- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TRÊN ĐÁM MÂY CÓ KHUÔN MẶT CỦA NGƯỜI MÌNH THƯƠNG

19 Tháng Bảy 20162:38 SA(Xem: 32622)



10011920_4341738399838_2014401763_o
tranh - Lê Thánh Thư




Trên đám mây có khuôn mặt của người mình thương

Ký ức tuổi nhỏ của em gắn liền với cái hàng ba.

Bây giờ chắc không ai biết “cái hàng ba” là gì?

Đi đâu rồi em cũng trở về với cái hàng ba.

Khi em ra đời cái hàng ba đã ở đó rồi.

Mẹ em nói cái hàng ba của nhà ngoại còn ra đời trước mẹ.

Khi xây nhà mẹ đã bê nguyên cái hàng ba nhà ngoại vào Ngã tư Bảy hiền, ở Saigon.

Rồi mấy chục năm tuổi thơ, em chưa bao giờ rời cái hàng ba đó một ngày, không loanh quanh, luẩn quẩn ở hàng ba nhà mẹ, thì cũng loay hoay trở về với cái hàng ba ở nhà ngoại.

Cái hàng ba chỉ là khoảng sân trước nhà, dài bằng hết chiều dài ngôi nhà, nhưng chỉ rộng có 4-5 thước, hai bên là hai hàng cột và được ngăn với nhà hàng xóm bằng cái bông gió, hoặc là bông gió kiểu hoa văn gothic giản lược ở nhà ngoại, hoặc chỉ là mấy hàng lan can chạy dọc nếu cẩn thận có đúc thêm sắt chính giữa lan can, bên ngoài bọc xi măng. Như ở nhà mẹ, trên cùng của lan can bông gió là một cái bệ, cũng xây bằng xi măng, có lát thêm hàng gạch bông kiểu cổ, rất bền theo thời gian, càng ngày mặt gạch bông càng láng mịn, sờn mòn vì bong tróc hết lớp màu bóng của gạch mới ban đầu.

Trên hàng ba này là kỷ niệm buồn vui của thời tuổi nhỏ, cũng có những tai nạn, rủi ro đã xảy ra, là em chỉ nghe kể lại, đôi khi ham vui cà kê với nhà hàng xóm, chị Hai đã lỡ buông tay bế em út rớt tọt từ hàng ba xuống giữa hàng rào kẽm gai ngăn với nhà hàng xóm, loay hoay kéo em lên,may mà không bị rách mảng da thịt nào, là khi vì nghịch dại, mái đầu bằng trái cam của mấy đứa nhỏ bị kẹt lại giữa hai chấn song, dưới bệ gạch, làm mấy chị em vừa khóc vừa cười, mím môi mím lợi, mặt mày tái xanh tái xám hì hục kéo cái đầu tóc dính bệt và ướt đẫm mồ hôi của con nhỏ ra khỏi lan can, cho đến khi 2 chị em cùng té bịch xuống bậc thềm nhà, mới thở phào hú hồn hú vía.

Trên hàng ba này còn là nơi em nằm ngửa mặt nhìn trời, hai chân lơn tơn, đung đưa buông thả xuống lan can gạch, mải mê hàng giờ nhìn những đám mây.

Vì trên đám mây có khuôn mặt người mình thương.

Đám mây của ngày xưa có màu của mùa hè, trắng xốp như bông gòn, giữa nền trời xanh như màu biển sáng sớm, có đôi khi sau một giờ bềnh bồng, em không còn phân biệt đâu là biển, đâu là trời, như không còn đường phân định giữa chân trời và mặt biển bao la xanh.

Đám mây của ngày xưa còn có mùi của mùa hè, trong và ngọt dịu, mùi của hoa mận từng chùm mịn mượt, chín nẫu tỏa hương ngọt ngào rưng rức.

Đám mây của ngày xưa luôn thay hình, đổi dạng,nhưng lúc nào cũng mang khuôn mặt của những người mình thương.

Đó là khuôn mặt của những người vẫn còn một bên, như là mẹ, là ba, là anh chị hai, là cả chị Tư trợn, chị Vàng, hay bà Ba còng giúp việc, những người mà mỗi ngày mình luôn nhìn thấy mặt, rất đỗi bình thường, nhưng bỗng hiện lên trong đám mây sáng rỡ, hiền lành và rõ ràng từng đường nét, từng sợi tóc ướt mồ hôi bay lất phất, từng môi cười hiền mà tươi rói.

Có khi đó là những khuôn mặt của người đã đi xa rồi, đã mất rồ , nhưng chợt hiện lên, không rõ mồn một, mà dịu mờ, và trời ơi, là mềm mại và dịu dàng, vì những đường nét bị xóa mờ bởi ánh sáng, bởi tia nắng, bởi làn gió, và bởi vì mình nhung nhớ. Đó là khuôn mặt của bà ngoại, của ông ngoại, (dù trí nhớ về ông ngoại chỉ vỏn vẹn trong tấm hình thờ màu đen trắng!), của cậu út, của cậu ba, của những người không bao giờ còn về nữa. Nhưng mỗi ngày lại hiện ra trong đám mây.

Những thời khắc đó, nằm trên hàng ba, ngửa mặt nhìn trời, hai chân lơn tơn, thõng xuống, đung đưa giữa hàng lan can bằng gạch, là những thời khắc, mê mẩn, ngọt ngào nhất của tuổi thơ.

Sau này, sau này nữa, mẹ em dời nhà, rồi bán nhà, xây nhà mới mấy lần, những căn nhà dần về sau không còn lưu giữ kiến trúc của thập niên 50 - 60 nữa, càng ngày càng cầu kỳ và hiện đại, cái hàng ba vì thế mà biến mất, chốn thiêng liêng tụ tập và giao lưu với hàng xóm cũng không còn, vì người ta không còn nhu cầu giao lưu với hàng xóm qua cái hàng ba. Mà cũng mất hẳn nhu cầu giao lưu.

Nhưng cái hàng ba không mất đi trong ký ức của em. Trong nỗi nhớ nhà, cái hàng ba vẫn luôn ở đó, hiện lên rõ mồn một, ký ức như một cuốn phim màu sắc tươi nguyên, tươi mới mỗi lần, luôn là cận cảnh, thật chậm rãi, từ 2 cây cột cái tròn màu trắng, đến hàng lan can chấn song, nhìn qua hàng rào kẽm gai lưa thưa cho có lệ ngăn với nhà hàng xóm, và sau đó là cái bệ xi mặng lát gạch bông, trời ơi là cái bệ lát gạch bông rêu phong cũ mòn quen thuộc, và rồi, ký ức lại trải mình ra trên cái bệ mát rượi lất phất gió trưa hè có mùi hoa mận thơm ngòn ngọt rưng rức ấy, lại ngửa mặt nhìn vào trời xanh, màu xanh trong vắt của ngày xưa, và rồi ùa về, đầy trời, những đám mây bông xốp màu trắng tinh của bông gòn. Trên đó,mang đầy những khuôn mặt người mình thương!

Chiều hôm qua, trước khi trời mưa, trước khi cơn gió ẩm ướt xua tan những đám mây đen tả tơi rách rưới đi, trước khi bầu trời tối sụp xuống, cái màu tối thê lương ảm đạm trước cơn giông, trước khi chuyến xe bus số 30 của em tới, em ngồi một mình ở trạm xe bus, bất chợt ngẩng lên nhìn trời, và thấy chỉ một mảng nhỏ của những đám mây màu trắng bông xưa trở về.

Trên những đám mây đó em thấy trước hết khuôn mặt của ba. Cũng nụ cười hiền lành, dịu dàng, mà bí ẩn đó, trên khuôn mặt sáng ngời, khôi ngô, quen thuộc đó.

Và em thấy khuôn mặt anh, trước khi cơn gió ấy tới, thay đổi hình dạng, và khuôn mặt anh, liên tục thay đổi, đôi mắt, sóng mũi, miệng cười, đường nét vuông vức của cái cằm, và cả lúm đồng tiền sâu hút, cũng liên tục đổi thay.

Chỉ một phút giây đó thôi, rồi sau đó, tất cả vụt biến mất. Và cơn mưa tới. Em không kịp chạy cơn mưa, đứng ngẩn ngơ giữa trời.

Đứng ngẩn ngơ, nhìn theo đám mây mang khuôn mặt của người mình thương, tan đi, và cuối cùng, biến mất.

 

UYÊN LÊ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Ba 201911:38 SA(Xem: 21002)
Mảnh giấy không đề tên người nhận, cũng chẳng ký tên người viết, song tôi thuộc tuồng chữ của Thiện, cái tuồng chữ với những phụ âm d, đ, t, th, k, kh, vân vân... đâm thẳng lên trời và cao hơn bình thường như muốn nổi loạn, và những nguyên âm thấp, cam phận, tự nén. Bên dưới hai câu thơ là dòng chữ vỏn vẹn: "Nếu không đoán được ai là tác giả của hai câu thơ trên thì sẽ không về nữa."
20 Tháng Hai 20198:42 CH(Xem: 23923)
Hôm nay, một ngày đầu năm, nơi tôi ở trời lấm tấm mưa và sương mù còn giăng mắc mặc dù đã 10 giờ sáng. Có lẽ không hạnh phúc nào bằng ngồi trước lò sưởi với ly cà phê và vài cuốn sách -- chính xác thì phải nói là với mấy Web sites sách điện tử, hay e-book, trên cái iPad. Bằng hữu ở xa, giờ già cả cũng ít hoặc hết còn đi thăm nhau được. Ngoài trao đổi điện thư ngày một thưa thớt, chỉ còn cái thú làm bạn với sách. Thú thật chưa bao giờ tôi đọc sách báo nhiều như những lúc về sau này.
25 Tháng Giêng 20198:02 CH(Xem: 24915)
Từ Huế ra đến Quảng Trị mấy ngày đầu năm 2019 là những ngày ủ dột mưa. Sau bài viết: Đi tìm bức tượng Mẹ và Con, tác phẩm bị lãng quên của Mai Chửng ở Hải ngoại. VOA 07.06.2018, tôi có ước muốn trở lại thăm Nhà thờ Đức Mẹ La Vang Quận Hải Lăng Quảng Trị, nơi đã từng có một quần thể tượng nghệ thuật tôn giáo của Giáo sư điêu khắc Lê Ngọc Huệ cùng đám môn sinh trong đó có Mai Chửng với chủ đề Mười Lăm Sự Mầu Nhiệm Mân Côi. (3)
03 Tháng Giêng 201910:50 CH(Xem: 21034)
Đêm ấy, một đêm Giáng Sinh rất lạ, sau ngày giải phóng đất nước một năm.1976. Là đêm Giáng Sinh thứ ba, tính luôn cái năm tôi đi sư phạm xa nhà, tôi không còn cùng bát phố với lũ bạn ngoại đạo trong cái thành phố nhỏ nhoi yêu mến tôi đã sống; nhưng vẫn da diết nhớ Giáng Sinh với những chiếc xe hoa lấp lánh, diễn hành dưới màn mưa lạnh, quanh mấy con phố nhỏ; những cỗ xe luôn mang đến một không gian tượi mới và tràn trề hy vọng. Khi còn hy vọng, là người ta còn mơ ước. Khi còn mơ ước,là người ta còn tin yêu cuộc sống này.Và người ta luôn trông chờ điều đó.
04 Tháng Mười Hai 201811:05 CH(Xem: 22750)
Từ một vùng đất hoang vu của dân tộc thiểu số thuộc bộ tộc K'Ho hiện nay, sau khám phá của bác sĩ Yersin (tháng 6 năm 1893), người Pháp đã quy hoạch và xây dựng lên thành phố Đàlạt. Đàlạt trở thành một trung tâm du lịch và giáo dục của Đông Dương trong nửa đầu thế kỷ 20.
11 Tháng Mười 201811:48 CH(Xem: 23758)
Lễ Quốc Tang của Chủ tịch nước Trần Đại Quang dù được tổ chức trọng thể tại cả ba nơi Sài Gòn, Hà Nội, Ninh Bình; và mặc dù nghĩa trang của ông rất lớn, nó chiếm một diện tích lên đến gần 30,000 m2, chúng ta vẫn thấy sự ra đi của ông rất mờ nhạt.
07 Tháng Mười 20189:13 SA(Xem: 23938)
Sinh ngày 6/10 Nhâm Ngọ, tức 13/11/1942, tại thôn “Me Vừng,” làng Phụng Viện thượng Hải Dương, Bình Giang, Hải Dương—nhưng trên khai sinh, đề ngày 6/0/1942—tôi có một lá tử vi khá kỳ lạ. Giáo sư Nguyễn Bỉnh Tuyên—một lãnh tụ Đại Việt Quốc Xã, thày dạy kèm chữ Pháp cho tôi trong hai năm Đệ Tam, Đệ Nhị (1957-1959)—nói tôi có số “ở tù;” nên “ở lính” có thể giải thích như ở tù. Mãi tới năm 1971, bác Phan Vọng Húc—bạn cha tôi ở Hải Dương, phụ thân nhà thơ Phan Lạc Giang Đông—mới đưa ra lời giải đoán khá chính xác: Tôi có số “Ngựa Trời,” sẽ xuất ngoại, đỗ đại khoa, và thọ tới hơn 70.
13 Tháng Chín 20189:07 CH(Xem: 23623)
Sáng nay vừa ra khỏi ngân hàng, tôi ghé vào siêu thị mua tấm thiệp sinh nhật cho ba chồng. Dòng chữ được giác bạc ngoài tấm thiệp đề "For a great Dad..." đầy yêu thương, trân trọng. Vừa lúc đó tôi nhận được điện thoại từ chị gái. Linh cảm bất ổn vì lúc đó đã 10 giờ tối ở VN. Giọng chị hớt hãi "Yến ơi, Ba đi rồi...". Trên tay tôi vẫn cầm tấm thiệp. Vài giây trước đó khi đứng chọn tấm thiệp vừa ý nhất, tôi chợt nghĩ "Vì sao mình chưa bao giờ có được may mắn tặng cho ba mình tấm thiệp nào có nội dung như vậy. Vì sao ba mình không là một người great Dad như bao nhiêu người vẫn tự hào tặng thiệp cho ba họ trong ngày sinh nhật như chồng mình vẫn làm mỗi năm?".
24 Tháng Tám 20187:38 CH(Xem: 25773)
Tôi khởi viết những trang Nhật Ký Cuối Đời này, từ đầu năm 2016, sau ngày mẹ tôi từ trần tại Los Angeles, CA, ngày 27/11 Ất Mùi, tức Thứ Tư, 6/1/2016. Mẹ sinh ngày 7/3 Mậu Ngọ [7/4/1918], tại Phụng Viện thượng, Bình Giang, Hải Dương, thọ 99 tuổi ta. Cha tôi, sinh ngày 27/3 Mậu Ngọ [27/4/1918], mất sớm, ngày 8/3 Kỷ Mùi [4/4/1979], khi mới 62 tuổi, ở Sài Gòn. Khi gia đình ly tán—tôi lưu vong ra hải ngoại, anh trai tôi bị đưa ra bắc “cải tạo”—thuật ngữ tuyên truyền xảo quyệt của những người tự nhận Cộng Sản, dù chẳng hiểu Cộng Sản là gì, và trên thực chẩt, chỉ vẹt nhái theo Trung Cộng, vì Karl Marx và Friedrich Engels không hề nói đến góp chung tài sản, mà chỉ hoang tưởng ngợi ca một xã hội nguyên thủy công hữu [communism].
17 Tháng Bảy 20182:02 CH(Xem: 22783)
Có thể nói Luật Đặc Khu và cuộc trấn áp ngày 17/6 đã biến những người dân VN bình thường trở thành những nhà hoạt động. Và đó là khởi đầu một “cuộc chiến” mới. Trong cuộc chiến này, nhà cầm quyền Hà Nội sẽ phải đương đầu với một sức mạnh mà họ thầm hiểu rằng với nó; quân đội, súng ống, xe tăng,… hỏa lực dù mạnh thế nào cũng chỉ là bùn đất!