rồi thiên anh hùng ca
cũng từ từ khép lại
nghìn năm sau nại hà
sông vẫn dài thêm tuổi
đường trần sao quá vội
ngày hai buổi không về
cùng chiều lặng. chiều tê
chạm mặt tử thần
[Trích phóng bút CŨNG CẦN CÓ NHAU]
hoàng xuân sơn /ngô vương toại 40 năm sau quán văn (VA-USA 2007)
Ở đời, không có kinh nghiệm nào mà không phải trả giá. Nhưng kinh nghiệm mà phải trả bằng ngần tính mạng của mình thì quả là đắt giá. Và hãi hùng: Kinh nghiệm Ngô Vương Toại và viên đạn thù phía bên kia.
Cuối hè, đầu thu 1967, nối tiếp sự thành công rực rỡ từ Quán Văn; Trịnh Công Sơn/Khánh Ly (TCS/KL) tái xuất hiện. Địa điểm lần này là Đại học Văn khoa Saigon (trường mới, ở đường Cường Để). Bằng vào sự thiết trí hệ thống âm thanh cực kỳ to lớn của những người bạn văn nghệ Đan Mạch, Đêm TCS/KL tại Đại học Văn khoa hứa hẹn nhiều pha hấp dẫn và sôi nổi. Sôi nổi là vì đêm sinh hoạt này nhằm hỗ trợ cho mùa tranh cử Ban Đại Diện Sinh Viên Văn Khoa niên học mới. Bạn Ngô Vương Toại nhà ta ứng cử vào chức vụ Phó Chủ Tịch Nội Vụ của một liên danh có nhiều khuôn mặt quen thuộc ở Văn khoa như Phạm Tài Tấn, Phạm Đông Bách, v.v. Toại kiêm luôn phát ngôn viên và người điều khiển chương trình tối hôm đó. Không khí thật là nhộn nhịp người lui kẻ tới, pha lẫn chút gì căng thẳng. Khán thính giả ngồi kín Giảng đường 1 (lớn nhất ở trường mới), đông ken lan cả ra ngoài hành lang chung quanh. Thậm chí tràn cả dưới sân, nhấp nhô đầu người, tiếng nói cười lao xao. Bầu không khí yên lặng trở lại khi các bạn người Đan Mạch đồng ca một bài hát bằng tiếng nước mình. Nghe cũng kỳ thú. Và rồi TCS/KL tiếp nối. Lại say sưa hát, say sưa thưởng ngoạn. Lại những tràng pháo tay nổ ran. Và đêm trường, một lần nữa chứng kiến sự hòa nhập cao đỉnh của tuổi trẻ và triệu con tim mang cùng nhịp điệu.
Sau một chuỗi ca khúc TCS/KL lóng lánh sáng, trước giờ nghỉ giải lao, anh TCS mời Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Giang và tôi lên sân khấu cùng hát bài Đi Tìm Quê Hương. Dù đã xuất hiện trước đám đông nhiều lần, lần này tôi vẫn cảm thấy run en như thường trước một lượng khán thính giả quá đông đảo. Tất cả ánh sáng đều được giảm xuống độ mờ tối đa. Chỉ còn những hình nhân nến, lung linh, chao đảo theo từng lời ca.
Người nô lệ da vàng ngủ quên, ngủ quên trong căn nhà nhỏ, đèn thắp thì mờ
Ngủ quên, quên đã bao năm
Ngủ quên, không thấy quê hương
Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích nô lệ trói buộc hờn căm
….
Người nô lệ bước đi, đi tìm giòng sông
Người nô lệ bước đi, đi về đồi non
….
Đi cho thấy quê hương ….
Hát. Nhắm mắt lại. Ngủ quên. Bước đi cơn đau dài du mộng. Thức dậy. Và đêm. Rồi cũng qua đi.
Mở bừng mắt. Quê hương vẫn đấy – người vẫn đây. Mà hồn chìm khuất tận cõi mơ hồ nào. Linh cảm một điều gì không hay sẽ đến? Người nô lệ – những giọt máu tuôn trên da vàng?
Khánh Ly hát. Trịnh Công Sơn hát. Hát mãi. Như những mũi tên lao vút. Cho đến khi đèn bật sáng. Đã hết chưa cuộc bể dâu? Chưa hết đâu. Chỉ là trần gian nửa cuộc về. (Giây phút hãi hùng ấy sẽ đến. Sẽ đến? Sẽ đi về đâu? – “Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời – chợt hãi hùng hoàng hôn trờ tới” – Trầm Tử Thiêng).
Giờ giải lao, xuất hiện một đôi nam nữ ăn bận khá lịch sự từ từ tiến lên diễn đàn. Nam: quần màu sậm, sơ mi trắng, tay thọc túi quần. Nữ: áo dài xanh lá mạ, đeo kính gọng xếch mắt mèo, tay ôm một chiếc cặp lớn, căng phồng. Ngô Vương Toại đang ở trên sân khấu nói qua về công việc bầu bán ban đại diện sinh viên văn khoa sắp tới.
Nam ngỏ ý xin được góp lời. Nữ đứng sát bên kéo khóa mở cặp. Và rồi trờ tới. Trờ tới nguyên văn: “Xin tất cả anh chị em yên chí. Chúng tôi đã bố trí chung quanh cả rồi – Hôm nay, nhân ngày kỷ niện 7 năm thành lập Mặt trận Giải phóng Miền Nam . . .” Cái gì mặt trận!? Nam nói chưa dứt câu, Toại phản ứng lẹ như chớp; nhanh tay giật lại micro: “Ẩu nà, câm mồm! . . . ” Quát: “Đứng im!” Và đoàng doàng, hai phát súng nổ liên tiếp. Tôi hoa mắt thấy thân hình Toại văng bật vào tường dưới bảng đen. Nhiều phát súng nổ liên tiếp sau đó. Nguyễn Văn Tấn tự Tấn Mốc (*) cầm chiếc ghế nhào lên cứu bạn. Và rồi cũng ăn đạn vào chân té qụy xuống bục sau đó.
Một cảnh tượng hỗn loạn chưa từng thấy trong đời! Những thân người chen lấn. Đẩy xô núp đạn hòa trong tiếng la hét, khóc lóc rợn người. Đôi nam, nữ bình thản bước xuống bục sân khấu, rẽ đám đông. Và đi mất hút.
Thoát được ra ngoài. Run như cầy sấy! Giang đâu rồi? Toại ơi! Chết? Chắc chết! Làm sao chịu thấu hai cú đìa-rếch vào người. Không dám nhìn. Chỉ còn nghe tiếng còi hụ xe cứu thương chở bạn mình đi khuất.
Trật tự tạm vãn hồi. Những kẻ chạy thoát ra ngoài, nhốn nháo nhìn vào bên trong giảng đường. Chao ôi là la liệt giày dép, nón áo, giấy tờ, sách báo. Ngổn ngang gò đống hệt một bãi chiến trường. Những người bạn Đan Mạch thu dọn đồ đạc, tháo gỡ hệ thống âm thanh, mặt mày ngơ ngác như vừa được xem xong một vở bi kịch lớn. Một vở kịch với nhiều diễn viên sống động . . .
Leo lên yên sau xe gắn máy của một bạn nào không nhớ. Đèo nhau về trạm Quán Văn bình yên. Đã thấy Trần Hiếu Lai đứng thở hổn hển. Hóa ra cu cậu chạy bộ từ Văn khoa về nhà. Cái sợ đã làm động cơ thúc đẩy một kẻ bình thường trở thành lực sĩ vô địch điền kinh chạy việt dã!
Khuya tối hôm đó, TCS phải đi lánh nạn nơi khác. Bọn tôi nằm chờ sáng trong nỗi thấp thỏm, lo âu. Cái gì sẽ xảy ra tiếp? Nhưng ngày mai rồi thấy lại mặt trời. Mặt trời mặt trời đã lên – Còn nhìn còn nhìn thấy con người. Xế trưa, tin lành cũng đưa đến: Ngô Vương Toại không việc gì nguy hiểm tới tính mạng. Dù viên đạn quái ác đã xuyên qua năm bảy tầng tạng phủ. Đúng là mạng quá lớn bạn ơi. Bạn còn phải nằm viện điều trị lâu dài.
Để kiểm chứng một khúc rẽ quan trọng. Và để rà soát lại trí nhớ tồi tệ của mình, tôi đã liên lạc với bạn Toại để cả hai cùng quay lại khúc phim thời sự gay cấn hãi hùng ấy.
Khi tôi viết những dòng chữ này, Ngô Vương Toại vừa mới hồi phục sau một cơn tai biến mạch máu não. Bạn ta còn phải tịnh dưỡng, tập tành nhiều để trở lại tình trạng sức khoẻ bình thường như trước. Cầu xin mọi điều an lành đến với bạn mình, người đã gánh chịu muôn ngàn khó khăn mà vẫn luôn luôn yêu đời, yêu người.
Trong một thư riêng, chữ viết của Toại có hơi run rẩy, nhưng trí nhớ vẫn còn tốt. Sau đây là trích đoạn về nguyên nhân đưa đến cái giây phút hãi hùng để đời ấy của nạn nhân trực tiếp:
… “Sau khi bị ba lần stroke cuối năm ngoái, trí nhớ mình rất tồi, cái được cái quên, lẫn lộn và mấy ngón tay phải vẫn còn tê nên viết khó khăn, chữ xấu. Sẽ tập viết lại.
Sơn nhớ không, năm 1967 phe sinh viên thân Cộng tìm cơ hội phát triển hoạt động mạnh trong môi trường đại học để có thể sử dụng các cơ chế đại học mở mặt trận gây xáo trộn trong thành phố sau khi đã thành công trong việc bao vây nông thôn. Mình hợp tác với anh em sinh viên quốc gia tại Đại học Văn khoa, Luật, QGHC, Sư phạm . . . để chận sự bành trướng đó. Cách hay nhất ngăn làn sóng đỏ là giữ các ban chấp hành sinh viên.
Một liên danh gồm các sinh viên quốc gia được thành lập và để tạo cảm tình với sinh viên văn khoa, mình mời TCS và KL hát. Có hai lý do, vào thời kỳ này TCS và KL là hai nghệ sĩ được yêu mến nhất và mình muốn cho thiên hạ thấy rõ Miền Nam tự do nếu có phải can dự trong chiến tranh là vì tự vệ chứ không phải là phía cổ súy chiến tranh và có lý do để không ngại một loại nhạc chống chiến tranh.” ….
Sau khi Toại ngã đạn, Trịnh Công Sơn đã sáng tác ca khúc Nhân Danh Ai, dành riêng cho Ngô Vương Toại. Bài ca lên án những ai dùng bạo lực để cố cướp lấy tính mạng của đồng loại. Mặc dù hồi đó thuộc nằm lòng ca khúc này, đã cùng với Khánh Ly và các bạn Giang, Tuấn, Tự đứng ca trước đầu giường bệnh của Toại đêm Giáng sinh 1967, giờ này tôi cũng chỉ nhớ lõm bõm được một câu: Nhân danh ai anh đến đây bắn vào người – cho máu em cho máu anh tuôn trên da thịt này . . .
Hỏi Toại thì Toại cũng chỉ nhớ ngần này:
Nhân danh ai anh đến đây bắn vào người
Lũ dơi trời đêm nay vùng biết nói
Nhân danh ai? anh đến đây bắn vào người
Trong mắt anh, trong mắt em, hãi hùng đầy
Xin nhân loại một ngày, nhủ lòng thương mến nhau thôi
Nhân danh ai, anh đến đây bắn vào người
….
Trong tim anh, mẹ Việt nằm
Trên nôi chung một màu vàng
Một niềm tin, một giận hờn…
Ca khúc này cũng không thấy ghi trong danh mục sưu tập nhạc Trịnh Công Sơn sau khi anh qua đời. Toại cũng đồng ý với tôi họa chăng chỉ có Khánh Ly may ra nhớ được toàn bài. Cũng rất cần, để ghi lại làm chứng liệu. (Nữ Hoàng Sân Cỏ ở đâu đó ới giùm cho một tiếng!)
Bài Nhân Danh Ai chứng tỏ TCS không hề là người của một phe phái nào. Anh lên án sự xiển dương cho bạo lực dù hành động bắn giết hành hạ đồng loại đến từ bất cứ phía nào.
Toại còn nằm viện dài dài cho đến lúc bình phục hẳn (cũng kéo dài khoảng vài tháng). Hễ rảnh rỗi là bọn tôi đại Cái Bang Mai/Giang (Nhuệ Giang và Hoàng Xuân Giang)/Tuấn/Tự/Sơn/Lai/Tấn . . . vào Bệnh Viện Bình dân thăm viếng ủy lạo bạn ta, dìu chàng đi làm công tác vệ sinh, thay áo quần, đổ bô . . . và hát cho chàng nghe như buổi nào chúng mình vẫn ca hát với nhau. Ôi tình bạn thắm thiết dưòng bao!
Tưởng cũng nên nhắc lại, người điền khuyết chức vụ tranh cử trong liên danh của Ngô Vương Toại không ai xa lạ, chính là Nguyễn Ngọc Ngạn, một tên tuổi văn nghệ quen thuộc về sau tại hải ngoại.
Kể từ khi Ngô Vương Toại bị lãnh kẹo đồng của phía bên kia, tình hình chính trị trong các khuôn viên đại học có mòi căng thẳng, trầm trọng hơn. Chiến tranh nóng, lạnh giữa sinh viên quốc gia và VC nằm vùng đã thò hẵn bộ mặt hung tợn ra bên ngoài: Những vụ bắn giết, thanh toán nhau như cơm bữa đã lần lượt lên khuôn nóng các bản tin thời sự. Những sự việc cụ thể giữa chiến tranh Quốc/Cộng sẽ được thuật lại chi tiết hồi sau.
Viết thêm: Sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời (1939-2001), rất nhiều cơ quan truyền thông báo chí trong và ngoài Việt Nam đã loan tin, đăng tải những lời chia buồn bày tỏ lòng thương tiếc vô hạn người viết thơ ca tài hoa đoản mệnh này. Nhiều tuyển tập bài viết tưởng niệm TCS cũng đã được ấn hành. Tình cờ, một người bạn cho tôi mượn cuốn sách gồm nhiều người viết mang tựa đề TRỊNH CÔNG SƠN-Rơi Lệ Ru Người do nhà xuất bản Phụ Nữ thực hiện tại Hà Nội-Việt Nam. Trong tuyển tập này có một bài báo viết dưới tiêu đề: Trịnh Công Sơn – Người Hát Rong Trên Cõi Tạm, tác giả: Nguyễn Hồng Lam (từ trang 102 đến 124) trong đó có đoạn viết về cùng một khung cảnh, sự kiện xảy ra buổi trình diễn đặc biệt của TCS/Khánh Ly cùng thân hữu mà tôi đã lược thuật bên trên, nhưng ngòi viết này đã hoàn toàn được bẻ quặt tới một chỗ bịa đặt hoàn toàn vô căn cứ.
Đọc bài báo, thoạt đầu tôi rất phẫn nộ vì tất cả sự thật đều bị bóp méo. Nhưng sau đó lại cảm thấy buồn cười và thương hại cho lối viết ngụy tạo sự kiện một cách trắng trợn, tuyên truyền rẻ tiền, thậm chí ngô nghê, ấu trĩ của một loại chuyên viên bồi bút nào đó. Xin quý bạn đọc vui lòng duyệt lại trích đoạn của tác giả Nguyễn Hồng Lam dưới đây để có thể so sánh và dưa đến một thẩm định đúng đắn:
. . . . . “Sau Sơn, có rất nhiều người hát nhạc của anh. Các ca sĩ Giao Ánh(?!), Thanh Thúy, Thanh Tuyền . . . đều thích hát nhạc Trịnh nhưng thành công hạn chế. Cuối năm 1967, qua bạn bè giới thiệu, Trịnh Công Sơn đã lên Đà Lạt và tìm được Khánh Ly, một ca sĩ phòng trà của xứ sương mù. Với Khánh Ly, nhạc Trịnh nhanh chóng đạt đến đỉnh cao của sự lay động, làm sôi sục lên một tâm trạng căm hờn chán ghét chiến tranh. Để đối phó với phong trào sinh viên phản chiến và tranh đấu, Nguyễn Cao Kỳ đã tung tay chân vào các giảng đường để chỉ điểm bắt bớ và phá hoại. Tại Đại học Văn khoa, tên Ngô Vương Toại đã được Nguyễn Cao Kỳ chỉ định làm trưởng một nhóm “thanh niên trừ gian”, thực chất là một tập hợp những tên chỉ điểm mặc áo sinh viên. Toại đã tự đứng ra lập một “Quán văn” tại Đại học Văn khoa(?!)(*), chuyên hát nhạc Trịnh để lôi kéo sinh viên, nhưng chỉ biểu diễn các tình khúc khá ủy mị và đầy nỗi đau thân phận Trịnh viết trước khi vào Sài Gòn tham gia tranh đấu. Để tẩy chay, Trịnh đã dứt khoát không một lần bước lên sân khấu của “Quán văn”, dù Toại nhiều lần cố công nài nỉ. Đêm 20-12-1967, Toại lại tổ chức một đêm ca khúc Trịnh Công Sơn tại “Quán Văn”do Khánh Ly hát. Bất đắc dĩ, Trịnh Công Sơn cũng đến dự đêm biễu diễn này (vì Khánh Ly nài nỉ) . Bất ngờ khi Ngô Vương Toại vừa giới thiệu xong, một nữ sinh viên đã tiến lên cướp diễn đàn. Trước micrô chị dõng dạc: “Thưa toàn thể anh chị em sinh viên, hôm nay là 20-12-1967, kỷ niệm 7 năm ngày ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam . . .” Khán thính giả ồ lên, reo hò đã khiến mặt nạ “trừ gian” của Ngô Vương Toại rơi xuống. Y lộ nguyên hình là một tên Việt gian phản động, xách một chiếc ghế gỗ nhảy lên sân khấu quật xuống đầu chị nữ sinh. Nhưng anh sinh viên áo trắng đứng sau chị đã nhanh hơn đá văng chiếc ghế trên tay Toại. Điên tiết Ngô Vương Toại hụp xuống vén ống quần, định rút súng. Nhưng, hai phát đạn từ khẩu súng mới xuất hiện trong tay anh thanh niên đã găm thẳng vào bụng y, hất Toại ngã lăn ra sàn sân khấu. Sau này, mọi người mới biết, chị sinh viên kia tên là Út Thanh, đã cùng một đội viên khác của Lực lượng vũ trang Thành Đoàn tiến hành phá âm mưu của những tên chỉ điểm. Ngô Vương Toại may mắn thoát chết, nhưng âm mưu lôi kéo sinh viên xa rời tranh đấu của y và quan thầy thì vỡ tan tành.” . . .
Đa tạ,
Hoàng Xuân Sơn
(*) Ký giả Cao Sơn Nguyễn Văn Tấn đã từ trần vào tháng 12 năm 2013 tại San Jose, California USA
trang hồng
vệt môi em cắn vào quả nắm mùa xuân
xoay nhẹ lòng trần
ngưng hương thần thoại
cầu vai anh có hồi tựa điểm
ngón tóc mềm
và chiếc mũi chun chun
hít hà nhật nguyệt
như có thời đã xưa. thiệt xưa
trái đất tập tành quay mật độ
trục nghiêng nghiêng tình
keo mạch đồng tâm mắt bão
như có thầm thì một cuộc sánh vai dìu dịu
tơ trời. vân nõn
màu áo thiên kim
một con tàu rẽ ngang lượn sóng
sóng bạc đầu vay mượn trăm năm
dòng sông vẫn nhớ chỗ trăng chèo
có khi giữa vườn hoa thược dược
tiếng thở xanh cầm sương mới gieo
rồi cũng đến lúc cánh đồng mua chuộc
tuổi ngô như bọng lúa vàng
nghe gì không mãi hoài con nước
vẫy gọi mơ hồ đóa mộng tào khang
đầu năm Tân Mão
bất khiển
người vô dụng hôm nay
đuổi bàn tay quỷ ám
đuối thở dưới chân ngày
sậy lau buồn thảm đạm
ôi ! sao mượn thân này
đằng đằng cơn đau sát
một gợn tình heo may
một lượng đời sát phạt
bay chi một cánh đồng
tủi đất khô mùa hạn
cố níu hờ sắc không
chiều gọi chiều mê sảng
vào thất thần bệ rạc
hào hoa xô lệch rồi
ngậm ngùi con chim hát
mùa thăm thẳm . à ơi !
đêm cọ buốt da ngày
xin cứ đời hắt hủi
người vô dụng hôm nay
người vô dụng
h
ô
m
n a y
21 . 9 . 06
40 câu
[ cho một mùa an bình ]
Với tầng thơ dại cưu mang
đường qua hiện nghiệp úa vàng thanh xuân
em ơi đừng có ngại ngần
trên không dễ thấy phù vân giật mình
nỗi buồn co cụm u linh
về nghe kinh hát khúc tình tự đau
con chim ngã sắc bên lầu
có khi trăng chiếm lĩnh. mầu diệp non
nghe tuồng chữ gọi sắt son
tem thơ ngày cũ bóc mòn thế gian
Vĩnh biệt chúc thư non ngàn
mùa sương cao đỉnh xóa làn mây sao
túy hồng cường độ chiêm bao
thấy tóc xanh bỏ đi vào thụy hôn
rêu phong này đá tủi hờn
biển mong manh quy chiếu. đòn tử sinh
từ khi nắng rạp liêu mình
giọt mưa e cũng khắc tinh về trời
đêm ầu ơ ru tao nôi
thai mang cầu tự hoang đời dạ con
Chữ thết vào hôn môi ngon
vết mơm năm tháng vẫn còn lưu hương
một trăm năm bóng thiên đường
vẫy nhau biền biệt nửa vuông khăn này
sao buông ngần ngại tầm tay
chút hơi ấm cũ lưu đày xứ xa
mùa cửu vạn lên đồi hoa
nghe trăng viễn phố rợp tòa thâm nghiêm
sầu đông vây kín nỗi niềm
sông ơi biếng chẩy từ niêm phong hài
Ôi xuân nào ôm tương lai
ở đây dã tượng sống đầy mị tâm
mặc nguồn sinh thú giam cầm
giữa hoang mang đến theo lầm lũi đi
âm âm cỗ máy rù rì
lốt xưa ban nhược vết quỳ thương tươi
ba mươi năm trở lại người
cám ơn đất đá trổ ngời phong lưu
chào em. khởi nhẹ oan cừu
hoa ta thán rụng vô ưu cuối đời
25 dec. 2010
hôn đền. và nợ chuông
Thở đậm cùng môi hôn
vệt son nhòe phương tán
hoa nát giữa thần hồn
một ngàn năm án mạng
Người đi bộ qua sông
chiếc trụ đèn lãng đãng
sương khói thổi một vòng
chiều hoang. mây không tạnh
Em ơi con mắt nắng
trăn trở một đuôi tình
nét xuân viền kẽ lặng
lửa đốt trời cung nghinh
Hai ta cùng bái lạy
mà bỗng lộc vô thường
chuỗi linh nào bất cập
riết róng một trời thương
Ta chìa đời ra đấy
canh bạc muỗm đương thì
những đời thơ cháy túi
những bợn lòng ngu si
Thở đậm. lặn tới bến
nín thở trồi đầu lên
à. nước nôi vẫn thế
quanh quẩn nợ chuông rền
7 jan 2009
chiêm tinh
rồi vẫn độc mộc thuyền ra cửa
qua những hồ sâu vô rú sâu
chèo thôi vướng lụy đùm rong tảo
chèo thảnh thơi đi hết nỗi sầu
là khi ở tột cùng đơn lạnh
thương đến vô cùng manh áo quen
chút hương nhật nguyệt còn tươi rói
sánh cảm chương khuya một ánh đèn
dù hồn chúc lạp không chong nữa
vẫn nhớ ngân hà vạn cánh sao
không tiếc dung ngời khi huyễn mộng
uống hết chiêm tinh lệ đã trào
30.7.11
V Ộ I C H I
cuộn lại. im thư không. đêm
mắt đèn chong với ngực. thềm xanh xao
ngoài kia đạp lá xạc xào
bước chân hoang tưởng
rơi vào mộng du
mảng tình co. cụm mùa thu
đầu phong lá đỏ
cuối mù sương xanh
lâu. rồi cũng hết
trường thành
núi không giam giữ cây cành uyên sơ
mắt thuyền nhân
buổi hẹn chờ
sâu. sâu lắng thấu lòng
hơ hãi
tình
về được không vóc ngày. xinh
như thơ bé. vợi ảnh hình
lung lao
trờ trật năm quên bén
địch đào
cái mộng cái mộng xôn xao
lũng đồi
chiều vàng phơi sạm. đôi nơi
nghe thêm bước tẻ xuống đời
du di
ừ. thì đi đâu. rồi đi
quanh đi
quẩn lại
vội chi mà buồn
tháng mười một không bốn
T H Ư Ơ N G T Ư Ở N G
Tôi mùa mưa qua sông
trăng chuỗi lấp lánh bạc vĩnh hằng
tuyên xưng cái đẹp tôi
lên trùng trùng cơ cấu
mạn ngã biến hình
vi sinh thuyền em
nâng mấy độ sơ huyền
dòng chuyển đời huyên thiên lá râm
ngọn sào biêng biếc
gã thư sinh chết giữa cười
đoan nghi phồn hậu ôm chầm phao chứng
bơi giữa dòng lục lâm
hoa thi mùa bóng thổi trường kỳ
chuông chiều. và kẻ thẩm âm
đau rát phiên tụng râm ran khuya đèn treo
mưa chữ
mấp mó qua đèo
chợt chim thương tưởng
bay vèo
núi
non
oct.09
m ạ n g
một mình
với ngọn tiểu ba
giỡn chơi một chặp
sóng oà lên cây
thưa em nguyệt. vẽ chơn mày
là khi mưa lũ
ướt tay hồng trần
thưa về
có tuổi di căn
có thân di động
chúi lằn thoại âm
có khuya
với bóng rất thầm
tàn canh. máy liệt
rồi câm nín
trừ?
15/9/12
k ế t c u ộ c
bài cho Toại
sẽ một ngày
bày xong một cuộc nắng nôi
chỗ vui chân đến chỗ ngồi thinh không
chỗ xanh giêng một cánh đồng
chỗ mù tháng chạp kín bưng ánh hồng
đù đì một đoạn gai chông
đá đeo chân nhọc hồn gồng bước mây
buồn mơ phai. cánh lan gầy
mà trong đóa mộng vẫn ngày châu loan
vòm sao hiện nghiệp chưa tròn
chuôi gươm hiệp sĩ xới mòn tâm cơ
tóc xuân nào đốm bạc chờ
vẫn huyền thức ngọc mầu tơ biếc chài
xong rồi một gánh hai vai
mấu xương huyết hãn cuối trời lâm ly
tháng bảy không chín
đ ư ờ n g c ù n g
kim nằm dưới đáy hư vô
chôn một nấm mồ từ thuở lập thiên
xui người điên người không điên
hoa trụy lạc rắc khắp miền nhân gian
tương tư thây xưa điêu tàn
nhìn thời gian mai sau tan hoang lời
đếm chơi từ 1 tới 10
cái nháy mắt cái bời rời khoa trương
tiễn người thui hết một chương
trăm muông nghìn thú cùng đường chim bay
16 .5 .11
để một ngón mềm
đưa mình
lặng đến sân ga
đưa tôi tiễn bạn
la ngà bóng im
đưa nhau trăm cuộc nổi chìm
miếng đau nhân sự
miếng ghìm tố tâm
những đường đi. máu
chạy thầm
nguồn về có một phần âm
với chiều
đưa buồn
hết hạn cô liêu
bứt tung thơ ấu
cánh diều hội âm
trước. và sau cũng phiến
cầm
12.8.2013
t h ư ơ n g e m
khúc kể lúc qua ngặt. đèo
qua chiều
gió mặn lên theo
chợt ngùingùi dạ
thương đèo hỗn mang
thương em đeo kẻ bần hàn
áo xống tứ tán
cái ăn. cái buồn
cái xẻo đời
như mưa tuôn
ướt không lại đất
nên cuồng ngạo
bay
bởi vì đá cứng hơn cây
nên bàn chân dẫm
ngàn ngày quạnh hiu
thương em
da trắng mỹ miều
cái thân cái vóc
cái thiu thỉu. chờ
chiều rồi
sao nắng còn tơ
mà đời vương vít bụi bờ
tối
tăm
25/5/13
cặp
thôi còn chi nữa bài trùng
chiếc đi lẻ một
chiếc buồn không hai
vẫn biết đường đi không dài
mà sao độ ngắn trần ai mịt mùng
thôi về bái thượng khoan dung
ngựa qua trường ải truy lùng thiết thân
3 avril 2014
Giờ cuối viết cho Toại tôi chỉ biết đau xót nuốt lệ từng câu từng chữ như từng hơi thở đuối từng hơi thở nuối của kẻ ra đi. khôn cùng
mượn đời xanh tóc phồn hoa
rồi bàn ghế cũng phôi pha tháng ngày
Xin chia sẻ nỗi mất mát lớn lao này với chị Lan, các cháu Đạt, Châu, Bình và toàn thể đại tang quyến
những năm dâu bể hết mình
sống cùng với đóa lan linh nhiệm mầu
Xin nguyện cầu linh hồn Raphael Ngô Vương Toại sớm hưởng Nhan Thánh Chúa .
đất khách, ngày 3 tháng tư năm hai ngàn mười bốn
gia đình Hoàng Xuân Sơn