Water, water, everywhere,
Nor any drop to drink
Nước, nước, khắp nơi,
Không có giọt nước uống
[Samuel Taylor Coleridge 1772-1834]
Gửi 20 triệu cư dân ĐBSCL
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
NGÔ THẾ VINH
HẠN MẶN VÀ Ô NHIỄM 13 TỈNH MIỀN TÂY
Trên một chuyến phà lớn từ Đại Ngãi qua Cù lao Dung, sóng đánh tung toé, khách như cảm thấy được vị mặn bám đọng trên môi. Thấy nước khắp nơi nhưng là nước mặn đã xâm nhập vào khắp các ngả sông rạch và người dân thì đang lao đao lùng kiếm tìm mua từng lu nước ngọt để uống. Rồi còn phải kể tới những cánh đồng lúa cháy và các vườn cây trái thối rễ do đất bị nhiễm mặn khiến nhiều nông gia mất trắng tay.
Người bạn đồng hành đứng bên, anh dạy Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên Đại học Cần Thơ, nói với tôi: “Kể cả có lũ ngọt đổ về, nước hết mặn cũng không uống được vì dòng sông quá ô nhiễm”. Do chất thải kỹ nghệ từ các nhà máy ven sông, do phân bón hoá học từ đồng ruộng tràn ra, và tệ hại hơn nữa là rác rưởi từ các khu gia cư.
Đó là tình cảnh của ngót 20 triệu cư dân ĐBSCL, phải sống chung với những dòng sông ô nhiễm, và nay họ đang nhận thêm được những tín hiệu báo nguy về hạn mặn sẽ trầm trọng hơn năm 2016 và tới sớm hơn ngay từ hai tháng đầu năm 2020. Do đó, cho dù có thấy “nước, nước, khắp mọi nơi, vậy mà không có giọt nào để uống”. Cho dù ĐBSCL vẫn là nơi nhận nguồn nước cao nhất Việt Nam tính theo dân số. Tuy nước vây bủa xung quanh nhưng là nước bẩn hay nước mặn. Thách đố lớn nhất là làm sao thanh lọc được nguồn nước tạp ấy để có nước sạch đưa vào sử dụng.
Với tầm nhìn qua lăng kính vệ tinh và biến đổi khí hậu, vùng châu thổ Mekong là hình ảnh khúc phim quay chậm / slow motion của một con tàu đang đắm. Một cái chết rất chậm nhưng chắc chắn của một dòng sông Mekong dũng mãnh – lớn thứ 11 trên thế giới với hệ sinh thái phong phú chỉ đứng thứ hai sau con sông Amazon và cả một vùng châu thổ ĐBSCL đang từ từ bị nhấn chìm.
NGÀY NƯỚC THẾ GIỚI 2020
Không thể tách rời vấn đề Nước và Biến đổi Khí hậu toàn cầu. Đó cũng là quan điểm của Liên Hiệp Quốc, khi chọn chủ đề “Nước và Biến đổi Khí hậu” cho Ngày Nước Thế giới 22/ 03/ 2020 năm nay.
Trước những tình huống cực đoan và biến đổi bất thường về khí hậu có thể làm gia tăng biến thiên chu kỳ nước – water cycle, khiến rất khó mà tiên đoán được về nguồn nước có thể sử dụng – water availability, với những ảnh hưởng trên phẩm chất nước, cả trên tính đa dạng sinh học / biodiversity, và đe doạ sự phát triển bền vững trên nhiều lưu vực của các con sông.
Dân số toàn cầu từ 7.2 tỷ năm 2015 đến nay 2020 – theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, đã vượt qua con số 7.7 tỷ người. Tăng dân số cũng có nghĩa là gia tăng nhu cầu nước, kéo theo gia tăng nhu cầu năng lượng để bơm nước, vận chuyển và xử lý nước – water treatment. Tận dụng nguồn nước cũng dẫn tới sự suy thoái các hồ chứa carbon thiên nhiên – carbon sinks từ các vùng đất đầm lầy.
Tăng cường mối quan tâm về nước để đáp ứng nhu cầu nước ngày một gia tăng trong tương lai; điều ấy đòi hỏi phải có những quyết định mạnh mẽ, làm cách nào để phân chia các nguồn tài nguyên nước – allocate water resources, thích nghi với biến đổi khí hậu giữa những tranh chấp sử dụng nguồn nước giữa các địa phương và các quốc gia.
Một ví dụ điển hình: con sông Mekong dài hơn 4800 km chảy qua 7 quốc gia [Tây Tạng*, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam] giữa mùa khô hạn, đang bị tận lực khai thác bởi chuỗi những con đập thủy điện thượng nguồn, và làm cách nào để chia sẻ và sử dụng công bằng nguồn nước từ con sông Mekong đang là một “tranh chấp nóng” diễn ra hiện nay. Khi mà Cambodia và Việt Nam là hai quốc gia cuối nguồn đang chịu những hậu quả tích luỹ nặng nề nhất: một Biển Hồ như trái tim của Cambodia đang thiếu nước, một ĐBSCL chịu hạn mặn chưa bao giờ khốc liệt như thế. Chưa kể tới khả năng nước lớn Trung Quốc sử dụng con sông Lancang-Mekong như một thứ vũ khí trong cuộc chiến tranh môi sinh – ecological warfare trừng phạt Việt Nam và các nước hạ lưu khác.
[* Tây Tạng nơi phát nguồn con sông Mekong, về phương diện địa dư chính trị, bấy lâu người viết vẫn ghi nhận như một quốc gia cho dù đang bị Trung Quốc xâm chiếm.]
Chính sách đối phó với biến đổi khí hậu không chỉ trên quy mô quốc gia mà cho toàn lưu vực với mọi hoạch định cần theo một phương cách tích hợp – integrated approach, đối với nhu cầu sử dụng và quản lý nguồn nước.
Để phát triển và xây dựng một tương lai bền vững, cách làm ăn cũ bấy lâu với những quy hoạch thuỷ lợi không hiệu quả; do đó từ nay mọi phương cách quản lý nước cần được phân tích kỹ lưỡng qua lăng kính biến đổi khí hậu – through a climate change lens. Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa để cải tiến và cập nhật những dữ liệu thuỷ học – hydrological data, qua các học viện, qua các chính phủ, qua giáo dục, cùng nhau chia sẻ mọi kiến thức, để có được khả năng tiên lượng và đối phó với những rủi ro khan hiếm nước như hiện nay và chắc chắn sẽ trầm trọng hơn nhiều trong tương lai.
Mọi chính sách cần bảo đảm tính đại diện rộng rãi các thành phần tham gia, với thay đổi tác phong ứng xử, tạo được sự tin cậy giữa nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự và lãnh vực tư nhân.
Những kế hoạch thích ứng cần có chiến lược nêu rõ mục tiêu – targeted strategies, ưu tiên trợ giúp các cộng đồng cư dân lợi tức thấp – họ là nhóm người chịu tác động, dễ bị tổn thương và thiệt hại nhiều nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. (1)
GIỚI THIỆU DRAGON MEKONG
DRAGON là chữ viết tắt của Delta* Research And Global Observation Network / Mạng lưới Nghiên cứu Châu thổ và Quan trắc Toàn cầu. DRAGON nhằm mục đích thiết lập một hệ thống thông tin toàn cầu, tăng cường quan hệ hợp tác và cùng chia sẻ kinh nghiệm lâu dài giữa các vùng châu thổ trên thế giới.
[Ghi chú: Delta* thay vì quen gọi là đồng bằng, nay được gọi là châu thổ do được hình thành từ phù sa của các con sông bồi đắp.]
Ủy ban Liên Chính Phủ về Biến đổi Khí hậu / Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC) do Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological) và Chương trình Môi sinh Liên Hiệp Quốc (United Nations Environment Programme), bao gồm 195 quốc gia thành viên. Theo IPCC hiện có khoảng 300 triệu cư dân sống trong 40 vùng châu thổ / Deltas trên toàn cầu. Các vùng châu thổ là nơi được phù sa các con sông bồi đắp và IPCC đã đưa ra nhận định: “Những vùng châu thổ đó rất dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, do nước biển dâng, do biến đổi dòng chảy, đồng thời với những chấn động qua quá trình sử dụng đất đai, do chính con người gây ra trong lưu vực / catchment area.”
Từ năm 2007, IPCC đưa ra cảnh báo thêm: 13 vùng châu thổ lớn trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng do hậu quả của Biến đổi Khí hậu và nước biển dâng, trong đó có hai vùng châu thổ sông Mekong Việt Nam và châu thổ sông Mississippi Hoa Kỳ được xếp là vùng dễ bị tổn thương ở mức độ rất cao.
Do tính tương đồng và tầm quan trọng về an ninh lương thực, kinh tế, xã hội và văn hóa của hai vùng châu thổ Mekong và Mississippi, ngày 21 tháng 11 năm 2008, Đại học Cần Thơ kết hợp với Cơ Quan Khảo sát Địa dư Hoa Kỳ – US Geographical Survey (USGS) và Trung tâm nghiên cứu Đất ngập nước quốc gia – National Wetlands Research Center Hoa Kỳ (NWRC) đã tổ chức lễ thành lập Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Mekong với tên viết tắt tiếng Anh là DRAGON Institute Mekong, thuộc Mạng DRAGON toàn cầu, có cơ sở tại Đại học Cần Thơ, ĐBSCL. (4)
Hình 1_ Logo Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu Mekong – Đại học Cần Thơ. DRAGON là chữ viết tắt của Delta Research And Global Observation Network – Mạng lưới Nghiên cứu Châu thổ và Quan trắc Toàn cầu, được thiết lập từ 2008, đến nay là 12 năm, có thể xem như một Viện Nghiên cứu của Đại học Cần Thơ. (4)
Hình 2_ Đoàn khảo sát môi sinh ĐBSCL chụp hình trước cơ sở đầu tiên của Viện Nghiên Cứu Biến đổi Khí hậu / DRAGON - Mekong Institute, từ trái: TS Dương Văn Ni (Khoa Môi trường và Tài Nguyên Thiên nhiên ĐHCT), TS Lê Phát Quới (Viện Tài Nguyên Môi Trường ĐHQG Tp. HCM), Ngô Thế Vinh, TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu Biến Đổi Khí hậu ĐHCT), KS Phạm Phan Long (Hội Sinh Thái Việt), Th.S Nguyễn Hữu Thiện (Chuyên gia Đất Ngập nước / Wetlands), BS Nguyễn Văn Hưng. [tư liệu Ngô Thế Vinh 2017]
Xem ra, ngoài nét tương đồng giữa 2 vùng: châu thổ Louisiana sông Mississippi – Vịnh Mexico và châu thổ Mekong sông Mekong – Biển Đông trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thì riêng ĐBSCL hiện đang phải đương đầu với những thử thách khó khăn hơn nhiều. Tưởng cũng nên ghi nhận ở đây sự khác biệt quan trọng giữa hai dòng sông: (1) Độ dốc thượng nguồn sông Mekong cao hơn gấp 12 lần sông Mississippi, nên có một tiềm năng thuỷ điện vô cùng hấp dẫn mà sông Mississippi không có được; (2) Với 40 con đập cũ trên sông Mississippi phần lớn được xây từ thập niên 1930, không sao có thể sánh được với chuỗi đập khổng lồ trên sông Lancang-Mekong Vân Nam và các con đập dòng chính ở Lào; (3) Sông Mississippi chỉ chảy trong lãnh thổ Hoa Kỳ, trong khi sông Mekong chảy qua 7 quốc gia: Tây Tạng, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam với những mâu thuẫn về quyền lợi rất gay gắt. (3)
Hình 3_ Hình chụp cơ sở mới của DRAGON Mekong Institute, với các thành viên tham dự Khoá Tập huấn Báo chí về “Biến đổi Khí hậu và Năng lượng Bền vững” tổ chức từ ngày 22 tới 24 tháng 8, 2019, trong Dự án Mạng lưới Báo chí Địa cầu / Earth Journalism Network. [nguồn: CRUS.Vietnam, Aug 2019]
DRAGON Institute-Mekong-CTU sẽ là điểm nối kết các hoạt động nghiên cứu, giáo dục và chuyển giao kiến thức khoa học đến các nhà lãnh đạo, quản lý và cộng đồng các cấp từ địa phương, quốc gia tới các vùng châu thổ khác trên thế giới nhằm mục đích nâng cao năng lực thích nghi của cư dân đối với thiên tai; phát triển bền vững kinh tế và xã hội, đồng thời bảo tồn các hệ sinh thái thiên nhiên.
Từ khi được thành lập, Viện Biến đổi Khí hậu DRAGON-Mekong đã được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đến trao đổi, đề xuất các hướng hợp tác. Với vai trò là một trung tâm dẫn đầu của ĐBSCL, Đại học Cần Thơ và Viện DRAGON-Mekong đang có các bước đi tiên phong trong nghiên cứu các vấn đề liên quan tới Biến đổi Khí hậu với một kế hoạch hành động trước mặt và lâu dài. (4)
DỰ BÁO MEKONG / FORECAST MEKONG
Qua Sáng kiến Hạ lưu Sông Mekong – Lower Mekong Initiative 2020 được khởi xướng từ 2009 do ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton cùng với các ngoại trưởng 4 quốc gia Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nhằm tăng cường cam kết của Mỹ đối với các quốc gia hạ lưu sông Mekong trong các lãnh vực môi trường, y tế, giáo dục và hạ tầng cơ sở.
Cơ quan Khảo sát Địa dư Hoa Kỳ USGS chuyên nghiên cứu các vùng châu thổ, đã liên kết / partnership với Viện DRAGON – Mạng lưới Nghiên cứu Đồng bằng Châu thổ và Quan trắc Toàn cầu áp dụng kinh nghiệm từ sông Mississippi với chuyên môn về Mô hình Khoa học-Trái đất [Earth-science modeling] sẽ hỗ trợ cho các quốc gia Mekong phương cách lượng giá biến đổi khí hậu và hoạt động của con người có thể ảnh hưởng trên hệ sinh thái và an ninh lương thực trong lưu vực sông Mekong.
KHOÁ TẬP HUẤN DỰ BÁO MEKONG
Trong ba ngày 9-10-11 tháng 12 năm 2009 cùng với viện DRAGON Đại học Cần Thơ, Việt Nam, Cơ quan Khảo sát Địa dư Hoa Kỳ USGS và Bộ Ngoại Giao Mỹ, đã cùng bảo trợ cho một khoá tập huấn / workshop nhan đề: “Tìm hiểu mối hiểm nguy / risk và đặc tính dễ tổn thương/ vulnerability của các hệ sinh thái nước ngập / Wetlands Ecosystems nơi hai vùng châu thổ Mekong và Mississippi do Biến đổi Khí hậu và Nước biển dâng.”
Hình 4_ Cho dù cách nhau 12 múi giờ, hai vùng châu thổ Mekong (trái) và Mississippi (phải), có những điểm tương đồng về sinh cảnh môi trường, kinh tế xã hội và văn hoá. [Mô hình chụp từ vệ tinh của Cơ quan Khảo sát Địa dư Hoa Kỳ USGS ] (2)
Chương trình Dự báo Mekong được USGS thực hiện, không chỉ với ĐH Cần Thơ mà là một kết hợp mở rộng với các chính phủ địa phương và các Đại học trong lưu vực sông Mekong. Khoá tập huấn này là một phần của dự án có tên “Dự báo Mekong – Forecast Mekong,” một kết hợp dữ kiện hỗ tương, tạo mô hình / modeling, và hệ thống biểu đồ / visualization system nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý tài nguyên / resources managers, và công chúng am hiểu và tiên liệu được các tác động do biến đổi khí hậu và triển khai những dự án phát triển trong lưu vực sông Mekong. (2)
Khoá tập huấn quy tụ được hơn 75 thành viên tham dự, đã cùng xác định những thiếu sót về thông tin liên hệ tới vùng châu thổ Mekong / ĐBSCL và Biến đổi Khí hậu. Những thành viên tham dự bao gồm các nhà khoa học, các viên chức chính phủ từ các quốc gia Cambodia, Lào, Việt Nam, Thái Lan và cả Trung Quốc; đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ và các tổ chức NGOs phi chính phủ và dĩ nhiên với các chuyên gia USGS. Nhiều vấn đề khoa học quan trọng được đặt ra, bao gồm phẩm chất nước, lượng phù sa / sedimentation, những ảnh hưởng của các đập thuỷ điện trên sự đa dạng sinh học / biodiversity, an ninh lương thực, sự thích nghi với biến đổi khí hậu qua thời gian và mức nghiêm trọng của các mùa lũ lụt / seasonal floods, và ảnh hưởng trên sản lượng cá.
Những bước tiếp theo sẽ là các cuộc nghiên cứu phối hợp của USGS với các nhà khoa học trong lưu vực Mekong, nhằm cung cấp chuyên môn kỹ thuật để tạo thuận các bước thu thập phân tích và tích hợp dữ kiện / data analysis & integration, theo dõi môi trường / environmental monitoring, với các dụng cụ biểu đồ khoa học / science-visualization tools. Các thành viên tham dự cũng đã xác định nhu cầu được huấn luyện và chuyển giao kỹ thuật, cùng với ước muốn thiết lập mối quan hệ hợp tác dài hạn và chặt chẽ hơn với USGS.
Dự án Dự Báo Mekong / The Forecast Mekong project cũng sẽ giúp xây dựng nền móng cho các hoạt động trong tương lai qua tăng cường mối liên hệ giữa các nhà khoa học, các tổ chức trong lưu vực Mekong qua các cuộc nghiên cứu chung.
DRAGON đã xây dựng được một cộng đồng quốc tế giữa các nhà khoa học và quản lý tài nguyên nhằm chia sẻ những dữ kiện giữa các vùng châu thổ lớn và những con sông thế giới. Những cuộc nghiên cứu đối chiếu / comparative studies là cần thiết để hiểu biết và tiên liệu được hậu quả của biến đổi khí hậu trên các dự án xây dựng, sử dụng đất đai, biến đổi về thuỷ học và những ảnh hưởng khác do con người gây ra trên các hệ sinh thái vốn mong manh và dễ bị tổn thương.
Bằng triển khai những mô hình đối chiếu / comparative models và với các dụng cụ biểu đồ / visualization tools, mục đích của mạng lưới DRAGON là trợ giúp thông tin cho những quyết định chính sách công / public policy decisions có ảnh hưởng tới hệ sinh thái và các cộng đồng cư dân sống trong các vùng châu thổ.
Cơ quan Khảo sát Địa dư Hoa Kỳ [USGS] đem tới những hiểu biết khoa học rộng rãi từ châu thổ sông Mississippi tới một vùng châu thổ tương đồng, cách xa nửa vòng trái đất đó là châu thổ sông Mekong [ĐBSCL].
Khoá tập huấn này là một phần của dự án có tên “Dự báo Mekong – Forecast Mekong,” một kết hợp dữ kiện hỗ tương, tạo mô hình / modeling, và hệ thống biểu đồ / visualization system nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách / policy makers, các nhà quản lý tài nguyên / resources managers, và công chúng am hiểu và tiên liệu được các tác động do biến đổi khí hậu và triển khai những dự án trong lưu vực sông Mekong. (2)
Chương trình này được thực hiện bởi USGS kết hợp với các chính phủ địa phương và các Đại học trong lưu vực Mekong, Chương trình Dự Báo Mekong / Mekong Forecast sẽ cung cấp một dụng cụ rất giá trị để nhận rõ những hậu quả của Biến đối Khí hậu và cách quản lý dòng sông / river management.
Những bước tiếp theo sẽ là các cuộc nghiên cứu phối hợp của USGS với các nhà khoa học trong lưu vực Mekong, nhằm cung cấp chuyên môn kỹ thuật / technical expertise để tạo thuận các bước phân tích và tích hợp dữ kiện / data analysis & integration, hướng dẫn theo dõi môi trường / environmental monitoring, với những dụng cụ biểu đồ khoa học / science-visualization tools. Các thành viên tham dự cũng đã xác định nhu cầu được huấn luyện / training và chuyển giao kỹ thuật / technological transfer, cùng với ước muốn thiết lập mối quan hệ hợp tác dài hạn và chặt chẽ hơn với USGS.
Dự án Dự Báo Mekong / The Forecast Mekong project cũng sẽ giúp xây dựng nền móng cho các hoạt động trong tương lai qua tăng cường mối liên hệ giữa các nhà khoa học, các tổ chức trong lưu vực Mekong qua các cuộc nghiên cứu chung và chia sẻ các dữ kiện / data sharing.
Hình 5_ Một ĐBSCL đã và đang bị tổn thương do những nguyên nhân: (1) do các con đập thượng nguồn, (2) do nạo vét cát dưới lòng sông, (3) do nước biển dâng, (4) do ô nhiễm sông rạch, (5) còn phải kể tới những dự án sai lầm ngăn mặn phá huỷ sự cân bằng hệ sinh thái mong manh của vùng châu thổ sông Mekong. Tính tới 2020, đã có 11 con đập dòng chính khổng lồ của Trung Quốc trên khúc sông Lancang-Mekong thượng nguồn; có thêm 2 con đập dòng chính của Lào (Xayaburi và Don Sahong) đã hoạt động từ 2019. Dự án Luang Prabang 1460 MW, sẽ là con đập dòng chính lớn nhất trên sông Mekong của Lào và điều rất nghịch lý là do Việt Nam làm chủ đầu tư, dự trù có thể được khởi công sớm trong năm nay. [International River 2004, do Ngô Thế Vinh cập nhật 2020].
Một ví dụ điển hình, USGS với kinh nghiệm về Trận Bão nhiệt đới Katrina 2005 của thế kỷ trên vùng châu thổ Mississippi với tổn thất 1800 nhân mạng, đã để lại những hậu quả tàn phá lớn nhất trong lịch sử thiên tai của Hoa Kỳ thiệt hại vật chất lên tới 125 tỷ USD, đã cho thấy nhu cầu cấp thiết chia sẻ thông tin và các dữ kiện với các vùng châu thổ trên toàn cầu.
DRAGON đã tạo ra một cộng đồng quốc tế giữa các nhà khoa học và quản lý tài nguyên nhằm chia sẻ những dữ kiện giữa các vùng châu thổ lớn và những con sông thế giới. Những cuộc nghiên cứu đối chiếu comparative studies là cần thiết để hiểu biết và tiên liệu được hậu quả của biến đổi khí hậu trên các dự án xây dựng, sử dụng đất đai, biến đổi về thuỷ học và những ảnh hưởng khác do con người gây ra trên các hệ sinh thái vốn mong manh và rất dễ bị tổn thương.
Bằng triển khai những mô hình đối chiếu / comparative models cùng với các dụng cụ biểu đồ / visualization tools, mục đích của mạng lưới DRAGON là trợ giúp thông tin cho những hoạch định chính sách / public policy decisions có ảnh hưởng tới hệ sinh thái và các cộng đồng cư dân sống trong các vùng châu thổ trên hành tinh này.
Hình 6_ĐBSCL với những cánh đồng bị khô nứt – sa mạc hoá / desertification, do trận hạn hán khốc liệt năm 2016. (trên) [VN Express 3/11/2016]; Dự báo Mekong: trận hạn hán và nhiễm mặn 2020 sẽ trầm trọng hơn năm 2016. Mekong Delta barbecue / ĐBSCL bị nướng do khô hạn. (dưới) [tranh biếm hoạ của Babui, tặng Ngô Thế Vinh]
NƯỚC QUANH TA: GIẢI PHÁP DO THÁI Khan hiếm nước là một thực trạng đang diễn ra ở những mức độ khác nhau trên toàn hành tinh này. Từ tiểu bang Vàng California giàu có tới các nước nghèo khó của lục địa Phi châu. Khủng hoảng thiếu nước sạch nơi châu thổ Mekong cũng nằm trong bối cảnh toàn cầu ấy.
Đất lún, mặt bằng châu thổ Mekong thấp hơn mặt biển, có bài học từ một đất nước Hoà Lan Vùng Đất Thấp vẫn cứ tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ. Thiếu nước ngọt: nước uống và nước tưới cho hoa màu, có bài học từ một đất nước Do Thái mọc lên giữa sa mạc với đủ loại hoa màu xanh tươi. Nước được khai thác từ nhiều nguồn, (1) từ giếng tới tầng nước ngầm, (2) từ nước biển khử mặn, (3) từ nguồn nước thải được thanh lọc tái sinh, (4) chiết xuất nước từ độ ẩm trong không khí…
Ưu tiên giải quyết vấn đề nước là một quốc sách của Do Thái ngay từ ngày lập quốc. Bằng trí tuệ sáng tạo và khoa học kỹ thuật từ một sa mạc khô hạn, ngày nay Do Thái đã có đủ nước cho mọi nhu cầu gia dụng, canh nông và kỹ nghệ. Nhưng trên hết, vẫn là ý thức tiết kiệm nước của toàn dân – được giáo dục ngay từ bậc tiểu học qua mọi cấp trong mọi lãnh vực sinh hoạt.
Không chỉ như vậy, họ còn biết sử dụng tối ưu các nguồn nước có được, tới mức còn dư nước viện trợ cho các quốc gia láng giềng thù nghịch và cả chuyển giao kỹ thuật giải quyết vấn đề thiếu nước ra thế giới như một quyền lực mềm trong ngoại giao. Kinh nghiệm Do Thái đã giúp nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, kể cả quốc gia tiên tiến như Mỹ để giải quyết vấn nạn thiếu nước.
Hình 7_ Nông gia Do Thái đã tiết kiệm được rất nhiều nước trong canh tác; một ví dụ nhỏ, bằng cách tưới nhỏ giọt / drip irrigation thay cho kỹ thuật tưới cổ điển tưới bằng vòi phun hay nước ngập đồng. Tưới ngay gốc giảm được lượng nước bốc hơi, cây lớn mạnh hơn và năng suất cũng cao hơn, thêm vào đó cách bón cây nhỏ giọt còn tránh được lượng nitrogen tràn vào các nguồn nước và cả giảm thiểu được lượng hoá chất trên vùng canh tác. [Let There Be Water. Seth M. Siegel 2017] (9)
ĐBSCL SẼ VẪN MÃI XANH TƯƠI Rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu, câu thuộc nằm lòng ấy đã có từ một nền giáo dục Quốc văn Giáo khoa thư từ buổi thiếu thời qua nhiều thế hệ. Và nay thì thực sự không còn nữa và cũng đừng tiếp tục gieo vào đầu óc trẻ thơ châu châm ngôn lỗi thời ấy.
Kể từ sau 1975, những khu rừng nguyên sinh bị tàn phá. Biển bị đầu độc không còn cá. Đất bị sa mạc hoá và xói mòn. Mọi nguồn tài nguyên bị tận lực khai thác tới cạn kiệt. Cho đến cả một ngụm nước sạch để uống và một bầu không khí trong lành để thở rồi cũng trở thành điều mơ ước. Những điều cơ bản ấy cũng chính là quyền con người / human rights.
Với những công trình phát triển tự huỷ, và sắp tới đây, con đập thuỷ điện Luang Prabang lớn nhất của Lào do Việt Nam đầu tư, rõ ràng Việt Nam đang chọn những bước đi liều lĩnh trên những tảng băng mỏng – walks on thin ice, với tiêu chuẩn nước đôi – double standards, và cũng từ nay Việt Nam sẽ chẳng thể còn một tiếng nói chính nghĩa và thuyết phục nào đối với cộng đồng 70 triệu cư dân sống trong lưu vực sông Mekong và trước cả thế giới.
Với tầm nhìn của thiên niên kỷ thứ ba, duy trì từng hệ sinh thái phong phú của hành tinh này cũng là bảo vệ một nền văn minh rất đa dạng và lâu đời của con sông Mekong, mà không có mối lợi lộc ngắn hạn nào có thể vội vàng đem ra đánh đổi. Và cũng đã hơn một lần, trong hơn hai thập niên qua, người viết luôn luôn nhắc tới một vấn đề rất cốt lõi: “Môi sinh và Dân chủ” sẽ mãi mãi là bộ đôi không thể tách rời / Inseparable Duo.
THAY CHO LỜI KẾT Nhân Ngày Nước Thế Giới 22 tháng 3 năm nay 2020, với chủ đề “Nước và Biến đổi Khí hậu”, trước tình cảnh một ĐBSCL đang ngày một suy thoái, người viết gửi tới các bạn trẻ cùng với 20 triệu cư dân 13 tỉnh Miền Tây trích dẫn câu nói của Oded Distel, một chuyên gia về nước của Do Thái: “Không có kỹ nghệ không gian các quốc gia vẫn sống được, nhưng không thể sống nếu không có nước”. (9) Nước theo cái nghĩa là “nguồn nước sạch” có thể sử dụng được. Oded Distel muốn nhấn mạnh tới sự chọn lựa đâu là bước ưu tiên trong phát triển.
NGÔ THẾ VINH California 21.02.2020 [Miền Tây, Cù Lao Dung 2017]
THAM KHẢO: 1/ UN-Water Policy Brief on Climate Change and Water, 12 July 2019 https://www.unwater.org/publications/un-water-policy-brief-on-climate-change-and-water/ 2/ A Different Delta Force – USGS and U.S. Department of State Assist in the Mekong Delta, By Gabrielle B. Bodin, March 2010 [revised Feb. 2013]3/ The Mekong and Mississippi Sister-River Partnership, Similarities and Differences. Ngô Thế Vinh, Viet Ecology Foundation 01.15.2011
http://news.mit.edu/2020/passive-solar-powered-water-desalination-0207
|
|
- Từ khóa :
- NGÔ THẾ VINH