- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mắt nhìn chín cõi

18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 90955)

 

vanhoc144-content

Tháng 10, năm 1999, lần đầu tiên tôi gửi bài cho báo Văn Học. Gửi thử thôi. Không có hy vọng báo đăng. Một vài cây viết kỳ cựu trước 1975 bảo tôi, Văn Học, Văn “tuyển” bài lắm. Có người còn dọa, làm thơ phải biết “nhậu”, viết văn phải biết xã giao, phải có quen biết, có gửi gắm,… Đóng cửa như tôi thì viết có mà để giun dế đọc.

Tôi không tin. Một nhà văn đích thật, tự nhiên sẽ quý văn người như văn mình.


“Không tin ư?” Bạn tôi nói. “Văn của Dương Nghiễm Mậu từng bị quăng vào sọt rác, thơ Nguyễn Tất Nhiên cũng phải luồn cúi mới được đăng.”


Tôi xót xa, “Thế còn gì là văn chương?”


Cả ngày, tôi lan man thương cảm cho những ngòi bút đã mịt mùng trong quên lãng.


Bạn tôi “bồi” thêm, “Vì sao mà Đối Diện, Trình Bày, Ý Thức,… ra đời? Vì sao có những tên tuổi bây giờ lại chưa từng có mặt trên Bách Khoa, Văn Học, Văn,… thuở trước?”


Trong tích tắc, lòng tôi bỗng chùng xuống.


Rượu, tôi không uống. Xã giao, tôi không thích. Phe nhóm, tôi không ưa. Tôi thở dài, liều mạng tuyên bố một câu xanh dờn. “Được thôi. Vậy thì tôi sẽ viết để giun dế đọc.”


Qua ngày hôm sau, Văn Học email hồi âm. Ông Nguyễn Mộng Giác viết vài lời nhận xét và khen ngợi. Tôi hồi âm, kiệm lời, kiệm ý. Và tự răn mình trước những lời khen. Lời khen giống như một thứ rượu ngon, dễ quá chén.


Mấy ngày sau, hơn mười giờ tối, ông Giác gọi hỏi thăm. Giọng ông hòa nhã, vui vẻ. Ông tỏ ý thích những tư tưởng trong bài và nhắn nhủ mong có sự hợp tác dài lâu. Sau này, qua một vài người quen, tôi vở lẽ, ông gọi bất ngờ chỉ để kiểm chứng coi tôi có phải là phụ nữ thật không.


Năm 2001, tôi có dịp đi Cali và đến thăm “tòa soạn” báo Văn Học. Đó là căn nhà riêng của ông Nguyễn Mộng Giác. Đó cũng là căn nhà chung của giới văn nghệ sĩ. Ông Giác dẫn tôi đi loanh quanh xem góc làm việc của tờ Văn Học, chỗ garage làm kho chứa báo.


Với những người viết, sự gặp gỡ chỉ là cơ hội để kiểm chứng giữa văn và người. Bởi họ đã quen biết nhau qua tác phẩm. Nhưng Nguyễn Mộng Giác đã đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.


Cảm giác ngạc nhiên đầu tiên, ông là người đàn ông không đẹp trai. Nhưng càng nói chuyện, tôi càng bất ngờ. Bên trong cái bề ngoài thô ráp kia là một tâm hồn tinh tế, tỉ mỉ, sâu sắc và đẹp. Đẹp đến xúc động. Trí nhớ tôi bất chợt lui về trên những trang sách. Loáng thoáng, tôi bắt gặp vài nét quen quen trong những nhân vật của ông. Ông Giáo Hiến, Lãng, người tù cải tạo, anh chàng kéo vĩ cầm,… đều đang lẩn quất đâu đó.


Câu chuyện văn học lan man đủ thứ. Mỗi người góp một chút. Tôi im lặng ngồi nghe những khúc chắp nối, không đầu không đuôi. Có người ngắt một vài giai thoại trước 75, chị Chi kể một vài kỷ niệm khi anh Giác viết Sông Côn Mùa Lũ, ông Giác nói về giai đoạn khó khăn khi bắt đầu làm tờ Văn Học, và những khuynh hướng mới, những người mới trong giai đoạn sau này ở hải ngoại.


Khi câu chuyện bắt đầu lơi, mọi người quay sang nhận xét về tôi. Ông Giác tiên đoán, sau này tôi sẽ là một cây viết độc lập, không giống ai. Có nghĩa là, (ông giải thích thêm), tôi sẽ đứng một mình một cõi.


“Một mình một cõi?” Tôi lớ ngớ hỏi, “Cõi nào?” Lập tức, trong đầu liên tưởng ra những chủ đề mình đang viết.


Ông Giác nói, thông thường những người mới viết đều viết truyện về mình, sau mới viết về người. Tại sao tôi không viết về mình. Hay truyện tình, chẳng hạn. Tại sao không?


Tôi cười cười. Nói về mình? Truyện nhạt mất. Còn truyện tình. Là chuyện nhỏ. Ở mỗi một chuyện tình ngang trái đều có một cái gút. Cái gút ví như hòn sỏi nhỏ trong đôi giày. Tôi không hiểu sao, các tác giả thường bắt những nhân vật chính mang đôi giày đi một cách khốn khổ từ đầu tới cuối truyện.


Ông cười khuyên, vậy thì tôi nên viết truyện dài.


Thời gian sau, Văn Học giao cho nhà văn Cao Xuân Huy. Tôi không còn liên lạc với ông như trước. Thỉnh thoảng, tôi lục bài viết của ông, đọc đi đọc lại. Còn ông, cũng đọc những bài viết của tôi đăng trên net.


Hai năm sau này, thỉnh thoảng bạn bè ở Cali báo tin sang. Tôi mới gọi điện thoại thăm. Chị Diệu Chi kể sơ sơ về bệnh tình. Ông Giác bắt điện thoại. Ông lại nhắc tôi viết truyện dài. Giọng ông vẫn hăm hở. Hình như câu chuyện hôm nay vẫn đang tiếp nối cuộc chuyện trò của mười năm trước. Lời đồn quả không ngoa. Lòng đam mê văn chương đang thổi rốc lên một tia lửa, làm hồi sinh một thân xác đang suy tàn.


Vẫn biết “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử?”, tôi khuyên mọi người, nhưng không khuyên được chính mình. Những vì sao trong văn học cứ rơi rụng dần.


Biết ông bệnh nặng, nhưng tôi không đi thăm. Không có người đàn ông nào muốn người phụ nữ thấy mình trong tình trạng đang suy kiệt. Tôi cứ ngồi nhà mà nghĩ tới ông, thì cũng được. Nói đúng ra, tôi muốn giữ hình ảnh nhà văn Nguyễn Mộng Giác thời nào của tờ Văn Học. Một người trí thức điềm tĩnh, hiền hòa, mô phạm. Một ngòi bút sâu sắc, tinh tế, đầy nhân bản. Một phong cách điển hình cho văn nghệ sĩ Miền Nam. Một loại “thạch trung ẩn ngọc” phải lôi trôi, luân lưu theo thời vận.


Tin ông qua đời không làm tôi ngạc nhiên. Tôi chuẩn bị tinh thần đã nhiều lần trước đó. Dù vậy, vẫn không tránh khỏi sự xúc động. Xúc động đến lao đao. Mấy hôm nay ra vào, tôi cứ ngẩn ngơ.


Sau cái chết, linh hồn người ta đi đâu?


Lên thiên đàng? Xuống địa ngục? Hay lạc bước về đâu trong chốn vũ trụ khôn cùng?


Còn người viết, linh hồn của họ sẽ về đâu?


Tôi lên net, đọc lại bài 
Bầu Ơi, Thương Lấy Bí Cùng. Bất chợt, gặp ông sống dậy trong vai người tù cải tạo.

… Tôi cố giữ trầm tĩnh ngồi bó gối nhưng trong lòng như có ai đốt lửa. Nhà tiếp tân vắng dần. Bốn giờ 23, rồi bốn giờ 24 phút. Đúng 4 giờ 25 thì chuyến tàu chợ từ Sài Gòn lên xình xịch đỗ ngoài ga. Niềm hy vọng của tôi đây. Không dằn được nữa, cả tôi lẫn cụ thiếu tá đều đứng bật dậy dợm chạy ra nhà tiếp tân. Tôi đã không lầm. Lúc hồi kẻng báo hiệu giờ thăm nuôi đã hết uể oải điểm đều từng tiếng, tôi thấy mẹ và em tôi vội vã xách hai cái giỏ lát khá lớn chạy từ nhà ga vào cổng trại. Em gái tôi gầy gò, mẹ tôi già yếu, nên thấy dáng hối hả của hai mẹ con, tôi xúc động quá bất giác kêu lớn:


- Mẹ, con đang chờ đây!

Có lẽ tiếng gọi của tôi bị gió rừng bạt mất, vì tôi không thấy mẹ và em tôi quay lại. Anh vệ binh đứng tuổi mang kính râm giữ việc kiểm soát giấy phép đã đứng dậy ra về, toán thân nhân đến trễ đang bu quanh anh, nét mặt người nào cũng khẩn khoản, chới với. Họ năn nỉ gì đó, nhưng tôi thấy anh vệ binh cứ lắc đầu. Một bà cụ nắm tay anh nói một hồi. Anh ta chăm chú nghe, nhưng đưa tay lên xem đồng hồ, rồi cương quyết lắc đầu. Đến phiên mẹ tôi chen vào. Mẹ tôi nói gì tôi không rõ, chỉ thấy mẹ tôi vừa nói vừa trỏ về phía nhà ga. Có thể bà cụ đang đổ lỗi cho chuyến tàu chợ trễ nãi. Anh vệ binh vẫn lắc đầu. Nóng ruột quá, tôi liều lĩnh bỏ chỗ gốc sấu chạy đến khu thăm nuôi. Tôi nghe rõ mồn-một giọng Nghệ Tĩnh giận dữ tức tối của anh ta:

- … Các người còn muốn đòi gì nữa? Chồng con các người mang tội với nhân dân phải học tập cải tạo nhưng còn có ngày được về. Còn tôi đây này, nhập ngũ từ 1965, đi khắp các chiến trường cho đến lúc về ở cái xó rừng này, biết bao giờ tôi mới được về? Chồng con các người còn được tiếp tế giỏ này giỏ nọ. Còn tôi đây, vợ con không có đủ tiền gửi cho lấy một cái kẹo. Các người có dư tiền để mua vé xe lửa lên đây thăm nuôi. Vợ tôi biết tôi ở đây từ hơn hai năm nay, chưa thấy mặt tôi gần bảy năm rồi mà không có đủ tiền mua lấy cái vé xe hạng chót! Các người còn đòi gì nữa!

Nghe lén được mấy câu đó, tôi sững sờ đến nổi gai ốc. Tôi va đầu vào cái tường sự thật tàn nhẫn nên choáng váng. Người tôi ngây ngây, quên cả ý định lên tiếng để mẹ và em tôi trông thấy. Có lẽ các thân nhân đến trễ cũng có tâm trạng y như tôi, nên nghe anh vệ binh nói xong, họ tản ra hết. Đã nói đến nước đó thì nằn nì cũng vô ích, nên tôi thấy mẹ và em buồn bã xách đồ ra ga mà không biết phải làm gì. Cuối cùng tôi chỉ còn biết sợ! Tôi nháy mắt ra hiệu cho cụ thiếu tá hồi hưu, rồi se sẽ nép vào các gốc cây để trở lại chỗ cũ. Chúng tôi về trại tay không, lòng vừa buồn rầu vừa hoang mang thật khó tả. Anh vệ binh già cầm xấp giấy phép hướng dẫn chúng tôi vào. Nét mặt anh lầm lì, bước chân nặng nề, đầu cúi xuống. Chiều ở rừng buốt lạnh. Chuyến tàu chợ ngược về Sài Gòn xình xịch đỗ ở cái ga xép. Tiếng còi tàu khao khao hơi nghẹn. Cổ họng tôi cũng nghẹn. Buổi tối hôm đó tôi nằm riêng một góc không tham dự cuộc vui chung. Các bạn tưởng vì không được thăm nuôi tôi buồn, nên ân cần đem đến tận chỗ tôi nằm mời ăn hết thức này đến thức khác. Tôi cầm cho họ vui lòng, nhưng không thể nói hết lý do nỗi hoang mang của tôi.

Tôi tiếp tục được hưởng sự ân cần mời mọc của bạn bè suốt nửa tháng thăm nuôi còn lại. Thật ngược đời! Trong láng, tôi và cụ thiếu tá bảo an hồi hưu trở thành hai đứa trẻ được nuông chiều. Tôi ăn uống sang trọng phủ phê còn hơn cả những người được thăm nuôi đầy đủ. Nhưng “sự phồn thịnh ấy giả tạo” đúng như bài học chính trị chúng tôi học thuộc làu trong năm đầu. Lúc các thức ăn chơi đã cạn và trong giỏ xách từng người chỉ còn lương khô, thì ai ai cũng lo tính đến đường xa. Kỳ thăm nuôi sắp tới chưa biết lúc nào, sức mang, xách, khiêng, đội, gánh gồng của những người vợ héo hon những bà mẹ già nua những đứa em yếu ớt thì có hạn. Cho nên ai cũng phải dè xẻng tính toán từng mẩu bánh khô, từng nắm cốm dẹp. Không muốn ích kỷ cũng phải đâm ra ích kỷ. Tôi trở lại sống nghèo đói đúng 100% nghĩa đen giữa đám bạn bè tương đối đầy đủ. Tinh thần tôi còn sa sút hơn trước. Không còn sự bình đẳng trong thiếu thốn nữa, nên tôi và cụ thiếu tá thui thủi một mình, mỗi lần thấy ai mở giỏ lương thực hoặc nấu nướng thứ gì, phải tìm cách lánh đi chỗ khác để họ khỏi khó xử. Và thành thực hơn, phải nói thêm là để đỡ thèm thuồng! Đã thế hình như ban quản giáo ỷ y vào đồ thăm nuôi nên lặng lẽ rút bớt tiêu chuẩn cấp phát xuống. Tôi đói mà không kêu ca than van với ai được! Kêu ca với các cán bộ hoặc vệ binh ư? Lỗi tại mẹ và em tôi đi trễ chứ đâu phải tại tổ chức! Than van với bạn bè thì có khác nào xin khéo để buộc họ bố thí. Cụ thiếu tá đã trên 60 ăn uống nhỏ nhẻ và giỏi chịu đựng như đã từng chịu đựng cuộc đời 60 năm dài. Còn tôi, sức tôi còn trẻ. Tôi cần ăn nhiều. Tôi mới 24 tuổi. Nhưng lấy gì bỏ vào mồm bây giờ?


Đọc tới đây, tôi đâm ra thương anh tù trẻ này quá đỗi. Trong lúc đói tới hoang mang mà vẫn coi nhân cách nặng hơn cái chết. Con người hơn con vật chỉ vì cái cách ăn.


Nhưng điểm nhất của bài này là ở câu kết. Cái đoạn sau kể về một đêm tối canh rẫy bắp. Người tù và kẻ canh tù chạm trán trong khi “ăn cắp” bắp. Dù bắp do chính tay mình trồng. Cả hai cùng “giành quyền làm chủ ngang xương”


… Bầu ơi, thương lấy bí cùng.


Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

…Từ lâu, tôi vẫn nghĩ lẩn thẩn: không biết người nghệ sĩ nào đặt ra hai câu ca dao đó, có tiên đoán tác phẩm của mình về sau lại được sử dụng vào hoàn cảnh oái oăm như thế không? Tôi nghĩ rằng có, vì đôi mắt nghệ sĩ có thể nhìn suốt chín cõi. Kể cả cảnh hai chúng ta lén ăn bắp nướng, phải không?


Đóng trang sách lại. Bây giờ thì tôi tin, sau khi chết, người viết sẽ lại trở về giữa những dòng chữ của mình. Ví như một vì sao tắt, còn để lại trên bầu trời những dấu vết lấp lánh.


Sao ơi!


ntta


7/7/2012


Nguồn: http://damau.org/archives/25063

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Năm 20182:17 SA(Xem: 24530)
Thuở ấy, ông Nghè Tân (Bắc Kỳ Thanh Tra Đại thần, Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân) nhân một hôm đi ngang cánh đồng Phủ Bình Giang thấy một người đàn bà đang mếu máo, nhớn nhác tìm kiếm một vật gì. Gặng hỏi thì được biết người đàn bà này góa chồng, có một con trâu mới chết, bà đã đóng 2 quan tiền cho lý trưởng làm đơn, đóng triện để lên trình quan phủ. Vội vàng làm sao bà đánh rơi mất tờ đơn. Nay đường về làng thì xa, trong cái ruột tượng xác xơ kia chỉ còn 6 quan tiền để lễ quan phủ và nha lại lấy đâu ra tiền để nhờ người viết đơn!
16 Tháng Năm 20181:22 SA(Xem: 28492)
Tôi rời Hà Nội vào Nam rất sớm. Năm 1951 tôi đã theo bố tôi và người chị cả vào định cư ở Sài Gòn trong khi mẹ tôi và các anh chị tôi vẫn còn ở Hà Nội cho đến ngày di cư. Vào Nam ba bố con tôi ở chung với gia đình người bác ở đầu đường Hồng Thập Tự gần sở thú Sài Gòn. Thời gian chúng tôi ở đó tôi thường theo các anh họ tôi đạp xe đi tắm ở hồ bơi mà hồi đó chúng tôi gọi là "đi pít-xin". Hồ bơi ở xa lắm, mãi tuốt trong Chợ Lớn. Tôi nhớ là để tới hồ bơi chúng tôi phải dắt xe đi ngang một con đường sắt, rồi lại phải băng qua một bãi đất trống rất rộng mấp mô đầy những mồ mả.
07 Tháng Năm 20184:58 CH(Xem: 25071)
Một sợi dây dừa nối hai sinh linh tật nguyền để tạo thành một sinh thể thống nhất, mang tính bù đắp, tối ưu của thích nghi nhưng không thoát khỏi vẻ dị hình, sự mất định hướng đến vụng về của một phần cơ thể mù lòa được kéo lê phía sau. Nhìn họ di chuyển như hình ảnh một con sâu đo, bị chiếp dép quằn nát khúc giữa, ngúc ngắt vô vọng nhưng trong đó là cả hai thân phận con người và tự thân, chừng như họ cũng đang quằn quại với nỗi đau mưu sinh. _ Lại cho chú thương phế binh kia năm chục đi con! Là một người suốt đời sống với cái chợ, má tôi thường nói với tôi khi nhìn thấy hai con người thống khổ ấy. Tôi cầm tờ giấy bạc, chạy tới, bỏ vào cái cà mèn và đáp lại, luôn là một tiếng “Cám ơn” nhẹ nhàng, của những con người có tâm hồn thật tử tế. ... "
30 Tháng Tư 20189:14 CH(Xem: 25122)
Trung Quốc đang khống chế không chỉ Biển Đông mà còn trên toàn Lưu Vực Sông Mekong, Việt Nam là một quốc gia cuối nguồn, giới cầm quyền VN thì lệ thuộc về chính trị vào Trung Quốc và do đó hoàn toàn bị động. Cho dù Việt Nam thỉnh thoảng có lên tiếng phản đối yếu ớt nhưng thực tế không có chiến lược gì cụ thể và hầu như không làm được gì để bảo vệ sự sống còn của hơn 17 triệu cư dân ĐBSCL và cũng là vựa lúa của cả nước. Đó là một sự thật.
31 Tháng Ba 20181:21 SA(Xem: 26915)
Đúng 14G40, tàu chuyển bánh. Chúng tôi nô nức nhìn sang hai bên đường, quan sát cảnh vật. Sài Gòn vẫn đỏ rực màu cờ và biểu ngữ, dấu tích của những cuộc “diễu hành” và “diễu binh” mừng “đại thắng mùa Xuân 1975,” “giải phóng miền Nam” từ Bắc chí Nam suốt một tháng qua—với chi phí khá lớn, hẳn có thể sử dụng một cách tốt đẹp hơn cho các kế hoạch an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, với tiêu chuẩn phân chia giàu nghèo 150,000 đồng mỗi tháng. Nhưng những chính quyền chuyên chính—hay, “dân chủ tập trung,” nếu muốn—thường dành cho ngành tuyên truyền ngân khoản lớn...
25 Tháng Ba 201812:47 SA(Xem: 26878)
Thời gian trôi nhanh, trên nửa thế kỷ qua đi, tôi vẫn không quên kỷ niệm cuộc “hành quân”đầu tiên trong đời binh nghiệp tại làng 13Bis. Hình ảnh những thi hài dù được thu lượm về hay còn nằm phơi mình dưới nắng mưa ngoài trận địa, hoặc được chôn vùi một cách đơn sơ trong rừng sâu khiến tôi tự hỏi tất cả những hy sinh của họ đã được đền bù xứng đáng chưa? Đem thể xác yếu như “cây sậy” của họ thách thức bom đạn, để phục vụ một lý tưởng nào quá xa xôi và mơ hồ, liệu có tàn nhẫn không? Những danh hiệu, những mỹ từ, những truy phong, truy tặng v.v có đủ để đánh đổi mạng sống của họ hay chăng? Dù gì đi nữa, một điều chắc chắn là thân xác những người đã hy sinh ấy nay đã thành “cát bụi”…Và không biết ba mươi năm chiến tranh Việt Nam 1945-1975 mà nhiều người gọi là cuộc chiến tranh “phúc đức”, có bao nhiêu triệu người dân Việt trở thành cát bụi ?
04 Tháng Ba 20182:00 CH(Xem: 24003)
"Không Cần Phải Đốt Sách để phá huỷ một nền văn hoá, Chỉ Cần Buộc Người Ta Ngừng Đọc mà thôi." "You don't have to burn books to destroy a culture. Just get people to stop reading them." Ray Bradbury phát biểu câu trên cách đây mới có 24 năm khi trả lời phỏng vấn của Misha Berson, của tờ The Seattle Times (12 March 1993)
15 Tháng Hai 20182:18 SA(Xem: 26865)
Trong y khoa, khi khảo sát não trạng vô thức của đám đông, qua nghiên cứu hành vi/ behavior của loài cá, khoa học gia Đức đã làm một thử nghiệm: thả một con cá bị huỷ não bộ vào một hồ cá, không có gì ngạc nhiên là con cá ấy mất định hướng bơi tán loạn, nhưng điều kỳ lạ là đàn cá lành mạnh thì lại ngoan ngoãn bơi theo con cá mất não ấy. Phải chăng "thử nghiệm hành vi" của nhà khoa học Đức, đã phần nào giải thích hiện tượng cả một dân tộc Đức văn minh đã có một thời kỳ nhất loạt tuân theo một lãnh tụ như Hitler xô đẩy cả thế giới vào lò lửa của cuộc Thế chiến thứ Hai.
12 Tháng Giêng 201812:14 SA(Xem: 9551)
Trước Bạc Liêu, tỉnh duyên hải Bình Thuận cũng đã có nhà máy điện gió tại huyện Tuy Phong, quy mô nhỏ hơn gồm 20 trụ turbin điện gió với công suất 30 MW. Bình Thuận, còn có dự án Điện gió trên đảo Phú Quý với 3 trụ turbin công suất 6 MW. Về khai thác điện gió, Bình Thuận là tỉnh "đi trước về sau" so với tỉnh Bạc Liêu nơi ĐBSCL. Hiện có 5 nhà máy điện gió đã đi vào hoạt động ở Việt Nam với tổng công suất 160 MW, tuy chậm và sơ khai nhưng nhiều hứa hẹn, sẽ cùng với điện năng mặt trời dần thay thế cho nguồn điện than gây ô nhiễm khủng khiếp.
01 Tháng Giêng 20181:14 SA(Xem: 24758)
Về tới Cao Lãnh cũng đã gần nửa khuya. Trên chiếc xe Van của tài xế Sang có Wi-Fi di động, nên suốt cuộc hành trình nếu muốn, chúng tôi vẫn có thể kết nối mạng và làm việc với iPhone, iPad. Ngày hôm sau 12.12.2017, chúng tôi vẫn thức dậy sớm để khởi hành đi vào Đồng Tháp Mười, ghé qua Gò Tháp.