- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

VIẾT CHO BA. MÙA THANH MINH THỨ 3.

08 Tháng Tư 20191:46 SA(Xem: 19982)

MuaThanhMinh- photoUL
Mùa Thanh Minh - ảnh UL


Tôi không có tham vọng sẽ viết được hết về ba tôi, tôi chắc chắn không có đứa con nào có thể viết hết được về tình yêu của cha mẹ dành cho mình.
Cái cách người đàn ông đó, lặng lẽ đi qua cuộc sống, vật lộn với nó, vắt kiệt mình cho công việc và để nuôi lớn một đàn con cháu, thật lạ lùng và kỳ diệu.
Cái quá khứ âu yếm mà lặng lẽ của ba tôi, cuối cùng chỉ còn là những mảng ký ức.
Những mảng ký ức, thao thức, tươi rói, nhoi nhói, đập mãi, như quả tim thứ hai. Trong lòng của mỗi đứa con.
"Ở trong tôi, quá khứ đập như trái tim thứ hai"

Ký ức nằm sâu trong phần não phía sau gáy, mỗi ngày lại thêm cuồn cuộn chảy về.
28 ngày sau khi ba tôi ra đi, Mẹ tôi mơ thấy ba tôi. Một buổi trưa, chỉ là giấc mơ ngắn vào buổi trưa thôi, mà mẹ tôi mừng vui hết mấy tuần và đi đâu, gặp ai, cũng khoe đã mơ thấy ba tôi vào buổi trưa. "Mơ thấy ba vào buổi trưa là ba đã siêu thoát lên niết bàn rồi", mẹ tôi giải thích như thế, bằng niềm tin tưởng chắc nịch và thanh thản.
Tôi cũng tin như thế, dù ba không hiện về trong giấc mơ nào của tôi, mặc cho tôi mong mỏi đến thế nào.
Có đêm, tôi chỉ mơ hồ nghe tiếng ba tôi gọi, đúng là giọng của ba, nhẹ nhàng, nhưng có chút nghiêm trang :
-“Mai!",
Thế rồi thôi.
Thế rồi tôi tỉnh dậy. Và tôi tin mình không mơ. Có thể ba tôi gọi tôi dậy đi làm cho đúng giờ, hay là như ngày xưa, thức sớm để học bài thi, có khi là đục thêm chồng bì thơ.
Ba tôi lúc sinh thời luôn là người ít nói, càng về sau này lại càng im lặng. Chỉ lúc nằm trong khu D, khu dịch vụ, lúc ba tôi còn chưa phải cắm ống thở vào trong khí quản, ba tôi lại nói rất nhiều. Nói nhiều, đùa giỡn nhiều, gấp hơn nhiều lần những năm sau này. Những năm ba tôi im lặng, mà bác sĩ giải thích, trầm cảm cũng là một triệu chứng của bệnh thận.

 

Nhưng giờ đây, trong dòng chảy ầm ì của ký ức, tôi từ từ nhớ lại, chưa bao giờ ba tôi là người đàn ông xởi lởi, bặt thiệp. Hình ảnh của ba tôi lúc nào cũng lặng lẽ như thế. Hình ảnh đó khắc sâu vào tôi cho đến nỗi, tôi luôn tin rằng, những người thật sự đàn ông là những người lặng lẽ, nói ít và làm nhiều.

 

Đó là hình ảnh của đêm khuya, bao giờ cũng là nửa đêm, rất khuya, khi tôi giật mình thức dậy. Ba tôi ngồi nghiêng người bên chiếc tủ đồng hồ, chiếc kính lúp gọng tròn đeo dính sát vào một bên mắt. Ba tôi vẽ mặt số đồng hồ, cái nghề lạ lùng. Sau này tôi ít thấy ai theo ngoài ba tôi. Ba tôi vẽ những con số li ti ấy tinh xảo như được in từ máy móc công phu. Có nhiều những chiếc đồng hồ Seiko 5 dân Saigon đeo ngày xưa kia đã được ba tôi vẽ tay, tôi dám chắc. Những người quen làm việc giữa đêm khuya thường phải trầm lặng, giờ thì tôi hiểu, do đã đồng điệu với cái im lặng của màn đêm.

 

Sau này khi nhà trồng nấm, ba tôi vẫn thức khuya như vậy. Ba tôi canh nấm nở để hái. Ngoài việc nấm rơm thường nở xòe hết mũ nấm về sáng và mất hết dưỡng chất và tinh chất nấm ngọt ngào, thì nầm búp được dân lái mua chuộng hơn. Tôi còn nghĩ, ba tôi thức nhìn lũ nấm con lách tách nở trong đêm vì đam mê. Tôi dám chắc trong im lặng của đêm gần về sáng, ba tôi nhìn lũ nấm lau chau cất đầu lên khỏi mặt rơm tỏa mùi meo mốc, cũng âu yếm như cái cách ba tôi ngắm đàn con sáu đứa lăn lóc ngủ thỏa thuê trên 3 chiếc giường tầng.

 

Thời kỳ nhà tôi trở thành xưởng in thủ công và làm bì thư, thiệp cưới. Ba tôi lại càng phải thức khuya hơn mọi người. Ba tôi âm thầm xã giấy cuộn bằng máy cắt lớn thành những chồng giấy khổ vừa và nhỏ cho mẹ tôi đục góc sáng mai và lũ nhỏ chúng tôi dán lại thành phong bì thư sau khi đã tan lớp học về. Thời gian ấy, nhà tôi rất đông người, ba tôi mang con cháu ở quê về nuôi phụ làm nghề và cho đi học. Tôi không thể nhớ hết những người cháu họ và anh em họ từ quê vào đã được ba tôi nuôi trong thời gian đó. Chỉ trong đám tang của ba tôi, khi tất cả cùng về viếng ba tôi và ngồi nhắc lại thời kỳ gian khó đó, với đầy lòng trân trọng, biết ơn, tôi mới hiểu ba tôi đã lặng llẽ cưu mang và bảo bọc rất nhiều người, mà phần đông hiện giờ đều nên người, trưởng thành, khá giả. 

 

Cái cách người đàn ông đó, lặng lẽ đi qua cuộc sống, vật lộn với nó, vắt kiệt mình cho công việc và để nuôi lớn một đàn con cháu, thật lạ lùng và kỳ diệu.
Kỳ diệu hơn nữa, mỗi lần tụ tập cúng thất sau này, khi anh em tôi tranh nhau kể từng mẫu nhỏ ký ức về ba, dù không nhiều, tôi chợt hiểu ra, dù âm thầm, ít nói, ít biểu hiện tình cảm ra bên ngoài, nhưng ba tôi đã yêu mỗi đứa con theo một cách riêng, đặc biệt, khó mà quên.

 

Em gái út của tôi khoe riêng mình được ba chở đi ăn mì xào giòn, ngày xưa mì xào giòn là món sang trọng lắm, cả nhà chẳng mấy khi mơ đến món đó. Lúc đó ba chở em đi nhận giải thưởng vẻ tranh nhi đồng quốc tế, (do Liên xô tổ chức, tôi nhớ thế), ba tôi đã đãi em tôi một bữa mì xào giòn nhớ đời. Em tôi nói, sau này chẳng bao giờ em được ăn món gì ngon như vậy nữa.

 

Tôi cũng có riêng một kỉ niệm với ba tôi, vào ngày ba chở tôi bằng xe đạp từ ngã tư Bảy Hiền lên tận trường Trưng Vương bên hông Sở thú để tập trung học chuyên Văn cấp Thành phố. Đường thì rất xa, vào buổi sáng, ba tôi ghé cho tôi ăn phở Hòa đường Pasteur. Thời đó phở Hòa ngon nổi tiếng, một tô to đến người lớn ăn phải thừa, nhưng tôi  nhớ đã vục mặt vào tô phở loại to nhất đó, húp cho đến giọt nước lèo cuối cùng. Khi ngẩng lên vẫn thấy ba tôi ngồi nhìn tôi đăm đăm. Sau này tôi mãi không nhớ rõ, ba tôi có ăn phở hay không, hay chỉ ngồi nhìn tôi ăn. Mỗi lần ký ức mắc kẹt lại ở điểm không rõ đó, đều làm tôi phải trào nước mắt.

 

Tôi còn nhớ những chiều sáu anh chị em ngồi ngong ngóng chờ ba tôi đi làm về, thường khi có chút tiền hàng thu được, ba tôi sẽ mua lúc ổ bánh mì Lan Huệ ở chợ Hòa Hưng. Lúc đó bánh mì Lan Huệ ngon nức tiếng, một ổ bánh mì chia ra làm sáu khúc, khúc nào cũng ngậy mùi ba tê gan heo và bơ đánh sốt trứng thơm lừng. Chúng tôi dành nhau ăn đến mẫu vụn bánh cuối cùng, ít đứa nào để tâm xem ba mẹ có ăn chung không. Nếu nhiều tiền hơn, ba tôi sẽ mua bánh mì nhét thịt chim cút quay giòn kèm rau răm ở bên hông nhà hàng Thanh Thế, chợ Tạ thu Thâu. Tôi còn nhớ mãi mùi thơm ngậy và giòn tan của chim cút, tôi tin là chẳng bao giờ có thứ gì ngon hơn khúc bánh mì có dính chút thịt lưng hay đùi chim cút nhỏ tí nhét không hết kẻ răng đó.

 

Trong trái tim của ký ức, còn sót lại đôi mắt thương xót của ba tôi với lũ con nhà nghèo lúc nào cũng hau háu chuyện ăn và đói ăn.
Lâu lâu tôi vẫn giật mình nửa đêm tưởng mình còn phải tiếp tục một cuộc thi nào đó, suốt thời học sinh của tôi gắn liền với vô số cuộc thi lớn nhỏ. Lần nào cũng là ba tôi chở tôi đi bằng xe đạp, sau này có khi bằng xe Honda đam, kiểu xe Honda của Nhật dành cho phụ nữ. Có khi phải thi suốt hai buổi sáng kéo dài tới chiều. Buổi trưa hai cha con ngồi ké hàng hiên nhà người ta. Ba tôi trải tờ báo ra cho tôi nằm nghỉ, và ngồi thẳng lưng cả buổi trưa canh cho tôi chợp được trọn một giấc trưa. Nhiều năm sau này, cái dáng ngồi lặng lẽ, lưng thẳng tắp và gầy gầy đó, vẫn làm tôi nhói trong tim.

Em trai tôi cười cười, kể lại lần cuối trong khu D, bà con họ hàng biết ba tôi bị bệnh nặng, vào thăm rất đông, giữa lúc mọi người đang nói cười vui vẻ, đột nhiên ba nói to:
- "Chấm dứt" , em tôi cúi đầu hỏi ba tôi :
- "Chấm dứt cái gì ba?
"- Chấm dứt tất cả!" - ba tôi cười mỉm nói.
Em tôi vừa kể vừa rưng rưng nước mắt, "Lúc đó mà ba còn biết đùa, mà đùa rất ý nhị, dí dỏm" vì cả đời ba tôi ít khi nào nói đùa. Chỉ cho đến mấy ngày cuối đó.

Cuộc đời ba tôi , trải dài suốt 80 năm, im lặng cho đi rất nhiều, nhận lại không được bao nhiêu mà chưa bao giờ đòi hỏi được nhận lại. Tôi không có tham vọng sẽ viết được hết về ba, tôi chắc chắn không có đứa con nào có thể viết hết được về tình yêu của cha mẹ dành cho mình.
Cái quá khứ âu yếm mà lặng lẽ của ba tôi, cuối cùng chỉ còn là những mảng ký ức.
Những mảng ký ức, thao thức, tươi rói, nhoi nhói, đập mãi, như quả tim thứ hai. Trong lòng của mỗi đứa con.

 

UYÊN LÊ
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Ba 20153:05 CH(Xem: 34822)
LTS: Trong những ngày đầu năm Ất Mùi 2015 Tạp Chí Hợp Lưu nhận được bài viết của tác giả Kim Long viết về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Kim Long là bút hiệu của một nhà nghiên cứu khoa học. Vì sự tế nhị cùng nhậy cảm, và để tránh những hiểu lầm không cần thiết, chúng tôi sẽ sẵn sàng đăng trên Hợp Lưu những phát biểu (nếu có) của những vị đã viết về Thanh Tâm Tuyền mà tác giả Kim Long có đề cập trong bài. Hợp Lưu trân trọng gởi đến quí bạn đọc và quí văn hữu bài “Viết nhân ngày giỗ thứ chin của nhà văn nhà thơ Thanh Tâm Tuyền”. TẠP CHÍ HỢP LƯU
26 Tháng Hai 20154:33 SA(Xem: 31369)
Nah có nghĩa là Không, và em bảo em đã đi hết vòng tròn của chữ không trong đạo phật rồi. Đối với tôi, em là một loài chim lạ, con chim tuyết trong bài hát Snowbird của ca nhạc sĩ xứ Quebec, Gene MacLellan.
26 Tháng Hai 20154:17 SA(Xem: 32492)
Hôm nay, chúng tôi trở về thăm lại nền nhà xưa của nội. Ngày ba sống đã từng ao ước sẽ dẫn đàn con trở về thăm quê cũ. Bây giờ nếu ba còn sống, chắc ông sẽ hạnh phúc lắm. Khu vườn của nội cây chằng chịt, nền đất cũ hoang tàn, ngôi nhà tranh vách đất của nữa thế kỷ trước vẫn đứng im lìm trong nắng sớm. Cây cổ thụ có một tổ ong to đang làm mật. Chu vi khuôn viên đã bị lấn chiếm nhiều.
18 Tháng Hai 20156:51 SA(Xem: 28825)
Tết thường được nhắc đến với những món ăn đặc trưng “thịt mỡ dưa hành,” và những mùi hương gây nhớ “thoảng mùi khói pháo thoảng mùi nhang.” Nhưng mỗi đứa trẻ mang theo nó một món ăn một hình ảnh một mùi hương riêng, không hẳn giống như những gì chúng ta thường gợi nhắc.
17 Tháng Hai 20153:10 SA(Xem: 29650)
Năm Mùi lại sắp đến và ta thường hỏi là tại sao tên gọi là Mùi, không là dê, dương hay vị ...? Phần này đưa ra vài cách nhìn hầu giải thích phần nào các lý do dẫn đến hiện tượng trên.
28 Tháng Giêng 20151:28 SA(Xem: 32195)
Anh G thân mến, Gửi bài cho anh về hội họa để cho vào Văn Học số sau, chẳng nhớ tôi có nói gì về hai cái truyện ngắn của Mai Kim Ngọc và Vũ Quỳnh Hương không? Hai truyện của Thế Giang quả là đặc biệt. Nhưng tôi nghĩ “khám phá” lớn kỳ này của Văn Học là MKN và VQH. Rất khó tin rằng đó là hai cây bút mới. “Mới” từ lúc nào?
13 Tháng Giêng 201512:08 SA(Xem: 32025)
Sài Gòn tháng Mười Hai, tôi về trời nóng dịu và nắng êm. Nơi phi trường, anh Hải quan trẻ tuổi hỏi nơi sinh của chúng tôi và lập lại _ Sài Gòn, Hà Nội _ với một nụ cười. Ra khỏi phi trường em gái tôi nói cho tôi hiểu, anh ta nháy mắt với bạn đồng nghiệp đứng kề là không có tiền kẹp vào passport đó.
09 Tháng Giêng 201512:49 SA(Xem: 32544)
Cách đây ít lâu tôi đọc một bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai với tựa đề “Hầu chuyện với anh Trương Tấn Sang” bài viết của ông xoay quanh hiện trạng của đất nước. Như một lời nói thẳng, nói thật, một lời tâm tình dựa trên câu nói mớm của ông Trương Tấn Sang khi tiếp xúc cử tri tại Sài Gòn. Ông Sang nói: “Chúng tôi sẵn sàng nghe những ý kiến cay đắng”.
21 Tháng Mười Hai 201412:28 SA(Xem: 30625)
Rỗng, vì điểm lại, từ hồi tôi biết đến giờ, từ hồi cụ ngoại tôi còn sống đến giờ, cả họ nhà tôi, chưa ai có được một mối tình đầu bạc răng long, chung thủy một lòng, nồng nàn như nhất để tôi có dịp nắc nở ghen thầm và mơ thầm.
13 Tháng Mười Hai 20142:47 CH(Xem: 32895)
Bài viết chỉ là hồi tưởng với những kỷ niệm rất riêng tư về một người bạn tấm cám Nghiêu Đề, với mối giao tình hơn nửa thế kỷ; người viết không ở trong giới hội hoạ nên cũng không dễ dàng để viết một hoạ sĩ tài hoa, sáng tác tuy ít nhưng đã để lại dấu ấn lâu dài trong lãnh vực nghệ thuật tạo hình của Việt Nam, qua một giai đoạn đầy sáng tạo trong những năm 1960-1970 với Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam mà Nghiêu Đề là một trong những thành viên sáng lập với cá tính nổi bật. (Ngô Thế Vinh)