- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mênh Mông Chật Chội, Chật Chội Mênh Mông

27 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 82128)
lainguyenanChuyện một cơ quan chức năng ở địa phương nọ yêu cầu kiểm điểm một nhà văn đang cư trú tại địa phương mình vì nội dung một tác phẩm mới xuất bản của nhà văn ấy, chẳng hiểu sao cứ từng lúc từng lúc gợi thức trong tôi nhiều việc cũ, nối lại nhiều suy nghĩ vẫn bỏ dở, những điều tưởng chừng rất ít liên quan nhau.

Mươi năm trước, lần đầu tới một thành phố miền Trung, tôi đã tò mò muốn hỏi xem tại thành phố này liệu có còn “nhà văn đô thị” nào (nghĩa là nhà văn từng nổi tiếng trong văn học đô thị miền Nam trước 1975) sống ở thành phố này không? Một cán bộ trong ngành văn hoá nói với tôi theo cách nói suồng sã giữa những người thân quen : “Không còn ai đâu ông, ai không di tản ra nước ngoài thì cũng đã chạy vào sống ở Sài Gòn rồi. Ông tính, siết con người ta như kiểu tuyên huấn nhà mình thì anh nhà văn cũ nào mà sống nổi ở địa phương?”

Quả thật, chính câu trả lời rất ư “nội bộ” của người cán bộ lớp trước ấy đã góp phần thúc đẩy tôi dần dà tự tìm lời giải cho mình về tình trạng cư trú của giới nhà văn xã hội chủ nghĩa thời những năm 1950-90 : số rất đông sống ở thủ đô hoặc thành phố lớn; chỉ những nhà văn tiềm năng, nhà văn chưa nổi tiếng, hoặc phải là nhà văn lớn, rất có uy tín mới dám sống ở tỉnh lẻ. Chẳng đâu xa, đó cũng là đặc điểm về cư trú của giới nhà văn Việt Nam sống ở miền Bắc trước 1975 : tuyệt đại đa số đều tìm cách để được về sống thường trú tại Hà Nội.

Mà không riêng gì giới nhà văn, số đông cán bộ, học sinh, sinh viên, thậm chí thường dân thời ấy, đều thích được sống và làm việc ở Hà Nội, đô thị lớn duy nhất tính từ Mục Nam Quan đến sông Bến Hải. Trong dân gian bảo nhau: “Giàu nhà quê không bằng kéo lê kẻ chợ”, đến thời ta dân gian thay “kẻ chợ” bằng “Hà Nội”. Riêng những người làm việc trong khu vực nhà nước hồi ấy giải thích với nhau rằng ở Hà Nội thì được thêm phụ cấp đắt đỏ 12%, rồi hàng hoá lương thực thực phẩm ở Hà Nội dù sao cũng sẵn và nhiều hơn các nơi khác, kể cả hàng hoá trong cung cấp lẫn ngoài chợ đen. Trong giới trẻ thời ấy sau lúc ra trường nếu gặp lại nhau mà có ai bảo rằng mình đang ở Hà Nội, thế nghĩa như là người ấy đã có một điểm thành đạt hơn bè bạn. Những năm 1970 tôi dạy học ở một nơi cách Hà Nội sáu chục cây số, những hôm gần đến ngày thứ bảy lại nghe tiếng mấy cô học viên hỏi ông bạn giáo viên phòng bên : “Mai về Hà không thầy ?” “” đây là nói lóng về Hà Nội. Ngày thứ bảy thời ấy đã đi vào thành ngữ của giới viên chức “cắt cơm bơm xe nghe thời tiết liếc đồng hồ vồ xe đạp... ”, hai ba giờ chiều còn bụi đỏ đầy mình, cắm cúi trên đoạn đường Sơn Tây hay Đáp Cầu, tám giờ tối đã áo quần sạch sẽ cùng vợ hoặc bạn gái tề tựu tại vườn hoa Chí Linh cạnh Bờ Hồ nghe những Quang Hưng, Bích Liên, Vân Khánh, Thanh Huyền, Kiều Hưng hát, – không phải những bài hát nào khác mà chính những bài hát mình vẫn thường nghe qua đài! – sáng chủ nhật gắng qua vườn Cổ Tân xếp hàng uống tại chỗ hoặc mua về nhà mấy “vại” bia hơi, rồi chiều chủ nhật lại trên xe đạp ngược chiều đường hôm trước. Ấy là một trong những niềm vui đời thường nho nhỏ thời ấy. Hình như chẳng ai gắng cắt nghĩa đến nơi đến chốn xem vì sao người sống ở miền Bắc thời ấy thích sống ở Hà Nội và thường thích khoe là mình đã ở Hà Nội, mình thông thạo đời sống Hà Nội, hệt như sau 1975 người ta thích khoe là đã đến Sài Gòn, đã sống ở Sài Gòn, khoe như là khoe một cái “hơn đời” của mình. Trên những nẻo đường sơ tán, đôi khi người ta lặp lại cái cảm giác lạc vào “u tì quốc” và “thiếu chân giời” của những Xuân Diệu, Nguyễn Tuân những năm 1940-50 và nhân đấy nghĩ đó là lý do để mình thiết tha với một nơi đủ đầy rộng lớn như Hà Nội. Nhưng ngẫm ra đó vẫn chẳng phải lý do thực sự. Những ai tự coi mình như “người Hà Nội”vẫn thường bị vặn hỏi : đất Hà Nội có gì hơn nơi khác mà các anh thiết tha với nó đến vậy? Một câu hỏi rành rọt nhưng hầu như không tìm được lời đáp rành rọt!

Hai anh bạn tôi quen thường qua tai tôi để tranh cãi với nhau. Một người chỉ đặt chân lên đất Hà Nội khi tuổi đã ngoài 20 mà nay cả nhà đều thành đạt giàu sang, thường qua tôi để “ra đề” cật vấn anh bạn còn lại : Các ông cứ tự hào là “người Hà Nội” chứ ta chỉ thấy người Hà Nội gốc làm tạp dịch phu phen bưng bê...; đến đây và làm nên quan to chức lớn trên đất này bao giờ cũng là người nơi khác! Anh bạn thứ hai, bố mẹ ra đây từ sớm và sinh ra anh trên đất Hà Nội này, tình cảnh anh giờ cũng thường bậc trung nên gần tôi hơn, cũng qua tôi đáp lại như thách thức : Nhưng cả các quan lớn lẫn con cháu họ rốt cuộc đều “thị dân hoá” cả loạt đấy thôi; đời trước từ xa đến còn là chính trị gia, văn nghệ sĩ tầm cỡ, khát vọng, lý tưởng không lớn thì cũng đáng kể, đời sau lớn lên ở đây chỉ rặt phường giá áo túi cơm, không mặt nạc đóm dày, xôi thịt như con em giới chức nhà quê thì cũng chỉ ham vui ham hưởng lạc, có quan tâm đến thời cuộc thì cũng chỉ là sáng sáng để ý xem phải treo cờ màu gì nói theo giọng ai rồi thì mải đi đánh quả kiếm tiền để tận hưởng mọi lạc thú trên đời, không từ những lạc thú tệ hại nhất! Hà Nội nó thị dân hoá, “hà-nội-hoá” các vị như thế đấy! Sao không gồng mình gồng cả con cháu mình lên, tống chúng nó về lại vùng sâu vùng xa quê cha đất tổ mà rèn chí luyện tài dồi mài kiến thức để nay mai tiếp tục làm chính khách to làm nghệ sĩ lớn?!... Chà chà, những đối đáp bất tận!...

Có một cảm tưởng hầu như đồng nhất ở nhiều lớp người khác nhau ở nhiều thời khác nhau mà mãi về sau tôi mới nhận ra, ấy là cảm tưởng xem Hà Nội hầu như là điểm đỗ lý tưởng của bất cứ ai muốn trốn tránh một sự vụ nào đó, một tai nạn nào đó. Những năm 1950, không ít những học sinh trung học ở miền trong, khi gia đình bị quy thành phần địa chủ phú nông, đã lặng lẽ tìm ra Hà Nội, vừa làm thêm đủ nghề bán báo đánh giầy gia sư..., vừa theo học đại học vừa viết báo viết sách, và đến những năm 1980 thì trở thành giáo sư đầu ngành, về thăm quê Thanh Nghệ dẫn theo cả đám môn sinh ồn ào sặc sỡ và đủ loại phóng viên. Giới quản lý thành phố biết rằng dân sự ở Hà Nội đây là “phức tạp” nhất nước, chính quyền đô thị từ chỗ ban đầu chỉ có hai cấp (thành phố và khu phố tức là quận) đến chỗ phình lên thành ba cấp (thành phố, quận, phường) với bộ máy càng ngày càng đông chức dịch nhân viên. Nhưng trong dân sự người ta hiểu: gì thì gì, ở thành phố lớn vẫn có nhiều khoảng rộng rãi nhất, có thể nói là nhiều tự do nhất. Trong thời chiến, người ta tán phét với nhau rằng cả “giặc lái” lẫn “biệt kích”, nếu thâm nhập được miền Bắc mà muốn nằm yên không bị phát hiện thì chỉ có nước vào Hà Nội! Chuyện bàn tán với những tin tức vu vơ chẳng biết thực hư ra sao, nhưng hồi những năm 1970, một lần tình cờ đi cùng người bạn mang thư và quà tới một nhà trong một ngõ phố ở mạn Bạch Mai, tôi bất ngờ gặp một lão “khựa” không nói được tiếng Việt nào hình như vừa mới tới đây, sau hỏi ra thì đúng là một nạn nhân của cách mạng văn hoá phương Bắc vừa đến tạm trú trên đất Hà Nội! Tất nhiên giữa biển người Việt vốn rất nhạy để nhận ra những gì “dị chủng”, “khác máu tanh lòng” thì người nước ngoài đến đây rất dễ bị phát hiện nên chuyện vừa kể là chuyện hiếm. Dễ gặp hơn là chuyện người tỉnh xa bị sự cố tìm về thành phố nương náu. Tôi có biết một cặp, một cô thợ dệt và một viên sĩ quan, thuê nhà trong một xóm ven nội. Đó là hồi cuối những năm 1960. Họ quấn quýt nhau lắm, nhưng khi cô thợ dệt sắp sinh con thì viên sĩ quan nọ biến mất. Sau được biết anh ta đã có vợ có con; chị vợ cả là cán bộ phụ nữ vùng Thanh Nghệ, đã hành động rất bài bản : đầu tiên là đòi đơn vị bộ đội buộc anh và ả phải ra toà huỷ cái hôn ước sai trái, tiếp theo là đòi đơn vị “kỷ luật” anh ta, cho anh ta về phục viên với gia đình vợ con; đến lúc vị quân nhân buộc phải về quê làm dân thường rồi thì bà chính thất mới tuyên bố với họ hàng nhà chồng và chính quyền địa phương rằng bà quyết định ly hôn anh chồng bội bạc! Vợ con không nhìn nhận, ở quê không còn chốn nương thân, viên cựu sĩ quan lại mò ra Hà Nội làm thuê làm mướn độ thân và sống theo kiểu không hôn thú với cô thợ dệt vốn là “người cũ”của anh. Nhìn viên cựu sĩ quan đã thành người phu khuân vác ở cảng sông, nhiều lúc tôi tự hỏi : nếu không có không gian thành phố, chẳng biết người cựu quân nhân bị cả đơn vị lẫn gia đình ruồng bỏ kia có thể sống ở đâu trên đất nước này?

Một anh bạn hoạ sĩ có câu giải thích mang tính triết lý : “Chỉ những giòng sông lớn mới chứa được rác bẩn!” Nếu ta tính trong cái đa tạp mà thành phố lớn chứa đựng có những thành phần bất hảo, dưới đáy xã hội, tức là “rác bẩn” mà giới quản trị thành phố, dù không thể ưa thích nhưng cũng không thể trục xuất hay trừ khử, tức là buộc phải dung chứa, phải chấp nhận cho tồn tại, – có lẽ thời đó ở miền Bắc chỉ đô thị Hà Nội là có cái chất “giòng sông lớn” ấy chăng? Và chúng tôi, bọn người tứ xứ, với hàng ngàn cơ hội hay dở khác nhau đã tụ về nương náu chốn này, chẳng qua là vì nó có chút xíu tự do hơn nơi khác? “Tình yêu Hà Nội” của người sống ở miền Bắc thời đó có lẽ chỉ là sự diễn đạt “tình yêu tự do”, một thứ tình cảm tuy phổ quát nhưng từng người mang nó vị tất đã ý thức được thật rành rẽ.

Ngẫm ra con người ta vừa cần cộng sinh, cần sự trợ giúp của cộng đồng, lại cũng cần khoảng cách nhất định với chính cộng đồng mà mình chung sống. Nguyễn Minh Châu có lần ví con người với những con nhím : dù ở cạnh nhau vẫn cẫn một khoảng cách để khi xù lông lên vẫn không chạm phải nhau. Đối với đời sống cá nhân con người, kiểu cộng đồng họ hàng làng xóm ở thôn quê vị tất đã là đáng ưa thích hơn so với kiểu cộng đồng mà bề ngoài chỉ như là “nhà ai nấy biết” ở chốn đô thị.

Cộng đồng thôn quê thường chỉ thừa nhận con người trong các vai trò theo thứ bậc ở đại gia đình và giòng họ, ngoài ra là một số rất ít những vai của “xã hội” làng xã : các bề trên về tuổi tác (các bô lão) hoặc chức quyền ( lý trưởng, phó lý, trương tuần, cạnh đó là những vai “cựu” tương ứng, dù hết chức quyền vẫn còn chút oai hơn so với dân thường) hoặc các trưởng họ...; dân thường là “tứ dân” tức là xét theo 4 loại (nghề) sĩ nông công thương; cũng trong thường dân nhưng bị coi là thấp hơn gồm những người ngụ cư, người làm những việc bị coi là thấp hèn ( mõ làng, quét chợ...,); ở làng xã cũng có thành phần “bất hảo” ví dụ đám du thủ du thực, trộm cướp chuyên nghiệp, có thể có gốc gác quê quán ở đây nhưng sống kiểu “bán trú”, ngoài vòng pháp luật, dù chính quyền làng xã có thể kiểm soát ít nhiều. Đôi khi, do định kiến, người làng xã tính vào hạng “bất hảo” cả những phụ nữ chửa hoang, những người bị bệnh phong cùi, v.v... Đặc điểm của cư dân làng xã là từng cá nhân đều được định rõ danh phận; con người ở đây là “con người chức năng” trong các quan hệ tông tộc hoặc “xã hội” làng xã (trong tiếng Việt không có các đại từ nhân xưng đích thực, mà thường phải mượn các danh xưng chức năng tông tộc như anh, chị, em, cô, chú, bác, ông, bà, cụ, v.v... có lẽ là bởi điều này) mọi hành vi của “con người chức năng” đều được kiểm soát và đối chiếu với danh phận của nó : hành động phù hợp danh phận sẽ được biểu dương, hành động không phù hợp danh phận sẽ bị lên án thậm chí trừng phạt, nhân danh đạo lý và trật tự làng xã.

Kẻ sĩ dù được kể đầu tiên trong tứ dân vẫn chỉ là dân; kẻ sĩ lang bạt ra thiên hạ kiếm sống, dù lập được danh mà không thành quan, trở về làng khi có việc nhà vẫn phải lụy đám chức dịch làng xã. Hãy nghe Trạng Quỳnh khấn thổ thần làng mình :

“Chú là kẻ cả trong làng

Ta là người sang ngoài nước

Đôi bên chức tước

Chẳng kém gì nhau

Vì vợ tớ đau

Phải ra khấn vái ...”

Thổ thần tức là phiên bản “tâm linh” của chức dịch làng xã sở tại; kẻ sĩ không thành quan dù có mạo xưng “người sang ngoài nước” để nạt rằng ta chẳng kém mi, tựu trung vẫn phải đà lụy, nhờ vả đám chức dịch làng quê.

Trong nghề làm sách, dăm bảy năm trước tôi từng biết một cây bút nông dân “nằm lỳ” ở quê vùng Nam Định viết được một cuốn tiểu thuyết, in ra, ban đầu được khen là ngồn ngộn chất sống, nghe nói quê hương tự hào lắm vì có anh ta; nhưng rồi người ta bới ra được những lỗi đụng chạm đến thần tượng hoặc uy tín nào đó, thế là cơn phê phán nổi lên, mà dư luận tại quê hương anh ta lại là gay gắt nhất!

“Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người!”

Người ta cứ việc hát như thế mà không để ý đấy là một câu rủa sả, đe nẹt ! Buộc phải nghe lời rủa lời đe nặng nề ấy, nhiều khi tôi muốn cãi : Sự thực lại là đã có biết bao nhiêu lớp người chỉ thành danh thành người được khi đã ra khỏi quê hương. Lại cũng phải nói: quê hương không chỉ đáng yêu, quê hương còn đáng sợ, đáng ngại, đáng ghét nữa chứ, trong mọi trạng thái tâm lý của mọi loại người?

Ai đã đọc Hemingway hẳn nhớ một truyện ngắn ông tả một anh lính sau chiến tranh về làng, bỗng thấy làng cũ của mình xấu xí đến nỗi chỉ có thể bỏ nó mà đi! Nguyễn Minh Châu cũng có truyện ngắn tả anh lính xa nhà lâu ngày, hình ảnh quê hương như đồng nhất với hình ảnh cô thôn nữ xinh xắn anh hằng thầm yêu trộm nhớ; nỗi sầu xứ đã đưa anh trở về ngôi làng cũ tan hoang sau chiến trận, để rồi anh phải thất vọng khi nhận ra “cố nhân” trong hình hài một mụ bán cá xiêu vẹo chao chát tanh tưởi!

Tìm đâu dễ một hồn thơ tài tình và tha thiết với đề tài quê hương như Nguyễn Bính? Nhưng sau quãng đời tha hương, đến quãng hồi hương mới thật ngậm ngùi làm sao! Mà gần như ông bị buộc về quê như cách đi “an trí” chứ đâu phải ông muốn về? Nhà thơ nổi danh khi ra ngoài thiên hạ, lúc về lại quê hương lại là lúc thân bại danh liệt; sự vinh danh chỉ trở lại 20 năm sau khi ông đã lìa đời! Cứ theo tình cảnh cuối đời của hai tài thơ đất Bắc là Tản Đà và Nguyễn Bính thì phải cay đắng mà kết luận rằng: chừng nào người đời tránh xa, quê hương ruồng rẫy, – ấy là thời điểm một thiên tài được xác nhận!

Nếu ở thôn quê con người bao giờ cũng được định danh thì ở đời sống đô thị, con người không phải bao giờ cũng hữu danh. Thậm chí có thể nói yếu tố vô danh (hoặc ẩn danh) hiện diện thường trực trong các quan hệ con người ở chốn đô thị. Anh chàng thi sĩ dù gắng kiếm tìm âm hao một “bóng hồng” từng thoáng qua mắt mình mà không dễ quên thì cũng chỉ có thể trở lại đúng nơi chốn cũ mà hỏi bâng quơ : “Cô gì hôm ấy lấy chồng hay chưa ?” (thơ Nguyễn Duy). Nếu một mặt, tính vô danh của con người nơi đây khiến các quan hệ chốn đô thị luôn ẩn chứa rủi ro, buộc người ta phải trù định những điều kiện ràng buộc, những ứng xử theo phương châm “cưa đứt đục suốt”, “tài tượng phân minh” nhằm hạ thấp mức độ rủi ro; thì mặt khác, tính vô danh lại là tấm áo giáp vô hình mà hữu dụng che chắn cho cá nhân, cả về các liên hệ dân sự thực tế lẫn về tâm lý, khỏi con mắt tọc mạch của người ngoài. Cá nhân vừa mạnh mẽ lại vừa yếu đuối. Đời sống cá nhân người ta có không ít điều không nên, không buộc phải cho người khác biết. Người ở số nhà bên cạnh, người ở căn hộ bên cạnh không cần phải biết họ tên, nghề nghiệp, nhiệm sở của bạn; sự “không biết” đó là khoảng tự do dành cho nhau giữa những “người dưng” nơi đô hội. Phải thừa nhận rằng về mặt bảo vệ tự do cá nhân và bí mật riêng tư thì không gian đô thị tỏ ra tốt hơn không gian làng xã, và ngay giữa các đô thị thì đô thị lớn tốt hơn đô thị nhỏ. Có lần, đến tận nơi một thành phố cao nguyên mà không thể gặp anh bạn nhà văn, bọn tôi đành gửi lời nhắn anh rằng : nếu ông ở Hà Nội hay Sài Gòn thì ai mà “phong toả” nổi ông?

Giữ lấy cho mình tự do cá nhân và bí mật riêng tư là nhu cầu phổ quát của mọi người sống trên đời, không riêng gì văn nghệ sĩ. Có một điều thoạt nhìn thì hơi trái ngược nhưng chẳng có gì khó hiểu lắm là khá nhiều người đã nổi tiếng trong hoạt động văn học nghệ thuật, đã quen tên quen mặt trên báo trên đài trên tivi, nhưng ở nơi mình cư trú lại muốn yên thân, muốn được coi như người vô danh không ai biết đến. Cá nhân con người vốn rất cần những không gian và thời gian chỉ một mình mình biết mình làm gì với ai ở đâu. Người đang sáng tác thường có nét tâm lý là rất ghét bị nhòm ngó từ gần hoặc từ xa, có lẽ vì sáng tác là hành vi rất mực cá nhân (ngay người thưởng thức nghệ thuật, dù đang ngồi sát cạnh những người khác trong rạp trong khán phòng thì hành vi thưởng thức cũng là một mình thế giới nội tâm từng người đối mặt với các dữ kiện đang diễn ra trên sân khấu hay màn ảnh trước mắt chứ không phải là người nọ tiếp nhận hộ người kia; hành vi tri giác bao giờ cũng là hành vi cá nhân).

Không phải ai cũng có thể sống và làm việc chỉ một mình, mình với mình hoặc với thiên nhiên. Người thường không dễ thích sống một mình, dù chỉ là những thời gian đơn độc dành để bồi bổ tri thức, thưởng ngoạn nghệ thuật hay dưỡng dục nhân cách. Ở các thành phố và cả các miền quê đang diễn ra một hiện tượng đáng quan sát, ấy là khi người ta có cơ hội làm được cơ ngơi bốn năm tầng với hàng chục phòng, nhưng “tân gia” được ít lâu thì mọi người trong nhà lại ít ở phòng riêng mà thường tụ tập về một phòng nào đó, căn phòng ấy mặc nhiên diễn lại cái quá khứ cả nhà chỉ có vẻn vẹn một phòng, người ăn cơm người xem tivi người chuyện vãn người ngáp vặt người ngủ gật người lọc xọc điếu cày, trong khi một loạt phòng khác đóng cửa phủ bụi! Sống bầy đàn có vẻ dễ hơn sống đơn độc; phải có nội lực, có văn hoá mới có thể sống đơn độc. Ở nước Nga trước trong và sau thời xô-viết vẫn luôn có những phụ nữ không lập gia đình, sống với những công việc buồn tẻ nhưng có ích lâu dài cho người đời ví dụ soạn từ điển, làm chú giải các tác phẩm kinh điển của văn học nước mình hoặc văn học các nước khác.

Có một điều không nên lảng tránh là các cá nhân trên đời, trong từng cộng đồng nhỏ hoặc cộng đồng lớn, – các cá nhân ấy có quy mô không ngang nhau. Tôi nói “quy mô cá nhân”, “tầm cỡ cá nhân” không theo cách nhà lý luận mà theo cách người quan sát đời sống.

Tôi nhớ, khi nói về Tản Đà những năm cuối đời, một ký giả từng nhận xét trạng thái của ông giữa những người khác là “kềnh càng”. Hiểu theo nghĩa trật tự giao thông ngày nay thì từ này trỏ phương tiện giao thông chở hàng cồng kềnh quá khổ quá tải; tức là nói “kềnh càng” là nói kích cỡ lớn hơn chiếm không gian nhiều hơn kích cỡ thường. Một con người tài năng với những thành tựu nhất định cộng thêm một vài cá tính nhất định sẽ mặc nhiên mang kích cỡ khác người thường dù thân hình thật của con người ấy vẫn ngồi lọt vừa trong một chiếc ghế thường. Chính cái kích cỡ “tinh thần”, “tính cách” của con người ấy mới là vấn đề cho những người xung quanh. Nếu người dân thường, nhất là thị dân, cứ việc vỗ tay xúm vào tung hô công kênh nếu thích ai đó “tầm cỡ”, hoặc lùi ra xa “mặc kệ nó” nếu không thích; thì giới chức dịch “nghĩ mình phương diện quốc gia” lại dễ xem sự hiện diện con người tầm cỡ khác thường trong khu vực mình quản trị là vấn đề không đơn giản. Giới chức dịch các xứ sở dân chủ lâu đời đã quen ứng xử với xã hội dân sự; cách quản trị của họ đảm bảo cho các cá nhân dù kềnh càng đến mấy cũng đặt vừa trong xứ sở ấy; ông Solzhenitsyn kềnh càng đến độ xã hội xô-viết phải trục xuất, vẫn đặt vừa vào đất Hoa Kỳ mà chẳng cần đặc cách hay ngoại lệ gì, dù sống nơi đất lạ cũng chỉ để tiếp tục làm Solzhenitsyn đến cùng mà thôi! Chứ còn như ở nơi nghe nói là sạch nhất thế giới là đất Singapore thì có người đến đấy trở về bảo rằng người thường sống được chứ người tài không sống được nơi ấy; nếp sống đất ấy vẫn thừa những cố chấp mà lại vẫn thiếu độ khoan dung cần thiết, không thể đẻ ra và dung dưỡng được thiên tài! Tôi chưa đến đất ấy dù chỉ một giờ, nên chỉ có thể ghi lại nhận xét của người khác!

Ta hãy đem vấn đề “quy mô cá nhân” trở lại “xã hội” làng xã để luận xem một nhà văn, một nghệ sĩ thời nay có thể tồn tại ra sao ở không gian vẫn cũ kỹ này?

Một nhà văn hay một nghệ sĩ hoặc một trí thức tự do nói chung, nếu không là quan chức viên chức, ở không gian làng xã sẽ được liệt vào hạng kẻ sĩ không thành đạt, sẽ thuộc hạng “dân thầy” , – không gần “quan thầy” nhưng gần “dân thợ”, – tức là gần với thầy giáo thầy cúng thầy bói xưa kia. Giới chức làng xã, giới chức địa phương nói chung, với quyền quản trị vốn có, đương nhiên tự xem mình ở trên hạng “dân thầy” này, tuy “tầm cỡ cá nhân” từng người trong giới chức dịch là chuyện rất mù mờ. Và nếu các loại “thầy”này tài sơ trí thiển, lam lũ kiếm ăn, lại cống nạp đúng lệ, thì giới chức địa phương làng xã có thể tạm vừa lòng. Chỉ những “dân thầy” tạo ra những sản phẩm có hiệu năng xã hội rộng lớn mới dễ làm bất an tâm trí cả giới chức lẫn xã hội thứ bậc làng quê! Nguyên nhân bề sâu chính là “quy mô cá nhân” của những “dân thầy” nào, do sản phẩm sáng tạo của mình mà tạo ra được hiệu quả xã hội rộng lớn, sẽ trở nên “kềng càng” giữa xã hội địa phương làng xã! Dùng lại chữ của thời Trạng Quỳnh, “người sang ngoài nước” bao giờ cũng mang tiềm năng gây khó chịu cho “kẻ cả trong làng”! Thành thử, “người sang ngoài nước” thường chọn nơi sống xa làng, vì biết cái luật đời “xa thơm gần thối”, ở gần dễ mất thiêng, dân thường hay ghen tỵ, đám sai nha hay quấy quả, bọn chức dịch hay rình rập, chỉ cần trong tiếng tăm “người sang” có thoảng mùi “phức tạp” là có cơ hội cho bọn họ ra tay!

Sống trên đời này dù ở đâu cũng không dễ. Những so sánh về môi trường đô thị và nông thôn làng xã nêu trong bài này cũng chỉ là những nét chính, có thể rút từ các nghiên cứu xã hội học hoặc dân tộc học về cư dân Việt, tuy người viết những dòng này thiên về kinh nghiệm, trải nghiệm riêng với tính cách một người Việt sống trong cộng đồng Việt.

Nói về sự thuận tiện hay khó khăn của môi trường xã hội, môi trường cư dân đối với đời sống cá nhân nói chung, cá nhân văn nghệ sĩ nói riêng, nếu chỉ đặt trong những lựa chọn nêu trên (đô thị,nông thôn) thì thật ra, ta vẫn mới chỉ tiếp cận ở phía thụ động. Nhưng cũng chưa dễ gọi tên từ phía chính diện vấn đề này là gì? Là nói về chất lượng xã hội của môi trường cư trú cho cá nhân con người? Hay là về một trong số các chỉ tiêu về chất lượng sống?

Trên những rao vặt về nhà đất trên báo chí trong nước bây giờ có thể thấy người ta lưu ý đến phương diện chất lượng cư dân, thể hiện ở lời rao: ngôi nhà, căn hộ hay mảnh đất được rao bán kia thuộc khu vực “dân trí cao, an ninh tốt”. Nhưng thật ra đấy cũng chưa phải tất cả nội hàm cần có trong chất lượng môi trường cư trú. Thậm chí có thể đoan chắc rằng các cộng đồng cư dân Việt trên đất Việt nói chung còn thiếu trải nghiệm để có thể là nơi cho những cư dân khác nhau về tôn giáo, về chủng tộc, về văn hoá, về xác tín chính trị hay đạo đức có thể chung sống ổn thoả cạnh nhau. Hình như học giả nhiều nước thường dùng phạm trù “khoan dung”(tolerance) để xác định các phương diện vừa nêu. Cách nay chưa lâu, có một năm nào đó mà “khoan dung” được quốc tế lựa chọn làm chủ đề văn hoá của năm; hình như giới văn hoá Việt Nam chỉ hưởng ứng ở mức tối thiểu, với một “hội thảo kỷ niệm” gì đó rồi cho qua. Thế mà ngẫm ra “khoan dung” lại chính là cái tinh thần còn thiếu nhiều hơn cả ở hầu hết các vấn đề của các cộng đồng Việt. “Khoan dung” chủ yếu không phải chỉ là khoan thứ, tha thứ, dung thứ theo đó người ta buộc phải chịu đựng cái mà mình cho là sai trái, lỗi lầm... được tồn tại cạnh mình; cái cách đầy hạ cố ấy không phải là tinh thần chính của khoan dung, dẫu rằng trong nội hàm khoan dung có ý nghĩa đó. Khoan dung (tolerance) chủ yếu là nói khả năng chấp nhận những khác biệt với mình được tồn tại bình thường bên cạnh mình, dù đó là khác biệt về niềm tin chính trị hay tôn giáo, khác biệt về chủng tộc hay văn hoá. Các cộng đồng người Việt, theo tôi, còn thiếu thốn đáng kể về tính khoan dung, còn cần được bồi bổ đáng kể về đức tính khoan dung, để có thể chung sống cùng nhân loại trong hiện tại và tương lai.

Trở lại chuyện cư trú của giới nhà văn nêu ở đầu bài viết này, người ta nhận rằng ở Đông Âu và hầu khắp các nước trong Liên bang Xô-viết cũ, hiện giờ mức tản mác về các địa phương của giới nhà văn tăng lên; có thể bởi nhiều lý do nhưng chắc hẳn sự “phi tập trung hoá” giới này có liên quan với sự mở rộng không gian xã hội dân sự ở các nơi này. Ở nước ta, sau 1975, một phần khá lớn giới cầm bút vào sống ở Sài Gòn khiến nơi đây trở thành điểm cư trú của giới nhà văn đông đảo có lẽ ngang Hà Nội. Ngoài hai điểm tập trung này, ở những nơi khác số lượng nhà văn cư trú ít hơn hẳn, và ở nông thôn lại ít hơn ở đô thị. Sự việc một vài nhà văn cư trú ở thôn quê hoặc ở tỉnh nhỏ bị một số chức dịch địa phương “hành” dễ hơn nhà văn cư trú ở đô thị cho thấy môi trường cư trú ở đây vẫn ít thuận lợi cho những người làm nghề sáng tạo tinh thần, nghĩa là môi trường cư trú vẫn chưa đổi thay chất lượng. Đây là cả một giới hạn chưa dễ vượt qua trong nhiều năm tới.

LẠI NGUYÊN ÂN
(Hà Nội, 30/4/2006)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Chín 20212:08 SA(Xem: 11192)
Dẫn nhập: Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, Nguyễn Tường Bách và Tôi là tên hai tác phẩm hồi ký của bác sĩ Nguyễn Tường Bách và cô giáo Hứa Bảo Liên, người bạn trăm năm của Nguyễn Tường Bách. Đây là hai bộ hồi ký đặc sắc về cuộc tình lãng mạn của một chàng trai Việt và một cô gái người Hoa ở Hà Nội cùng nổi trôi theo vận nước cho tới khi họ gặp lại nhau trên đất Côn Minh Vân Nam và trở thành đôi vợ chồng sắt son thuỷ chung với bao nhiêu tận tuỵ và hy sinh – nhưng quan trọng hơn thế nữa, đây chính là một phần của lịch sử sinh động và đầy biến động trong ngót một thế kỷ qua trong những cơn bão táp của Cách Mạng Việt Nam và cả lục địa Trung Hoa.
12 Tháng Chín 20218:12 CH(Xem: 9964)
Thật công bằng mà xét thì nhân vật cô câm (tên Cam, với nghĩa cam chịu, nhẫn nhịn) là sáng tạo có ý nghĩa hơn cả của bộ phim. Nếu không có nhân vật này, phim sẽ “nghèo” đi nhiều lắm. Cô câm giống như một “con mắt thứ hai” của khán giả cảm nhận, quan sát, đánh giá nhân vật chính là ông chủ Nguyễn- người mà cô yêu một cách say đắm, nhẫn nại và nô lệ, kể cả khi ông ta đã trở nên dại cuồng mất hết nhân tính! Hành động đáng kể nhất, mang tính chất nổi loạn và bộc lộ rõ tình yêu mù quáng của cô câm là hành động kéo lê cái tượng gỗ to bằng người thật quẳng xuống sông (hình như có hàm nghĩa là cô vứt bỏ thần tượng yêu trộm nhớ thầm của mình!) Và cô đã bị trả giá: ông chủ ấp Mê Thảo hạ lệnh bỏ rọ cô trôi sông để thế mạng!
07 Tháng Chín 20218:48 CH(Xem: 10809)
Đã từng quen thuộc với tác phẩm văn học “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, lại vốn rất có cảm tình với nhà văn này, nên hồi phim điện ảnh “Đất nước đứng lên” xuất xưởng, tôi đã háo hức tìm xem ngay. Song, trái ngược với dự đoán và mong đợi, bộ phim đồ sộ, tốn kém này đã gây cho tôi nhiều phản cảm, nhiều nỗi ấm ức muốn được giải tỏa. Rồi khi VTV thời gian vừa qua liên tục phát sóng lại bộ phim này, nhân các dịp lễ lạt kỷ niệm nào đó, tôi đã xem thêm lần nữa và thấy cần phải nói đôi lời.
14 Tháng Bảy 20215:36 CH(Xem: 11396)
Cứ mỗi lần được đi trên sông Hồng, tôi lại mê mải nhìn sang hai bên làng xóm trù phú, và cố tìm những luỹ tre làng đang bị mất dần đi… Thế mà, suốt bao đời nay, luỹ tre làng là một trong những biểu hiện quen thuộc nhất, sinh động nhất của châu thổ Bắc bộ. Nhà thơ dân dã Nguyễn Duy từng thốt lên: Thân gầy guộc, lá mong manh Mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi!
02 Tháng Bảy 20216:30 CH(Xem: 10249)
Giữa những ngày nóng nực tháng 6 này, giữa cơn "địa chấn" của lòng người trước chủ quyền Đất Nước bị xâm phạm trắng trợn từ nhiều năm nay, tôi đã bỗng nhớ đến một bài thơ yêu nước Tây Ban Nha do chính nhà văn Lưu Trọng Lư đọc cho nghe, cách đây gần ba chục năm, trong căn buồng của nhà văn đối diện phía sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
30 Tháng Sáu 20211:14 SA(Xem: 10514)
Kết thúc ba ngày hội thảo từ 11 đến 13 tháng 6 vừa qua tại Cornwall thuộc miền nam Anh Quốc, Nhóm G7 – một tổ chức gồm bẩy nước dân chủ có nền kinh tế phát triển lớn nhất là Pháp, Đức, Ý, Nhật, Mỹ, Anh và Gia Nã Đại – cùng đồng ý tham gia vào một đề xướng đầy tham vọng, đó là hỗ trợ dự án giúp các quốc gia nghèo có nhu cầu phát triển xây dựng hạ tầng cơ sở trên toàn thế giới.
28 Tháng Sáu 202112:51 CH(Xem: 10848)
1957 một tạp chí có tên Bách Khoa do hai ôngHuỳnh Văn Lang, Hoàng Minh Tuynh sáng lập, xuất bản mỗi tháng hai kỳ, với quan niệm là: “Diễn đàn chung của tất cả những người tha thiết đến các vấn đề Chính trị, Kinh tế, Văn hoá, Xã hội.” Nguồn tài chánh ban đầu của Bách Khoa là do đóng góp của một nhóm 30 người, gồm những nhà giáo, nhà báo, chuyên viên hay công tư chức cao cấp thời bấy giờ; mỗi người góp 1.000 đồng (lương tháng hàng giám đốc lúc đó khoảng 5.000 đồng) , tổng cộng được 29.500 đồng, một số tiền phải nói là khá lớn (theo TS Phạm Đỗ Chí, thì 1 US$ = 35 VN$ và số tiền ấy tương đương với hơn 20 lạng vàng theo thời giá 1957 lúc bấy giờ).
03 Tháng Sáu 202110:29 CH(Xem: 10672)
Kịch bản tuồng "Liệu đố" (chữa bệnh ghen) có thể nói là một kịch bản văn học khá kỳ lạ. Khoác cái vỏ lụng thụng của những điển tích cổ, thơ Đường, Kinh thi..., nhưng kịch bản được viết ra từ trên một thế kỷ này tận cốt lõi lại là sự sống dân gian Việt, và điều đặc biệt nhất là chứa đựng nhiều yếu tố hiện đại trong nội dung tâm lý cũng như về hình thức biểu hiện. Tôi xin mạn phép được minh chứng điều này bằng chính văn bản vở tuồng "Liệu đố" mà tôi có được trong tay nhờ các nhà nghiên cứu dịch thuật Hán Nôm của Trời Văn Bình Định (“Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - ông đồ nghệ sĩ” - Nxb Sân khấu, 2011).
16 Tháng Năm 20219:48 CH(Xem: 12523)
Ngày 5/5, TAND tỉnh Hoà Bình đã tuyên án 16 năm tù cho chị Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư. Trước đó, người con trai khác của chị, Trịnh Bá Phương bị công an chuyển từ trại giam vào viện tâm thần. Sự đàn áp khắc nghiệt của lãnh đạo ĐCS đối với gia đình chị, vô tình lại giúp tôi cảm nhận được cái “sức sống mãnh liệt” của những nông dân này. Và như Ls Đặng Đình Mạnh, tôi cũng rơi nước mắt khi đọc những chia sẻ của anh:"Chứng kiến sự đanh thép, bất khuất ... của họ tại tòa, mất tự chủ, tôi chảy nước mắt vì xấu hổ".
15 Tháng Năm 20214:04 CH(Xem: 11845)
"Gần đây, qua bao nhiêu biến cố dồn dập trong cuộc đời Trần Hoài Thư, đã đến lúc không thể không có một bài viết về người bạn văn, như một tấm thiệp mừng 50 năm ngày cưới – 50th Gold anniversary của đôi vợ chồng Nguyễn Ngọc Yến – Trần Hoài Thư, một “đám cưới nhà binh” của thế kỷ, với rất nhiều hạnh phúc cùng với nhiều khổ đau khi cả hai sắp bước vào tuổi 80. Cũng nhân đây, có một gợi ý với các bạn trẻ trong và ngoài nước đang chuẩn bị luận án tiến sĩ văn học, thì chân dung văn hoá của Trần Hoài Thư cùng với nỗ lực phục hồi Di Sản Văn Học Miền Nam 1954 – 1975 là một đề tài vô cùng phong phú và hấp dẫn, rất xứng đáng để các bạn khám phá và dấn thân vào. Các bạn cũng không còn nhiều thời gian – nói theo cách ví von của nhà văn trẻ Trần Vũ, chiếc kim đồng hồ trên tay anh Trần Hoài Thư đã chỉ 12 giờ kém 5 phút sắp qua nửa đêm và chỉ sau năm phút phù du đó, khi Trần Hoài Thư trở thành “người của trăm năm cũ”, tất cả sẽ bị lớp bụi thời gian mau chóng phủ mờ." (NTV)