- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

“LE LÓI HY VỌNG” VỀ NHÂN VẬT THỜI ĐẠI

10 Tháng Mười 202111:31 CH(Xem: 9752)

nvtd 3
      

“LE LÓI HY VỌNG” VỀ NHÂN VẬT THỜI ĐẠI    

Mai An Nguyễn Anh Tuấn    

 

Sau khi đưa một cảm ngôn về bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long & ý kiến của nhà văn Trần Thùy Linh như một lời kêu gọi các nhà điêu khắc, họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ hôm nay: “DỰNG TƯỢNG ĐÀI NÀY ĐI: CUỘC “THIÊN DI” CỦA NHỮNG ĐỨA TRẺ VÀ BÀ MẸ CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ…”, nhằm góp phần miêu tả “nhân vật chính của Thời Đại, biểu tượng cho cả một dân tộc vượt lên cảnh ngộ bi kịch tìm lối thoát cho quyền sống của mình”, rất nhiều người đã ủng hộ. Nhưng cũng có không ít người lồng lên phản đối như bị “chạm nọc”, thậm chí chửi bới rất tục tĩu (xin lỗi không viết ra vì xấu hổ thay cho họ). Để trả lời họ, với tư cách là một người làm phim, tôi xin có vài suy ngẫm về NHÂN VẬT THỜI ĐẠI giúp họ tham khảo.

 

Mấy hôm trước, giữa những ngày đại dịch tang thương, tình cờ tôi giở ra đọc lại “Tuyển tập Hoài Thanh, tập II” (Nxb Văn học, HN, 1982), và gặp ngay trang có những dòng sau:

 

“Trở về Thủ đô mới trên một năm là có người đã viết trong Giai phẩm mùa xuân:

Những con người của chúng ta

Đang lờ mờ xuất hiện

Le lói hy vọng…

Những con người nào vậy? Chắc chắn không phải là những con người như Lê Văn Thọ, Phan Đình Giót, Ngô Gia Khảm, Nguyễn Thị Chiên […] Không, những con người của Giai phẩm mùa xuân đúng là cái đám người cũ bị dồn vào một góc và đang ngoi đầu dậy. Những con người hư hỏng ấy trong bao lâu bị chính nghĩa dồn ép, nay có hoàn cảnh ngoi đầu dậy là chúng liền phá vỡ nước sơn CM mong manh. Chúng nó quật dậy với ý định trả thù, táo tợn hung hăng lại càng cho mình là dũng cảm”.

 

Tiếp sau đó, tác giả đã dùng “chùy thép” ngôn từ giáng không thương tiếc xuống tư cách, nhân thân của những người theo ông là “bọn phản nghịch”, là quân “mưu mô làm chính trị phản động”, bọn mang “nọc độc”, lũ “chuột dịch” “định kiếm chác một món to”… (tr.323, 324). Ở một bài khác, ông đã khẳng định như tòa án kết tội hùng hồn: “Bọn cầm đầu Nhân văn là một bọn phản cách mạng!” (tr.281).

 

Ở đây tôi xin miễn bàn luận về những lời phán xét nghiêm khắc đầy quyền uy và “sắt máu” kia (tác giả viết vào những năm 1958 – 1960, sau này tập hợp in sách vào năm 1982), vì đã có rất nhiều bài viết nghiêm túc vạch ra sự thật, “chiêu tuyết” và trả lại công bằng cho những người bị gọi là Nhân văn, và cho cả phong trào Nhân văn Giai phẩm - tiêu biểu là các bài của nguyên Đại tá an ninh Thái Kế Toại (tức nhà văn Lê Hoài Nguyên - Xin xem trên: https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=13581). Ta có thể mượn lời của ông khi viết về nhạc sĩ Tử Phác để nói về  hầu hết các văn nghệ sĩ từng bị chụp mũ “Nhân Văn Giai Phẩm” thời ấy: “Trong tiến trình dân chủ hóa của đất nước, tên tuổi của nhạc sĩ Tử Phác không phai mờ cùng Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm”. (http://vanviet.info/van/tu-phc-mot-so-phan-bi-tham/).

 

Tôi chỉ xin dừng lại ở mấy câu thơ trên:

 

Những con người của chúng ta/ Đang lờ mờ xuất hiện/ Le lói hy vọng…

 

Dự cảm của một nhà thơ NVGP hồi ấy, ngờ đâu đã mang một nội dung hiện thực sâu sắc, và đã được chứng thực bằng sự thật đời sống suốt mấy chục năm qua, đặc biệt là trong những ngày đại dịch này!

 

Người viết những dòng này, hồi thi vào Điện ảnh được ban Giám khảo (gồm các nhà điện ảnh nổi tiếng và các GS-TS. Nghệ thuật học - Điện ảnh học) hỏi một câu: “Theo anh, nhân vật chính của văn học nghệ thuật thời đại ta là gì?” Với sự háo hức của người sắp bước vào nghề nghiệp mới mẻ hằng ao ước, hắn trả lời: “Thưa, nhân vật thời đại, theo một học giả Bungari, đó là người có trí tuệ của một nhà bác học, có trái tim của một chiến sĩ, và tâm hồn của một nhà thơ!” Cả ban Giám khảo ngẩn ra giây lát, nhìn nhau, chắc tự hỏi không hiểu kẻ “trái khoáy” này từ đâu ra, cớ sao không thèm nhắc tới Nhân vật Công - Nông - Binh mà tất cả các giáo trình Đại học văn chương, nghệ thuật lúc đó coi là Thần tượng, là hạt nhân tri thức mỹ học XHCN?

 

nvtd 1

Áp phich tiêu biểu của Trung Quốc một thời


Vâng, một thời kỳ dài, rất dài, “nhân vật anh hùng thời đại” (không phải theo kiểu của I. M. Lermontov) được hiểu là nhân vật thuộc tầng lớp Công - Nông - Binh - cốt lõi là “Tư tưởng văn nghệ ở Diên An” của Mao, được bao bọc, trang điểm bằng các lý thuyết văn học & mỹ học của Mác - Ăng-ghen - Lê Nin, M. Gorki, Timofeev, Jăng Phơ-rê-vin, Iu.B. Bô-rép, v.v. Công - Nông - Binh mang khát vọng & tư thế: “Mỗi con người lấp lánh một ngôi sao” như nhà thơ lớn Tố Hữu định nghĩa và đòi hỏi, dù có cơ sở thực tế nhất định, song điều tai hại là đã mang trong nó mầm mống của sự kiêu ngạo, bất chấp quy luật khách quan Lịch sử, bất chấp nền tảng của Nhân văn, và nhất là nó sẽ đẻ ra tư tưởng thống trị Nhân dân khi sự phân liệt giàu nghèo ngày một rõ rệt của một xã hội tiêu thụ thắng thế!

 

Khi một viên chức cấp cao thuộc tầng lớp “quý tộc mới” đương sống giữa biệt thự và các tiện nghi hiện đại cao giọng lên án một lão nông Đảng viên nghèo bị gạt sang hàng ngũ thù địch, là “ác bá cường hào”, có thể hiểu rằng ông ta không giả dối đóng kịch chút nào, mà rất chân thực chân thành. Bởi trong máu ông ta, từ lúc còn là học trò, đã nhiễm tư tưởng “Ngôi Sao”, tức là cái đặc quyền đặc lợi đương nhiên được hưởng đối với gia đình mình, với giai tầng của mình; do đã có công lớn trong Sự nghiệp đấu tranh giải phóng Dân tộc và Giai cấp nên tự cho cái quyền được ban ơn hay trừng trị, quyền sai khiến luật pháp!

 

nvtd 3
Biểu tượng của xưởng Mosfilm trong hàng thập kỷ


Nhân vật xả thân hy sinh cho Tổ quốc - Đồng bào giờ chỉ còn là hình ảnh trong các phim “cúng cụ” đắt tiền được trình chiếu trong các Đại lễ kỷ niệm, làm thứ trang trí sang trọng cho Chính thể. Còn ngoài đời, dành cho thanh thiếu niên hiện nay dường chỉ là các nhân vật thành đạt xài ô tô BMW, LEXUS, có lâu đài đồ đạc dát vàng mà một số quan chức đã phô phang hãnh diện và giới truyền thông quảng bá cổ vũ… Cạnh đó, sự yếu kém, thất bại của ngành Giáo dục đang bị thương mại hóa cộng với cái quy định không văn bản gần như được pháp chế hóa: “Tất cả để cho Đảng và Nhà nước lo” đã làm tê liệt dần tinh thần sáng tạo, ý thức phản biện trong thanh thiếu niên, và đang tạo ra một tâm thế xã hội: “Quyền lực ở phía này, sự sợ hãi ở phía kia, luôn luôn là những cột trụ trên đó uy quyền phi lý được xây dựng” (Power on the one side, fear on the other, are always the buttresses on which irrational authority is built), như nhà tâm lý học người Đức Erich Fromm từng nói.

 

Những con người của chúng ta

Đang lờ mờ xuất hiện

Le lói hy vọng…

 

Vậy, “Những con người của chúng ta” đó hiện giờ là ai, và đang ở đâu? Sự “lờ mờ xuất hiện” của nó từ hơn nửa thế kỷ trước làm cả xã hội “le lói hy vọng”, phải chăng là những con người mang phẩm chất mà Phan Tây Hồ tiên sinh đã mong mỏi, với phương châm "tự lực khai hóa" và tư tưởng dân quyền, nhằm Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh? Đó là những phẩm chất, mà vì ủng hộ chúng, người viết mấy dòng này suýt bị “trượt vỏ chuối”, nhưng giờ đây lại thấy có ý nghĩa hơn bao giờ hết trong việc xây dựng Con Người mới, hình thành Nhân vật Thời đại: “Nhân vật thời đại, đó là người có trí tuệ của một nhà bác học, có trái tim của một chiến sĩ, và tâm hồn của một nhà thơ.” Người mẹ ôm con trong cuộc “thiên di” lịch sử kia, người mang bao nỗi đau tinh thần và thể chất để vượt qua mọi nghịch cảnh thiên tai nhân họa - cũng là một kiểu “anh hùng văn hóa”, đã bảo vệ các Nhà bác học - Người chiến sĩ tương lai đó cho Dân tộc mình…

 

Chỉ xin được bổ sung một điều: Trái tim chiến sĩ và Tâm hồn nhà thơ đó rất cần phải có tình yêu thương Đồng Bào làm điểm tựa, làm gốc rễ cho mọi hành động. Đó cũng là thứ quý giá, cần thiết để các nhà Nhân văn Việt Nam ngày trước đã phải “le lói hy vọng…”

 

Và hôm nay, nhiều người như tôi cũng đang le lói hy vọng, giữa bao thất vọng bầm dập, về sự xuất hiện một kiểu Nhân vật đích thực của thời đại nhằm tiếp tục thực hiện ngày một hiệu quả các sự nghiệp ngổn ngang của Quốc gia, và để trở thành nguyên mẫu cho văn chương - nghệ thuật… Bởi như nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã khẳng định trong lời giới thiệu cho tập sách mới nhất của tác giả Lã Nguyên: “Đặc biệt từ sau năm 1986, các nghị quyết của Đảng liên quan đến văn nghệ đều không nhắc đến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, đồng thời khuyến khích tìm tòi phương pháp và phong cách khác nhau” (Nguyễn Duy – nhà thơ hiện đại Việt Nam (Thực hành phân tích diễn ngôn văn học) -http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/nguyen-duy-nh-tho-hien-dai-viet-nam-thuc-hnh-phn-tch-dien-ngn-van-ho%cc%a3c-ky-1/).

Có như vậy, văn chương - nghệ thuật Việt Nam mới đáp ứng được yêu cầu thời đại, mới có thể mang được giá trị nhân văn toàn cầu vượt ra ngoài biên giới.

Mai An Nguyễn Anh Tuấn    

  

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 98654)
Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1894 tại làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, mất năm 1983 tại Sài Gòn, thọ đúng 90 tuổi ta. Cuộc đời ông trải qua hầu hết những giai đoạn thăng trầm nhất, chứng kiến hầu hết những biến cố quan trọng nhất của lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Ông cũng chứng kiến hầu hết những cuộc đổi thay của văn học hiện đại Việt Nam, từ sự ra đi của thơ Cũ đến sự xuất hiện của Phong trào thơ Mới, của Tự lực văn đoàn, đến các trường phái, trào lưu, khuynh hướng, chủ thuyết văn học cả tư bản và cộng sản gần suốt thế kỷ XX.
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 90868)
“Đến bây giờ tôi còn thương mấy con ếch báo thức; chúng là những con ếch đầu đàn, ngủ đông trong hang, nấc lên tiếng gọi đầu tiên đánh thức đàn ếch chui ra khỏi hang mà vào cuộc sinh nở với mùa xuân. Nhưng các nhà "tiên tri ếch, kẻ đánh thức đồng loại" dậy đón xuân kia đã bằng tiếng ồm ộp của mình báo rằng: lạy ông tôi ở bụi này. Mấy tay bắt ếch chuyên nghiệp nghe tiếng kêu thức tỉnh đồng loại của dũng tướng ếch cách mạng kia bèn chộp chú liền, cho vào giỏ về thịt; vào giỏ rồi mà chú vẫn uôm uôm! Vẫn báo cho đồng loại dậy mau mà chạy đi, mà vọt xuống ao kịp trốn ... . " (Trần Mạnh Hảo)
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 89295)
T rong đời Nguyễn Du có ba sự việc liên can đến Trung Quốc:Năm  1803 , Nguyễn Du được cử lên  ải Nam Quan tiếp sứ  nhà Thanh sang phong sắc cho vua  Gia Long . Năm  1813 ông được thăng Cần chánh điện học sĩ và được cử làm chánh sứ tại  nhà Thanh cho đến  1814 . Năm  1820 Gia Long qua đời,  Minh Mạng nối ngôi. Lúc này Nguyễn Du được cử đi làm chánh sứ sang  nhà Thanh báo tang và cầu phong nhưng ông bị bệnh dịch chết...
17 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 107856)
C âu hỏi được đặt ra là tại sao bài Đáp Lời Sông Núi [2] của Trúc Hồ lại có thể vượt không gian và đặc biệt là đường ranh Quốc - Cộng để không riêng được mọi người ưa thích mà còn được hát lên như vậy? Câu hỏi này đã khiến cho những người từng theo dõi sự xuất hiện và phổ biến của những bài hùng ca [...] nhớ tới những bài hát của thời thập niên bốn mươi của thế kỷ trước.
05 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 101091)
S au nhiều năm bị giam cầm và cả 7 năm quản thúc tại gia, lãnh tụ dân chủ đối lập bà Aung San Suu Kyi được thả ra. Ngay sau đó, từ tháng 8 năm 2011, bà đã mạnh dạn lên tiếng kêu gọi phong trào quần chúng hãy bảo vệ con sông Irrawaddy cùng với yêu cầu phải tái lượng giá ảnh hưởng môi sinh...
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89000)
T rần Hoài Thư đến với văn chương rất sớm, sớm hơn truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1965. Và nếu phân chia các giai đoạn văn học miền Nam theo cách của Võ Phiến (xem Văn Học Miền Nam, tập tổng quan, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ 2000) thì Trần Hoài Thư được xếp vào ( Những Cây Bút Trẻ , theo cách gọi thời đó) giai đoạn 1964-1975 giai đoạn mà chiến cuộc bắt đầu bùng nổ dữ dội.
07 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 97891)
K hi đánh giá về ngôn ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, tác giả đã đẩy ngôn ngữ bình dân lên ngôn ngữ bác học. Nhận định này đã gián tiếp phân cấp ngôn ngữ ca dao hò vè với ngôn ngữ thơ.
17 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 95464)
C ái Tôi nội cảm cộng hưởng với cảnh đời riêng, tâm thế sáng tạo riêng đã hình thành kiểu tư duy kỳ lạ của thơ Loạn. Thơ Loạn ra đời dựa trên sự thăng hoa nghệ thuật của những nỗi đau, sự bung phá những giới hạn, sự phân ly và hòa hợp những đối cực, sự hợp lưu của nghệ thuật, tôn giáo và cuộc đời. Thế giới nghệ thuật trường thơ Loạn là ánh xạ đầy biến ảo của những cái Tôi trữ tình đau thương và khát vọng.
09 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 95005)
K hi ta nói chuyện một con sông, thì chủ yếu là nói đến một khúc sông, như khúc sông Hương chảy qua thành phố Huế. Nói về một tác giả cũng vậy, thường ưu đãi ấn tượng về một tác phẩm nào đó. Với một sự nghiệp văn học đã trải qua nhiều ghềnh nhiều thác như của Thảo Trường, đánh giá toàn bộ là một việc khó.
20 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 87558)
N ói chung, người ta nghĩ đến giải nobel văn học cho Trần Dần. Tuy nhiên, Trần Dần còn có thể được xét tặng một giải nobel nữa: nobel hòa bình, nobel chính trị. Bài viết này đề xuất vấn đề đó.