- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THÁNG CHẠP HOA VÀNG

13 Tháng Mười Hai 20198:55 CH(Xem: 15153)


TranhDinhCuong
Tranh Đinh Cường

Ba giờ sáng…tôi bước ra đường, những ngọn gió cuối tháng chạp như con ngựa hoang lồng lộng chạy qua các nẻo phố. Tôi lặng lẽ đi dưới hàng cây Phượng vĩ già trong rét mướt yên tĩnh đêm sâu. Có tiếng rao…Ai bánh nậm, bánh dày đây… cất lên trong khoắc khoải, một vài chiếc xe ba gác chở hàng sớm xình xịch chạy qua lầm lũi.

Tôi bước vào quán cà phê ven con đường Quốc lộ I, dưới ánh đèn nhợt nhạt vàng, hai chiếc xe honda nhếch nhác đang dựng trước cửa, trong quán một cặp trai gái dựa vào nhau, người đàn ông luống tuổi có khuôn mặt khắc khổ ngã dài trên ghế xếp. Tôi bước đến chổ ngồi quen thuộc góc quán, mấy giò lan Nghinh Xuân đang trổ hoa tỏa hương dìu dịu. Người thiếu phụ mong manh sương khói thời gian, tóc xõa che nửa khuôn mặt đôn hậu đặt ly cà phê đen xuống bàn…Không ngủ được à? Mỉm cười trong đêm tối…Nôn nao chờ đêm ba mươi…Có một tiếng thở dài…

Chúng tôi đã trải qua một cuộc hành trình đầy nỗi bất an.

Trong mắt tôi bập bùng ngọn lửa, nhà nào cũng có một nồi bánh tét và trông chừng ngọn lửa là niềm vui thích của những đứa trẻ, tiếng pháo đì đẹt nổ vang, những chú chó sủa inh oang sợ hãi chạy rông trong đêm tối. Một bàn tay dịu dàng cầm củ khoai nướng thơm phưng phức, đôi má hồng nồng nàn nụ hôn len lén phớt qua…

…Sao lúc đó tôi ngu quá…Có vẻ như giận dỗi… Ông lúc nào mà chẳng ngu…Tôi vẫn nhớ mãi những câu thơ của Hoài Khanh mà chúng tôi thường đọc… Rồi em lại ra đi như đã đến, dòng sông kia cứ vẫn chảy sa mù, ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng, nghe giữa hồn hoa cỏ mọc hoang vu… Chúng tôi ly tán và bất ngờ gặp lại nhau trong cái thị xã cũ rích này. Cái thị xã đầy nắng, gió và cát. Con đường Nhất Long chạy ngang qua trường tiểu học Cộng Đồng Hòa Do có chiếc đu quay, nối Quốc lộ I và Cồn Hồng, nơi mà mỗi chiều chúng tôi thường hay lang thang dưới hoàng hôn nhặt ngao, bắt ốc. Có ngôi trường Trung Học Cam Ranh, con đường nối Cư Xá và cảng Đá Bạc rợp hàng cây Phượng Vĩ, mỗi mùa hè tôi lại qua mấy độ. Cái thị xã lưu giữ tháng ngày thơ ấu, thời trung học hồn nhiên như cỏ dại, mối tình trong veo như sương mùa hạ, những buồn vui ngây dại của tuổi học trò.

Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ, Ôi! Những dòng sông nhỏ, Lời hẹn thề là những cơn mưa..

Người đàn ông thức giấc trầm ngâm nhìn ly cà phê, đôi trai gái hỏi xin nước rửa mặt. Ngoài kia…những chiếc xe khách đèn đuốc sáng choang phóng nhanh trên con đường thiên lý, từng đoàn xe honda lướt vào màn đêm, một số dừng lại ghé quán nghỉ ngơi. Những chiếc xe bám đầy bụi đường, hành lý lỉnh kỉnh, những khuôn mặt lo âu, mệt nhọc nhưng ánh mắt long lanh một niềm vui, những đứa trẻ hồn nhiên ngủ vùi trong vòng tay của mẹ, những đôi trai gái vẫn nô đùa hạnh phúc trong gió rét  đêm tháng chạp, trong gian khổ đường dài.

Họ là ai? Là những người con của xứ sở miền trung nghèo khó, là những con người tha phương cầu thực, từ Sài Gòn vượt mấy trăm cây số về quê ăn tết. Họ là ai? Là con của ngôi làng miền sơn cước hẻo lánh, rừng bị tàn phá, đất đai khô cằn sỏi đá, lũ lụt triền miên. Họ là ai? Là con của ngôi làng duyên hải, cát trắng chang chang, những chiếc thuyền chỏng chơ trên bãi cát, bao con người đã vùi thây dưới đáy biển sâu.

Tôi ngậm ngùi nhìn những con người đang la liệt đủ mọi tư thế nghỉ ngơi trong quán cốc. Sao dải đất miền trung này lại gian khó đến vậy? Người thiếu phụ bưng một chậu vạn thọ vàng đặt vào góc quán, nhẹ nhàng đến ngồi bên cạnh…Đẹp không?

...Vạn thọ vàng, cúc vàng, mai vàng bâng khuâng náo nức khắp mọi nhà, khắp đầu làng, cuối xóm. Mẹ tôi đem khuôn bánh in, bánh thuẫn bằng đồng, hộc cốm bằng gỗ, các đĩa sứ Giang Châu có in hình Bát Tiên Quá Hải, Tiên Nữ dâng Đào…ra lau rửa và phơi khô cẩn thận.

Tôi được nghỉ học, nghỉ những chuyến xe Lambreta đầy khói bụi đưa đón đi học. Tạm biệt ngôi trường Trung học Cam Ranh, chúng tôi trong giờ giải lao thường đứng bên lan can lầu ngắm các cô giáo đẹp như những thiên thần. Cô Ngân mang nét đằm thắm, diễm lệ của cô gái Huế, cô Thược có dáng đi thướt tha như siêu mẫu… Giờ tan học tà áo dài của các nữ sinh như những cánh bướm trắng cả góc phố chiều Cư Xá. Náo nức tạm chia tay bạn bè, náo nức đếm từng ngày…

Đó là những buổi chiều cuối năm êm đềm, trời ren rét lạnh, nắng vàng thắm. Các chị tôi, những người đẹp nức tiếng một thời, mái tóc  xanh mướt xõa dài vừa mới gội còn thoang thoảng mùi hương sả, đôi má hồng mịn màng ngồi quanh một cái nia lớn, trong nia là những đĩa sứ chứa những cục bột nhuộn màu khác nhau. Dưới những ngón tay thon dịu dàng mà điêu luyện, những chiếc bánh men có hình bông hoa bốn cánh, sáu cánh đủ màu khoe sắc. Trái ớt, trái mãng cầu đủ cả cành lá sống động, đặt trên mảnh giấy học trò được cắt vừa vặn.

Mẹ tôi búi tóc cao ngồi bên lò than hồng đặt một cái son cạn đáy chứa cát, trên lớp cát là một mảnh thiếc mỏng, trên nắp son đặt một vài cục than đỏ. Những chiếc bánh men được đặt cẩn thận vào son rồi đậy nắp lại, tay mẹ cầm chiếc quạt, quạt đều cho than lúc nào cũng đỏ. Một vài phút sau mẹ mở nắp son và cẩn thận lấy từng chiếc bánh, mùi tinh bột chín thoang thoảng thơm trong chiều tinh khiết, nhưng chiếc bánh nở lớn lên nhưng màu sắc vẫn tươi đẹp.

Trong khi mẹ tôi chăm chỉ hấp bánh, các chị vừa khoe tài làm bánh, vừa theo dõi nhắc nhở mẹ. Tôi ngồi bên cạnh vừa đọc truyện Hoa Tím, vừa liếc mắt nhìn và lòng thầm cầu mong mẻ bánh bị hư. Mẻ bánh bị cháy xém vì lửa quá già, trong khi mẹ tắc lưỡi tiếc rẻ, các chị suýt xoa phàn nàn, tôi hí hửng cất những chiếc bánh vào túi đã chuẩn bị sẵn như một vật báu…

Đêm đó dưới gốc dừa, trong cái bâng khuâng huyền bí cuối chạp, hai mái đầu non dại chụm vào nhau, vừa trầm trồ, vừa chia nhau từng mẩu bánh…

Người đàn ông hô to…Chủ quán tính tiền… Đi thôi các bạn, trời sắp sáng rồi… Đoàn xe lũ lượt mang những phận người lao nhanh vào đêm tối, sao Mai nhấp nháy đằng Đông, ngôi quán lại chìm vào yên lặng.

…Hạt bụi nào hóa kiếp trong tôi. Để một mai vươn hình hài ốm dậy. Ôi! Cát bụi mệt nhoài.Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi…

Chúng tôi đưa mắt nhìn theo, lòng cầu mong cuộc hành trình sum vầy bình an và hạnh phúc…Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, Nêu cao tràng pháo bánh chưng xanh… là hai câu thơ mà lũ trẻ thuở đó thường đọc mỗi khi tết đến, xuân về. Lũ trẻ chúng tôi được vun đắp lòng yêu thương không khuyến khích sự hận thù, được dạy dỗ sự trung thực lánh xa điều dối trá, sống trong sạch không tham lam của người dưới mọi hình thức.

Chúng tôi đã có một cuộc hành trình dài đầy đau khổ, đã mất mát quá nhiều vật chất lẫn tinh thần. Mất mảnh đất mà cha ông cả một đời đổ máu, mồ hôi, nước mắt gầy dựng. Mất những người ruột thịt thân yêu, mất cả một tuổi thơ hiền hòa mật ngọt. Mất bạn bè, mất đi cả một niềm tin…

Chúng tôi mang nỗi cô độc của số nguyên tố không chia sẻ cho bất cứ ai, lấy nhiều lần nguyên hàm nhưng vẫn không tìm được khuôn mặt đã đánh mất của mình, như những con đường chỉ là tiệm cận.

Tháng chạp về miên man ký ức, miên man những cánh hoa vàng.

Mẹ tôi đã về bên kia, các chị đã già cỗi, có người đã ly hương…

Có phải trong đôi mắt em có đôi giọt nước mắt?…

  
TRẦN QUANG PHONG                                                      

Những ngày mưa lạnh 2019

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Giêng 20198:02 CH(Xem: 24849)
Từ Huế ra đến Quảng Trị mấy ngày đầu năm 2019 là những ngày ủ dột mưa. Sau bài viết: Đi tìm bức tượng Mẹ và Con, tác phẩm bị lãng quên của Mai Chửng ở Hải ngoại. VOA 07.06.2018, tôi có ước muốn trở lại thăm Nhà thờ Đức Mẹ La Vang Quận Hải Lăng Quảng Trị, nơi đã từng có một quần thể tượng nghệ thuật tôn giáo của Giáo sư điêu khắc Lê Ngọc Huệ cùng đám môn sinh trong đó có Mai Chửng với chủ đề Mười Lăm Sự Mầu Nhiệm Mân Côi. (3)
03 Tháng Giêng 201910:50 CH(Xem: 20940)
Đêm ấy, một đêm Giáng Sinh rất lạ, sau ngày giải phóng đất nước một năm.1976. Là đêm Giáng Sinh thứ ba, tính luôn cái năm tôi đi sư phạm xa nhà, tôi không còn cùng bát phố với lũ bạn ngoại đạo trong cái thành phố nhỏ nhoi yêu mến tôi đã sống; nhưng vẫn da diết nhớ Giáng Sinh với những chiếc xe hoa lấp lánh, diễn hành dưới màn mưa lạnh, quanh mấy con phố nhỏ; những cỗ xe luôn mang đến một không gian tượi mới và tràn trề hy vọng. Khi còn hy vọng, là người ta còn mơ ước. Khi còn mơ ước,là người ta còn tin yêu cuộc sống này.Và người ta luôn trông chờ điều đó.
04 Tháng Mười Hai 201811:05 CH(Xem: 22662)
Từ một vùng đất hoang vu của dân tộc thiểu số thuộc bộ tộc K'Ho hiện nay, sau khám phá của bác sĩ Yersin (tháng 6 năm 1893), người Pháp đã quy hoạch và xây dựng lên thành phố Đàlạt. Đàlạt trở thành một trung tâm du lịch và giáo dục của Đông Dương trong nửa đầu thế kỷ 20.
11 Tháng Mười 201811:48 CH(Xem: 23688)
Lễ Quốc Tang của Chủ tịch nước Trần Đại Quang dù được tổ chức trọng thể tại cả ba nơi Sài Gòn, Hà Nội, Ninh Bình; và mặc dù nghĩa trang của ông rất lớn, nó chiếm một diện tích lên đến gần 30,000 m2, chúng ta vẫn thấy sự ra đi của ông rất mờ nhạt.
07 Tháng Mười 20189:13 SA(Xem: 23862)
Sinh ngày 6/10 Nhâm Ngọ, tức 13/11/1942, tại thôn “Me Vừng,” làng Phụng Viện thượng Hải Dương, Bình Giang, Hải Dương—nhưng trên khai sinh, đề ngày 6/0/1942—tôi có một lá tử vi khá kỳ lạ. Giáo sư Nguyễn Bỉnh Tuyên—một lãnh tụ Đại Việt Quốc Xã, thày dạy kèm chữ Pháp cho tôi trong hai năm Đệ Tam, Đệ Nhị (1957-1959)—nói tôi có số “ở tù;” nên “ở lính” có thể giải thích như ở tù. Mãi tới năm 1971, bác Phan Vọng Húc—bạn cha tôi ở Hải Dương, phụ thân nhà thơ Phan Lạc Giang Đông—mới đưa ra lời giải đoán khá chính xác: Tôi có số “Ngựa Trời,” sẽ xuất ngoại, đỗ đại khoa, và thọ tới hơn 70.
13 Tháng Chín 20189:07 CH(Xem: 23545)
Sáng nay vừa ra khỏi ngân hàng, tôi ghé vào siêu thị mua tấm thiệp sinh nhật cho ba chồng. Dòng chữ được giác bạc ngoài tấm thiệp đề "For a great Dad..." đầy yêu thương, trân trọng. Vừa lúc đó tôi nhận được điện thoại từ chị gái. Linh cảm bất ổn vì lúc đó đã 10 giờ tối ở VN. Giọng chị hớt hãi "Yến ơi, Ba đi rồi...". Trên tay tôi vẫn cầm tấm thiệp. Vài giây trước đó khi đứng chọn tấm thiệp vừa ý nhất, tôi chợt nghĩ "Vì sao mình chưa bao giờ có được may mắn tặng cho ba mình tấm thiệp nào có nội dung như vậy. Vì sao ba mình không là một người great Dad như bao nhiêu người vẫn tự hào tặng thiệp cho ba họ trong ngày sinh nhật như chồng mình vẫn làm mỗi năm?".
24 Tháng Tám 20187:38 CH(Xem: 25701)
Tôi khởi viết những trang Nhật Ký Cuối Đời này, từ đầu năm 2016, sau ngày mẹ tôi từ trần tại Los Angeles, CA, ngày 27/11 Ất Mùi, tức Thứ Tư, 6/1/2016. Mẹ sinh ngày 7/3 Mậu Ngọ [7/4/1918], tại Phụng Viện thượng, Bình Giang, Hải Dương, thọ 99 tuổi ta. Cha tôi, sinh ngày 27/3 Mậu Ngọ [27/4/1918], mất sớm, ngày 8/3 Kỷ Mùi [4/4/1979], khi mới 62 tuổi, ở Sài Gòn. Khi gia đình ly tán—tôi lưu vong ra hải ngoại, anh trai tôi bị đưa ra bắc “cải tạo”—thuật ngữ tuyên truyền xảo quyệt của những người tự nhận Cộng Sản, dù chẳng hiểu Cộng Sản là gì, và trên thực chẩt, chỉ vẹt nhái theo Trung Cộng, vì Karl Marx và Friedrich Engels không hề nói đến góp chung tài sản, mà chỉ hoang tưởng ngợi ca một xã hội nguyên thủy công hữu [communism].
17 Tháng Bảy 20182:02 CH(Xem: 22700)
Có thể nói Luật Đặc Khu và cuộc trấn áp ngày 17/6 đã biến những người dân VN bình thường trở thành những nhà hoạt động. Và đó là khởi đầu một “cuộc chiến” mới. Trong cuộc chiến này, nhà cầm quyền Hà Nội sẽ phải đương đầu với một sức mạnh mà họ thầm hiểu rằng với nó; quân đội, súng ống, xe tăng,… hỏa lực dù mạnh thế nào cũng chỉ là bùn đất!
23 Tháng Năm 20182:17 SA(Xem: 24299)
Thuở ấy, ông Nghè Tân (Bắc Kỳ Thanh Tra Đại thần, Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân) nhân một hôm đi ngang cánh đồng Phủ Bình Giang thấy một người đàn bà đang mếu máo, nhớn nhác tìm kiếm một vật gì. Gặng hỏi thì được biết người đàn bà này góa chồng, có một con trâu mới chết, bà đã đóng 2 quan tiền cho lý trưởng làm đơn, đóng triện để lên trình quan phủ. Vội vàng làm sao bà đánh rơi mất tờ đơn. Nay đường về làng thì xa, trong cái ruột tượng xác xơ kia chỉ còn 6 quan tiền để lễ quan phủ và nha lại lấy đâu ra tiền để nhờ người viết đơn!
16 Tháng Năm 20181:22 SA(Xem: 28350)
Tôi rời Hà Nội vào Nam rất sớm. Năm 1951 tôi đã theo bố tôi và người chị cả vào định cư ở Sài Gòn trong khi mẹ tôi và các anh chị tôi vẫn còn ở Hà Nội cho đến ngày di cư. Vào Nam ba bố con tôi ở chung với gia đình người bác ở đầu đường Hồng Thập Tự gần sở thú Sài Gòn. Thời gian chúng tôi ở đó tôi thường theo các anh họ tôi đạp xe đi tắm ở hồ bơi mà hồi đó chúng tôi gọi là "đi pít-xin". Hồ bơi ở xa lắm, mãi tuốt trong Chợ Lớn. Tôi nhớ là để tới hồ bơi chúng tôi phải dắt xe đi ngang một con đường sắt, rồi lại phải băng qua một bãi đất trống rất rộng mấp mô đầy những mồ mả.