- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MỘT XÃ HỘI TRONG GUỒNG “CHẠY” ĐIÊN CUỒNG

11 Tháng Sáu 202211:28 CH(Xem: 7998)

 

FB_IMG_1651114789094
Ảnh Internet

 

MỘT XÃ HỘI TRONG GUỒNG “CHẠY” ĐIÊN CUỒNG      

Mai An Nguyễn Anh Tuấn     

 

Nhiều người đã kể rõ và lý giải hiện tượng CHẠY cho đến nay đã trở thành những guồng quay điên cuồng trên các lĩnh vực, trong các giới xã hội - chạy Quyền, chạy Chức, chạy Dự án, chạy Danh hiệu, chạy Bằng cấp, chạy Giải thưởng, chạy Cúp vàng, chạy Thành tích, chạy Điểm, chạy Vai diễn, chạy Lớp, v.v. Đã “Chạy” thì phải bắt buộc “Mua”, mua bằng bất cứ giá nào, thậm chí bằng cả nhân phẩm. Guồng quay ấy khiến cả xã hội nháo nhác, mê dại, đã khiến con người tha hóa một cách nhỡn tiền, và phần nhiều những “chủ nhân” đứng ra tổ chức & điều hành các guồng quay đó thực chất là những kẻ “làm tiền” một cách thô bỉ ngày càng lộ rõ bản chất dù có khoác cái vỏ văn hóa sang trọng đến đâu!

T. cận tôi chỉ dám xin kể lại vài mẩu chuyện Bi - Hài về cái Guồng Chạy - Mua Bán này trên vài lĩnh vực mà đã trót được nghe, được “mục sở thị”, và xin được giấu tên tuổi vì sự nể nang, tôn trọng...

 

1. Bạn tôi, cố nhà văn nhà giáo SC trong Ban lý luận phê bình của Hội nhà văn có kể lại trong một cuộc “trà dư tửu hậu”: một nhà thơ (mà tôi cũng có quen biết) đã tìm đến anh, tận dụng sự quen biết và tính cả nể của anh, năn nỉ thuyết phục: “Mấy năm nay mình làm đơn xin vào Hội, nhưng Hội viên thơ đông quá… Còn Hội vên LLPB chắc ít… Mình tin là 8 vị trong Ban LLPB, ai cũng thương quý mình và thích thơ mình… Nhưng cậu là người duy nhất mình cầu khẩn đấy…” Thế là SC mủi lòng đồng ý; nhưng sau đó anh ngã ngửa người: các vị trong Ban đều được nghe những lời như thế của anh ta, và đều nể nang gật đầu đồng thuận. Thế là anh ta đã lọt vào Hội NV một cách vinh quang, chỉ tốn chút nước bọt của người thuyết khách, và “vài chén rượu nhạt” - như cách nói của cố nhà thơ nhà báo Trần Hòa Bình, bạn chung thân thiết của chúng tôi! Nhưng sau cuộc “Chạy” Hội ngoạn mục như thế, anh nhà thơ viết ngày một tồi đi - cả thơ lẫn lý luận phê bình mà mọi người không nỡ từ chối nhận sách nhưng không dám đọc nữa. Thì điều đó có gì là quan trọng: anh đã toại nguyện mơ ước, từ nay các Kỷ yếu của một Hội vào loại sang trọng nhất nước đều sẽ phải ghi tên anh!

2. Cũng nhà văn SC bạn tôi đã từng ân hận khi viết một bài phê bình ưu ái cho một nữ thi sĩ trẻ, sau đó cô ta đem bài phê bình đó như cái “bùa hộ mệnh” để chạy chọt giải thưởng… Và cô ta đã thành công rực rỡ!… Nhưng bạn tôi thì mắt đỏ ngầu vì ân hận, khổ sở, anh lắc đầu thở dài: “Nể cô ta cứ nằn nì viết hộ, thấy cũng được, đã viết phê bình thiên về ưu điểm; song thực ra còn lễnh loãng chữ nghĩa lắm, nhiều triết lý gượng ép, lại làm ra vẻ đã là nhà thơ lớn; nhất là sự háo danh sẽ giết chết sự nghiệp nhiều triển vọng của cô ta… Giải thưởng Chạy ấy sẽ làm hại cô ta!”. Sau đó, tôi đã không đủ lòng “dũng cảm” để đọc bất cứ tác phẩm nào của nữ thi sĩ nổi danh nọ, và tôi còn được biết mấy vị “nhà thơ CLB” cũng lặng lẽ hạ sách của cô ta xuống khỏi giá đem tặng người khác để được tiếng là đã quen biết một nữ thi sĩ thành danh nổi như cồn! (Xin kể thêm về một chuyện háo danh, cũng của nữ thi sĩ này gần trở thành “giai thoại”: một nhà dân tộc nhạc học lừng danh Việt Kiều ở Mỹ về nước nói chuyện; cô ta cũng đến tham dự, lúc giải lao tới lân la làm quen, xin số điện thoại rồi hỏi: “Ông có biết tôi là ai không?” Vị TS. nọ ngẩn ra lắc đầu. Cô ta nghiêm mặt: “Ông là người nổi tiếng mà không biết đến tên tuổi của tôi, đó là một thiệt thòi lớn đấy!”).

3. Một buổi đang ngồi chuyện phiếm với người bạn đồng nghiệp đàn anh làm trưởng khoa Đạo diễn một trường Nghệ thuật, tôi được chứng kiến “màn kịch” này: một NSND bước vào văn phòng của anh, sau vài câu chào hỏi xã giao, đã đặt phịch lên bàn anh một gói lớn (chỉ có thể là tiền), vừa trịch thượng vừa bỗ bã thân mật bảo: “Tôi cần bằng đạo diễn, và thừa phẩm chất làm đạo diễn; song không có thời giờ ngồi học với lũ choai choai hay mấy vị hàm thụ hết hơi đâu, bởi tôi đang được cơ cấu để thay giám đốc Nhà hát của tôi vào năm tới…” Không may cho anh ta, và cũng may cho tôi (cho cả khán giả nữa), là anh bạn tôi cũng đã cầm gói tiền lịch sự nhét trả lại túi vị NSND nọ và bảo: “Cậu tới nhầm địa chỉ rồi… Hy vọng gặp cậu ở phòng thi tuyển mà tôi là thành viên Ban Giám khảo…”.

4. Một nữ họa sĩ lớn tuổi lâu nay đi vào kinh doanh hội họa, từng là học trò của bố tôi, có lần tới hỏi ý kiến của tôi: “Một Doanh nghiệp đứng ra tổ chức trao giải Cúp vàng tôn vinh các nghệ nhân có công lao trong sự nghiệp văn hóa- nghệ thuật thời đổi mới, họ trân trọng mời chị…” Tôi hỏi lại ngay: “Thế họ trân trọng ra giá bao nhiêu cho cái Cúp vàng ấy, hở chị?” Mới đầu, chị có vẻ tự ái, sau hiểu ra sự chân tình của tôi nên thú thực số tiền mà các đối tượng được “trân trọng” đó phải đóng góp (tới vài chục triệu đồng) để được “mua” “Danh hiệu cao quý” trên… Thế nhưng, cuối cùng chị cũng “vào tròng” của cái Doanh nghiệp tạo ra Danh hiệu vớ vẩn ấy một cách ngọt ngào… Trong tấm ảnh chị khoe hôm trao Cúp, có đại diện của nhiều quan chức lớn Nhà nước (sau đó có vị đã bị đưa vào “Lò Đốt”), nhưng chị cũng tránh gặp mặt tôi vì có lẽ xấu hổ. Bởi sức mạnh của hư danh mà chị thấy cần thiết đã lớn hơn, lấn át cả tình bạn, tình thân và những lời khuyên gan ruột chân tình!

5. Có lần, khi các sinh viên đã nộp phim bài tập cuối năm cho chủ nhiệm và phụ trách bộ môn, tôi thấy còn một SV không nộp bài, bèn nhắn tin. Hôm sau, phụ huynh của SV đó đến nhà tôi, với tư cách là “bạn đồng nghiệp” và là “lãnh đạo của cơ quan cấp trên” tới thăm, cùng một chai rượu Tây đắt tiền và phong bì khá nặng… Tôi biết là nặng, bởi tôi đã cầm cái phong bì ấy nhét lại vào túi bà ta và chân tình bảo: “Chị ạ, chị nâng đỡ con chị bằng kiểu chạy điểm này, tức là đã góp phần giết tương lai nghề nghiệp của nó đấy! Sau này, khi được giao phim, liệu nó có đủ tiền để thuê người khác làm hộ cho nó không? Tôi không dám và không thể cho điểm khống được, bởi không chỉ các SV khác sẽ xì xào, mà đó là nguyên tắc sống của tôi. Chị đã mang rượu quý đến, tôi xin nhận, với tư cách là ông thầy xin uống mừng bài tập sẽ hoàn thành của SV ấy!”

Rất vui là mấy năm sau, chính em SV muốn nhờ “Lã Bố Lã Mẹ” mua “điểm khống” đó đã gặp tôi bày tỏ lòng cám ơn, không phải vì đã chiếu cố chấm điểm cho bài tập nộp quá hạn, mà vì điều này: “Em vẫn nghĩ là cái tiêu cực xã hội tràn ngập này ở thì đâu cũng có, đâu cũng vậy, nhưng hóa ra, ở trường ta thì không phải thế… Các thầy giảng viên cũng là các nghệ sĩ làm phim đã cho em một bài học để đời… Em cám ơn thầy!” Tôi nói vui: “Chỉ với riêng ý nghĩ đó của em, nếu giúp các bạn SV khóa sau đưa được vào một tiểu phẩm, cũng đáng để các thầy cho điểm xuất sắc rồi đấy!” …

6. Dạo đó, một công ty truyền thông mời tôi làm phim, họ đòi có lý lịch nghệ thuật - gồm danh sách các phim đã thực hiện, các giải thưởng… Tôi đem bản khai lên Xưởng. Anh Xưởng trưởng nháy mắt với tôi, vui vẻ: “Làm thủ tục xin NSƯT à? Muộn thế? Cậu đủ giải A giải B, Huy chương vàng huy chương bạc cả phim lẫn kịch bản phim truyện, phim tài liệu rồi còn gì! Từ Ưu tú lên Nhân dân cũng chẳng bao xa, cậu thừa sức ấy chứ! Nhưng này, “Hậu cần” chuẩn bị tốt chưa đấy?”

Tôi hiểu ý “Hậu cần” là gì, và bỗng dưng một nỗi nhục từ đâu xộc tới. Nhưng tôi vẫn cố tự chủ và trả lời anh: “Cám ơn lãnh đạo! Nhưng em cảm thấy mình chưa đủ tiêu chuẩn ạ…” Thế rồi, tôi đành khai thật lý do xin chứng nhận bản kê khai. Anh Xưởng trưởng tỏ vẻ phẫn nộ với đòi hỏi của nhà đầu tư phim, rồi ái ngại cho tôi: “Ừ, họ cũng có lý của họ… Nếu cậu đã hoàn thành định mức công việc của Xưởng rồi, làm ngoài cũng được, nhưng phải dấu tên đi, kẻo lãnh đạo Hãng lại phê bình…”

Trước đó, qua bạn đồng nghiệp trong và ngoài Hãng, tôi đã biết bao nỗi nhục nhằn của việc tìm kiếm & chinh phục các Danh hiệu; nhưng phải đến phát ngôn bất hủ về sự “Hậu cần” nọ, tôi mới chợt thấm thía hộ cho nhiều người đã và đang mê mải say sưa chạy theo cái “hào quang” của nó, cái “miếng mồi nhử” hấp dẫn về danh vọng lẫn vật chất đối với số đông nghệ sĩ xứng đáng hay chưa xứng đáng với Danh hiệu… Và tôi phải cám ơn anh Xưởng trưởng, bởi câu nửa đùa nửa thật “Hậu cần” chuẩn bị tốt chưa” của anh đã tiêu diệt nốt chút “vấn vương” trong lòng tôi về các loại Danh hiệu…

7. Có những ngày tháng mà cái “Guồng Chạy” kia mới chỉ là khởi động, song đã báo trước cho cái “tương lai ô nhục” của nó khiến cả xã hội quay cuồng như lên đồng, như phát dại, khiến không ít Danh hiệu vô tội và xứng đáng cũng bị vấy lây bùn bẩn…

Trong một đợt làm phim xa, phải nói là khá xa Đất ngàn năm Văn vật và cũng là trung tâm của vòng xoáy “Chạy” đã được bắt đầu… Một cô học sinh trường nghệ thuật tỉnh, sau khi biết đoàn làm phim chúng tôi đã dự kiến xong xuôi về các vai mà cô chỉ là vai phụ, đã chủ động tới gõ cửa phòng đạo diễn ở nhà nghỉ Công Đoàn. Cô thành thực bày tỏ nguyện vọng vào vai chính, bởi cô rất thích kịch bản này, vai diễn này. “Em tin rằng em sẽ đóng tốt vai chính, bởi em tìm thấy trong đó tâm sự, và cả số phận của bản thân em…”. Chao, một cô bé sinh ra ở quê lúa chưa học hết trung học chuyên nghiệp, lại có thể nói trơn tru như vậy về “Số phận” y như một nữ sĩ từng trải! Tôi thầm nghĩ vậy, song vẫn lắng nghe cô trò chuyện, không phải để tìm ra khả năng diễn xuất mới mà lần catting diễn viên tuần trước đã bỏ qua, mà để có dịp hiểu thêm về lớp trẻ ở vùng đất nông - ngư nghiệp truyền thống này…

Nhưng sau rất nhiều tâm tình của cô, nhất là những chuyện mà cô nghe kể hay đọc sách báo về không ít diễn viên đã “cặp bồ” với đạo diễn để được vào vai chính, thì tôi đã hiểu ra cái động cơ cô đến tìm tôi đêm ấy… Tôi định “lên lớp” cô ta - nào là: em đã hiểu nhầm về giới nghệ sĩ rồi, không phải đạo diễn nào cũng chấp nhận “tình một đêm” với diễn viên để đổi lấy vai chính, nào là: nghệ thuật là nghệ thuật, không thể đưa chuyện “mua bán” tình cảm vào đây, em là SV trường nghệ thuật thì cần biết điều đó đầu tiên, v.v.

Nhưng với một cô bé xinh xắn bằng tuổi con gái đầu lòng của tôi, ít kinh nghiệm sống, còn nhiều sự trong sáng, đang ôm mộng đẹp về nghệ thuật, những lời lẽ như của ông “tuyên huấn” hay của một ông thầy dạy môn đạo đức liệu sẽ có tác dụng gì? Bản thân tôi cũng không phải là nhà “đạo đức học”; và tuy không bị mắc bệnh “bách hại cuồng” nhìn đâu cũng thấy cạm bẫy, trước “sinh mệnh” của bộ phim sắp thực hiện và công việc chuẩn bị của hai chục thành viên đoàn làm phim trông mong vào đạo diễn, tôi càng cần phải biết giữ mình cẩn thận… Và tôi chợt thấy thương quý cô bé, bắt đầu kể cho cô nghe về chuyện diễn viên huyền thoại Mỹ Vivien Leigh xuất hiện trước cả đoàn làm phim vào đúng ngày bấm máy “Cuốn theo chiều gió” và tuyên bố: “Vai Scarlett này là để dành riêng cho tôi!” Mọi người cười ồ, nhưng đạo diễn đã mời cô thử vai luôn. Kết quả làm mọi người sửng sốt, vì họ đã tìm thấy vai diễn chính xác, quả là khó ai thay thế được cô vào vai chính!

Rồi tôi còn kể cô nghe một bộ phim về Đông Đức trước khi bức tường Berlin bị dỡ bỏ (Phim The Lives of Others): phim có nhân vật ông Bộ trưởng văn hóa dốt nát và hám gái đã tìm cách chiếm đoạt cô diễn viên nổi tiếng - vợ một đạo diễn sân khấu và là nhà đấu tranh cho Dân chủ. Cô diễn viên đau khổ, đang định thực hiện giao kèo “bán mình” để mong cứu lấy tự do và sự hành nghề của chồng, thì viên sĩ quan mật vụ chuyên nghe lén đã kịp nhận ra sự độc ác của những kẻ cầm quyền, cảm động trước tình yêu của những nghệ sĩ yêu lẽ phải. Ông tới gặp cô diễn viên tại quán cà phê đúng đêm cô đi “bán mình” và bảo: “Cô là một nghệ sĩ lớn, cô không cần phải hạ mình trước bất kỳ kẻ nào - đù đó là kẻ cao nhất đang nắm vận mạng Đất nước bị tù đày này…” Như bừng tỉnh ngộ, cô diễn viên trở về nhà ngay với người chồng đang khổ sở, nghi ngờ, dằn vặt, đem thêm sức mạnh tinh thần cho anh cùng đồng chí âm thầm chống lại chế độ độc tài.

“Diễn viên tương lai của tôi! Tài năng thật sự thì không có gì mua nổi được. Tôi tin em có năng khiếu diễn xuất đấy, chắc hôm thử vai đang giận dỗi người yêu nên bị phân tán tư tưởng? Mai lên đoàn thử lại nhé?” Tôi kết thúc câu chuyện với cô gái như vậy, với niềm hy vọng chung của cả hai người. Quả nhiên, sau đó, cô đã được tôi và cả đoàn phim chấp nhận vào vai chính, cô đã thể hiện xuất sắc vai diễn. Cuộc Chạy Vai, Mua Vai đáng xấu hổ đã không diễn ra, đó là thành công của chính tôi và cô gái…

Đó không phải là chuyện cổ tích dù nó có hào quang của cổ tích. Kể lại chuyện này, kẻ mơ mộng tôi chợt nảy ước muốn khá vô vọng: sẽ không bao giờ phải diễn ra những cuộc Chạy Vai, Mua Vai, hay bất cứ một cuộc Chạy Chọt nhục nhã, đau đớn nào trong cái cuộc sống ngổn ngang các giá trị Thật - Giả này.

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 96073)
Gần đây tôi có dịp đọc một số tài liệu của người trong nước viết về văn học miền Nam 1954-1975. Rải rác đó đây không ít, nhưng gom vào một mối thì có thể kể ra hai nguồn. Thứ nhất là bài phỏng vấn khá thú vị của chị Thụy Khuê, đài RFI bên Pháp, với nhà phê bình Vương Trí Nhàn, hiện sống tại Hànội, xung quanh đề tài văn học miền Nam từ 1954-1975 (*).
17 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 88149)
Vào những giờ phút cuồng dại vì tâm chúng ta mù quáng thì bất cứ việc gì cũng có thể xảy ra, kể cả chiến tranh. Cho nên, sự thực hành lòng từ bi và trí tuệ là điều hữu ích cho tất cả, nhất là đối với những người có trách nhiệm điều hành công việc quốc gia, khi mà họ nắm trong tay quyền lực và phương tiện có thể tạo dựng nền hòa bình cho thế giới.
29 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 29697)
Mọi Rợ văn hóa [cultural barbarism]. Thoạt nghe có vẻ lạ tai, nhưng suy nghĩ kỹ, mới thấy thấm thía. Đọc cổ thư Trung Hoa, thường thấy những người tự xưng là “người Hoa hạ” rất tự hào về tập tục đội mũ, mặc áo, dinh thự nguy nga, ăn uống tiếp khách ngồi bàn, ngồi ghế, có chữ viết, sách vở.
16 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 28228)
1945, Võ Phiến gia nhập bộ đội trong một thời gian ngắn, sang 1946 ra Hà Nội học trường Văn Lang; đến tháng 12/1946, trở về Bình Định tham gia kháng chiến, sang năm 1947 về làm thuế quan tại Gò Bồi. Năm 1948, ông kết hôn với cô Võ Thị Viễn Phố (Võ Phiến là Viễn Phố nói lái) và ông dạy học ở trường trung học bình dân Liên Khu V.
15 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 35582)
Khác với Nam Cao, người trí thức của Nguyễn Mộng Giác không rơi vào dằn vặt vì vật chất "cơm áo gạo tiền". Ông ý thức sự quan trọng của vật chất nhưng không bao giờ cho đó là vấn đề lớn đối với trí thức. Sau chiến tranh, ông hiểu khó khăn, thiếu thốn là đương nhiên. Điều ông khắc khoải là bị đứng bên lề cuộc sống.
17 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 159614)
Tìm hiểu về rùa Hoàn Kiếm chúng ta hãy đi ngược trở lại những trang sử Việt Nam , chính sử cũng như huyền sử, và những bài viết thực tế đương thời đã được lưu trữ trong các mạng lưới. Khi đọc những dữ liệu trên, nhiều người sẽ có một cảm tưởng những dữ kiện về rùa không được thống nhất cả về huyền sử lẫn thực tế, và có những vấn đề cần được thảo luận.
05 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 28021)
Thuật ngữ khuôn nhịp, hay cấu trúc nhịp điệu giúp ta nhận diện: sự lặp lại đều đặn theo chu kì của những bước nhịp, các âm thanh mạnh yếu. Các khuôn âm luật ấy góp phần tạo ra tính nhạc cho bài thơ. Mỗi khuôn nhịp có trường độ bước nhịp nhất định. Ở mỗi bước nhịp, số âm tiết hợp thành tiết tấu câu thơ luôn được hạn định.
09 Tháng Sáu 200912:00 SA(Xem: 97252)
K ể từ năm 1975, hàng năm cứ đến mùa giỗ Đệ Nhị VNCH dịp tháng Tư là những kẻ thua cay lại lôi Trịnh công Sơn ra làm quả banh da của võ sinh quyền Anh đấm cho đỡ ngứa tay ngứa miệng...
13 Tháng Tư 200912:00 SA(Xem: 93509)
Năm 1995, Vi Thuỳ Linh đăng in bài thơ đầu tay của mình trên báo Tiền phong . Năm 1999, nhà xuất bản Hội Nhà văn in tập thơ Khát của chị; Nguyễn Trọng Tạo khi viết lời tựa cho tập thơ đó, đã xác quyết mạnh mẽ rằng: Vi Thùy Linh đi vào thơ hiện đại bằng “con ngựa chữ nghĩa dậy thì”.
22 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 23599)
Độc giả ngày nay có lẽ không mấy người biết Vũ Khắc Khoan là ai. Mặc nhiên ông là một trong những tác gia lớn - tên tuổi có lẽ không nổi tiếng như Võ Phiến, Mai Thảo hay Thanh Tâm Tuyền - đã để lại những tác phẩm độc đáo, đánh dấu những biến chuyển quan trọng về bút pháp và tư tưởng, trong nửa sau thế kỷ XX, của văn học Việt.