- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tạp Bút Của Tro Tàn

19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 91559)

 banmai_3f-content

 Thành phố nằm bên một rẻo biển miền Trung yên bình và tĩnh lặng. Những ngày gần đây bổng nhiên được khuấy động bởi mấy chú cá mập, không hiểu vì sao lại lang thang vào bờ, chúng lượn lờ nơi bãi tắm trước khuôn viên trường, là bãi du lịch của thành phố.  Thỉnh thoảng chúng lại ruỗi theo sóng nước cợt nhã với con người. Có hôm một chú cá mập con nhá vào mông ai đó, có hôm lại ngoạm vào giò của kẻ nào bơi đến gần. Bạn tôi phán: đất này “linh kiệt”. Tôi cười vui: Đất lành chim đậu, biển lành cá mập làm tổ.

 

Dạo này tụi sinh viên ớn lạnh không dám xuống biển, chỉ ra hóng gió, tập thể dục. Tuần trước trong trường đã có người bị ngoạm cánh tay, cũng may cá mập chỉ nhá chơi rồi nhả ra nên vẫn còn nguyên vẹn, chỉ bị đứt gân nằm nhà thương một tháng. Sinh viên là lũ chực chờ có việc thì cười cợt, thi nhau chế diễu: mấy cô sinh viên mơn mởn bơi lội tung tăng cá mập không thèm đụng đến, lại nhè ông giáo dạy môn Chủ nghĩa Cộng sản Khoa học ngoạm một phát mất hồn, hẳn nhiên nó cũng biết lựa người ghê...

 

Loài cá còn như vậy, những âm hồn còn ghê hơn. Nghe đâu, mấy năm trước nhà trường đào móng xây cao ốc, người lãnh đạo cũ muốn xây tòa nhà cao nhất thành phố để khuếch trương “danh tiếng”. Thứ nhất dinh cơ, thứ nhì âm phần như người ta truyền dạy… nhưng đào mãi mà không đặt móng được, chủ thầu lo lắng mời các nhà ngoại cảm từ Hà Nội vào xem đất, nghe nói trúng Long Mạch và ngôi mã Hời. Cán bộ trong trường bàn nên tìm địa thế khác để xây vì trường còn nhiều đất, nhưng lãnh đạo cũ nhất quyết xây lên. Tinh thần hãnh tiến, hám danh phấn đấu chỉ một ngày… “rũ bùn đứng dậy sáng lòa!”.(1) Kết quả, cao ốc chưa xây xong ban giám hiệu đã sụp ngay tức khắc. Ụp như trứng tươi rơi vỡ trên sân trường. Vậy mới nói dân Tây Sơn hào kiệt, đất linh kiệt của áo vải cờ đào, người Tây Sơn bốn lần vào Gia Định, ba lần ra Bắc Hà, lần nào cũng kinh thiêng động địa, Nam-Bắc nể vì…. Trường nổi tiếng cả nước, báo chí liên tục đưa tin cán bộ trong trường đấu tranh chống tham nhũng và những gì xấu nhất, cần che đậy của một guồng máy bổng phơi bày cho thiên hạ ngắm. Ngày ấy, Trường như một chảo lửa, mấy ông ở Bộ Giáo dục vào giải quyết ngày trước ngày sau phóng về ngay. Thầy cô trong trường thì kháo nhau “Ma Hời ám”. Các trang web thì khỏi nói, tới tấp những thông tin nóng hổi từng ngày.

 

Thông tin nóng hổi từng ngày, như ngày xưa những giấc chiều chị em tôi trông ngóng từng chuyến xe thư đem báo và truyện từ Sài Gòn về nhà sách chú Thiện. Lũ trẻ chúng tôi thích qua phụ giúp chú xếp báo và đọc “ké” tiểu thuyết. Tôi thích mùi thơm mực in và giấy mới. Sau năm 1975 — ngôi nhà bỏ hoang, những giá sách trống trơn, tôi thường ghé nhìn qua khe cửa gỗ tiếc nuối nhà sách hoang phế. Sách là phẩm vật của trời trao tặng con người, giúp con người lưu trữ ký ức và suy nghĩ mà ảnh chụp không giữ được. Sách biến mất là phần hồn của con người biến mất. Chính vì hiểu nên người ta đốt đi không luyến tiếc, vì phần hồn cũ không thể cải tạo chỉ có thể xóa. Tôi đứng nhìn qua khe cửa tuổi thơ từng ham mê sách truyện Sài Gòn của mình cũng hoang phế như nền gạch bông phẳng lặng. Sự trống vắng loang rộng ra mãi như mất mát một điều gì đó mà mình không bao giờ có nữa. Văn học miền Nam có biến mất thật không?

 

Một lần tôi bắt gặp chú mèo hoang nằm trên chiếc ghế gãy. Chú mèo mướp giương mắt nhìn tôi khi nghe tiếng động. Ánh mắt của loài linh miêu thường long lanh trong bóng tối. Ánh mắt sáng, không âm thanh, quan sát tôi đang nhìn qua khe cửa. Chúng tôi im lặng nhìn nhau hồi lâu, cho đến khi đôi mắt dịu lại, lim dim tư lự, rồi vụt thảng thốt phóng đi khi nghe tiếng nói của vài bóng người đi qua. Có lẽ cũng như tôi, con mèo mướp đang nhớ người chủ cũ của ngôi nhà. Đã chứng kiến con người đối đãi với nhau, nên con vật đâm hoảng sợ những bước chân nện thình thịch ít an lành.

 

Không hiểu vì sao nhiều năm sau khi nhớ đến nhà sách chú Thiện bỏ hoang, tôi lại nhớ đôi mắt con mèo ngày ấy. Cùng một dáng vẻ của ánh mắt u uất như người lính Cộng hòa ngồi ở vỉa hè nhà tôi đầu những năm 80. Ánh mắt đăm chiêu tư lự, nửa lạc lõng, nửa sợ sệt, đầy cô đơn chỉ dám ánh lên một chút tinh anh trong bóng tối khi không ai nhìn. Nhiều đêm đi học về, tôi thường thấy một người đàn ông ngồi dựa tường bên góc tối trước hiên nhà, cây nạng gỗ kề bên. Trời về đêm thật lạnh. Gió biển thổi hơi mưa còn chưa tan quất lên lề đường hãy còn những vũng nước đen. Tôi đưa ông trái bắp luộc mẹ để phần, tôi ngồi xuống cạnh ông, chú ăn đi, nhà con không còn cơm. Ông lắc đầu cảm ơn, ông nói ông không còn răng! Hôm sau, ba đi rừng về, tôi kể chuyện, con thấy ông ấy mặc đồ rằn ri Thủy Quân Lục Chiến. Ba nói chắc lính đi cải tạo mới về. Mẹ nghĩ có thể là thương phế binh ... Ba buồn rầu, cũng một kiếp người như nhau.

 

Tôi có một người thầy từ năm lớp 9, thời gian đã lâu, nhưng đến bây giờ tôi vẫn thường xuyên đến thăm. Có chuyện gì tôi cũng đến tâm sự và nghe những lời khuyên. Mới đây, thầy gọi, em rảnh đến nhà thầy, thầy có vài bạn già muốn gặp. Ngạc nhiên, tôi đến. Thầy giới thiệu, đây là những thầy giáo ngày xưa trước 75, có người là thầy của thầy nữa, lâu ngày họ về miền Trung thăm. Tôi là học trò của thầy, mà họ lại là thầy của thầy mình, vậy họ là bậc kính nhi viễn chi của tôi. Những giọng cười hào sảng lâu rồi tôi mới nghe, trong tiếng cười làm như còn vang vọng âm hao của một thời kỳ đã mất.

 

Người muốn gặp tôi là ông già này, tôi kinh ngạc – ba của Thảo – cô bạn học cùng lớp cấp hai. Ba của Thảo gầy như bộ xương khô, gương mặt ngang dọc những nếp nhăn cực khổ. Ông cười không còn răng, tôi nghe nói ông bị đánh trong nhà lao rụng hết. Tôi nhớ một mùa hè cả phố xôn xao khi hay tin ông đi cải tạo về không biết làm gì nên đạp xích lô. Ba của Thảo là sĩ quan biệt phái dạy học ở trường Cường Để. Tôi nhớ một hôm trời bão, ông đạp xích lô chờ trước cổng trường. Tôi được “hưởng lây phúc xích lô” ngồi chung với Thảo vì ở gần nhà. Trường tôi học phải đi qua eo biển hồi ấy gọi là “eo nín thở”. Eo biển lúc nào cũng lồng lộng gió phần phật, gió đến trĩu cả tàu dừa. Sợ con bay xuống biển, ông đạp xích lô đi đón. Đạp ngang eo biển, mưa xối xả, sóng lớn lớp lớp dập vào thành đá tràn lên đường, chiếc xe chổng càng, hai đứa tôi run cầm cập ngồi trong xe bịt kín, chỉ có ba của Thảo còm cõi đứng trước càng xe hứng sóng và ráng kéo chiếc xích lô qua đoạn đường dốc đó. Tôi nhớ mãi tiếng sóng động và tiếng gió gào thét của đại dương, cả tiếng Thảo khấn vái cho ba đừng bị cuốn trôi và tiếng kin kít của bánh xe ba Thảo cố trụ mỗi khi sóng đánh tung lên bờ. Tôi nhớ mãi ngày Thảo khóc sưng mắt vì cha đạp xích lô ế khách, ngồi buồn ông làm thơ, bị cho là “phản động” cấu kết tuyên truyền cùng với nhóm bạn đạp xích lô như ông. Năm đó, cả thành phố rúng động vì khung án cao nhất dành cho người bị ghép tội là án chung thân. Chung thân ở vào lứa tuổi của họ là án chết, án tử đại hình vì còn gì nữa ngoài xà lim tăm tối, đã hết ánh mặt trời của cuộc đời.

 

Những phu xích lô giỏi Pháp văn, Anh văn, Quốc văn, Toán, Vật lý, Triết Tây đi cải tạo về thích làm thơ nên người dân thành phố lúc đó gọi vui là nhóm “Nhân văn giai phẩm Bình Định”. Một trong những bài “Phú xích lô” khiến ba của Thảo bị đi tù là như vầy:

 

Góc chợ đầu đường – Bến xe hè phố

Chẳng qua là gạo là tiền – Nào bởi tại căn tại số

……………….…..

Xem ngài:

Con người thanh lịch hào hoa – Tư chất thông minh tài bộ

Đã nhiều năm quan cách xênh xang – Cũng lắm lúc tù đày khốn khổ

Nghiệp xích lô dù rõ nét cu li – Cốt tiên tử vẫn còn nguyên phong độ.

Cà phê thuốc lá mỗi ngày hai cử giao duyên – Bằng hữu thi ca đôi tháng một lần hội ngộ.

Sớm nghêu ngao thấm giọng nhân tình – Khuya tỉnh tọa nhắp mùi thế cố.

Bốn giờ sáng ì è ì ạch kiếm mối mở hàng – Năm giờ chiều dạo quẩn dạo quanh đưa người lở bộ.

Cuốc xe đêm trúng mánh vẫn xuề xòa – Con khách kẹo trật trìa không phẫn nộ.

Định mức hai mươi đủ dù cho mõi gối chồn chân – Niên canh bốn mươi ngoài mặc kệ trầy khu rách khố.

Bánh xe lăn rổn rẻn xu hào – Cơn gió ngược lắc lư mông cổ.

………………… (…)….

 

Sá gì bọn đưa hơi đón gió một giọng hồ đồ - Bận chi thằng theo đóm ăn tàn mười phần béo bổ.

Bến khu hai khu một ấy mới cơ duyên – Trời tháng chín tháng mười thường hay bão tố.

Chị rỗi chợ xa khó tính, thích đạp nhanh hơn lá phủ cánh gà – Con buôn xe tải ngon xơi, ưa đậy kín lẫn đường quanh ngõ trổ.

Bực mình chú “bao căn” sinh sự bòn mót từng hào – Khốn kiếp tên điểm chỉ tham lam rình ôm nguyên vố.

Đồng tiền ướt đẵm giọt mồ hôi – Hạt gạo khô cằn hòn tủy đỏ.

Chân đạp đều lúc nhặt lúc khoan – Mắt quần đảo nơi này nơi nọ.

Cùng bạn cũ thường tựa lưng hè phố, luận việc đời câu “Tiết trực tâm hư” – Với đàn em hay gát cẵng thùng xe, bày lẽ sống chuyện “Tri tân ôn cố”.

Chợ Hoài âm Hàn Tín luồn trôn – Bờ Vị Thủy Tử Nha xách giỏ.

Ấn công hầu đâu chỉ để riêng ai – Cung vận mệnh vẫn còn chưa giũ sổ.

Cho hay: Bước đường cùng cũng có lúc nên danh –

Đừng thấy: đạp xích lô mà tưởng đồ bỏ xó.(2)

 

Ngày xưa Nguyễn Công Trứ cũng từng thao thức chí làm trai của người thất thế:

 

Đã chắc rằng ai nhục, ai vinh,

Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.(3)

 

Còn kẻ sĩ ngày nay?

Tôi không biết kẻ sĩ ngày nay nghĩ gì nhưng tôi thương mãi những kẻ sĩ miền Nam thất thế, sau thời hậu chiến phải chịu bao điều cay đắng. Có những người tài giỏi nhưng không được lưu dụng, thất nghiệp họ ra đường bán sách cũ, đi xe thồ, đạp xích lô, bán bong bóng, về quê cày ruộng. Những người trí thức càng hiền lành thì càng thảm thương. Tôi yêu những người lính dầm sương dãi nắng giữ an ninh làng mạc, giữ cuộc sống an bình cho chúng tôi đi học, cho cha mẹ tôi đi làm nuôi gia đình. Họ trả giá thay cho những người bây giờ sung sướng. Thời thế thay đổi, họ lây lất sống mà không ai đoái hoài rồi họ chết đi không một nghĩa trang liệt sĩ, không bia tưởng niệm. May mắn sang được Hoa Kỳ thì họ cũng cực nhọc trăm bề vì tuổi trẻ họ đã cống hiến hết cho miền Nam. Ngày xưa, khi còn trẻ chắc họ không nghĩ gì xa vời mà giản dị khi dân lành nguy biến thì họ phải bảo vệ, phải lấy sức mình ra che chắn như ba của Thảo đã lấy tấm thân còm cõi của ông che chắn phong ba bão táp trên đoạn đường eo nhô ra biển để con gái đừng ướt mưa gió, đừng bị sóng cuốn xuống biển sâu, để Thảo và tôi có thể lớn lên tìm hạnh phúc của mình. Họ đâu ngờ mình chỉ là con tốt trên bàn cờ chiến tranh của các nước lớn.

 

Ba Thảo không chết, ông mang bộ xương còm trở về gặp tôi để trông thấy chút hình ảnh của con gái, nhưng nhiều người đã ở lại trong xà lim vĩnh viễn hay ở lại trong những bãi chôn sau trại cải tạo vĩnh viễn. Còn được phóng thích thì họ còn gì ngoài thân phận xích lô. Thân phận của những người lính bại trận là thứ thân phận còn sức, còn đạp, còn thồ. Đến khi hết sức là hết đạp, hết thồ và đành biến mất như xích lô đang dần biến mất trên đất nước tôi.

 

Tri ân những người lính là điều tôi muốn viết, ngày tiễn Cao Xuân Huy về với tro tàn. Người lính bên này hay người lính bên kia, với tôi họ là người Việt Nam.

 

 BAN MAI

20/11/2010

 

----------

(1) “Đất nước” Nguyễn Đình Thi.

 

(2) “Phú xích lô” của T.T.G.

Những đoạn để trống…….…..(…) …người viết không còn nhớ.

 

(3) “Chí làm trai” của Nguyễn Công Trứ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Giêng 202210:36 CH(Xem: 9795)
Buổi sáng hôm nay có gì mới ?. Rất mới hơn những ngày hôm qua, vì bởi, nó bước sang một năm 2022 . không chỉ một tờ lịch vừa rơi xuống , mà rớt nguyên cả lốc . Ngày hôm qua của 2021 đã trở thành quá vãng.
09 Tháng Giêng 202211:48 CH(Xem: 9169)
Anh Đinh Cường gọi phone cho tôi chỉ hỏi:” Làm sao để thành ...Cá?”. Cá bơi xuôi lội ngược, vẫy vùng trong biển lớn, hay quanh quẩn trong hồ ao? Cá đẹp óng ánh bơi ngược dòng, hay lừ đừ chịu trận trong lưới ngày, và ngay cả đang giãy dụa chết bởi những lưỡi câu lờ lững? Không phải, Anh hỏi tôi về cá khác. Cá Vàng.
05 Tháng Giêng 20228:26 CH(Xem: 3939)
Chúng tôi đều sinh ra trong thời nước Việt Nam còn có vua, nhưng lại là thuộc địa của người Pháp. Tôi nhớ lại thời đó là một thời thanh bình. Rồi chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh triền miên suốt hơn ba mươi năm trời. Đệ Nhị Thế Chiến 1939-45, quân Nhật tràn vào Đông Dương lật đổ người Pháp. Trên trời thì máy bay Mỹ dội bom xuống doanh trại của lính Nhật và phá hủy các trục lộ giao thông. Cùng chứng kiến cảnh hai triệu người chết đói ở các làng quê và một số đông đã lần về thành phố Hà Nội mong có miếng ăn, nhiều người nằm chết la liệt hàng ngày trên các đường phố. Nguyên do lính Nhật cấm nông dân trồng lúa và phải trồng các cây phục vụ cho kỹ nghệ chiến tranh của họ.
30 Tháng Mười Hai 20215:32 CH(Xem: 10510)
Khi chợt nghĩ tới số 60, tôi nhắm mắt uống thêm 3 hớp cafe một lúc. Trôi xuống cổ tôi là cái nóng cháy và đắng ngắt của ly cafe vừa sôi, không đường, sữa. Nếu cafe mà làm biến mất đi được cái số đáng sợ này, chiều nay tôi tình nguyện uống thêm vài ngàn ly nữa. Đánh đổi lại với tuổi trẻ mướt xanh, tôi thà bỏng môi, tôi thà rát cổ. Phản ứng với số 60 dễ ghét, tôi tiếp tục mặc jean bó sát, áo trễ xuống thêm chút nữa và luôn đi giày cao gót. Tiếng gót khua vang, vọng theo mỗi bước chân, khi rộn rã, lúc reo vui đã làm tôi thân ái, ấm áp hơn với số tuổi không còn trẻ nữa của đời.
27 Tháng Mười Hai 20218:32 CH(Xem: 9192)
Đọc trên face tôi biết ở Mỹ có những người già khi con cái bận bịu hoặc vì hoàn cảnh neo đơn không người chăm sóc họ đã vào viện dưỡng lão ở trong những ngày cuối đời. Đa phần tôi thấy họ buồn bã, cô đơn hơn là hạnh phúc. Không hiểu sao dạo này tôi lại quan tâm đến điều này. Hồi trước mà nghe ai bị đưa đi viện dưỡng lão tôi thấy họ thật đáng thương nhưng bây giờ tôi lại thấy đó là điều bình thường.
15 Tháng Mười Hai 20218:23 CH(Xem: 9294)
Chúng tôi cũng đã đến rặng Thiên Sơn, như chàng chinh phu của Lê Thương nhưng ở phía bên này của miền Trung Á, xứ Kyrgyzstan. Không vất vả cưỡi ngựa hay lội bộ hàng năm trời, nhưng phải chuyển ba chuyến bay và mất gần 30 giờ. Từ Seattle, một thành phố ven biển Thái Bình Dương, phía Bắc nước Mỹ, chúng tôi bay qua New York, theo ngả Thổ Nhĩ Kỳ, chờ ở đó khá lâu để bay tiếp đến thủ đô Bishkek của xứ Kyrgyzstan. Còn một ngả khác là bay qua Moscow.
28 Tháng Mười Một 20218:07 CH(Xem: 9451)
Bạn có bao giờ đứng trên đỉnh núi lộng gió, xung quanh sương mù bao phủ, cùng bạn bè nắm tay nhau hát vang giữa bạt ngàn rừng núi? Tôi may mắn đã nhiều lần trãi nghiệm như vậy suốt con đường cái quan từ Nam ra Bắc, từ miền xuôi lên đến miền ngược.
24 Tháng Mười Một 20219:38 CH(Xem: 10403)
Chiều buông, từ cột cờ Lũng Cú chúng tôi phải quay lại ngã ba gần dinh vua Mèo để kịp đến cao nguyên đá Đồng Văn trước khi trời tối hẳn, đoạn đường khúc khuỷu, nguy hiểm vì đang thi công, người ta cho nổ mìn phá núi để mở rộng đường đèo. Trên núi cao chỉ cần mặt trời lặn thì bóng tối bao trùm, chỉ có đèn pha của xe chiếu vào vách núi, phía ngoài sương mù giăng phủ, một bên là núi một bên là vực sâu hun hút.
18 Tháng Mười Một 20214:35 CH(Xem: 10115)
Đêm Tuyên Quang chìm trong tiếng rù rì quái dị thành nhà Mạc chập chờn trong giấc mơ. Tôi chạy xuyên qua tường thành mờ ảo những mê cung bàn cờ, tôi lao vào ngõ cụt bức tường thành khổng lồ chắn lối, những hình vẽ lay động bước ra nhìn tôi, ánh mắt có thần của một nữ nhân có khuôn mặt đầy nếp nhăn của thời gian làm tôi chết sửng, bà là một vị thần? những chạm khắc trên tường với những phù điêu Champa. Hay tôi đang trôi vào thời Óc eo thế kỷ thứ 7 của xứ Phù Nam. Không tôi đang đi về miền Đông Bắc Việt Nam.
02 Tháng Mười Một 20218:38 CH(Xem: 10117)
Biển chạy dọc, dài theo hết California, vừa huyên náo, rất mơ màng, lại có chút gì đó nhịp nhàng trong cái tĩnh lặng của hoàng hôn. Chiều tàn, với sắc đỏ thắm rọi soi xuống dòng nước, là chút mầu sâu thẳm của ráng chiều đang nhạt nhoà vào đêm tối. Chút ánh sáng sắp tàn, phai dần cho bóng đêm, đã luôn làm tôi chìm đắm trong những ly rượu đỏ, có khi muốn uống hết, uống cho đến khi nào im hơi…