- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Kỷ niệm 70 năm ngày D-Day Nhớ lại chuyến thăm Normandy 5 năm trước

05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 37207)

Tuần rồi, nhân kỷ niệm 70 năm ngày 6 tháng 6 năm 1944 khi quân Đồng Minh đổ bộ chiếm bờ biển Normandy để từ đó tiến vào giải phóng Âu Châu đang bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, hệ thống truyền hình PBS chiếu một loạt phim tài liệu liên hệ, trong số đó tôi có dịp xem hai phim, đó là “D-Day 360” do Windfall Films của Anh Quốc sản xuất dưới quyền đạo diễn của Ian Duncan; và phim “D-Day’s Sunken Secrets” do NOVA thuộc PBS thực hiện.

Cuộc đổ bộ Normandy của quân đồng minh là mặt trận quyết định vì nó giúp mở đường cho quân Đồng Minh từ đất Anh vượt qua eo biển English Channel tiến vào giải phóng Âu châu. Kết thúc hai năm nghiên cứu và phối hợp, vào rạng sáng ngày 6 tháng 6 năm 1944, dưới quyền chỉ huy tối cao của Tướng Hoa Kỳ Dwight Eisenhower, một lực lượng quân Đồng Minh hùng hậu chưa từng có gồm 3,000 chiến đấu cơ thả 23,000 quân xuống phía sau tuyến phòng thủ của quân Đức. Trong khi đó, khoảng 7,000 chiến hạm chở theo gần 160,000 quân và hàng chục ngàn xe tăng và tầu đổ bộ vượt eo biển Anh Quốc đầy mìn và đe doạ bởi ngư lôi của Đức để tiến vào bờ biển Normandy, nơi hàng triệu trái mìn và vô số chướng ngại vật được quân Đức chôn để cản bước tiến của quân Đồng Minh.

Phim “D-Day 360” đặt trọng tâm vào cuộc đổ bộ trên bãi Omaha trong lãnh vực trách nhiệm của quân đội Mỹ, trong khuôn khổ 5 tiếng đồng hồ, tập trung vào đoàn quân đổ bộ đầu tiên, trong đó có một số chiến binh đến từ Bedford, Virginia. Bedford là một thành phố nhỏ với dân số khoảng 3,200 vào đầu thập niên 1940, nhưng chịu một tỉ lệ thương vong cao nhất khi Thế chiến thứ hai kết thúc: trong số 30 thanh niên nhập ngũ, 19 người trở thành tử sĩ. Bedford, do đấy, đã được Quốc hội Hoa Kỳ chọn làm nơi dựng đài Tưởng niệm Quốc gia D-Day. Phim “D-Day 360” xử dụng kỹ thuật LiDAR (Light Detection and Ranging) (*), dựa vào các tài liệu nguyên thủy (raw) để tái tạo cảnh đổ bộ lên bãi Omaha, xen kẽ với lời kể của vài cựu chiến binh còn sống sót, khá linh động và lôi cuốn.

Trong khi đó, phim “D-Day’s Sunken Secrets,” một phối hợp giữa các sử gia quân sự, chuyên viên khảo cổ và thợ lặn chuyên nghiệp, và với sự trợ giúp của tầu lặn nhỏ, các rô bô và dụng cụ thực hiện bản đồ 3D hiện đại đưa người xem xuống lòng eo biển để khám phá, lần đầu tiên, những chiến hạm, xe tăng và nhiều trang bị khác cho cuộc đổ bộ, kể cả một phần của hệ thống bến tầu lưu động, đã bị chìm xuống biển vì trúng đạn hay mìn hoặc ngư lôi từ một hệ thống phòng thủ kiên cố của Đức đặt dọc theo bờ biển Normandy với chiều dài 50 miles.(**)


 td_1

Trái và giữa, lính Mỹ chờ đổ bộ và lính Đức ghìm súng chờ đòan quân đổ bộ (hình tạo bởi máy vi tính, trích phim “D-Day 360,” Windfall Films). Phải, hình trích phim “D-Day’s Sunken Secrets” (Ảnh NOVA)

 

td_2

Bản đồ cuộc đổ bộ D-Day của quân Đồng Minh tại bờ biển Normandy. (Nguồn: Time Magazine)

 

Cuộc đổ bộ, mệnh danh là Chiến dịch Overlord, dưới làn mưa đạn dầy đặc của Đức Quốc Xã, cuối cùng, đã hoàn tất vào ngày 11 tháng 6, với cả năm bãi đổ bộ (Utah và Omaha, trách nhiệm của Mỹ; Gold, Juno và Sword của Anh và Canada) dọc theo bờ biển hoàn toàn nằm trong tay quân Đồng Minh. Tổn thất không nhỏ: số bị thương, mất tích hay bị bắt làm tù binh bên Hoa Kỳ là 6,603, với 1,465 xác định là chết; Anh Quốc, 2,700; Canada, 1,074 (359 chết). Bên phía Đức ước tính từ 4,000 đến 9,000. Chưa kể những chiến hạm bị bắn hay trúng mìn hoặc ngư lôi bị chìm, mang theo nhiều chiến binh, hàng chục xe nhà binh, xe tăng và quân dụng xuống lòng đại dương. Song cũng nhờ chiến công Normandy mở đường này mà sau đó trên 320,000 quân Đồng Minh và 100,000 tấn quân dụng đã tiến được vào Âu châu. Paris được giải phóng vào ngày 25 tháng 8, 1944. Năm sau, vào ngày 8 tháng 5, Đức Quốc Xã đầu hàng, kết thúc cơn ác mộng kéo dài sáu năm của nhân loại.

Xem các phim trên tôi không khỏi không nhớ tới chuyến viếng thăm Normandy vào dịp nơi đây kỷ niệm 65 năm ngày quân Đồng Minh đổ bộ, do vợ chồng chị bạn cùng học ở trường trung học Gia Long xưa ở Saigon, Cẩm Hồng và André, bỏ ra một ngày đưa đi. Mới đây mà đã năm năm -- thời gian với tôi lúc này hình như qua thật mau.

Tôi còn nhớ mình đã bồi hồi xúc động trước những hình ảnh và di tích của chiến dịch đổ bộ Normandy và lòng tri ân của người địa phương đối với quân Đồng Minh nói chung và Hoa Kỳ nói riêng vì đã giúp cứu vãn một nền văn minh bị đe dọa bởi đạo quân Đức Quốc Xã cuồng tín. Tôi nghĩ tới lời reo mừng của một công dân Pháp tên André Mace vào một ngày tháng 6 năm 1944 sau khi tiếng súng tạm yên suốt vùng Normandy mà tôi đã đọc được trên tường trong Viện Bảo tàng Nghĩa trang Từ sĩ Hoa Kỳ, "Lính Mỹ là những người duy nhất trên đường phố, không thấy bóng dáng lính Đức đâu nữa. Thật là một niềm vui không bút nào tả hết được.” (“The Americans are the only ones in the streets of the town, there are no more Germans. It is an indescribable joy.") Nghĩ lại tôi vẫn còn thấy xúc động. Câu nói tưởng như là cliché, nhưng vẫn đúng: Tự do không phải miễn phí – Freedom is not free.

Chúng tôi viếng thăm một số di tích dọc theo bờ biển Normandy, kết thúc với việc viếng Nghĩa trang Tử sĩ Hoa Kỳ, nơi an nghỉ của trên 9,000 tử sĩ Mỹ, trên một mỏm đất ngó xuống bãi đổ bộ Omaha; và Nghĩa trang La Cambe nằm trên Route Nationale cũng trong vùng Normandy, nơi chôn cất trên 20,000 tử thi lính Đức được gom góp từ các nơi về.

Bên dưới là một số hình ảnh về buổi viếng thăm Normandy của tôi vào năm 2009 nhân kỷ niệm 65 năm ngày đổ bộ D-Day. Tôi đóan năm nay Normandy chắc chắn sẽ rầm rộ tổ chức mừng D-Day, có lẽ còn tưng bừng hơn vì là kỷ niệm 70 năm – 70 năm đã qua mà Âu Châu vẫn được hưởng hoà bình, đó phải kể là một thành tích đáng kể cho cái lục địa nhỏ nhưng nhiều dị biệt, lắm biên giới này.

 

 td_3

Trái, một tỉnh nhỏ nằm trên đường dẫn tới bờ biển Normandy có giăng ngang phố những giây có gắn cờ của các quốc gia trong Quân đội Đồng minh để chào mừng ngày D-Day. Giữa, một tấm bảng chào mừng Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama, người đã tới vùng này dự lễ kỷ niệm 65 năm ngày D-Day. Giòng chữ “Yes, We Ca(e)n” là một lối chơi chữ của người địa phương thuộc thành phố Caen, một thành phố nằm ở cửa ngõ dẫn vào vùng Normandy, nói lên lòng ngưỡng mộ của họ đối với vị tổng thống Mỹ trẻ tuổi và có tinh thần tích cực. Phải, một số thanh niên phục sức đồ trận và lái xe Jeep của quân đội Mỹ để mừng D-Day. Tôi thấy cả một số phụ nữ trang phục như thập niên 1940 lượn quanh phố nói cười hồn nhiên giữa tiếng nhạc rock ‘n roll rất Mỹ phát ra từ một máy hát, nhưng không có dịp chụp hình họ. (Ảnh Trùng Dương, 6/2009)

 td_4

Trái, một tiệm ăn trưng bảng “Thank you! 1944”, giữa, và một trong vài hình ảnh của ngày dân chúng Normandy đón mừng đòan quân Đồng Minh vào giải phóng họ, phải, chụp lại từ các hình dán ở của kính của tiệm ăn. (Ảnh Trùng Dương, 6/2009)

 td_5

Trái, một tiệm bán đồ lưu niệm tại Arromanches-les-Bains bên bờ biển Normandy. Phải, Musée du Débarquement, Arromanches-les-Bains, Pháp. (Ảnh Trùng Dương, 6/2009)

 td_6

Trái, tấm bảng đặt tại lối vào khu đài tưởng niệm Pointe Du Hoc, mỏm đất cao khoảng 100 feet, tức trên 30 mét, nhô ra biển giữa hai bãi Utah bên trái và Omaha bên phải nằm trong trách nhiệm của quân Mỹ. Nơi đây, vào ngày 6 tháng 6, 1944 một đơn vị lực lượng đặc biệt Rangers gồm 225 người có phần vụ chiếm đóng để triệt hạ các ổ súng cối 155 ly của Đức đặt nơi đây để uy hiếp cả hai bãi độ bộ Utah ở phiá tây và Omaha ở phía đông. Phải mất hai ngày và 135 nhân mạng, quân Mỹ mới chiếm được mỏm đất này, giúp cho quân đổ bộ sau đó khỏi bị chết thêm. Năm 1984, một đài tưởng niệm được đặt ngay tại mỏm đất này, do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan khánh thành. Hình bên phải, trích từ Web site http://usnormandy.com/rangers-heroes/the-boys-of-pointe-du-hoc, chụp từ phía biển vào, cho thấy một phần của bãi Omaha nơi đơn vị Rangers đổ bộ, rồi, dưới làn mưa đạn dầy đặc của quân Đức, những người sống sót dùng thang giây leo lên bờ. Giữa, vợ chồng chị bạn Cẩm Hồng và André chụp hình lưu niệm bên di tích của hầm chứa súng 155 ly kiên cố của Đức tại Pointe du Hoc. (Ảnh Trùng Dương, 6/2009)

 td_7

Trái, Cẩm Hồng và tôi tại Nghĩa trang Tử sĩ Hoa Kỳ. Giữa, quang cảnh Nghĩa trang Tử sĩ Đức. Phải, nhân kỷ niệm ngày D-Day, nhiều đoàn thể và cá nhân tới đặt vòng hoa tưởng niệm tử sĩ Đức, kể cả nhiều du khách Mỹ, không phân biệt bạn hay thù. (Ảnh Trùng Dương, 6/2009)

 

Chú thích:

(*) Introduction to LiDAR Technology, https://www.youtube.com/watch?v=HfV7jJgrw4Q

(**) Xem phim tài liệu “D-Day 360” tại http://video.pbs.org/video/2365248234/; và phim “D-Day’s Sunken Secrets” tại http://video.pbs.org/video/2365255157/

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Năm 20181:22 SA(Xem: 28328)
Tôi rời Hà Nội vào Nam rất sớm. Năm 1951 tôi đã theo bố tôi và người chị cả vào định cư ở Sài Gòn trong khi mẹ tôi và các anh chị tôi vẫn còn ở Hà Nội cho đến ngày di cư. Vào Nam ba bố con tôi ở chung với gia đình người bác ở đầu đường Hồng Thập Tự gần sở thú Sài Gòn. Thời gian chúng tôi ở đó tôi thường theo các anh họ tôi đạp xe đi tắm ở hồ bơi mà hồi đó chúng tôi gọi là "đi pít-xin". Hồ bơi ở xa lắm, mãi tuốt trong Chợ Lớn. Tôi nhớ là để tới hồ bơi chúng tôi phải dắt xe đi ngang một con đường sắt, rồi lại phải băng qua một bãi đất trống rất rộng mấp mô đầy những mồ mả.
07 Tháng Năm 20184:58 CH(Xem: 24886)
Một sợi dây dừa nối hai sinh linh tật nguyền để tạo thành một sinh thể thống nhất, mang tính bù đắp, tối ưu của thích nghi nhưng không thoát khỏi vẻ dị hình, sự mất định hướng đến vụng về của một phần cơ thể mù lòa được kéo lê phía sau. Nhìn họ di chuyển như hình ảnh một con sâu đo, bị chiếp dép quằn nát khúc giữa, ngúc ngắt vô vọng nhưng trong đó là cả hai thân phận con người và tự thân, chừng như họ cũng đang quằn quại với nỗi đau mưu sinh. _ Lại cho chú thương phế binh kia năm chục đi con! Là một người suốt đời sống với cái chợ, má tôi thường nói với tôi khi nhìn thấy hai con người thống khổ ấy. Tôi cầm tờ giấy bạc, chạy tới, bỏ vào cái cà mèn và đáp lại, luôn là một tiếng “Cám ơn” nhẹ nhàng, của những con người có tâm hồn thật tử tế. ... "
30 Tháng Tư 20189:14 CH(Xem: 24956)
Trung Quốc đang khống chế không chỉ Biển Đông mà còn trên toàn Lưu Vực Sông Mekong, Việt Nam là một quốc gia cuối nguồn, giới cầm quyền VN thì lệ thuộc về chính trị vào Trung Quốc và do đó hoàn toàn bị động. Cho dù Việt Nam thỉnh thoảng có lên tiếng phản đối yếu ớt nhưng thực tế không có chiến lược gì cụ thể và hầu như không làm được gì để bảo vệ sự sống còn của hơn 17 triệu cư dân ĐBSCL và cũng là vựa lúa của cả nước. Đó là một sự thật.
31 Tháng Ba 20181:21 SA(Xem: 26759)
Đúng 14G40, tàu chuyển bánh. Chúng tôi nô nức nhìn sang hai bên đường, quan sát cảnh vật. Sài Gòn vẫn đỏ rực màu cờ và biểu ngữ, dấu tích của những cuộc “diễu hành” và “diễu binh” mừng “đại thắng mùa Xuân 1975,” “giải phóng miền Nam” từ Bắc chí Nam suốt một tháng qua—với chi phí khá lớn, hẳn có thể sử dụng một cách tốt đẹp hơn cho các kế hoạch an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, với tiêu chuẩn phân chia giàu nghèo 150,000 đồng mỗi tháng. Nhưng những chính quyền chuyên chính—hay, “dân chủ tập trung,” nếu muốn—thường dành cho ngành tuyên truyền ngân khoản lớn...
25 Tháng Ba 201812:47 SA(Xem: 26750)
Thời gian trôi nhanh, trên nửa thế kỷ qua đi, tôi vẫn không quên kỷ niệm cuộc “hành quân”đầu tiên trong đời binh nghiệp tại làng 13Bis. Hình ảnh những thi hài dù được thu lượm về hay còn nằm phơi mình dưới nắng mưa ngoài trận địa, hoặc được chôn vùi một cách đơn sơ trong rừng sâu khiến tôi tự hỏi tất cả những hy sinh của họ đã được đền bù xứng đáng chưa? Đem thể xác yếu như “cây sậy” của họ thách thức bom đạn, để phục vụ một lý tưởng nào quá xa xôi và mơ hồ, liệu có tàn nhẫn không? Những danh hiệu, những mỹ từ, những truy phong, truy tặng v.v có đủ để đánh đổi mạng sống của họ hay chăng? Dù gì đi nữa, một điều chắc chắn là thân xác những người đã hy sinh ấy nay đã thành “cát bụi”…Và không biết ba mươi năm chiến tranh Việt Nam 1945-1975 mà nhiều người gọi là cuộc chiến tranh “phúc đức”, có bao nhiêu triệu người dân Việt trở thành cát bụi ?
04 Tháng Ba 20182:00 CH(Xem: 23851)
"Không Cần Phải Đốt Sách để phá huỷ một nền văn hoá, Chỉ Cần Buộc Người Ta Ngừng Đọc mà thôi." "You don't have to burn books to destroy a culture. Just get people to stop reading them." Ray Bradbury phát biểu câu trên cách đây mới có 24 năm khi trả lời phỏng vấn của Misha Berson, của tờ The Seattle Times (12 March 1993)
15 Tháng Hai 20182:18 SA(Xem: 26691)
Trong y khoa, khi khảo sát não trạng vô thức của đám đông, qua nghiên cứu hành vi/ behavior của loài cá, khoa học gia Đức đã làm một thử nghiệm: thả một con cá bị huỷ não bộ vào một hồ cá, không có gì ngạc nhiên là con cá ấy mất định hướng bơi tán loạn, nhưng điều kỳ lạ là đàn cá lành mạnh thì lại ngoan ngoãn bơi theo con cá mất não ấy. Phải chăng "thử nghiệm hành vi" của nhà khoa học Đức, đã phần nào giải thích hiện tượng cả một dân tộc Đức văn minh đã có một thời kỳ nhất loạt tuân theo một lãnh tụ như Hitler xô đẩy cả thế giới vào lò lửa của cuộc Thế chiến thứ Hai.
12 Tháng Giêng 201812:14 SA(Xem: 9505)
Trước Bạc Liêu, tỉnh duyên hải Bình Thuận cũng đã có nhà máy điện gió tại huyện Tuy Phong, quy mô nhỏ hơn gồm 20 trụ turbin điện gió với công suất 30 MW. Bình Thuận, còn có dự án Điện gió trên đảo Phú Quý với 3 trụ turbin công suất 6 MW. Về khai thác điện gió, Bình Thuận là tỉnh "đi trước về sau" so với tỉnh Bạc Liêu nơi ĐBSCL. Hiện có 5 nhà máy điện gió đã đi vào hoạt động ở Việt Nam với tổng công suất 160 MW, tuy chậm và sơ khai nhưng nhiều hứa hẹn, sẽ cùng với điện năng mặt trời dần thay thế cho nguồn điện than gây ô nhiễm khủng khiếp.
01 Tháng Giêng 20181:14 SA(Xem: 24581)
Về tới Cao Lãnh cũng đã gần nửa khuya. Trên chiếc xe Van của tài xế Sang có Wi-Fi di động, nên suốt cuộc hành trình nếu muốn, chúng tôi vẫn có thể kết nối mạng và làm việc với iPhone, iPad. Ngày hôm sau 12.12.2017, chúng tôi vẫn thức dậy sớm để khởi hành đi vào Đồng Tháp Mười, ghé qua Gò Tháp.
14 Tháng Tám 201712:57 SA(Xem: 26928)
Đây là bài mới bổ sung cho một bài viết khởi đầu chỉ là hồi tưởng và những kỷ niệm rất riêng tư với Giáo sư Phạm Biểu Tâm nhân dịp lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh của một vị danh sư đã để lại những dấu ấn lâu dài trong Ngành Y của Việt Nam từ thế kỷ trước.