- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

GIỮA LẰN RANH MONG MANH

04 Tháng Tám 20151:25 SA(Xem: 39156)


DangMyHanh-Andy
Đặng Mỹ Hạnh và Andy- 2014




“ Tôi nhìn người đàn bà qua lớp gương mờ - tái nhợt như một cái xác chết di động. Gương mặt người đàn bà còn tinh tươm những trăn trở, héo úa. Cơn hoảng loạn còn in sâu vào đồng tử, nó trao tráo như mắt của một con cá đang mắc vào chiếc lao móc.”




Khi tôi nhắm mắt - là du thuyền và biển xanh. Lúc tôi mở mắt, cuộc đời mang gương mặt của thần chết. 

Đời không là thiên đàng!

Nhịp chân xiêu xiêu, tôi cảm giác mình đang đi xuống con dốc đời. Trở về căn phòng hotel quen thuộc của một tuần lễ mật ngọt vợ chồng; tất cả, đều lắng đọng đến se lòng. Tôi cảm được hơi ấm từ chiếc ghế sofa - nơi anh ngồi theo dõi diễn tiến trận World Cup. Ly nước cam anh chỉ vừa nhấp môi. Chiếc khăn tắm lây lất trên sàn nhà, hơi hướm anh theo chân tôi. 

Tai họa chẳng thể biến đi trong tư tưởng. Nó chỉ vừa xảy đến với anh và tôi. Đôi chân tôi hụt hẫng với nỗi lo chưa tháo kịp. Nước mắt tôi chưa  ráo hoảnh, lại vắn dài khi cầm lên chiếc áo lậm mùi hơi chồng. Mọi suy nghĩ, âm thanh trở nên chậm chạp. Tôi vẫn còn chút sáng suốt để soạn vài bộ đồ bỏ vào balô cùng giấy tờ tùy thân, passport, vé máy bay để nhờ người bạn đồng hành đem về trước hộ.

Tôi như kẻ mất hình bóng. Anh đang đợi tôi trong cơn đau xé người trên giường bệnh. Tôi cần phải quay lại gấp.  Đêm lạc loài trên xứ người, lòng tôi như biển đen, dạt trôi vùi lấp. Tôi lả mệt vì khóc. Khi nỗi đau tự ôm mình khóc, như con cá quấn lấy sợi rong buồn.
Chỉ sớm nay, tôi vẫn tràn đầy yêu đời mặc trên người mảnh áo tắm nằm hưởng gió biển. Buổi chiều, tôi chuẩn bị làm goá phụ?  



Chỉ vài giờ trước…

Có những ngày, nắng Jamaica hoi hóp đến dễ ngươi. Tôi thèm rán nắng như con khô mực nướng mình trên cái lò than. Căn phòng deluxe quay lưng về hướng biển. Hàng dừa đổ bóng trên cát. Hotel 5 stars, thiên đàng của ẩm thực và rượu. Rượu từ phòng ra tới in-pool bar rồi ra tới biển…

Mặt trời trải bóng tôi trên cát. Trưa thẫm sóng xanh. Tôi nằm nghe sóng với hơi men tequila rần rần trong máu thịt, nghe cảm giác bình yên đốt những muộn phiền.
Một tuần lễ nghỉ mát, hâm nóng cảm giác vợ chồng. Tôi nghĩ về người đàn ông của mình. Chẳng có lý do gì để buông tay nhau, dù cay đắng hay gập ghềnh. Một ngày miệt mài cũng là vợ chồng, huống gì bao nhiêu năm âm khúc…

Cơn nắng vẫn đang dụ dỗ mảnh lưng trần. Tôi thèm thuồng cảm giác của những cơn rêm êm ả. Mùi gió mặn. Tiếng hải âu quang quác. Muối toé lên da. Nhắm mắt, nghe như mình lênh đênh…  

“Honey, anh thấy không khoẻ, anh phải tìm  bóng mát nghỉ mệt.” Chồng thều thào. Tôi hé mắt. Bóng anh liêu xiêu  như chực đổ xuống mình tôi. Chuyện gì đây? Chàng tôi chỉ vừa ê chề một bữa điểm tâm thịnh soạn. Lại chỉ mới đu cây như khỉ!

Định tìm chút mơ màng của đời sống. Rồi như sực tỉnh, tôi vớ vội vài thứ đồ, luýnh quýnh đuổi theo cái dáng anh đang lảo đảo trên mấy bực tam cấp. Tôi tìm thấy anh đang xụi người trên cái ghế bành, mồ hôi, như ai đang xối lên đầu anh một gáo nước.


“Anh bị ngộp thở, hai cánh tay tê hết,” giọng đứt quãng, anh như một con cá vừa bị hất ra khỏi mặt nước.
Trực giác của người vợ cho tôi biết một điều chẳng lành…

“Có ai cứu giùm chồng tôi.” Tôi thảng thốt nhìn quanh quất. Ai đó đã mau mắn gọi một cú phone khẩn cấp. Một chiếc xe lăn xuất hiện chỉ trong vài phút. Họ đẩy anh đi. Tôi lẽo đẽo như kẻ mất hồn. 
Hotel chỉ có bác sĩ on-call. Nửa giờ đồng hồ, tôi hâm hấp với nỗi lo. Bác sĩ chẩn bệnh rồi đưa cái nhìn nghiêm trọng về phía tôi, “Chồng bà, cần đưa GẤP vào bệnh viện!” 

Khi linh hồn trải qua quá nhiều thống khổ, nó phát sinh sự nhạy cảm với bất hạnh.




Chiếc xe cứu thương ò e như tiếng gõ cửa của định mệnh. Tôi luống cuống chìa cái giấy chứng nhận của bác sĩ, “Chồng tôi bị heart attack. Trường hợp khẩn cấp!”

Ở cái xứ sở nghèo kiết xác thì thớ thá gì mấy cái bảo hiểm sức khỏe. Thẻ nhựa và tiền mặt. Hiệu ứng tức thời! 
Tôi trở lại khu cấp cứu, hoang mang như cơn bão rớt, “Anh ra sao rồi, anh ơi!”  Anh đang nhăn nhúm trong cơn đau đớn. Nhợt nhạt như một cái xác còn thoi thóp. Lớp da bụng phình lên, xẹp xuống theo từng nhịp thở hụt.

Sự im lặng như mọc ra từ những bức tường trắng. Sự im lặng không mang khuôn mặt của an nhiên. Bác sĩ trực ca, lướt mắt lên chiếc kim đồng hồ đang tích tắc trên mặt tường.  Mắt kiếng khoác áo blouse trắng, dẫu chưa mở lời đã dường như cảm nhận nơi tôi sự bất an đang hồi ngất ngưởng, “Chồng bà, đang phải chịu đựng một cơn trụy tim, rất nguy hiểm đến tính mạng. Ông chỉ còn vài giờ để chống chọi.” 

Tôi tối sầm. Tim loạn nhịp. Thời gian chạy đua với tính mạng. Trên màn ảnh monitor chỉ số 201/135 mmHg áp suất máu đang áp đảo tinh thần mọi người.

Một nữ bệnh nhân, mắt dã trắng trên nền da mặt tím lịm đang trong cơn giãy đành đạch, co quắp động kinh. Một xác người dựng đứng như một cái xác ướp Ả Rập vừa được đẩy ra khỏi khu  cấp cứu trên một chiếc xe cút kít. Những chiếc xe quàn túc trực trước cổng bệnh viện như những chiếc taxi chờ chực xác người.

Bệnh viện St. Ann’s Bay Hospital mang gương mặt của thần chết. Nhếch nhác. Hẩm hiu như phận số của những con bệnh mạt rệp. Tôi  gọi nó là “Nhà thương thí.”  

Anh vẫn trong cơn đau xé người trên giường bệnh. Mỗi phút giây chờ đợi như bóp nghẹt từng hồi thở trong tôi.  Áo blouse trắng tìm tôi, từ tốn giải thích, “Ở đây chúng tôi không đủ điều kiện dụng cụ và thuốc men để điều trị. Và không có cả bác sĩ chuyên khoa về tim. Nếu bà có đủ điều kiện tài chánh, chúng tôi sẽ chuyển chồng bà sang một nhà thương khác để có thể được chữa trị tốt hơn.” Tôi chỉ biết, khi nghe đến cái đơn vị “200 Ngàn”, là đã thấy cả một trời tuyệt vọng! Cũng may, áo blouse trắng  kịp thời đính chính, “khoảng $4000 hay hơn nữa…” 
Ở một thời khắc, mà tiền dẫu chẳng thể đem lại hạnh phúc nhưng vẫn có thể hủy diệt sự tuyệt vọng.  Một chiếc taxi được gọi khẩn cấp, nối đuôi chiếc ambulance như hình bóng. Bệnh nhân heart attack, bệnh viện không cho phép thân nhân đi cùng xe cấp cứu.

Đoạn đường dường như vô tận. Họ chuyển anh sang một bệnh viện tư. Đôi vai như buông xụi, tôi sợ mình không đủ tỉnh.

“Chồng bà, chỉ có vài giờ để sống,” lời người bác sĩ như điềm báo của định mệnh. Chiếc Taxi bám đuôi xe cứu thương để chuyển anh từ “nhà thương thí” sang bệnh viện  tư. Tôi nuốt ngược từng giọt nước mắt.

Đoạn đường như vô tận bám theo nỗi ám ảnh vật vờ. Không tôi cạnh bên, anh còn thoi thóp hay đã ngừng thở?

Chiếc taxi vừa dừng, tôi lao ra để nhìn anh. Và  từ phút giây ấy- Anh ngoi ngóp trên giường bệnh- Tôi ngập ngụa giữa một trời đau đớn.

Khủng hoảng như cơn đau tràn bờ thao thiết. Đời  luôn chấm lửng những rưng rức khóc cười…



Dưới  đáy sâu của đêm

Đêm đổ nhào cơn đói. Mãi đánh vật với nỗi sợ hãi tôi chẳng màng bỏ bất cứ thứ gì vào miệng. Cái đói như đình công chỉ còn lại nỗi xâm xoàng, căng thẳng. Bồn chồn trên chiếc ghế trong phòng đợi bệnh viện. Hồn tôi như đang ở một góc trời cô quạnh, đầy bất an.

Nhà thương hàng đầu của xứ đảo mà vẫn chẳng thể khá hơn tiêu chuẩn của một trạm xá cấp cứu.  Tôi rủa thầm rồi chìa ra tấm thẻ nhựa cho ả nhân viên văn phòng. $4000 đóng trước lệ phí bệnh viện. Đủ an bài một số phận. Ở một xứ sở, người nghèo khó sẽ tự hủy diệt mình trong nỗ lực tuyệt vọng của định mệnh. Tôi nghiệm ra mãnh lực vô song của đồng tiền có thể mua được sinh mệnh. Không tiền. Bất lực vẫn chỉ là bất lực. 
Dr. Mark. từ phòng cấp cứu trở ra, vẻ mặt đầy căng thẳng, “Chồng bà, vừa trải qua một cơn truỵ tim kịch liệt.  Thường, những trường hợp nạn nhân bị heart attack tấn công khó thể vượt quá sáu giờ đồng hồ đầu tiên. Ông nhà là người may mắn, những người lớn tuổi hơn có thể đã khó vượt qua được cơn giông tố sinh mệnh này.”

“Vâng, thưa bác sĩ. Tôi chỉ muốn biết tình trạng của chồng tôi hiện giờ?”  Tôi nghe tim mình lẩy bẩy.
“48 đến 72 giờ đồng hồ sau.  Chúng ta có thể khao mừng!” Áo blouse trắng kết thúc bằng cái vỗ vai đầy trấn an, “He’s in a good hands.”


“Khu cấp cứu”  chỉ là căn phòng hẹp với hai dãy giường đối diện, ranh giới mỗi giường bệnh là một tấm liếp mong manh. 

Đã như chẳng gặp anh hằng thế kỷ,  nỗi buồn tôi nhăn nhúm. Bàn tay tôi run rẩy lần tìm những ngón tay anh. Những ngón tay lạnh buốt như đang trốn dần sự sống. Tôi gắng không để cảm giác đau đớn cuốn xiết mình. Dung dịch nước biển ứa theo sợi dây truyền tĩnh mạch - những ngón tay anh gần nhưng xa ngút ngàn trong khoảnh khắc kề bên. Tôi áp trán vào cánh tay chồng, mặc cho nước mắt đầm đìa. Anh vẫn như một cái xác dính trên mặt giường. Vẫn lặng thinh, như một ranh giới phân biệt giữa tôi và chiếc bóng. Như âm –dương cố nối tròn bi kịch.

Đêm đầu tiên, nỗi đau bó gối trên chiếc ghế nhỏ bên cạnh giường bệnh. Tôi chờ từng cơn lạnh đi qua. Trong im lặng ứ đầy tuyệt vọng. Từng khoảnh khắc, nỗi lo âu chẳng biết đổ về đâu. Tôi muốn chạy khỏi nỗi ám ảnh từng đêm, ngày, từng khoảnh khắc. Đêm bệnh viện, dật dờ giữa những tiếng rên, ré, mớ. Tiếng khóc thét của một đứa bé bị hóc xương cá. Âm thanh rên rỉ của một bệnh nhân vừa bị xe cán gãy chân. Những âm thanh u ám của một thế giới mất màu. Bưng bít. Tôi đang gắng dỗ sự bình tâm, gắng gồng mình qua truông ải. Tôi thiếp bặt giữa cơn đau lấp lửng… 

5 giờ sáng, tôi bị “đuổi” ra ngoài phòng chờ. Cổ họng khô khốc, tôi tìm một góc xó, gục đầu trên cái balô. 

“Bà cần tìm cho mình một chỗ nghỉ qua đêm. Bệnh viện không cho phép thân nhân ngủ lại. Đêm qua, là một ngoại lệ.” Quản đốc của bệnh viện nhìn tôi ái ngại.  

“Tôi chẳng biết về đâu.  Chỉ muốn được  gần bên chồng tôi trong những giờ phút sinh tử này,” tôi nói qua hàng nước mắt.  Cảm giác kinh khiếp sự cô đơn trên xứ người. Tôi chẳng thiết tha mọi thứ trên đời.  Tôi chỉ cần anh SỐNG!  

Cái đói trở lại dằn vặt. Đã hơn một ngày tôi khước từ mọi thứ. Cuộc đời và bóng tối, trong trái tim tôi giờ đây là nỗi u uẩn day dứt. Tôi đếm thời gian bằng con số, như trẻ thơ học đếm.  Tôi chờ anh ở con số 72- con số may mắn của định mệnh. Trong cơn thao thiếp, tôi nghe lời gọi của người y tá trực, “Bà Hanna, chồng bà đã tỉnh dậy. Và cần gặp bà LIỀN!” 



Tỉnh thức của hôn mê


Anh nhìn tôi - ánh mắt như cam chịu những đớn đau ngập ngụa sau cơn sinh tử. Những ngón tay gầy guộc siết chặt bàn tay tôi, “Honey, em đây rồi!”

Tôi nuốt ngược những giọt nước mắt. Những ngày sống với sự trông đợi trái tim anh hồi sinh. Trong vô tận, mọi đau khổ đều thốt ra với một cái tên. Tôi gắng tin vào cuộc đời, tất cả bi kịch đều kết thúc với một kết cuộc hạnh phúc. 

“Em trông tiều tụy quá!” ánh mắt anh lộ vẻ hốt hoảng.  

“Em không sao mà,” tôi gắng ương ngạnh chỉ để chống chỏi với một nỗi căng thẳng cùng cực. Tôi nhích lại gần anh, tìm lại hơi ấm trong đôi bàn tay lạnh lẽo. Tôi và anh - tay  vẫn níu không rời, như sợ mỗi ngả một bàn chân bước. Chỉ vài câu đối thoại ngắn ngủi, rồi anh lại ngầy ngật, ngày đêm mê man.

Dr Mark gọi riêng, “Tôi thực sự tự hào về liều lượng chính xác. Và đã cứu được trái tim ông nhà.” Ông nhấn mạnh ở cụm từ “liều lượng chính xác,” đầy vẻ hãnh diện. “Áp suất máu, nhịp tim đang dần ổn định. Kết quả hơn sức tôi mong đợi. Ông là bệnh nhân có trái tim quả cảm. Và ý chí quyết sống.” Ông nhìn tôi, như đong lượng nỗi vui mừng long lanh trên khoé mắt của một người vợ  tha phương.

“Tôi thành thực biết ơn bác sĩ đã cứu mạng chồng tôi,” chầm ôm lấy ông, tôi rưng rức trong niềm vui và hy vọng… 


“Tôi  nhìn tôi trong gương”


Căn phòng tuyền một màu gam đen ngạt thở, ngay cả bụi bặm cũng phủ một lớp âm khí. Trong căn phòng bệnh viện hoang phế này, có mùi của sự chết. Đêm như ngậm những bức tường ẩm tối. Giấc ngủ vẫn khước từ tôi. Tôi thức dậy bước quanh phòng, gắng tống khứ những u uẩn ra khỏi tâm tưởng. 

Cái bàn chải ậm ừ trong miệng. Tôi lắng nghe tiếng giọt rỏ trong bồn rửa mặt. Tôi nhìn người đàn bà qua lớp gương mờ - tái nhợt như một cái xác chết di động. Gương mặt người đàn bà còn tinh tươm những trăn trở, héo úa. Cơn hoảng loạn còn in sâu vào đồng tử, nó trao tráo như mắt của một con cá đang mắc vào chiếc lao móc.

Bộ quần áo vẫn tự ái âm ẩm suốt hàng giờ trên cánh cửa phòng tắm. Nỗi lo buồn chẳng biết máng vào đâu. Tôi lấy cái áo trong balô, chui tọt trong cánh áo rộng thùng của chồng. Nước mắt chực ứa, một nỗi buồn thênh thang, khập khễnh đến khốn cùng. 
Tôi gắng vững đôi chân sau cơn chấn động, cảm giác như đang chịu đựng một bản án lưu đày, tận cùng nỗi cô độc. Trong đêm tối hay ánh sáng - chỉ mình tôi - mù lòa với số mệnh. Tôi chờ đợi một điều gì đó mà tôi đã không còn ý thức. Nó đã đến hay chưa qua? 

Lũ chuột động cỡn suốt khuya, phiên chợ muỗi đen nghịt nhưng chỉ bấu víu ngoài cánh mùng.  Tấm vải mùng phơ phất như một cái rèm cửa trên chiếc nệm giường bệnh nhân xơ xác. Và cả những giấc ngủ cũng mê phủ ám đầy ác mộng… 

Tôi lên giường, cố dỗ lại giấc ngủ trong cơn đói  dằn vặt. Tôi mơ về những “bữa cỗ” thịnh soạn ở khách sạn. Mùi thịt trừu nướng, những miếng beef steak mềm tan trong miệng; những miếng dăm bông ngầy ngậy kèm với pho mát. Những đĩa trái cây mát lạnh đầy hương vị nhiệt đới. Những chiếc bánh kem tráng miệng đầy dụ dỗ. Rượu sóng sánh, ly café sớm dậy mùi hương bản xứ… Tôi đã sống trong một thế giới với những phút giây tuyệt vời. Và cả với những phút giây bi thảm tận cùng. 

Ở dưới đáy âm ty, tôi mơ về giấc mơ thiên đàng. 



Y tá chích thuốc. Anh than, “Y tá một ngày chích nhẹ, sáu ngày chích đau.” Tôi xốn xang nhìn cơ thể anh gầy rộc, cánh tay chằng chịt dấu kim đâm. Bộ râu lùm sùm như cái sân cỏ hoang của nhà hàng xóm. Tôi quay mặt, gắng giấu những giọt thút thít.  

“Ah, hôm nay em mặc áo của anh trông cute, honey.” Anh cười ấm áp.

“Mang theo toàn là đồ đi biển mỏng manh.  Đồ giặt mấy ngày tự ái không chịu khô, may mà có cái áo rộng thùng của anh để che thân.” Tôi cợt đùa.

Anh vẻ như rất đói. Dr Mark dạo ngang, nhắc nhở, “Andy, đừng nên ăn quá nhiều, nguy hiểm!” Lời cảnh báo tựa chiếc xe đang ngon trớn bỗng thắng gấp. Anh bỏ nĩa, đẩy đĩa thức ăn sang tôi, “Em ăn giùm anh đi honey.” 

Dr. Mark đến bên giường, nheo mắt hóm hỉnh,  “Chuẩn bị dạo mát chứ, Andy?”

Hơn mấy chục giờ đồng hồ bị bó buộc bởi cơn đau, nỗi khổ cũng chật cứng như chu vi chiếc giường bệnh. Cặp cẳng anh lẩy bẩy, chập chững như những bước chân của đứa trẻ mới tập đi. Dr. Mark gọi nó là “baby step”.

“Khá tốt rồi, ông sẽ phải tập đi 10 phút, mỗi ngày 2 lần,” Dr. Mark gật gù hài lòng. “Tình trạng sức khỏe ông đã khá khả quan, tôi có thể tin tưởng để giao ông nhà lại cho bác sĩ John. Tôi cần vài ngày phép để về thăm gia đình.”
Những đợt sóng của hạnh phúc lẫn đớn đau tràn qua tôi. Tôi quay mặt đi, chỉ sợ mình bật khóc. 



Tôi gắng giũ sạch mọi sợ hãi, cảm giác mình đang sống trong một đời sống khác biệt. Đời sống của những ống Morphine, những chai nước biển trong vắt nhỏ giọt trên mỗi đầu giường- từng giọt tăm sủi đều đặn.  Cuộc sống của tôi giờ đây- tiết chế và run rẩy. Tôi gắng để lại sau lưng những hốt hoảng với nỗi buồn trĩu mắt. Tôi và anh, dẫu ở hai thái cực hoàn toàn khập khễnh nhưng cùng đối mặt với nỗi cô độc tận cùng. Tôi nhìn đời đầy thất vọng nhưng chưa mất hẳn niềm tin. Và gắng chối bỏ những chịu đựng của cuộc sống để không chìm vào nỗi tuyệt vọng.  

Dr. Mark đã trở về Mỹ để dành kỳ nghỉ với gia đình. Ông cũng bị cuốn đi trong nỗi khát vọng cứu sống anh. Và ông đã thành công. Dẫu vậy, cái thân nhiệt yếu ớt của anh vẫn chưa đem lại cho tôi cảm giác an bình. Cuộc chiến chống thần chết vẫn để lại trong tôi những dư chấn đầy kinh hoàng. Thật sâu trong im lặng của bốn bức tường. Tôi nhìn cái Chết thấu suốt. 

Anh tỉnh dậy, đầy mỏi mệt. Sự mỏi mệt của kẻ được sống đến tận giờ phút này. Bailey, m ột gã bản xứ  đã mang về cho anh một đôi vớ. Tôi vui mừng xỏ vào bàn chân anh đôi bít tất mỏng manh như cánh lá. Anh vẫn chập chững trên đôi chân yếu gầy. 10 phút tập đi thậm thượt và đầy khó nhọc. 

“Chỗ nào em ngồi chờ anh, anh muốn biết honey,” anh nhìn tôi chờ đợi.

Tôi dìu anh ra phòng chờ, chỉ tay vào mấy cái ghế gỗ trong góc phòng, nơi mỗi ngày tôi ngồi chuyện trò với cái đầu gối của mình,“Em ngồi ở đó hằng giờ chờ anh thức dậy mỗi ngày. Có khi ngủ gục luôn.” 

 “ Còn cái phòng em ngủ mỗi tối, ở đâu?” Ánh nhìn anh dường như đau nhói.

“Ồ, nó nằm lẻ loi dưới căn hầm của bệnh viện, ” tôi vờ thản nhiên như chuyện chẳng có gì.  Tôi thực tâm chẳng muốn diễn đạt sự khủng hoảng khi mỗi đêm phải đối diện với nỗi  sợ hãi và cô độc. Thời gian như đóng cứng giữa bốn bức tường, nơi ấy mỗi khuya, những giọt nước mắt còn lăn trên gối, thấm xuống âm thầm…
Khuôn mặt anh, tuyệt nhiên như bất động trong khoảnh khắc, anh thốt lời, “Tội nghiệp em quá!”


Wi-Fi, chiếc phao trên biển cô đơn

Bầu trời xám xịt đè nặng trên những mái nhà, vỉa hè, cây cối.  Sấm, chớp co thắt rền rĩ. Những bộ râu xồm xoàm đứng tựa người trên những bức tường nhăn nhở. Vài cái đầu bù xù ló ra từ những cửa sổ của dãy nhà  hoen ố. Mùi hăng của nước tiểu. Tiếng mèo kêu từng chập trên những ngôi nhà thủng mái. Chiếc dép giẫm phải một xác chuột, gầy guộc dưới bộ lông xám; tôi giật mình, ngước nhìn một con chó vằn vệt mũi đang nghếch về hướng mùi chuột chết. 

Một nỗi sợ hãi nặng nề, ngột ngạt. Tôi siết chặt cái balô, gắng duỗi hơi thở trên mỗi bước chân hoang mang. Tôi giấu nỗi sợ vào những lời cầu nguyện. Cảnh vật lạc lõng, con đường bụi đất cứ mù mờ những ngõ rẽ ngoặt. Trên vỉa hè, quần tụ những chiếc quần áo lót sặc sỡ trên những dây phơi, lấp ló những khuôn mặt đàn bà bản xứ mốc thếch. Tim loạn nhịp, tôi cúi gằm, tránh những tia lạnh lùng ném vào mình. 

“Kia rồi, cái tiệm tạp hóa,” tôi lầm bầm, gắng dứt mình khỏi những lo sợ triền miên. Cơn khát chẳng làm tôi nghĩ đến bình nước cam chua lè. Tôi nhìn quanh, cũng chẳng có gì để nhét vào cơn đói ngoài vài cái bánh vàng nghệ beef patties, loại bánh nướng quai vạc đặc sản của Jamaica.  Tôi dừng ở cái thẩu kẹo, cốt kiếm sự bình tâm trong vốc kẹo đủ màu. Lục tung cả cái tiệm tạp hóa vẫn chưa  thể tìm ra một đôi vớ cho anh.“Bà chỉ có thể tìm mua vớ ở dưới phố. Tiệm tạp hóa không bán những thứ này.” Nàng thu ngân, tóc bím, môi dầy, mắt kẻ viền đen thui như chẳng có vị ngọt ngào nào ở đầu lưỡi. Tôi như con mèo cụp đuôi, trả tiền vài thứ lặt vặt rồi lủi thủi bước ra ngoài. Ngày xám xỉn. Cơn mưa đang nhàu nát sau bức tường đổ. Tôi nép vào mé hiên bẩn thỉu, chăm chăm vào một con chó con sũng ướt đang gặm khúc xương nham nhở trong vũng bùn cạn. Mùi cống khăm khẳm xú khí. Giữa trần trụi, tôi nhìn đời bằng con mắt hoang mang. Trời mưa. Tôi mang nước mắt làm mưa xứ người…

Tôi bước vào  một quán nhỏ, rụt rè.  Trong góc quán, một người đàn ông ngồi cúi gằm, gí mắt vào trang báo.  Một ả bản xứ đầy đầu tóc bím, sáng bừng trong trang phục diêm dúa. Vài gã non choẹt da đồng bóng lưỡng, thư thả nhả khói bên ly café… Những con mắt, vẻ như giấu khuất nhưng thầm quan sát sự trơ trọi của một người đàn bà Á Đông- đã thử thám hiểm vào một vùng đất lạ. Một gương mặt không địa chỉ, giấu đôi mắt dưới một cặp mắt kiếng đen thui. Tôi gắng ra vẻ thật bình thản, nhìn thật… ngầu đời!

So với những ngõ hẻm khu nhà ổ chuột tăm tối, cái quán lạ lẫm với phong cách thiết kế có hơi đặc thù. Tôi nhìn kệ rượu thẳng tắp trên bức tường, ngỡ mình lầm lạc vào một quán bar nào đó. Tiếng nhạc bùm bụp phát ra từ một “dàn” âm thanh của cái máy computer. Cô hàng cà phê- một tảng mỡ núng nẩy ở bụng- bộ mông đồ sộ đang lắc lư theo điệu nhạc xập xình trên youtube. 

Sự cấp thiết của những cú phone về phía bên kia đại dương. Tín hiệu wifi- chiếc phao trên biển cô đơn- với tôi giờ đây là một cứu cánh. 

Bên ngoài, vài tia chớp trắng xóa như tia hy vọng cũng đang lóe lên trong tôi, “ Vậy là có tín hiệu wifi để gọi về nhà rồi! ”


Một biến khúc tím

Tiếng còi xe cấp cứu nấc lên từng hồi.  Những đôi giày giẫm đạp ầm ầm trong hành lang hẹp. Trên cái băng ca, nạn nhân như con thú bị thương đang vùng vằng điên dại. Sàn nhà loang lổ những vết máu nhơm nhớp. Trong ánh sáng lạnh mờ, gương mặt của gã đàn ông mang sắc màu tăm tối như không còn sức sống. Một người đàn bà, vẻ như là thân nhân của người bị nạn, trông thô lỗ và đáng sợ trên đôi giày gót nhọn, bước sải sầm sầm vào khu phòng cấp cứu.

Mỏi mệt, tôi nghiêng đầu trên cái ghế gỗ cạnh giường bệnh. Cảm giác như nặng trĩu vào một thế giới đầy những âm thanh của nỗi ám ảnh thường trực, lắm lúc đến mức ngộp thở. Anh vẫn thiếp đi trong cơn đau vô biên trên giường bệnh. Ngày qua dài, giờ phút chở nỗi lo âu từng lượt. 

Thần chết, đang choảng từng cú kinh người trên từng số phận…  

Cả ca trực, huy động hết thảy đội ngũ từ y tá cấp một đến tập sự cũng chỉ đếm chưa đầy một bàn tay. Và thường thì chỉ duy nhất một bác sĩ trực. Khu cấp cứu cả thẩy năm cái giường bệnh. Nhân viên, đa số là phụ nữ. Tên gọi của bệnh viện nghe đầy vẻ lạc quan, “Mobay Hope Hospital”. Song đó chỉ là một bệnh viện tư thuộc bậc thường nhất ở Jamaica, tiêu chuẩn chỉ như một cái trạm xá tỉnh lẻ. 

Nurse Linda, đo nhiệt độ bệnh nhân bằng cái nhiệt kế kẹp nách. Cô nàng y tá, chưa bao giờ đủ kiên nhẫn để chờ nghe âm thanh kết thúc của tiếng beep beep. Thường, cái nhiệt kế luôn bị quên lãng dưới những cặp cánh gà của mấy bệnh nhân. 

“Cái nhiệt kế của tôi đâu rồi?” Cô nàng, nhíu đôi lông mày tỉa cong, rồi nhấc liền cái cánh gà của anh lên,  “Lạ thật? Nó biến đâu mất tiêu.” Cô nàng lầm bầm, rồi nguây nguẩy bước đi. 

Anh lừ đừ, “Nó ở đâu đó thôi. Em tìm thử giùm anh, honey”. 

Tôi lặp lại động tác của cô y tá. Bồi thêm cái đẩy nghiêng người. “Đây rồi,” tôi khó thể nín cười. Cái nhiệt kế đang nằm chơ vơ dưới bờ… mông héo úa của chàng.

Nurse Linda trở lại, “Chúa ơi, vậy là tôi lại bỏ quên trong nách ông nữa rồi,” cô nàng lắc lắc cái đầu, giả lả. Tôi nhìn những lọn tóc uốn, vô hồn như tờ giấy khô queo.  

“Anh sẽ khoẻ lại, bác sĩ John vừa tái khám, hứa sẽ cho phép anh xuất viện ngày mai, hay trễ nhất là ngày mốt. Và mình sẽ phải ở lại khách sạn hai ngày để họ tiếp tục theo dõi bệnh trạng của anh trước khi cho phép anh lên máy bay.” Anh chấm hết câu, đầy phấn chấn.

Tôi nghe vực dậy một nỗi vui mừng khó tả. 



“Lão bà bà”, thân hình cứ như bẹp gí dưới lớp chăn mỏng manh. Cụ bà đã thôi tiện tay dứt bỏ những cái tiêm truyền nước biển hay những viên thuốc xuống sàn nhà. Anh kể, có đêm bàn chân bà đánh nhịp, tuy yếu ớt cũng đủ kẽo kẹt chiếc giường lò xo. Bà kể chuyện mình, một buổi sớm ở nhà, vừa bước xuống giường, cảm giác bên hông tê cứng, rồi té ngã vào một góc phòng như một con búp bê bị vứt xó. Bà cụ, như chỉ muốn chia sẻ nỗi đau của mình, “Người già, càng ít nói hơn khi nhích đến gần hơn với cái chết, nhưng tôi cảm thấy hơi mất kiên nhẫn, và xấu hổ với mình. Bởi Thượng đế bao giờ cũng cho mình đủ nghị lực để chịu đựng…” Trên gương mặt nhăn nhúm, nước da bạc màu áo gối, đôi mắt bà như ráo hoảnh.

Những ẩn ý về cái chết vẫn ve vãn và nheo mắt ý nhị. Cả sự sáng suốt, có khi cũng chỉ  nhìn thấy tất cả toàn một màu đen. Tôi trầm ngâm nhìn vào khoảng không, tính nhẩm số ngày anh nằm trên giường bệnh.

“Chỉ có đá mới không cần được chôn cất khi chết,” bà cụ nhìn tôi.  Nụ cười như nụ khóc.




Chẳng thể chợp mắt, suốt đêm, tôi lảng vảng trên phòng chờ, chỉ mong được nhìn thấy anh. Bên ngoài, trời nóng đến mụ người. Tôi cần ra ngoài để gọi phone và mua vài thứ lặt vặt. Anh nắm tay tôi lo ngại, như chạm vào sự vắng mặt của tôi, anh chẳng thể bình tâm. Tôi hôn anh trấn an, rồi vác cái balô quay bước. 

Trời nóng hầm hập. Những cái mái tôn như muốn đổ sụm dưới sức nóng. Cơn mưa còn lại đọng trên vũng nước bẩn đầy muỗi mòng. Một lũ trẻ con òi ọp đen đủi, có đứa bụng ỏng, còn cả vệt nước tiểu chảy dài trên đôi cẳng tong teo. Đàn gà đang bươi mổ ở bãi đất cạnh đám trẻ với một sự khoái khẩu câm lặng. Những hàng cây đổ lá, ném vào lòng tôi những trái tim xa lạ…  

Cô hàng thâu ngân quán tạp phẩm, dường như đã dần quen với khuôn mặt của người khách lạ, cư xử với tôi có đôi chút nhã nhặn hơn. Trên đường về, tôi dừng lại ở quán café “Hummingbird”. Khách ngồi đồng, mỗi người vẻ như hoàn toàn hài lòng với sự im lặng.  Cô hàng café, luôn thường trực với chiếc khăn quàng sặc sỡ quanh đầu một cách kỹ lưỡng, khiến tôi có cảm tưởng như người ta đang gói một bó hoa. Cặp lông mày đậm đà nét bút chì, hai mắt nằm xa cách, mí mắt thâm quầng như bị cú đấm vào mặt. 

Tôi gọi vài cú phone cần thiết về nhà. Mấy cái thẻ nhựa đang dần kiệt quệ. Nỗi lo tăng dần theo cấp số nhân. Những cố gắng tuyệt vọng khi kề cận nỗi sinh tử làm tôi đuối sức. Tôi gắng không để niềm tin thui chột. Ly café như trộn lẫn nỗi cô độc. Đôi chân tôi vội vã bước sau tiếng off máy...



Cuối tuần, bệnh viện vắng bặt những chiếc áo blouse trắng. Ban đêm, thường chỉ có hai y tá trực. Ngày nay, một nhóm thực tập viên y khoa, trong bộ đồng phục đầm sọc, áo cánh ngắn, nơ gài cổ, tươm tất như những học sinh tư thục. Sự chỉn chu như một biểu tượng lỗi thời.  Những cái đầu bím cắm cúi ghi nhận, xì xào. Những cặp mắt đầy vẻ khám xét trên thân thể của người bệnh.  May Rủi. Bệnh tật và Nghèo đói- một dạng thức thật đơn giản ở cái xứ sở chỉ thích hợp với những kẻ đếm từng xu trên sinh mạng của con người. Những kẻ vô tâm trước những đôi chân mất thăng bằng trên xứ lạ.

Khi tử sinh thách thức mọi đối mặt, tôi đối kề với những đong và đếm. Gạt và lường. Ở một xứ sở mà người ta sống, ngồi trong dối trá và bất hạnh. Đồng tiền trở thành lá bùa của định mệnh. Sự truyền máu được thực hiện từ túi này sang túi khác!

Khi tôi về đến, y tá đã chuyển phòng anh sang căn phòng khác. Anh đón tôi với ánh mắt vui mừng, “Em đi lâu, anh lo quá. Họ chuyển anh sang phòng này là có thể anh sẽ được xuất viện sớm hơn dự tính. Mình có thể ‘ăn mừng’ sức khỏe ở một cái hotel nào đó gần biển để chờ ngày lên máy bay.” 

Tôi hôn nhẹ lên gương mặt xăm xỉa râu ria của chồng, trái tim lăn tăn niềm hạnh phúc.

Và chỉ mươi phút sau. Nốc nước cam chảy quá nhanh xuống cằm anh, cánh tay anh chợt lẩy bẩy. Tôi chùi miệng anh bằng cái khăn tay.  

“Honey ơi, anh cảm thấy lạnh quá!” ánh nhìn anh chợt nhiên thảng thốt. Tôi quẳng cái khăn tay, ôm siết anh lo ngại. 

“Anh có sao không, honey. Anh làm em lo quá!” Dự báo của nỗi bất an chợt làm tôi run rẩy. 

“Em nằm lên người anh, ôm thật chặt lấy anh đi,” môi anh mấp máy, khẩn khoản. 

Trống ngực tôi như hụt hơi.  Cảm giác đang bị truy đuổi bởi nỗi sợ hãi. Tôi ôm siết anh như muốn nghẹt thở. Trên màn hình monitor, áp suất máu giảm đột ngột, nhịp tim anh hoảng loạn. Môi, da dần thay màu xám xịt. Cả thân người anh như một chiếc bóng động kinh nhảy trên giường. 

Tôi nhấn cái nút cấp cứu. Mấy cái áo xanh ùa vào, lớ ngớ. Vài cú phone (có lẽ gọi bác sĩ) để giải quyết một tình trạng cấp thời. Ống dưỡng khí chụp lại trên mặt anh. Họ đẩy anh trở về khu cấp cứu. Như điềm báo của một cơn ác mộng về số phận. Cái nhìn anh hướng về tôi, đầy hốt hoảng, trăn trối.  Đôi chân tôi như muốn quỵ ngã xuống sàn nhà. Sự đau đớn đang đi từ ký ức đến sự thật.

“Bà cần trả thêm tiền chi phí của bệnh viện, LIỀN,” một cặp mắt trân trân vào tôi bằng một ánh nhìn vô cảm- một gương mặt không dính liền với một con người.

“Các người có còn chút lương tâm không? Hay có đủ kiên nhẫn để tôi bình tâm mà ném vào mặt các người cái thẻ nhựa này đây”, tôi nói như gào. 

Tôi chạy vào restroom, gục đầu trong cái bồn cầu, nôn thốc tháo. Sự cuồng nộ tích tụ với một cảm xúc khủng khiếp. Những áp chế, hủy hoại, đau đớn, khủng hoảng, và cả nỗi giận dữ… 

Tôi oằn người xuống sàn nhà. Vật vã trong từng cơn khóc.  






Ác mộng vẫn còn là…


Anh thức giấc với một nỗi buồn trĩu mắt.  Nỗi buồn sâu thẳm toát lên từ khuôn mặt, từ ánh mắt vô vọng. Anh lặng lẽ và xanh xao. Trái tim trong cơ thể gầy yếu vẫn cuồng nộ những nhịp đập bất thường.

Cuộc chiến đấu chống thần chết bắt đầu. Cuộc sống vẫn đang ở trong anh, nhỏ như một cái gai, nhưng dẫu sao cũng là một cái gai…

Tôi khước từ căn phòng lạnh lẽo dưới tầng hầm bệnh viện để kề cận bên anh suốt 24 giờ đồng hồ. Căn phòng với bốn bức vách co lại như một cỗ áo quan đầy những ám ảnh hiu quạnh. Trái tim  tôi  giờ đây, mơ hồ cảm giác của sự mất mát đang dần lởn vởn. Đau khổ và hạnh phúc là những bí ẩn chẳng bao giờ như nhau.

“Anh có sao không, honey?” Tôi nhìn sâu vào mắt anh, và nhận ra rằng anh dường như chẳng muốn nói lên những gì cần phải nói.  Hơi thở anh khò khè, lục bục như người mang chứng bệnh viêm phổi. Tôi siết nhẹ bàn tay anh. Cảm giác đau nhói từ ánh nhìn tuyệt vọng. 

“ Em đã cứu anh thêm một lần nữa, honey.” Anh nói như khóc. Ánh mắt anh chạm vào hồn tôi. Anh chẳng thể hiểu, chính anh là người tự cứu lấy mình, khi chưa cạn kiệt sức vật lộn với cái chết.

 “Anh chỉ sợ bỏ em lại một mình. Chẳng biết em sẽ ra sao trên xứ người. Tội nghiệp em.”  Giọng anh như thổn thức với chính mình.

“Anh sẽ qua khỏi, mình sẽ về nhà mà, honey.” Tôi  hít một hơi thở sâu, gắng tìm kiếm sự bình tâm từ những đau đớn. Tôi dợm đứng dậy, định đi lấy một ly nước. 

“Honey, đừng bỏ anh một mình,”  ánh mắt anh như nài khẩn, những ngón tay tím tái như bấu víu vào cánh tay tôi.  Tôi nghe tim mình nghẹn thắt. 

“Em sẽ ở đây với anh suốt ngày đêm,” tôi chỉ cái ghế cạnh bên giường. Anh mỉm cười. Rồi nhắm mắt, trôi vào cơn mơ…



“Lão bà bà” ở giường láng giềng đang than van về chứng bệnh cườm mắt của mình, “Chúa khỉ, một mắt tôi kéo mây xám, mắt kia thì lại kéo mây xanh.” Cái bộ dạng lọt thỏm trên cái ghế xe lăn, bộ đầm với chất liệu chẳng còn tồn tại trên trái đất, trông cứ như lớp bụi phấn mỏng phủ lên một thân thể nhàu nhĩ.

Cô nàng y tá bận bịu phụ bà thay trả lại bộ đồ của bệnh viện, chỉ ậm ừ qua loa. Xong, nàng  đẩy vội cái xe lăn, vừa hát âm ử.

Bà cụ vẫy tay chào tôi, cái nheo mắt hóm hỉnh thay lời tạm biệt, “Cầu cho ông nhà bình an, tôi sẽ là người đau khổ nếu có điều gì  xảy đến, dù chỉ là một cọng tóc trên đầu ông ấy.”

Tôi đáp lời chúc của bà cụ bằng cái gật chào chân tình rồi liếc qua cái đầu bóng nhưỡng của chồng, mấy cọng tóc đang bắt đầu đâm chồi. Tôi nhìn  dung nhan mình trong cái iPhone, ấn nhẹ tay lên đôi mí mắt sưng húp. 
Anh có lẽ là bệnh nhân duy nhất, còn rớt lại giữa chốn địa ngục này. Tôi gắng ghì môi, bóp nghẹn những tiếng nấc, cố cho mình đừng gãy gập, nổ tung. 




Qua mi mắt tôi, mặt trời đỏ rực. Tiếng vồn vập của những đợt sóng và âm thanh ồn ào của đời sống lẫn vào nhau. Tôi mở mắt. Những cơn sóng đã biến mất. Không còn đại dương và những cánh hải âu. Trước mắt tôi, cơn động kinh đang trở lại gõ cửa anh dồn dập.   

Bầu không khí run rẩy đến ngộp thở. Nỗi sợ hãi chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Giá như, tôi  có thể tống khứ những tiếng la bị kìm hãm trong cơn hỗn loạn.

“Honey ơi, anh không muốn bỏ lại em một mình,” tia mắt anh như trăn trối. Hoảng loạn.  Chất ngất những đau đớn. Tôi nhìn thấy cái chết trong mắt anh. 

“KHÔNG! Anh phải sống với em.  Mình sẽ về nhà mà.” Tôi rền rĩ  với nỗi khiếp sợ trong cổ họng.  Niềm tuyệt vọng như nuốt chửng tôi. Tất cả, đều như quá sức chịu đựng. Tôi gắng  kiềm chế mình trên đôi chân lẩy bẩy. Gắng giữ một  gương mặt điềm tĩnh đến kiên cường. Vì anh, tôi chẳng thể đầu hàng trước số phận.   

Đêm  bệnh viện vắng lạnh. Tôi như nghe hơi thở đè nặng. Không phải cơn đói mà sự đau đớn đang giết chết tôi. Tôi đánh vần từng chữ của từ khổ đau với sức căng bật của thần kinh.  Bất lực và đơn độc. Tôi cảm thấy mọi thứ. Nhìn thấy mọi điều trong cái  thân xác héo rũ cùng nỗi kinh hoàng.

Y tá trực, sau cái nút nhấn cấp cứu, cô nàng  vẫn thủng thẳng quẹt son lên cặp môi dày,  rồi kẹp nách cái cuốn sổ  ghi chép “nhiệt độ”, đủng đỉnh đến bên giường bệnh nhân. Áo xanh lại hời hợt liếc lên cái monitor, rồi cúi xuống ghi ghi, chép chép. Cô nàng đang chuẩn bị mang cặp cánh gà của anh ra cặp nhiệt. Tôi ngán ngẩm quan sát mọi thao thác của cô nàng y tá tập sự, trông lọng cọng như cọng rau muống! 

Cuối tuần, không cả bác sĩ trực.  Đêm bệnh viện, chỉ còn lại ba cái bóng hiu hắt. Tôi cảm giác lao đao giữa cơn khủng hoảng tuyệt vọng. Chuyện gì sẽ xảy ra ở cái hỏa ngục này?

“Bà có tin ở Chúa không? Hãy cầu nguyện đi!”  Giọng nói sắc lạnh của ả y tá, như quá thừa tự tin về sự quyết đoán một số phận. Họ nhìn anh như một con thú đang dần hoi hóp trước số mệnh.Thật khó thể hiểu, gương mặt với một ý thức vô cảm, lại hiện hữu dưới lớp áo xanh này.

“Tôi sống có đức tin, nhưng tôi không tin vào lương tâm đạo đức của các người!” Tôi đang nói  với một hình khối không linh hồn. 

!


Cuộc điện đàm hồi sinh

Tôi linh cảm số mệnh đang lên án mình trước bức màn tăm tối. Những lo âu vẫn còn nguyên vẹn. Sớm ngày sau,  tôi nhấn số gọi Tòa đại sứ Mỹ ở Jamaica. 

“Tôi cần được giúp đỡ. Chồng tôi đang trong tình trạng nguy kịch, ” tôi nghe giọng mình run rẩy khi tường thuật lại mọi diễn tiến sự việc.  

“Chúng tôi có dịch vụ chuyên chở bằng máy bay cứu thương. Họ đã chuyển thương một phụ nữ về đến bệnh viện ở Mỹ cách đây vài ngày. Chúng tôi có dịch vụ chuyên nghiệp đảm nhận công việc này,” giọng đàn ông bên đường dây kia đầy vẻ thông cảm và thuyết phục.

“Xin ông cho tôi biết thêm chi tiết,” con tim tôi như hồi sinh. Một chiếc máy bay chuyển thương từ Jamaica về Mỹ - một niềm hy vọng đang chấp chới? Trời ạ!  Tôi đã chẳng nghĩ đến điều này trong những ngày đầy căng thẳng và tuyệt vọng. 

Tôi thiếp ngủ trong một thân xác, nặng như chì, một thân xác hút lấy giấc ngủ như thể một  cội cây bị bỏ quên hút lấy tinh sương. Tôi cần sống, cần nghị lực  để chống chọi với những cơn giông bão đang hồi tơi tả. 
Tôi mở mắt, nghe hơi thở anh mệt nhọc trên điện thoại. Người điều phối của dịch vụ Máy bay Cứu thương Air ambulance gọi đến, họ chỉ muốn thương lượng với bệnh nhân. Thật may mắn, anh vẫn còn đủ  tỉnh táo, “ Vâng, tôi đã 3 lần suýt chết. Ở đây, tôi đã không được đối xử tử tế như một bệnh nhân.  Xin cứu tôi khỏi nơi đây, tôi không muốn bỏ mạng ở cái xứ sở này…”  

Lồng ngực tôi đánh lô tô. Giọng anh, như một nốt thăng phấn kích giữa cơn tuyệt vọng, “Họ đang tiến hành thủ tục, trong vòng 24 tiếng đồng hồ nữa, mình sẽ ‘thoát’ khỏi cái địa ngục  trần gian này!”  



Giờ khắc trôi qua thật chậm rãi. Trên giường bệnh, sự đuối sức đã làm anh mệt mỏi và chẳng lưu tâm đến những gì đang diễn ra. Anh nằm, nghiêng phía bên tim. Hơi thở nhẹ như mây, đến nỗi tôi phải sờ vào cổ tay để chắc tim anh vẫn còn thoi thóp thở.  

Sự mệt mỏi và  căng thẳng như giọt nước tràn đầy cái bình chịu đựng. Tôi trở nên dễ khóc, dễ xúc động nghẹn ngào. Những cơn đêm kinh hoàng, những ác mộng bơ phờ, những giấc mơ kỳ dị chắp vá. Đầu như tê dại, tôi chẳng thể suy nghĩ một cách tỉnh táo. Tôi nhầm lẫn ngày bên Tây, với đêm bên Đông. Nỗi đau buồn cứ như bật cựa trong một căn phòng không chốt khoá.   

Nurse Linda xuất hiện bên giường bệnh, gò ngực đầy thách thức, làn da như lụa cũ bị rạn, cặp mắt mang vẻ soi mói hơn ân cần.   

“Chào old man”, ả y tá gắng vẻ một giọng khôi hài giả tạo, “Ông có ngủ ngon giấc không?”

“Chừng nào tôi còn nằm mộng thì tôi còn sống. Người chết không nằm mộng.” Anh khô khốc, dường như vẫn đầy dị ứng với  lớp áo xanh vô hồn này.  

“Ông đừng khéo lo. Thần chết không chọn nạn nhân theo tuổi thọ.” Đôi mắt ả như đang mở to nhìn anh.

“Chết mới thật là hết nói chuyện tuổi tác!” Anh lại thẳng thuột, gắng sức đè cơn ho đang trổi lên cuống họng.

Niềm  hy vọng vẫn như một tiếng kèn lạc điệu nơi xứ người. 

Một ca cấp cứu vừa đưa vào ở giường đối diện. Tiếng rên rỉ, có lúc gào rống của một thằng bé, nạn nhân với cái chân bị giật đứt giống như cẳng của một con côn trùng. Tiếng rên như thể ép chặt lên màng nhĩ.  Trong cái không gian nặng nề mùi sinh tử này, mọi thứ vừa bệ rạc và toát ra một thứ mùi nước tẩy sàn. Cổ họng tôi khô đắng. Mấy ngày đêm co quắp, cái ghế gỗ như muốn bẻ gãy sống lưng. Tôi dằn cơn đói bằng mẩu bánh khô như thứ cát nghiến sào sạo trong hàm nhai. Cái đầu đang gầm lên từng đợt âm ỉ, choáng váng.

Bác sĩ John xuất hiện, giọng ồ ề trên phone. “Vâng, vâng, tôi đã cho ông Andy liều lượng thuốc… Yes, tôi có mặt ở đây đến 2 giờ đêm…” Tôi thở dài, chán ngán. Mấy cái áo xanh, áo blouse-  đã phải sắm nhiều vai kịch trong mỗi đời mặt giữa cái chốn địa ngục này.  Cả cái ả nurse Linda, một gương mặt nhẵn quen sự vô cảm thường ngày, bỗng trở nên vồn vã hẳn. Tất cả, cứ như tấn tuồng có kịch bản tồi. Vì chỉ sau cái off phone, tôi đã không còn nhìn thấy cái áo khoác blouse trắng của vị bác sĩ đáng kính lảng vảng ở dãy giường bệnh nhân. Không một ất giáp về tình trạng bệnh tình của anh.
Mệt mỏi, tôi lả thiếp trong những cơn ác mộng nảy nở. 


“Đặc nhiệm”


Cánh cửa sau phòng cấp cứu mở toang. Những vóc dáng cao lớn, mạnh mẽ như duỗi ra trong thứ ánh sáng lờ mờ của đêm. Tôi bật dậy như cái lò xo. 

Một người trong đoàn, tiến đến giường bệnh, “Xin vui lòng xác nhận. Ông có phải là bệnh nhân Andy Nguyễn? “

Niềm hy vọng mạnh mẽ hôi hổi chảy vào ý thức, khiến anh chợt như tỉnh người, “Vâng, là tôi.” 

“Tôi là bác sĩ David, tháp tùng theo đội Máy bay Cứu thương Air Ambulance,” vị bác sĩ ân cần bắt tay anh. 

Hàng loạt thông tin cá nhân được lặp lại, xác nhận. Sự hiển hiện không lời của những “người hùng” - hệt như đội đặc nhiệm tinh nhuệ của Hải quân Hoa Kỳ. Những thao tác răm rắp. Chuyên nghiệp. Tự tin. Tuyệt vời như một đội cứu hộ giải nguy những nạn nhân giữa cơn sinh tử. 

Họ đã giữ đúng lời hứa, chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ. Tôi ôm siết anh, nghẹn giọng, “Mình được cứu rồi, honey ơi!”  Tôi nhìn đồng hồ, đúng 2 giờ đêm. Tôi thở ra những tích tụ đau đớn trong lồng ngực, cảm giác như tìm được sinh mệnh thứ hai của cuộc sống. Ngày của một đời hay đời của một ngày. Phép nhân của sự khổ đau, hay phép chia của niềm hạnh phúc.

Giã biệt Jamaica. Thiên đường của những cơn ác mộng.

Cánh máy bay nhỏ vươn ra ngoài bóng đêm. Những tảng mây che lấp những vì sao khuya.  Niềm hạnh phúc hong khô những giọt nước mắt. Tôi nhìn gương mặt chồng, gương mặt diễn đạt cả một cuộc chiến sinh tử, cả những đớn đau.  Anh như một cái xác vực dậy từ cõi chết đưa lên cái băng ca. Ôi, những  kiệt quệ khật khùng râu tóc. Cái chết đi qua với đời sống. Chỉ “Trước” hoặc “Sau”. Vậy mà, chẳng ai trên cõi đời này muốn một lần đối mặt. 
Một tiếng 45 phút sau. Chiếc Air Ambulance đáp xuống phi trường Miami-Dale Airport. 



Bên kia lằn ranh

Chiếc  Máy bay Cứu thương Air Ambulance- cứu cánh trong cơn sinh tử đã đưa anh về được miền đất bình an.  Tôi cảm giác mình đã đi đến tận cùng nỗi đau và nghiệm ra rằng  niềm tin có thể thay đổi được số phận. Bóng tối, chẳng  phải là sự vắng mặt của ánh sáng mà chỉ là một gam màu khác biệt.

Toán máy bay Cứu thương đã “bàn giao” anh lại cho bệnh viện Broward Health Heart Center - Trung tâm  Y khoa hàng đầu ở Fort Lauderdale,  Florida. Kỹ thuật y khoa hiện đại. Thủ tục nhập viện đơn giản. Nhanh gọn.  Khác với xứ sở Jamaica- nơi mà sự sống chắt mót, lòng người càng èo uột những thiện tâm. 

“Mình đã ‘về nhà’ rồi, honey,” tôi bình thản với nụ cười buông thoát, nhìn gương mặt anh bình yên như mặt nước tĩnh mịch. Anh nắm tay tôi, giọng mỏng manh, yếu ớt, “Em cứu anh thêm một lần nữa, honey.  Không có em, chắc anh không còn sống trên đời này.” 

Lạy trời, ít ra thì trời cũng quang, mây cũng tạnh. Tôi từ cạn kiệt của cơn đau buồn tê liệt, niềm hy vọng như được tiếp máu hồi sinh. Và rồi nhịp tim tôi lại  đếm phách lo âu khi họ đẩy anh đi. Ánh mắt tôi dõi theo anh cho đến khi cánh cửa thang máy khép lại. Tôi lủi thủi vào phòng chờ đợi. Cơn mỏi mệt làm tôi chao đảo. Cái mũi nhức buốt như cơn gió luồng qua cái lỗ thông hơi của một cái ống khói.

Tôi bình yên nhưng vẫn bất ổn.
Vị bác sĩ tiến về phía tôi, giải thích cặn kẽ,  “Đa số, những mạch máu dẫn về tim của ông nhà gần như bị nghẽn mạch, ông cần chuẩn bị một cuộc giải phẩu tim lớn.”

Không gian nặng trĩu. Cái phôi của nỗi sợ mất mát dường như vẫn đang ám ảnh tôi. Chẳng nhớ nổi bước chân mình, tôi phấp phỏm bước theo bóng cái áo xanh. Ngang qua  khu Hồi sinh ICU (Intensive care unit), tôi liếc vô mấy căn phòng cửa kiếng. Những tấm thân rệu rã nhăn nheo trên giường bệnh như những phao đang nhấp nhử cuộc hồi sinh. 

Phòng Hồi Sinh số 7. Tôi cảm giác mình đang bước vào một thế giới khác – nơi bắt đầu bằng đôi bàn chân rũ và cặp mắt lừ đừ. Anh đây rồi- cái thân người teo tóp, chiếc cổ ốm o trông cứ như con gà bị vặt trụi lông. 

“Bác sĩ báo tin, tim anh đã bị hư hại nặng nề. Và họ sẽ tiến hành thực hiện ca mổ tim cho anh vàp  ngày mai.” Giọng anh đều đều, vô âm sắc.

Định mệnh đang bắt đầu những biến tấu lớn. 

Tôi đưa bàn tay ủ ấm những ngón tay chồng,  lòng chật chội những giọt nước mắt chỉ biết lặng lẽ rơi. Tôi đã hình dung ra sự đau đớn khủng khiếp anh sẽ phải chịu đựng trong những ngày sắp tới. 

“Anh sẽ vượt qua được mà, honey. Đây là một bệnh viện mổ tim uy tín ở Mỹ, anh đừng lo lắng quá! ” Tôi trấn an anh.

Anh lặng thinh. Ánh mắt rũ rượi, trống rỗng. Trọng lực của cái chết, vẫn thể níu anh thêm một lần nữa. 

Cái lưng đang khiếp nhược cơn nhức mỏi và thèm xóa bỏ những phản xạ từ cái đầu. Tôi dựa lưng, duỗi người trên cái ghế đệm trong góc phòng, mắt quan sát dàn thiết bị y khoa tối tân của căn phòng Hồi sinh ICU. Chẳng biết dùng cái từ nào để điền vào chỗ trống của sự diễn đạt.  Tâm thức vẫn đầy ám ảnh bởi những cơn động kinh co giật như hút nguồn sinh lực trong anh- khoảnh khắc đem tôi lại gần với cảm giác cái vạt áo của thần chết đang phất phơ trước mắt. 

Bác sĩ vào thăm bệnh báo tin, giải thích ngắn gọn, đầy tự tin, “Ca mổ tim sẽ lên lịch trưa ngày mai. Tôi và cùng ba bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ tiến hành ca mổ  trong 8 giờ đồng hồ. Tôi muốn ông yên tâm. Những ca mổ tim xác suất thành công đến 95%. Phần trăm còn lại là những rủi may của số mệnh.” 

“Anh sẽ qua khỏi, em tin điều này,” tôi nhìn vào mắt anh, niềm hy vọng như đột ngột sống dậy. Giữa cơn bão tố đang thịnh nộ, tôi vẫn tin cuộc đời không sớm kết liễu một trái tim đầy khát khao sự sống.  Ánh mắt anh như thoát khỏi sự đục vẩn của bóng tối tuyệt vọng. Bàn tay anh nặng nhọc nắm lấy tay tôi, “Em đi tìm cái gì ăn đi, honey, rồi trở lại với anh.” 


Mọi thứ đều có giới hạn, kể cả nỗi buồn. Những lệ thuộc vào thực tại khiến tôi cần nghị lực hơn để chống trả cơn mệt mỏi, căng thẳng đang dần  đánh gục thể xác. Một cái đầu tóc bù xù, một cơ thể chểnh mảng với những cơn tắm gội đang chuẩn bị đình công.  Tôi bấm thang máy, đi tìm cái restroom có phòng tắm trên tầng 3 của bệnh viện.

Căn phòng tắm vuông vức, nhỏ hẹp, sạch sẽ.  “Vậy là quá đủ,” tôi dễ thích nghi với những tiện nghi hạn chế. Bonus thêm  cái lọ xà phòng nhỏ lấy từ quảng cáo free gift. Đời hồng như mõm mèo! 

Nỗi âu lo bành trướng cả cơn khát đói. Giờ,  tôi chỉ cần một chỗ ngủ qua đêm. Tôi trở về phòng chờ đợi, mang theo một cái gối, một cái mền mỏng mượn của bệnh viện; kéo cái giường sắt trong chiếc ghế đệm làm chỗ ngả lưng.  

Sự kiệt sức vẫn chẳng thể kéo tôi vào giấc ngủ. Giữa khuya, âm thanh của sự đau đớn như cuốn quấn từng cơn rên rỉ của một cụ ông, bệnh nhân sát vách. Tôi co rúm trong tấm mền mỏng. Tiếng rên làm tôi  sợ hãi.  Đêm cô quạnh với nỗi ở một mình.  Tôi đang bám vào niềm hy vọng để thở.


Khi thần chết ân xá

Đêm đầu tiên trong bệnh viện Broward Health Heart Center, người thấm vào đêm trên cái đệm giường, tôi tưởng mình sẽ ngã quỵ vì kiệt sức. Đêm không ngủ với tôi. Tôi gõ lên cánh cửa của giấc ngủ với những bắp thịt lúc căng lúc dãn. Căn phòng bệnh viện tựa như một cái bồn cá quạnh hiu. Tôi ngủ trên một cái giường phụ, kéo ra từ chiếc ghế bành. Sự lo âu quá thực vẫn khiến tôi choàng tỉnh, giấc ngủ cứ như một cuốn phim đứt đoạn.

Những tiếng rên như bám vào vách ngăn. Âm thanh của sự đau đớn như bám riết một bệnh nhân luống tuổi. Tiếng rên rỉ như ném tôi vào một thế giới của khác. Tôi dần nhận ra nỗi lo buồn mênh mông đang trương nở. Tôi bày ra một cuộc độc thoại đầy lạc quan để quên đi những cơn ác mộng. Con mắt vẫn chẳng buồn khép.

5 giờ sáng. Tôi trở lại phòng Hồi Sinh, anh đã thức giấc.

“Em ngủ được không, honey?” ánh mắt anh đầy lo âu.

“Em ngủ như chết,” tôi hôn anh, cố giấu cái vẻ mặt muộn phiền nặng nỗi thống khổ và đôi mắt trũng sâu thâm quầng. Tôi đang tìm nơi nương náu của một niềm tin với đôi chút bình yên trong hồn. Tôi như kẻ ăn mày niềm hy vọng để thở.

“Honey, chỉ có em làm anh sống,” anh nhìn tôi, ánh nhìn đầy những đau đớn, chịu đựng.   

“ Mình sẽ sống vì nhau. Chẳng gì có thể chia lìa được, honey.” Tôi nhìn sâu vào mắt anh, như xác nhận một nguyện ước tuyệt đối. Tôi cần tách mình ra khỏi sự tuyệt vọng.

Giai đoạn cuối cùng. Mọi việc có thể  đã quá trễ tràng.  Tôi chợt nhớ lại lời của Dr. Catanelli - người nhiều năm kinh nghiệm trong ngành giải phẫu tim khi báo tin rằng, “Tim của ông nhà bị tổn thương quá nặng vì không được cứu chữa kịp thời, con số 15% còn lại là những gì chúng tôi có thể hy vọng.”

Tôi ôm anh, cái ôm nóng riết những yêu thương, hy vọng. Dẫu biết, cái chết chẳng bao giờ trong trẻo. Và dù day dứt bởi những ý nghĩ bất an. Trái tim tôi gắng điềm tĩnh để lấy lại quân bình. Tôi vẫn tin rằng anh sẽ trở về sau cuộc chiến sinh tử.


Tám giờ đồng hồ chờ đợi. Một nỗi hiu quạnh sâu thẳm đang đáp lời. Gây hấn với cuộc đời, mọi thứ đều dừng lại như một câu chuyện thiếu tình tiết. Cả đến cái cảm giác đói cũng bị hờ hững. Trái tim tôi chật chội những niềm đau chen lấn. Ngoài kia, chim vẫn hót trên mái nhà, nắng vẫn chảy qua cửa sổ. Tôi như một cành cây đứng yên chờ gió quật.

Cơn đói cứ như mất tích giữa những lo âu. Ngày chông chênh nỗi chờ đợi. Tôi hiện hữu bằng một động từ “chờ đợi”, và chẳng thể làm gì hơn được. Tôi chẳng thể nuốt trôi bất cứ thứ gì, và chẳng thể yên ắng ở một chỗ ngồi. Một nỗi lo to tướng đeo bám. Tôi lên/xuống chiếc thang máy nhiều lượt, rồi lại trở lại phòng chờ đợi, thờ thẫn ngóng lên cái màn hình TV.

Tôi để lại sau mình tất cả của chuyến về hoảng hốt. Cảm giác đang kiệt sức từng giây. Tôi nhắm mắt, thì thầm theo vô thức.

Mở mắt.  Áo xanh đứng trước mặt tôi, cao lớn. Cái trán rộng nằm thẳng hàng với đầu tóc cắt ngắn.   

“Tôi là Manny, y tá trực của phòng Hồi Sinh.  Phòng giải phẫu tim vừa gọi điện cho biết, ca mổ thành công. Ông nhà sẽ có mặt ở phòng Hồi Sinh sau một giờ đồng hồ nữa.”  

Tôi cảm giác mình đang đứng với đôi vai còng xuống và  như nghe rõ tiếng nấc của mình. Vị bác sĩ khoa giải phẫu tim gặp tôi sau đó để  báo tin tốt lành. Tôi chẳng thể nhớ, mình đã khóc bao lần. Và đã có bao cái ôm siết biết ơn cuồng nhiệt.

Trật tự tâm hồn được tái lập sau cơn tai biến. Thần chết, đã ân xá anh, một lần nữa.



Anh nằm, bất động như một cái xác vừa bị mổ phanh trên bàn thí nghiệm. Cái ống thở to tướng như cắm sâu thọt vào cuống họng. Tôi mường tượng đến người bệnh nhân cằn cỗi đêm qua, chia sự tra tấn cơn đau đớn bằng những tiếng rên rỉ như chia động từ.  Anh dường như chưa thể cảm nhận được mình đang qua đời hay đã chạm đến cửa hồi sinh.

Tôi bàng hoàng. Bật khóc. “Em đây nè, honey.” Tôi nghe tim mình run rẩy. Trên gương mặt bất động,  giọt nước mắt lăn xuống từ khoé mắt nhắm nghiền. Anh đã nghe. Tôi gắng dằn tiếng nấc. Một nỗi đau có thể hiểu theo nghĩa đen, tựa như ngón chân bị bật móng.
“Bà cứ yên tâm. Ông sẽ tỉnh lại trong vài giờ sau. Tôi sẽ báo cho bà biết ngay.” Manny đưa cái nhìn đầy cảm thông về phía tôi. Rồi ra vẻ giễu cợt, đầy thân thiện, “Hãy giữ sức khoẻ. Giờ, bà phải tự lo cho mình. Nhìn như bà cần 24 giờ để ngủ!”

Tôi vác cái balô bờ bụi, trở về phòng chờ đợi. Bên ngoài cửa sổ. Cơn mưa đêm đang khan tiếng.



Trốn tìm với cái bóng mình

Đêm thứ hai ở  bệnh viện. Cơn mệt mỏi đốn tôi ngã. Tôi nghe đời ú ớ trong chiếc chăn mỏng hụt đuôi hụt đầu.  Mấy khớp xương cứ như cứng đơ. Tôi duỗi từng khớp, gượng dậy với đôi chân lảo đảo rồi lấy thang máy xuống phòng vệ sinh. Cái thân thể kiệt quệ chỉ muốn thấm nước để nhẹ nhõm cảm giác sạch sẽ vờ vịt. Đôi mắt rửa vội. Tôi rửa đi những cơn ác mộng chẳng chịu rời. Chòng chọc nhìn mình qua lớp kiếng, hai hốc mắt thèm cơn ngủ, bộ đồ nhàu nhĩ, một gương mặt đừ đẫn nỗi lo âu. Không son môi, không giày cao gót. Tôi đang ngụy tạo bằng một vẻ ngoài hệt như một nhân vật cái bang trong tuồng kiếm hiệp. 24 giờ lẩn quẩn trong bệnh viện, tôi cảm giác như con kiến bò phải cành cụt. Tìm lại cái thang máy trở về khu Hồi sinh. Đầu và chân, cứ như nhẹ hẫng trên mây. Sức nặng mòn vai, lòng tôi cứ mệt nhoài. Tôi đang tìm kiếm sự sống ở những động mạch đời.

Tôi mọc rễ trong đầu về những mỗi phút giây của hiện tại, khi nhìn anh gồng gánh cơn đau. Cưa xương ngực. Nối động mạnh tim… Có quá nhiều động từ “đau” phải chia cho 24 giờ đồng hồ để chịu đựng.

Trở lại tìm anh.

“Honey, honey…” tiếng kêu khẽ, như tiếng rên. Nhịp tim tôi phấn chấn. Anh đang gọi tôi.  Lần này, thì thần chết bị đo ván.  Tôi toan tính sổ toàn bộ các hiệp đấu.

“Em đây, honey.” Tôi cuống vội đến gần anh. Thật gần với khuôn mặt nhợt nhạt sinh khí. Hơi thở như núp sâu vào hốc mắt anh.  Những giọt nước mắt của người v ợ  như ứa ra từ tiềm thức. Giọt vung vãi. Giọt lặng câm. 

Anh mấp máy khó nhọc, chẳng thành lời. Tôi nghe thèm một vòng tay ấm hơi chồng vợ. Niềm hạnh phúc lặng lẽ làm tôi ngộp thở. 

“Em chắc phải tìm một cái hotel để nghỉ ngơi, tắm rửa,” Tôi giờ như vôi vữa hư cũ, lả tả rơi.

Tôi sợ những trắc ẩn không lường. Sợ những ốm o phiền muộn làm tôi quỵ ngã. Anh còn ngầy ngật giữa cơn đau dầm dề như một ngày mưa khó dứt. Tôi vẫn chưa nhẹ gánh sinh tồn. Nỗi đau, có lúc rõ mồn một như ban ngày. Tôi chẳng thể chối bỏ sự tồn tại của khoảng ký ức hai màu trắng/đen của cuộc đời.  Tôi không tin tất cả màu đen đều tang tóc, bởi khởi đầu và kết thúc của sự sống là bóng tối. Giữa sáng và tối- tôi nhìn thấy ánh sáng tận cùng của sự hy vọng. Nửa cuộc sống của tôi thuộc về anh. Anh luôn trong tôi, từng đêm ngày âm thầm.




 Tối giản tiết kiệm, vẫn phải vẫy gọi cái taxi vàng tìm đường đến khách sạn. 

Cánh cửa phòng khách sạn vừa mở, tôi quăng người lên cái đệm êm. Tưởng có thể khóc lên vì sung sướng. Ngụm lửa thỏa mãn vừa nhúm lên, rồi rụi tắt. Một nỗi hiu quạnh ập đến như lớp mây xám kéo ngang. Chẳng biết làm gì với sự cô quạnh chính mình.
Rừ rừ một cơn ho rền rĩ. Tôi chống  trả  nỗi quấy nhiễu của sự kiệt sức bằng cách xông hơi. Nước làm tôi lẩy bẩy. Cơn đau nửa đầu làm tôi mụ mị. Cơn đuối mệt, cuối cùng rồi cũng như một cái cây bị đốn ngã. 
Đêm như ngất đi trong tôi…


Chương mới của định mệnh

Tôi chơi trốn tìm với cái bóng mình. Tôi sợ những khoảnh khắc cô độc khi ngồi chờ cuốc taxi trở về khách sạn. Sợ cái không gian lạnh lẽo của căn phòng hotel khi độc thoại với bóng tối trên chiếc giường thênh thang. Tôi muốn vượt thoát hoàn toàn những ký ức đầy ám ảnh.
Tôi giống như một con ốc sên vụng về, chậm chạp trườn đi dưới sức nặng của cái vỏ. Nỗi cô đơn ốm o nằm cùng tôi bên gối trong căn phòng hotel tẻ lạnh. Mỗi khuya. Tôi thở hắt. Suy sụp. Ngã xuống đệm. Chẳng buồn cởi bỏ bộ đồ nhàu nhĩ. Tôi kiệt sức ngủ thiếp từng chặp. Và gặt hái mùa ác mộng. 

Những ngày sống với sự ngược đãi của bóng tối, áp lực làm tôi mệt mỏi. May còn bờ vai anh ở lại, thách đố mọi buồn vui trong đời. Nỗi đau buồn, giờ chỉ thuộc về ký ức; từ đoá hồng đã bị tuốt hết những cánh hoa. Chẳng còn cánh nào để ngắt!

Sớm, tôi lấy taxi trở lại bệnh viện thăm anh. 
“Hôm nay, anh mới được y tá cho tắm,” anh khoe. Tôi đặt cái balô trên ghế, hôn lên nhúm chân tóc lún phún như đám mạ non của chồng. Cơn nắng đang làm mồi nhử bình minh ngoài cửa sổ. Tôi nghe vui.

Tôi nhìn thấy anh nhô lên, và thoát khỏi chính định mệnh đã dìm anh xuống.
Mỗi ngày, nhìn anh kiên nhẫn nuốt trọn vốc thuốc từ tay cô y tá, tôi chẳng thể kiềm nổi cơn lợm cổ. 
“Có lúc, anh cảm giác mình như cái bao đựng chì, chầm chậm chìm xuống đáy sông…,” anh mệt mỏi xoay tròn cổ tay có đeo vòng nhựa ghi tên và số của bệnh nhân.  Ánh mắt như gợi lên những ký ức không hình thù, như bị cất giấu ở đâu đó.

“Không em ở đây, anh gặp ác mộng thường đêm. Anh lo cho em, honey. Không biết em ở hotel một mình có sao không? Em hốc hác quá!” ánh nhìn anh chua xót. 
Có lại anh trong đời sống, đã là một phép mầu.  Có những nỗi đau cần phải chôn vùi, một cách thầm lặng, trước khi nó biến thành những giọt nước mắt nóng hổi. 

Ngày anh rời viện, đời tôi như cơn nắng hửng màu. Không còn hình ảnh của một người đàn bà ôm nỗi cô đơn đứng nhìn con tàu ra khơi. Chẳng còn những giọt nước mắt đắm chìm vào những đêm khuya. 

Bên ngoài, nắng tụ những luồng nóng, táp lưỡi ngoài cửa sổ căn phòng trọ. Anh như một cái cây eo xèo đang gắng thu nhận dưỡng chất từ không khí. Tấm thân gầy guộc chỉ vừa rời giường bệnh đã lên cơn run rẩy. Tôi dìu anh đến giường, đắp chăn, vặn heat. Cặp cẳng tong teo thò ra từ hai ống short đang đình công đòi cái quần dài.

“Em cần đi mua cho anh cái quần dài và áo tay dài, sẽ về liền.” Tôi cẩn thận đắp lại tấm chăn cho chồng. 

“Em đừng đi lâu, anh lo lắm,” anh bày tỏ, như chạm vào sự vắng mặt của tôi đã làm anh bất an. 

Tôi trấn an anh, cảm giác trầm tĩnh với chính mình. Thôi, hãy ráng bình an trong ân sủng của cuộc đời.

Bước ra khỏi hotel, tôi cắm đầu bước. Con đường nhựa thấp thỏm. Ngày sắp cạn. Bầu trời xám dần.



Rõ ràng, số phận có nhiều cách đùa cợt. Cái chết là vô tận những cánh đồng. Và sự sống là mênh mông những ngọn đồi. Những thử thách vẫn đang sát hạch tôi và anh. Thế nhưng cuộc đời, sẽ chẳng bao giờ hét lên, “Ôi, mẹ kiếp!”

Ngày kế tiếp. Y tá đến hotel thay băng cho bệnh nhân. Tôi hốt hoảng nhìn cái vết mổ như con rết dài chạy thẳng từ ức xuống rốn. Thần chết có trưởng giả đôi chút, và sử dụng thẻ trả góp sự sống trên mỗi phần đời. Mười tỉ cuộc đời của mỗi con người, quá nhiều những câu chuyện dẫn người ta đến cái chết.

Đêm đầu tiên ở hotel, chẳng thể chung nhau một giấc ngủ say. Cơn đau đớn. Cơn khủng hoảng cộng lại thành một cơn mớ đầy những chuỗi âm thanh ú ớ trong anh. Tôi rùng mình, sự sợ hãi và nỗi đau khổ, tôi thủ vai  kẻ sầu bi trong tấn bi kịch đã nhàm. Chẳng biết bao lâu, anh mới thoát được quỹ đạo của nỗi đau đớn này.

Tôi thức giấc mỗi sáu giờ sáng để lấy điểm tâm cho anh. Tập đi. Phụ tắm rửa. Nỗi lo anh quá đói, quá no, quá lạnh, quá giờ thuốc, quá yếu sức… Bệnh viện như nhà trọ. Hotel là nhà. Một tuần nghỉ mát trở thành cơn ác mộng, kéo dài thành một tháng đằng đẵng xa nhà. Giờ đây, tôi biết đôi chân mình đang trở nên mệt mỏi. 

Khốn quẫn đến kiệt quệ. Tôi thèm một giấc ngủ sâu quá đỗi.   

Đỏ mặt hay nín lặng. Tôi thực sự mong ngày về nhà như sản phụ mong đẻ. Không được phép lên máy bay sau 6 tuần lễ đầu rời viện. Nỗi túng quẫn chẳng khác bị vướng vào cái mạng nhện khủng hoảng vô hình. Văn phòng bác sĩ chuyên khoa tim mạch gọi  điện cho biết, anh sẽ có cuộc hẹn tái khám, sớm hơn dự tính một tuần lễ. Hai nhân vật đau buồn trong cốt truyện bi thương, chẳng thể háo hức hơn khi nhận được tin vui giữa giờ tuyệt vọng. 

“Mọi thứ đều ổn cả. Ông có thể ngao du bình an bằng xe bốn bánh để về nhà,” bác sĩ David đưa cái nháy mắt hóm hỉnh, lạc quan về phía anh. 

Tôi phải nức nở thú nhận rằng, sự hối hả trước một chặng đường dài là một thử thách kinh nghiệm cực kỳ “đau khổ” trong đời. Trái tim tôi vẫn se thắt khi mường tượng tai ương vẫn có thể xảy đến. Bốn mươi  giờ đồng hồ lây lất. Lên xe xuống… trạm (bus). Cơn khủng hoảng vẫn như một con ngựa bất kham làm tôi đuối sức, cảm giác có thể quỵ vó bất kỳ lúc nào.  

Thoát lậu những nỗi bất hạnh. Tôi thấy được sự khác nhau giữa đen và trắng. Giữa đầy và trống rỗng. Giữa chết và sống. Tôi tỉnh dậy giữa một thiên đường của ngày. Bàn tay tôi đang nắm giữ một thứ hạnh phúc vô giá - Một tình yêu bất tử trong cuộc đời. 

Tôi vẫn gắng sức phiêu lưu cùng anh đến trang cuối của định mệnh. 


ĐẶNG MỸ HẠNH

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tám 20152:21 SA(Xem: 39695)
“ Nói về Nhục Cảm, thì có thể biểu đạt như một cảm giác hưởng thụ.” Cô bạn tôi, sau khi cái miệng xinh đã thỏa mãn chừng vài thỏi chocolate, liền phán tiếp, “ Miếng Chocolate đầu tiên là Thiên đàng, miếng thứ tư thì vẫn còn ngon, nhưng đến miếng thứ mười lăm thì có thể gần như vô vị.
12 Tháng Tám 20153:54 SA(Xem: 37245)
Dù ai có nghệ sĩ tính tận mây xanh, vốn coi tiền chả ra gì, chắc cũng có lúc phải lúng túng im lặng, khi vắng nó. Ít tiền mà để anh bạn mới quen bao cho bữa nhậu lớn hai người, để nợ mãi một bữa nhậu, thì chắc chừng nào bao lại được thì mới dám bè bạn tiếp với người ta. Ít tiền sao dám rủ rê ai, không rủ không đến với ai thì có ai chơi với mình.
12 Tháng Tám 20153:27 SA(Xem: 39185)
Thời đó, và có thể còn đậm nét ở thế hệ của tôi (1940), văn nghệ, văn chương theo định nghĩa của Xuân Diệu là “run với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Mây gió trăng, sao, bầu trời xanh biền biệt vẫn là những đề tài muôn thưở của văn hoá, văn học. Thiên nhiên vẫn mãi là cái nền để thị hiện sự hiện hữu và tâm cảm của con người. Cái vở tuồng đời sống cần có mộït sân khấu để người ta yêu nhau, ghét nhau, ham muốn, thù hận, chiến tranh. Mặt trời lên, mang hơi ấm và sự bao bọc yên bình, đêm về với niềm đe doạ nhưng cũng đầy quyến rũ của một vũ trụ thăm thẳm “thiên la địa võng” vây bủa chung quanh.
01 Tháng Tám 20153:20 CH(Xem: 39534)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu. Đoàn Khuê định cư ở Canada, anh có một lối viết thật đặc biệt... Nói một cách khác là Đoàn Khuê viết "trúng tim đen" và thật hay. Chúng tôi hân hạnh mời quí bạn đọc và văn hữu cùng đi vào thế giới tạp bút của tác giả "Tạp bút, tìm tôi".
21 Tháng Bảy 20154:54 CH(Xem: 34618)
Căn phòng im như một góc quá khứ, dù Má chỉ mới rời nhà chưa quá một tuần. Mây ngồi lên chiếc giường đôi, chỗ Má vẫn nằm. Tấm chăn phủ giường xô lệch, chiếc xe đẩy tay của Má đứng xéo góc với tủ đựng quần áo, soi bóng cô đơn trong tấm gương.
07 Tháng Bảy 20152:08 SA(Xem: 34717)
“ Bản quyền cho những công trình trí tuệ đã tự động có hiệu lực ngay từ phút đầu khi được sáng tạo mà không cần phải được xác nhận hay công bố. Tác giả không cần phải đăng ký, hoặc xin biên lai bản quyền (copy right) ở những quốc gia sở tại .
17 Tháng Năm 20155:10 SA(Xem: 38631)
…Tôi bước lên những bậc thềm mịn rêu, bước chậm, sợ mình sẽ bị trượt ra sau, cái ngã ngửa chẳng khác nào cái rớt xuống trần gian đầy ngỡ ngàng của hai chàng Lưu Nguyễn. Tôi chưa muốn thế, tôi đang muốn sống cõi phi thực kia với từng rung động e dè chậm chậm, để nghe chạm vào cánh cổng đã hoen rỉ tháng năm, và dù nhẹ nhàng đến thế nào cũng sẽ ghê răng bởi tiếng rít của một cánh cửa lâu ngày không mở.
14 Tháng Năm 201510:01 CH(Xem: 37478)
Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Nguyễn Việt Thanh với lối viết nhẹ nhàng và sâu lắng sẽ đưa chúng ta trở về nông thôn Việt Nam bằng những “Ao làng”, “Nắm lá ngày Đoan ngọ”, và lối đánh bắt cá độc đáo của rất ít người và bây giờ cũng không còn ai sử dụng nữa đó là “Bơi dể”. Chúng tôi trân trọng gởi đến quí văn hữu và độc giả những tản văn của Nguyễn Việt Thanh.
14 Tháng Năm 20159:34 CH(Xem: 37653)
Trong số mười người chúng tôi bị bắt bởi chiến dịch khủng bố mùa thu tháng 9 năm 2008 thì Ông Nguyễn Kim Nhàn là người duy nhất hiện vẫn đang còn bị tù đày. Tôi thường gọi những người dân oan như ông, như chị Trần Ngọc Anh, chị Phạm Thị Lộc, vợ chồng chị Cấn Thị Thêu... là “dân oan hóa dân chủ” vì họ đã không chỉ dừng lại ở việc đòi quyền lợi chính đáng cho bản thân và gia đình mình, mà đã tham gia vào các công việc, các phong trào đấu tranh vì Nhân quyền, Tự do và Dân chủ.
07 Tháng Ba 20153:05 CH(Xem: 41946)
LTS: Trong những ngày đầu năm Ất Mùi 2015 Tạp Chí Hợp Lưu nhận được bài viết của tác giả Kim Long viết về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Kim Long là bút hiệu của một nhà nghiên cứu khoa học. Vì sự tế nhị cùng nhậy cảm, và để tránh những hiểu lầm không cần thiết, chúng tôi sẽ sẵn sàng đăng trên Hợp Lưu những phát biểu (nếu có) của những vị đã viết về Thanh Tâm Tuyền mà tác giả Kim Long có đề cập trong bài. Hợp Lưu trân trọng gởi đến quí bạn đọc và quí văn hữu bài “Viết nhân ngày giỗ thứ chin của nhà văn nhà thơ Thanh Tâm Tuyền”. TẠP CHÍ HỢP LƯU