- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nguyễn Du, Từ Giải Ảo Trung Hoa Đến Giải Thiêng Chế Độ Phong Kiến ( Nghiên Cứu Trường Hợp “ Bắc Hành Tạp Lục”)

15 Tháng Bảy 20174:55 CH(Xem: 27208)

 

nph-hn2008-DH
Tác giả Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Phạm Hùng - ảnh ĐH - Hà Nội 2008

 

 



 

Bắc hành tạp lục là tập thơ chữ Hán được Nguyễn Du sáng tác trong thời gian ông dẫn đầu sứ đoàn Việt Nam sang Trung Hoa vào năm 1813-1814. Đây là tác phẩm đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam phản ánh một cách chi tiết, sinh động và phong phú thực trạng xã hội Trung Hoa đương thời. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nguyễn Du cho chúng ta biết về một đất nước Trung Hoa rộng lớn nhưng không bằng phẳng, tươi đẹp mà gập ghềnh, trắc trở; về một truyền thống kiêu hùng nhưng cũng lắm bi thương; về một dân tộc đông đúc nhưng cam chịu, nghèo khổ và đau đớn, và đặc biệt, về một chế độ phong kiến mạt kỳ đầy phi lý và mất hết sức sống khi nó không còn khả năng giúp cho con người được thực hiện những quyền sống, quyền làm người căn bản mà đáng ra họ phải có. “Những điều trông thấy” của Nguyễn Du trên đất nước Trung Hoa sẽ càng khẳng định chắc chắn hơn cho “những điều trông thấy” của ông trên đất nước Việt Nam về mô hình chế độ phong kiến mạt kỳ nói chung đã trở nên già cỗi, lỗi thời, càng giúp cho chúng ta thấy rõ hơn tư tưởng “giải ảo”, “giải thiêng” “giải Hán hóa” của ông đối với chế độ phong kiến nói chung, đối với “mô hình lý tưởng” Trung Hoa nói riêng.

 

*

 

Nhà nước phong kiến Trung Hoa vốn là mô hình lý tưởng của các triều đại phong kiến Việt Nam. Văn hóa và văn học Trung Hoa vốn cũng là mô hình lý tưởng của văn hóa và văn học Việt Nam suốt thời phong kiến. Trong văn chương Việt Nam thời trung đại, những chất liệu và hình thức của văn chương Trung Hoa được sử dụng một cách tràn ngập, từ ngôn ngữ tới thể loại, từ điển tích điển cố đến các quan  niệm về văn chương, từ hình tượng nhân vật đến kết cấu, hay nội dung cốt truyện… Những sáng tạo của văn chương Việt Nam thời trung đại nhiều khi tưởng chừng như bị trói chặt cứng trong những dây nhợ văn chương Trung Hoa, khó bề giải thoát. Vì thế mà chúng ta hiểu vì sao sau cả nghìn năm văn học tự chủ thời phong kiến, chúng ta cũng chỉ có thể tự mình sáng tạo ra được bốn hình thức thể loại văn học bằng chữ Nôm cho riêng mình, đó là các thể thơ thất ngôn xen lục ngôn, lục bát, song thất lục bátthơ hát nói,  trong khi hầu hết các thể loại văn học bằng chữ Hán và chữ Nôm khác chúng ta đều phải tiếp thu hầu như nguyên vẹn hình thức của Trung Quốc [6].

Niềm tự hào rằng mình là một bộ phận không tách rời của cái phổ (sphère) “Hán văn hóa” hùng mạnh ấy đã không còn có thể xóa đi nỗi buồn về sự lệ thuộc văn hóa một cách thái quá vào Trung Hoa trong suốt thời phong kiến, làm thành một thứ quán tính văn hóa ảnh hưởng không nhỏ đến tận ngày nay. Vì vậy mà mọi sự cố gắng trong quá trình “giải Hán hóa”, “giải Hoa hóa” luôn được xem là cội nguồn của sự sáng tạo không mệt mỏi của người Việt nhằm xác lập nên “Việt văn hóa”. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một sự “giải Hán hóa” xuất sắc.

Không chỉ “giải Hán hóa”, thời đại Nguyễn Du là thời mạt kỳ của chế độ phong kiến ngày càng bộc lộ rõ nét sự bế tắc, tuyệt vọng và mất sức sống, nên còn nảy sinh một nhu cầu mới, đó là “giải ảo”, “giải thiêng” đối với mô hình chế độ phong kiến. Bằng Truyện Kiều, bằng Văn tế thập loại chúng sinh và nhiều tác phẩm  khác, Nguyễn Du đã rút ra được những kết luận quan trọng về chế độ phong kiến mạt kỳ này, và cho rằng nó đã trở nên đối lập hoàn toàn với quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc của con người, nó không thể tồn tại, và ông tin rằng nó sẽ không tồn tại mãi (“Cổ kim vị kiến thiên niên quốc” – Vị hoàng doanh). Nhận thức đó của Nguyễn Du, một lần nữa được khẳng định rõ ràng hơn trong tập thơ Bắc hành tạp lục [3] được ông làm trên đường đi sứ Trung Quốc năm 1813 - 1914. “Những điều trông thấy” của Nguyễn Du trên đất nước Trung Hoa sẽ càng khẳng định chắc chắn hơn cho “những điều trông thấy” của ông trên đất nước Việt Nam về chế độ phong kiến mạt kỳ nói chung đã trở nên già cỗi, lỗi thời, càng giúp cho chúng ta thấy rõ hơn tư tưởng “giải ảo”, “giải thiêng” của ông đối với mô hình lý tưởng Trung Hoa nói riêng, đối với chế độ phong kiến nói chung.

1. Nguyễn Du và Bắc hành tạp lục

Nguyễn Du (阮攸) (1766–1820) tên chữ Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồng Sơn Lạp Hộ (鴻山獵戶), là nhà thơ được xem là nổi tiếng nhất của Việt Nam mọi thời đại, sống vào thời Lê mạt, Nguyễn sơ. Ông sáng tác cả bằng chữ Hán và bằng chữ Nôm. Những tác phẩm bằng chữ Hán của ông có Thanh Hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên) gồm 78 bài, viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi làm quan nhà Nguyễn; Nam trung tạp ngâm (Ngâm nga tản mạn lúc ở miền Nam) gồm 40 bài, viết khi làm quan ở Huế, Quảng Bình và những địa phương phía nam Hà Tĩnh quê ông; và Bắc hành tạp lục (Ghi chép tản mạn trong chuyến đi sứ phương Bắc) gồm 131 bài thơ. Những tác phẩm bằng chữ Nôm có Đoạn trường tân thanh (Tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột),  còn gọi là Truyện Kiều, gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát, có thể được ông viết khi làm Cai bạ ở Quảng Bình (1809-1812)[1];  Văn tế thập loại chúng sinh (còn gọi là Văn chiêu hồn) gồm 184 câu thơ song thất lục bát, có thể  được sáng tác trước Truyện Kiều ít lâu; Thác lời trai phường nón gồm 48 câu lục bát, thay lời người con trai phường nón tỏ tình với cô gái phường vải, có thể được viết khi ông còn trai trẻ… Năm Quý dậu 1813, Nguyễn Du được thăng Cần chánh điện học sĩ và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Năm 1814 ông đi sứ về, được thăng Hữu tham tri bộ Lễ (hàm Tam phẩm). Chép theo một số tài liệu liên quan: Nguyễn Du cùng phái đoàn đi sứ rời ải Nam Quan ngày 6 tháng 4 năm Quý Dậu (1813), rồi trở về nước tới ải Nam Quan ngày 29 tháng 3 năm Giáp Tuất (1814). Theo tài liệu ghi chép và dựa theo những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du làm khi thăm viếng những di tích lịch sử Trung Hoa thì lộ trình của phái bộ Nguyễn Du như sau: Thăng Long, Nam Quan, Quảng Tây, Quế Lâm, Toàn Châu, Hồ Nam, Lôi Châu, Hành Dương, Giang Nam, Trường Sa, Tương Âm, Nhạc Dương, Hán Dương, Võ Xương, Hứa Đô, Nghiệp, Hàm Đan, Tấn Dương, Yên Kinh, Sơn Đông, Khúc Phụ, Tứ Thủy, Từ Châu, Hoài Nam, An Huy, Võ Xương, Lâm An (Hàng Châu), Quế Lâm, Quảng Tây, Nam Quan.

Bắc hành tạp lục (北 行 雜 錄) là tập thơ gồm 131 bài, chiếm hơn nửa số thơ chữ Hán mà Nguyễn Du viết trong cả cuộc đời[2]. Hơn nữa, lại là tập thơ đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam viết một cách khá chi tiết, tỉ mỉ và phong phú về thực trạng xã hội phong kiến Trung Quốc thời mạt kỳ, nên có một vị trí vô cùng quan trọng. Về thể tài, phần lớn thơ trong Bắc hành tạp lục là thơ luật, gồm 76 bài thất ngôn bát cú, 11 bài ngũ ngôn bát cú, 18 bài thất ngôn tứ tuyệt; 8 bài thất ngôn cổ phong, ngũ ngôn cổ phong và 18 bài trường thiên (thất ngôn, ngũ ngôn hoặc trường đoản cú) theo thể cahành. Về đề tài, có nhiều cách phân chia khác nhau, nhưng chủ yếu gồm hai loại quen thuộc của thơ “sứ trình”, đó là thơ “lộ trình”, khoảng 70 bài, viết về những điều mắt thấy tai nghe trên đường đi sứ, và thơ “vịnh sử”, khoảng 50 bài, viết về những nhân vật lịch sử Trung Hoa. Tuy nhiên, việc phân chia này là tương đối, vì cả hai loại này thực chất đều là một, vì đều là cảm xúc của nhà thơ nảy sinh trực tiếp khi quan sát hiện thực trên đường đi sứ, đều là những điều “mắt thấy tai nghe”. Thơ “vịnh sử”, cũng là một loại thơ “mắt thấy tai nghe” khi nhà thơ tiếp xúc trực tiếp với những di tích liên quan đến những nhân vật lịch sử trên đường đi qua, nhưng có kết hợp với những kiến thức sách vở về những nhân vật đó.

Về tập thơ này, đã có nhiều nhận xét, đánh giá khác nhau. Có người cho đây là một tập thơ nói lên lòng thương cảm sâu xa những người trung nghĩa bị hãm hại, những người tài hoa bị vùi dập, những người lao động cùng khổ bị đói rét cùng nỗi khinh ghét giới thống trị kiêu căng và tàn bạo. Có người cho rằng, trong thời gian đi sứ, Nguyễn Du “sáng tác được nhiều, một phần vì những vấn đề xã hội trước đây Nguyễn Du mới cảm biết một cách lờ mờ, thì bây giờ cuộc sống giúp nhà thơ nhận thấy rõ nét. Phần nữa, nhờ đi ra nước ngoài, nhà thơ có thể mượn nhiều đề tài lấy từ lịch sử và hiện tại của nước người để nói những điều Nguyễn Du muốn nói về nước mình, tránh được sự công kích của các thế lực phong kiến lúc ấy”[1: 104]. Lại có nhận xét rằng: “Trong Bắc hành tạp lục, những điểm đặc sắc tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Du được thể hiện rõ ràng hơn. Có ba nhóm đáng chú ý: Một là ca ngợi, đồng cảm với các nhân cách cao thượng và phê phán những nhân vật phản diện. Hai là phê phán xã hội phong kiến chà đạp quyền sống con người. Ba là cảm thông với những thân phận nhỏ bé dưới đáy xã hội, bị đọa đày hắt hủi"[7: 94]. Nhà thơ Xuân Diệu cho rằng: “Bắc hành tạp lục là một tập bút ký ghi cảm tưởng dọc đường. Nhân nhìn thấy được một di tích lịch sử nào đó ở Trung Quốc, gợi nhớ đến việc trong nước, nhớ đến những người ông tiếp xúc trong chốn quan trường, thì ông hết lời xỉ mắng, là phường xu danh trục lợi chỉ “cốt cầu phú quí để vênh vang với vợ con” (Tô Tần đình), là giới quan lại “ra ngoài ngựa ngựa, xe xe”. “bàn bàn tán tán, như ông Cao, ông Quì” cốt che đậy “nanh vuốt, nọc độc” để “nhai xé thịt người ngọt xớt như đường”, trong khi đó thì nhân dân “chỉ là những gầy gò, không ai béo tốt” (Phản chiêu hồn)... Tuy vậy, nhìn chung thơ trong Bắc hành tạp lục, đa phần để lại cảm giác chung của một buổi chiều thu tê tái. Buổi chiều đó là xã hội phong kiến ở Việt Nam, ở Trung Quốc, phản ảnh trong tâm hồn Nguyễn Du. Trên con đường đi sứ, nhà thơ được thấy nhiều cảnh xưa nổi danh và đây là những dịp tức cảnh, đề vịnh, cảm hoài… Nhưng Nguyễn Du là một tâm hồn nghệ sĩ lớn, nên có những cái vượt bậc đột ngột, có những cái lượng biến thành chất kỳ diệu, nghĩa là trong cái buổi chiều thu tê tái trên bỗng nhiên có sấm chớp mưa gió bão bùng, có bài Phản Chiêu hồn, căm giận trên đầu tóc dựng...”[11: 110, 172]. Nguyễn Huệ Chi viết: “Mọi ba động đầy kịch tính của lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX đã ập vào Nguyễn Du một cách khá đồn dập, làm cho ông choáng váng về tư tưởng, và không phải đã dễ dàng tìm ngay được một lẽ sống, một chỗ đứng nào vững vàng ổn định. Có hiểu như thế thì mới hiểu nổi vì sao trên đường đi sứ, nhà thơ mới đề cao Dự Nhượng hết lòng với chủ, vừa mới bài bác Giả Nghị không hiểu được tấm lòng cô trung “liệt nữ không thờ hai chồng” của Khuất Nguyên, thì liền sau đó ông lại đã chê trách cái thái độ thiếu sáng suốt của Phạm Tăng, chỉ biết giữ lòng trung với nước Sở mà không chịu hiểu rằng “ mệnh trời” đã thuộc về nhà Hán...”[4: 139]. Trương Chính nhận xét: “Lời thơ trong bài Phản chiêu hồn, sôi nổi mà đầy oán hận, không ra vịnh sử hoài cổ. Vì nếu thế thì giọng phải điềm tĩnh hơn, buồn man mác hơn, chứ đâu có cái ảo não thắt ruột, thắt gan đến thế. Vì vậy, nếu giải thích như các ông Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh cho rằng tâm sự Nguyễn Du là tâm sự của một bầy tôi phải thờ hai vua thì chẳng những không có căn cứ chắc chắn, mà còn làm xóa mờ tính chất hiện thực và phê phán của bấy nhiêu bài thơ, là không nhìn thấy đó mới là tâm sự sâu sắc nhất của Nguyễn Du”[9: 41]. Đánh giá chung về Bắc hành tạp lục, Trương Chính cho rằng: “Nhà thơ không triền miên ngây ngất trước danh lam thắng cảnh. Ông chú ý  nhiều đến con người và cuộc đời trên đất nước trung Quốc. Và lúc nào ông cũng xuất phát từ lập trường dân tộc đúng đắn và chủ nghĩa nhân đạo chân thành”[10: 529]. Còn Nguyễn Lộc viết: “Nguyễn Du không phải là nhà thơ chỉ biết đến số phận riêng của cá nhân mình, chỉ biết ngồi ngắm cái bóng dưới chân mình. Nguyễn Du cũng không phải là nhà thơ chỉ quan tâm đến triều đại này, triều đại khác, mà Nguyễn Du là nhà thơ biết đặt lòng mình nơi những con người bất hạnh”[5: 61] … Những nhận xét, đánh giá trên đều có những điểm hợp lý, nhưng có lẽ chưa đầy đủ. Chúng tôi đánh giá cao vai trò tiên phong của tập thơ này không chỉ trong việc phản ánh khá chi tiết, sinh động, phong phú thực trạng xã hội Trung Quốc đương thời, mà quan trọng hơn, qua đó thể hiện rõ quan điểm tư tưởng của Nguyễn Du đối với đất nước Trung Hoa và mô hình xã hội phong kiến thời mạt kỳ.

2. Giải ảo Trung Hoa

Mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Hoa, hay cuộc tiếp xúc văn hóa Việt – Trung hơn 2000 năm đã đi qua những chặng đường thật nhiều chông gai, sóng gió, có khi yên bình và cũng có không ít những lúc thù hận. Trong khoảng 1000 năm tự chủ, công cuộc “bang giao” gian nan giữa Việt Nam và Trung Hoa đã in dấu ấn của nhiều  nhà ngoại giao tài giỏi. Lược kê những tên tuổi lớn của sự nghiệp ngoại giao có thể thấy: Thời Tiền Lê có Khuông Việt, Pháp Thuận; thời Lý có Lý Thường Kiệt, Lê Văn Thịnh; thời Trần có Đinh Củng Viên, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Phạm Tông Mại, Doãn Ân Phủ…; thời Hậu Lê có Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Mỹ, Đỗ Cận, Trần Lô, Đào Nghiễm…; thời Mạc có Giáp Hải, Vũ Cận, Hoàng Sĩ Khải…; thời Lê Trung hưng có Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Công Hãng, Lê Hữu Kiều, Nguyễn Tông Khuê, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Oánh, Đào Công Chính, Nguyễn Tiến, Đặng Đình Tướng, Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Công Kháng, Phạm Khiêm Ích, Nguyễn Kiều, Nguyễn Tông Quai, Đinh Nho Hoàn, Nguyễn Công Cơ, Ngô Đình Thạc, Đoàn Nguyễn Thục, Hồ Sĩ Đống, Lê Quang Viện, Trịnh Xuân Chú… Thời Tây Sơn có Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Đề, Vũ Huy Tấn…; thời Nguyễn có Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Nguyễn Gia Cát, Ngô Thì Vị, Nguyễn Du, Phan Huy Chú, Lý Văn Phức, Nguyễn  Miên Thẩm, Hà Tông Quyền, Trương Hảo Hiệp, Phan Thanh Giản, Phạm Chi Hương, Bùi Quỹ,  Nguyễn Văn Siêu, Đặng Huy Trứ, Bùi Dị, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Tư Giản... Phần lớn những nhà ngoại giao ấy đều có sáng tác thơ văn, nên đã hình thành một “trào lưu” sáng tác thơ văn bang giao với hàng nghìn tác phẩm, trong đó nhiều tác phẩm “sứ trình” có giá trị không chỉ giúp tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật của tác giả, mà còn giúp hiểu thêm về đất nước và con  người Trung Hoa.

Người Việt Nam được biết tới “mô hình lý tưởng” Trung Hoa thời phong kiến chủ yếu qua các sách vở của người Trung Hoa, và một phần qua ghi chép ít ỏi của những người đi sứ. Nhưng trong hoàn cảnh in ấn, xuất bản, phổ biến tác phẩm thời xưa, việc biết tới những ghi chép về Trung Hoa của người Việt đi sứ là rất hạn chế. Vì thế, dù có những tác phẩm của người Việt Nam viết về Trung Hoa, thì hình ảnh Trung Hoa vẫn rất xa lạ với mọi người, mà chủ yếu lại chỉ là những hình ảnh đẹp đẽ trong các sách vở của người Trung Hoa được đem về Việt Nam. Hơn nữa, các ghi chép về Trung Hoa trước đây thường là về những thời thịnh kỳ của chế độ phong kiến. Trong bối cảnh đó, những tác phẩm của Nguyễn Du trong Bắc hành tạp lục lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam đã cho chúng ta biết được một cách khá chi tiết và phong phú về một Trung Hoa khác, một Trung Hoa thời mạt kỳ phong kiến như ở Việt Nam, qua con mắt phán xét của nhà thơ, như một sự thể hiện nghệ thuật cái tư tưởng của ông đối với một mô hình xã hội vốn được coi là lý tưởng và duy nhất đương thời.

Trong Bắc hành tạp lục, chúng ta thấy, ban đầu Nguyễn Du cũng có cái tò mò, phấn khởi, nên thường ngâm hoa vịnh nguyệt, thưởng gió ngó trăng, vịnh nhân vật lịch sử. Trong bài Chu hành tức sự ông viết:

Vị liên thượng quốc phong quang hảo,
Quan toả hương tình vị phóng qui.

(Bởi yêu phong cảnh xứ người đẹp
Khóa chặt tình quê chửa vút bay)

Có tới 15 bài Thương Ngô trúc chi ca vịnh về cảnh sắc, con người mang cảm hứng tán tụng. Tiếp tục vịnh các nhân vật lịch sử gắn với những địa danh đi qua. Nhưng đồng thời và ngay sau đó ta thấy toàn là những cảnh gập gềnh, trắc trở, lũ lụt, mất mùa, đói khát, nghèo khổ, loạn lạc, binh đao… Dường như có một đất nước Trung Hoa khác, không chỉ toàn đẹp đẽ như trong sách vở tuyên truyền, quảng cáo, mà đen tối bi thương, như nhà thơ nhận ra trong một đêm Từ Châu ở Giang Tô:

Hành lộ tị can qua
Nghiêm hàn độ dạ hà
Nguyệt lai nam quốc đại
Sơn nhập bắc Từ đa
Thành ngoại liệt binh giáp
Thành trung văn huyền ca
Khô dương tam bách thụ
Thụ thụ hữu đề nha

(Đi đường phải tránh vùng giặc giã / Giữa đêm đông giá lạnh, qua sông / Phía nước Nam, trăng lớn / Bắc Từ Châu, núi nhiều / Ngoài thành đầy binh giáp / Trong thành nghe đàn ca / Ba trăm cây dương khô héo / Trên các cây, tiếng quạ kêu - Từ Châu dạ)

Hay trong một ngày trên đường Tổ Sơn, vùng núi phía bắc Hoàng Châu, tỉnh Chiết Giang:

Khứ nhật Lưỡng Hà tằng tập chiến
Hu đồ thiên lí chính tư quy
Bà bà bạch phát hồng trần lộ
Nhật mộ đăng cao bi mạc bi

(Hôm trước, Lưỡng Hà chiến tranh liên miên / Đường đi vòng dài nghìn dặm, làm nhớ quê / Tóc bạc phơ trên đường bụi đỏ / Trời tối lên cao, không gì buồn thế - Tổ Sơn đạo trung).

Có rất nhiều hình ảnh đau khổ, nhất là hình ảnh của những con người Trung Hoa nhỏ bé, nghèo đói, tha hương như người hát rong ở phủ Thái Bình:

Thái Bình cổ sư thô bố y
Tiểu nhi khiên vãn hành giang mi
Vân thị thành ngoại lão khất tử
Mại ca khất tiền cung thần xuy
Lân chu thời hữu hiếu âm giả
Khiên thủ dẫn thướng thuyền song hạ
Thử thời thuyền trung ám vô đăng
Khí phạn bát thủy thù lang tạ

(Ở phủ Thái Bình có ông lão / Hai mắt mù mặc áo vải thô / Nắm tay trẻ dắt ngoại ô / Ven sông hát dạo lần mò kiếm ăn / Thuyền bên có kẻ ham nghe hát / Dẫn ông già xuống sát cửa thuyền / Lúc này thuyền tối không đèn / Cơm thừa canh cặn đổ tràn tứ tung…-  Thái Bình mại ca giả)

Có rất nhiều cảnh loạn lạc làm cản trở chuyến đi sứ của tác giả, và bên cạnh đó là những hình ảnh nheo nhóc, đói khát của người dân nghèo Trung Hoa:

Sổ bách lý địa biến qua giáp
Đạo lộ ủng tắc vô nhân hành
Trường tống trường thán, đoản tống mặc
Tiến thoái duy cốc nan vi tình
Tạc nhật Hoàng Hà thủy đại chí
Ngũ nhật vô thực thê sa đinh
Kim nhật Vệ Châu trở đạo tặc
Bất tri tiền lộ hà thời thanh …
Đại nam tiểu nữ tần cơ sắc
Khang tì vi thực lê vi canh
Nhãn kiến cơ biểu tử đương đạo
Hoài trung táo tử thân biên khuynh
Không ốc bích thượng hữu "tra" tự
Sổ bách dư hộ giai cơ linh
Tiểu dân bất nhẫn hàn thả cơ
Cầu đồ bão úc thân vi khinh

(Mấy trăm dặm chỗ nào cũng có binh lính / Đường sá bế tắc, không người đi / Người đưa tiễn xa than dài, người đưa tiễn gần im lặng / Tới lui đều trong tình trạng khó khăn / Hôm qua nước Hoàng Hà dâng cao / Năm ngày không có ăn, đậu thuyền trên bãi sông / Hôm nay ở Vệ Châu giặc cướp chặn đường / Không biết đường trước mặt bao giờ yên … / Trai lớn gái nhỏ vẻ ốm đói / Tấm cám làm cơm, rau lê làm canh / Tận mắt thấy người đói chết trên đường / Hột táo trong bọc lăn bên mình / Nhà bỏ không, có chữ "tra" (xét) trên vách / Mấy trăm nhà đều trôi giạt vì đói / Dân mọn không kham nổi đã lạnh lại đói / Chỉ sao lo được no ấm mà coi nhẹ tấm thân - Trở binh hành)

Có rất nhiều cảnh “đau đớn lòng” mà đỉnh điểm là “những điều trông thấy” của nhà thơ giữa “thiên đường” Trung Hoa, về sự đau khổ của người dân, về sự độc ác, thờ ơ, vô cảm của người đời, về sự đối nghịch gay gắt giữa kẻ thống trị và kẻ bị trị:

Hữu phụ huề tam nhi
Tương tương tọa đạo bàng
Tiểu giả tại hoài trung
Đại giả trì trúc khuông
Khuông trung hà sở thịnh
Lê hoắc tạp tì khang
Nhật án bất đắc thực
Y quần hà khuông nhương
Kiến nhân bất ngưỡng thị
Lệ lưu khâm lang lang

Huyết nhục tự sài lang
Mẫu tử bất túc tuất
Phủ nhi tăng đoạn trường
Kỳ thống tại tâm đầu

Tạc tiêu Tây Hà dịch
Cung cụ hà trương hoàng
Lộc cân tạp ngư xí
Mãn trác trần trư dương
Trưởng quan bất hạ trợ
Tiểu môn chỉ lược thường
Bát khí vô cố tích
Lân cẩu yếm cao lương
Bất tri quan đạo thượng
Hữu thử cùng nhi nương

(Có người đàn bà dắt ba đứa con / Cùng nhau ngồi bên đường / Đứa nhỏ trong bụng mẹ / Đứa lớn cầm giỏ tre / Trong giỏ đựng gì lắm thế ? / Rau lê, hoắc lẫn cám / Qua trưa rồi chưa được ăn / Áo quần sao mà rách rưới quá / Thấy người không ngẩng nhìn / Nước mắt chảy ròng ròng trên áo…/ Máu thịt nuôi lang sói / Mẹ chết không thương tiếc / Vỗ về con càng thêm đứt ruột / Trong lòng đau xót lạ thường …/ Đêm qua ở trạm Tây Hà / Tiệc tùng cung phụng khoa trương quá mức / Gân hươu cùng vây cá / Đầy bàn thịt heo, thịt dê / Quan lớn không thèm đụng đũa / Đám theo hầu chỉ nếm qua / Vứt bỏ không luyến tiếc / Chó hàng xóm cũng ngán món ăn ngon / Không biết trên đường cái / Có mẹ con đói khổ nhà này… - Sở kiến hành)

Có rất nhiều bi kịch của những con người tài hoa, trung hậu Trung Hoa. Chúng ta bắt gặp nỗi “thương người tiếc tài” của ông về những kẻ cùng trong “hội đoạn trường” như nàng Kiều trong Đoạn trường tân thanh, hay nàng Tiểu Thanh trong Độc Tiểu Thanh ký. Nguyễn Du thường  bày tỏ lòng cảm thông, chia sẻ với những con người tài giỏi chịu nhiều tai ương, bạc phận. Trong bài Phản chiêu hồn, ông phản đối lời gọi hồn trong bài từ Chiêu hồn của Tống Ngọc, người cùng thời với Khuất Nguyên. Tống Ngọc thương Khuất Nguyên hồn phách sắp tiêu tan nên làm bài từ để gọi hồn trở về. Nguyễn Du phản đối lại ý đó, muốn hồn Khuất Nguyên không nên trở lại cõi trần gian có đầy những kẻ gian ác, thâm hiểm:

Hồn hề! Hồn hề! hồn bất qui?
Đông tây nam bắc vô sở y.
Thướng thiên há địa giai bất khả,
Yên, Dĩnh thành trung lai hà vi ?
Thành quách do thị, nhân dân phi,
Trần ai cổn cổn ô nhân y.
Xuất giả khu xa, nhập cứ tọa,
Tọa đàm lập nghị giai Cao, Quỳ.
Bất lộ trảo nha dữ giác độc,
Giảo tước nhân nhục cam như di!
Quân bất kiến Hồ Nam sổ bách châu,
Chỉ hữu sấu tích, vô sung phì.
Hồn hề! Hồn hề! suất thử đạo
Tam Hoàng chi hậu phi kỳ thì.
Tảo liễm tinh thần phản thái cực,
Thận vật tái phản linh nhân xi,
Hậu thế nhân gian giai Thượng Quan
Đại địa xứ xứ giai Mịch La,
Ngư long bất thực, sài hổ thực,
Hồn hề! Hồn hề! nại hồn hà?

(Hồn ơi! hồn ơi! sao chẳng về? / Đông tây nam bắc không chốn nương tựa / Lên trời xuống đất đều không được / Còn trở về thành Yên thành Sính làm gì ? / Thành quách còn đây, nhân dân đã khác / Bụi bặm mù bay làm dơ bẩn quần áo / Ra ngoài thì ruổi xe, vào nhà ngồi chễm chệ / Đứng ngồi bàn bạc như hai bậc hiền thần Cao, Quì / Không để lộ ra nanh vuốt nọc độc / Mà cắn xé thịt người ngọt xớt / Không thấy sao mấy trăm châu ở Hồ Nam / Chỉ có người gầy gò, không ai béo tốt / Hồn ơi! hồn ơi! nếu cứ noi theo lối đó / Thì sau Tam Hoàng không hợp thời nữa / Hãy sớm thu góp tinh thần trở lại Thái Cực / Đừng trở lại đây nữa để người ta mai mỉa / Đời sau đều là Thượng Quan / Khắp mặt đất đều là sông Mịch La / Cá rồng không ăn, sói hùm cũng nuốt / Hồn ơi! hồn ơi! hồn làm sao đây? - Phản Chiêu hồn)

Trong bài Tỉ Can mộ, Nguyễn Du thương cảm những kẻ chết vì trung lương như Tỉ Can chết vì khuyên can vua Trụ tàn độc:

Độn cuồng quân tử các toàn thân
Bát bách chư hầu hội Mạnh Tân
Thất khiếu hữu tâm an tỵ phẫu
Nhất khâu di thực tẫn thành nhân
Mục trung sở xúc năng vô lệ
Địa hạ đồng du khả hữu nhân
Tàm quí tham sinh Ngụy điền xá
Trung lương hồ loạn cưỡng tương phân

(Bậc quân tử phải đi trốn hoặc giả điên để khỏi bị giết / Tám trăm chư hầu họp nhau ở Mạnh Tân (để đánh vua Trụ tàn ác) / Có trái tim bảy lỗ thì sao không khỏi bị mổ ? / (Này đây) một gò cây cỏ (của người chịu chết) thành bậc nhân / Trông tận mắt, có thể nào không rơi nước mắt / Ở dưới đất có người có thể làm bạn đồng tâm / Đáng xấu hổ họ Ngụy quê mùa tham sống / Dám hồ đồ gượng ép chia hai Trung với Lương)

Trong Bắc hành tạp lục, cuộc sống Trung Hoa thật đen tối, loạn lạc và bất hạnh. Vì thế, ông tiếc thương cho con kỳ lân linh thiêng đã không chọn được đất lành để hiển linh, phải chết nơi đất ác Trung Hoa dưới triều Vĩnh Lạc. Ông tiếc cho lân thiêng không biết đường sang nước Việt lúc đó có minh quân xuất hiện, mà lại ở nơi của bọn hôn quân nên chịu chết oan:

Lân hề, lân hề, nhĩ hà khổ?

Hà huống Yên Đệ hà như nhân
Đoạt điệt tự lập phi nhân quân
Bạo nộ nhất sính di thập tộc
Đại bổng cự hoạch phanh trung thần
Ngũ niên sở sát bách dư vạn
Bạch cốt thành sơn địa huyết an

Lân hề quả vị thử nhân xuất
Đại thị yêu vật hà túc trân

Hoặc thị nhĩ sinh bất nhẫn kiến sát lục
Tiên tựu thử địa quyên kỳ thân
Hu ta nhân thú hề kỳ lân
Ư thế bất kiến dĩ vi tường
Kiến chi bất quá đồng khuyển dương
Nhược đạo năng vị thánh nhân xuất
Đương thế hà bất nam du tường

(Ôi kỳ lân, kỳ lân, thân mày sao khổ thế? / Phương chi Yên vương Đệ là người thế nào / Cướp ngôi cháu, hắn đâu là bậc nhân quân / Khi giận dữ thì giết cả mười họ người ta / Đánh gậy và ném vạc dầu người trung thần / Chỉ năm năm mà giết hơn trăm vạn người / Xương trắng thành núi, máu chảy đỏ đất / Ôi kỳ lân, nếu mày vì kẻ ấy mà ra đi / Thì mày chỉ là loại yêu quái có đáng gì / Hay mày không nỡ sống để thấy cảnh chém giết / Nên đến nơi này bỏ mình trước / Than ôi, kỳ lân là giống thú có nhân / Trên đời ít thấy nên cho là điềm lành/ Thấy, thì chẳng qua cũng như dê chó / Nếu bảo vì thánh nhân mà kỳ lân xuất hiện / Sao khi đó không sang chơi phương Nam? -  Kỳ lân mộ).

Bài này rõ ràng Nguyễn Du chê bai triều nhà Minh ở Trung Quốc, mà khen nước Đại Việt thời Lê Lợi là  hơn hẳn.

Trước đây, niềm vui sướng, tự hào và cảm giác choáng ngợp Trung Hoa đã không thay thế được nỗi lòng nhớ nước của người đi sứ, như từng xuất hiện trong thơ Nguyễn Trung Ngạn đời Trần:

Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo

Giang Nam tuy lạc bất như quy

(Nghe nói ở nhà nghèo nhưng vẫn tốt đẹp

Còn Giang Nam tuy lắm thú vui nhưng chẳng bằng về - Quy hứng)

Còn nay, thơ Nguyễn Du lại tỏ rõ nỗi chán ngán, ghê sợ Trung Hoa, muốn về cho thật nhanh. Cái nỗi nhớ nhà mong về là thường tình, những nối chán ngán, ghê sợ thì là hoàn toàn mới mẻ. Có thể thấy nguyên nhân từ sự thất vọng, sự vỡ mộng của ông đối với thực trạng xã hội Trung Quốc. Chúng ta có thể cảm nhận được phần nào suy tư và tâm trạng vỡ mộng này của Nguyễn Du.

Mô hình lý tưởng của xã hội Trung Hoa phong kiến hiện ra trong mắt Nguyễn Du dường như mất hết sức sống, mất hết hấp dẫn. Bởi Nguyễn Du nhìn nó từ góc nhìn của những người trong cuộc, lại là góc nhìn từ phía dưới nhìn lên, nên mọi thứ hiện ra thật rõ ràng. Nó không còn là ảo ảnh vàng son lộng lẫy hay rực rỡ chói lọi, mà chỉ là những hình ảnh đầy u ám, tối tăm không còn làm ông choáng ngợp, mà thậm chí còn khiến ông vừa ghê sợ, vừa lãnh đạm.

3. Giải thiêng chế độ phong kiến

Đối với đương thời, thậm chí đến cuối thế kỷ XIX, chế độ phong kiến nói chung, đất nước Trung Hoa nói riêng, vẫn là mô hình xã hội lý tưởng của tuyệt đại đã số trí thức phong kiến Việt Nam. Dù rất gian lao, vất vả, nhưng với những người được triều đình cử đi sứ, thì được đến Trung Hoa là cả một niềm sung sướng, tự hào. Họ sung sướng, tự hào vì được đi làm nhiệm vụ trọng đại của triều đình, được đón tiếp, giao đãi với vua quan “thiên triều”, được tận mắt nhìn thấy cái “thiên đường” sung sướng của vua Nghiêu vua Thuấn, vì thế thơ văn của họ thường phản ánh một cách chân thành, tha thiết và cảm phục về đất nước, con người Trung Hoa. Trung Hoa là chốn thiêng liêng, lý tưởng đối với họ. Nhưng lần đầu tiên trong lịch sử văn học, chúng ta thấy các tác phẩm sứ trình của Nguyễn Du không phản ánh như thế. Trong Bắc hành tạp lục, tuyệt nhiên chúng ta không thấy có bất kỳ tác phẩm thơ văn thù tạc, đối đáp với quan chức ngoại giao Trung Quốc nào. Cũng không có một bài thơ nào nói về công việc ngoại giao, không có một cuộc gặp gỡ ngoại giao nào, không có nội dung nào về bang giao được nói tới. Tất cả chỉ là những bài thơ ghi chép những con người, sự vật, cảnh sắc rất riêng. Nếu so sánh Bắc hành tạp lục với những tập thơ văn sứ trình cùng thời như Tinh sà kỷ hành[8] của Phan Huy Ích (1751 – 1822), hay Bang giao hảo thoại, Hoàng Hoa đồ phả [2] của Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) được viết cũng trong khi đi sứ nhà Thanh liền ngay trước đó, chúng ta sẽ thấy rõ cái mới lạ trong tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Du đối với Trung Hoa, thấy rõ hơn tư tưởng giải thiêng của Nguyễn Du đối với chế độ phong kiến mạt kỳ Trung Hoa. Dường như, bằng nghệ thuật, Nguyễn Du muốn nói rằng, Trung  Hoa không phải là mảnh đất “thiên đường” như nhiều người ảo tưởng, mà chỉ là một “mảnh đất lắm người nhiều ma”, đầy đau khổ và bất trắc.

Chúng ta biết rằng, sau khi Quang Trung đại phá quân Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, Phan Huy Ích được phụ trách công việc ngoại giao. Cuối tháng 2 năm 1790, ông cùng với Đại tư mã Ngô Văn Sở tham gia phái đoàn do Phạm Văn Trị đóng giả vua Quang Trung dẫn đầu sang Trung Quốc mừng vua Càn Long 80 tuổi. Phan Huy Ích đã làm nhiều thơ văn ghi chép về chuyến đi sứ này, từ lúc khởi hành đến khi hồi quốc, khá chi tiết, đầy đủ.

Lúc mới vào đất Trung Quốc thì, “ra đón sứ bộ có Phúc Khang An, Tổng đốc Lưỡng Quảng…, và các vị đề trấn quan lại ở đài, phủ, huyện. Cờ quạt rợp núi, lừa ngựa hí vang. Sứ bộ vào nghỉ ở Chiêu Đức đài. Mở đầu bài Xuất quan, tác giả viết:

Chiêu Đức đài trung tự chủ tân

Mãn sơn kỳ cái hệ chinh trần

Lân giao sáng thỉ y thường hội

Từ mệnh quan do hàn mặc thần…

(Vào đài Chiêu Đức phân chủ khách mà đón tiếp / Cờ lọng rợp núi che bụi đường cho khách đi xa / Mối tình bang giao giữa hai nước sẽ bắt đầu bằng hội y thường / Việc từ mệnh sẽ do ta là quan văn đảm nhiệm…)[ ](Viện Văn học 1981: 439).

Trong khi hành sứ thì, “khi dự yến ở ngự điện, quan Bộ Lễ nhà Thanh dẫn đoàn văn công của ta vào hát chúc thọ. Những bài hát này Phan Huy Ích soạn theo các điệu từ của Trung Quốc, như Mãn đình phương, Pháp gia dẫn, Thiên thu tuế…”[10: 443].

Lúc trở về thì, “ngày 20, chiêu đãi ở điện Chính Đại Quang Minh, trước khi sứ bộ lên đường về nước. Hoàng đế nhà Thanh thân rót rượu vào chén ngọc bích, mời, vỗ. Phan Huy Ích có làm một bài thơ trường thiên ghi lại việc này, kể hết cung cách vua Thanh tiếp đãi sứ bộ và kết luận:

Phiên quốc phụng thám tần

Kỷ đắc kỳ tao ngộ

Phi tiên báo quốc nhân

Hoàng hoa đệ nhất bộ

(Các phiên quốc sang chầu nhà vua  / Mấy ai được tiếp đãi như thế / Xin báo tin về cho người trong nước biết / Sứ bộ của ta là nhất) [10: 444].

Tiếp sau đó là sứ bộ do Ngô Thì Nhậm làm Chánh sứ, khởi hành tháng Ba năm 1793, làm nhiệm vụ báo tang vua Quang Trung từ trần ngày 29 tháng Bảy, năm Nhâm Tý (1792) và cầu phong cho vua Cảnh Thịnh kế vị, thì “suốt dọc đường, ông đã làm hàng trăm bài thơ xướng họa với các quan chức địa phương, vịnh cảnh, tả tình, và nêu lên sự đánh giá của mình đối với rất nhiều nhân vật lịch sử. Thơ văn ông lời lẽ chải chuốt, ý tứ sâu sắc và luôn toát ra khí phách anh hùng và lòng tự hào dân tộc. Trong thơ gửi các bạn bè đi tiễn, ông xác định trách nhiệm của người đi sứ là vừa làm tròn sứ mệnh của vua giao, vừa giữ gìn uy tín của Tổ quốc” …“Khi Ngô Thì Nhậm đến tỉnh Hồ Nam, Tổng đốc Hồ Nam là Trạng nguyên họ Tất  đã đón tiếp ông và mời ông đi viếng mộ Chu phu tử… Ngô Thì Nhậm đã viết bài Hoãn nhĩ ngâm với lời lẽ đầy niềm tự hào…”[10: 427]. 

Dường như với các sứ thần Việt Nam, cả trước đây và cùng thời, Trung Hoa luôn là một đất nước lý tưởng, chế độ phong kiến Trung Hoa luôn là một mô hình xã hội hoàn mĩ đáng ngợi ca và noi theo, và việc đi sứ là cả một niềm vinh dự, tự hào khi được đặt chân lên “thiên đường phong kiến”. Nhưng với Nguyễn Du, điều này đã thay đổi hoàn toàn. Những bài thơ sứ trình trong  Bắc hành tạp lục cho ta thấy ông chẳng say mê, hứng thú gì chuyến công cán này, nên ông chỉ thấy trên đường những cảnh sắc xa lạ, đường đi thì gập ghềnh hiểm trở:

Kinh tuần khứ quốc tâm như tử,
Nhất lộ phùng nhân diện tẫn sinh.
Sơn lộc tích nê thâm một mã,
Khê tuyền phục quái lão thành tinh.
Khách tình chí thử dĩ vô hạn,
Hựu thị Yên sơn vạn lý hành.

(Xa nước mấy tuần lòng tựa chết / Dọc đường toàn gặp khách quê người / Bùn khe đọng lại lút mình ngựa / Ma quái thành tinh khắp mọi nơi / Tình cảnh khách xa đây khó tả / Yên kinh muôn dặm bước đường dài - Mạc phủ tức sự).

Ông có cảm giác lạnh lẽo, cô liêu khi nghe tiếng sáo dưới thành Thái Bình:

Giang thủy trừu hề giang nguyệt hàn,
Thùy gia hoành địch bằng lan can.
Nhị thập thất nhân cộng hồi thủ,
Cố hương dĩ cách vạn trùng san.

 (Nước sông gợn sóng, lạnh trăng sông,  / Ai đâu thổi sáo tựa bên song? / Hai mươi bảy người đều ngoái cổ / Quê nhà đã cách núi muôn trùng! - Thái Bình thành hạ văn xuy địch).

Hay tâm sự riêng không người chia sẻ, nơi công quán mà chẳng màng công việc ngoại giao ở Quế Lâm:

Lao lạc xuân vô phận,
Sa đà lão tự kinh.
Thành đầu văn họa giác,
Tự ngữ đáo thiên minh.

(Lo buồn xuân không đến với mình / Lần lữa thấy cảnh già giật mình kinh sợ / Nghe tiếng tù và vọng từ đầu thành / Nói chuyện một mình cho đến sáng - Quế Lâm công quán).

Nếu như sứ đoàn được đón tiếp trọng thị thì Chánh sứ Nguyễn Du cũng có thể cảm động mà làm thơ, như Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm làm nhiều thơ văn thù tạc với quan chức ngoại giao Trung Quốc. Cũng có thể là ông nhận thấy thân phận nhược tiểu của quốc gia khiến sứ đoàn bị khinh bỉ, nên chẳng có cảm xúc thi ca. Cũng có thể Chánh sứ thờ ơ với một thứ nhiệm vụ mà ông cho là vô thưởng vô phạt? Nếu Chánh sứ là người tâm huyết với nhiệm vụ, thì sẽ có cảm xúc mà thành thơ. Nhưng hình như vấn đề cần được nhìn nhận theo một khía cạnh khác. Nhiều bài thơ của ông, vừa như là tả thực lại vừa như là ám dụ, việc lựa chọn đối tượng trình bày cũng có dụng ý, cảnh sắc, sự việc, con người được nói tới, dường như ít nhiều đều nhằm thể hiện một gam màu đen tối và một âm thanh buồn thảm. Đó quyết không phải là phản ánh một tâm trạng vui vẻ, một thái độ thỏa mãn tự hào, mà là một sự thất vọng, một sự chán ngán, một sự phủ nhận chất chứa từ sâu thẳm tâm hồn ông, đã dồn nén từ lâu trong lòng ông. Trung Hoa không còn là chốn thiêng liêng đối với ông.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Nguyễn Du cho chúng ta biết về một đất nước Trung Hoa rộng lớn những không bằng phẳng, tươi đẹp mà gập ghềnh, trắc trở, về một truyền thống kiêu hùng nhưng cũng lắm bi thương, về một dân tộc đông đúc nhưng cam chịu, nghèo khổ và đau đớn… Một bức tranh rất nhiều màu tối. Nó khiến cho ông phải kêu lên ai oán, rằng đâu đâu dưới gầm trời này cũng thế cả thôi, con người ta không thể thoát được nó, còn nếu đã rời khỏi nó thì đừng bao giờ trở về. Nên ông mới có Phản chiêu hồn. Toàn bộ những phản ánh đó của Nguyễn Du đã làm thành một sự đối lập quyết liệt với những hình ảnh tươi đẹp, lộng lẫy vàng son của chế độ phong kiến lý tưởng Trung Hoa thời thịnh kỳ được phổ biến trong sách vở, hay trong kí ức ông, luôn song hành như một thứ “tiền giả định” để đối sánh, để đánh giá. Thái độ của Nguyễn Du là một cách nhìn khác về chế độ phong kiến mạt kỳ Trung Hoa, chứa đầy thất vọng. Nó củng cố thêm thái độ của ông đối với cái chế độ phong kiến mạt kỳ nói chung đã mất hết sức sống, như một sự phản tỉnh, ngấm ngầm phủ nhận cái lý tưởng hằng theo đuổi của nhà Nho. Chế độ phong kiến đó không còn là điều thiêng liêng, không còn là lý tưởng đối với ông.

Rõ ràng, Bắc hành tạp lục cho ta thấy, khác với những người đương thời khi tiếp xúc với Trung Hoa, trong đầu Nguyễn Du đã chứa chất sẵn sự hoài nghi và phủ định đối với chế độ phong kiến mạt kỳ nói chung, với chế độ phong kiến mạt kỳ Trung Hoa nói riêng, nên mọi “điều trông thấy” đều chịu sự phán xét nghiêm khắc của ông. Điều này cũng lại cho ta thấy rằng, xét về mặt tư tưởng, ông đã đi trước những người cùng thời rất nhiều.

Bằng thực tiễn cuộc đời trải qua “thập tải phong trần”, và những năm tháng sống dưới vài vương triều phong kiến mạt kỳ Việt Nam với bao “cuộc bể dâu”, với bao “điều trông thấy mà đau đớn lòng”, Nguyễn Du đã chán ngán cái chế độ phong kiến ở Việt Nam đến độ nhìn đâu dường như cũng chỉ thấy toàn những xấu xa, đen tối, khiến cho ông, dù không đỗ đạt cao, dù được vương triều mới nhà Nguyễn không thể nói là không có những điểm sáng, và không phải không có những ưu ái riêng ông, nhưng lúc nào ông cũng buồn rầu thúc thủ, lúc nào cũng ngại ngùng dè dặt, nên dù “không bệnh mà lúc nào lưng cũng cúi khom khom” (“Vô bệnh cố câu câu” – Thu chí). Đứng ở một  góc độ nhất định, có thể xem việc đi sứ Trung Hoa của Nguyễn Du chỉ như một chuyến đi trải nghiệm thực tế về cái “thiên đường”, cái mô hình phong kiến “lý tưởng” mà sách vở nhà Nho tuyên truyền, trong thời mạt kỳ của nó, để kết quả càng khẳng định sâu sắc thêm cái nhận thức mà ông đã đúc rút ra từ thực tiễn Việt Nam, rằng chế độ này không còn lý do tồn tại, vì mặt đất này đâu đâu cũng là sông Mịch La (Đại địa xứ xứ giai Mịch La), vì ở đâu thì bọn lang sói cũng nhai xé thịt người ngọt xớt như đường (Giảo tước nhân nhục cam như di), ở đâu thì cái ác cũng hoành hành mà cái thiện thì cũng bị vùi dập, người dân thấp cổ bé họng bị đọa đày, còn những người tài hoa, trung thực đều phải chịu cảnh thiệt thòi, bạc mệnh. Trung Hoa dường như chỉ là cái minh chứng cuối cùng cho sự giải ảo, giải thiêng chế độ phong kiến mạt kỳ đã mất hết sức sống đối với ông.

*

Bắc hành tạp lục là tập thơ đầy tâm trạng, củng cố thêm thái độ hoài nghi, phủ nhận của Nguyễn Du đối với mô hình chế độ phong kiến lỗi thời. Ông không thể đứng ngoài lịch sử, lại càng không thể đi trước lịch sử. Ông là sản phẩm của thời đại lịch sử ấy, nhưng bằng linh giác nghệ thuật, ông thấy được sự phi lý và mất hết sức sống của chế độ phong kiến mạt kỳ khi nó không đem đến cho con người, hay đúng hơn, nó không còn khả năng giúp cho con người được thực hiện những quyền sống, quyền làm người căn bản mà đáng ra họ phải có. Nó vẫn, hoặc giãy giụa hoặc dữ tợn, tồn tại một cách đầy phi lý và thách thức như thế, trước khi mất hút vào bóng đêm lịch sử. Nhưng ông cũng không thể nhìn thấy ánh sáng của thời đại mới, khiến cho tâm trạng của ông tù túng, bế tắc, thậm chí tuyệt vọng. Cái bế tắc, tù túng, tuyệt vọng ấy chính là cội nguồn của những tấn bi kịch trong cuộc đời những nhân vật đẹp đẽ nhất trong các sáng tác của ông, và đó cũng là phản ánh tấn bi kịch tinh thần của chính ông. Đây là bài học quan trọng nhất mà Nguyễn Du muốn gửi cho hậu thế.

Nguyễn Phạm Hùng

(Đại học Quốc gia Hà Nội)

 

Tài liệu trích dẫn

[1] Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên. 2004. Từ điển văn học (Bộ mới). Hà Nội: Nhà xuất bản Thế giới.

[2] Ngô Thì Nhậm. 1978. Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, Quyển I. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

[3] Nguyễn Du. 1978. Thơ chữ Hán. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học.

[4] Nguyễn Huệ Chi. 1983. Mấy vẻ mặt thi ca Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Tác phẩm mới.

[5] Nguyễn Lộc. 1978. Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

[6] Nguyễn Phạm Hùng. 2006. Thể thơ thất ngôn xen lục ngôn. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

[7] Nhiều tác giả. 2008. Ngữ văn 10. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục.

[8] Phan Huy Ích. 1978. Thơ văn Phan Huy Ích, 3 tập. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

[9] Trương Chính. 1978. Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học.

[10] Viện Văn học. 1981. Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến trung Quốc xâm lược. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

[11] Xuân Diệu. 1981. Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, T. I. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học.

 

 

 

 

 

 



[1] Về thời điểm sáng tác Truyện Kiều hiện nay có hai giả thuyết, giả thuyết thứ nhất căn cứ vào Đại Nam chính biên liệt truyện, cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ Trung Quốc (1813 – 1814); giả thuyết thứ hai được nhiều người tán thành hơn, cho rằng ông viết Truyện Kiều khi làm Cai bạ ở Quảng Bình (1809 - 1812).

[2] Hầu hết các nhà nghiên cứu khi đọc Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du đều cất lời khen ngợi rằng ông viết “rất khỏe”, bởi trong có hơn một năm với bao công việc của sứ bộ, mà viết được 131 bài thơ, là điều đáng khâm phục. Phan Huy Ích cũng trong thời gian và công việc tương tự chỉ viết được 80 bài trong tập thơ sứ trình Tinh sà kỷ hành, còn Ngô Thì Nhâm viết ít hơn nhiều trong tập Bang giao hảo thoại.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Hai 20242:19 SA(Xem: 2281)
Bài này, “Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền”, được phát triển, bổ sung và mở rộng từ bài viết gốc năm 1986, với tựa “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”, theo tinh thần tựa đề “L’Homme, cet Inconnu” (1935) (Con Người, kẻ Xa Lạ ấy) của Alexis Carrel (Nobel 1912). Một vài chủ đề đã được đưa vào, hay tô đậm, qua một cái nhìn hồi cố và tái thẩm, để làm đầy đặn và làm rõ hơn các đường nét về thơ Thanh Tâm Tuyền, vốn, trong bản gốc nguyên thuỷ, đã được vạch ra nhưng chưa được khai thác kỹ.
07 Tháng Hai 20241:35 SA(Xem: 2256)
Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập “Thơ Ở Đâu Xa”, kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại… trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.
13 Tháng Hai 202411:57 CH(Xem: 1404)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.
07 Tháng Hai 20243:34 SA(Xem: 1513)
Khi tìm đọc văn học chiến tranh (giai đoạn 1954-1975) tôi bắt gặp rất nhiều lần lời giới thiệu ngắn tên tuổi, và các tác phẩm của nhà văn Nguyên Vũ. Kể từ đó, tôi luôn tìm Nguyên Vũ để đọc, song dường như không có tác phẩm nào của ông được đưa lên các trạng mạng, hay các thư viện điện tử. Hôm rồi, thật may mắn, đang nghiền ngẫm về cố nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tình cờ tôi bắt gặp: Mây Trên Đỉnh Núi, truyện dài gồm 20 chương của Nguyên Vũ. Đây có lẽ là truyện dài đầu tay, và ít được nhắc đến của ông. Cũng định thử một vài trang, rồi lúc nào đó sẽ đọc tiếp, nhưng bập vào tôi không thể dứt ra được, và đọc một mạch ngay nơi làm việc. Sự hấp dẫn, sinh động ấy, không hẳn bởi chỉ nội dung, mà còn do bố cục, nghệ thuật đan xen những tình tiết câu chuyện...
25 Tháng Mười Hai 202310:41 CH(Xem: 2194)
Hàng năm vào dịp cuối năm, người Kitô hữu đón mừng sự kiện Chúa Giêsu giáng trần, mặc lấy thân xác con người để chuộc tội nhân loại, tội tổ tông đã lưu truyền từ Adam - thuỷ tổ loài người theo dân Do Thái - lúc còn ở địa đàng đã ăn phải trái cấm của Thiên Chúa do Eve dụ dỗ.
22 Tháng Mười Hai 202312:10 CH(Xem: 3126)
Mười năm sau anh băng rừng vượt suối, Tìm Quê hương trên vết máu giữa đồng hoang: Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi, Từng con sông từng huyết lệ lan tràn…
07 Tháng Mười Một 20236:34 SA(Xem: 3812)
“…câu chuyện giáo sĩ Alexandre de Rhodes là câu chuyện cũ đã hơn 300 năm trước. Ông không sáng chế ra chuyện đánh vần tiếng Việt ra mẫu tự Bồ. Tôi nghĩ ông là một giáo sĩ tận tụy với nghiệp vụ truyền giáo, chỉ có điều kiến thức quá giới hạn của ông về văn hóa tôn giáo và con người Việt Nam làm tôi bực mình, và thèm khát một ngày mà những bất cập như vậy không còn sót lại nơi một giáo sĩ dù với đức tin nào. Tuy nhiên, phê phán nặng nề một giáo sĩ 300 năm trước là điều không nên, khi mà các giáo sĩ nói chung bấy giờ một phần vì giới hạn kiến thức, không có truyền thống kính trọng văn hóa địa phương. Nhưng ta tự nguyện tự lãnh một cái ơn tày đình với những giáo sĩ như De Rhodes cũng là chuyện không căn cứ. Có lẽ thỉnh thỏang ta nên đọc lại Phép Giảng Tám Ngày của ông ta để có một viễn cận phải chăng với câu chuyện.” (Mai Kim Ngọc).
01 Tháng Mười Một 202312:55 SA(Xem: 3892)
Hun Sen đã chính thức chuyển quyền cho con từ ngày 22/8/2023. Tuy Hun Manet là Thủ tướng mới nhưng Hun Sen vẫn có một ảnh hưởng gần như tuyệt đối từ phía sau hậu trường. Hun Sen viết trên trang Facebook – “Đây chưa phải là kết thúc. Tôi còn tiếp tục phục vụ ở những cương vị khác ít nhất cũng tới năm 2033” (tức là mười năm nữa, lúc đó Hun Sen 81 tuổi). Tìm hiểu về giới lãnh đạo bao gồm hai thế hệ Cha và Con của chính trường Cam Bốt hiện nay và ít ra trong 10 năm tới thiết nghĩ là điều rất cần thiết.
16 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 3917)
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]
07 Tháng Mười 202311:06 CH(Xem: 4251)
...Mai Ninh, Trần Vũ, Lê thị Thấm Vân vẫn viết về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đã qua. Trần Diệu Hằng với Vũ điệu của loài công, Mưa đất lạ và Chôm chôm yêu dấu vẫn là những tập truyện ngắn liên quan cuộc sống người tỵ nạn, đến tâm tình từ góc độ một người tỵ nạn. Lê thị Huệ với Bụi Hồng, Kỷ niệm với Mỵ Anh và Rồng rắn vẫn là những soi chiếu vào tâm tình những cảnh đời của nếp sống di dân qua hình ảnh cô sinh viên thuở trước và bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhận ra đề tài về tính dục vẫn là nét trổi bật trong các truyện của các nhà văn kể trên (trừ Trần Diệu Hằng). Thứ văn chương với đề tài có xu hướng trổi bật về tính dục đã mở đầu như một thứ cách mạng tình dục trong tiểu thuyết. Trước đây thì cũng có Tuý Hồng, Lệ Hằng, Thụy Vũ... cũng đậm mà chưa đặc, chưa đủ mặn. Ai là người đánh trống, cầm cờ về đề tài này? Có thể là Trần Vũ, Trân Sa hay Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An và nhất là Lê thị Thấm Vân. Truyện sẽ không viết, sẽ không đọc, nếu không có trai gái.