Mai An Nguyễn Anh Tuấn
ĐỌC TRUYỆN KIỀU – MỘT CUỐN KINH VỀ TÌNH THƯƠNG
DƯỚI GÓC NHÌN KÝ HIỆU HỌC
Tóm tắt: Bài viết vận dụng lý thuyết ký hiệu học mong làm sáng tỏ thêm một vấn đề lâu nay đã được bàn luận nhiều: Tình thương và Chủ nghĩa cảm thương trong Truyện Kiều… Tình Thương đã trở thành ký hiệu cơ bản, đi vào các hệ thống biểu tượng và hệ thống nhân vật tác phẩm… Với công cụ ký hiệu nghệ thuật cơ bản này, khảo sát một số nhân vật như: Kiều, Thúc Sinh, Kim Trọng, Hoạn Thư, v.v, cùng hệ thống ngôn ngữ đồng loại/ đồng dạng trong tác phẩm, góp phần lý giải sức sống mãnh liệt của Truyện Kiều suốt hơn hai trăm năm qua.Từ khóa: Nguyễn Du, Truyện Kiều, Ký hiệu nghệ thuật (art symbols), Hợp âm chủ (chord master), Tình thương (love), Cảm thương (compassion), Xót xa (laments), Đồng cảm (empathetic).
Chúng tôi xin được lấy tên thiên tiểu luận đặc sắc Một cuốn kinh về tình thương [12, tr.139] của nhà văn Lưu Trọng Lư làm nhân lõi cho nội dung bài viết này. Người viết vốn được mệnh danh là “nhà văn của tình thương” từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước đã “chiêu tuyết” cho nhân vật từng bị phán xét là “đĩ đứng đầu” bằng những lời nồng nhiệt, đặc biệt nhận định Thúy Kiều là “kẻ có một mối từ tâm lớn” [13, tr.1690]. Và suốt từ khi Truyện Kiều ra đời đến nay, tình thương hay “mối từ tâm lớn” toát ra từ kiệt tác này cùng những giá trị nội dung tư tưởng nhiều mặt của nó đã/ đang được bàn luận sôi nổi, với nhiều lý thuyết cũ - mới chắc không bao giờ chấm dứt…
Chúng tôi trong khi bàn luận về một số bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, đã đề cập tới phương pháp phê bình tâm lý của Charles Mauron với các khái niệm: “ám ảnh”, “mạng lưới”, nhất là “huyễn tưởng dai dẳng” - hay “huyền thoại cá nhân”, “là một ám ảnh luôn luôn ở phía sau tư duy của người sáng tạo” [19, tr.149]; và thấy rằng phương pháp này có gì đó rất gần gũi với Thi pháp học, và đặc biệt với Ký hiệu học. Nhà lý luận Cao Kim Lan xác định: “Đằng sau mỗi tác phẩm là hình bóng thực sự của một con người - tác giả hàm ẩn. Điều này lí giải tại sao tác giả lại lựa chọn chi tiết này, yếu tố kia vào tác phẩm chứ không phải là một kí hiệu hay biểu tượng khác” [8, tr.8]. Cách đây hơn hai chục năm, mới có một cuốn sách dịch đầu tiên về Ký hiệu học xuất hiện ở Việt Nam: Ký kiệu học nghệ thuật Sân khấu - Điện ảnh [11] - tài liệu mà chúng tôi đã sử dụng trong dịp Kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du [20]. Vài năm gần đây thì sách báo dịch về ký hiệu học văn hóa, ký hiệu học văn học mới liên tục ra đời ở Việt Nam, và mới đây nhất, cuốn sách thực hành lý thuyết ký hiệu học của Lã Nguyên đã mở ra một lĩnh vực đầy hứa hẹn cho việc nghiên cứu văn học nói chung và Truyện Kiều nói riêng [15]… Trong văn học, nhất là với những tác phẩm lớn như Truyện Kiều, sự diễn đạt - diễn ngôn của các hệ thống biểu nghĩa bằng nghệ thuật cần phải được “giải mã” bằng các hình tượng - ký hiệu, bởi nói như nhà ký hiệu học Nga Iu. Lotman, đó là thứ văn chương “nói bằng ngôn ngữ đặc biệt, nó là hệ thống thứ sinh được kiến tạo ở bên trên ngôn ngữ tự nhiên… làm thành một văn bản duy nhất như là “tổng thể các yếu tố của ấn tượng nghệ thuật” [15, tr.8]. Được sự gợi ý và khích lệ đáng kể từ công trình trên của ông Lã Nguyên, chúng tôi mạnh dạn học hỏi cách thức áp dụng lý thuyết Ký hiệu học như một thứ “la bàn” mới vào việc tìm hiểu kiệt tác Truyện Kiều - trong một phạm vi hạn chế…
Đọc Truyện Kiều, chúng tôi nhận thấy cái “ám ảnh luôn luôn ở phía sau tư duy của người sáng tạo” và tạo nên cả một trường ngữ nghĩa liên tưởng cùng cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt chính là Tình thương. Tình thương, xuất phát từ chữ Tình, do lòng nghĩ mà sinh ra: ân tình, cảm tình, chân tình, thâm tình, thật tình, thân tình, thương tình... - theo giải nghĩa của Từ điển Tiếng Việt. Còn chữ Tâm từ gốc Hán - Việt trong Truyện Kiều: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” [3] để nói về số mệnh, đối lập với sự thông minh khôn ngoan theo lẽ thường. Tâm này chính là thiện tâm (kusala citta), cái nhiệt tình làm việc tốt, hy sinh cái bản ngã bé nhỏ vì một mục đích lớn hơn, cao đẹp hơn những ý muốn phục vụ cho cái tôi bé nhỏ, đó chính là chữ tâm trong bốn pháp nền tảng của đạo Phật. Kinh Hoa Nghiêm chủ trương “Pháp giới duy tâm” - tất cả các pháp trong pháp giới đều do tâm biến tạo ra. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ một lần nói đến chữ Tâm mang chất siêu hình đó, hoặc đôi lần khai thác chữ Tâm dưới góc độ Từ bi của đạo Phật, còn nội hàm sâu xa của chữ Tâm, với Nguyễn Du, chính là cái “Tình”, biểu hiện phong phú nhiều vẻ qua chữ “Lòng”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Hậu sau khi phân tích khá kỹ về chữ “Lòng” trong tâm lý người Việt, và qua sự liệt kê những cụm từ liên quan đến “lòng, dạ, bụng”, đã rút ra: “mặc dù nó bao chứa tất cả thế giới nội tâm bên trong, nhưng nó vẫn nghiêng về cảm xúc, cảm nghĩ, tình cảm; nghiêng về mô tả những tâm trạng, trạng thái, tình cảm con người” [7, tr.412]. Ông Đào Duy Anh đã thống kê 140 câu thơ Kiều có liên quan tới chữ “Lòng” chủ yếu thể hiện cái tâm tình, ý nguyện, nỗi niềm của con người gắn bó với các cảnh huống của thiên nhiên và đời sống - Lòng son, Lòng tơ, Lòng quê, Tấc lòng, Lòng thơ, Lòng xuân, Lửa lòng [1], v.v. Chữ Thương - không phải trên bình diện triết học, hay nói đúng hơn, xuất phát từ chữ Tâm và bồi bổ da thịt cho chữ Tâm, được biểu hiện trong tâm lý đời thường, đã giúp tác giả khai thác, soi tỏ động cơ tâm lý, hành động các nhân vật với một mối đồng cảm cao độ - và đây cũng chính là một trong những sức mạnh nghệ thuật to lớn giúp Truyện Kiều vượt xa nguyên tác Kim Vân Kiều truyện để trở thành một “Thiên thu tuyệt diệu từ” (Đào Nguyên Phổ). Đó là cái Tâm mang nội dung hiện thực, và Nguyễn Du đã đưa cái Tâm của con người tự nhiên, phàm trần thâm nhập, thay thế cái Tâm đạo lý - xã hội của các bậc thánh nhân quân tử. Và trong mạch thi ca thời đại bấy giờ, Nguyễn Du cùng loại nhà nho tài tử “thị tài và đa tình” xuất hiện với “sự cảm nhận những gì là hạnh phúc của đời sống thế tục, hiện thực, mang đậm tính chất cảm tính, trực tiếp” [21, tr.134]. Miêu tả tài thơ, đàn của Kiều, Nguyễn Du bao giờ cũng nhấn mạnh tới sự bộc lộ cảm xúc và tác động về cảm xúc của nó, ông không coi trọng cái Tài mà thiếu Tình, mặc dù ông đã chỉ rõ Tài - Tình chính là nguồn gốc của bao nỗi bất hạnh. Chắc chắn là Nguyễn Du đồng cảm với nhà bác học Lê Quý Đôn, người đặt Tình đầu tiên rồi mới đến Cảnh, Sự trong ba điều cốt yếu về làm thơ [4, tr.124]. Mộng Liên Đường chủ nhân viết Tựa Truyện Kiều nói hộ Nguyễn Du và nhiều văn nhân tài tử thời đó: “bậc thánh mới quên được tình, bậc ngu không hiểu tới tình, tình chung chú vào đâu, chính là chung chú vào bọn chúng ta… hai chữ tài tình thật là một cái thông lụy của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy” [5, tr.395]. Có điều, cái tình của Đại thi hào họ Nguyễn đã hướng vào “Thập loại chúng sinh”, đặc biệt là những con người có tài sắc mà sa cơ lỡ vận; và cuộc đời Nguyễn Du có thể làm minh chứng sáng rõ nhất cho nhận định sau của các nhà nghiên cứu thời hiện đại: “Lòng yêu thương, ưu ái đối với con người và thân phận của nó từ trước đến nay vẫn là sự quan tâm hàng đầu của các nhà văn, nhà nghệ sĩ trong cảm hứng sáng tạo nghệ thuật” [6, tr.61]. Có thể nói, Tình thương là thứ thuốc thử, là nguyên lý gốc, là chất liệu chính trong “bảng pha màu”, là ký hiệu nghệ thuật cơ bản để Nguyễn Du soi rọi vào các tâm trạng & số phận, là thanh nam châm thu hút các tín hiệu nghệ thuật khác đồng loại/ đồng dạng, là ngọn đuốc giúp nhà thơ thám hiểm vào các góc khuất tâm hồn và các cảnh huống của nhân gian.
Tình là cái gốc của chủ nghĩa cảm thương, của ngôn ngữ cảm thương bàng bạc khắp “quyển bách khoa toàn thư của một ngàn tâm trạng” [14, tr.215], góp phần lý giải sức sống lâu bền của Truyện Kiều. Ký hiệu chủ là “Thương”, trong những tâm cảnh thế nào đó đã nhanh nhạy thu hút quanh nó những tín hiệu đồng dạng/ đồng tâm, để tạo thành một hệ thống ký hiệu mới mang sắc thái đặc thù của riêng tác phẩm này, mà theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, nó đã trở thành đỉnh cao của dòng văn học cảm thương trong văn học Việt Nam bắt đầu từ Chinh phụ ngâm khúc trở đi [17, tr.213]. Người đầu tiên đi sâu nghiên cứu hệ thống chất cảm thương, chủ nghĩa cảm thương trong Truyện Kiều với tư cách là “giọng điệu” của các môtip và hình tượng theo thi pháp học hiện đại là Trần Đình Sử, ông nhận định: “giọng điệu cơ bản của Truyện Kiều là giọng điệu cảm thương”, và Nguyễn Du đã “xây dựng một môi trường tình thương trong tác phẩm” - trong “môi trường” đó, “tiếng thương trong Truyện Kiều không phải chỉ có một chiều xót thương. Thương người xót thân là một tình cảm lớn có rất nhiều biểu hiện phong phú” - ví như than hờn, dỗi đời, mỉa mai chua chát, đùa cợt, tiếng chửi, xuýt xoa [17, tr.255]; và nhà nghiên cứu đã có một khái quát quan trọng: “Yếu tố cảm thương mới là cảm hứng chủ đạo bao trùm của tác giả và tác phẩm, nó làm cho tác phẩm gần gũi với loại hình sáng tác chủ nghĩa tình cảm trên thế giới, xuất hiện như một biến thể phương Đông” [17, tr.256]. Có thể nói, chính trong cái “môi trường tình thương” này, các tín hiệu nghệ thuật đồng dạng đã liên kết, quy tụ với nhau để tạo nên một trường cảm xúc mạnh, khiến các số phận, các cảnh ngộ nhân vật cụ thể cùng những câu thơ nhức nhối tình thương ghim vào lòng người đọc những ấn tượng nghệ thuật khó phai nhạt.
Từ chữ “Thương” trong Truyện Kiều, ta có Thương thân - gồm tác giả thương nhân vật, nhân vật thương mình và thương những người khác. Tình Thương đã trở thành ký hiệu nghệ thuật cơ bản, đi vào các hệ thống biểu tượng, và đi vào hệ thống nhân vật tác phẩm trên mấy bình diện lớn: a) Thuộc về Tình thương; b) Thù địch với Tình thương; c) Trung gian. Có mối quan hệ khăng khít, đan chéo giữa Tình - Thân - Tâm, Tình - Mệnh, Tình - Tài, Tình - Lòng từ bi, Tình - Hạnh (gồm Tình - Nghĩa, Tình - Hiếu, Tình - Lòng trung hậu, Tình - Lòng chung thủy, Tình - Lòng vị tha…), Tình - Lòng căm giận, v.v. Từ những khái niệm đơn hình thành nên những cụm từ giống phương ngôn, thành ngữ nhằm diễn đạt nội dung Tình thương nhiều màu sắc, nhiều khía cạnh, trong nhiều tình huống giao tiếp và nhiều cách thức biểu lộ thái độ tác giả: “Đã nên có nghĩa có nhân”, “Tẻ vui bởi tại lòng này”, “Thương thay cũng một kiếp người”, “Đau đớn thay phận đàn bà”, v.v.
Các nhân vật trong Truyện Kiều có thể nói đã được Nguyễn Du triển khai miêu tả - khác rất xa với cốt truyện ông dựa vào, chủ yếu là sự dẫn dắt nhân vật đi qua cái ma trận “Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương”, trước những sự việc và con người “Làm cho bể ái khi đầy khi vơi”; và nhân vật được đánh giá qua thứ “thuốc thử”, “chiếc cân” là Tình thương mà tác giả là vị quan tòa nghiêm khắc nhưng lúc nào cũng “Lòng đâu sẵn mối thương tâm” để nhỏ nước mắt đồng cảm hoặc phẫn nộ. Nhà nghiên cứu Đặng Thanh Lê có một nhận xét tinh tế: “Nhân vật của Nguyễn Du là con người được thức tỉnh, dù chỉ để khổ đau” [8, tr.65]. Điều đáng nói là: trong nỗi khổ đau trong mọi cung bậc, mọi sắc thái của Kiều và các nhân vật khác đều có Tình thương làm gốc, làm cơ sở, làm trụ đỡ cho đời sống tinh thần, và “sự thức tỉnh” đó bắt nguồn từ tình thương bị bị chia lìa, bị cướp giật, chà đạp.
Xin được dừng lại một đoạn được giảng dạy trong trường phổ thông: “Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân…” (câu 1033 -> 1056). Trong đoạn này, những hiện tượng và sắc thái của thiên nhiên đã vô tình hòa nhập vào hệ thống ký hiệu Thương - Nhớ - Chạnh lòng - Sầu thảm - Đớn đau - Xót xa - Buồn tủi, v.v, mà trong đó, Thương mình và Thương người cộng với sự đồng cảm sâu xa của tác giả là “hợp âm” chủ đạo. Ở Kiều, nỗi xót thương da diết và niềm day dứt khi không thực hiện được hiếu nghĩa với song thân, sự mường tượng đến nỗi khắc khoải nhớ thương của người tình cũ… đều xuất phát từ tấm lòng vị tha, giàu tình thương. Thương - đó chính là kết quả, sự tích tụ của buồn, xót đau, tưởng nhớ, mong chờ tuyệt vọng; tình thương ấy phải chan chứa đến độ nào mới dung được biết bao tâm trạng căng tràn tâm tư, tỏa ngập trong thiên nhiên, vũ trụ… Sự chua xót, bẽ bàng, nỗi cô đơn, chúng trở nên khác lạ và có thể òa nhập vào cảm xúc cùng sự đồng cảm sâu xa nhất của bao thế hệ người đọc Kiều - chính bởi vì tất cả những điều đó đều trĩu nặng tình thương; thiên nhiên ấy được trùm lấp, chở che bởi Tình thương bao la của Kiều. “Tấm thương” ngập tràn nỗi nhớ nhung quê hương mà “Lòng quê đi một bước đường một đau” thường gặp qua mỗi đoạn đường đời của Kiều…
Trong rất nhiều “trường đoạn” khác, tình hình cũng tương tự, cảnh vật “Phong sương đượm vẻ thiên nhiên” bao giờ cũng được phủ bởi tình thương của nhân vật. Đại thi hào không chỉ có tâm hồn cảm nhận được một cách tinh tế và chính xác sự diễm lệ phong phú của thiên nhiên, đồng cảm với tâm tư con người, và mỗi hình ảnh miêu tả thiên nhiên không chỉ là những ẩn dụ về tâm trạng và số phận con người như một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra, mà còn phát hiện ra cả một thế giới tình thương ẩn sâu trong toàn bộ cảnh vật chứa đựng tâm trạng người.
Thúc Sinh, dù con người ấy có điều này điều kia khiến người đời chê trách, nhưng theo chúng tôi, đó chính là nhân vật mà Nguyễn đã thể hiện tình thương của anh ta đối với Kiều một cách chân thực, gần gũi đặc biệt hơn cả so với những nhân vật đàn ông chính diện khác, như Kim Trọng, Từ Hải. “Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa” sau bao trắc trở, lại có hạnh phúc thật êm đềm, không nhân vật nào được Nguyễn Du miêu tả về cuộc chia ly giữa họ mà ngoại cảnh - tâm cảnh lại chất chứa xúc cảm yêu thương đến thế: “Thương nhau xin nhớ lời nhau… Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” (câu 1515 ->1526). Những thời gian, không gian và đồ vật được tâm lý hóa, mang ký hiệu của sự nhớ nhung, trân trọng, đã tạo nên cái nền cảm xúc cho tác giả, mà cái nền cảm xúc đó lại có gốc của Tình thương - tình thương từ tác giả tỏa đến nhân vật, san sẻ cho nhân vật, để nhân vật cũng mang trữ lượng tình thương không kém tác giả… Những từ ngữ Hán - Việt trang trọng hòa quyện với cách cảm nghĩ dân gian tạo nên “một thiên phú biệt ly” (Vũ Trinh), một hệ thống ký hiệu nghệ thuật diễn tả thấm thía sự chia cách lưu luyến của một đôi lứa từng có cuộc sống hạnh phúc yên ấm có tình thương và sự che chở, đùm bọc… Trong đoạn Hoạn Thư bắt được quả tang Thúc gặp Kiều ở Quan Âm Các - tấn kịch còn kinh khủng hơn cả lúc họ gặp lại nhau trong cảnh “Con ở chúa nhà đôi nơi” tại dinh Hoạn Thư, chúng ta càng thấy rõ hơn điều này: tình thương giữa chốn “địa ngục ở miền nhân gian” quả là điều quý giá nhất trong bản lĩnh tâm hồn - nghệ thuật của đại thi hào. Ở “trường đoạn phim” (sequence) này - chúng tôi tạm dùng khái niệm của điện ảnh, bởi tính kịch cao và chất xi-nê rất rõ của nó - sự xung đột tâm lý được miêu tả với một “phương pháp tâm lý tàn nhẫn”, theo cách nói của ông Phan Ngọc [14, tr.172], và chính tình thương đã giúp cho nhân vật thoát khỏi “đoạn đầu đài” của sự đày đọa, lăng nhục khủng khiếp! Dù Hoạn Thư khi “xem người viết kinh” đã khen Kiều: “Bút pháp đa tình” (lần trước thì “ngẩn ngơ chút tình”, “Rằng tài nên trọng mà tình nên thương”) thể hiện tình thương của kẻ bề trên có học hành, nhưng cũng còn hơn những kẻ “buôn thịt bán người” mà Kiều đã gặp và sẽ gặp trong bao nỗi đoạn trường của mình! Tình thương đó của họ Hoạn xuất phát từ sự “lân tài” - từ thương tài, đến thương tình đối với một con người hiện thua kém mình về mọi thứ, nên lý giải được phần nào vì sao bà ta nín nhịn, kìm hãm, tự chủ được trước cảnh “Nỗi ông vật vã nỗi nàng thở than” được chứng kiến trước đó suốt nửa canh giờ! Và điều này cũng là cơ sở tâm lý cho việc Kiều tha bổng Hoạn Thư sau này. (Còn trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Hoạn Thư đã bị Kiều sai đánh nát thịt, phục thuốc thang nửa tháng mới khỏi). Dĩ nhiên, Nguyễn Du cũng cho người đọc thấy rõ sự khác biệt trong Tình thương - như hai phẩm cách tâm hồn của hai nhân vật nữ này: Kiều thì thông minh, tài hoa, nhân hậu (“Tiếc công cha mẹ thiệt đời thông minh”, “Anh hoa phát tiết ra ngoài”); còn Hoạn thì “sâu sắc nước đời”, “khôn ngoan đến mực” của tầng lớp quý tộc, nhưng lúc cần cũng biết gợi vào Tình thương cùng tấm lòng trung hậu ở Kiều: “dứt tình chẳng theo”, “Cũng nhờ lượng bể thương bài nào chăng”.
Nhưng điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở “trường đoạn” này là tình thương của chàng Thúc. Dù chí khí tầm thường, tính cách yếu đuối, ủy mị, bản lĩnh thua xa vợ cả, dù lúc Kiều cần đến chỗ níu kéo cuối cùng là ông chồng hờ, Thúc chỉ biết: “Sụt sùi giở nỗi đoạn trường/ Giọt châu lã chã đẫm tràng áo xanh”, thì cũng cần công bằng với Thúc hơn: trước một người vợ ghê gớm đầy “khuôn uy” và xảo quyệt như Hoạn, điều Thúc có thể bộc lộ với người mình yêu hết lòng chỉ là nước mắt… Cần nhớ lại, chính tình thương của Kiều đối với Thúc đã cứu được bản thân (“Khóc rằng: oan khốc vì ta”… Câu 1433 ->1436), và nhờ đó, Thúc trở nên cao thượng, tha nhân (“Sụt sùi chàng mới thưa ngay”… Câu 1439-1444), khiến quan xử cũng phải xử theo Tình: “Ngoài thì là lý song trong là tình”; còn Thúc ông cũng phải cảm động, “dẹp lời phong ba” bởi “Thương vì hạnh trọng vì tài”… Xưa nay, các công trình nghiên cứu lớn nhỏ đã viết về nhân vật Thúc Sinh rất nhiều, song theo tôi đều ít (hay chưa) chú ý tới khía cạnh cạnh tâm hồn, nhân cách này của anh ta: tình thương. Lúc gặp lại Kiều, trong tâm trạng “phách lạc hồn xiêu”, câu đầu tiên Thúc kêu lên là: “Thương ôi chẳng phải nàng Kiều ở đây?”… Dù ích kỷ, nhưng lúc nào Thúc cũng nghĩ cho Kiều trước khi nghĩ cho mình, và xót xa lo lắng thực sự cho Kiều trước nghịch cảnh oái oăm mà họ cùng rơi vào. Câu nói chia tay của Thúc với Kiều: “Liệu mà cao chạy xa bay/ Ái ân ta có ngần này mà thôi”, nhiều nhà nghiên cứu cùng dư luận chung là chê bai Thúc, nhưng chúng tôi lại cho rằng đó thực ra chỉ là cách mà Thúc cố tình phũ phàng để Kiều đỡ đau lòng, anh ta phải cắn răng lại để nói câu ấy trong nước mắt… Nước mắt của Thúc như vậy không những trở thành ký kiệu nghệ thuật nhằm ám chỉ tính cách và những cảnh ngộ Thúc rơi vào mà còn có thể trở thành biểu tượng của một loại người yếu đuối với tình thương bất lực. Bất lực thì chỉ đáng thương chứ không đáng giận đáng trách. Họ đã có mối nghĩa tình “vàng đá” (“Trước còn trăng gió sau ra đá vàng”), chính là cơ sở tâm lý để sau này vì sao Kiều đã trân trọng Thúc đến thế: “Nghĩa trọng nghìn non”, “Người cũ”, “Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là…” - những từ ngữ đã “dệt” nên cả một biểu tượng của Tình thương và Ân nghĩa! Với tình thương và ân nghĩa họ đã có và vẫn dành cho nhau như thế, nên khi ông Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục cho rằng: “cái giá trị của chàng Thúc Sinh không đáng một đồng tiền” [10, tr.98] thì có lẽ Nguyễn Du cũng phải cau mày?
Trên cái gốc của tình thương, những đồ vật vô tri cũng mang tâm hồn người, những điển tích xa lạ cũng trở nên gần gũi rung động lạ thường, khiến người đọc nhiều khi bỏ qua cái gốc của điển tích mà thâm nhập vào đáy lòng người. Còn tình thương khi bị đẩy tới đỉnh điểm bi kịch đã ném thời gian hiện tại vụt trở thành dĩ vãng xa vời: “Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”, “Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa”. Tình thương ập vào giấc mộng của tương lai, rồi xót xa nhập vào tâm hồn em gái, và tự biến mình thành linh hồn đau khổ bất tử: “Mai sau dù có bao giờ/ Đốt lò hương ấy, so tơ phím này/ Trông ra ngọn cỏ lá cây/ Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”. Tình thương với người yêu hóa thành lời nguyện ước ba sinh, phút chốc tự coi mình mang thân phận Trương Chi với oan hồn hiện trên chén ngọc mà chỉ nước mắt đồng cảm của người tình chung thủy Mỵ Nương mới khiến oan hồn chàng trai bất hạnh tan nổi, và chỉ lệ máu của người chồng mới làm trái tim của người vợ trong một thiên tình sử có thể tan ra: “Dạ đài cách mặt khuất lời/ Rẩy xin chén nước cho người thác oan…”.
Tình thương rất gần với sự đồng cảm, sự trân trọng trong quan hệ luyến ái, bởi thế, khi Mã Giám Sinh chiếm đoạt thân xác nàng - hành động của một kẻ lưu manh, tác phẩm bật lên tín hiệu rõ ràng và gay gắt về bản chất của kẻ thù địch với tình thương.
Tình thương đối với những kẻ chỉ nghĩ tới “cây tiền” là một thứ xa xỉ phẩm, song cũng nhiều khi lại là phương tiện hữu hiệu để làm cái bẫy mà những người giàu tình thương chân thật như Kiều chắc chắn mắc phải: mụ chủ chứa Tú Bà để thuyết phục Kiều đã phải “dịu lời khuyên giải” bằng thứ ngôn ngữ của Tình thương, ném ra những tín hiệu của sự quan tâm, lo lắng cho tương lai và hạnh phúc của con mồi và còn lấy “bóng mặt trời rạng soi” làm chứng cho những lời hứa hẹn ngọt ngào đó (câu 1005->1030). Sở Khanh cũng vậy, để “nuốt trôi” số tiền thuê mướn làm điều ác đức của Tú Bà, đã khoác lên mình cái vỏ của bậc thư sinh yêu thích thơ ca và cái đẹp, rồi của bậc “yêng hùng” khảng khái với những lời lẽ mang tín hiệu của một kẻ giàu lòng bác ái mang sứ mệnh “Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi”! “Tổ bợm già” Bạc Bà, Bạc Hạnh cũng chẳng có “phép màu” nào tốt hơn để lừa Kiều bằng những tín hiệu của tình thương mà chúng khôn khéo phát ra đúng chỗ đúng lúc: Bạc Bà làm vẻ ái ngại lo lắng cho cảnh ngộ nguy hiểm của Kiều khiến “còn ai dám chứa vào nhà nữa đây”, từ đó mụ mới có thể thành công việc gả Kiều cho tên buôn người “cháu” mụ; còn Bạc Hạnh thì cũng phải “quá lời nguyện hết thành hoàng thổ công” mà phần lớn trong đó chắc chắn là những lời hứa hẹn yêu dấu, trân trọng, chung thủy - những tín hiệu đồng dạng của tình thương!
Thấy cô gái ăn mặc nâu sồng trong cảnh cơ nhỡ, “Giác Duyên sư trưởng lành lòng liền thương”, và khi biết được sự thật về đồ trộm nhà họ Hoạn, bà đã “nửa thương nửa sợ bồi hồi”; việc bà không muốn giữ Kiều ở lại Chiêu Ẩn am cũng xuất phát từ sự lo lắng nếu “những sự bất kỳ” có thể xảy ra: “Để nàng cho đến thế thì cũng thương”. Tình thương còn biểu hiện bằng nghĩa: “Giác Duyên dù nhớ nghĩa nhau”, nên mới “thả bè lau rước người”… Khi nghe sư Tam Hợp đạo cô nói về Kiều, người con gái đã dám sống giữa những chốn đoạn trường mà “Lại mang lấy một chữ Tình/ Khư khư mình buộc lấy mình ở trong”, điều duy nhất mà sư Giác Duyên thốt lên là nỗi xót thương, như một tiếng khóc nghẹn ngào: “Một đời nàng nhé thương ôi còn gì”. Trong buổi báo ân báo oán, Kiều đã trả ân nghĩa cho người đã cưu mang thương xót cho mình khi “lỡ bước sẩy vời” bằng những hành động và lời nói được diễn tả qua những câu thơ xúc động vào loại bậc nhất trong Truyện Kiều (câu 2341->2350); riêng câu “Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương” có thể coi là một sự khái quát độc đáo và trực cảm bằng ngôn ngữ thi ca về giá trị của tình thương trong cõi đời “sinh ký” này!
Khi Kiều ở lầu xanh lần hai, tình thương của Từ Hải - trong cảm nhận của Kiều tại thời điểm ấy, ở thân phận ấy, là “lượng cả bao dung”, là “rộng thương cỏ nội hoa hèn”… Nhưng với Từ Hải, tình thương của ông lại xuất phát từ sự tri kỷ (“Cười rằng Tri kỷ trước sau mấy người”). Khi Từ Hải ra đi, tình thương của Kiều lặn trong nỗi nhớ nhung thăm thẳm: “Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm”… Đó là những tín hiệu nghệ thuật hàm chứa chính xác nhất quan hệ tình cảm đặc biệt giữa người anh hùng và mỹ nữ sa cơ trong tác phẩm. Và có sự tri kỷ đó, tình thương của Từ Hải mới không trở thành sự ban ơn, và sau cuộc báo ân báo oán hoàn mỹ, tình cảm “Xót nàng còn chút song thân” của Từ Hải càng thấm vào lòng người đọc, bởi con người “ngất trời sát khí”, “đùng đùng sấm vang” đó cũng là con người có một tình thương rất “người”, với tâm lý của đời thường: “Sao cho muôn dặm một nhà/ Cho người thấy mặt là ta cam lòng”. Cũng bởi tình thương chân thật và đời thường đó mà Từ Hải khi nghe nàng “nói mặn mà” đã dẫn đến cái chết thảm khốc và sự đổ vỡ cả một sự nghiệp đang lừng lẫy “giữa trần ai”!
Một kẻ “mặt sắt” như quan tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến cũng phải “ngây vì tình”, phải “nhăn mày rơi châu” trước tiếng đàn “nhỏ máu năm đầu ngón tay” của Kiều! Đừng vội bảo tình thương của ông ta trong Truyện Kiều là giả dối! Ở Kim Vân Kiều truyện, Đốc phủ Hồ Tôn Hiến chỉ rầu rầu nét mặt khi Kiều khóc nức nở xin một nấm đất để đắp điếm hài cốt Từ Hải, còn sau đó lúc dở say thì yêu cầu Kiều đàn cho tướng sĩ cùng nghe, Kiều đàn xong thì tỉnh queo hỏi đó là khúc gì mà sầu thảm thế? Câu trả lời của Kiều về mối tình đau xót ngày xưa phổ vào khúc “Bạc mệnh oán” chỉ dẫn đến việc hắn khuyên Kiều đừng tiếc tên giặc vong mạng ấy mà tìm đến kẻ tri âm là hắn, và cùng hắn bách niên giai lão [16, tr.330]. Cái tình thương của Hồ Tôn Hiến trong Truyện Kiều là có thực, dù thô lỗ và mang tính ban ơn của một bạo chúa, nhưng rõ ràng là có cơ sở tâm lý, nảy sinh từ tiếng khóc giải oan thảm khốc, tiếng đàn rỏ máu, nỗi đau đớn tột cùng của một người đàn bà có khả năng cảm hóa được phần nào cả những tâm hồn sắt đá nhất - chúng nhập vào hệ thống ký hiệu giống bản hòa âm có “hợp âm chủ” là Tình thương và tạo nên “đa âm, nghịch âm” kiểu polyphony của nhạc sĩ thiên tài Đức J.S. Bach - điều này càng chứng tỏ sức mạnh to lớn của tình thương trong cảm quan hiện thực hòa với cảm hứng nghệ thuật của Đại thi hào.
Theo bề nổi của mạch truyện, Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn là bởi khi nghe tiếng sóng triều đùng đùng liền “Nhớ lời thần mộng rõ ràng/ Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây.” Nhưng thực chất cội nguồn của hành động này chính là việc Hồ Tôn Hiến sau khi làm nhục Kiều, để gỡ thể diện cho mình đã gán Kiều cho tên thổ quan, và trước “trời cao sông rộng” nàng đã bộc bạch nội tâm: “Rằng Từ công hậu đãi ta/ Chút vì việc nước mà ra phụ lòng/ Giết chồng mà lại lấy chồng/ Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời?” Ở Kim Vân Kiều truyện, đoạn này viết: “Nàng hô lớn lên rằng: Từ Minh Sơn hậu đãi ta, chỉ vì việc nước hóa nên ngộ sát” [16, tr.306]. Nhưng với Nguyễn Du, cái gọi là “việc nước” đó chỉ là “chút” thôi, nó chẳng có nghĩa lý gì so với chuyện khủng khiếp là đã “phụ lòng”! Trong chữ “phụ lòng” chứa đựng số phận của hai con người, hai kẻ “tâm phúc tương tri” từng yêu thương tri kỷ nhau hết lòng hết dạ, chỉ vì gặp phải sự lọc lừa đểu cáng mà phải tan vỡ đau đớn. Vì “phụ lòng” mà tự vẫn thì cái chết đó mới có sức nặng của sự đau đớn hối hận cùng cực, chứ chỉ là việc “ngộ sát” thì Nguyễn Du chắc sẽ khó thốt lên lời thương như sau trước cảnh “đắm ngọc chìm hương”:
Thương thay cũng một thân người/ Khéo thay mang lấy sắc tài làm chi!
“Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương”. Với Kim Trọng, tình thương của Nguyễn Du gửi gắm trực tiếp vào nhân vật này và thông qua nỗi nhớ thương của Kiều trong bao cảnh ngộ đã tạo nên những câu thơ đầy rung động. Tình thương với Kim Trọng, nỗi xót thương cho mối tình vừa chớm nở đã tan vỡ khiến Kiều thốt lên như tát vào cái luân lý đạo đức Nho giáo đương thời: “Biết thân đến nước lạc loài/ Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”. Và sự cảm thông sâu xa xuất phát từ tình thương rộng lớn của Nguyễn Du trước tấn bi kịch của đôi tình nhân cũ đã lý giải một cách thuyết phục những điều khó nói lúc Đoàn viên của những kẻ chót “mắc điều tình ái” nhưng lại “đã nên có nghĩa có nhân”, khiến cho nhà nho Phạm Quý Thích phải ca ngợi Kiều: “Băng tâm tự khả đối Kim lang” - nhìn thẳng vào người yêu không chút hổ thẹn, và để sau này nữ giáo sư văn học họ Đặng khẳng định: “Kiều là hình ảnh tượng trưng cho “Tấm lòng như tuyết như băng” của người phụ nữ Việt Nam xưa kia” [10, tr.150].
Mọi người vẫn nói rằng Thúy Vân tròn trịa, vô tư, ít tình… Nhưng theo chúng tôi, nàng Vân chỉ không đa sầu đa cảm như chị mình thôi. Nếu đặt trong hệ thống biểu nghĩa đồng dạng của “trường tình thương” mà chúng tôi đã đề cập ở trên, thì họ “Một người một vẻ mười phân vẹn mười” trong thế giới tình cảm đó. Nếu ít tình, Vân đã không thể thay chị nói với cha mẹ lúc “tan đàn xẻ nghé” với nỗi đau của chính Kiều thế này: “Lời con dặn lại một hai/ Dẫu mòn bia đá không sai tấc vàng”, và sau đó suốt 15 năm ròng tận tụy thực hiện lời trao duyên của chị dù không có tình yêu, lại thông cảm hết lòng với nỗi đau và khát vọng tìm Kiều của Kim Trọng. Lời Vân “giãi bày một hai” lúc đoàn viên gia đình mong Kiều - Kim tái hợp (câu 3063 ->3076) hoàn toàn không có chút gì khiên cưỡng, ép buộc, xã giao, mà xuất phát từ tấm lòng thơm thảo của một cô em gái hiểu hơn ai hết nỗi đau của chị và sức nặng “Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình” của hai người…
Thương đời thương người bao nhiêu, Kiều lại thương mình bấy nhiêu: “Giật mình mình lại thương mình xót xa.” Chính sự thương mình đó, “một mình mình biết một mình mình hay” cũng là một thế giới sâu kín cho Kiều ẩn náu, “dùi mài một thân” giữa bao nhơ nhớp của đời để gìn giữ trọn vẹn phẩm cách và lương tâm… Thương mình, trong hầu hết trường hợp đã gia nhập tích cực vào “hợp âm chủ” tình thương, và khi “điểm nhìn” chuyển sang tác giả, “Tiếng thương” biến thành tiếng thét đòi quyền sống quyền làm người: “Chém cha cái số hoa đào/ Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi”.
***
Với Truyện Kiều, Đại thi hào Nguyễn Du đã tạo nên một “ma trận” của tình thương mà theo chúng tôi trong văn học Đông - Tây kim - cổ hiếm có. Nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn khái quát: “Nguyễn Du vĩ đại vì cái tình đời, tình người sâu thẳm trong ông” [18, tr.256]; và nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chú, “Thiên tài của Nguyễn Du trước hết là tình thương con người” [2, tr.25]. Còn “Cái tình vằng vặc như mảnh trăng giữa trời” đó của Truyện Kiều qua cảm nhận của nhà văn đa tình Lưu Trọng Lư [13, tr.139], xưa nay đã được hàng vạn trang sách báo bàn tới mà vẫn chưa cùng, và sắp tới cần phải khai thác thật rộng thật sâu nữa trên góc độ của lý thuyết ký hiệu học và liên - văn hóa (acculturation)… Với kiến thức hạn hẹp, chúng tôi đã dám liều mạng “xới” lên một vấn đề “quen mà lạ” (chữ của Nguyễn Đình Chú), chắc chắn có nhiều khiếm khuyết, mong được các bậc thầy chỉ giáo.
Hà Nội, tháng 02-2021
MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN
Tài liệu tham khảo:
[1] Đào Duy Anh (2007), Từ điển Truyện Kiều, Tái bản. Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
[2] Nguyễn Đình Chú (2015), “Nguyễn Du - Thiên tài. Vấn đề đã quen mà còn lạ”, Cõi người ta (Tập 1) Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
[3] Nguyễn Du (2015), Truyện Kiều, Nxb Trẻ & Hội Kiều học Việt Nam, Hà Nội. (Các trích dẫn Truyện Kiều trong bài đều theo sách này)
[4] Lê Quý Đôn (1995), Vân đài loại ngữ (Tạ Quang Phát dịch), Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
[5] Mộng Liên Đường (2007) “Bài Tựa Truyện Kiều” (Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim dịch), Hai trăm năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều (Lê Xuân Lít tuyển chọn, giới thiệu), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[6] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Đồng chủ biên) (1992), Từ điển thuật ngữ văn học. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[7] Nguyễn Hùng Hậu (2004), Triết lý trong văn hóa phương Đông, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[8] Cao Kim Lan (2015), “Biểu tượng từ ký hiệu học đến tu từ học tiểu thuyết”. Nguồn: http://vannghiep.vn/bieu-tuong-tu-ki-hieu-hoc-den-tu-tu-hoc-tieu-thuyet (Truy cập: 5-9-2019).
[9] Đặng Thanh Lê (1999), Giảng văn Truyện Kiều. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[10] Đặng Thanh Lê (1979), Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm. Nxb KHXH, Hà Nội.
[11] E. Fischer-Lichte & Iu. Lotman (1997), Ký hiệu học nghệ thuật Sân khấu - Điện ảnh (Bùi Khởi Giang & Bạch Bích dịch), Viện Nghệ thuật và lưu trữ Điện ảnh Việt Nam XB, Hà Nội.
[12] Lưu Trọng Lư (2013), “Một cuốn kinh về tình thương”, Tản Đà, Lưu Trọng Lư - Truyện Kiều trong văn hóa Việt Nam (Nguyễn Hương Mai sưu tầm, tuyển chọn), Nxb Thanh Niên, Hà Nội.
[13] Lưu Trọng Lư (2007), “Mấy lời chiêu tuyết cho Vương Thúy Kiều”, Hai trăm năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều (Lê Xuân Lít tuyển chọn, giới thiệu). Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[14] Phan Ngọc (2001), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Tái bản. Nxb Thanh niên, Hà Nội.
[15] Lã Nguyên (2018), Phê bình ký hiệu học. Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ. Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
[16] Phạm Đan Quế (2003), Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện - So sánh, đối chiếu, chú giải. Nxb Thanh niên, Hà Nội.
[17] Trần Đình Sử (2002), Thi pháp Truyện Kiều. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[18] Trần Nho Thìn (2008), Văn học Trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[19] Liễu Trương (2011), Phân tâm học và Phê bình văn học. Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
[20] Mai An Nguyễn Anh Tuấn (2015), “Truyện Kiều: Từ văn học tới điện ảnh - một phương thức diễn dịch nghệ thuật”. Nghiên cứu văn học, số 8.
[21] Trần Ngọc Vương (1999), Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam. Nxb ĐHQG Hà Nội.
( Trong sách NGUYỄN DU- HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT Sắp in)
- Từ khóa :
- MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN