- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tạp Bút Của Tro Tàn

19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 91835)

 banmai_3f-content

 Thành phố nằm bên một rẻo biển miền Trung yên bình và tĩnh lặng. Những ngày gần đây bổng nhiên được khuấy động bởi mấy chú cá mập, không hiểu vì sao lại lang thang vào bờ, chúng lượn lờ nơi bãi tắm trước khuôn viên trường, là bãi du lịch của thành phố.  Thỉnh thoảng chúng lại ruỗi theo sóng nước cợt nhã với con người. Có hôm một chú cá mập con nhá vào mông ai đó, có hôm lại ngoạm vào giò của kẻ nào bơi đến gần. Bạn tôi phán: đất này “linh kiệt”. Tôi cười vui: Đất lành chim đậu, biển lành cá mập làm tổ.

 

Dạo này tụi sinh viên ớn lạnh không dám xuống biển, chỉ ra hóng gió, tập thể dục. Tuần trước trong trường đã có người bị ngoạm cánh tay, cũng may cá mập chỉ nhá chơi rồi nhả ra nên vẫn còn nguyên vẹn, chỉ bị đứt gân nằm nhà thương một tháng. Sinh viên là lũ chực chờ có việc thì cười cợt, thi nhau chế diễu: mấy cô sinh viên mơn mởn bơi lội tung tăng cá mập không thèm đụng đến, lại nhè ông giáo dạy môn Chủ nghĩa Cộng sản Khoa học ngoạm một phát mất hồn, hẳn nhiên nó cũng biết lựa người ghê...

 

Loài cá còn như vậy, những âm hồn còn ghê hơn. Nghe đâu, mấy năm trước nhà trường đào móng xây cao ốc, người lãnh đạo cũ muốn xây tòa nhà cao nhất thành phố để khuếch trương “danh tiếng”. Thứ nhất dinh cơ, thứ nhì âm phần như người ta truyền dạy… nhưng đào mãi mà không đặt móng được, chủ thầu lo lắng mời các nhà ngoại cảm từ Hà Nội vào xem đất, nghe nói trúng Long Mạch và ngôi mã Hời. Cán bộ trong trường bàn nên tìm địa thế khác để xây vì trường còn nhiều đất, nhưng lãnh đạo cũ nhất quyết xây lên. Tinh thần hãnh tiến, hám danh phấn đấu chỉ một ngày… “rũ bùn đứng dậy sáng lòa!”.(1) Kết quả, cao ốc chưa xây xong ban giám hiệu đã sụp ngay tức khắc. Ụp như trứng tươi rơi vỡ trên sân trường. Vậy mới nói dân Tây Sơn hào kiệt, đất linh kiệt của áo vải cờ đào, người Tây Sơn bốn lần vào Gia Định, ba lần ra Bắc Hà, lần nào cũng kinh thiêng động địa, Nam-Bắc nể vì…. Trường nổi tiếng cả nước, báo chí liên tục đưa tin cán bộ trong trường đấu tranh chống tham nhũng và những gì xấu nhất, cần che đậy của một guồng máy bổng phơi bày cho thiên hạ ngắm. Ngày ấy, Trường như một chảo lửa, mấy ông ở Bộ Giáo dục vào giải quyết ngày trước ngày sau phóng về ngay. Thầy cô trong trường thì kháo nhau “Ma Hời ám”. Các trang web thì khỏi nói, tới tấp những thông tin nóng hổi từng ngày.

 

Thông tin nóng hổi từng ngày, như ngày xưa những giấc chiều chị em tôi trông ngóng từng chuyến xe thư đem báo và truyện từ Sài Gòn về nhà sách chú Thiện. Lũ trẻ chúng tôi thích qua phụ giúp chú xếp báo và đọc “ké” tiểu thuyết. Tôi thích mùi thơm mực in và giấy mới. Sau năm 1975 — ngôi nhà bỏ hoang, những giá sách trống trơn, tôi thường ghé nhìn qua khe cửa gỗ tiếc nuối nhà sách hoang phế. Sách là phẩm vật của trời trao tặng con người, giúp con người lưu trữ ký ức và suy nghĩ mà ảnh chụp không giữ được. Sách biến mất là phần hồn của con người biến mất. Chính vì hiểu nên người ta đốt đi không luyến tiếc, vì phần hồn cũ không thể cải tạo chỉ có thể xóa. Tôi đứng nhìn qua khe cửa tuổi thơ từng ham mê sách truyện Sài Gòn của mình cũng hoang phế như nền gạch bông phẳng lặng. Sự trống vắng loang rộng ra mãi như mất mát một điều gì đó mà mình không bao giờ có nữa. Văn học miền Nam có biến mất thật không?

 

Một lần tôi bắt gặp chú mèo hoang nằm trên chiếc ghế gãy. Chú mèo mướp giương mắt nhìn tôi khi nghe tiếng động. Ánh mắt của loài linh miêu thường long lanh trong bóng tối. Ánh mắt sáng, không âm thanh, quan sát tôi đang nhìn qua khe cửa. Chúng tôi im lặng nhìn nhau hồi lâu, cho đến khi đôi mắt dịu lại, lim dim tư lự, rồi vụt thảng thốt phóng đi khi nghe tiếng nói của vài bóng người đi qua. Có lẽ cũng như tôi, con mèo mướp đang nhớ người chủ cũ của ngôi nhà. Đã chứng kiến con người đối đãi với nhau, nên con vật đâm hoảng sợ những bước chân nện thình thịch ít an lành.

 

Không hiểu vì sao nhiều năm sau khi nhớ đến nhà sách chú Thiện bỏ hoang, tôi lại nhớ đôi mắt con mèo ngày ấy. Cùng một dáng vẻ của ánh mắt u uất như người lính Cộng hòa ngồi ở vỉa hè nhà tôi đầu những năm 80. Ánh mắt đăm chiêu tư lự, nửa lạc lõng, nửa sợ sệt, đầy cô đơn chỉ dám ánh lên một chút tinh anh trong bóng tối khi không ai nhìn. Nhiều đêm đi học về, tôi thường thấy một người đàn ông ngồi dựa tường bên góc tối trước hiên nhà, cây nạng gỗ kề bên. Trời về đêm thật lạnh. Gió biển thổi hơi mưa còn chưa tan quất lên lề đường hãy còn những vũng nước đen. Tôi đưa ông trái bắp luộc mẹ để phần, tôi ngồi xuống cạnh ông, chú ăn đi, nhà con không còn cơm. Ông lắc đầu cảm ơn, ông nói ông không còn răng! Hôm sau, ba đi rừng về, tôi kể chuyện, con thấy ông ấy mặc đồ rằn ri Thủy Quân Lục Chiến. Ba nói chắc lính đi cải tạo mới về. Mẹ nghĩ có thể là thương phế binh ... Ba buồn rầu, cũng một kiếp người như nhau.

 

Tôi có một người thầy từ năm lớp 9, thời gian đã lâu, nhưng đến bây giờ tôi vẫn thường xuyên đến thăm. Có chuyện gì tôi cũng đến tâm sự và nghe những lời khuyên. Mới đây, thầy gọi, em rảnh đến nhà thầy, thầy có vài bạn già muốn gặp. Ngạc nhiên, tôi đến. Thầy giới thiệu, đây là những thầy giáo ngày xưa trước 75, có người là thầy của thầy nữa, lâu ngày họ về miền Trung thăm. Tôi là học trò của thầy, mà họ lại là thầy của thầy mình, vậy họ là bậc kính nhi viễn chi của tôi. Những giọng cười hào sảng lâu rồi tôi mới nghe, trong tiếng cười làm như còn vang vọng âm hao của một thời kỳ đã mất.

 

Người muốn gặp tôi là ông già này, tôi kinh ngạc – ba của Thảo – cô bạn học cùng lớp cấp hai. Ba của Thảo gầy như bộ xương khô, gương mặt ngang dọc những nếp nhăn cực khổ. Ông cười không còn răng, tôi nghe nói ông bị đánh trong nhà lao rụng hết. Tôi nhớ một mùa hè cả phố xôn xao khi hay tin ông đi cải tạo về không biết làm gì nên đạp xích lô. Ba của Thảo là sĩ quan biệt phái dạy học ở trường Cường Để. Tôi nhớ một hôm trời bão, ông đạp xích lô chờ trước cổng trường. Tôi được “hưởng lây phúc xích lô” ngồi chung với Thảo vì ở gần nhà. Trường tôi học phải đi qua eo biển hồi ấy gọi là “eo nín thở”. Eo biển lúc nào cũng lồng lộng gió phần phật, gió đến trĩu cả tàu dừa. Sợ con bay xuống biển, ông đạp xích lô đi đón. Đạp ngang eo biển, mưa xối xả, sóng lớn lớp lớp dập vào thành đá tràn lên đường, chiếc xe chổng càng, hai đứa tôi run cầm cập ngồi trong xe bịt kín, chỉ có ba của Thảo còm cõi đứng trước càng xe hứng sóng và ráng kéo chiếc xích lô qua đoạn đường dốc đó. Tôi nhớ mãi tiếng sóng động và tiếng gió gào thét của đại dương, cả tiếng Thảo khấn vái cho ba đừng bị cuốn trôi và tiếng kin kít của bánh xe ba Thảo cố trụ mỗi khi sóng đánh tung lên bờ. Tôi nhớ mãi ngày Thảo khóc sưng mắt vì cha đạp xích lô ế khách, ngồi buồn ông làm thơ, bị cho là “phản động” cấu kết tuyên truyền cùng với nhóm bạn đạp xích lô như ông. Năm đó, cả thành phố rúng động vì khung án cao nhất dành cho người bị ghép tội là án chung thân. Chung thân ở vào lứa tuổi của họ là án chết, án tử đại hình vì còn gì nữa ngoài xà lim tăm tối, đã hết ánh mặt trời của cuộc đời.

 

Những phu xích lô giỏi Pháp văn, Anh văn, Quốc văn, Toán, Vật lý, Triết Tây đi cải tạo về thích làm thơ nên người dân thành phố lúc đó gọi vui là nhóm “Nhân văn giai phẩm Bình Định”. Một trong những bài “Phú xích lô” khiến ba của Thảo bị đi tù là như vầy:

 

Góc chợ đầu đường – Bến xe hè phố

Chẳng qua là gạo là tiền – Nào bởi tại căn tại số

……………….…..

Xem ngài:

Con người thanh lịch hào hoa – Tư chất thông minh tài bộ

Đã nhiều năm quan cách xênh xang – Cũng lắm lúc tù đày khốn khổ

Nghiệp xích lô dù rõ nét cu li – Cốt tiên tử vẫn còn nguyên phong độ.

Cà phê thuốc lá mỗi ngày hai cử giao duyên – Bằng hữu thi ca đôi tháng một lần hội ngộ.

Sớm nghêu ngao thấm giọng nhân tình – Khuya tỉnh tọa nhắp mùi thế cố.

Bốn giờ sáng ì è ì ạch kiếm mối mở hàng – Năm giờ chiều dạo quẩn dạo quanh đưa người lở bộ.

Cuốc xe đêm trúng mánh vẫn xuề xòa – Con khách kẹo trật trìa không phẫn nộ.

Định mức hai mươi đủ dù cho mõi gối chồn chân – Niên canh bốn mươi ngoài mặc kệ trầy khu rách khố.

Bánh xe lăn rổn rẻn xu hào – Cơn gió ngược lắc lư mông cổ.

………………… (…)….

 

Sá gì bọn đưa hơi đón gió một giọng hồ đồ - Bận chi thằng theo đóm ăn tàn mười phần béo bổ.

Bến khu hai khu một ấy mới cơ duyên – Trời tháng chín tháng mười thường hay bão tố.

Chị rỗi chợ xa khó tính, thích đạp nhanh hơn lá phủ cánh gà – Con buôn xe tải ngon xơi, ưa đậy kín lẫn đường quanh ngõ trổ.

Bực mình chú “bao căn” sinh sự bòn mót từng hào – Khốn kiếp tên điểm chỉ tham lam rình ôm nguyên vố.

Đồng tiền ướt đẵm giọt mồ hôi – Hạt gạo khô cằn hòn tủy đỏ.

Chân đạp đều lúc nhặt lúc khoan – Mắt quần đảo nơi này nơi nọ.

Cùng bạn cũ thường tựa lưng hè phố, luận việc đời câu “Tiết trực tâm hư” – Với đàn em hay gát cẵng thùng xe, bày lẽ sống chuyện “Tri tân ôn cố”.

Chợ Hoài âm Hàn Tín luồn trôn – Bờ Vị Thủy Tử Nha xách giỏ.

Ấn công hầu đâu chỉ để riêng ai – Cung vận mệnh vẫn còn chưa giũ sổ.

Cho hay: Bước đường cùng cũng có lúc nên danh –

Đừng thấy: đạp xích lô mà tưởng đồ bỏ xó.(2)

 

Ngày xưa Nguyễn Công Trứ cũng từng thao thức chí làm trai của người thất thế:

 

Đã chắc rằng ai nhục, ai vinh,

Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.(3)

 

Còn kẻ sĩ ngày nay?

Tôi không biết kẻ sĩ ngày nay nghĩ gì nhưng tôi thương mãi những kẻ sĩ miền Nam thất thế, sau thời hậu chiến phải chịu bao điều cay đắng. Có những người tài giỏi nhưng không được lưu dụng, thất nghiệp họ ra đường bán sách cũ, đi xe thồ, đạp xích lô, bán bong bóng, về quê cày ruộng. Những người trí thức càng hiền lành thì càng thảm thương. Tôi yêu những người lính dầm sương dãi nắng giữ an ninh làng mạc, giữ cuộc sống an bình cho chúng tôi đi học, cho cha mẹ tôi đi làm nuôi gia đình. Họ trả giá thay cho những người bây giờ sung sướng. Thời thế thay đổi, họ lây lất sống mà không ai đoái hoài rồi họ chết đi không một nghĩa trang liệt sĩ, không bia tưởng niệm. May mắn sang được Hoa Kỳ thì họ cũng cực nhọc trăm bề vì tuổi trẻ họ đã cống hiến hết cho miền Nam. Ngày xưa, khi còn trẻ chắc họ không nghĩ gì xa vời mà giản dị khi dân lành nguy biến thì họ phải bảo vệ, phải lấy sức mình ra che chắn như ba của Thảo đã lấy tấm thân còm cõi của ông che chắn phong ba bão táp trên đoạn đường eo nhô ra biển để con gái đừng ướt mưa gió, đừng bị sóng cuốn xuống biển sâu, để Thảo và tôi có thể lớn lên tìm hạnh phúc của mình. Họ đâu ngờ mình chỉ là con tốt trên bàn cờ chiến tranh của các nước lớn.

 

Ba Thảo không chết, ông mang bộ xương còm trở về gặp tôi để trông thấy chút hình ảnh của con gái, nhưng nhiều người đã ở lại trong xà lim vĩnh viễn hay ở lại trong những bãi chôn sau trại cải tạo vĩnh viễn. Còn được phóng thích thì họ còn gì ngoài thân phận xích lô. Thân phận của những người lính bại trận là thứ thân phận còn sức, còn đạp, còn thồ. Đến khi hết sức là hết đạp, hết thồ và đành biến mất như xích lô đang dần biến mất trên đất nước tôi.

 

Tri ân những người lính là điều tôi muốn viết, ngày tiễn Cao Xuân Huy về với tro tàn. Người lính bên này hay người lính bên kia, với tôi họ là người Việt Nam.

 

 BAN MAI

20/11/2010

 

----------

(1) “Đất nước” Nguyễn Đình Thi.

 

(2) “Phú xích lô” của T.T.G.

Những đoạn để trống…….…..(…) …người viết không còn nhớ.

 

(3) “Chí làm trai” của Nguyễn Công Trứ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Năm 20182:17 SA(Xem: 24539)
Thuở ấy, ông Nghè Tân (Bắc Kỳ Thanh Tra Đại thần, Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân) nhân một hôm đi ngang cánh đồng Phủ Bình Giang thấy một người đàn bà đang mếu máo, nhớn nhác tìm kiếm một vật gì. Gặng hỏi thì được biết người đàn bà này góa chồng, có một con trâu mới chết, bà đã đóng 2 quan tiền cho lý trưởng làm đơn, đóng triện để lên trình quan phủ. Vội vàng làm sao bà đánh rơi mất tờ đơn. Nay đường về làng thì xa, trong cái ruột tượng xác xơ kia chỉ còn 6 quan tiền để lễ quan phủ và nha lại lấy đâu ra tiền để nhờ người viết đơn!
16 Tháng Năm 20181:22 SA(Xem: 28496)
Tôi rời Hà Nội vào Nam rất sớm. Năm 1951 tôi đã theo bố tôi và người chị cả vào định cư ở Sài Gòn trong khi mẹ tôi và các anh chị tôi vẫn còn ở Hà Nội cho đến ngày di cư. Vào Nam ba bố con tôi ở chung với gia đình người bác ở đầu đường Hồng Thập Tự gần sở thú Sài Gòn. Thời gian chúng tôi ở đó tôi thường theo các anh họ tôi đạp xe đi tắm ở hồ bơi mà hồi đó chúng tôi gọi là "đi pít-xin". Hồ bơi ở xa lắm, mãi tuốt trong Chợ Lớn. Tôi nhớ là để tới hồ bơi chúng tôi phải dắt xe đi ngang một con đường sắt, rồi lại phải băng qua một bãi đất trống rất rộng mấp mô đầy những mồ mả.
07 Tháng Năm 20184:58 CH(Xem: 25074)
Một sợi dây dừa nối hai sinh linh tật nguyền để tạo thành một sinh thể thống nhất, mang tính bù đắp, tối ưu của thích nghi nhưng không thoát khỏi vẻ dị hình, sự mất định hướng đến vụng về của một phần cơ thể mù lòa được kéo lê phía sau. Nhìn họ di chuyển như hình ảnh một con sâu đo, bị chiếp dép quằn nát khúc giữa, ngúc ngắt vô vọng nhưng trong đó là cả hai thân phận con người và tự thân, chừng như họ cũng đang quằn quại với nỗi đau mưu sinh. _ Lại cho chú thương phế binh kia năm chục đi con! Là một người suốt đời sống với cái chợ, má tôi thường nói với tôi khi nhìn thấy hai con người thống khổ ấy. Tôi cầm tờ giấy bạc, chạy tới, bỏ vào cái cà mèn và đáp lại, luôn là một tiếng “Cám ơn” nhẹ nhàng, của những con người có tâm hồn thật tử tế. ... "
30 Tháng Tư 20189:14 CH(Xem: 25123)
Trung Quốc đang khống chế không chỉ Biển Đông mà còn trên toàn Lưu Vực Sông Mekong, Việt Nam là một quốc gia cuối nguồn, giới cầm quyền VN thì lệ thuộc về chính trị vào Trung Quốc và do đó hoàn toàn bị động. Cho dù Việt Nam thỉnh thoảng có lên tiếng phản đối yếu ớt nhưng thực tế không có chiến lược gì cụ thể và hầu như không làm được gì để bảo vệ sự sống còn của hơn 17 triệu cư dân ĐBSCL và cũng là vựa lúa của cả nước. Đó là một sự thật.
31 Tháng Ba 20181:21 SA(Xem: 26927)
Đúng 14G40, tàu chuyển bánh. Chúng tôi nô nức nhìn sang hai bên đường, quan sát cảnh vật. Sài Gòn vẫn đỏ rực màu cờ và biểu ngữ, dấu tích của những cuộc “diễu hành” và “diễu binh” mừng “đại thắng mùa Xuân 1975,” “giải phóng miền Nam” từ Bắc chí Nam suốt một tháng qua—với chi phí khá lớn, hẳn có thể sử dụng một cách tốt đẹp hơn cho các kế hoạch an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, với tiêu chuẩn phân chia giàu nghèo 150,000 đồng mỗi tháng. Nhưng những chính quyền chuyên chính—hay, “dân chủ tập trung,” nếu muốn—thường dành cho ngành tuyên truyền ngân khoản lớn...
25 Tháng Ba 201812:47 SA(Xem: 26889)
Thời gian trôi nhanh, trên nửa thế kỷ qua đi, tôi vẫn không quên kỷ niệm cuộc “hành quân”đầu tiên trong đời binh nghiệp tại làng 13Bis. Hình ảnh những thi hài dù được thu lượm về hay còn nằm phơi mình dưới nắng mưa ngoài trận địa, hoặc được chôn vùi một cách đơn sơ trong rừng sâu khiến tôi tự hỏi tất cả những hy sinh của họ đã được đền bù xứng đáng chưa? Đem thể xác yếu như “cây sậy” của họ thách thức bom đạn, để phục vụ một lý tưởng nào quá xa xôi và mơ hồ, liệu có tàn nhẫn không? Những danh hiệu, những mỹ từ, những truy phong, truy tặng v.v có đủ để đánh đổi mạng sống của họ hay chăng? Dù gì đi nữa, một điều chắc chắn là thân xác những người đã hy sinh ấy nay đã thành “cát bụi”…Và không biết ba mươi năm chiến tranh Việt Nam 1945-1975 mà nhiều người gọi là cuộc chiến tranh “phúc đức”, có bao nhiêu triệu người dân Việt trở thành cát bụi ?
04 Tháng Ba 20182:00 CH(Xem: 24008)
"Không Cần Phải Đốt Sách để phá huỷ một nền văn hoá, Chỉ Cần Buộc Người Ta Ngừng Đọc mà thôi." "You don't have to burn books to destroy a culture. Just get people to stop reading them." Ray Bradbury phát biểu câu trên cách đây mới có 24 năm khi trả lời phỏng vấn của Misha Berson, của tờ The Seattle Times (12 March 1993)
15 Tháng Hai 20182:18 SA(Xem: 26867)
Trong y khoa, khi khảo sát não trạng vô thức của đám đông, qua nghiên cứu hành vi/ behavior của loài cá, khoa học gia Đức đã làm một thử nghiệm: thả một con cá bị huỷ não bộ vào một hồ cá, không có gì ngạc nhiên là con cá ấy mất định hướng bơi tán loạn, nhưng điều kỳ lạ là đàn cá lành mạnh thì lại ngoan ngoãn bơi theo con cá mất não ấy. Phải chăng "thử nghiệm hành vi" của nhà khoa học Đức, đã phần nào giải thích hiện tượng cả một dân tộc Đức văn minh đã có một thời kỳ nhất loạt tuân theo một lãnh tụ như Hitler xô đẩy cả thế giới vào lò lửa của cuộc Thế chiến thứ Hai.
12 Tháng Giêng 201812:14 SA(Xem: 9553)
Trước Bạc Liêu, tỉnh duyên hải Bình Thuận cũng đã có nhà máy điện gió tại huyện Tuy Phong, quy mô nhỏ hơn gồm 20 trụ turbin điện gió với công suất 30 MW. Bình Thuận, còn có dự án Điện gió trên đảo Phú Quý với 3 trụ turbin công suất 6 MW. Về khai thác điện gió, Bình Thuận là tỉnh "đi trước về sau" so với tỉnh Bạc Liêu nơi ĐBSCL. Hiện có 5 nhà máy điện gió đã đi vào hoạt động ở Việt Nam với tổng công suất 160 MW, tuy chậm và sơ khai nhưng nhiều hứa hẹn, sẽ cùng với điện năng mặt trời dần thay thế cho nguồn điện than gây ô nhiễm khủng khiếp.
01 Tháng Giêng 20181:14 SA(Xem: 24770)
Về tới Cao Lãnh cũng đã gần nửa khuya. Trên chiếc xe Van của tài xế Sang có Wi-Fi di động, nên suốt cuộc hành trình nếu muốn, chúng tôi vẫn có thể kết nối mạng và làm việc với iPhone, iPad. Ngày hôm sau 12.12.2017, chúng tôi vẫn thức dậy sớm để khởi hành đi vào Đồng Tháp Mười, ghé qua Gò Tháp.