- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Lý Thuyết (văn Học) Là Gì?

25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 25531)
Gần đây, chúng ta hay nói đến lý thuyết văn học. Nhưng lý thuyết là gì?

Một trong những biểu hiện cụ thể nhất của tư duy tiền-lý thuyết là quan niệm cho lý thuyết như một bộ tín lý và cẩm nang cố định, thậm chí, bất biến. Chẳng hạn, lý thuyết sẽ cung cấp cho người ta những định nghĩa rõ ràng và dứt khoát về văn học, những đặc điểm và những chức năng quan trọng nhất của văn học, mối quan hệ giữa văn học và những lãnh vực khác như chính trị, đạo đức, v.v... Nền tảng của quan niệm này là cái nhìn mang tính duy bản luận (foundationalism), dựa trên hai tiền giả định chính: một, văn học là cái gì đã có sẵn, chúng ta chỉ cần “nhận diện” bản chất và những đặc trưng cơ bản của nó; hai, văn học là một bộ phận trong cấu trúc chung và cố định của toàn xã hội, chúng ta chỉ cần khám phá ra các mối quan hệ giữa nó với các bộ phận khác. Cả hai tiền giả định này đều được tin tưởng trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, càng ngày người ta càng thấy chúng ngây thơ.

Thứ nhất, văn học là một tiến trình không ngừng vận động và thay đổi, do đó, bất cứ định nghĩa và bất cứ nỗ lực “nhận diện” nào cũng đều bất cập.

Thứ hai, vì bản thân chúng ta cũng chỉ là một bộ phận, thậm chí là một bộ phận cực nhỏ của xã hội, mọi tham vọng nhìn xã hội như một toàn cảnh, từ đó, định vị văn học một cách chính xác, chỉ là một ảo tưởng.

Xuất phát từ cái nhìn duy bản luận như vậy, lý thuyết biến thành một thứ thần học: về thời điểm, nó có trước mọi sinh hoạt văn học; về chức năng, nó định hướng cho các hoạt động văn học, kể cả sáng tác và phê bình; và về bản chất: nó có quyền lực siêu tự nhiên, ít nhiều có tính chất tín ngưỡng.

Để vượt qua tính chất duy bản luận và tính thần học như vậy, người ta gắn liền lý thuyết và phê bình, trong đó, lý thuyết đóng vai trò biện minh hơn là chỉ đạo phê bình, hay, nói theo Sander Gilman, lý thuyết văn học là “ý thức tự giác về những cách tiếp cận mang tính phương pháp luận mà người ta sử dụng” hay nói theo Gerald Graff, một diễn ngôn liên quan đến việc hợp thức hoá các nguyên tắc và các tiền đề của phê bình văn học. Nói cách khác, dùng chữ của Murray Krieger, “cách đọc có thẩm quyền” về một tác phẩm văn học được gọi là phê bình, “việc thẩm quyền hoá cách đọc ấy chính là lý thuyết.”

Nhưng cái gọi là “thẩm quyền hoá” (authorization) ấy đến từ đâu? Oái oăm thay, nó lại đến chính từ những hoài nghi đối với mọi thẩm quyền. Mà thẩm quyền lớn nhất trong văn học chính là những hệ thống giá trị để căn cứ vào đó mọi người tiến hành các hoạt động sáng tác và phê bình. Lý thuyết “gây sự” ngay với những hệ thống giá trị ấy, hơn nữa, còn “gây sự” với những nền tảng trên đó các hệ thống ấy được xây dựng. Khi “gây sự” với cả những nền tảng như vậy, lý thuyết tự động tạo ra những khủng hoảng trong niềm tin và nhận thức: có thể xem đây như một trong những chức năng đầu tiên của lý thuyết. Nó bắt người ta phải định nghĩa lại mọi khái niệm, nhận diện lại mọi hiện tượng, cấu trúc lại mọi hệ thống.

Tạo ra khủng hoảng, lý thuyết không bị bắt buộc phải giải quyết khủng hoảng. Có khi, ngược lại, nó còn làm cho cuộc khủng hoảng càng trầm trọng thêm và ý thức về cuộc khủng hoảng ấy càng sâu sắc thêm. Đến lúc nào đó, tự nó biến thành một sự khủng hoảng: bản thân nó trở thành một vấn đề: từ lý thuyết, nó sinh ra lý thuyết về lý thuyết. Lịch sử của lý thuyết về lý thuyết này càng dài, một định nghĩa thực sự và chung nhất của khái niệm lý thuyết càng trở thành một ước mơ không thể thực hiện được. Tính bất khả thực hiện này, đến lượt nó, lại trở thành một quyến rũ lúc nào cũng lấp lánh trước mắt mọi nhà lý thuyết.

Tầm vóc của các sự khủng hoảng thay đổi theo thời gian. Trước, khủng hoảng thường mang tính cục bộ, giới hạn trong từng vấn đề, ở đó, khi có ai hoài nghi về một chức năng nào đó của văn học, chẳng hạn, hắn không nhất thiết phải hoài nghi toàn bộ hệ thống ngôn ngữ và văn hóa đằng sau văn học. Bây giờ, ngược lại, khi người ta đã phát hiện ra tính liên văn bản trong văn học, tính liên ngành trong văn hoá, và tính liên chủ thể trong xã hội, không còn một khía cạnh nào có thể đứng vững khi những khía cạnh khác bị đặt thành nghi vấn cả. Điều này dẫn đến hậu quả là thế giới của lý thuyết càng ngày càng bao la đến gần như vô giới hạn.

Jonathan Culler ghi nhận, lý thuyết văn học “không còn là một mớ phương pháp luận để nghiên cứu văn học mà trở thành một tổ hợp không cùng của những bài viết về bất cứ điều gì dưới ánh mặt trời, từ những vấn đề thuần kỹ thuật trong triết học kinh viện đến những biến đổi trong cách người ta nói và nghĩ về thân thể.”

Gắn liền với khủng hoảng về trí thức và niềm tin, bất cứ lý thuyết nào cũng mang trong nó những khắc khoải và những nhiệt huyết, những ước mơ và những tuyệt vọng, cái lạnh của trí tuệ và cái đau đáu của tâm hồn. Nó không phải là thứ gì mình có thể dễ dàng vay mượn được. Không ít người cầm bút Việt Nam, khi nghĩ đến lý thuyết văn học, thường có một quan niệm đơn giản là nhìn quanh trên thế giới, xem có cái gì thích hợp thì... mượn đỡ. Thật ra, đó chỉ là một ảo tưởng.

Trong một cuộc họp báo được tổ chức tại hội nghị thượng đỉnh của khối G-8 vào ngày 10 tháng Sáu năm 2004, nhân bàn về tham vọng dân chủ hoá các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông của Mỹ, tổng thống Pháp Jacques Chirac có một câu nói mà tôi rất thích: “Dân chủ không phải là một phương pháp; nó là một văn hóa.” Do đó, “cải cách không thể được áp đặt từ bên ngoài; nó phải được hoàn thiện từ bên trong.” Nhận định ấy, tôi nghĩ, cũng có thể được áp dụng cho lý thuyết văn học: lý thuyết là một văn hóa. Nó không thể được vay mượn một cách máy móc: vay mượn như thế, nó sẽ biến ngay thành giáo điều; và với tư cách giáo điều, nó chỉ có tác dụng tiêu cực: nó giết chết sáng tạo.

Lý thuyết chỉ có thể được tiếp nhận khi, và chỉ khi, nó bị phê phán hoặc/và được phát triển, nghĩa là, nói cách khác, nó bị đối xử như một kẻ thù trước khi là một kẻ đồng hành. Điều đó giải thích tại sao, ở Việt Nam, mặc dù được du nhập trong cả hơn nửa thế kỷ và mặc dù được nhà nước ủng hộ tối đa bằng cả một bộ máy tuyên truyền, giáo dục và thậm chí, hành chính kềnh càng, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa vẫn chưa bao giờ tồn tại như một lý thuyết. Và điều đó cũng cho thấy tính nhà nước và tính lý thuyết hầu như không bao giờ đi liền với nhau được.

Tự bản chất, lý thuyết gắn liền với cách mạng: nó ra đời từ những sự phản tỉnh đối với chính sự suy nghĩ, từ những sự hoài nghi và phản kháng đối với những quy phạm có sẵn, và từ khát vọng tái định hướng cách nhìn về văn học cũng như tái cấu trúc hiện thực văn học, từ đó, dẫn đến việc hình thành những quy phạm mới có khả mở ra những chân trời mới và những hướng phát triển mới. Nhằm duy trì quyền lực và tạo sự ổn định, nhà nước nào cũng cố gắng tước bỏ bản chất cách mạng ấy của lý thuyết bằng cách loại trừ tính phê phán và chỉ giữ lại tính quy phạm, triệt tiêu tinh thần hoài nghi và củng cố ý thức phục tùng, cuối cùng, giản lược mọi lý thuyết lại thành những công thức cứng nhắc để làm kim chỉ nam cho các hoạt động sáng tác, phê bình và biên khảo. Cách tiếp cận như vậy dẫn đến sự ra đời của những nô bộc lý thuyết, những kẻ chỉ biết lặp lại như vẹt những mảnh vụn vỡ ra từ lý thuyết nhưng không bao giờ có đủ khả năng để tiếp cận lý thuyết như một hệ thống quan điểm khái quát và nhất quán. Cách tiếp cận như thế, tự bản chất, mang tính phản lý thuyết, hơn nữa, phản trí thức:

thứ nhất, nó chỉ nhắm tới mục đích thực tiễn chứ không nhằm thoả mãn khuynh hướng muốn biết và mở rộng tầm nhận thức của con người;

thứ hai, nó chỉ đòi hỏi người khác phải chấp nhận những công thức ấy như những chân lý tuyệt đối và hiển nhiên chứ không được quyền nghi vấn hay tìm tòi tiếp.

Với tính phản lý thuyết và phản trí thức như vậy, cách tiếp cận lý thuyết của nhà cầm quyền bao giờ cũng ở trong trạng thái nghịch lý: họ vừa tuyên bố là cần có lý thuyết mới để chỉ đạo hoạt động văn học lại vừa cấm mọi tìm tòi, hơn nữa, có khi còn cấm cả việc đọc và phiêu lưu vào những lãnh địa mới của tư tưởng; họ vừa kêu gọi sự sáng tạo lại vừa đẩy mọi người vào thế thụ động, thậm chí nô lệ là chỉ được quyền chấp nhận mệnh lệnh và những gì được ban phát. Hậu quả là nó chỉ có thể đẻ ra một thứ lý-thuyết-phi-lý-luận, một hệ thống của những điều phải làm và những điều không được làm.

Nói một cách tóm tắt, một trong những điều kiện quan trọng nhất của lý thuyết chính là tinh thần phê phán: lý thuyết chỉ được ra đời từ, và được nuôi dưỡng bởi, tinh thần phê phán. Không phải chỉ là điều kiện, theo Jonathan Culler, tinh thần phê phán còn là một thuộc tính tất yếu của lý thuyết, bên cạnh ba thuộc tính căn bản khác: tính liên ngành, tính phân tích và tính phản tỉnh. Trong ý nghĩa đó, theo tôi, lý thuyết trước hết là một hình thái của phê bình: lý thuyết nào cũng được xây dựng từ nỗ lực đả phá những quan niệm cũ kỹ, bất cập hay sai lầm trước đó. Mối quan hệ giữa lý thuyết và phê bình, do đó, là một thứ quan hệ hai chiều và thực sự biện chứng: phê bình vừa là một cách vận dụng lý thuyết nhưng đồng thời cũng vừa là tiền đề của lý thuyết; lý thuyết, cũng vậy, vừa sinh ra từ phê bình lại vừa phục vụ phê bình.

Hơn nữa, cũng có thể nói lý thuyết chính là phê bình về phê bình, hoặc còn được gọi là siêu-phê hình (metacriticism): phê bình những tiền đề được dùng làm cơ sở cho hoạt động phê bình nói chung. Riêng ở Việt Nam, nói đến nhu cầu xây dựng một hệ thống lý thuyết mới, điều cần thiết và khẩn thiết nhất là phải rèn luyện cách suy nghĩ mang tính phê phán (critical thinking) mà một trong những đối tượng cần phê phán đầu tiên chính là những quan điểm vốn được chấp nhận như những chân lý lâu đời và hiển nhiên, những tiền đề được sử dụng như chỗ dựa vững chắc cho các phán đoán của chúng ta về các hiện tượng văn học. Tiếc thay, tinh thần phê phán lại là điều dường như chúng ta thiếu nhất.

Đọc các bài tiểu luận do giới cầm bút Việt Nam viết, người ta dễ nhận ra một số đặc điểm: một, bị ám ảnh bởi con người hơn là vấn đề, hai, sự sùng bái đối với quyền lực và ba, dễ bị khuất phục trước tính đại chúng. Tranh luận, người ta hiếm khi phân tích một cách khách quan các luận điểm chính của đối thủ mà chỉ chăm chăm tập trung vào tính cách và các quan hệ xã hội của người ấy. Ngược lại, bênh vực cho một ý kiến, thay vì phải dùng lý luận, người ta chỉ cần dẫn ra một câu tục ngữ, ca dao, một danh ngôn, hay một lời phát biểu của một vị lãnh tụ nào đó, thế là coi như xong: vấn đề đã được giải quyết và chân lý đã được sáng tỏ.

Hiếm người tự đặt câu hỏi: liệu những câu tục ngữ, ca dao, danh ngôn hoặc những lời phát biểu ấy có đúng hay không? Liệu lãnh tụ của mình, bước ra ngoài lãnh vực chính trị, bàn chuyện văn học, nghệ thuật, có gì đáng tin cậy hay không? Ngay cả khi họ bàn chuyện chính trị thì một nhà chính trị lớn có nhất thiết lúc nào cũng đúng hay không? Liệu lời phát biểu của một chuyên gia, ngay cả chuyên gia hàng đầu trong một lãnh vực nào đó, có phải là toàn bộ chân lý hay không?

Nguyên tắc cơ bản của cách suy nghĩ mang tính phê phán là: không có gì có thể được xem là chân lý trước khi chúng được chứng minh là chân lý. Trong việc chứng minh ấy, người ta chỉ tin cậy vào một điều duy nhất: óc lý luận. Điều này có nghĩa là mọi sự suy nghĩ mang tính phê phán đều được bắt đầu bằng ba điều kiện: sự hoài nghi, sự tự tin và khát vọng tìm hiểu sự thật. Hoài nghi mọi quyền lực và tự tin ở chính năng lực tư duy của mình. Nói cách khác, hoài nghi Thượng đế và tự tin ở con người. Bất cứ lý thuyết gia nào, ở khởi thuỷ của cuộc ngao du vào thế giới lý thuyết, cũng đều, như Nietzsche, tin là “Thượng đế đã chết”. Thượng đế không chết thì người ta cũng sẽ khai tử Thượng đế để lý trí được lên ngôi, với nó, người ta đi tìm lại chân lý một cách tự do và thanh thản.

Nhưng không có cuộc hành trình tìm kiếm chân lý nào bắt đầu từ con số Không. Sau Adam và Eve, lý luận, thực sự là lý luận, bao giờ cũng là một sự tiếp nối của một chuỗi lý luận dằng dặc trong lịch sử. Ngay cả khi tôi muốn bênh vực cho một luận điểm đơn giản, chẳng hạn, “văn chương dâm uế không phải là văn chương”, tôi đã, một cách tự giác hay không, tham gia vào một cuộc tranh luận mà hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu người trước tôi, đã từng tham gia: cuộc tranh luận về quan niệm về văn chương, về chức năng của văn chương, về sự dâm uế, về quan hệ giữa văn chương và đạo đức, giữa nhà văn và xã hội, giữa tính đặc tuyển và tính đại chúng, v.v& Trong cuộc tranh luận ấy, sự khác nhau trong cách hiểu về những khái niệm căn bản như “văn chương” hay “sự dâm uế” có thể dẫn đến những kết luận hoàn toàn khác nhau. Không phải ngẫu nhiên mà trong nền giáo dục Tây phương, người ta rất xem trọng tính lịch sử của vấn đề và khung lý thuyết khi giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó: đó là hai phần bắt buộc trong hầu hết các luận án ở bậc đại học, đặc biệt, bậc hậu đại học, đồng thời, cũng là hai phần thường xuyên xuất hiện trong các bài tiểu luận theo phong cách hàn lâm.

Một cung cách lý-luận-phi-lý-thuyết, dựa theo cảm tính và thành kiến, chỉ dẫn đến những ý tưởng tản mạn, ngẫu nhiên, có khi đầy mâu thuẫn, hiếm khi vươn lên được một tầm nhìn có tính chiến lược để có thể bao quát phần lớn những vấn đề liên hệ. Một cung cách lý-luận-phi-lịch-sử, ở đó, người ta phát ngôn như mình là người đầu tiên và duy nhất đề cập đến đề tài ấy, rất dễ có nguy cơ bất cập và lảm nhảm, chỉ lặp lại người khác, thậm chí, lặp lại những cái sai của người khác.

Ngoài tính chất phê phán, lý thuyết nào cũng cần có tính hệ thống. Nói đến tính hệ thống, thật ra, cũng là nói đến các mối quan hệ chặt chẽ và có thứ bậc giữa các ý tưởng và các luận điểm, giữa các “nguyên lý” và các hệ luận. Những ý nghĩ rời, bộc phát tình cờ như một phản hồi tự nhiên khi chúng ta đối diện với vô số sự kiện khác nhau trong đời sống không phải là lý thuyết. Lý thuyết là cách nhìn có tham vọng bao quát toàn cảnh vấn đề và đi sâu vào “bản chất” của văn học, xây dựng những tiền đề trên đó chúng ta có thể tiến hành việc đọc, việc diễn dịch và việc đánh giá các tác phẩm văn học. Trong lý thuyết, các luận điểm phải được đẩy đến tận cùng nhưng bao giờ cũng phải giữ được sự nhất quán: tất cả đều phải dựa trên một số tiền đề chung nhất.

Tôi cho một trong những khuyết điểm lớn nhất trong sinh hoạt văn học nghệ thuật cũng như văn hóa nói chung của Việt Nam từ xưa đến nay là hiếm khi chúng ta dám đi đến tận cùng bất cứ điều gì. Không dám đi đến tận cùng, chúng ta không những từ chối tư cách những người lập thuyết mà còn xóa bỏ mọi cơ hội và mọi hy vọng làm cách mạng của các thế hệ kế tiếp: không ai có thể lật đổ được một cái vô hình. Nhưng muốn đi đến tận cùng, ngoài sự dũng cảm, người ta còn cần khả năng phân tích và khái quát hóa. Jonathan Culler nói đến tính phân tích như một trong những thuộc tính căn bản của lý thuyết. Đành là đúng.

Tuy nhiên, theo tôi, để hình thành lý thuyết, điều kiện cần không kém, nếu không muốn nói là trước cả khả năng phân tích, chính là năng lực khái quát hóa để người ta có thể nắm bắt được những gì thuộc về “bản chất”, sâu kín và trừu tượng nhất. Nhờ tính chất khái quát hoá ấy, lý thuyết có độ mở và sức lan toả rất rộng: nó có thể cung cấp hoặc gợi ý cho các chuyên gia ở các lãnh vực khác một cách nhìn mới khi tiếp cận với các vấn đề thuộc lãnh vực chuyên môn của họ. Jonathan Culler gọi đó là tính chất liên ngành và khẳng định: “Tác phẩm được xem là lý thuyết phải có tác động vượt ra ngoài lãnh vực nguyên thủy của nó.”

Những lý thuyết về ngôn ngữ của Ferdinand de Saussure, về phân tâm học của Sigmund Freud, về nhân chủng học của Claude Levi-Strauss, về lịch sử tính dục của Michel Foucault, về ký hiệu học của Umberto Eco, về sự thay đổi trong điều kiện tri thức của thời đại của Jean-Francois Lyotard.... đã có ảnh hưởng cực kỳ sâu đậm trong lãnh vực nghiên cứu văn học. Từ thập niên 1960 về sau, càng ngày càng có nhiều người được xem là lý thuyết gia văn học mặc dù đề tài nghiên cứu của họ rất xa văn học: Không trực tiếp bàn đến văn học nhưng những khám phá và những phân tích của họ về ý nghĩa, ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử, chính trị hoặc về tâm thức con người đã làm thay đổi cách nhìn về văn học còn hơn cả những lý thuyết thuần túy văn học truyền thống.

Khi lý thuyết được xem như một cách nhìn sâu vào những nền tảng trên đó văn bản trở thành tác phẩm văn học, theo cách nhìn của các nhà thẩm mỹ học, hoặc ngược lại, tác phẩm văn học trở thành văn bản, theo cách nhìn của các nhà cấu trúc luận và hậu cấu trúc luận, việc phân chia lý thuyết thành hai loại: lý thuyết mô tả (gồm cả lý thuyết về diễn dịch) và lý thuyết quy phạm (normative theory) (bao gồm lý thuyết mỹ học và lý thuyết chính trị/đạo đức) dần dần trở thành khiên cưỡng. Khi việc mô tả đối tượng thay đổi, cách tiếp cận đối tượng ấy cũng thay đổi theo. Bởi vậy, một trong những cống hiến có ý nghĩa nhất của lý thuyết là làm sụp đổ những điều được mọi người xem là hiển nhiên, mở ra những giác độ mới để từ đó người ta có thể nhìn các hiện tượng văn học hoặc văn học nói chung một cách khác.

Những cách nhìn mới ấy gắn liền với những khái niệm mới: đó là lý do tại sao sự xuất hiện của các lý thuyết mới bao giờ cũng dẫn đến sự ra đời của vô số thuật ngữ mới. Trong tiếng Việt, cùng lúc với việc giới thiệu các lý thuyết mới là sự sử dụng hàng loạt những thuật ngữ mới như tính quy phạm, tính liên văn bản, tính bất định, tính bất quyết, siêu-hư cấu, đại tự sự, văn hoá văn chương, cộng hòa văn học, diễn ngôn (hay hành ngôn), điển phạm, cái thế vì, phi tuyến tính, chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa h(ậu h)iện đại, tr(ch)uyện, v.v... Nghe, dễ có cảm tưởng là làm dáng; thậm chí, ồn ào, nhưng đó là điều không thể tránh được khi nội dung những điều được diễn đạt chưa bao giờ từng phổ biến ở Việt Nam.

Nhấn mạnh vào chức năng làm thay đổi cách nhìn như vậy, chúng ta cũng đồng thời chấp nhận tính tương đối của lý thuyết: mỗi lý thuyết mở ra một giác độ và không có một lý thuyết nào có giá trị tuyệt đối. Các lý thuyết thường bổ sung cho nhau hơn là loại trừ nhau: sự nở rộ của các lý thuyết làm cho, một mặt, tầm nhìn của mọi người rộng ra, diện tích của văn học cũng trở thành bao la và đa dạng hơn hẳn; mặt khác, khi thay đổi góc nhìn, hướng nhìn và cách nhìn, người ta cũng thay đổi cả chính bản thân họ với tư cách người cầm bút cũng như với tư cách độc giả.

Một cái nhìn lý thuyết thừa nhận tính tương đối của lý thuyết như vậy thực chất là một cái nhìn hậu-lý thuyết, cái nhìn xuất phát từ những vùng “cát cứ” của lý thuyết. Chữ “cát cứ” (balkanization) này, tôi mượn từ Jeffrey Williams, chỉ một tình trạng mới của lý thuyết từ những năm cuối cùng của thế kỷ 20, khi các đại-lý thuyết, vốn thường được hình dung như những đế quốc, đã thuộc về quá khứ. Điều tôi muốn thêm là: Trong thế bổ sung của các lý thuyết, các lý thuyết không “cạnh tranh” nhau ở chuyện đúng hay sai (đúng hay sai so với cái gì? dựa trên tiêu chuẩn nào?) mà chủ yếu ở tính độc đáo của tư tưởng, độ hoàn chỉnh của hệ thống lý luận, ở cái sang cả của tầm nhìn, và ở cái đẹp của trí tuệ tỏa sáng từ góc nhìn cũng như lấp lánh trên từng cách nhìn.

Hình như chưa có ai nói đến cái đẹp của các lý thuyết văn học nhỉ?

NGUYỄN HƯNG QUỐC (31.3.2005)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Ba 201712:11 SA(Xem: 27977)
Hai tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, của bác sĩ Ngô Thế Vinh, vừa được trao giải Văn Việt 2017. Hai tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, của nhà văn, bác sĩ Ngô Thế Vinh, vừa được trao giải Văn Việt 2017, ngày 3/3, tại Sài Gòn. Theo tin VOA nhận được từ nhà văn Ngô Thế Vinh hiện đang ở California, Hoa Kỳ, ông được nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Giải Văn Việt trao quyết định tặng Giải Đặc biệt cho hai tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Hai tác phẩm này đã được đăng trên Văn Việt năm 2016. Vì không thể về Việt Nam trực tiếp nhận giải thưởng này, nhà văn Ngô Thế Vinh đã ủy quyền cho nhà thơ Lý Đợi tiếp nhận và đọc diễn từ nhận giải thưởng Văn Việt 2017.
12 Tháng Hai 20172:31 SA(Xem: 30376)
"Với những ghi chú bằng tiếng Anh, cùng với những nét minh hoạ tinh vi của hơn 10,500 chủng loại, bộ sách Hoạ Hình Cây Cỏ Việt Nam / Illustrated Flora of Vietnam của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã cung cấp cho giới độc giả tiếng Anh lần đầu tiên và cập nhật một tài liệu tham khảo thấu đáo mà chúng tôi ít biết đến. Công trình này sẽ đứng như một tượng đài của sự quyết tâm, cống hiến, và uyên bác với lòng can đảm của tác giả. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ hầu như đơn độc hình thành một công trình sinh học thực vật có tầm vóc hàn lâm/ academic tại Đại Học Sài Gòn giữa những năm tháng khó khăn. Trong hoàn cảnh cực kỳ thử thách ấy, giáo sư Hộ đã sưu tập được những chất liệu cho bộ sách đặc sắc này và cả những chuyến du khảo nhằm thu thập những mẫu vật để minh hoạ. Và nay công trình được xuất bản, đó sẽ là nguồn khích lệ cho các nhà sinh học trẻ ở Việt Nam và cả ở hải ngoại. (Peter Shaw Ashton, Giáo Sư Charles Bullard ) Ngành Lâm Học, Đại Học Harvard
11 Tháng Giêng 20171:19 SA(Xem: 30567)
Khoảng ba trăm triệu năm trước, Tây Tạng còn nằm dưới đáy biển Tethys nguyên là một đại dương mênh mông bao trùm cả diện tích Châu Á và Ấn Độ. Do hành trình va chạm dữ dội của hai khối tiền lục địa Gondwanaland và Laurasia tạo nên cơn địa chấn với sức ép khổng lồ từ khối đất Ấn Độ dồn lên phía bắc tạo thành dãy Hy Mã Lạp Sơn và Cao nguyên Tây Tạng. Với lịch sử địa chất ấy, Tây Tạng là vùng đất cao từ 3500 tới 5000 m – được mệnh danh là "xứ tuyết", “nóc của trái đất”, hay "Cực Thứ Ba / Third Pole" -- hai cực kia là Bắc Cực và Nam Cực.
02 Tháng Giêng 201711:18 CH(Xem: 29098)
Tanaka Aki, tên cô gái Nhật Bản, Aki có nghĩa là "Mùa Thu", cô đã không có may mắn được gặp nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng mà cô rất ngưỡng mộ nhất là sau này khi được đọc tác phẩm Người Đi Trên Mây, Sa Mạc, Bụi và Rác. Aki đã bị cuốn hút ngay với tác phẩm Người Đi Trên Mây vì mối quan tâm của cô về môi trường, hoàn cảnh sinh hoạt của Sài Gòn trước 1975. Aki đã từng sống và làm việc ở Việt Nam hơn 13 năm nhưng là thời kỳ sau 1975. Và cô có ý muốn dịch Người Đi Trên Mây sang tiếng Nhật nhằm chia sẻ một tác phẩm hay với độc giả người Nhật.
11 Tháng Mười Hai 201612:35 CH(Xem: 28416)
"Có lẽ một ngày nào đó Việt Nam sẽ tự do và tôi có thể trở về. Tôi đang hạnh phúc ở đây nhưng nội tâm thì rất buồn bã. Buồn cho dân tộc tôi. Tôi không biết liệu chúng tôi có còn một tương lai. Xa rời quê hương, thật khó mà duy trì truyền thống của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy như bị đánh mất phần hồn." Đã 36 năm kể từ ngày Mai Thảo trả lời cuộc phỏng vấn của Jane Katz 7.10.1980, hai năm sau ngày anh đặt chân tới Mỹ và cũng đã 18 năm kể từ ngày anh mất: Việt Nam vẫn chưa có tự do và thân xác anh thì nay đã vùi nông trên một lục địa mới rất xa với một nơi được gọi là quê nhà. NGÔ THẾ VINH
17 Tháng Mười Một 201610:47 CH(Xem: 34412)
LTS. Nhà văn Cao Xuân Huy mất ngày 12 tháng 11 năm 2010; vậy mà cũng đã 6 năm rồi. Sau đây là bài viết kết hợp của Ngô Thế Vinh, Nguyễn Xuân Hoàng, Trịnh Y Thư để tưởng niệm tác giả Tháng Ba Gãy Súng, nhân ngày giỗ thứ 6 của Anh.
31 Tháng Mười 20163:02 SA(Xem: 27108)
Một bài học lịch sử từ cổ đại: Các siêu cường thường suy tàn vì chia rẽ, tranh chấp nội bộ. Liệu Liên Bang Mỹ có suy nghiệm về điều này để tự vượt thắng hay chăng? Siêu cường Mỹ có những khó khăn và rạn nứt; nhưng cũng dư thừa khả năng điều chỉnh, thắng vượt và hàn gắn. Tôn giáo đích thực của đại đa số dân Mỹ trầm lặng là hy vọng và tương lai.
11 Tháng Mười 20161:41 SA(Xem: 28049)
Isaan là một vùng châu thổ rộng lớn trên cao nguyên Khorat trong lưu vực Sông Mekong, bao gồm 20 tỉnh đông bắc Thái Lan, chiếm đến 1/3 toàn diện tích 514,000 km2 của Thái với hơn 20 triệu dân cũng chiếm khoảng 1/3 dân số Thái nhưng vẫn còn là một vùng nghèo và khô hạn, cho dù được bao quanh bởi con sông Mekong như một biên giới thiên nhiên giữa Thái - Lào. Do sự toa rập giữa thực dân Pháp và Anh, họ đã cắt một phần đất Lào sát nhập vào Thái từ 1941, do đó cư dân Isaan đa số là người Lào còn được gọi là Thay Isaan, nói cùng ngôn ngữ, chủ yếu sống bằng nghề nông, tơ lụa và chài lưới. Còn phải kể tới một số không ít người Việt sinh sống lâu năm tại đây.
31 Tháng Tám 201612:04 SA(Xem: 30409)
Như Phong Lê Văn Tiến, không rõ ngày sinh thật nhưng trên căn cước ghi sinh ngày 1 tháng 2 năm 1923 tại Bắc Việt. Tên thật ít ai biết là Nguyễn Tân Tiến, sau do nhu cầu hoạt động cách mạng, đổi tên là Lê Văn Tiến. Từ 1945, Như Phong làm tuần báo Ngày Nay Bộ Mới ở Hà Nội, sau đó làm biên tập cho sở Thông Tin Bắc Việt. Năm 1954, di cư vào Nam, ban đầu làm cho Việt Tấn Xã, sau đó từ 1955 sang làm nhật báo Tự Do xuyên suốt cả hai thời kỳ cho tới 1963 khi Tự Do bị đóng cửa. Ngoài báo chí Việt ngữ, Như Phong còn là cộng tác viên của The China Quarterly, London (1964-1972); các bài viết của ông về giới Trí Thức Miền Bắc, về Phong trào Nhân văn Giai phẩm đã tạo nên tên tuổi ông trên diễn đàn báo chí quốc tế.
26 Tháng Bảy 20163:49 SA(Xem: 30040)
Viraphonp Viravong, Thứ Trưởng Bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ Lào, khuôn mặt “trí tuệ” đứng sau mọi dự án phát triển thủy điện của quốc gia Lào. Ngày 15-10-2012 khi tới Viện Kỹ Thuật Á châu / AIT, Bangkok để duyệt xét mô hình dự án thủy điện Xayaburi, Viravong khẳng định: “Phát triển tiềm năng thủy điện của Lào là chuyện đương nhiên. Chỉ có vấn đề làm sao để thực hiện bền vững.”