- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tháng Tư đi về miền Nam

30 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 94990)

 


 chungsuc_duongvanmai

  (Chung sức / Ảnh Dương Văn Mai)

 

Tháng Tư thường gợi lại nhiều xúc động cho người Việt tị nạn, nhưng với chúng tôi tháng Tư lại có thêm ý nghĩa đặc biệt, vì cứ vào dịp này chúng tôi lại bay sang Houston Texas dự đại hội trường cũ của vợ tôi, để được có dịp gặp lại những người bạn ngày xưa từ mấy chục năm về trước. 


Đại hội Trưng Vương toàn cầu kỳ nào cũng đông, có lần đến gần ngàn người, bàn tiệc xếp đầy đại sảnh trong các khách sạn lớn. Các cựu giáo sư và các nữ sinh không những từ các tiểu bang trong nước Mỹ, mà có cả nhiều nơi khác trên thế giới, Anh, Pháp, Úc và cả từ Việt Nam.

Đại hội kéo dài trong ba ngày, tối thứ Bảy là tiền đại hội, Chủ Nhật đại hội gần nguyên ngày và thứ Hai đi du ngoạn. Năm nay, cuộc du ngoạn là thăm Moody Garden tại Galveston cách Houston hơn một giờ lái xe. Cả đoàn gồm ba xe bus cỡ lớn chở gần hai trăm người tham dự trong một ngày đẹp trời.

 

Trong lần du ngoạn trước, chúng tôi đã có dịp đi thăm Austin, thủ phủ của Texas, ở đó có một công viên có những tượng đồng khá đặc biệt và một khu hồ rộng lớn. Lần này, chúng tôi cũng đến San Antonio và là lần thứ ba. San Antonio là một thành phố du lịch của Texas. Chúng tôi đã đi thăm thành Alamo, nơi 100 chí nguyện quân cố thủ, không chịu đầu hàng quân Mễ Tây Cơ và tử chiến đến người cuối cùng. Chúng tôi đi thuyền dọc theo khu River Walk, lãng mạn thì không bằng những gondoliers ở Venice bên Ý, nhưng vui hơn. Chúng tôi có dịp đến thăm một thạch động gần đó. Thạch động ẩm ướt có thể vẫn còn non, không như những thạch động khô ráo mà chúng tôi có dịp đến thăm ở Việt Nam. Nhiều thạch nhũ ở phía trên nhỏ giọt xuống đóng thành những nhũ ở phía dưới và có những bảng đề ước lượng cho từng thạch nhũ là hàng trăm năm nữa hai thạch nhũ trên và dưới sẽ dính lại được với nhau.

 

Moody Garden là một khu giải trí nhân tạo rộng lớn nằm bên cạnh vịnh Galveston gồm nhiều tòa nhà, có một số kiến trúc theo hình kim tự tháp. Trong đó có một aquarium ba tầng. Một nhà kính Rain Forest trồng các cây nhiệt đới. Hai phòng chiếu phim nổi, một phòng ba chiều 3D, còn phòng kia chiếu phim 4D. Chiều thứ tư là chiều gây cảm giác cho người xem như thật. Lúc gió mạnh thì quạt máy thổi ào ạt vào phòng; cảnh động đất thì tự nhiên ghế mình đang ngồi rung chuyển; khi mưa gió, bão biển thì những làn bụi nước tạt cả vào mặt mình. Khu này còn có một phòng triển lãm hình ảnh xưa và di vật của những người di dân đến định cư tại Galveston, trong đó có gồm cả người tị nạn Việt Nam. Cũng tương tự như cuộc triển lãm “20 Years After the Fall of Saigon” mà tôi đã tham gia là một curator, tại Bảo Tàng Wing Luke Asian Museum tại Seattle hồi 1995.

Còn một số các khu giải trí khác mà chúng tôi không có đủ thời giờ đến xem.

 

Lúc trước khi đợi đến giờ lên tàu du ngoạn ngoài biển, toán tôi chợt khám phá trên bản đồ có một nơi ghi là Vietnam Memorial, chúng tôi quyết định đến nơi đó. Quanh co một hồi rồi cũng tìm được. Tượng đài là một số cột cao ngang đầu, trụ hình tam giác bằng đá cẩm thạch đen bóng, trồng xung quanh hai cột cờ Mỹ và Texas. Mỗi cạnh của các trụ có khắc tên các người lính Mỹ của Galveston tử trận tại Việt Nam. Trong lúc chúng tôi đang thay nhau chụp hình kỷ niệm, thì một chiếc xe chạy tới đậu ngay cạnh. Một người Mỹ lớn tuổi vội bước xuống xe, bảo chúng tôi đứng vào hàng để ông chụp hình cho tất cả. Chụp xong, ông tự giới thiệu là một hội viên của hội “Sons of the American Revolution” của Texas. Hàng năm cứ vào tháng Tư, các hội viên sẽ tụ tập tại đây. Họ sẽ rung chuông trong khi trỗi nhạc TAPS tưởng niệm và ông thường là người đọc diễn văn vinh danh những người đã hi sinh cho cuộc chiến ở Việt Nam. Tôi nói cho ông biết chúng tôi cũng kỷ niệm ngày mất miền Nam vào tháng Tư và năm nay chúng tôi tình cờ lại được kỷ niệm ngày đó tại tượng đài này.

 

Tối hôm đó, tại nhà anh chị Nho, một người bạn thân, chúng tôi được xem cuốn băng nhạc kỷ niệm ngày khai mạc Viện Bảo Tàng Tị Nạn tại San Jose, có tựa đề là “Ngàn Người Viết Sử”. Trong cuốn băng đó Khánh Ly đã hát bài “Chiều Trên Phá Tam Giang” để nhớ đến Trung tá Đỗ Hữu Tùng, tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn Thủy quân lục chiến. Cũng trong cuốn băng “Mưa Hồng” do Khánh Ly xuất bản trước đây, cũng thấy cô nhắc đến Trung tá Tùng và có cả hình ảnh cô chụp chung với Tùng cạnh lều chỉ huy tại chiến trường miền Trung. Tôi nhớ lại đã đọc trong hồi ký của Khánh Ly cũng có những kỷ niệm riêng của cô với Trung tá Tùng. Tùng là em ruột của anh Nho và người sĩ quan anh dũng này đã mất tích khi Quảng Trị, Thừa Thiên thất thủ vào tháng Tư năm 1975. 

 

Hôm sau, một người bạn cùng khóa 6 Quốc Gia Hành Chánh với tôi là anh Nguyễn Ngọc Vỵ mời chúng tôi đến ăn cơm tối tại nhà. Anh nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa mà chính tôi đã quên: Anh nói tôi là người xung phong trong tổ vác đại liên của đại đội trong những cuộc di hành 60 cây số trong thời kỳ Tổng Thống Diệm gửi chúng tôi ra lò luyện thép Đồng Đế để huấn luyện thành sĩ quan trước khi gửi về phục vụ tại địa phương. Anh lại còn nhớ hồi còn ở trường, có lần tôi bị một giáo sư từ trường Luật sang dậy, không hiểu mang cái bực dọc ở đâu tới ông đã đuổi tôi ra khỏi lớp làm cho mọi người ngạc nhiên. Ngồi trong lớp đã lâu cũng chán nên có dịp, tôi đi ra ngay. Ngày hôm sau tôi mới đứng lên hỏi lý do nào mà bị đuổi ra khỏi lớp. Ông thày nói ông không muốn thấy ai cười nhạo ông khi ông đang giảng bài. Các bạn tôi bật cười, xúm vào bênh vực cái cười lệch miệng bẩm sinh của tôi mà ông đã hiểu lầm. Hôm đó, ông đã xin lỗi tôi. 

 

Còn tôi thì nhớ Vỵ là người đầu tiên trong khóa được bổ nhiệm thành Quận trưởng tại một quận miền Trung hồi đó. Có lần anh đã thoát khỏi một trận phục kích của Cộng sản. Rồi anh lần lượt làm Phó của một số tỉnh vùng 2 Chiến Thuật. Chức vụ cuối cùng của anh là Phó tỉnh Ban Mê Thuột cho tới tháng Tư năm 1975 khi Cộng sản tràn ngập cao nguyên. Người anh của Vỵ ở Saigon được tin anh đã bị Cộng sản bắt, mất tích coi như đã chết. Cáo phó với tên vợ và 6 con đã đăng lên báo. Tôi và mấy người bạn đã đi dự lễ cầu hồn cho anh ở nhà thờ. Không ngờ khi gia đình tôi di tản đến đảo Guam, gặp lại bà mẹ vợ của anh. Bà cho biết anh đã được di tản vào Mỹ.

 

Tối đó anh đã kể lại câu chuyện vượt thoát hi hữu. Câu chuyện vừa ly kỳ, vừa cảm động như trong tiểu thuyết. Sau khi bị bắt, gia đình anh được giao cho một chính ủy tiểu đoàn VC để giam giữ và khai thác. Định mệnh đã run rủi cho hai người nhận ra là cùng quê Thái Bình. Người bị bắt và người cai quản đã chia sẻ nhiều chuyện về gia đình, về quê cũ. Có lần Vỵ bắt gặp anh chính ủy ôm đứa con trai 10 tuổi của Vỵ lên lòng, mơ màng nói “Con trai tôi cũng cỡ tuổi này, từ hồi nó mới sanh tôi chưa được gặp nó”.

Ít lâu sau có lẽ viên chính ủy đã gián tiếp giúp cho Vỵ phương tiện để cả gia đình anh tìm được đường về duyên hải. Sau này nghe đâu anh chính ủy cộng sản đó đã bị hạ tầng công tác, khốn khổ với cấp trên vì việc làm nhân bản này. Vỵ cũng cho chúng tôi xem một tập bản thảo hồi ký mấy trăm trang, có thể sẽ sớm được xuất bản. Trên tường nhà anh có treo một tấm bảng với huy hiệu West Point, tôi hỏi thì anh cho biết cháu nội gái của anh là Amanda mới tốt nghiệp trung học và vừa được West Point nhận vào trường. Chúng tôi chúc mừng và cảm thấy hãnh diện với sự thành đạt của lớp người trẻ trong cộng đồng Việt Nam

 

Một tuần tại Houston gặp những người bạn cũ, lòng tràn đầy những kỷ niệm của tuổi thanh xuân. Nhìn những cựu nữ sinh trong áo dài đồng phục màu xanh lam mà tiếc ngày xưa tôi đã không có dịp đến chờ ở cổng trường hay đạp xe đạp theo các nàng, vì các năm cuối trung học tôi đã phải vùi đầu học thi. Gặp lại và chụp hình chung với một chị bạn đồng lớp cũng là cựu giáo sư và nhớ lại các bạn cùng học năm đệ Nhất ở Chu Văn An, hồi lớp ở nhờ trong khu nội trú Pétrus Ký. Tôi cũng gặp lại một số bạn Hành Chánh, rể của Trưng Vương, để nhớ lại cả một thời binh lửa ở những quận heo hút miền xa của đất nước.

 

 *

Sau Houston, chúng tôi bay sang Nashville, tiểu bang Tennessee, cách một giờ bay, để thăm cô con gái mới dọn đến đó được ít lâu.

Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi vào miền Nam của nước Mỹ. Sinh sống ở miền Tây Bắc Hoa Kỳ từ hơn 35 năm nay với đủ các sắc dân, khi đến vùng này chúng tôi có một cảm giác là lạ. Trên các chuyến bay đi Nashville và Denver lần này, chỉ có hai vợ chồng chúng tôi là người Á Châu. Tennessee là một tiểu bang có tiếng là kỳ thị người da đen. Mục sư Martin L. King đã bị ám sát ở đó. Tennessee (Oak Ridge) cũng là nơi làm bom nguyên tử thả xuống Hiroshima để kết thúc thế chiến II. Tennessee lại nổi tiếng về công trình thủy điện dưới thời Frankin Roosevelt, giúp nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1930. Ngoài ra Nashville thủ đô của Tennessee được cả thế giới biết đến về country music với khu Grand Ole Opry và Graceland tại Memphis của Elvis Presley, vua nhạc Rock N Roll.

 

Kiến trúc gia cư của miền Nam đặc biệt với các cột trụ bên ngoài cửa ra vào và hàng hiên. Bên trong nhà từ trần đến các cửa lớn nhỏ đều được chạy khung gỗ rất mỹ thuật. Nhìn qua những ô cửa sổ vuông, màu lá xanh tươi rung động trong gió sớm, tiếng chim hót nhẹ nhàng đâu đó, tưởng như đang ở trong cảnh thanh bình của ngày xa xưa, hồi tiền nội chiến của miền Nam, thời “Cuốn Theo Chiều Gió” của Margaret Mitchell, của những văn sĩ nổi tiếng miền Nam William Faulkner, Tennessee Williams và John Steinbeck.

 

Chúng tôi đi thăm Hermitage, dinh thự và đồn điền của tướng miền Nam thời nội chiến là Andrew Jackson. Trong cuốn phim giới thiệu khởi đầu, có đề cập đến ông là một nhà quân sự, chính trị tài ba nhưng cũng rất sắt máu. Có lúc ông đã sở hữu tới 150 nô lệ da đen. Ông ra lệnh trừng phạt 300 roi da những người nô lệ bỏ trốn mà bị bắt lại.

Chỉ mới một năm sau khi trở thành Tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ, Jackson đã ký đạo luật đuổi bộ lạc da đỏ Cherokee ra khỏi vùng Đông ngạn Mississippi, cướp đoạt của họ hơn 22 triệu mẫu đất và xua họ về miền cực Tây, phía Oklahoma. Họ không được mang theo tài sản sở hữu gì. Hơn 4,000 người trong số 15,000 người Cherokee đã bỏ mạng dọc đường, khiến cho đoạn đường sau này được gọi là “Trail of Tears”.(Đường Mòn của Nước Mắt). Chúng tôi cảm thấy bất nhẫn nên bỏ dở cuộc thăm viếng đồn điền, liên tưởng đến những năm cũ dân miền Nam cũng đã bị cướp đoạt nhà cửa tài sản đuổi về vùng kinh tế mới, đưa đến thảm cảnh hàng trăm ngàn người dân Việt bỏ mình trên biển cả. Trớ trêu thay, Andrew Jackson sau này lại trở thành một vị tổng thống được in hình trên giấy bạc thông dụng 20$. 

 

Tối đó trở về, xem báo điện tử. Gần cuối tháng càng dồn dập những chuyện viết về Tháng Tư. Hai truyện mà tôi thấy rất hay, rất cảm động là Lời Cám Ơn Riêng của Trần Mộng Tú và Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân của Phạm Tín An Ninh. Cũng thời gian này chúng tôi được tin trong nước, khu thương xá Eden và nhà hàng Givral bị phá đổ. Tôi nghĩ không phải riêng tôi mà một số đông người đã bàng hoàng như mất cả một quá khứ thân yêu về một quê hương mà mình đã phải rời bỏ. Tôi nhớ đến những năm cuối của thập niên 50, tôi cùng các bạn đã qua một thời tuổi trẻ tại dọc đường Tự Do, ngồi trong các quán La Pagode, Givral, Brodard, bên cạnh các ly cà phê, gạt tàn đầy thuốc lá. Có lúc họp nhau ở quán Pole Nord cuối đường gần bến Bạch Đằng chơi tilt, một trò chơi mới của những năm 50, chạy bằng điện, rất được ưa thích hồi đó.

Tôi cũng nhớ cả đến những đêm về sáng ở vũ trường Tự Do, ngồi nghe Lệ Thu hát hết bài Tôi Đưa Em Sang Sông, để rồi ngày mai lại phải xa thành phố về một nơi mịt mù của đất nước. Sau này, lần nào từ Mỹ về thăm lại Saigon, chúng tôi cũng đến Givral ngồi bên ly cà phê, trầm ngâm nhớ lại cả một thời và những người bạn ngày xưa. Bây giờ thì Givral không còn nữa rồi.

 

Tôi lại đọc những báo điện tử trong nước. Ở Hồ Gươm gạch cũ xung quanh hồ đã bị lật lên và thay vào đó bằng đá xanh vuông. Tường nhà của lầu hai trong khu phố cổ bị sơn một mầu vàng nhem nhuốc. Đọc những phản hồi chê trách của người dân trong nước, họ cho rằng người ta kỷ niệm Thăng Long 1000 năm bằng một Hà Nội mới kệch cỡm.

Hôm sau chúng tôi lái xe đi thăm Graceland ở thành phố Memphis cách Nashville khoảng 200 miles, nơi đó có viện bảo tàng và dinh cơ của Elvis Presley và những phòng triển lãm nhiều sưu tập của Elvis như các xe hơi đắt tiền, các bộ y phục trình diễn lộng lẫy. Chúng tôi đến thăm tòa nhà mà Elvis cư ngụ 19 năm cho tới khi qua đời tại đó. Các căn phòng tương đối nhỏ hẹp. Bàn ghế, tủ và sofa đều mầu nâu tối, không mấy mỹ thuật. Chúng tôi hơi ngạc nhiên về sở thích và cách sống của Elvis, một ca sĩ thần tượng đã có giọng hát mê hoặc chúng tôi một thời. 

 

Trước khi rời Nashville, chúng tôi đi thăm khu Opryland, nơi có viện bảo tàng về Country Music. Cạnh vườn hoa có dựng hai chiếc đàn guitar khổng lồ, tượng trưng cho một thế giới âm nhạc nổi tiếng, là một khu thương mại lớn với đầy đủ các cửa hàng được trang trí rất bắt mắt, sàn nhà bên trong được lát bằng gỗ quí bóng loáng. Chúng tôi ăn tối tại một nhà hàng trong khu vực có tên là Aquarium. Cách bài trí nội thất của nhà hàng cho khách có cảm tưởng như đang ngồi trong thủy cung với những đàn cá lớn nhỏ đủ loại, đủ màu sắc bơi từng đàn bên cạnh.

 

Buổi sáng trên đường ra phi trường trở về Seattle, mưa rơi xối xả như mưa Saigon. Chúng tôi không biết là trời đã mưa như trút nước từ đêm hôm trước. Thời tiết báo tin mưa sẽ tiếp tục thêm một vài ngày nữa.

 

Sáng Chủ Nhật, chúng tôi dậy muộn. Mở TV thấy nước của dòng sông Cumberland dâng cao hơn mười mấy feet đang hung hãn chảy xiết.

Chúng tôi đã bỏ lại thành phố Nashville và những thắng cảnh danh tiếng của Tennessee một trời ngập nước.

Nguyễn Công Khanh


(Đã in trên Hợp Lưu 113, số tháng 3&4-2011)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Tư 202112:10 SA(Xem: 12082)
LTS: Một năm rưỡi trước khi từ trần, tướng Trần Độ đã hoàn thành một tập nhật ký mà ông đặt tên là Nhật Ký Rồng Rắn: bắt đầu từ cuối năm 2000, viết xong tháng 5 năm 2001. Nhật ký Rồng Rắn là một bút ký chính trị trong đó, với tất cả tâm huyết, tác giả trình bày suy nghĩ của mình về các vấn đề chính trị của đất nước. Tháng 6.2001, Trần Độ vào Sàigòn thăm con và nhờ người đánh máy bản thảo. Ngày 10.6, ông đi lấy bản thảo, bản vi tính và sao chụp thành 15 bản. Trên đường về nhà, ông bị tịch thu toàn bộ các bản thảo và bản in chụp, xem là "tang chứng" của tội "viết và lưu hành tài liệu xấu". Cho đến ngày từ trần 9.8.2002, tướng Trần Độ không được trả lại nhật ký của mình. Trích đoạn dưới đây là một phần của nhật ký này. {theo tạp chí Diễn Đàn}.
01 Tháng Tư 20214:31 CH(Xem: 13000)
Vào một ngày đầu hè năm 2019, tôi ngạc nhiên khi nhận được điện thoại của một người lạ, bạn ấy nói muốn gặp tôi trò chuyện vì đang làm ký sự Trịnh Công Sơn của Đài truyền hình Việt Nam. Chúng tôi hẹn gặp ở quán cà phê Trịnh Công Sơn trên đường Xuân Diệu để nghe nhạc và trao đổi cùng vài người bạn. Lúc ấy tôi mới biết bạn là Nguyễn Đức Đệ đạo diễn đang làm phim ký sự “Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du” gồm 5 tập, kịch bản và cố vấn phim do nhà báo Trần Ngọc Trác ở Đà Lạt một người đam mê nhạc Trịnh đảm nhận. Anh Trác đề nghị cho anh photo tất cả tài liệu mà tôi sưu tầm được khi làm luận văn thạc sĩ Trịnh Công Sơn để làm tư liệu, ngày mai sẽ vào trường Đại học Quy Nhơn quay ngoại cảnh, tìm lại dấu vết cũ nơi Trịnh Công Sơn đã từng học thời gian 1962-1964. Phỏng vấn tôi xoay quanh luận văn thạc sĩ mà tôi đã làm về đề tại Trịnh Công Sơn.
25 Tháng Ba 202111:55 CH(Xem: 12332)
Đó là vào những ngày cả Hãng phim truyện VN như sôi sục lên trong giai đoạn tổ chức sản xuất bộ phim nhựa đen trắng “Tướng về hưu” dựa theo truyện ngắn cùng tên đang rầm rĩ dư luận xã hội của NHT. Sáng hôm ấy, đang ngồi họp xưởng đầu tuần theo thông lệ của Hãng, đồng chí bảo vệ ngó đầu vào nhắn: “Có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp muốn gặp đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn”.
25 Tháng Ba 202110:39 CH(Xem: 13469)
Đã 43 năm trôi qua, sự khe khắt về lý lịch, về người của chế độ cũ dần rồi cũng nguôi ngoai. Nhờ đó mà tôi mới được viết lên những dòng này cho chị họ tôi. Chị Bảy Long, vợ một sỹ quan VNCH, người phụ nữ thầm lặng gánh chịu những đau thương mất mát của chiến tranh của nghiệp đời. Chị đã già, tuổi xuân đã qua đi, chị còn bất hạnh hơn cả bà quả phụ đại úy Đương vì không ai biết đến chị. Hết một đời đến khi nhắm mắt, chị sẽ vĩnh viễn không bao giờ được hốt một nắm đất nơi anh đã hy sinh để về chùa cúi lạy. Chị chẳng còn một đứa con nào để nương tựa tuổi già heo hắt bên song. Ôi đất mẹ Việt nam còn có bao người như thế... Thương biết bao!
08 Tháng Ba 20216:50 CH(Xem: 13529)
Nói tới thành tựu của một nền văn học, người ta chỉ nhắc tới những nhà văn, nhà thơ nhưng có lẽ không thể không nhắc tới những bà Tú Xương của mọi thời đại với bao nhiêu công khó hy sinh của họ.
03 Tháng Ba 202112:01 SA(Xem: 11772)
Tôi nhớ rõ ràng như chỉ mới hôm qua. Những năm còn bé nhỏ ở tuổi 12. Có một chiều, tôi ôm con gà đứng khóc tỉ tê, khóc sướt mướt, dai dẳng trước căn lều của người hàng xóm. Đã qua không biết bao nhiêu thăng trầm, trôi nổi của những tháng năm dài… Vậy mà sự rúng động trong trái tim bé nhỏ của tôi vẫn y nguyên, vẫn còn như rất mới.
02 Tháng Ba 202111:49 CH(Xem: 12621)
Năm ấy tôi chỉ mới tuổi mười ba, đang học lớp đệ lục trường Nữ trung học Quy nhơn. Cái tuổi be bé mới lớn ấy đã biết mộng mơ nhưng chưa biết chút chút nào về tình yêu đôi lứa cả. Thế nhưng tôi lại có một buổi thuyết trình về tình yêu và đó lại là một kỷ niệm tôi thương của thuở học trò.
20 Tháng Hai 20213:06 CH(Xem: 12415)
Dù Marquez phải sống lưu vong ở Mễ Tây Cơ, 30 năm cuối cuộc đời vì chống độc tài tham nhũng, dù ông bị thuyết Cộng Sản mê hoặc, dù Colombia và cả đại lục Nam Mỹ không nước nào theo Cộng Sản, nhưng khi ông mất năm 2014, ông vẫn là niềm hãnh diện của họ. ...Năm 1991, Liên Sô Cộng Sản tan rã, là một thất vọng nảo nề cho Marquez. Không hiểu sau đó ông có phản tỉnh không khi nhìn lại còn một vài nước còn theo chế độ cộng sản như Cuba, Triều Tiên, Việt Nam, Trung Hoa, độc tài và tham nhũng còn gấp trăm lần so với chế độ mà ông sống thời ông còn ở Colombia.
11 Tháng Hai 202111:43 CH(Xem: 12353)
Aó tím ơi! Tôi đã mất em trong cuộc đời này nhưng tôi vẫn hạnh phúc vì em thường trực trong trái tim rách nát này. Bên cửa sổ trăng đã lặn, chồi non mơn mởn hàng cây trong gió bấc rét mướt. Ừ nhỉ… Tháng chạp đã tàn…
29 Tháng Mười Hai 20209:09 CH(Xem: 14160)
Như những cô học trò nhỏ, áo trắng điệu đà tha thướt. Tôi còn có thêm giọng nói êm êm, thanh thoát và dịu dàng. Chúng tôi, những cô thiếu nữ đẹp như trăng, sáng rỡ và líu lo những khi tới lớp, những lúc tan trường… / Thày đứng lớp Kim Văn, hai lần một tuần. Chúng tôi chờ giờ của Thày, như đợi chờ để được nghe những vần thơ trác tuyệt và để học trong cuốn sách đặc sắc, mỏng, nhưng tràn đầy những nét tinh hoa... / Thày không giáo điều, không nhất định cứ giảng dạy đúng theo chương trình của Bộ Giáo Dục đưa ra. Những thứ mà với chúng tôi đã gần như nhàm chán. Ngoại trừ có lần Thày giảng và bàn rất vui, rất dí dỏm về Tây Môn Khánh và Phan Kim Liên trong Kim Bình Mai…