Trong tuần lễ cuối của tháng 4, con dân nước Việt Nam độc lập tự do hạnh phúc được thấy một loạt án tù và bắt bớ dành cho các bloggers cùng các nhà hoạt động cho tôn giáo và nhân quyền. Ngày 27 tháng 4, bão lốc miền Nam (Southern Tornadoes) nước Mỹ đồng loạt bùng dấy gây thương vong tàn phá ở mức báo động. Bên cạnh những chuyện quốc gia đại sự là đôi việc biển dâu. Ngày 24 tháng 4 bà Ngô đình Nhu, quyền Đệ Nhất Phu Nhân triều đại đầu tiên của 20 năm Việt Nam Cộng Hòa, người cuối của vương quyền cũ, qua đời. Ngày 29 tháng 4 công nương Kate kết hôn với hoàng tữ William mở ra một trang tình sử mới và biểu tượng vương quyền mới. Ngày giỗ Việt Nam Cộng Hòa năm nay đã được dẫn trước với những sự kiện nổi bật như vậy. Và sáng dậy mở các trang mạng xem thì thấy giận ông Trên bàn viết hết sức. Đêm nghĩ vẩn vơ, tìm được một chữ ưng ý sáng ra đã thấy ông dùng. Với đứa vốn liếng chữ nghèo nàn sao mà không sùng. Cũng không biết làm sao thay thế chữ khác, nó đã thành lịch sử: ngày này, năm ấy.
Cái ngày, mà dù chỉ là một người dân bé mọn vừa chớm lớn khôn không có gì để nhớ cũng không thể quên cái xao xác tan hoang của một cuộc đổi đời. Một xã hội, một quốc gia, thôi thế là sụp đổ. Việt Nam Cộng Hòa, quốc gia đó là nơi mình sinh ra và lớn lên, không thể nào nghĩ khác. Tuổi đời thêm nặng, lý trí nói mình cùng máu đỏ đầu đen cùng ngôn ngữ, huyết thống nói ông anh bộ đội và bà chị bí thư huyện là anh chị em của mình. Nhưng tim mình nó bảo mình là cái nước Việt Nam Cộng Hòa của mình đã bị Cộng Sản Bắc Việt xâm lược, giống như bị Trung Hoa, bị Pháp xâm lược. Chết, tức tưởi, không nghĩ khác được. Và thêm nặng tuổi đời mình càng khóc nhiều hơn cái ngày giỗ ấy.
Sao mình khóc hoài cho một biến động đã qua?
Mình nhớ đến đám tang của Ba năm 97, cô và các con từ ngoài Bắc, cùng các anh chị của mình vào để tang. Trước quan tài, cô xõa tóc, mái tóc vẫn dài và vẫn cuốn trong cái khăn đen quấn thành 1 vòng rưỡi trên đầu. Cô ngồi xuống chiếu với mái tóc xõa áo bà ba trắng quần đen, và bắt đầu khóc những lời thương tiếc. Nhà kèn trỗi lên, mình loay hoay ghi lại hình ảnh, một dấu ấn của một thời đã qua mà mình mới thấy lần đầu. Năm tháng trôi qua mình hối tiếc đã không chú ý nghe những lời khóc ấy. Nhưng nắp quan tài đã đóng, người chết và người sống dù không đành đoạn cũng không còn chi để vấn vương. Mình đã thôi khóc Ba, vì dù thương tiếc nhớ nhưng Ba đã đến đúng lúc đúng chỗ đã dành sẵn cho Ba. Riêng còn những người vợ không thể đóng nắp quan tài trống, còn những người mẹ không thể thôi chờ con mất tích trên biển, còn những đứa con không thể thôi thắc mắc về người cha chưa biết mặt. Người chờ người đi, đã như nhang tàn. Họ không thể thôi khóc. Và những người lính mãi tìm về đơn vị. Người bỏ người thôi, khác chi nợ nần. Những chuyện bể dâu đổi bao thân phận bao cuộc đời, có bao giờ chúng ta giải thích được với nhau? Vết thương lòng, có bao giờ khép được không, những ngày này năm ấy? Trương Vấn, hóa ra anh cũng như một người lính đã chết, đang trốn phép lại tìm về đơn vị để được đứng bên anh em của mình. Những nhân chứng sống kéo dài sự chết của chính họ. Sao không khóc được.
Những lời chứng thuyền nhân, những hình ảnh kỷ niệm, những bài viết ngậm ngùi… ngày giỗ năm nay càng thêm lớn với 3 chương trình lễ tưởng niệm nơi tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ, đêm thắp nến, hội thảo, chiếu phim, và hàng loạt những chương trình truyền thanh truyền hình, băng đĩa kỷ niệm. “Ngày này năm ấy” được người Việt lưu vong nhắc đến tựa như dân Mỹ đóng lại vở kịch nội chiến 1876 hàng năm. Khác chăng, trang sử của chúng ta chưa thể khép lại.
Lưu Na
04/30/2011