- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cánh bướm

28 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 94136)

luunahl114-content

Đêm qua tôi thấy Mèo con trong giấc mơ. Vẫn nét mặt bầu bầu, vành môi cong lên cười tươi thắm. Trong mơ tôi thấy 2 đứa vẫn trẻ như một ngày năm cũ, nhưng lại có một thoáng ngại ngần, rồi Mèo con lên tiếng như giữa chúng tôi chưa hề có khoảng cách 15 năm. Mười lăm năm, mười lăm năm ấy biết bao tình. Mèo con nhìn vào mắt tôi nói một cái gì đó. Tôi cũng chịu mắt Mèo con và trả lời. Mấy phút, Mèo con nói tôi đi lấy đồ ăn dùm đi, Mèo con ngại chen lấn quá. Chả biết là phòng hội hay phòng ăn, tôi vào lấy thức ăn như khi xưa từng lấy cho nhau.

Khi tôi xa Mèo con biết bao đêm thao thức. Hằng đêm đi làm về, khi thay quần áo trong bóng tối thấy ra cái lạnh mất một người. Hình như đêm đen làm lạnh thêm nỗi mất mát. Có đêm nhớ Mèo con, nhớ những mặn nồng bên nhau, tôi tìm quên bằng một chai beer, coi một cuốn phim trong bộ mấy chục tập của Hồng-kông. Xem để mà xem chờ lúc beer thấm la đà, tôi vào giường. Thiếp đi được vài tiếng thì thức giấc, rồi trằn trọc, rồi dằn vặt tâm hồn, rồi thương nhớ luôn cả những bất đồng. Tôi sống lơ mơ sống dật dờ, bao mối tình qua đi nhưng lỗ hổng tâm hồn thêm lớn. Mỗi đêm tôi uống một chai beer. Tôi đốt thuốc liên miên những khi vào xe, và tôi lái xe hằng giờ trên những con đường không định trước.

Nhưng chính là tôi bỏ đi, không phải Mèo con. Tôi bỏ đi và tôi oán Mèo con đã để tôi phải dứt đường tơ. Tôi bước đi, Mèo con vẫn lờn vờn quanh tôi, làm tôi nuôi hy vọng Mèo con sẽ thấy thiếu tôi cần tôi và chúng tôi sẽ lại bên nhau. Những đêm đi làm ra, Mèo con đợi rủ tôi đi ăn. Những chiều vào sở thấy để sẵn cho mình chiếc bánh. Rồi một ngày Mèo con báo tin… Mèo con lập gia đình, tôi càng oán. Vì sao Mèo con không ưng lấy tôi, khi đã có với nhau 4 năm tình nghĩa, rồi chỉ một năm sau Mèo con kết hôn? Tôi biết, tôi biết tại sao, và tôi oán Mèo con. Mèo con bước chân đi, tôi phải đành. Nhưng không có cay đắng nào hơn. Một cái tát, một điều sỉ nhục trên nỗi hy vọng ngu si. Mèo con muốn nuôi giữ một tình bạn, nhưng tôi quyết rằng Mèo con không còn xứng đáng. Rồi chị Thục nói chuyện, Mèo con có con gái đầu tên Natalie, chính là tên của chị. Tôi nghĩ thầm, vần N, tên của tôi. Tôi vẫn lãng mạn hão huyền ngu xuẩn. Hai đứa con, Mèo con chia tay. Một ngày thức dậy, tôi lơ mơ nhớ Mèo con, nhớ những cãi vã bất đồng những gì đã nói qua lại. Tới một lúc tôi nhận ra mình không còn nhớ được tại sao. Và đứng lên, tôi đốt tất cả mọi thứ còn lưu giữ về Mèo con. Tôi bước tới. Tôi thôi không còn viết nhật ký, và tôi lập gia đình với một người đơn giản nhất thế gian. Lập gia đình, tôi ngó lại mình và tự nói, đã 5 năm với điếu thuốc trên tay, tôi “quit”.

Bắt đầu những giấc mơ thưa thớt. Tôi thấy Mèo con trong mơ, đang làm một cái gì đó và cái thực tế là Mèo con và tôi nay đều đã có gia đình như được hai bên đồng lòng không nói tới. Trong mơ chúng tôi không nói gì với nhau, chỉ đi bên nhau. Trong mơ chúng tôi không nhìn mắt nhau, chỉ đứng cạnh nhau. Và tôi thấy Mèo con trong mơ vào những lúc không ngờ nhất, không ai đả động, không ai nhắc đến mối tình xưa với tôi. Tại sao tôi lại mơ thấy Mèo con? Mèo con đã bước thêm một bước, lần này với một nha sĩ, phần nào đáp ứng lòng ông bố đã ước mong. Có lần thấy Mèo con trong quán ăn, giờ đây ra đường là mặc suit, chứ sao, cũng trong hàng “sĩ” mà.

Những giấc mơ vắn vỏi, và thưa thớt, chúng tôi thường không nói gì với nhau. Nhưng những giấc mơ ấy thường đã “updated” với hiện tình, và lại rất “convenient” cho người mơ. Thí dụ như tôi chỉ thấy Mèo con và mẹ thôi, vì Ba đã qua đời, không có ai khác ngoài Mèo con. Tôi cũng chỉ có tôi, không ai khác. Trong mơ, chúng tôi đi bên nhau, tôi thường thấy mình đến chỗ ở của Mèo con, “not my place”. Nhất là, không bao giờ chúng tôi nhìn vào mắt nhau, hình như cũng không nói gì với nhau. Vài ba năm một lần, sáng dậy tôi thường băn khoăn tự hỏi tại sao mình lại mơ thấy Mèo con, rồi tôi lại trôi theo cuộc sống.

Từ hôm người ấy chết, tôi nghĩ đến Mèo con thường xuyên, đến cái quá khứ đã đóng chặt, tuổi thơ đã thật xa. Người ấy chết, mọi suy tư của tôi, những niềm tin những đoan quyết những hiểu biết đều như đảo lộn. Đau đớn, lồng trong đó là mênh mông những lúng túng hoang mang của kẻ lạc đường, của một tâm hồn bất định. Người ấy là người dưng. Tôi và người ấy không xa lạ nhưng cũng không la cà giao du nhiều, tôi có ác cảm với anh. Một ngày, nghĩ đã đến lúc, tôi bỏ qua chút tị hiềm xưa mà hỏi thăm anh. Chúng tôi đi uống cà phê, cà kê thăm hỏi. Một lúc nào đó tôi “share” bản nhạc lính, loại xa quê hương nhớ mẹ hiền, chúng tôi cùng nghe. Chợt dưng anh đưa điếu thuốc đang hút cho tôi. Tôi cũng cầm ngay lấy, hút một hơi. Không biết sao thấy cảm động ngập tràn. Một đứa trẻ lớn lên trong chiến tranh bỗng “bond” với một người lính cũ qua làn khói mỏng manh. Ngày tháng không còn bao nhiêu, thỉnh thoảng tôi rủ anh đi uống cà phê, nhưng dấu biệt chuyện tôi là người đã gửi bài cho anh. Dưng không tôi thấy mình thành người khác, đứng thập thò ở một thế giới khác, một thế giới mà tôi chưa bao giờ dám bước qua, nghĩ tới. Hình như cà phê và khói thuốc bao quanh chúng tôi, tôi lơ mơ ngạc nhiên cho một tình bạn bất ngờ và lạ lẫm. Chúng tôi nợ nần gì nhau? “Maybe”, tôi luôn thấy mình nợ những người lính.

Rồi cũng phải đến phút cuối cùng. Tôi đến bên giường anh, nói thật với anh tôi là người đã gửi bài. Anh cười rạng rỡ sung sướng trong làn da nâu vàng tàn héo. Và, sự sống rời khỏi anh, trong vòng tay người thân, trên tay tôi. Định mệnh nào đưa đẩy cho tôi hút cùng anh điếu thuốc và ôm anh phút cuối cùng này? Tôi ngửa mặt nhìn lên trần cao, lòng trống trải trắng lặng không một cảm giác. Khuôn mặt anh rõ dần trên trần, hai hốc mũi từ từ lóp xuống, làn môi tím tái. Khóe mắt anh còn đọng một giọt nước mắt_đau đớn hay cảm xúc? Đại ca, anh có buồn không? Đại ca, anh có sợ không, có đau không? Làm sao nắm được tay anh nói lời an ủi và từ biệt?

Tôi bước ra xe, nhìn lên trời cao, hình ảnh anh in trên vòm trời đen. Hình như có ai thoi rất mạnh vào bụng, tôi gập người không bước nổi. Người ấy, chỉ là người dưng. Tình tôi với Mèo con mới là cuộc sống của tôi, mới là đời tôi chứ? Cho đến phút đó, tôi thực sự đã quên Mèo con, quên cái quá khứ lung tung của mình.

Mỗi chiều trên đường về tôi đều ghé một điểm cà phê xưa đã ngồi với anh, đốt một điếu thuốc. Tôi ngước nhìn trời xanh để thấy anh giây phút cuối, nghe lại tiếng cười dòn vang trong gió. Lần lượt những cảm xúc nghĩ suy từ thuở còn thơ cho đến khi trưởng thành, bước đời gập ghềnh, mối tình với Mèo con, và bao là những băn khoăn dằn vặt, những câu hỏi không bao giờ có câu trả lời thỏa đáng… về lại trong óc tôi. Tôi đã từng mất mát người thân. Nhưng chưa có ai chết trên tay tôi, chưa có sự sống tình thương nào rời bỏ tôi trong giây phút. Đất trời phân cách, tôi cảm nghiệm điều ấy ngay giờ phút ấy. Nó thật như ánh trăng vàng chiếu xuống con đường duy nhất của quận Thủ thiêm đêm nào tôi cùng đứa em trai đèo nhau trên chiếc xe ọp ẹp sau bữa cơm chiều. Ánh trăng như sương trong vàng nhạt bao phủ làm mình thấy rờn rợn linh thiêng, thấy ngây ngất một cái gì mê hoặc nhưng an bình. Xa khỏi bến đò Thủ thiêm, con đường ngoằn ngèo chạy xuống tận một ngã ba, nơi đó hình như quẹo trái sẽ dẫn ra xa lộ, nhưng chúng tôi không được phép đi xa hơn. Chúng tôi đến tận chỗ xa xôi này vì căn nhà lá có ánh đèn, có hai chị em mũi rất cao, mỗi sáng lần lượt ra bến đò Thủ thiêm. Cô chị luôn mặc váy xếp carô áo pull chạy PC. Chú em áo sơ mi trắng quần xanh hình như còn đi học. Tại sao tôi nhớ họ, tại sao tôi lại khóc vì anh?

Rồi những đêm dầm mưa cùng Mèo con những lúc nhớ gia đình nhớ má, nhớ mưa Việt Nam. Tôi yêu Mèo con lúc nào cũng không rõ. Tôi sống, đi chơi đi làm đi “shopping” đi “bar” và nằm ôm Mèo con mà không ý thức chính mình. Xa Mèo con rồi tôi mới hiểu đó là tình yêu, và tôi tin rằng chỉ cần một lần trong đời, nếu ta yêu và sống trong tình yêu là đã trọn vẹn. Tôi tà tà đi bên lề đường, chả đàn đúm giao du nữa và ai yêu ai ai khổ vì ai ai tìm hạnh phúc với ai… đều chỉ là nước chảy qua cầu. Sao cái chết của người ấy lại làm đảo lộn bình an của lòng tôi?

Tôi nhớ những giọt nước mắt đớn đau nhỏ xuống trong đêm vắng khi tôi xa Mèo con. Nhưng Mèo con là của tôi, là người cho tôi biết hai chữ tình yêu. Giờ đây, tôi lại đau lòng vì một người thật xa lạ với đời mình? Những khắc khoải khi xưa đã giải quyết xong. Thuở đó những lúc lén đi nhà thờ Tân định, phút êm ái nhất là khi tiếng chuông rung và mọi người cúi đầu nghe cha rao tiếng: này là mình ta…, này là máu ta… Tôi thường ngạc nhiên thấy bác xích lô đậu chiếc xe trong sân nhà thờ rồi vào dự lễ. Và lẫn trong ngạc nhiên là xót thương thấy người ăn xin tật nguyền lê thân lên những bậc thềm để đến bên cửa nhà thờ nghe cha giảng. Điều linh thiêng nào đem họ đến đây? Tại sao đã là thân phận cao cả con Trời, lại phải xin cho con khỏi uống chén này…. Khi xa Mèo con tôi vào nhà thờ hằng ngày, học được rằng giàu hay hạnh phúc cũng cùng đọc một Kinh Lạy Cha cùng ăn một miếng bánh thánh với nghèo và khổ đau, và nghĩa hiệp thông là phút cùng thấp đầu cầu nguyện…

Nhưng, dính líu gì đến đại ca đây? Những phút mặn nồng bên Mèo con, hương người và hơi thở, những dồn dập của nhịp tim_tất cả đều là thật, thật như ánh trăng vàng thuở mới lớn. Những lời cay đắng, những giận hờn, nó đã làm óc tôi đầy chặt làm tim tôi co thắt. Còn bây giờ, những khi cầm điếu thuốc trên tay khói thuốc quẩn quanh bao phủ, vẫn như một cõi mơ nào. Hình ảnh anh vẫn ngự trên nền trời xanh thẳm, nhưng tôi không làm sao nghe được tiếng cười. Bài hát Chế Linh vẫn nghe bên tai, tôi không thể nào hiệp thông cùng anh được nữa. Đất trời đã phân cách, còn có bao giờ ta thấy lại nhau không?

Tôi lại đổ suy tư xuống trang nhật ký đã bỏ dở 15 năm trước. Không ngừng được những khi bàn phím réo gọi, những khi lòng đầy ứ. Tôi mặc kệ đâu là chữ nghiệp, đâu là duyên. Nếu chúng ta sống vì nghiệp cũ và sẽ vào nghiệp mới, thì chỗ nào đứt đoạn cho Cồ đàm đản sanh cho Phật di lặc thọ ký, cũng mặc kệ. Anh ở nơi nào? Tôi viết triền miên, không còn thuần là nhật ký. Tôi xưng tên, không phải tên tôi. Tôi đã là người khác, từ lúc anh sửa cho tôi đôi con chữ không biết, vài cái lỗi chính tả vụn vặt. Trong mơ tôi nhìn vào mắt Mèo con, nói với Mèo con đôi lời. Cánh bướm không còn có thể trở về vỏ ngài của nó.
Lưu Na
03/19/2011

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Năm 20182:17 SA(Xem: 24563)
Thuở ấy, ông Nghè Tân (Bắc Kỳ Thanh Tra Đại thần, Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân) nhân một hôm đi ngang cánh đồng Phủ Bình Giang thấy một người đàn bà đang mếu máo, nhớn nhác tìm kiếm một vật gì. Gặng hỏi thì được biết người đàn bà này góa chồng, có một con trâu mới chết, bà đã đóng 2 quan tiền cho lý trưởng làm đơn, đóng triện để lên trình quan phủ. Vội vàng làm sao bà đánh rơi mất tờ đơn. Nay đường về làng thì xa, trong cái ruột tượng xác xơ kia chỉ còn 6 quan tiền để lễ quan phủ và nha lại lấy đâu ra tiền để nhờ người viết đơn!
16 Tháng Năm 20181:22 SA(Xem: 28524)
Tôi rời Hà Nội vào Nam rất sớm. Năm 1951 tôi đã theo bố tôi và người chị cả vào định cư ở Sài Gòn trong khi mẹ tôi và các anh chị tôi vẫn còn ở Hà Nội cho đến ngày di cư. Vào Nam ba bố con tôi ở chung với gia đình người bác ở đầu đường Hồng Thập Tự gần sở thú Sài Gòn. Thời gian chúng tôi ở đó tôi thường theo các anh họ tôi đạp xe đi tắm ở hồ bơi mà hồi đó chúng tôi gọi là "đi pít-xin". Hồ bơi ở xa lắm, mãi tuốt trong Chợ Lớn. Tôi nhớ là để tới hồ bơi chúng tôi phải dắt xe đi ngang một con đường sắt, rồi lại phải băng qua một bãi đất trống rất rộng mấp mô đầy những mồ mả.
07 Tháng Năm 20184:58 CH(Xem: 25092)
Một sợi dây dừa nối hai sinh linh tật nguyền để tạo thành một sinh thể thống nhất, mang tính bù đắp, tối ưu của thích nghi nhưng không thoát khỏi vẻ dị hình, sự mất định hướng đến vụng về của một phần cơ thể mù lòa được kéo lê phía sau. Nhìn họ di chuyển như hình ảnh một con sâu đo, bị chiếp dép quằn nát khúc giữa, ngúc ngắt vô vọng nhưng trong đó là cả hai thân phận con người và tự thân, chừng như họ cũng đang quằn quại với nỗi đau mưu sinh. _ Lại cho chú thương phế binh kia năm chục đi con! Là một người suốt đời sống với cái chợ, má tôi thường nói với tôi khi nhìn thấy hai con người thống khổ ấy. Tôi cầm tờ giấy bạc, chạy tới, bỏ vào cái cà mèn và đáp lại, luôn là một tiếng “Cám ơn” nhẹ nhàng, của những con người có tâm hồn thật tử tế. ... "
30 Tháng Tư 20189:14 CH(Xem: 25137)
Trung Quốc đang khống chế không chỉ Biển Đông mà còn trên toàn Lưu Vực Sông Mekong, Việt Nam là một quốc gia cuối nguồn, giới cầm quyền VN thì lệ thuộc về chính trị vào Trung Quốc và do đó hoàn toàn bị động. Cho dù Việt Nam thỉnh thoảng có lên tiếng phản đối yếu ớt nhưng thực tế không có chiến lược gì cụ thể và hầu như không làm được gì để bảo vệ sự sống còn của hơn 17 triệu cư dân ĐBSCL và cũng là vựa lúa của cả nước. Đó là một sự thật.
31 Tháng Ba 20181:21 SA(Xem: 26943)
Đúng 14G40, tàu chuyển bánh. Chúng tôi nô nức nhìn sang hai bên đường, quan sát cảnh vật. Sài Gòn vẫn đỏ rực màu cờ và biểu ngữ, dấu tích của những cuộc “diễu hành” và “diễu binh” mừng “đại thắng mùa Xuân 1975,” “giải phóng miền Nam” từ Bắc chí Nam suốt một tháng qua—với chi phí khá lớn, hẳn có thể sử dụng một cách tốt đẹp hơn cho các kế hoạch an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, với tiêu chuẩn phân chia giàu nghèo 150,000 đồng mỗi tháng. Nhưng những chính quyền chuyên chính—hay, “dân chủ tập trung,” nếu muốn—thường dành cho ngành tuyên truyền ngân khoản lớn...
25 Tháng Ba 201812:47 SA(Xem: 26900)
Thời gian trôi nhanh, trên nửa thế kỷ qua đi, tôi vẫn không quên kỷ niệm cuộc “hành quân”đầu tiên trong đời binh nghiệp tại làng 13Bis. Hình ảnh những thi hài dù được thu lượm về hay còn nằm phơi mình dưới nắng mưa ngoài trận địa, hoặc được chôn vùi một cách đơn sơ trong rừng sâu khiến tôi tự hỏi tất cả những hy sinh của họ đã được đền bù xứng đáng chưa? Đem thể xác yếu như “cây sậy” của họ thách thức bom đạn, để phục vụ một lý tưởng nào quá xa xôi và mơ hồ, liệu có tàn nhẫn không? Những danh hiệu, những mỹ từ, những truy phong, truy tặng v.v có đủ để đánh đổi mạng sống của họ hay chăng? Dù gì đi nữa, một điều chắc chắn là thân xác những người đã hy sinh ấy nay đã thành “cát bụi”…Và không biết ba mươi năm chiến tranh Việt Nam 1945-1975 mà nhiều người gọi là cuộc chiến tranh “phúc đức”, có bao nhiêu triệu người dân Việt trở thành cát bụi ?
04 Tháng Ba 20182:00 CH(Xem: 24029)
"Không Cần Phải Đốt Sách để phá huỷ một nền văn hoá, Chỉ Cần Buộc Người Ta Ngừng Đọc mà thôi." "You don't have to burn books to destroy a culture. Just get people to stop reading them." Ray Bradbury phát biểu câu trên cách đây mới có 24 năm khi trả lời phỏng vấn của Misha Berson, của tờ The Seattle Times (12 March 1993)
15 Tháng Hai 20182:18 SA(Xem: 26890)
Trong y khoa, khi khảo sát não trạng vô thức của đám đông, qua nghiên cứu hành vi/ behavior của loài cá, khoa học gia Đức đã làm một thử nghiệm: thả một con cá bị huỷ não bộ vào một hồ cá, không có gì ngạc nhiên là con cá ấy mất định hướng bơi tán loạn, nhưng điều kỳ lạ là đàn cá lành mạnh thì lại ngoan ngoãn bơi theo con cá mất não ấy. Phải chăng "thử nghiệm hành vi" của nhà khoa học Đức, đã phần nào giải thích hiện tượng cả một dân tộc Đức văn minh đã có một thời kỳ nhất loạt tuân theo một lãnh tụ như Hitler xô đẩy cả thế giới vào lò lửa của cuộc Thế chiến thứ Hai.
12 Tháng Giêng 201812:14 SA(Xem: 9561)
Trước Bạc Liêu, tỉnh duyên hải Bình Thuận cũng đã có nhà máy điện gió tại huyện Tuy Phong, quy mô nhỏ hơn gồm 20 trụ turbin điện gió với công suất 30 MW. Bình Thuận, còn có dự án Điện gió trên đảo Phú Quý với 3 trụ turbin công suất 6 MW. Về khai thác điện gió, Bình Thuận là tỉnh "đi trước về sau" so với tỉnh Bạc Liêu nơi ĐBSCL. Hiện có 5 nhà máy điện gió đã đi vào hoạt động ở Việt Nam với tổng công suất 160 MW, tuy chậm và sơ khai nhưng nhiều hứa hẹn, sẽ cùng với điện năng mặt trời dần thay thế cho nguồn điện than gây ô nhiễm khủng khiếp.
01 Tháng Giêng 20181:14 SA(Xem: 24787)
Về tới Cao Lãnh cũng đã gần nửa khuya. Trên chiếc xe Van của tài xế Sang có Wi-Fi di động, nên suốt cuộc hành trình nếu muốn, chúng tôi vẫn có thể kết nối mạng và làm việc với iPhone, iPad. Ngày hôm sau 12.12.2017, chúng tôi vẫn thức dậy sớm để khởi hành đi vào Đồng Tháp Mười, ghé qua Gò Tháp.