- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nguyễn-Xuân Hoàng, Văn và Tôi….

08 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 58277)


nxh-caolinh-content
  Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng - Ảnh Cao Lĩnh


Tháng 5 năm 2008

 

Cô bạn đến nhà chơi hỏi sao lâu quá không thấy tôi có tạp chí Văn mà chỉ có tạp chí Hợp Lưu thôi. Tôi trả lời - chắc trễ - Văn hay trễ.

 

 

Tháng 7 năm 2008

 

Phòng làm việc của tôi có một bệ cửa rộng như bề ngang của một kệ sách nên tôi dùng nó như một tầng của kệ sách để đựng những quyển Văn và Hợp Lưu. Bạn bè đồng nghiệp người Mỹ hay mở ra hỏi tôi đây là sách gì? Tôi giải thích và thường là xem thử nó tương đương với tờ gì bên tạp chí tiếng Mỹ để so sánh cho dễ. Nhưng khổ nổi, ngoài những tạp chí liên quan đến nghề nghiệp, tôi rất ít biết đến những tạp chí văn chương tiếng Mỹ. Thế là đành chịu thua.

 

Thỉnh thoảng, mỗi khi mệt mỏi với công việc, tôi hay mở những quyển Văn hay Hợp Lưu cũ ra đọc đi đọc lại trong khi chờ đợi cuốn mới. Lần này tôi mở quyển Văn cũ ra đọc. Thường khi mở ra, tôi luôn tìm đọc những bài sổ tay của nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng trước tiên, nhưng sao hôm ấy tôi lại đưa mắt liếc nhìn trang thứ hai của tờ bìa, thấy đia chỉ email của toà soạn và nảy ra ý định viết vài dòng hỏi thăm lý do chậm trễ. Có thể tôi đã từng thấy địa chỉ toà soạn trong nhiều năm qua, dễ chừng đến 20 năm, nhưng tôi chưa bao giờ biết dùng nó vào việc gì.

 

Tôi nhớ tôi viết “Kính gửi toà soạn báo Văn. Đã lâu tôi không nhận được báo không biết là ngân khoản của tôi đã hết hạn mà tôi chưa gia hạn hay tờ Văn có vấn đề gì? Làm ơn cho biết tin. Cảm ơn toà soạn”. Viết chỉ để viết chứ không hề mong sẽ nhận được thư hồi âm bởi có bao giờ thắc mắc và gửi hỏi lý do đâu.

 

Nhưng bất ngờ thay, sáng ra mở hộp thư, thấy thư trả lời của toà soạn nằm ngay ngắn ở hộp thư. Lòng có chút vui mừng, nhưng niềm vui vội tắt ngay khi đọc được “Kính gửi chị…..Tạp chí Văn đã đình chỉ đã vài tháng rồi nhưng chúng tôi chưa thông báo cho độc giả kịp. Thành thật xin lỗi chị”. Một cảm giác hụt hẩng và bàng hoàng xâm chiếm hồn tôi. Một mất mác vô cùng lớn bỗng làm tôi xốn xang như tôi vừa đánh mất một điều gì quí giá trong cuộc đời mình. Người ta hay nói phải mất rồi chúng ta mới nhận ra là mình yêu quí biết dường nào! Rất đúng với tôi trong trường hợp này.

 

Tôi đã không thắc mắc khó chịu vì sao báo đến trễ bởi tôi đọc những bài sổ tay lúc nào cũng kèm theo một lời xin lỗi. Tôi đã không thắc mắc bởi tôi biết tờ báo đã sống còn là do lòng yêu văn chương và tấm lòng tha thiết giữ gìn văn hoá quê nhà của một số văn nghệ sĩ yêu chuộng văn thơ, ngoài giờ làm việc chính, kiếm cơm hàng ngày, đã bỏ thì giờ và tiền bạc lo cho tờ báo chứ họ không thể sống bằng nghề làm báo. Thế nên khi nào báo đến thì đọc, sự trễ muộn của tờ báo chẳng làm phiền lòng tôi chút nào cả.

 

Trở về với email hồi âm. Phiá dưới email có chữ ký không viết hoa “nxh”. Phải nói là ba chữ nxh đã bắt tôi chú ý và tôi đã nhận ra chữ ký này, đó là chữ ký của nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng. Lòng tôi thật là vui, vui lắm. Vui vì đây là lần đầu tiên tình cờ tôi nhận được vài dòng trả lời của một nhà văn mà tôi mến mộ và yêu thích và đây cũng là cơ hội đầu tiên tôi liên lạc với một nhà văn.

 

Mỗi khi cầm tờ Văn trên tay, bài đầu tiên tôi đọc là sổ tay của ông nhưng tôi không biết gì về ông ngoài những bài viết ấy. Tôi vẽ ra một Nguyễn-Xuân Hoàng ít nói, trầm tư và rất thông minh nhất là khi ông đưa vào một vài câu đối thoại ngắn gọn để chuẩn bị đào sâu vào tâm tư tình cảm hay tính cách của nhân vật, một người rất tiết kiệm lời chê bai ngay cả khi ông không bằng lòng về một điều gì hay với một ai và điều này đã ảnh hưởng vào suy nghĩ của tôi rất nhiều. Ông mang vào những bài viết cái triết lý sống một cách rất tinh tế nên không làm người đọc cảm thấy là ông đang dạy đời. Ông luôn quí tình bằng hữu còn hơn bản thân ông. Nhưng bên cạnh những cảm nhận ấy, tôi cũng đọc được ở ông một người rất cô đơn, cô đơn ngay chính với ông. Một con người có đôi khi không tha thiết với trần gian này. Sự ra đi luôn ám ảnh ông. Tôi không biết là ông đã từng tuyệt vọng về điều gì? Tôi không hề biết gì về cuộc đời ông nhưng tôi có thể đọc ở ông, bởi tôi cảm thấy được rằng, hầu như tất cả những chi tiết, những tính cách, những nhân vật mà ông tạo ra từ những kinh nghiệm vui buồn đau đớn của chính bản thân ông nằm ở giữa, ngay ở trong từng tác phẩm của ông. Ở tác phẩm “Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu”, dù là những lá thư gửi Em yêu dấu mượt mà và lãng mạng nhưng chẳng phải là những lá thư riêng tư. Ông như đã gửi nỗi lòng ông cho tất cả mọi người cái đau đớn mà cuộc chiến mang lại, nỗi thống khổ dằn vặt của những chia xa. Thật vậy, ông đã thả vào trong tiểu thuyết của ông những sắc bén, ngọt ngào, những cao thượng hay hèn hạ trong từng nhân vật rất dứt khoát và rõ ràng và vì thế ông đã làm người đọc không phân biệt được đâu là tiểu thuyết đâu là tự sự. Nó bàng bạc nỗi đau nhân thế, nỗi đau chiến tranh, nỗi đau thân phận làm người chậm rãi mà thấm sâu. Nó làm người đọc muốn đọc lại, muốn suy gẫm, muốn đào sâu vào từng chi tiết. Nhưng lúc nào nó cũng làm người đọc nhẹ nhõm ở phút chót, phút giây kết luận như là một số phận!

 

Và một chi tiết nữa mà tôi có thể đọc được ở ông là một thơ ấu không dễ chịu, một thơ ấu không bình yên luôn dày vò ám ảnh ông. Bãi biển quê nhà với những lúc một mình cô đơn đến độ tàn nhẫn và quá lạnh lùng. Ông mang nó theo bên mình, trong những tác phẩm ở một góc độ thật mạnh mẽ. Tôi muốn nói là ông đã không rên rỉ. Lối viết của ông như mũi dao cứa vào quá khứ làm rỉ máu chứ không phải là những than thân trách phận làm độc giả mũi lòng dăm ba phút rồi quên!

 

Trong bài Barbara, khi ông kết luận “Có một nơi chứa đầy mâu thuẫn, đó là trái tim của chúng ta”. Tôi tin thế và nếu ai có một trái tim nhạy cảm sẽ biết sự mâu thuẫn này nó như thế nào. Có thể nó làm ta lên cơn sốt. Nó không thể là trắng hay là đen. Nó là một màu xám buồn của những đám mây đang kéo về trên bầu trời bão tố.

 

Không biết là tôi có nói quá về ông, nhưng đó là những gì mà tôi cảm nhận được, đọc được ông trong những tác phẩm của ông dù rất muộn màng! Khi ông nói ông đã bất công khi không thích đọc những tác phẩm của Bình Nguyên Lộc trong bài viết Bình Nguyên Lộc ở U Minh, tôi cũng nghĩ tôi đã bất công đối với ông và với rất nhiều tác giả trước 1975. Một bất công không tính toán và một muộn màng tình cờ cảm nhận được.

 

Muộn màng bởi thời mà tạp chí Văn đã có một chỗ đứng khẳng định trên văn đàn văn học và nghệ thuật, thời mà ông đã là thư ký của tòa soạn thì tôi còn nhỏ lắm và vì tôi ở tỉnh lẻ thành ra tôi không biết gì về Sài Gòn, về đời sống văn chương ở đó. Thật vậy, tôi đã chưa từng đọc hay biết là chúng ta đã từng có tạp chí Văn, Khởi Hành, Sáng Tạo hay Bách Khoa... Tôi chỉ biết Thằng Bờm với những chuyện cười, thêm chút nữa là Tuổi hoa, Tuổi ngọc trước khi tôi bị cắt đứt với văn chương nghệ thuật miền nam bởi biến cố mùa xuân 1975. Vậy mà một chút chỗ này, một chút chỗ kia về Sài Gòn, về đời sống sinh hoạt của giới văn chương Sài Gòn trong những tác phẩm của ông đã cho tôi như sống trong thế giới của một thời mà tôi không có cơ hội chạm vào. Một Sài Gòn của đường Phạm Ngũ Lão thật rõ nét!

 

Tôi lại muốn nói đến sự cô đơn của ông mà tôi đọc được. Chính sự cô đơn đã cho ông thu mình lại ở một góc và quan sát với đôi mắt mở to, thu hình những diễn biến quanh ông, không phải chỉ thu hình những sự kiện bên ngoài của một con người mà cả bên trong, một bên trong mâu thuẫn, xâu xé của người đối diện để khi ông mô tả nhân vật, ông có thể ghi ra độc đaó, rõ nét và sắc bén, độ sâu của sự nhạy cảm. Ông đã đi sâu vào từng ngõ ngách nội tâm của nhân vật ông tạo ra. Ông có lối viết từng câu rất ngắn gọn và ông sử dụng chữ nghĩa rất chính xác, có đôi khi khô, nhám và rướm máu như một đường gươm nhưng có khi lại lãng mạng nồng nàn đến vô cùng! Ông có những câu kết luân rất ngắn gọn và mang một thông điệp đến bất ngờ, đẹp và hay đã làm tôi sửng sốt. Chẳng hạn như “Thời chiến tranh, tình yêu là xa xỉ phẩm” trong bài “Dưới tàng vây trứng cá” hay “Nhưng, thư từ làm cái gì, chữ nghĩa là điều vô ích, nếu một khi chúng ta đã không còn muốn đọc nhau nữa. Phải không?” trong “Bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu” và khi ông dùng câu này lập lại một lần nữa để kết thúc lá thư ông viết cho Vi trong bài “Giáng sinh”. Và một điều nữa là tôi đã bắt gặp rất nhiều lần “Phải thế không?” ở thể câu hỏi để rồi luôn trở thành thể khẳng định. Ông đã có nhiều đoạn đối thoại bằng những câu hỏi. Người hỏi cũng hỏi và người trả lời cũng hỏi như một thách thức, như một từ chối trả lời! Tôi chỉ đưa ra một ví dụ như trong bài viết “Một hạt bụi của Vũ Khắc Khoan trong Sài Gòn đỏ” có đoạn khi người công an hỏi: “Tại sao anh không đến chỗ tôi làm việc?” “Chỗ nào?” tôi biết tại sao tôi trả lời như vậy. “Bộ anh không giữ cái điạ chỉ của tôi sao?” “Điạ chỉ nào?” Tôi tiếp tục hỏi lại, mắt nhìn thẳng vào mắt y. Còn trong tác phẩm “Bụi và Rác”, ông đã lột trần những tính cách của nhân vật thật sắc sảo, có khi đến độ tàn bạo, dã man và ở đó tình người như không hiện hữu. Nhưng không phải lúc nào cũng thế, tình bạn không phân biệt tuổi tác, tình người không phân biệt địa vị hay giàu nghèo vẫn bao trùm hiện diện trong tác phẩm này. Khi chúng ta ở cùng hoàn cảnh, nhất là hoàn cảnh đau thương hay tuyệt vọng, hay khi tầng số cảm thông của chúng ta giao thoa thì biên giới của tuổi tác không còn nữa. Chúng ta sẽ đọc được nhau!

 

Tôi xin trở về với tạp chí Văn, một chút về cơ mang nào mà tôi đến với tờ tạp chí Văn.

 

Sau 1975, tôi bị cắt đứt không thương tiếc với đời sống văn học miền nam và tôi phải tập tành làm quen với văn học sau 75. Rồi tôi vượt biên, một lần nữa tôi lại cắt đứt với văn học sau 75. Tôi ra đi và đến định cư ở miền bắc nước Mỹ, nơi rất ít người Việt và mùa đông lạnh lẽo vô cùng. Nơi mà mùa đông có khi lạnh đến trừ 50 hay 60 độ F bởi những luồng gió lạnh thổi về từ Bắc cực. Và tôi đã làm quen bằng đọc ké tạp chí Văn của anh tôi, lần đầu, với Văn ở hải ngoại nối dài Văn ở trong nước do Mai Thảo làm chủ nhiệm. Tôi không nhớ rõ năm nào, nhưng rất sớm của thập niên 80. Tôi chỉ có thể làm bạn độc nhất với tạp chí Văn và tôi nghĩ đó là người bạn văn chương đầu tiên của tôi. Tôi miệt mài đọc, miệt mài suy gẫm từng bài viết. Rồi bỗng nhiên, anh tôi không còn muốn sống nữa, anh đã tự kết liễu đời anh và Văn cũng đi theo anh. Tôi loay hoay với những quyển Văn cũ một thời gian và một hôm tôi quyết định bắt nhịp cầu trở lại và tôi đã tiếp tục mua báo định kỳ từ đó đến số báo cuối cùng của năm 2008.

 

Tôi đã không từng đọc thơ của ai ngoài những bài thơ mà tôi phải học ở trường. Tôi đã không từng mê thơ hay đã không từng làm thơ. Tôi đã không từng viết cái gì ngay cả nhật ký vậy mà nhờ những bài thơ xen kẽ trong tạp chí Văn, nhờ những bài viết ở trong tạp chí Văn, tôi đã, một hôm vào năm 2005, tôi đã có thể làm thơ, tôi đã có thể viết….Tôi nghĩ thế không biết là tôi quá chủ quan hay không? Nhưng dù bất cứ lý do gì đi nữa thì tạp chí Văn đã đưa tôi đến với thế giới thơ văn như là một món quà quí giá vô cùng, thì tôi cũng xin nói lời cảm ơn. Cảm ơn và ghi nhận rằng tạp chí Văn đã chọn một con đường để đi dù khó khăn, dù gập ghềnh, dù gian nan, nhưng đó là con đường mà hai bên đường là hoa thơm cỏ lạ. Và tôi đã bắt đầu đời sống thơ văn của tôi từ dạo ấy. Những bài văn, bài thơ của tôi đã làm đời sống tôi phong phú hơn, đã làm hồn tôi ấm áp hơn, và nhất là đã làm cái nhìn của tôi về đời sống mềm hơn, và yêu mến tha nhân hơn.

 

Và cuối cùng, nếu có dịp nào đó, tôi có thể ngồi đối diện với ông và nói lời cảm ơn trực tiếp đến nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng, chắc là lòng tôi đầy ắp những niềm vui. Cảm ơn tạp chí Văn và nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng. Cảm ơn ông đã cho tôi nhiều suy gẫm về những giá trị đạo đức tinh thần, những trăn trở của một chiều dài lịch sử, những khát vọng, những đớn đau của một thời tuổi trẻ, một thời đạn bom. Cảm ơn ông đã đưa triết lý vào đời sống văn chương thật tài tình, để những khô rốc của triết lý nở rộ trong đời sống hằng ngày. Tôi nghĩ là ông đã thành công trong sự nghiệp văn chương của ông không phải bằng số lượng mà bằng chất lượng ông đã cẩn thận chắt chiu. Tôi cũng xin nói thêm là những tác giả, những bài viết mà Văn đã chọn lựa đã xứng đáng đứng trong trời đất, của hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau.

 

Nếu có một ngày nào đó tôi có thể ngồi đối ẩm cùng nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng, ngày đó sẽ là một ngày hạnh phúc trong đời sống văn chương của tôi!

 

Nguyễn Kim Tiến

(22 tháng Sáu, 2012)

(Nguồn : https://sites.google.com/site/gsnguyenxuanhoang/home )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Ba 201812:47 SA(Xem: 31770)
Thời gian trôi nhanh, trên nửa thế kỷ qua đi, tôi vẫn không quên kỷ niệm cuộc “hành quân”đầu tiên trong đời binh nghiệp tại làng 13Bis. Hình ảnh những thi hài dù được thu lượm về hay còn nằm phơi mình dưới nắng mưa ngoài trận địa, hoặc được chôn vùi một cách đơn sơ trong rừng sâu khiến tôi tự hỏi tất cả những hy sinh của họ đã được đền bù xứng đáng chưa? Đem thể xác yếu như “cây sậy” của họ thách thức bom đạn, để phục vụ một lý tưởng nào quá xa xôi và mơ hồ, liệu có tàn nhẫn không? Những danh hiệu, những mỹ từ, những truy phong, truy tặng v.v có đủ để đánh đổi mạng sống của họ hay chăng? Dù gì đi nữa, một điều chắc chắn là thân xác những người đã hy sinh ấy nay đã thành “cát bụi”…Và không biết ba mươi năm chiến tranh Việt Nam 1945-1975 mà nhiều người gọi là cuộc chiến tranh “phúc đức”, có bao nhiêu triệu người dân Việt trở thành cát bụi ?
04 Tháng Ba 20182:00 CH(Xem: 28916)
"Không Cần Phải Đốt Sách để phá huỷ một nền văn hoá, Chỉ Cần Buộc Người Ta Ngừng Đọc mà thôi." "You don't have to burn books to destroy a culture. Just get people to stop reading them." Ray Bradbury phát biểu câu trên cách đây mới có 24 năm khi trả lời phỏng vấn của Misha Berson, của tờ The Seattle Times (12 March 1993)
15 Tháng Hai 20182:18 SA(Xem: 31157)
Trong y khoa, khi khảo sát não trạng vô thức của đám đông, qua nghiên cứu hành vi/ behavior của loài cá, khoa học gia Đức đã làm một thử nghiệm: thả một con cá bị huỷ não bộ vào một hồ cá, không có gì ngạc nhiên là con cá ấy mất định hướng bơi tán loạn, nhưng điều kỳ lạ là đàn cá lành mạnh thì lại ngoan ngoãn bơi theo con cá mất não ấy. Phải chăng "thử nghiệm hành vi" của nhà khoa học Đức, đã phần nào giải thích hiện tượng cả một dân tộc Đức văn minh đã có một thời kỳ nhất loạt tuân theo một lãnh tụ như Hitler xô đẩy cả thế giới vào lò lửa của cuộc Thế chiến thứ Hai.
12 Tháng Giêng 201812:14 SA(Xem: 10423)
Trước Bạc Liêu, tỉnh duyên hải Bình Thuận cũng đã có nhà máy điện gió tại huyện Tuy Phong, quy mô nhỏ hơn gồm 20 trụ turbin điện gió với công suất 30 MW. Bình Thuận, còn có dự án Điện gió trên đảo Phú Quý với 3 trụ turbin công suất 6 MW. Về khai thác điện gió, Bình Thuận là tỉnh "đi trước về sau" so với tỉnh Bạc Liêu nơi ĐBSCL. Hiện có 5 nhà máy điện gió đã đi vào hoạt động ở Việt Nam với tổng công suất 160 MW, tuy chậm và sơ khai nhưng nhiều hứa hẹn, sẽ cùng với điện năng mặt trời dần thay thế cho nguồn điện than gây ô nhiễm khủng khiếp.
01 Tháng Giêng 20181:14 SA(Xem: 29698)
Về tới Cao Lãnh cũng đã gần nửa khuya. Trên chiếc xe Van của tài xế Sang có Wi-Fi di động, nên suốt cuộc hành trình nếu muốn, chúng tôi vẫn có thể kết nối mạng và làm việc với iPhone, iPad. Ngày hôm sau 12.12.2017, chúng tôi vẫn thức dậy sớm để khởi hành đi vào Đồng Tháp Mười, ghé qua Gò Tháp.
14 Tháng Tám 201712:57 SA(Xem: 31305)
Đây là bài mới bổ sung cho một bài viết khởi đầu chỉ là hồi tưởng và những kỷ niệm rất riêng tư với Giáo sư Phạm Biểu Tâm nhân dịp lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh của một vị danh sư đã để lại những dấu ấn lâu dài trong Ngành Y của Việt Nam từ thế kỷ trước.
17 Tháng Tư 201710:53 CH(Xem: 33134)
Sau khi phần I, Én Liệng Truông Mây, được nhà xuất bản Trẻ Sài Gòn phát hành năm 2014, tôi bắt tay viết tiếp phần II của trường thiên TÂY SƠN TAM KIỆT, tức Nhất Thống Sơn Hà. Cuối năm 2015, Nhất Thống Sơn Hà đã được đại công ty Amazon của Hoa Kỳ in và bán khắp thế giới qua hệ thống Internet. Thông qua một loạt các buổi ra mắt sách tại các tiểu bang Florida, Pennsylvania..
09 Tháng Tư 20173:24 CH(Xem: 32228)
"Đúng 50 năm kể từ số báo cuối cùng của Tình Thương, một tin vui đến từ Thư Quán Bản Thảo, trong một nỗ lực phải nói là phi thường, qua hệ thống interlibrary loan, anh Trần Hoài Thư đã hy sinh rất nhiều công sức và cả tốn kém tiền bạc để có thể sưu tập lại được gần trọn bộ báo Tình Thương, đồng thời cũng qua bộ Tình Thương, 11 chương sách tác phẩm Nuôi Sẹo của nhà văn Triều Sơn đã được phục hồi..." Ngô Thế Vinh
12 Tháng Hai 20172:13 SA(Xem: 31818)
Không thể có một Vũ Huy Quang thứ nhì trên đời này, dù là trong đời thường hay khi cầm bút. Bởi vì, anh độc đáo một cách tự nhiên, cả trong giao tiếp lẫn chữ nghĩa. Khi ngồi nói chuyện với anh vài câu, bạn biết ngay không mấy ai có nhiều kiến thức sách vở như anh, nhưng cái nhìn luôn luôn mang theo nhiều chất vấn, nêu lại rất nhiều vấn đề không mấy người nhìn thấy.
30 Tháng Giêng 20172:36 SA(Xem: 30140)
Người ta bảo rằng Mahatma Gandhi có một khả năng thuyết phục tuyệt vời khi giúp cho người dân Ấn Độ nhận ra rằng vận mệnh của kẻ cầm quyền đang nằm trong chính bàn tay của họ, chỉ cần quăng đi nỗi sợ hãi họ có thể đối diện để nói chuyện sòng phẳng với chính quyền. So với VN ngày nay, số phận dân tộc VN cũng thế. Có thực sự đáng tiếc là chúng ta không có một Gandhi không?