- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Những cơn man dại của trái phá

17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30207)

dangmyhanh-_divaohoangda-content
Đặng Mỹ Hạnh

LTS: Đặng Mỹ Hạnh là một nữ nhiếp ảnh gia của những “Xứ sở rừng mưa” như tựa một bút ký của cô. Nếu nhiếp ảnh là đam mê chính, văn chương là đam mê thứ nhì mà cô tự định nghĩa: "Tiếp cận với nghệ thuật bằng ngữ ảnh của cảm xúc và viết ra cõi lặng bên trong như một nhu cầu thở." Một cõi lặng đôi khi ngấm ngầm dữ dội, như tùy bút "Những cơn man dại của trái phá".

Tạp Chí Hợp Lưu

Tất cả, lắng sâu vào cõi lòng tôi như một tảng đá. Bắn dồn, bắn như mưa, lưỡi lửa, mìn bẫy, hơi ngạt, xe tăng, đại liên, lựu đạn… Với tôi, dẫu đó chỉ là những từ ngữ không quen, nhưng chứa đựng tất cả những sự khủng khiếp trên đời. Mặt trời mọc. Đêm tối đến. Trái phá tung lên. Và sự sống ngừng lại…

Khi tôi lớn lên, chiến tranh đã dần thuộc về dĩ vãng. Và tôi thì quá bé để nhận biết sự khác lạ hay mẫn cảm với nỗi đau này… Nhưng có lẽ, văn chương đã cho tôi cảm nhận nỗi bi kịch của chiến tranh trong từng thân phận; văn chương đã mớm tôi mùi vị của chiến tranh qua hình ảnh người lính trận...

Tôi được biết, ở miền Nam trước 1975, Giã Từ Vũ Khí là dịch bản từ Farewell to Arms của Ernest Hemingway. Và Remarque, kinh điển của văn chương chiến tranh thì tuyệt xuất với All Quiet On The Western Front - Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh. Văn chương về Thế Chiến Thứ Nhất đã trở thành một khuôn mẫu cho một phần lớn văn chương thế kỷ XX, với một quan hệ thiết yếu của nó như một lời chứng.

Tôi đang lần về một lối đi để trở lại với những cuốn sách xưa. Erich Maria Remarque – Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh, tác phẩm theo chủ nghĩa hòa bình đã từng bị tấn công gay gắt khi ra mắt vào năm 1929. Và thúc đẩy phản ứng là một loạt tiểu thuyết về Chiến tranh. Có phải bút pháp của Remarque có khả năng diễn đạt chiều sâu và góc cạnh ẩn mật của nội tâm con người trong cuộc chiến ấy? Tôi chẳng thể hiểu, điều gì đã đem tôi lại gần với tác phẩm này. Thân phận. Phải. Thân phận, chứ chẳng phải súng đạn, khi miêu tả về nỗi đau và bi kịch của con người. Ở hậu phương, chẳng thể ai cũng thấu hiểu về những trải nghiệm tàn khốc của người lính nơi trận mạc.

Bối cảnh của Mặt trận phía Tây trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất, nhân vật chính, người tường thuật câu chuyện theo ngôi thứ nhất Paul Bäumer – một tân binh chỉ mới 19 tuổi. Anh và những bạn học cùng lớp đã từng bị thuyết phục bởi vị giáo sư của họ là Kantorek, nên gia nhập Quân Đội Đức để tham gia chiến tranh. Họ được đưa ra Mặt trận phía Tây, nơi đang diễn ra những trận đánh khốc liệt giữa liên quân Anh-Pháp và Đức. Paul Bäumer, cùng sáu người bạn cùng lớp đã thực sự biết đến mùi vị thật của chiến tranh. Mùi hôi thối của chiến hào. Nỗi sợ trước khi nổ súng. Trên hết là nỗi sợ chết… Những người tân binh chưa quá tuổi đôi mươi, chiến tranh đã như một con sông cuốn họ trôi tuột theo dòng. “Bão táp gầm thét điên cuồng trên đầu chúng tôi. Những mảnh trái phá bắn ra như mưa làm nổi lên từ khoảng không gian hỗn loạn- xám ngoét và vàng khè ấy là những tiếng gào thét xé ruột gan; những tiếng kêu như tiếng trẻ con của những chiến binh bị đạn. Và trong đêm tối, cuộc sống bị vò xé đã cất tiếng rên rỉ, rồi tận cùng đau đớn bằng sự im lặng ngàn đời…”

Erich Maria Remarque, trong phần đầu giới thiệu cuốn sách, đã viết: “Cuốn sách này không phải là một bản cáo trạng, cũng chẳng phải là một bản phát biểu chính kiến. Nó chỉ thử nói về một thế hệ bị chiến tranh hủy hoại. Ngay cả khi thế hệ ấy đã thoát khỏi những viên đạn đại bác.”

Remarque đã miêu tả những trận địa như một cái lồng. Và ở đó, những người lính ngồi chờ đợi, bứt rứt trong trạng thái căng thẳng. Sự may rủi bay lượn trên đầu. Một viên đạn bắn tới, họ chỉ biết cúi xuống. Và không thể biết chính xác nó sẽ rơi xuống đâu. Người lính tin vào cơ hội và may mắn của mình, nhưng người lính trong cuộc chiến không có hàng ngàn cơ hội.

Chàng lính trẻ Paul, không còn là một mảnh đời run rẩy, cô đơn trong bóng tối. Anh gắn bó với đồng đội. Với anh, họ đều có chung những cái sợ giống nhau, một cuộc sống tương tự và một sự kết hợp vừa đơn giản, vừa sâu sắc. Loài người, làm thế nào để chứng kiến sự hãi hùng và sự phi nhân của Chiến Tranh? Hay hiểu được những điều mà anh lính muốn thương khóc… “Lia rên rỉ và gục xuống hai cánh tay. Nó mất máu rất nhanh. Không ai có thể cứu được nó nữa. Chỉ vài phút sau, người nó rúm lại như một cái ruột xe cao su hết hơi. Lúc trước đi học, nó giỏi toán đến thế, nay có ích gì cho nó nữa không…”

Những đồng đội của chàng lính trẻ Paul, cùng một tuổi hoa niên vui đùa với sân trường, lớp học, cùng ghi danh nhập ngũ, cùng đào tạo ở một trung tâm huấn luyện… Quá đủ để hình thành một mối quan hệ khắn khít khôn tưởng. Vậy mà,“Kemerik, cái thằng bạn, vừa mới đây còn nướng thịt ngựa với chúng tôi, còn cùng bọn tôi rúc vào một cái hố trái phá. Giờ nó đã là như vậy đấy. Vẫn là nó, mà không phải là nó nữa. Hình ảnh nó bị xóa mờ, chập chờn. Ngay cả tiếng nói của nó cũng phảng phất cái gì của thần chết. Nước mắt chảy ròng trên má nó. Tôi muốn lau cho nó nhưng cái khăn của tôi bẩn quá. Một giờ trôi qua, tôi vẫn ngồi đây, đầu óc căng thẳng và tôi chăm chú nghe nó muốn dặn dò điều gì nữa không. Giá Kemerik mở to miệng la được và kêu lên. Nhưng nó chỉ khóc, đầu ngoẹo sang một bên. Nó chẳng nhắc gì đến mẹ, các anh chị em, nó chẳng nói gì cả; có lẽ tất cả những điều này đã quá xa xôi đối với nó rồi. Giờ đây, nó chỉ còn một thân một mình với cuộc đời hèn mọn. Mười chín tuổi, nó khóc vì cuộc đời ấy bỏ nó mà đi.”

Một đêm Tháng Ba, tôi nghiền ngẫm thâu đêm dòng tâm tưởng của Remarque. Những hình ảnh chỉ diễn đạt bằng sức mạnh câm lặng của ngôn từ. Hình ảnh của một quá khứ chiến tranh đã thức tỉnh trong tôi nhiều buồn bã hơn mong ước. Đêm Tháng Ba vẫn lạnh, bàn tay tôi lạnh toát; và tôi ‘nổi da gà’ với một cảm giác quanh mình là làn sương mù lạnh lẽo, quái gở bị bao phủ bởi những hình ảnh nhợt nhạt, những dòng máu tím đen đóng cục trên những hốc mắt đóng nghiền, những hố phễu đầy xác người… “Buổi chiều nặng nề và hơi nóng từ mặt đất bốc lên. Khi thổi về phía chúng tôi, gió lại mang đến cho chúng tôi mùi máu, cái mùi nặng nề, nhạt nhẽo kinh tởm ấy, cái mùi chết chóc bốc lên từ những hố đại bác, giống như một thứ thuốc mê trộn lẫn với mùi thối rữa, làm cho chúng tôi khó chịu.” Tôi đọc, hay nghe từ những câu chuyện kể của những người cựu chiến binh lớn tuổi, họ đã từng ăn ngủ kế xác đồng đội đã bốc mùi. Mặt trận An Lộc, vài ngàn trái pháo một ngày. Chỉ mong ngưng tiếng pháo để ló đầu lên khỏi hầm hố hớp chút khí trời hay tìm một chút nắng tươi. Và mong cả địch ngưng pháo để bò lên vùi vội xác đồng đội cho khỏi thối rã. Nhưng ngay cả sự im lặng bất thường ấy cũng là một đe dọa chết người.

Những người lính trận Đức đã dần quen phần nào rằng Chiến tranh là một nguyên nhân của cái chết; cũng như những căn bịnh thông thường. Chỉ có điều, những ‘ca’ chết thì nhiều hơn, phức tạp và ác liệt hơn. Trên những thân hình tàn phế vẫn còn những bộ mặt con người. Và đã có hàng ngàn những quân y viện như thế ở những nước Pháp, Đức và cả Nga. Chiến hào, nhà thương và nấm mồ công cộng, không gì khác hơn như Paul đã nghĩ: “ Nếu nền văn hóa hàng ngàn năm không thể ngăn ngừa những suối máu như thế đổ ra… Chỉ có quân y viện mới thực sự thấu hết chiến tranh là gì.”

Tôi muốn thoát khỏi những bi luỵ trên những dòng bút tích Chiến tranh. Dẫu những trái phá vẫn tàn nhẫn trên những hố phễu đầy xác người đã làm tôi rợn người. Có thể, ngàn lần tôi vẫn không thể hiểu nổi những gì người lính trẻ như Paul đã phải đối mặt. Nỗi lo âu kinh hãi. Những ý nghĩ yếu đuối và run rẩy. Những ảo tưởng huyền hoặc giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Trái phá, hơi ngạt, xe tăng: những vật nghiến nát anh, xâu xé và giết chết anh. Bệnh lỵ, bệnh cúm, bệnh chấy rận đã làm anh nghẹt thở cũng đốt cháy, giết chết anh.

Trên quê hương tôi, hình ảnh Chiến tranh còn in dấu trong ký ức trên những “Đại lộ kinh hoàng”, Mậu Thân Huế, những Quốc lộ 19, 14… Cơn man dại của trái phá của chiến tranh còn hằn lên cả những thân phận người vô tội…

Chiến tranh rồi cũng sẽ qua đi, nhưng di chứng của nó vẫn còn hằn lên những số phận đã đi qua cuộc chiến. Quân Đức đã đánh tan một cuộc tấn công của đối phương, Paul đâm chết một lính Pháp và chứng kiến cảnh hấp hối thật đau đớn của người này. Đây là kẻ địch đầu tiên chính tay Paul tiêu diệt. Anh cảm thấy đau xót và xin cái xác ấy tha lỗi, “Này anh bạn, mình có muốn giết anh bạn đâu. Nếu bạn lại nhảy vào cái hố này một lần nữa, tôi sẽ không làm thế nữa; miễn là bạn cũng phải biết điều. Tại sao, người ta không nói cho bọn mình biết được rằng chính các cậu cũng chỉ là những con chó khốn khổ như bọn mình; rằng chúng ta đều sợ chết như nhau, đều chết một cách giống nhau, chịu những nỗi đau đớn như nhau… Cậu bạn ơi, hãy tha thứ cho tôi, tại sao cậu lại có thể là kẻ thù của mình. Nếu chúng ta có thể vứt bỏ đi những vũ khí và bộ quân phục này đi, bạn rất có thể là anh em của tôi…”

Tôi cũng chẳng hề nghĩ mình lại có thể mặn mà với đề tài binh lửa, nhưng với một cuốn tiểu thuyết Chiến tranh thì không thể hình dung nếu không có văn chương về cuộc Đại chiến. Đã có lúc, con người chẳng còn thiết đến nỗi khủng khiếp về cảm giác thô bạo của Chiến tranh. Thật may mắn, khi thế hệ tôi ngày nay đã không còn những kinh nghiệm về những con số kinh hoàng: ngày 22 tháng Tám năm 1914, quân đội Pháp mất 27,000 người chỉ trong một ngày. Cả một thành phố. Một nửa học sinh trường Normale Sup thuộc các khóa từ 1910 đến 1913 bị giết giữa năm 1914 và 1918 của Đệ Nhất Thế Chiến.

Sự khát khao được sống của những lính luôn để lại những cảm xúc thật thương xót trong tôi. Nhưng những người bạn của Paul đã lần lượt ngã xuống. Và bản thân anh ngày càng tỏ ra chán ghét Chiến tranh, bởi nỗi kinh hoàng của cuộc chiến đã tước đoạt tuổi thanh xuân của họ. Một cuộc chiến đã chẳng mang lại sự vinh quang nào. Tác phẩm văn chương chiến tranh All Quite On The Western Front, đối với đế chế Đức Quốc Xã sau đó thì đã được xem như một cuộc phản kích nhắm vào sự phản bội dưới hình thức văn chương với những người lính của cuộc Đại Chiến. Họ đã quyết định ‘đốt’ tác phẩm của Erich Maria Remarque vào đống lửa. Ngoài tiểu thuyết nổi tiếng này, chính quyền Hitler cũng thiêu rụi luôn tác phẩm Giã Từ Vũ Khí của nhà văn Ernest Hemingway.

Luồng gió hy vọng mơn trớn những cánh đồng bị lửa đạn tàn phá. Cơn sốt hầm hập của chờ mong trong nỗi tuyệt vọng. Những người lính mơ về cuộc đình chiến và hoà bình. Remarque, có lẽ đã an bài cho chàng lính Paul Bäumer một số phận bình thản…

“Anh ngã xuống, đầu về phía trước, nằm dài trên đất, như người đang ngủ. Khi lật anh lên, người ta thấy hình như anh không đau đớn lâu thì phải. Nét mặt anh bình thản và như biểu lộ một vẻ bằng lòng về cái kết cục như vậy…”

Kết thúc, là cái chết của nhân vật chính Paul Bäumer vào một ngày Tháng Mười năm 1918. Một ngày mà các báo cáo quân sự từ mặt trận phía Tây chỉ vỏn vẹn dòng chữ “Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh”, và nó được lấy làm tựa cho cuốn tiểu thuyết. Gương mặt bình yên của Paul Bäumer khi chết. Và vẻ như anh sung sướng vì sự kết thúc đã đến…

Hãy tha lỗi cho tôi, một thế hệ sinh ra chẳng bởi lòng thù hận của Chiến tranh. Tôi cũng đã từng tự hỏi Chiến tranh sống ở đâu, và điều gì đã khiến nó thảm khốc đến thế. Chiến Tranh Thứ Nhất chỉ là con số của 4 năm (1914-1918) so với cuộc chiến Việt Nam 1954-1975 đã chẻ đôi tình cảm dân tộc.

Tôi cũng tự hỏi về sự xác quyết của Chiến tranh. Chỉ biết rằng, nó chỉ xác định được ai còn, ai mất!

Đặng Mỹ Hạnh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Hai 20154:17 SA(Xem: 32039)
Hôm nay, chúng tôi trở về thăm lại nền nhà xưa của nội. Ngày ba sống đã từng ao ước sẽ dẫn đàn con trở về thăm quê cũ. Bây giờ nếu ba còn sống, chắc ông sẽ hạnh phúc lắm. Khu vườn của nội cây chằng chịt, nền đất cũ hoang tàn, ngôi nhà tranh vách đất của nữa thế kỷ trước vẫn đứng im lìm trong nắng sớm. Cây cổ thụ có một tổ ong to đang làm mật. Chu vi khuôn viên đã bị lấn chiếm nhiều.
18 Tháng Hai 20156:51 SA(Xem: 28260)
Tết thường được nhắc đến với những món ăn đặc trưng “thịt mỡ dưa hành,” và những mùi hương gây nhớ “thoảng mùi khói pháo thoảng mùi nhang.” Nhưng mỗi đứa trẻ mang theo nó một món ăn một hình ảnh một mùi hương riêng, không hẳn giống như những gì chúng ta thường gợi nhắc.
17 Tháng Hai 20153:10 SA(Xem: 29045)
Năm Mùi lại sắp đến và ta thường hỏi là tại sao tên gọi là Mùi, không là dê, dương hay vị ...? Phần này đưa ra vài cách nhìn hầu giải thích phần nào các lý do dẫn đến hiện tượng trên.
28 Tháng Giêng 20151:28 SA(Xem: 31579)
Anh G thân mến, Gửi bài cho anh về hội họa để cho vào Văn Học số sau, chẳng nhớ tôi có nói gì về hai cái truyện ngắn của Mai Kim Ngọc và Vũ Quỳnh Hương không? Hai truyện của Thế Giang quả là đặc biệt. Nhưng tôi nghĩ “khám phá” lớn kỳ này của Văn Học là MKN và VQH. Rất khó tin rằng đó là hai cây bút mới. “Mới” từ lúc nào?
13 Tháng Giêng 201512:08 SA(Xem: 31426)
Sài Gòn tháng Mười Hai, tôi về trời nóng dịu và nắng êm. Nơi phi trường, anh Hải quan trẻ tuổi hỏi nơi sinh của chúng tôi và lập lại _ Sài Gòn, Hà Nội _ với một nụ cười. Ra khỏi phi trường em gái tôi nói cho tôi hiểu, anh ta nháy mắt với bạn đồng nghiệp đứng kề là không có tiền kẹp vào passport đó.
09 Tháng Giêng 201512:49 SA(Xem: 31912)
Cách đây ít lâu tôi đọc một bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai với tựa đề “Hầu chuyện với anh Trương Tấn Sang” bài viết của ông xoay quanh hiện trạng của đất nước. Như một lời nói thẳng, nói thật, một lời tâm tình dựa trên câu nói mớm của ông Trương Tấn Sang khi tiếp xúc cử tri tại Sài Gòn. Ông Sang nói: “Chúng tôi sẵn sàng nghe những ý kiến cay đắng”.
21 Tháng Mười Hai 201412:28 SA(Xem: 30137)
Rỗng, vì điểm lại, từ hồi tôi biết đến giờ, từ hồi cụ ngoại tôi còn sống đến giờ, cả họ nhà tôi, chưa ai có được một mối tình đầu bạc răng long, chung thủy một lòng, nồng nàn như nhất để tôi có dịp nắc nở ghen thầm và mơ thầm.
13 Tháng Mười Hai 20142:47 CH(Xem: 32323)
Bài viết chỉ là hồi tưởng với những kỷ niệm rất riêng tư về một người bạn tấm cám Nghiêu Đề, với mối giao tình hơn nửa thế kỷ; người viết không ở trong giới hội hoạ nên cũng không dễ dàng để viết một hoạ sĩ tài hoa, sáng tác tuy ít nhưng đã để lại dấu ấn lâu dài trong lãnh vực nghệ thuật tạo hình của Việt Nam, qua một giai đoạn đầy sáng tạo trong những năm 1960-1970 với Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam mà Nghiêu Đề là một trong những thành viên sáng lập với cá tính nổi bật. (Ngô Thế Vinh)
10 Tháng Mười Hai 20141:48 SA(Xem: 31344)
Khoảng mùa hè năm 1985, Bửu Ý vào chơi Sài Gòn. Ở thành phố này, thời gian của anh thường dành cho, quanh quẩn, với những người bạn thân Đinh Cường, La Quang Thanh, Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Văn… Trong một lần ngồi với nhau, uống rượu, nói nhiều chuyện lan man từ trưa đến chiều, bỗng câu chuyện bất ngờ chuyển đề tài về vợ con.
07 Tháng Mười Hai 20143:51 SA(Xem: 30863)
Việt Nam ngày nay đứng trước rất nhiều vấn nạn gần như không giải quyết được. Ngoài dối trá (đã nói đến ở bài trước), tham nhũng cũng là một trong những vấn nạn đó. Dĩ nhiên, tham nhũng chính là một phương diện của sự dối trá. Có tham nhũng là bởi vì có dối trá.