- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HƯƠNG VÔ HƯƠNG

18 Tháng Hai 20156:51 SA(Xem: 35446)
ChoHoa-BW


Tết thường được nhắc đến với những món ăn đặc trưng “thịt mỡ dưa hành,” và những mùi hương gây nhớ “thoảng mùi khói pháo thoảng mùi nhang.”  Nhưng mỗi đứa trẻ mang theo nó một món ăn một hình ảnh một mùi hương riêng, không hẳn giống như những gì chúng ta thường gợi nhắc.

 

Với tôi, hương Tết bắt đầu từ mùi khói củi của bếp nhà hàng xóm nấu bánh chưng.  Mượn cái tường nhà lân cận, chỗ nhà thụt ra thụt vào thành góc, má thằng Lù sẽ đặt nồi nấu bánh chưng.  Kê cái thùng phi đã được chế biến thêm 2 quai lên 3 chồng gạch, xếp bánh chưng vào, đổ nước và nổi lửa.  Nhúm một bếp củi không phải là dễ, củi ướt: không cháy, củi có mắt: không cháy, củi gỗ: mau tàn, hay gẫy.  Nhưng má thằng Lù là người đàn bà đảm đang, chỉ một loáng là lửa đã cháy ngỏn ngoẻn.  Thằng Lù phe phẩy đứng bên, chờ Bố với Má sai canh chừng nồi bánh thì kể như trúng mánh được thức đêm, nhưng má nó đã xua tay đuổi nó vào nhà.  Cái mối canh bánh chưng là của anh Hùng tôi cùng lũ bạn nhân dân tự vệ như Ba Gà, anh Ngọc, Khánh băng, Thắng Đinh tiệm (tôi quên chưa bao giờ hỏi anh ý nghĩa cái tên này).  Khi lửa đã cháy ngọt, nồi bánh bắt đầu sôi, má thằng Lù coi đồng hồ và giao lại cho anh tôi dặn dò cách châm thêm nước.  Bên cạnh cái bếp to đùng đó phải có một bếp nhỏ nấu nước sôi sẵn, để khi nồi bánh chưng cạn nước thì châm thêm vào.

 

Anh Hùng bắt đầu dạo đàn.  “Tôi thường đi đó đây…” anh hát một lèo 3, 4 bài nhạc lính, hát rất ngọt và giọng rất chuẩn, anh vẫn còn nói được giọng Bắc chứ không lai căng như lũ em.  Bây giờ đàn chuyển qua tay anh Ngọc, anh Hùng ngồi hút thuốc.  Anh Ngọc thường thích hát những bài nhạc tình nhẹ nhàng, “tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm…”  Anh nói giọng Nam nhưng gốc Bắc và cũng hát rất êm.  Lửa bùng tỏa hơi ấm, đã bắt đầu có than, anh Hùng sai Khánh băng đi mua bắp và khoai lang về lùi vào đống than để ăn chơi cho thơm râu!  Đám trẻ ham vui từ từ kéo vây quanh để nghe hát, để hóng mấy anh lớn cợt đùa.  Thằng Lù đứng trên ban công ngó xuống thèm thuồng, nhưng Bố nó canh nó dữ lắm, sợ nó lêu lổng nên không cho đàn đúm bao giờ (kết quả: vừa hết lớp 12 má nó phải lật đật đem trầu cau tới hỏi cô nữ sinh chung lớp vì nàng đã có bầu).

 

Đã qua một đợt củi, một đợt châm nước.  Bây giờ nhà nào cũng đã gọi con về đóng cửa tắt đèn, ban văn nghệ bánh chưng phải hạ đàn sợ bà con chửi.  Các anh bắt đầu thay phiên nhau đứng lên đi đây đi kia, đi mua cà phê thuốc lá, về qua nhà cho ông bà bô thấy mặt, v.v…  riêng anh Hùng tôi ngồi nguyên chỗ, vì nhà tôi sát vách nhà thằng Lù, ngay sau lưng nồi bánh chưng.

 

Tôi cũng phải vào nhà giắt mùng đi ngủ, nhưng không ngủ được.  Tiếng củi lách tách, tiếng các anh nói lao xao nhỏ nhỏ trong đêm vắng như một tiếng gọi, như một khoảng trời, một đời sống mà tôi không biết nên ước ao.  Mà bé như vậy thì biết cái gì là cái gì mà ước ao.  Tôi ngủ ngon lành trong cái ấm áp của khói củi, và dường như một lúc nào đó trong đêm vắng tôi thức giấc vì mùi thơm của lá tỏa ấm áp quanh xóm nhỏ. 

 

Sáng dậy, tôi chạy liền ra cửa.  Trong hơi sương sớm, khói củi chỉ còn vương nơi những tấm cạc tông che bếp, nhưng mùi lá nồng ấm trong gió thoảng.  Cả xóm như hớn hở dù bánh là của nhà thằng Lù chứ đâu phải của chung.  Mấy anh lấy một cái đòn xiên qua 2 cái quai ở miệng thùng phi để khiêng thùng bánh ra gần nắp cống chắt bớt nước và để dẹp bếp.  Má thằng Lù bắt đầu lùa 8 đứa con ra để sai vặt, nói cho đúng chỉ có 4 đứa lớn sai được, còn thì lấn quấn một lát bị đuổi vào hết.  Má thằng Lù dọn trống cái hè trước, trải giấy báo thật dầy, rồi bắt đầu xếp bánh ra thành 2 dẫy dài.  Bà đè một cánh cửa lên rồi sai thằng Lù và em nó xếp mấy khối gạch vuông lên tấm cửa để ép bánh chưng cho ra hết nước.  Đến chiều, chị Thảo chị Hương ra gỡ giây lạt sũng nước từ những chiếc bánh mới luộc xong.  Bây giờ tới phiên bà Thảo “lao động.”  Bà lấy mớ giây lạt đã cắt sẵn và ngâm mềm cột mỗi cái bánh bốn sợi dây trông tươi mới và vuông vức như một bàn cờ tí hon; bánh chưng thoắt chốc như có tấm áo mới, mỗi cái bánh hoàn tất để qua một bên đều như là một đóa hoa mai nở trong mắt tôi.  Tôi ước ao nhà mình cũng gói bánh nấu bánh như nhà thằng Lù, trong khi nó thì dành môi ra vẻ ngao ngán.

 

Nó chẳng ngao ngán được lâu, tôi chẳng bao giờ được thỏa nguyện, vì chỉ qua một năm là qua một chặng khốc liệt của chiến tranh.  Nhà nào cũng lo lắng bị pháo kích phải tản cư thì còn ai đâu để gói bánh.  Tôi chẳng còn được ngửi mùi khói củi, mùi lá nấu chín, mùi nồng ấm của bếp lửa trong đêm khuya… 

 

Nhưng đang tuổi lớn người ta chóng quên vì có quá nhiều thứ mở ra trước mắt, tôi đã bước vào trung học và đã biết săm soi rộn ràng ngày Tết được sắm quần áo mới.  Má dắt lũ chúng tôi đi mua vải ở chợ Bến Thành.  Giá cả đắt đỏ, má kỳ kèo so đo trả giá từ chút, đi từ sáng 10 giờ đến trưa vẫn chưa mua được một món hàng, vì khi mua là phải mua cho cả 2 đứa con gái giống nhau, 2 đứa con trai giống nhau; một thói quen đáng yêu (nhưng tôi không thích mấy) của mấy ông bà già xưa là cho con ăn mặc đồng loạt _ không biết vì mua nhiều tiết kiệm được chút ít hay vì thích “cúc vạn thọ” ?

 

Mua xong được vải may quần áo thì tôi đã ngửi được mùi chiếc áo mới còn đang nằm ở tiệm may!!!  Ngày ngày đi học về tôi đều phải lượn qua nhà may Thành đầu chợ Vườn Chuối chỉ để ngó vào tiệm dõi xem bà chủ hay các cô thợ may có ai đang cầm đang cắt tấm áo má đã gửi may cho chúng tôi; nhưng tôi luôn thất vọng, năm này qua năm khác, chả bao giờ bắt gặp được món quà Tết của mình đang lúc thành hình.  Đến ngày thử áo, tôi ngõm ngọi đợi chờ, mong sao chóng xong bữa cơm chiều để nhắc má dẫn ra tiệm lấy áo.  Đi bên má tôi thầm cầu sao má hài lòng không bắt thợ sửa đi sửa lại, để tôi được ôm về tấm áo mới mà hít hà.

 

Tấm áo mới, riêng với mũi tôi vẫn còn mang hương vải mới chưa một lần giặt, và dường như thoảng chút mùi phấn vạch, dù tôi vẫn cho rằng phấn thợ may chả có mùi gì.  Tôi sung sướng đặt gói áo bên cạnh lúc ngủ, vì ngày mai má sẽ bảo giặt đi cho hết lằn phấn, xem vải có rút không vân vân…  Khi tấm áo đã ủi xong chờ ngày mùng một Tết mới được mặc, dù lòng tôi vẫn rộn ràng nô nức, mùi hương Tết bỗng đã có chút lạt phai. 

 

Mỗi năm qua đi mỗi lạt lẽo.  Bây giờ ở đây, cây trái to dòn ngon mắt mà hương vị chả như xưa, bánh mứt đủ đầy mà hương Tết dường chỉ là hơi gió lạnh, tôi  thèm ước sao cái mùi khói cay nồng năm cũ, tôi thèm mùi vải của tấm áo mới hàng năm.  Hương kỷ niệm hình như chỉ là thứ hương vô hương trong lòng.

 

 

Lưu Na

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 41209)
Mấy dòng viết vội và muộn màng này chỉ là những hồi tưởng đứt đoạn để gửi tới một người bạn là Nguyễn-Xuân Hoàng...Nguyễn- Xuân Hoàng lại được biết tới nhiều hơn như một nhà văn một nhà báo tên tuổi từ những năm 1970.Hoàng là tổng thư ký tạp chí Văn Sài Gòn từ 1972, tiếp nối Trần Phong Giao, cùng với những tác phẩm đã xuất bản gồm tuyển tập truyện ngắn: Mù Sương, Sinh Nhật; tuỳ bút: Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu; tạp ghi: Ý Nghĩ Trên Cỏ; và hai truyện dài: Khu Rừng Hực Lửa, Kẻ Tà Đạo…
05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 43897)
T uần rồi, nhân kỷ niệm 70 năm ngày 6 tháng 6 năm 1944 khi quân Đồng Minh đổ bộ chiếm bờ biển Normandy để từ đó tiến vào giải phóng Âu Châu đang bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, hệ thống truyền hình PBS chiếu một loạt phim tài liệu liên hệ, trong số đó tôi có dịp xem hai phim, đó là “D-Day 360” do Windfall Films của Anh Quốc sản xuất dưới quyền đạo diễn của Ian Duncan; và phim “D-Day’s Sunken Secrets” do NOVA thuộc PBS thực hiện.
30 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 39824)
LTS: N guyệt Quỳnh với bài viết “ Nhìn Vượt Qua Một Ước Mơ Tan Vỡ” vào những ngày 30 tháng 4 năm nay, bằng những giấc mơ tan vỡ đó không riêng của Nguyệt Quỳnh và cũng không có gì ngạc nhiên và mới mẻ, nhưng đó chính là nỗi đau chung của nhiều người, của thân phận con người Việt nam. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu bài viết của Nguyệt Quỳnh cùng bạn đọc của Hợp Lưu khắp nơi.
30 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 38569)
LTS: Chúng tôi nhận được bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân vào những ngày tưởng niệm 30 tháng 4 vào năm thứ 39 . Ông Nguyễn Quốc Quân cho biết đây là bài viết đầu tiên của ông về ngày 30/4 từ hơn 30 năm vượt biển và bài này cũng để ghi lại cảm xúc sâu đậm của ông khi đón nhận nhận sự ra đi của thầy giáo Đinh Đăng Định. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài “30 tháng 4 tôi nhìn lại mình” cùng độc giả Hợp Lưu .
17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 41878)
LTS: Một năm rưỡi trước khi từ trần, tướng Trần Độ đã hoàn thành một tập nhật ký mà ông đặt tên là Nhật Ký Rồng Rắn: bắt đầu từ cuối năm 2000, viết xong tháng 5 năm 2001. Nhật ký Rồng Rắn là một bút ký chính trị trong đó, với tất cả tâm huyết, tác giả trình bày suy nghĩ của mình về các vấn đề chính trị của đất nước. Tháng 6.2001, Trần Độ vào Sàigòn thăm con và nhờ người đánh máy bản thảo. Ngày 10.6, ông đi lấy bản thảo, bản vi tính và sao chụp thành 15 bản. Trên đường về nhà, ông bị tịch thu toàn bộ các bản thảo và bản in chụp, xem là "tang chứng" của tội "viết và lưu hành tài liệu xấu". Cho đến ngày từ trần 9.8.2002, tướng Trần Độ không được trả lại nhật ký của mình. Trích đoạn dưới đây là một phần của nhật ký này. {theo tạp chí Diễn Đàn}.
17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 40039)
Đ ại văn hào Gabriel Garcia Márquez, tác giả cuốn tiểu thuyết danh tiếng “One Hundred Years of Solitude” và là người đã đoạt giải Văn Chương Nobel năm 1982, đã qua đời ngày 17 tháng 4 vừa qua, hưởng thọ 87 tuổi.
17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 36631)
Đ ặng Mỹ Hạnh là một nữ nhiếp ảnh gia của những “Xứ sở rừng mưa” như tựa một bút ký của cô. Nếu nhiếp ảnh là đam mê chính, văn chương là đam mê thứ nhì mà cô tự định nghĩa: "Tiếp cận với nghệ thuật bằng ngữ ảnh của cảm xúc và viết ra cõi lặng bên trong như một nhu cầu thở." Một cõi lặng đôi khi ngấm ngầm dữ dội, như tùy bút "Những cơn man dại của trái phá".
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 42626)
X uân Lộc là nút chặn đường tiến vào Sài gòn của quân Bắc Việt. 35 năm, thời gian tuy dài, nhưng có khi không thể xóa nhòa một vui buồn, huống chi những mất mát đớn đau trong đời người. Trong ký ức của người dân Long Khánh, và người dân miền Nam, trận chiến Xuân Lộc, không thể phôi pha.
03 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 35211)
rồi thiên anh hùng ca cũng từ từ khép lại nghìn năm sau nại hà sông vẫn dài thêm tuổi đường trần sao quá vội ngày hai buổi không về cùng chiều lặng. chiều tê
23 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 44864)
T ôi vẫn đi lên đi xuống dọc theo bờ biển miền Tây Hoa Kỳ. Được hỏi khi nào ngưng, tôi chỉ biết cười và trả lời là tới khi nào không còn lái xe được nữa. Tôi thèm những lúc thả hồn giữa những cụm rừng đại thụ gỗ đỏ cao thấu trời mây; giõi theo những cánh chim thiên di hàng năm không biết mỏi, và tưởng tượng từng đàn cá voi bận rộn xuôi nam ngược bắc...