- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

SÁCH ĐIỆN TỬ VÀ CÔNG TRÌNH VÃN HỒI, PHỔ BIẾN SÁCH BÁO XUẤT BẢN TẠI MIỀN NAM TRƯỚC 1975

20 Tháng Hai 20198:42 CH(Xem: 23834)

Hôm nay, một ngày đầu năm, nơi tôi ở trời lấm tấm mưa và sương mù còn giăng mắc mặc dù đã 10 giờ sáng. Có lẽ không hạnh phúc nào bằng ngồi trước lò sưởi với ly cà phê và vài cuốn sách -- chính xác thì phải nói là với mấy Web sites sách điện tử, hay e-book, trên cái iPad. Bằng hữu ở xa, giờ già cả cũng ít hoặc hết còn đi thăm nhau được. Ngoài trao đổi điện thư ngày một thưa thớt, chỉ còn cái thú làm bạn với sách. Thú thật chưa bao giờ tôi đọc sách báo nhiều như những lúc về sau này.

Từ ngày về hưu cách đây đã trên 10 năm, tôi dọn nhà nhiều lần, sách vở cho đi gần hết chỉ còn giữ lại vài cuốn tham khảo và hiếm hoi, nhất là sách chữ Việt. Vì đi du lịch luôn nên tôi cũng tập thói quen đọc sách trên iPad để có thể mang theo cả một thư viện sách điện tử bên mình, vô cùng tiện lợi.

Chắc nhiều bạn đọc đã dùng hay nghe biết về cái app Kindle miễn phí để đọc sách của Amazon với những ấn bản (versions) cho các hệ thống máy khác nhau. Bạn tải app đó xuống, hoặc tại Apple Store hoặc tại Google Store, install và mở ra, đăng ký, nếu cần, và xử dụng. Có thể chuyển cả sách hay tài liệu dạng PDF vào Kindle, và đây là dạng của phần lớn sách Việt ngữ.

Cái thú của tôi khi đọc sách bằng tiếng Anh trong Kindle app là khi gặp phải chữ mà mình không biết nghĩa, tôi có thể highlight chữ đó, xong bấm Look up để tìm định nghĩa. Hoặc muốn highlight một câu hay đoạn nào, và ghi chú cảm nghĩ của mình vào một “mảnh giấy” sẵn trong app để khi trở lại biết tại sao mình highlight chữ này hay câu nọ, Kindle cũng cho phép làm việc đó. Đọc sách dạng PDF trong Kindle không xử dụng được những chức năng tự điển hoặc ghi chú như của app Kindle. (Và cái không-thú-tị-nào của việc đọc sách điện tử, đối với tôi, là không thể đưa cho bạn cũng mê đọc sách cuốn sách hay mình vừa đọc xong, như với một cuốn sách bằng giấy. Mua tặng bạn cuốn sách điện tử đó thì cũng dễ thôi, khổ nỗi bạn già lại vẫn còn chỉ thích đọc sách giấy.)

Ngoài Kindle còn hàng chục apps khác để đọc sách điện tử. Vì ít hay chưa dùng những apps này, nên tôi không thể có ý kiến. Bài này cũng chỉ thu gọn vào loại sách xưa dạng điện tử, đa số đã tuyệt bản, trong đó phải kể tới toàn bộ sách xuất bản tại Miền Nam trước 1975 đã bị cộng sản thiêu hủy và cấm đoán.

Sách xưa bằng tiếng Anh và Pháp

Gần đây giới yêu sách đón nhận một tin thật vui, đó là một loạt hàng trăm tác phẩm văn học cũ bằng Anh ngữ xuất bản vào thập niên 1920 vừa được đưa vào lãnh vực công (public domain) vì hết hạn tác quyền.(*) Khi một tác phẩm hết hạn tác quyền, có nghĩa là ai muốn tải xuống, đọc, in lại và bán hay làm bất cứ gì với tác phẩm đó, tùy ý. (Thú thật là tôi nghe mà hơi… rùng mình, nghĩ nếu một đứa con tinh thần của mình mà bị ai đó đem ra muốn làm gì nó thì làm thì thấy … thương quá, chắc chẳng nên có nó thì có lẽ hay hơn chăng? Tất nhiên đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua, nghịch ngợm.)

Nếu muốn đọc những sách xưa bằng Anh ngữ đã hết bản quyền và trở thành của công thì có nhiều Web sites chuyên về việc đó. Thay vì đưa ra đây danh sách những Web sites đó, bạn đọc, nếu thích, có thể vào xem tại https://ebookfriendly.com/free-public-domain-books-sources/

td 1


Gần đây tôi tìm được một số sách điện tử bằng tiếng Pháp, và tải xuống gần như toàn bộ tác phẩm bằng điện tử của Albert Camus, tác giả tôi yêu thích hồi trẻ và định đọc lại ở tuổi về chiều để xem cảm nghĩ của mình đã thay đổi ra sao. Đây là một cái link tới những tác phẩm bằng tiếng Pháp đã được đưa vào lãnh vực công, http://www.multilingualbooks.com/ebooks-french.html, bạn đọc tùy nghi khám phá. Riêng sách của Camus, có thể tìm thấy tại http://www.bouquineux.com/?ebooks=26&Camus.

Sách xưa bằng Việt ngữ

Biến cố 30 tháng Tư, 1975 đã đưa tới cảnh bức tử vô cùng đau thương của nền văn học tự do của Miền Nam, một nền văn học có thể nói là rực rỡ thứ hai, sau nền văn học tiền chiến, song đa dạng hơn nhờ một bầu không khí tự do thực sự dù tương đối, và một tinh thần khai phóng của chính thể Miền Nam.

Sau 1975, nơi nơi sách vở và các sản phẩm văn hoá khác lưu hành dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, trong đó gồm nhiều văn hoá phẩm thời tiền chiến được di tản năm 1954 vào và tái bản tại Miền Nam, bị đem ra đốt, lên án là “đồi truỵ,” “phản động,” và bị cấm đoán, trong một chủ trương lãnh đạo ngu dân của nhà cầm quyền cộng sản.(**) Trong khi đó các văn nghệ sĩ Miền Nam, nếu không may mắn thoát được ra nước ngoài, bị bắt bớ và lâm vào vòng tù tội.

Dù thế, chính hàng trăm triệu sản phẩm văn hoá bị kết án và cấm đoán này đã giúp dân miền Bắc tỉnh ngộ, hiểu ra là mình đã bị “một chế độ man rợ” lừa gạt cả đời thanh xuân, như nhà văn Dương Thu Hương đã công nhận.(***) Có thể nói là từ đống tro tàn của sản phẩm văn học nghệ thuật của Miền Nam hồi ấy đã giúp hình thành những Dương Thu Hương và một nền văn học phản kháng, tiếp nối truyền thống của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm của giữa thập niên 1950.

Cũng chính nhờ những văn hoá phẩm đó đã được tẩu tán, cất giữ đó đây ở trong nước mà gần đây, với sự phát triển và phổ biến của ngành kỹ thuật cao và hệ thống Internet, chúng dần xuất hiện tại nhiều nơi trên Web. Ở đây tôi không đề cập tới hai nơi lưu giữ nhiều sách (giấy) và báo (microfilm) thời VNCH, là Thư Viện Quốc Hội và Thư viện Đại học Cornell.

Hiện có một số Web sites lưu trữ nhiều sách báo xưa, song người đọc chỉ có thể vào đọc những cuốn sách phần lớn đã được đánh máy lại và đọc tại chỗ, không thể tải xuống máy computer hay các máy di động khác, như điện thoại hay tablet, để đọc mà không cần phải lên mạng. Điển hình là Thư Viện Việt Nam tại https://www.tvbtv.org/, hay Việt Nam Thư Quán tại https://vnthuquan.net/, và một số văn khố điện tử khác trên mạng.

Ở đây tôi chỉ đề cập tới những Web sites hội hai tiêu chuẩn: 1) sách scanned từ những cuốn sách cũ ra đời trước 1975, không phải loại đánh máy lại có thể bị sai sót, lược bỏ hay hoán đổi, do vô tình hay cố ý; và 2) đặc biệt độc giả có thể tải những cuốn sách điện tử này xuống máy computer hay tablet của mình để đọc mà không cần phải lên mạng. Có thể còn những Web site nào khác hội đủ hai điều kiện đề ra trong khuôn khổ bài viết này mà tôi không được biết, xin độc giả tùy nghi bổ túc.

1. Sách giáo khoa Google Drive, tại https://drive.google.com/drive/mobile/folders/0B-JKbAa37-OQNTF6N1Y2VzRQNVE. Thực ra đây chỉ là một đường dẫn vào nơi lưu trữ trên mây (cloud) của ai đó, trên đó chứa trên 100 cuốn sách giáo khoa xưa, phần lớn xuất bản vào thời Việt Nam Cộng Hoà, do chủ nhân có nhã ý mở ra để công chúng vào tham quan hay tải xuống cuốn nào tùy sở thích đọc. Khách viếng thăm cũng có thể tải xuống toàn thể bộ sưu tầm, nếu muốn, song sẽ hơi lâu, và cũng tùy theo tốc độ của dịch vụ Internet của mỗi người. Tôi vừa làm thử, bấm Download All ở trên góc tay phải. Tổng cộng sách lưu trữ tải xuống được là 1.9 GB, không nhẹ.

 

td 2

Screenshot của Sách giáo khoa Google Drive, tại https://drive.google.com/drive/mobile/folders/0B-JKbAa37-OQNTF6N1Y2VzRQNVE

 

2. Kho chứa sách xưa tại http://ndclnh-mytho-usa.org/KhoChuaSachCu.htm, chứa nhiều sách báo xưa, trong đó có một số ấn hành từ đầu thế kỷ 20. Tôi cũng vừa tải xuống thử cuốn Viet-Nam Tự-Điển của các soạn giả  Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, do nhà Khai trí xuất bản năm 1970, dầy tổng cộng 1311 trang. Đây là Quyển Hạ, từ vần M tới X. Cũng tại kho sách xưa này, tôi bắt gặp một tập sách nhỏ, dầy 76 trang, của nhà báo Trần Tấn Quốc, tựa là “Saigon Septembre 45,” ghi lại những hình ảnh của một Saigon sau ngày Việt Minh cướp chính quyền của một Việt Nam vừa độc lập khỏi thực dân Pháp và quân phiệt Nhật. Một tài liệu lịch sử quí giá. Ông Trần Tấn Quốc, nguyên là chủ nhiệm nhật báo Đuốc Nhà Nam thời Đệ nhị Cộng hoà, là một nhà báo gốc Miền Nam mà tôi rất kính trọng.

td 3
Screenshot của Kho chứa sách xưa tại http://ndclnh-mytho-usa.org/KhoChuaSachCu.htm

 

3. Link tải sách: Sách cũ trước 1975, tại http://lanvy.me/2017/03/31/link-tai-sach-sach-cu-truoc-1975/. Giống như hai nơi trên, người đọc tùy nghi muốn tải cuốn nào xuống tùy ý. Có điều không thể làm như với trang Sách giáo khoa – Google Drive ở trên, đó 1à không thể tải nhiều hay hết tất cả xuống một lúc.


 td 4


Screenchot của Link tải sách: Sách cũ trước 1975, tại
http://lanvy.me/2017/03/31/link-tai-sach-sach-cu-truoc-1975/

 

4. Thư viện Người Việt, tại https://www.nguoi-viet.com/ThuVienNguoiViet/thuvien-NV.php. Thư viện này của nhật báo Người Việt, trụ sở đặt tại Westminster, Nam Calif., có vẻ được dùng để lưu trữ một số tạp chí xuất bản tại Việt Nam trước 1975 và một số tạp chí xuất bản tại hải ngoại sau 1975 nhưng đã đình bản. Trong số các tạp chí xuất bản trước 1975, đặc biệt thấy có trữ toàn bộ tạp chí Bách Khoa, một tạp chí có đời sống thọ nhất ở Miền Nam trước 1975. Bạn đọc có thể vào tải xuống số báo nào mình muốn xem.


td 5
Screenshot của Thư viện Người Việt, tại
https://www.nguoi-viet.com/ThuVienNguoiViet/thuvien-NV.php

 

Tại những Web sites trên không thấy có nút chức năng tìm kiếm, nghĩa là muốn tìm một cuốn sách nào đó, hay một tác giả, khách không biết bấm vào đâu.

 

5. Tủ Sách Tiếng Việt, tại http://tusachtiengviet.com, cho đến lúc này vẫn là Web site tôi thích nhất vì cách trình bầy trang nhã, mạch lạc, lại sẵn có chức năng tìm kiếm nên việc truy tầm xem có cuốn sách hay tác giả mình muốn kiếm được dễ dàng.

 

td 6
Screenshot của Tủ Sách Tiếng Việt, tại http://tusachtiengviet.com

 

Ngoài ra, số lượng sách trên TSTV cũng khá phong phú, với trên 5,000 đầu sách. Hầu như mỗi một hay hai tuần đều có sách mới được tải lên, nhờ lợi điểm là TSTV có vẻ có được nhiều người tiếp tay hợp tác.

 

Một trong những điểm để nhận định xem một Web site có đáng cho mình tin cậy hay không, ngoài nội dung đứng đắn nghiêm chỉnh, cách trình bầy sạch sẽ, trang nhã, còn là việc người trông coi site phải có dễ cho mình tiếp xúc, nếu không qua một số điện thoại hay một địa chỉ bưu điện, thì ít ra cũng qua một địa chỉ e-mail nơi trang gọi là “Contact,” hay “About,” hoặc “Liên lạc” (không phải “Liên hệ” vốn là một danh từ được nhiều người dùng thành động từ).

 

Tại đây, trên trang TSTV, tôi vào trang Liên lạc. Thoạt tôi hơi thất vọng, vì ở trang này cũng chỉ có một cái mẫu để điền vào những khung trống, xong bấm gửi đi, không có tên hay e-mail của người phụ trách. Dù vậy, tôi thử viết vài chữ xem có liên lạc được một con người, chứ không phải máy tự động, luôn thể cám ơn về một Web site hữu ích, và ngỏ ý nếu muốn tiếp tay thì phải làm sao. Số là tôi hiện có một số sách loại tham khảo cần scan trước khi đem cho, và có một lý do thúc đẩy mình ngồi xuống làm cái việc scanning rất buồn ngủ này là cái tôi đang cần. Tôi hài lòng là chỉ một hai ngày sau đã nhận được hồi âm của người coi TSTV. Nhờ đó tôi cũng cảm thấy được khích lệ để làm cái việc nhàm chán, đó là ngồi scan lại những cuốn sách tham khảo còn giữ được, và gửi đi góp vào TSTV, để có thể an tâm mang sách đi cho sau đó.

 

Một lần, một bộ sách tôi scanned và gửi vào TSTV, một độc giả ở Miền Trung thấy bộ sách xưa mà ông ta vẫn muốn tìm, mừng rỡ tải xuống, rồi hì hục in ra (cả ngàn trang) để tiện đọc và khảo cứu. Ông nhận ra có một số trang bị thiếu, nên gửi thư hỏi ban phụ trách TSTV. Người phụ trách thông báo cho tôi biết và xin tôi, nếu còn giữ bộ sách đó, thì vui lòng mở xem lại và scan gửi cho những trang thiếu đó.

 

Ngoài việc tôi được tiếp xúc với một con người, có được một tiếp xúc cá nhân/personal, dù người đó nhất định dấu tên hay bất cứ chi tiết gì về mình, tôi thấy ở TSTV là một quan tâm, mối thiết tha thật sự với một công trình văn hoá mà chắc chắn phần thưởng duy nhất nhận được hoàn toàn là tinh thần, niềm vui vô giá nơi một người mê sách. Tóm lại, độc giả nào có sách scanned xuất bản từ trước 1975 mà muốn góp vào tủ sách có thể liên lạc với người phụ trách qua trang liên lạc ở trong link TSTV.

 

Để kết luận, xin giới thiệu tới bạn đọc những nơi lưu trữ sách điện tử xuất bản tại Miền Nam trước 1975. Đấy là những nỗ lực âm thầm, vô vị lợi, nhằm vun trồng lại vườn hoa văn học muôn hồng nghìn tiá của Miền Nam dạo nào.

 

Happy searching, downloading, reading & day-dreaming.

 

[TD 2019-01]

 

 

 

Chú thích:

(*) Tìm hiểu về tác quyền tại https://fairuse.stanford.edu/overview/faqs/copyright-basics/

(**) Trùng Dương, “Từ đền sách cấm Parthenon ở đức và Buenos Aires, tới chiến dịch Cộng sản đốt sách Miền Nam 1975,” https://damau.org/archives/47071; Nhật Tiến, “Hoàn Cảnh Sáng tác Của Anh Chị Em Văn Nghệ Sĩ Ở Quê Nhà – Thời điểm Sài Gòn Sau 30-4-1975 và Hải ngoại sau 1980”: https://nhavannhattien.wordpress.com/hoan-canh-sang-tac-cua-anh-chi-em-van-nghe-si-o-que-nha/; và Nguyễn Vy Khanh, "Văn Học Miền Nam Tự-Do 1954-1975 (Phần II) - Một thời tưởng tiếc," http://damau.org/archives/35752, khá chi tiết và đầy đủ về phong trào đốt và cấm sách Miền Nam của Cộng sản Việt Nam, không thua thời Đức Quốc Xã.

(***) Duong Thu Huong in Conversation with Robert Stone, April 30, 2006, https://www.nypl.org/audiovideo/duong-thu-huong-conversation-robert-stone; và cảm nghĩ của nhà văn Dương Thu Hương về ngày 30 tháng 4 năm 1975 rút ra từ cuộc nói chuyện trên, https://www.youtube.com/watch?v=Bcez4ZPSJTw&t=13s 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Mười 202110:18 CH(Xem: 10290)
Cuối cùng rồi tôi cũng đã già. Cái già cũng thật thú vị. Hồi nhỏ người lớn bảo rằng tôi có tướng đi lầm lũi, đó là tướng khổ và cái tướng đó theo cả đường đời tôi đi. Tôi đi suốt từ thời thơ bé cho mãi đến tuổi 50 có lẽ thấm mệt nên tôi dần chậm bước. Tôi cho rằng đó là lúc tôi không còn trẻ nữa mà đến lúc tuổi đã thu rồi.
12 Tháng Chín 20219:32 CH(Xem: 9832)
Buổi sáng thức dậy thật sớm, tôi có những phút bình yên ngồi bên song cửa sổ lặng nhìn thành phố còn trong màn đêm yên tĩnh. Từ ngày thành phố có lệnh cách ly, khoảng trời của tôi được thu nhỏ chỉ trong khung cửa sổ này. Nhìn từ nơi xa xa tít ngoài xa là con đường cao tốc, cửa ngõ cho người đi người về lại Sài gòn, ngày trước xe lúc nào cũng nối đuôi còn bây giờ thưa thớt một vài xe trên đường. Những ngày dịch bệnh nơi ấy bớt hẵn bóng người, không còn những chuyến xe đi sớm về muộn trên đường xuôi ngược.
09 Tháng Chín 20219:44 CH(Xem: 10127)
Những ngày giãn cách này, tôi khám phá ra mình có một khả năng mới; đọc được tiếng ho! Giữa tháng 8, bẳng đi một tuần, đột nhiên tất cả âm thanh quanh tôi cùng một lúc biến mất! Không có tiếng hát karaoke, không có tiếng bước chân ngoài cửa, không có tiếng người cãi nhau lao xao dưới sân, không có cả tiếng con nít khóc cười rượt đuổi nhau ngoài hành lang… tôi như rơi vào khoảng không im lặng lạ lùng. Đó là lúc tiếng ho bắt đầu trỗi lên. Đầu tiên là tiếng ho của bác hàng xóm sát vách bên trái, âm thanh đùng đục quặn sâu từ trong phổi, rồi bục ra khỏi cuống họng từng chùm tắt nghẽn. Tiếng ho luồn từ cuối dãy hành lang, theo chiều gió lan dài, mới đầu chỉ là khúc khắc, càng về cuối càng dồn dập, khản đặc.
25 Tháng Tám 20219:16 CH(Xem: 10519)
Một năm trôi qua, nỗi sợ hãi càng thấm đẫm hơn. Sợ bệnh dịch hoàng hoành, con virus –cúm Vũ Hán thực quái ác, nó gây nỗi sợ hãi cho cả thế giới. Loài người như điêu đứng vì nó, nó gây bao tang tóc, đau thương không có bút mực nào tả xiết. Thần quyền, sợ chết. Cường quyền, sợ phạt tiền, sợ tù đày, rờ đâu cũng sợ.
17 Tháng Tám 202110:42 CH(Xem: 10304)
Tôi nhỏ xíu, tôi bé xíu. / Cũng chẳng có nghĩa những bóng lớn của Hội Họa Sĩ Trẻ đó đã che hết dáng tôi, cô học trò xinh xinh, chen chân, nhón gót xem tranh trong những chiều trốn lễ, bỏ nhà thờ… / Tôi mượt mà, tóc bay và mắt ướt, tôi thơ mộng như những thiếu nữ trong tranh. Tôi nhìn thấp thoáng chút yêu kiều, thời của những Chagall, Pissarro, Cezanne, Matisse… Và ngay cả rất xa xưa, Rembrandt.
28 Tháng Bảy 20219:48 CH(Xem: 10568)
Một buổi chiều ảm đạm, đầy sương. Hai chúng tôi ngồi nhìn biển, một màu xanh tít tắp gợi lên một nỗi niềm thăm thẳm, xa xăm. Vài chiếc lá me phai rơi đậu trên mái tóc em. Gương mặt em chiều nay buồn ảm đạm như chiều nay, đầy mây và gió lạnh. Em thẩn thờ nhìn vào góc vắng và buồn . Buồn trong đôi mắt và buồn trong cái nhìn của em. Em bảo em lạnh, anh đưa em về.
22 Tháng Bảy 20216:09 CH(Xem: 10052)
Sài gòn cách ly. Tôi chẳng được ra khỏi nhà hơn hai tháng nay từ khi cháu ngoại nghỉ học chứ không phải tới cái " Giờ thứ 25" Sài gòn đã điểm như lúc này. Nếu tôi được rong ruổi ngoài đường mà tận mắt chứng kiến Sài gòn xôn xao, lo toan, thắt thỏm mỗi ngày cho đến lúc hốt hoảng mà chạy trốn dịch như thế nào tôi sẽ viết sống động hơn, nhưng tôi chỉ ở nhà và chỉ biết tình hình mỗi lúc một nghiêm trọng khi thấy các con tôi.
13 Tháng Bảy 20214:16 CH(Xem: 11084)
Saigon không chỉ của những người hàng giờ lên Facebook khoe đẹp, khoe thân, khoe của, khoe tình ái, khoe giàu… Saigon là của những người không có Facebook để khoe, chạy ăn từng bữa, sấp mặt kiếm cơm. Saigon là của công nhân nhập cư chen nhau trong dãy nhà trọ 10m vuông, là của người đẩy xe đi bán rau cải 2000 đồng 1 bó, bán kẹo kéo nhân đậu phộng, tàu hủ nước đường gừng, bán dừa xiêm 15,000 đồng 2 trái, bán bánh su kem, bán thạch dừa nhà làm…
02 Tháng Bảy 20216:21 CH(Xem: 10853)
Tuổi trẻ chúng tôi sinh ra và lớn lên giữa lúc cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt. Ngay từ tuổi thiếu niên – tuổi học sinh trung học, lẫn lộn giữa tiếng đạn bom, chúng tôi đã nghe những bài hát, hoà cùng cuộc chiến có, chống lại cuộc chiến có. Trong những bài hát phản đối chiến cuộc, có những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
10 Tháng Sáu 20216:03 CH(Xem: 10406)
Tôi nhớ xa xôi có người đã từng ví von bên tai tôi " Dù cho sông cạn đá mòn tình cảm này không hề thay đổi". Ngày ấy, tôi cứ nghĩ sông khó mà cạn lắm chứ, nhưng không, dòng sông nơi tôi ở cứ cạn rồi đầy liên tục trong ngày. Lòng người cũng vậy không có gì là mãi mãi với thời gian. Cái mà dễ thay đổi nhất trên đời này nghiệm ra rằng đó chính là tình cảm; những lời yêu xưa chỉ là ví von trong lúc cảm xúc còn đong đầy nên chả trách gì nhau khi người dễ quên nhau...