- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mạn Đàm Thi Ca Với Vũ Tiến Lập

18 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 17121)

blankHồ Trường An (HTA): Thưa anh Vũ Tiến Lập, xin anh cho độc giả chúng ta biết thi ca của anh qua bao chặng hành trình của nó.

Vũ Tiến Lập (VTL): Tôi thật không có ý niệm nào về một hành trình trong sự sáng tạo, ngoại trừ thời gian và sự mất mát. Có lẽ căn bản để thực hiện một hành trình phải có ít nhất là 2 yếu tố. Đi và Đến. Thi ca tự nó không bị ràng buộc ở bất cứ điều kiện gì, hoàn cảnh hay thân phận nào. Nó lửng lơ, nó giống như mây mong manh trôi trôi giữa biển trời bát ngát.

 

HTA: Những động lực nào thôi thúc anh làm thơ? Hồi mấy tuổi, anh đã cảm thấy mình có thể làm thơ? Và anh có hoài bão gì, cao vọng gì với lứa thơ đầu mùa của mình? Ngoại cảnh có tham dự vào cảm hứng của anh không?

VTL: Vào những năm đầu thập niên 70 tôi tí toáy làm những bài thơ tình đầu tay, và chỉ để bằng hữu xem cho vui, có bài thì tặng con gái. Thậm chí cho đến bây giờ tôi cũng chưa hề nghĩ đến một hoài bão hay cao vọng nào về thơ cả. Sau biến cố 30 tháng 4 năm 75, Tôi di tản sang Hoa Kỳ, có sáng tác nhiều hơn. Ngôn ngữ vốn có ma lực, người làm thơ cần có đôi bàn tay và khối óc của nhà phù thủy, anh có nghĩ như vậy chăng? Đương nhiên Tâm luôn đối với ngoại cảnh để sinh tình, nó phản chiếu tất cả những gì đối diện nó, chỉ khác là bóng nguyệt không ở lòng sông.

 

HTA: Thi tập Tạp Ghi Thơ của anh được hình thành như thế nào, và trong khoảng thời gian bao lâu? Nó giúp anh tìm được điều gì về mặt tinh thần? Những ai đã khuyến khích anh trong việc đưa nó trình làng?

VTL: Tạp Ghi Thơ chẳng phải là làm mới mà chỉ để tạo thêm một đặc tính cho thơ có một đường nét riêng biệt. Với những góc nhìn trên phương diện cấu trúc chữ nghĩa, như người họa sĩ đã tìm thấy một màu sắc để sáng tạo. Đặc tính đó được xây trên nhiều thể loại, hình thức, tư tưởng cũng như tâm linh trong suốt 30 năm lưu vong.

Buổi chiều đông, giữa đất trời bao la bồng bềnh những con sóng lạnh của vùng vịnh Mễ Tây Cơ.Trương Đình Luận bỗng hỏi tôi như muốn nhắn nhủ từ những đám mây hoang xám. Có một thứ gì đó vừa thoát ra, như đã đến lúc góp mặt với đời sống hoang vu này bằng những hồn thơ đã chín !

Tôi im lặng. Im lặng cho đến buổi tối cuối năm, khi hai người bạn trẻ Lê Sông Văn (chủ trương của Việt Báo Houston) và Như Băng cũng đề nghị giúp tôi thực hiện thi tập. Gió Văn cũng định ngày xuất bản. Về mặt tinh thần những người bạn trân quý tôi và thơ, họ là những động lực khuyến khích tôi không thể chối từ trong việc đưa Tạp Ghi Thơ trình làng.

 

HTA: Thi tập này hình như có ba chủ đề chính yếu: thơ tình, thơ cảm hoài và thơ tâm linh (tức là những bài đạo ca hàm nhuận tinh thần Phật giáo). Có đúng không?

VTL: Có thể nhìn như vậy. Như còn trẻ thì sống cho tình yêu. Trung niên đắm đuối yêu đời hơn nên có chút ít cảm hoài, và gần về chiều thì thấm đời vô ngã.

 

HTA: Về thơ tình yêu, anh không nghiêng về loại hoan ca (Hymne) mà nghiêng về loại bi ca (poème saturnien). Có phải anh đã chịu khổ lụy trong tình yêu, hoặc bị sứt mẻ trầy trụa trong vấn đề tình cảm trước hoặc trong lúc sáng tác? Hay đó là anh theo trào lưu thi ca: thơ phải buồn mới đúng nghĩa là thơ, anh nghĩ sao đây?

VTL: Tôi nhớ đến một lời ca rất ư là vọng cổ "Đường vào tình yêu có trăm lần đau có vạn lần sầu" Anh có nhìn thấy nó là như thế không? Thơ không có giới hạn nên thơ rất tự trào, buồn vui chỉ là xúc tác.

 

HTA: Còn qua loại thơ cảm hoài về thân thế, anh đã có vấn đề gì trong cuộc sống giữa các cuộc phong ba của lịch sử, trong nếp sống gia đình, trong sự nghiệp. Hình như loại thơ này hơi ít, vậy có lẽ những cái mà tôi vừa hỏi không va chạm mạnh vào cuộc sống tâm tình của anh? Có đúng không?

VTL: Nếu có sự cảm hoài về thân phận lưu vong, có lẽ được dăm bài, nhưng chỉ có bài Cổ Tích tôi nhớ lại biến cố đã thay đổi hẳn cả cuộc đời tôi và hàng triệu người đã phải tị nạn khắp năm châu. Nỗi hận chăng? Tôi không phủ nhận điều đó, nhưng hận để được gì? Làm được gì? Những con rối đã chết, đoàn rối mới lại thành hình cứ y như một vở tuồng không ngơi nghỉ. Chắc hẳn sẽ vô cùng mệt nhọc với hơi thở của hận thù. Những chung nghiệp cũ đang tan rã, những cộng nghiệp mới lại bắt đầu. Hôm qua là cổ tích. Tất cả là vọng tưởng, là ảo ảnh. Anh thấy đó, mọi thứ chung quanh chúng ta đang dần dần biến mất.

 

HTA: Những bài thơ mà anh tặng bạn bè như Trương Đình Luận, Phương Triều và như cố thi sĩ Cao Đồng Khánh hình như không phải hoàn toàn là thơ thù tạc. Hình như anh muốn nhắn gửi hoặc trao đổi với họ một điều gì, có phải? Xin anh nói rõ mục đích của anh khi trước và trong khi tác từng bài thơ trang tặng ấy.

VTL: Mỗi một người bạn đều có với tôi những kỷ niệm, mỗi bài thơ tôi tặng, đều đong đầy những trìu mến riêng tư. Tôi có nhiều kỷ niệm với Trương Đình Luận, Bùi Huy và Cao Đồng Khánh, sau khi Khánh chết tôi có làm 2 bài thơ để tưởng nhớ người bạn thâm giao.

Nhà thơ Phương Triều (cư ngụ tại Austin, Texas). Với tôi, anh có tầm vóc một người đàn anh trong làng báo. Chúng tôi thường liên lạc qua điện thoại cho đến ngày anh phải mổ thanh quản, và từ đó anh không thể tiếp chuyện với tôi qua giây nói, thay vào đó chúng tôi liên lạc qua Email, thỉnh thoảng tôi lái xe lên thăm, một lần trên đường về, nghĩ đến anh, tôi cảm hứng một bài thơ đề tặng.

 

HTA: Anh thường làm thơ tự do. Ngoài ý tưởng ra, thơ tự do vốn không hàm chứa âm nhạc nên khó quyến rũ người đọc. Vậy người sáng tác thơ phải dùng cách nào để làm thơ tự do nổ vang dội trong ấn tượng và trong cảm nhận người đọc.

VTL: Anh hỏi tôi mới chợt suy nghĩ. Chữ nghĩa quả có khả năng để rền vang một âm thanh! Nhưng đã gọi là thơ tự do thì cứ tự do phóng bút, dù thơ có là chất nổ. Chữ nghĩa cũng như ý tứ phải thật mặc nhiên, ung dung tự tại, giống như ta lấy một vật trong túi áo ra vậy. Làm được như thế thơ sẽ gây được ấn tượng trong cảm nhận của đọc giả

 

HTA: Anh nghĩ gì về thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền? Nhiều độc giả phàn nàn rằng thơ ông ta gột rửa hết lớp sơn lộng lẫy của ảo mộng chúng ta. Anh làm thơ theo hình thức tự do như ông ta, nhưng khác với đường lối thơ ông ta ở những điểm nào?

VTL: Tôi thích thơ Thanh Tâm Tuyền những năm cuối Trung Học. Ở vào thời gian đó, ông như một vì sao Bắc Đẩu, người đã đổi mới được thi ca. Cho đến bây giờ biết bao người đã viết về thơ ông, mỗi người mỗi nhận xét. Riêng tôi những điều này không còn quan trọng nữa. Tôi yêu mến cái kín đáo mà lầm lì của ông với đời nhiều hơn. Tôi làm thơ tự do nhiều vì không thích gò bó trong vần điệu, bởi tính chất là tự do nên ngôn ngữ và cấu trúc dễ khác nhau, thỉnh thoảng tư tưởng có gặp nhau ở một ngã ba nào đó…

 

HTA: Xin cho biết qua những nhà thơ nào mà anh tâm đắc, nhất là những nhà thơ nữ. Nếu không gì trở ngại, xin anh cho biết đặc tánh thơ của từng nhà thơ đó.

VTL: Những nhà thơ tôi thưởng thức thì nhiều, nhưng không tâm đắc thơ ai cả, tuy nhiên, về các nhà thơ nữ tôi không thể nói hết được trong bài phỏng vấn hôm nay, chỉ đưa ra nhận xét ngắn gọn mà cũng là tiêu biểu của 2 tư tưởng khác nhau, sau này nếu có dịp, chúng ta sẽ đi sâu vào thế giới thi ca của phái nữ.

 

Hàn Song Tường: Viết văn, làm thơ. Cả 2 lãnh vực đều mang chung một sắc thái: Chơi vơi với ảo giác tử sinh. Thơ của Hàn Song Tường là một thế giới mơ hồ, bằng những ngôn ngữ thuần những đam mê và khắc khoải.

Em nhớ anh

Kẻ đi lạc quá lâu - Anh biết không

Hoàng hôn vẫn thổn thức cùng biển cả

Anh ơi

Nước mắt biển - mặn như nước mắt em

Máu hoàng hôn - đỏ như máu em

Em tìm anh - trên thế gian này

Las aguas se separaron de los cielos

Halos - Aloha - Anh ơi

Then waters divided from the skies

Em nào thấy anh - dù bầu trời

Mây nước đã chia hai

Nơi đây - mọi nguời xa lạ. Cảnh tình xa lạ

Em nhớ anh - Người bên đời em

Hàn song Tường ( trích đoạn Mây nước đã chia hai )

Lê thị Huệ: Thơ của chị nghiêng về tâm linh trừu tượng. Có sự thách đố với đời sống và đám đông. Ngôn ngữ có đôi phần bạo dạn nhưng kín đáo, cao ngạo và tràn đầy nhựa sống.

Chúng ta đã bước qua biên giới của thân xác.
Khi chia tay nụ hôn dường tuyệt vọng.
Người đàn ông ghì xiết tôi sau cuộc hôn phối sầu.
Âm thanh môi hôn rơi lẻng kẻng những vòng tuổi trẻ.
Môi mềm mắt ướt những ký ức đêm tháng Hai.
Tôi bước vội sợ lỡ thời gian không toan tính. 
Khi chia tay hồn vãi trong đáy quần nhàu.

Lê Thị Huệ (Bước mau sau nụ hôn)

 

HTA: Còn những nhà thơ ngoại quốc thì sao? Ai tâm đắc thơ của những ai?

VTL: Tôi thích nhất là cách cấu trúc thi ca qua những đề tài mang tính chất thực nghiệm và bất định qua những ý tưởng đan trong thơ John Ashbery và David Shumate.

 

HTA: Có một nhà văn cho rằng thơ chỉ cần lời chứ không cần ý. Thế có nghĩa là ông ta chỉ chú trọng tới xác thơ mà rẻ rúng cái hồn của thơ. Xin anh cho biết ý kiến.

VTL: Điều này cũng không phải là sai. Nó tùy thuộc vào sự ưa thích của mỗi cá nhân, có người thích ngắm hoa nhựa và tranh sơn mài thay vì hoa thật và tranh sơn dầu nghệ thuật.

 

HTA: Anh đã từng công tác với những tạp chí văn chương văn học sáng giá như Văn, Gió Văn, Hợp Lưu, Phương Trời Cao Rộng. Anh nhận định thơ văn đã từng đăng trên các tạp chí này ra sao?

VTL: Trước khi cộng tác với những tạp chí anh nhắc, tôi đã có những bài đăng trên các tạp chí địa phương, có người cho là báo chợ, báo Lá Cải, Lá Chanh. Sự khác biệt của chúng chỉ là giá trị phân biệt, như một bên thì được đặt trên kệ sách, trịnh trọng như một thứ sưu tầm, và một bên xem xong thì để dành gói đồ vật dễ vỡ. Kinh nghiệm vỏn vẹn chỉ có thế.

 

HTA: Điều đáng nói nhất ở bài phỏng vấn này là thơ anh nếu không phải là loại thơ Thiền thì cũng là những bài đạo ca chan hòa tư tưởng Phật Giáo. Vì lý do gì mà anh chọn đường lối thơ này?

VTL: Tôi không phải người làm thơ thiền, nhưng rất muốn đem tư tưởng triết học Phật giáo vào thi ca. Đây là điều rất phiêu lưu và khó khăn để thực hiện.

Nhà văn triết gia Nghiêm Xuân Hồng cũng đã đem tư tưởng Phật giáo vào thơ ông rất nhiều vào những năm cưối đời, hầu hết ông đã đem tư tưởng của Hoa Nghiêm Kinh, Bát Nhã cùng Không Tánh vào những lời thơ thăm thẳm ấy.

Tôi không chọn một đường lối nào cho hướng đi tìm thi ca. Tôi chỉ làm thơ theo đòi hỏi của tâm tư. Những năm gần dây tôi thường xem Kinh đọc Luận, sự hấp thụ và học hỏi tất nhiên bị ảnh hưởng ít nhiều trong thơ, có lần mạn đàm với Triết gia Đặng Phùng Quân về thơ và sự khác biệt trong triết học, ông có nói "trong Triết có Thơ, trong Thơ có Triết," Câu nói ấy tuy bình thường, nhưng ngẫm nghĩ nó càng thâm thậm.

 

HTA: Xin anh cho biết cái cốt tủy của một bài thơ Thiền. Theo anh, nhà thơ nào mà biết đôi chút Phật pháp có thể làm nổi một bài thơ Thiền không? Có nhiều kẻ không biết chút gì về Phật pháp, vậy mà lâu lâu đương sự có thể đưa Thiền phong Thiền vị vào thơ, có phải thế không? Đây là hiện tượng gì?

VTL: Với tôi cốt tủy của Thiền tức là đóng kín mọi ngôn ngữ. Pháp là tư tưởng, tư tưởng luôn rộng mở. Tư tưởng là nền tảng trong Duy Thức, có tư tưởng thì có suy nghĩ và hành động. Sự tư duy và hành động nhiều khi trái ngược nên cần được huân tập để trở thành thói quen, nề nếp. Nói như thế không có nghĩa là phải tập thiền trong thơ. Ảnh hưởng thật sự là những nối kết trong đời sống hằng ngày chúng ta say đắm, chúng ta không biết ruồng bỏ mà chỉ biết tích lũy. Nhìn nhận nó là của Ta, là Thơ, là Thiền, là Tư Tưởng vĩ đại. Đây không phải là hiện tượng, mà chỉ là sự làm dáng trong thi ca.

HTA:Theo anh, ở hải ngoại tình trạng thơ Thiền có lạm phát hay quá hiếm hoi? Đa số nhà thơ cứ gọi Phật và gọi Bồ-tát ơi ới trong thơ nhưng các Ngài không chịu hiện trên dòng thơ của họ, anh nghĩ sao đây?

VTL: Lạm phát hay hiếm hoi là do nhu cầu. Một kinh nghiệm nhỏ tôi xin được chia sẻ với anh là Hiểu không có nghĩa là Chứng. Chứng không có nghĩa là giải thoát. Nói một cách khác:

- Hiểu không?

- Dạ, hiểu.

- Làm được không?

- Dạ, không.

 

HTA: Những Kinh Phương Đẳng và Kinh Đại Thừa nào mà anh đã đọc qua? Ngoài Kinh Duy-ma-cật anh khế hợp với kinh nào? Anh đem tư tưởng kinh nào vào thi ca của anh nhiều nhất?

VTL: Kinh Hoa Nghiêm nói về vô tướng, vô tự tánh. Pháp Hoa thì nói chúng sanh đều thành Phật. Kinh Viên Giác nói giác tâm bất động. Kinh Thủ Lăng Nghiêm thì bẩy chỗ gạn Tâm, mười phen chỉ Tánh. Thiền tông thì bản lai diện mục. Đàn không giây. Thuyền không đáy. Tất cả là nói Tâm, chỉ Tâm, và do Tâm tạo tác. Đó là ý Kinh.

Riêng Kinh Duy Ma Cật và Kinh Lăng Già đúng ra không có trong Kinh điển của Phật giáo. Duy Ma Cật nhân vật như hư cấu, như huyền thoại, như một sự đề cao hàng Cư sĩ thời Phật còn tại thế. Cái hư cấu ấy tuy thế nhưng cực kỳ lãng mạn và quyến rũ, nằm trên mọi tư tưởng của hạng Tiểu thừa, Thanh Văn. Vì thế Nguyên lý Bất Nhị và Không Tánh là căn bản cho hàng Bồ Tát.

Kinh lăng Già là một bộ Kinh có nhiều vấn đề cơ bản của Đại thừa, thậm chí có những luận thuyết của ngoại đạo cũng được đề cập khá nhiều. Tuy nhiên, khuynh hướng khai triển tư tưởng của bộ Kinh thì luôn luôn đi theo một trật tự mang tính cách chủ đạo. Đó là những căn bản của tư tưởng Không, Pháp thân, Niết Bàn, Như Lai Tạng, và A-lại-da thức.

Tôi thích làm thơ theo tùy hứng. Khi ý tưởng đến trong khoảnh khắc. Kinh chỉ là điểm tựa. Chỗ nắm bắt đưa vào thơ mới chính là chỗ tuyệt diệu của Pháp môn. Tôi yêu thích tư tưởng Bất Nhị cùng Không Tánh, cũng như Lăng Nghiêm thường ẩn hiện trong thơ.

HTA: Xin anh nói qua cách triển khai đoạn Thiên nữ tán hoa trong kinh Duy-ma-cật vốn đã gây ảnh hưởng lớn trong vài bài thơ của anh.

VTL: Thiên nữ tán hoa đã để lại những ấn tượng cực kỳ siêu bạt. Tôi hoàn toàn không có ý định khai triển, nhưng thích thú với Không Tánh đó mà đem diển tích vào thơ. Việc Thiên nữ rải hoa cúng dường, hoa rơi đến các Bồ Tát, rồi hoa rớt xuống một cách bình thường. Hoa rơi lên các đệ tử Thanh Văn, hoa dính lại trên người đến nỗi phủi cũng không rớt. Hàng Thanh Văn thấy hoa vừa đẹp vừa thơm. Thưởng thức cái đẹp, cái thơm e rằng mình bị phạm giới. Chỗ siêu bạt ấy là tưởng phân biệt. Vì sao? Vì hoa không có phân biệt, tại vì Xá Lợi Phất có cái tưởng phân biệt đấy thôi. Ở trong Phật pháp, xuất gia mà còn có phân biệt đó là không đúng. Nếu không phân biệt thế mới là đúng.

Bấu víu nỗi bất tường

hạt ảo tưởng đâm rễ

khó hun đúc một lẽ hằng

không gian trắng hoa thiên nữ

tuyết nhuyễn trên tay

( trích đoạn Hoa thiên nữ )

Những nối kết để thành hình một tư tưởng cho bài thơ đều phải nằm trên những điều kiện hiểu biết, cũng vì thế mà tôi có hỏi anh. Người làm thơ cần có đôi tay và khối óc của nhà phù thủy là vậy

 

HTA: Trong cuộc hành trình thi ca của anh, Phật pháp có tác dụng gì trong phút tìm cảm hứng của anh? Muốn cho bài thơ thấm nhuần Phật pháp khỏi trượt ngã qua bài kệ khô khan, nhà thơ phải làm sao?

VTL: Dẫn hứng đến bằng nhiều cửa ngõ. Bằng cảm nhận trong tâm thức về đời sống, tình yêu hay bất cứ điều gì chúng ta hướng tới, nhưng muốn cho bài thơ đem được tinh thần Bát nhã điều quan trọng là lọc ý chứ đừng giữ lời của Kinh, như vậy sẽ giúp cho bài thơ không rơi vào bài kệ khô khan, khó nuốt.

 

HTA: Anh có dự định gì về việc sáng tác và xuất bản các thi tập mới trong một tương lai gần gũi không?

VTL: Tôi chưa có dự tính gì cả. Muốn tiêu tiền, trước hết phải kiếm tiền, ấy là quy luật chung của đời sống. Sáng tác và xuất bản cũng tương đồng một quy luật.

 

HTA: Xin cám ơn nhà thơ Vũ Tiến Lập.

VTL: Cám ơn anh Hồ trường An đã cho tôi những phút mạn đàm vừa qua

Hồ Trường An thực hiện

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 16648)
Ly Hoàng Ly là khuôn mặt đầu tiên, trong số những khuôn mặt văn nghệ trẻ xuất hiện những năm gần đây, đang tự xác định mình qua tác phẩm nghệ thuật, mà chúng tôi giới thiệu.
26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 14223)
Đỗ Hoàng Diệu sinh ngày 5/2/ 1976 tại Thanh Hoá, đỗ cử nhân luật và cử nhân báo chí. Làm việc tại Hà Nội. Xuất hiện lần đầu trên văn đàn hải ngoại với truyện ngắn Tình chuột, in trên Hợp Lưu số 74 (tháng 12/2003- 1/2004), rồi liên tiếp: Những sợi tóc màu tang lễ (HL 75), Cô gái điếm và năm người đàn ông (HL 76), Bóng đè (HL 78), Dòng sông hủi (HL 80) và Vu quy (HL 82).
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 14003)
Lúc bấy giờ tôi cũng ở quân đội về tiếp quản thủ đô, tôi phụ trách một đoàn văn công. Lúc bấy giờ văn công quân đội chia làm ba đoàn: Thủ đô, Khu ba và Khu bốn. Tôi phụ trách đoàn 1, về tiếp quản Hà Nội. Trong giai đoạn đầu cuộc tiếp quản thủ đô -độ 3 tháng- thì lúc bấy giờ việc làm thơ của tôi cũng không tiến hành được bao nhiêu, bởi vì công việc của đoàn văn công choán khá nhiều thời giờ. Nhưng đến Tết, cái Tết năm 1955 sang 1956, tôi và anh Lê Đạt bàn nhau là bây giờ ta phải tiến hành một cuộc đổi mới thơ đi
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 12332)
Dự định tìm lại dấu vết phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, đã đến với chúng tôi từ cuối năm 1984, khi trở lại lần đầu, sau 30 năm xa Hà Nội. 1984, lúc ấy tôi chưa hề cầm bút, và 1954, khi rời Hà Nội, tôi mới lên mười. Như phần lớn học sinh miền Nam, tôi đã thuộc lòng, không chỉ những câu thơ nổi tiếng của Trần Dần
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 15016)
Thực tế gần như bất biến là chính sách văn hóa của nhà nước, một chính sách vẫn còn ngăn cấm tự do tư tưởng và sáng tác. Vì thực tế ấy, những người muốn tìm hiểu về sáng tác thơ trong nước gặp khó khăn. Tôi hình dung đó là một tảng băng thạch, chúng ta chỉ thấy được phần nổi. Thỉnh thoảng chúng ta đọc được một tập thơ của Đặng Đình Hưng, hay gần đây thơ Phùng Cung hoặc nhật ký Trần Dần vừa được công bố, ngoài ra còn biết bao tác phẩm hay khác vẫn còn nằm trong bóng tối.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 11823)
Trong các tài liệu chính thức, lớp đấu tranh Thái Hà được gọi là hội nghị: "Đầu năm 1958, có hai cuộc hội nghị của anh chị em công tác văn nghệ, nghiên cứu nghị quyết của Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương đảng Cộng Sản Việt nam, kết hợp với hai bản tuyên ngôn và tuyên bố của hội nghị các đảng Cộng Sản và các đảng công nhân họp ở Mạc Tư Khoa, cuối năm 1957. Hội nghị đầu, tháng 2 năm 1958, gồm có 172 người dự. Hội nghị sau, tháng 3 năm 1958, gồm có 304 người dự.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 12935)
Tôi có một người bạn mà anh ta làm cán bộ cao cấp trong chính quyền hẳn hoi, anh ta nói với tôi cứ mỗi buổi chiều, sau khi tan sở hoà mình vào phố phường đông đúc của Hà Nội, anh lại thấy cô đơn, lạc lõng khủng khiếp. Và có lúc cô đơn đến cùng cực, anh ta đã tìm đến cái chết.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 11349)
Trong một bài in trên Đông Pháp Thời báo, số ra ngày 1/9/1928 giữa thời Pháp thuộc, Phan Khôi viết: “Ở vào thế kỷ XX là thế kỷ mà thiên hạ làm phách hô lớn lên hai chữ tự do, nói rằng đâu đâu cũng phải tôn trọng sự tự do, đâu đâu cũng phải tôn trọng quyền ngôn luận, quyền xuất bản. Bỗng dưng nghe đến hai chữ “cấm sách” thì há chẳng phải là một sự lạ hay sao.
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 12900)
Đêm giao thừa Bính Tuất chúng tôi có dịp nói chuyện văn nghệ tản mạn với nhà thơ Lê Đạt, và như thường lệ, nhà thơ luôn luôn có những ý kiến độc đáo, những kinh nghiệm thực tiễn, những nhận định sâu sắc về tình hình văn học nói chung và những người viết trẻ nói riêng. Chúng tôi ghi lại buổi nói truyện này (đã phát thanh trên đài RFI ngày, 28/1/2006) để gửi đến bạn đọc Hợp Lưu.