- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CÁI LÝ CỦA KẺ HÈN

06 Tháng Ba 202211:33 CH(Xem: 9381)

CÁI LÝ CỦA KẺ HÈN     

 

Trần C. Trí      
   

 



cai ly cua ke hen - tct

The Scream

tranh của hoạ sĩ Na Uy Edvard Munch

 

 

 

Vào thứ Tư, 2 tháng Ba, 2022, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu đại đa số lên án nước Nga xâm lược Ukraine (bắt đầu từ 24 tháng Hai, 2022). Trong số 193 nước hội viên, 141 nước đã bỏ phiếu thuận, yêu cầu Mạc Tư Khoa phải chấm dứt chiến sự và rút quân ra khỏi lãnh thổ Ukraine. Trong số năm nước bỏ phiếu chống, tất nhiên dẫn đầu là lá phiếu của Nga, quốc gia gây chiến, và bốn nước khác là Belarus—đồng minh thân cận nhất của Nga— sau đó là Bắc Hàn, Eritrea và Syria. Tất cả năm nước này đều là những chế độ độc tài toàn trị.

            Điều đáng chú ý hơn cả là trong các lá phiếu trắng của 35 nước (có 12 nước không bỏ phiếu), dẫn đầu là Trung Cộng, có cả một quốc gia mang tên nghe khá kêu là nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

            Bỏ phiếu là một việc làm đòi hỏi sự suy nghĩ, cân nhắc vô cùng thận trọng, vì lá phiếu nói lên trách nhiệm, lập trường lẫn tư cách, phẩm giá của người làm chủ nó. Bỏ lá phiếu trắng trong đại cuộc này, chắc hẳn bắc bộ phủ cũng mất ăn mất ngủ để suy tính thiệt hơn, cũng nghĩ đến những hệ luỵ lâu dài về sau do lá phiếu của mình. Cuối cùng, các đỉnh cao trí tuệ chợt thấy loé lên giải pháp tuyệt hảo: Bỏ phiếu trắng! Thật hết sức đơn giản, có thế mà sao ta lại không nghĩ ra ngay từ đầu. Lá phiếu trắng sẽ làm cho bàn dân thiên hạ không biết mình nghĩ gì, muốn gì, vì nó… trắng toát! Phải cám ơn ai đã nghĩ ra loại phiếu cực kỳ thông minh này. Quyết định bỏ phiếu trắng là một quyết định quá đỗi không ngoan, nghĩa là không phải quyết định, quyết đoạt gì cả!

            Thôi thì ta cứ mũ ni che tai, mặc cho nhân loại đang kêu gào công lý cho nước Ukraine, mặc cho đất nước xinh đẹp này—với lá cờ hiền hoà có màu xanh làm biểu tượng cho bầu trời và màu vàng biểu tượng cho cánh đồng lúa chín—đang bị chiến tranh tàn phá trong từng giây từng phút, mặc cho thường dân Ukraine vô tội, nhất là đàn bà trẻ em, đang ngã xuống dưới làn bom đạn của lính Nga. Ta cứ ngồi thụp xuống, bịt hai tai, che hai mắt lại. Nếu ta không thấy ai nữa thì chắc cũng không ai có thể thấy ta. Giải pháp sao mà êm đẹp!

            Bỏ phiếu “Không” thì trắng trợn quá, ta đâu có muốn bị đánh đồng với những nước mang tiếng độc tài, vì chẳng gì nước ta cũng có một nền “dân chủ tập trung” độc đáo, chẳng có quốc gia nào trên thế giới vỗ ngực xưng là dân chủ có thể theo kịp. Nhưng bỏ phiếu “Có” thì… kẹt ơi là kẹt, há miệng mắc quai! Vì bỏ phiếu phải cần đến bàn tay, đúng là phen này thật “bó tay”! Vẫn biết thế nào đa số các nước trên thế giới cũng sẽ bỏ phiếu “Có”, lên án cuộc xâm lăng Ukraine của Putin, nhưng thật là khó ăn khó nói cho ta. Nói “Có” một cái là trước mắt thấy kẹt với hai đàn anh to tướng trên đầu, đâu phải chuyện chơi.

            Đàn anh thứ nhất không ai khác hơn là đại ca phương bắc, đang áp đặt xuống nước ta (cái này chỉ rỉ tai cho nhau nghe thôi đấy) thời kỳ Bắc thuộc lần thứ V. Ta sợ “anh ấy” một vành. Sợ từ trên xuống dưới, sợ từ trong ra ngoài, sợ từ trái qua phải. Lấy ví dụ cụ thể: Mỗi khi có một chiếc tàu ngó như tàu của đàn anh, tấn công tàu và ngư dân của ta ngoài biển Đông, ta cứ gọi đó là “tàu lạ” cho tiện việc, chỉ mặt đặt tên làm gì cho rắc rối về sau. Đến nỗi có bài báo “phản động” phải thốt lên một câu mà ta nghe cũng thấy nhột nhột ở gáy (người Huế kêu là “ốt dột”): “Tàu thì lạ, sự hèn hạ thì quen”! Nhất nhất, đàn anh làm cái gì thì ta cũng hụ hợ mà làm theo cái nấy, suy tính mần chi cho mệt, miễn không mang vạ vào thân là được rồi. Làm mất lòng đàn anh thì chỉ có thiệt, thà mất nước còn hơn là mất đảng!

            Đàn anh thứ hai cũng không khó gì mà nhận diện, ta đội lên đầu “đồng chí” này từ thuở còn mồ ma cái gọi là Liên Xô. Mối tình hữu nghị Việt-Xô này quả là độc nhất vô nhị trên cõi đời vô thường này. Tình hữu nghị Việt-Xô đời đời bền vững! Những ai yếm thế, thấy cái sắc sắc không không của cuộc đời, nghe câu này trước kia ắt phải bật cười: “Trên đời này làm gì có chuyện nào mà lại ‘đời đời’?!” Ấy vậy mà chuyện khó tin này lại có thật. Bởi chưng tuy Liên Xô đã chết mấy chục năm nay, nó đã luân hồi trở thành nước Nga độc tài ngày nay. Chết mà không chết. Chết mà vẫn là như đang sống là vậy đó.

            Tình yêu Liên Xô của “nhân dân” Việt Nam nó sâu xa, sâu sắc như bắt đầu tự thuở nào, không ai biết được. Ồ, không, thật ra nó bắt đầu từ khi thế giới biết đến hai chữ “cộng sản”, khái niệm và thực thể đã được đức Đạt Lai Lạt Ma diễn tả như sau: Cng sn là loài c di mc trên hoang tàn ca chiến tranh và là loài trùng đc sinh sôi ny n trên rác rưởi ca cuc đi.

Từ những ngày đầu tiên trong thế giới đại đồng, các thi nô, văn nô miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã viết không ngượng tay, nói không ngượng mồm những lời lẽ sống sượng, trơ trẽn như “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ. Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ” (Việt Phương). Chắc ngày nay con cháu cái nhà ông thi sĩ này không du học ở Trung Quốc mà đang nhởn nhơ ở một khuôn viên đại học ở Mỹ nào đó, để đêm đêm ngắm vầng trăng méo Huê Kỳ; trên tay đeo Rolex hay Omega thì ngó mới được con mắt, chứ đeo đồng hồ hiệu Vostok thì chả có em nào nhìn đến.

Có kẻ còn táo bạo, phản thiên nhiên, phản luân lý, phản ngôn ngữ học hơn, nói “Yêu biết mấy nghe con tập nói, tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin” (Tố Hữu). Cha mẹ ơi! Con nít mới biết nói thường gọi tiếng “Mẹ” hay “Má”, vì đó là người cho nó sự sống, cho nó dòng sữa ngọt ngào hằng ngày, mà cũng vì phụ âm /m/ là phụ âm dễ nhất cho người mới học nói, chỉ việc khép hai môi lại với nhau. Xít-ta-lin là cái tiếng chi chi, vừa đa âm, vừa có những phụ âm xa lạ, khó đọc. Nhưng mặc kệ, tình anh em xã hội chủ nghĩa đã vượt lên trên tất cả.

            Chưa hết, nhà thơ “thần đồng” Trần Đăng Khoa còn trìu mến Việt hoá nhà lãnh tụ vô sản Nga như thế này: “Ông Lê Nin ở nước Nga, mà em lại thấy rất là Việt Nam”! “Em” thiếu nhi quàng khăn đỏ này bị tẩy não quá xá, nay cũng ở độ tuổi “U70”, không biết đọc lại những vần thơ này có biết đỏ mặt không, hay “dây thần kinh ngượng” của ông ta bị đứt mất rồi..

            Vẫn chưa hết. Trong lúc các tượng đài Lê Nin đã bị giật sập ở khắp các nước Liên Xô cũ, kể cả ở nước Nga, thì tượng ông trùm cộng sản này vẫn còn sờ sờ ở công viên Thống Nhất ở Hà Nội (mới đổi tên lại vì thấy tên “Công Viên Lê Nin” có vẻ lộ liễu, vô duyên quá). Trước cảnh chướng tai gai mắt này, một nhà thơ vô danh bèn xuất khẩu “Ông Lê Nin ở nước Nga, cớ sao ông đến vườn hoa nước này?”

            Ngày nay, Nga là một trong những nước tiếp tế vũ khí quan trọng nhất cho quân đội cộng sản Hà Nội. Theo một bản tin của Reuters (2018), trong năm đó, Việt Nam cộng sản đã đặt hàng mua vũ khí và quân dụng của Nga với trị giá 1 tỷ đô-la. Việc buôn bán giữa hai nước cũng khá phát triển. Cũng theo Reuters, hai nước đạt tới khoảng 10 tỷ đô-la về mậu dịch song phương trong năm 2020.

            Còn quan hệ giữa Việt Nam cộng sản với nước Mỹ thì sao? Nếu ngày xưa khẩu hiệu “chống Mỹ cứu nước” đâu đâu cũng nghe thấy trên cửa miệng người miền Bắc, thì ngày nay, tuy không ai tiện nói ra, người nào cũng thấy cả nước Việt Nam đang “đón Mỹ cứu nước”. Tư bản đỏ ở Việt Nam xài đô-la chứ chẳng bao giờ biết đồng rúp của Nga là tròn méo ra sao. Qua rồi cái thời du học Liên Xô, bây giờ phải du học Mỹ, thậm chí phải cho con cháu định cư ở Mỹ để dễ tuồn của cải qua từ từ. Đi xe thì cũng xe Mỹ chứ chẳng ma nào lái xe Nga, có cho không cũng chẳng lấy. Đi ra phố thì ghé McDonald’s hay KFC ăn uống, hoặc vào H&M sắm quần áo, nhìn đâu đâu cũng thấy bóng dáng đế quốc Mỹ. Phim ngoại quốc thì cũng là phim “bom tấn” của Mỹ, chứ cấm có thấy cuốn phim Nga nào.

            Hoa Kỳ như một người yêu hào phóng, sẵn sàng cung phụng những nhu cầu vật chất lẫn tinh thần cho cô gái bán phấn buôn hương không biết sĩ diện. Nga thì như ông chồng già khó tính, đã lỡ duyên nợ với hắn ta thì cũng phải cắn răng mà chịu. Đói lòng ăn trái khổ qua. Nuốt vô thì đắng, nhả ra bạn cười. Lại còn thêm ông chồng đại hán nữa, thân này ví xẻ làm đôi, khổ không khác gì bà táo trong bếp. Nên nhất định phải bỏ phiếu cái kiểu lửng lơ con cá vàng. Mỹ đang dẫn đầu thế giới tự do lên án nước Nga, nhưng ta cũng không có gan dạ nào mà chạy theo Mỹ được. Bây giờ ta mới cám cảnh của Tôn phu nhân khi quy Thục, Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng.

            Còn quan hệ Việt Nam-Ukraine thì ra sao? Trong thời hoàng kim của chủ nghĩa cộng sản, tình nghĩa trong “phe xã hội chủ nghĩa” mới thắm thiết làm sao, nhất là lúc đó Ukraine đang thuộc về Liên Bang Xô Viết, có bảo kê đàng hoàng nên thân mật với Ukraine thì tha hồ yên chí. Mới đây thôi, quan hệ giữa hai nước vẫn còn khá mặn nồng về ngoại giao lẫn kinh tế.  Song le, lúc này không phải là lúc bênh Ukraine, phải bênh đúng nước, đúng phe. Ukraine là cái gì so với Nga, Tàu, Mỹ? Mỹ mà ta còn chưa dám theo thì hà cớ gì phải chịu thiệt thòi mà nhảy ra bênh Ukraine? Thôi thì ta cứ dùng ngôn ngữ ngoại giao chung chung, nói như con vẹt, kiểu “khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật quốc tế.” (đại sứ cộng sản Việt Nam phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, 1 tháng Ba, 2022). Cứ chờ khi nào Ukraine bình yên trở lại, lúc ấy, khi vui lại vỗ tay vào, ta sẽ lại tung hô hoà bình, ca tụng tình hữu nghị như ngày nào, có gì đâu mà phải bận tâm.

            Nhưng biết đâu ta có thể tính lầm! Nghĩ cho cùng, lá phiếu trắng, tuy… trắng tinh, lại nói nhiều hơn là hơn là hai lá phiếu kia. Nó tố cáo với mọi người là ta muốn nói “Có” mà không dám nói “Có”, muốn nói “Không” cũng không dám nói “Không”. Lá phiếu trắng là một thái độ để ngõ cho những chuyện trong tương lai, “khoán trắng” cho những thái độ của thế giới đối với ta trong những ngày sắp tới. Mai kia mốt nọ, giặc tàu đem quân vô xâm lăng thủ đô ngàn năm văn vật, ta hô hoán lên với thế giới, liệu ta có sẽ được 141 nước bỏ phiếu “Có” chống giặc Nga xâm lược bỏ phiếu chống tàu ủng hộ ta không? Lúc đó ta có khác nào Ukraine hay không? Hay lúc đó có “biết ăn nhạt mới thương đến mèo” thì e cũng đã muộn rồi.

            Nói của đáng tội, ngày trước ta cũng hào hiệp, cũng anh hùng mã thượng lắm chứ, nhưng đó là sự hào hiệp, sự anh hùng có tính toán, có chỗ chống lưng. Chả là khi Liên Xô xâm lược Afghanistan trong thập niên 80, chẳng phải ta đã từng anh dũng hò hét bênh vực chính phủ thân cộng tại đây—dưới danh nghĩa là bênh vực nhân dân Afghanistan—, say sưa qua lời ca tiếng hát “Afghanistan! Afghanistan! Chúng tôi ở bên bạn!”.

            Nhưng lúc này, buộc lòng ta phải bỏ phiếu trắng. Tuy nhiên, ta có biết đâu rằng lá phiếu trắng này cũng giống như tờ giấy có tẩm hoá chất, hơ lên lửa mới thấy có nét viết bằng một loại mực đặc biệt, đọc ra thấy một chữ HÈN to tướng. Ta bây giờ hèn hơn cả Cam Bốt! Chính quyền xứ chùa tháp cũng lệ thuộc vào Trung Cộng mà vẫn còn can đảm để hoà giọng vào bản đồng cả nhân quyền và hoà bình của nhân loại. Ta hèn hơn cả Miến Điện, tuy mang tiếng là một chính quyền độc tài, cũng đã hiên ngang bỏ phiếu lên án tên đồ tể Putin.

Nhưng ta phải hèn mới mong sống sót. Tội gì phải ra mặt, cứ lập lờ đánh lận con đen đi, cứ đu dây giữa những thế lực lớn như ngày xưa đã từng đu dây giữa Liên Xô và Trung Cộng trong chiến tranh Việt Nam đi. Nhưng chắc ta chưa chịu hiểu rằng cái trò đu dây trong kỷ nguyên chiến tranh lạnh đó ngày nay không còn hợp thời nữa. Thời thế đã thay đổi rồi. Bây giờ ta hãy cứ tạm nhơn nhơn, thấy nước ta “chưa bao giờ to đẹp, đàng hoàng như hôm nay” cái đã. Như lời của một lãnh tụ miền bắc có ní nuận đã có lần huênh hoang tuyên bố “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang toả sáng ở Việt Nam”.

            Ta còn hèn hơn cả chính người dân của ta. Chính quyền không dám lên tiếng chống đối quân Nga xâm lược trên trường quốc tế, nhưng trong nước đã có hàng trăm người ký tên vào lá thư ủng hộ quốc gia và người dân Ukraine trong thời điểm căng thẳng hiện tại. Một số người đại diện đã mang lá thư ủng hộ có hằng trăm chữ ký này đến tận toà đại sứ Ukraine để trao cho viên đại biện lâm thời ở đó.

            Có thể cộng đồng thế giới sẽ trách ta là kẻ xu thời phụ thế, nhưng điều tréo cẳng ngỗng ở đây là ta làm chuyện này như kẻ lội ngược dòng, đi theo thiểu số chứ không đi theo đa số, không go with the flow. Tuy vậy, kẻ hèn cũng có cái lý của hắn. Ta phải hèn thì mới mong sống qua con trăng này, dù biết đoạn đường trước mắt cũng chông gai ghê gớm. Nếu mai này Trung Cộng thôn tính Đài Loan, ta sẽ biết nói sao đây? Lên án họ thì… thà chết còn hơn, mà ủng hộ họ thì có khác chi ngỏ lời mời họ sau đó hãy cứ đường hoàng mang quân nam tiến về đất Thăng Long để “dạy cho Việt Nam một bài học”, cho rằng đất An Nam cũng là một phần trong đại gia đình Hán tộc thì sao?

            Ta hèn, nhưng mà hèn có chính nghĩa, vì sự sống còn của đảng, còn sự sống còn của đất nước và dân tộc chỉ là thứ yếu. Ta chỉ biết một điều duy nhất là còn đảng thì còn mình. Và ta chỉ mong sao cho biến động lịch sử  này sẽ nhanh chóng qua đi, mong cho thế giới mắc bệnh mau quên, không còn nhớ lá phiếu trắng của ta vừa bỏ nữa. Đến lúc đó, ta sẽ lại anh dũng sánh vai cùng cộng đồng nhân loại, chia nhau thức ngủ để canh giữ cẩn thận cho nền hoà bình thế giới.

 

Trần C. Trí

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Năm 20198:54 CH(Xem: 19826)
Cù Huy Cận sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919 tại xã Ân Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình trung nông lớp dưới. Bố Huy Cận đậu tam trường làm hương sư ở Thanh Hoá, sau về quê dạy chữ Hán và làm ruộng. Mẹ Huy Cận là cô gái dệt lụa làng Hạ nổi tiếng ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ.
24 Tháng Tư 201911:02 CH(Xem: 20807)
Nhà báo Pháp Paul Dreyfus là một trong 25 nhà báo Pháp có mặt tại Sài Gòn vào giờ phút cuối cùng của tháng Tư năm 1975. Trong cuốn sách của mình với tựa đề "và Sài Gòn sụp đổ" (Et Saigon tomba - Collection Témoignages 1975), tác giả đánh giá sự kiện Sài Gòn thất thủ là sự kiện 'quan trọng nhất' với hệ thống cộng sản châu Á sau cuộc tiến vào Bắc Kinh năm 1949 của Mao. Ông thuật lại những cảm nhận cá nhân qua những lần tiếp xúc với đại tướng Dương văn Minh, tổng thống cuối cùng của miền Nam, theo giới thiệu sau qua lời dịch của nhà báo Phạm Cao Phong từ Paris: Theo Paul Dreyfus, tướng Minh là "một người minh mẫn và nắm vững tình hình". Những tâm sự của tướng Minh thời điểm đó mang lại một cách đánh giá đa chiều về nhân vật gây nhiều tranh cãi.
17 Tháng Tư 20197:44 CH(Xem: 20543)
Tám bài thơ viết về Khuất Nguyên hoặc có liên quan tới Khuất Nguyên mà chúng tôi đã/ sẽ khảo sát đều được đại thi hào Nguyễn Du viết khi chu du trên sóng nước Tiêu Tương, vùng Hồ Nam - nơi nổi tiếng với “Tiêu Tương bát cảnh” từng thu hút cảm hứng vô hạn của bao thế hệ văn nhân, nghệ sĩ Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam…
08 Tháng Tư 20199:47 CH(Xem: 19290)
Khoảng thời gian ba thế kỉ XVII-XVIII-XIX là thời thịnh của thể loại truyện nôm. Các nhà văn thời này đều có chấp bút và đã lưu lại nhiều tác phẩm văn chương lôi cuốn nhiều thế hệ người đọc. Truyện Phan Trần là một truyện nôm ra đời trong thời kì này, cụ thể là khoảng cuối thế kỉ XVIII, trễ lắm là đầu thế kỉ XIX.
02 Tháng Tư 201910:27 CH(Xem: 21959)
Cũng như hai bài thơ Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu đã khảo sát ở phần I, trong các bài thơ còn lại về chủ đề này, Nguyễn Du vẫn say mê trò chuyện, luận bàn, thậm chí tranh cãi với Hồn oan nước Sở từ hơn hai ngàn năm, như hồn đang hiển hiện quanh quất bên mình, trên dòng sông lịch sử tựa một nấm mồ lớn đang vùi lấp thân xác của một con người tri âm tri kỷ đặc biệt đối với ông.
09 Tháng Ba 201910:26 CH(Xem: 22922)
Hơn hai trăm năm trước, trong một cuộc “Bắc hành”, đại thi hào Nguyễn Du đã viết tới tám bài thơ chữ Hán về Khuất Nguyên hoặc có liên quan tới Khuất Nguyên. Trong “tòa lâu đài” thơ chữ Hán Nguyễn Du (Mai Quốc Liên), có một mảng thơ rất quan trọng là nói về các danh nhân văn hóa - lịch sử, đặc biệt là về các bậc thầy văn chương Trung Hoa. Tám bài thơ nói trên mà chúng tôi sẽ khảo sát có trữ lượng suy tưởng - cảm xúc cực kỳ phong phú, sâu sắc, cho thấy cả trái tim lớn của đại thi hào nước Việt dành cho một nhà thơ-nhà ái quốc vĩ đại của Trung Hoa cổ xưa, đồng thời thể hiện bút pháp siêu việt của Nguyễn Du trong khả năng khám phá chiều sâu tâm hồn bản thân lẫn đối tượng miêu tả, trong sự sáng tạo về nghệ thuật ngôn từ của một nhà văn-nghệ sĩ Việt Nam kiệt xuất thời Trung đại.
05 Tháng Ba 20198:59 CH(Xem: 22781)
Huế là xứ thơ. Có lẽ do các yếu tố lịch sử, phong cảnh và nếp sống, vùng đất sông Hương núi Ngự là nơi sản sinh ra nhiều nhà thơ – cả nổi tiếng lẫn khét tiếng. Nếu kể hết tên, chắc chắn sẽ thiếu sót. Bài này chỉ viết lơn tơn – không phải với mục đích phê bình văn học hoặc tài liệu giáo khoa gì ráo – về hai tác giả mà cuộc đời và sự nghiệp có những liên hệ oái oăm về thân tộc và chỗ đứng của họ trên văn đàn và trong lòng độc giả.
24 Tháng Giêng 201911:51 CH(Xem: 21045)
Lâu nay, trong tiếng gào khóc của người dân oan khắp ba miền đất nước, hoà trong nước mắt bao giờ cũng có những kể lể, trách mắng, đầy phẫn uất với tiếng “nó”: nó đến kìa; nó rình rập; nó ác lắm;… hay chúng nó tàn nhẫn lắm!
03 Tháng Giêng 201911:15 CH(Xem: 27164)
Chữ Nghiệp mang sắc thái đạo Phật đó được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, văn học phân tích khá kỹ lưỡng, xoay quanh thuyết Thiên mệnh hay Định mệnh, thuyết Nghiệp báo - Nhân quả chủ yếu để nói về thân phận nhân vật nàng Kiều. Nhưng thiết nghĩ, hai câu thơ ấy, đầu tiên phải vận dụng ngay cho chính tác giả của nó. Cái Nghiệp đó, đối với Nguyễn Du, từ thời trai trẻ, đã được ông coi như “án phong lưu” mà ông phải tự nguyện mang tới suốt đời! (Phong vận kỳ oan ngã tự cư)(2). Nghiệp gì vậy? Có điều gì hệ trọng và thống thiết buộc Nguyễn Du phải bật lên lời tự vấn về giá trị sự tồn tại của ông trong cõi đời phù du này khiến nhiều thế hệ người Việt Nam phải xúc động và gắng tìm hiểu nguyên do: Trước khi chết còn lo mãi chuyện nghìn năm (Thiên tuế trường ưu vị tử tiền. Mộ xuân mạn hứng) - Không biết hơn ba trăm năm sau, Thiên hạ ai là người khóc Tố Như? (Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. Độc tiểu thanh ký).
14 Tháng Mười Hai 201810:00 CH(Xem: 27768)
Này nhé, lấy cảm hứng, phỏng theo, hay gì gì đó mà không ghi nguồn thì tức là cầm nhầm bài thơ, dù có biện hộ thế nào đi nữa cũng nói lên "đạo đức và tư cách " của cái việc cầm nhầm. Tài năng như khói, danh vọng như mây, nếu không muốn thiên hạ biết thì đừng có làm như cố tình quên.