tôi bị đưa ra bắc “cải tạo”—thuật ngữ tuyên truyền xảo quyệt của những người tự nhận Cộng Sản, dù chẳng hiểu Cộng Sản là gì, và trên thực chẩt, chỉ vẹt nhái theo Trung Cộng, vì Karl Marx và Friedrich Engels không hề nói đến góp chung tài sản, mà chỉ hoang tưởng ngợi ca một xã hội nguyên thủy công hữu [communism].
17 Tháng Bảy 20182:02 CH(Xem: 22872)
Có thể nói Luật Đặc Khu và cuộc trấn áp ngày 17/6 đã biến những người dân VN bình thường trở thành những nhà hoạt động. Và đó là khởi đầu một “cuộc chiến” mới. Trong cuộc chiến này, nhà cầm quyền Hà Nội sẽ phải đương đầu với một sức mạnh mà họ thầm hiểu rằng với nó; quân đội, súng ống, xe tăng,… hỏa lực dù mạnh thế nào cũng chỉ là bùn đất!
23 Tháng Năm 20182:17 SA(Xem: 24771)
Thuở ấy, ông Nghè Tân (Bắc Kỳ Thanh Tra Đại thần, Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân) nhân một hôm đi ngang cánh đồng Phủ Bình Giang thấy một người đàn bà đang mếu máo, nhớn nhác tìm kiếm một vật gì. Gặng hỏi thì được biết người đàn bà này góa chồng, có một con trâu mới chết, bà đã đóng 2 quan tiền cho lý trưởng làm đơn, đóng triện để lên trình quan phủ. Vội vàng làm sao bà đánh rơi mất tờ đơn. Nay đường về làng thì xa, trong cái ruột tượng xác xơ kia chỉ còn 6 quan tiền để lễ quan phủ và nha lại lấy đâu ra tiền để nhờ người viết đơn!