- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nói Chuyện Với Đình Đình

08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 16566)

w-final3-hopluu92-34_0_103x300_1Đình Đình xác định bản chất văn chương của mình qua ba truyện ngắn đăng trên Hợp Lưu: Rỗng, Em lỡ cỡ và Em xinh không. Đình Đình thuộc thế hệ những nhà văn, nhà thơ trẻ sinh trong thập niên 80, đang hình thành những lối viết mới, với cái nhìn mới, với tư tưởng mới. Trước khi tìm hiểu tác phẩm, chúng tôi xin giới thiệu những lời tự nhiên, thẳng thắn, bình dị và chân thực của Đình Đình xoay quanh điều kiện sống, điều kiện in ấn cùng những hoài vọng của một nhà văn trẻ ở trong nước.

 

Thụy Khuê: Trước hết xin cảm ơn Đình Đình đã nhận lời nói chuyện với chúng tôi. Trước hết xin hỏi Đình Đình về cái tên Từ Nữ Triệu-Vương là do nguồn gốc ở đâu? Và bút hiệu Đình Đình cũng lại là một từ rất lạ, rất hiếm?

Đình Đình: Ai cũng bảo em là cái tên Từ Nữ Triệu-Vương có phải do Triệu-Vương lấy làm bút danh không? Em cười, em bảo đó là tên thật. Nhiều người bảo tên hay thế, tên đẹp thế, kêu như chuông! Em bảo là tên con trai, xấu lắm, em không thích! Em có hỏi ba em tên đó ở đâu? Ba bảo tên đó do các cô của con đặt cho con. Em bảo ba này, tên con cũng lạ, người con cũng lạ, vậy thế con có phải là nguồn gốc ở Huế giống ba không? Ba bảo ba là gốc Huế nhưng có lẽ dân tộc mình là dân tộc Mày con ạ. Em hỏi thế dân tộc Mày là dân tộc ở đâu? Ba bảo dân tộc Mày thuộc về Lào và hiện nay ở Việt Nam có khoảng 150 người thôi. Còn Đình Đình là tên của một nhân vật ở trong bộ phim Tàu, phim rất sến. Một nhân vật xinh đẹp, có hiếu nhưng cô ta chết yểu. Em xem, em thấy thích nhân vật ấy và thích luôn cái tên, cho nên em lấy luôn tên đó cho mình. Ngoài ra, vì em làm báo nên em đành phải lấy tên thật Từ Nữ Triệu-Vương thôi, chứ thật ra em ghét cái tên ấy lắm, nó cứ con trai thế nào ấy, em không thích. Em thấy Đình Đình dễ thương hơn.

T.K.: Đình Đình bắt đầu viết văn từ năm nào? Và bài văn đầu tiên đăng ở đâu? Có phải là bài Rỗng đăng trên Hợp Lưu không?

Đ.Đ.: Nếu thực sự có ý thức viết thì phải nói là từ khi bước chân vào Trường viết văn Nguyễn Du, còn trước đấy em học về báo chí, chỉ lo làm báo thôi. Khi bắt đầu viết cũng ngượng lắm; bởi vì mình đã xuất hiện trên báo bằng tên Từ Nữ Triệu-Vương rồi, cho nên em muốn thử một tên khác để xem cái tên ấy có duyên với mình hay không, em mới lấy tên Đình Đình mà hồi bé em thích. Khi lấy tên Đình Đình thì viết truyện nào, bài nào cũng được đăng bài ấy, nhưng mà em viết theo lối cũ rích để được in, cứ mơ ước có mấy trăm nghìn đồng bạc nhuận bút rồi mời bạn bè đi ăn nem chua, chè đậu đen, sữa chua... mọi thứ ... chỉ là vui thôi.

Thực sự nếu mình viết thật lòng thì mình sẽ không đăng được ở trong nước; vì thế em mới viết cho một số trang điện tử. Truyện Rỗng với lối viết hơi thẳng thắn một chút thì rất khó đăng ở trong nước; đầu tiên là em gửi cho Hợp Lưu nhưng Hợp Lưu không liên hệ lại, em mới gửi cho E-văn thì E-văn đăng ngay. Sau đó ở Hợp Lưu, anh Đặng Hiền lại rất thân thiện. Và từ đó em chỉ viết cho anh Đặng Hiền thôi, không viết cho ai nữa. Viết cho anh Đặng Hiền thoải mái lắm. Không bao giờ phải soi xét là mình viết có được đăng hay không bởi vì mình viết rất thật, mình viết thật với chính mình như thế thì không cần bận tâm là được đăng hay không được đăng, được nhuận bút hay không được nhuận bút, chỉ viết để giải tỏa những ẩn ức tâm lý của mình.

T.K.: Trong Trường viết văn Nguyễn Du, Đình Đình học được gì về việc viết văn?

Đ.Đ.: Phải nói là vào Trường viết văn Nguyễn Du, trong bốn năm học - bây giờ là năm cuối -em thấy không ai dậy em được gì và em không học được gì. Tức là trên giảng đường, tất cả cái gì cũng đã cũ rích từ mười năm trước rồi, người ta cứ lập lại y nguyên, thậm chí nó còn mai một đi. Mười năm, hai mươi năm, người ta vẫn dậy y xì như vậy chẳng có gì mới, rất chán, lên lớp chỉ ngủ thôi, nhưng chúng em tự học. Có thể nói là trong thời gian bốn năm học Trường Nguyễn Du, em thích nhất cái thư viện. Thư viện có hơn mười nghìn đầu sách thì cứ lao vào đọc thôi. w-final3-hopluu92-39_0_300x229_1Không dám nói là đọc nhiều nhưng đọc cái mà mình thích. Đọc. Sau đó là sống, sống ở ngoài đời, rồi một lúc nào đó chắc là bức xúc quá mới viết. Trong bốn năm học Nguyễn Du, người ta cứ tranh cãi nhau về vấn đề là nhà văn không đào tạo được nhà văn. Nhưng em bảo là nhà văn có thể cung cấp kiến thức và kinh nghiệm cho nhau được chứ! Nhưng nếu nhìn lại Trường viết văn Nguyễn Du- như em đã học- mà lấy tên là Trường viết văn thì cũng hơi xấu hổ thật, bởi nó chẳng cung cấp cho em cái gì cả. Bây giờ trường của bọn em biến thành một Khoa (gọi là Khoa Lý luận Sáng tác thuộc Trường Đại học Văn hóa). Em nghĩ đáng lẽ thay vì biến Trường viết văn Nguyễn Du thành một Khoa, thì người ta nên biến nó thành một trường đàng hoàng hơn; chứ biến thành một thứ dở ông, dở thằng thế này rất chán. Gọi là Khoa Sáng tác Lý luận Phê bình, nhưng không có ai dậy chúng em sáng tác thành ra không thể có Khoa Sáng tác; còn về lý luận thì không thể bằng được Khoa Lý luận của Trường Nhân văn. Bọn em ra trường, cầm cái bằng rất xấu hổ, chẳng biết là mình thuộc dạng gì. Trường viết văn Nguyễn Du bây giờ có lẽ chỉ còn lại dư âm thôi.

T.K.: Vừa rồi Đình Đình có nói đến thư viện với mười ngàn cuốn sách của Trường viết văn Nguyễn Du mà Đình Đình rất thích đọc, vậy trong thư viện đó có những sách gì?

Đ.Đ.: Điều rất đáng buồn là một thư viện như thế nhưng sách không được cập nhật. Khi em đi làm báo thì em mới thấy là thư viện của mình cũ thật. Những cái hay đều bị ăn trộm hoặc họ giữ mất, còn những cuốn sách bình bình thì mình không thích đọc. Những cuốn sách dở thì thấy rất nhiều. Sách quốc ngữ không hề có. Sách tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga không hề có. Ngoài ra, sách lý luận cũng không hề có, may ra được vài cuốn của anh Đỗ Lai Thúy thôi mà cũng không đầy đủ, chán lắm. Còn một số tác phẩm đương đại hiện giờ, thư viện cũng không có nữa. Mọi người cứ bảo là sở hữu một thư viện mười nghìn cuốn sách như thế mà không đọc được à? Thực sự nhiều khi muốn đọc mà không biết đọc cái gì bởi vì trong đó toàn là các tác phẩm "kinh điển", thế nên đọc rất chán. Còn một số sách em thích như của Coetzee, của Marquez, Milan Kundera, Kawabata... tụi em cũng được đọc nhưng phần nhiều lại phải tìm ở ngoài, hoặc bỏ tiền túi đi mua.

T.K.: Trong những nhà văn Việt Nam hiện nay, Đình Đình thích ai và chịu ảnh hưởng của ai?

Đ.Đ.: Nếu nói là em ảnh hưởng của ai, thích đọc ai trong nước thì em thấy là em thích đọc văn chương của Nguyễn Bình Phương. Ngoài ra em thích đọc Phạm Thị Hoài và Dương Thu Hương. Có lẽ là ba người em thích. Phải nói là em thích văn chương anh Nguyễn Bình Phương thật sự. Ở anh Phương, đó là sự lao động, sáng tạo một cách nghiêm túc. Anh luôn luôn đổi mới. Có người nói rằng Phương luôn luôn tìm tòi bản thân mình, luôn luôn chết chóc, u ám, nhân vật của Phương không tốt đẹp, không tươi sáng. Phương cứ đi vào bản ngã. Có rất nhiều người nói với em như thế và hỏi tại sao lại thích văn chương của Phương. Em bảo em thích văn chương của Phương, rất đơn giản thôi, bởi vì anh ấy cứ đi tìm mình, anh đi tìm mình ở trong tất cả những gì tối tăm và lầy lội nhất, trong những cái điên nhất, trong những cái rồ nhất và trong những khoảnh khắc thăng hoa, hoặc trong veo anh vẫn tìm mình. Trong thơ văn của Phương, mới đầu em thích tiểu thuyết, em đọc hết tiểu thuyết của Phương và em thấy rùng mình, thấy sợ. Dần dần đọc sang thơ thì em thấy thơ của Phương trong veo, không như văn. Em thấy lạ, một con người có thể chia mình làm hai cực như thế; nhưng đến khi gặp anh Nguyễn Bình Phương thì thấy rằng anh ấy là một người có tài. Anh ấy là người hiền lành nhưng khi nói chuyện thì thấy anh ấy có nhân cách một nhà văn lớn.

T.K.: Từ thời mà Đình Đình mới viết những truyện ngắn "hiền lành" đăng báo bên nhà để lấy tiền nhuận bút, khao bạn đi ăn, đến lúc quyết định viết truyện có chất lượng dù biết là không đăng được ở trong nước mà vẫn viết, như truyện Rỗng hay Em lỡ cỡ đã đăng trên Hợp Lưu thi Đình Đình đã đi qua một con đường tìm kiếm như thế nào?

Đ.Đ.: Phải nói rằng đó là sự đổ vỡ rất nhiều. Từ một cô gái ngây thơ (ví dụ ở nông thôn chẳng hạn) sau đó lên thành phố gặp quá nhiều cạm bẫy thì đổ vỡ. Con người ta mỗi lần đổ vỡ thì hiền lành hơn, nhưng có lẽ là em lại càng cay nghiệt hơn. Mới đầu em nhìn văn chương rất đẹp, tươi, mới và em cố gắng, với ý thức của em lúc đấy - cô gái 22 tuổi viết truyện đăng trong nước- em nghĩ rằng văn chương là cái gì ghê gớm lắm, mình phải đăng để nổi tiếng. Đến khi lớn hơn một chút, thì em thấy rằng văn chương thực sự không phải như thế. Nếu mình coi văn chương không phải là cái gì ghê gớm, mình sẽ thoải mái hơn, cho nên khi em viết em thấy mình rất thoải mái vì mình được đối thoại với chính mình. Đối thoại với chính mình nhưng vẫn là ngôn ngữ, như thế mình phải thay đổi ngôn ngữ và khi viết phải có ý thức. Và bắt đầu em ý thức. Em ý thức rằng mình đối thoại với chính mình thực đấy nhưng phải đối thoại kiểu gì để người ta thích, người ta đọc. Cho nên em cố gắng tìm những cái gì mà bạn bè chưa đi, em không dám nói là người trước chưa đi.

T.K.: Đình Đình nghĩ gì về tình hình những người viết trẻ hiện nay ở trong nước nhất là về sự tiếp nhận văn chương trẻ hiện nay trong nước?

Đ.Đ.: Em thấy văn chương trẻ tụi em bây giờ đang cần một sự cởi mở, bởi vì đã sáng tạo thì không có mô-típ sẵn, đã sáng tạo thì không rập khuôn. Nhưng ở trong nước dường như không cởi mở với bản thân chúng em. Ví dụ như trường hợp Năm con ngựa trời vừa rồi ra cuốn Dự báo phi thời tiết lập tức bị cấm, còn cuốn Tám X do em tuyển tập cũng bị cấm, rồi lại được ra sau khi đã sửa chữa một số "lỗi". Cấm rồi thì lại được ra, nhưng phần lớn bị chửi. Bị chửi trên báo chí. Chửi rằng thiếu thuần phong mỹ tục. Em không hiểu vì sao mà báo chí nói chung và một số người - có thể là họ cũng làm nghệ thuật nữa và họ viết báo - họ lại ghét chúng em đến thế, luôn luôn chê chúng em, họ không có sự cởi mở như độc giả. Thử vào Trái tim Việt Nam online mà xem thì sẽ thấy độc giả cũng rất chuộng thơ mới, chuộng văn mới.

Văn chương trẻ cũng có độc giả riêng chứ, nhưng tại sao lại không mở cho chúng em một sự thoáng, rộng hơn về cơ chế in ấn và cả về cách đọc, cách cảm.

T.K.: Còn những người phê bình trong nước, họ có thái độ thế nào với giới sáng tác trẻ?

Đ.Đ.: Có một số nhà phê bình trong nước hiện nay cũng không theo kịp lối sống và viết của chúng em. Họ cứ khoanh tay, họ nhìn, họ mỉm cười và họ nói rằng tác phẩm này không phải là văn chương hoặc đây không phải là những tác phẩm có giá trị, hoặc đây không thể hiện một cái gì cả. Bởi họ không theo dõi, họ không đọc. Nhiều khi em muốn đặt câu hỏi là với các ông, thế nào là sự khẳng định? Thế nào là tác phẩm văn chương thật sự? Hay nó phải là Balzac, nó phải là Đốt, nó phải là ông thần bà thánh gì đó thì các ông mới thèm nghiên cứu? Có khi như Balzac hay Đốt thì các ông cũng chẳng biết là ai để mà nghiên cứu nữa!

Em nghĩ em tức lắm: Không hiểu tại sao họ đã chẳng quan tâm đến văn chương trẻ thì thôi nhưng họ lại buông ra, họ không đọc nữa. Mà họ lại thả ra những câu phán xét kiểu tác phẩm này không có giá trị hoặc tác phẩm này chẳng là cái gì. Đấy! Văn chương trẻ bọn em hiện nay đang rơi vào tình trạng như thế! Em muốn rằng họ phải đọc chúng em. Họ phải đọc và họ phải hiểu. Ngoài đọc và hiểu tác phẩm ra thì còn phải hiểu là tác phẩm này đang rơi, đang ở trong xã hội này, đang ở trong thời điểm này, chứ không phải là tác phẩm này thuộc thời điểm cách đây 20 năm, 30 năm, 40 năm. Họ phải nhìn tác phẩm này ở thời gian này để đánh giá, chứ không phải bằng cái đầu cũ kỹ của họ, họ đánh giá sai lệch tất cả về những tác phẩm trẻ hiện nay trong nước. Bao giờ mới có tự do làm sách? Bao giờ mới có một nhà xuất bản tư nhân? Bao giờ Việt Nam mới có? Ý em muốn nghĩ như thế. Bây giờ bọn em đang chờ đợi câu trả lời.

T.K.: Trong tình thế như thế, Đình Đình quyết định thế nào về con đường văn chương và báo chí của mình?

Đ.Đ.: Em nghĩ rằng văn chương bạc lắm. Nó rất bạc. Em nghĩ mình sẽ đi theo con đường văn chương này. Báo chí là công cụ để em kiếm tiền, để em sống, để em tồn tại nhưng em sẽ đi theo con đường văn chương. Em là con người đang đi, mới bắt đầu đi thôi, cho nên tất cả còn đang ở phía trước.

T.K.: Xin thành thật cảm ơn Đình Đình và chúc Đình Đình thượng lộ bình an.

Thụy Khuê thực hiện

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Tư 200912:00 SA(Xem: 21661)
Hai buổi nói chuyện trên đài RFI với nhà văn Mai Thảo mà chúng tôi còn giữ được băng ghi âm: buổi đầu phát thanh cách đây 17 năm, ngày 20/10/1991, khi chương trình văn học nghệ thuật mới thành lập được một năm với những bước đầu chập chững, khó khăn.
09 Tháng Tư 200912:00 SA(Xem: 92145)
Giới thiệu của người dịch: Kể từ sau Marguerite Duras, tiểu thuyết Pháp đánh mất dần phẩm chất...Tháng 5-2005, nhà văn kỳ cựu Richard Millet, được xem người giữ đền thờ văn chương từ Bossuet đến Claude Simon , đã đánh chuông gọi hồn các đồng nghiệp đang vùi dập ngôn ngữ.
08 Tháng Tư 200912:00 SA(Xem: 94357)
Chưa bao giờ truyện cổ tích trống vắng chủ đích, hay không lột trần sự bất nhẫn. Qua nhân vật Nam , một thanh niên Việt tỵ nạn tại Pháp, cô gái kể chuyện tìm thấy hoàng tử của lòng mình. Họ kết bạn, gặp lại, tâm sự, tự tạo ra một lãnh địa bí mật. Nhưng điều gì đó trốn tránh những động tác tình yêu: Thanh niên điển trai xem thiếu nữ như em gái.
08 Tháng Tư 200912:00 SA(Xem: 102819)
Richard Millet sinh năm 1953 tại thành phố Viam, tỉnh Corrèze. Kể từ 1983 với tập truyện “L’invention du corps de Saint Marc”, ông được công nhận như một trong những nhà văn đương đại tại Pháp.
22 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 26720)
Tôi sinh năm 1940 tại Hà Nội, là con út của nhà văn Nhất Linh. Trước năm 1975 ở Sài Gòn tôi dậy học rồi nhập ngũ khoá 2/68 quân trường sĩ quan Thủ Đức
18 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 17558)
Hồ Trường An (HTA): Thưa anh Vũ Tiến Lập, xin anh cho độc giả chúng ta biết thi ca của anh qua bao chặng hành trình của nó. Vũ Tiến Lập (VTL): Tôi thật không có ý niệm nào về một hành trình trong sự sáng tạo, ngoại trừ thời gian và sự mất mát. ....
17 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 18204)
Nền văn học hải ngoại đang chứng kiến một nhà thơ Du Tử Lê: "khác hẳn. Trái ngược hẳn..." như lời ông tự nhận và qua những gì ông nói, viết cảm nhận và xử thế.
28 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 83844)
Lời người dịch:... Có lẽ không gì chính xác bằng nghe chính tác giả "In Cold Blood" trình bầy câu chuyện đằng sau việc thực hiện cuốn tiểu thuyết đã thay đổi bộ mặt văn chương và cả báo chí Mỹ vào giữa thế kỷ trước, đem văn chương (vốn trí thức, "tháp ngà") lại gần với báo chí (vốn bình dân, "trần tục") hơn, và ngược lại. Trùng Dương (12/2008)
01 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 106478)
Giáo sư Anatoli A. Sokolov, hiện công tác tại Đại Học Phương Đông, là một chuyên gia nổi danh về Việt Nam.
29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 14614)
Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng (ba tập) ghi chép những sự việc xẩy ra hàng ngày trong cuộc đời của nhà văn từ 1930 đến 1960, năm ông mất. Đây là một tác phẩm văn học có giá trị cao về mặt xã hội và nhân văn, do nhà văn Nguyễn Huy Thắng, con trai Nguyễn Huy Tưởng biên soạn