- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HIỆN TƯỢNG VÈ HÓA, VĂN XUÔI HÓA VÀ CŨ HÓA THƠ… CẦN BÁO ĐỘNG

07 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 98887)

 
nguyentrongtao
 Nguyễn Trọng Tạo


Khi đánh giá về ngôn ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, tác giả đã đẩy ngôn ngữ bình dân lên ngôn ngữ bác học. Nhận định này đã gián tiếp phân cấp ngôn ngữ ca dao hò vè với ngôn ngữ thơ. Tức là thơ cao hơn ca dao bình dân. Đó là một điểm rất đáng chú ý trong việc phân biệt thơ với các thể loại văn vần hay văn xuôi, từ, phú mà dân gian vẫn thường sử dụng. Như ta đều biết, thơ được xây dựng bằng một thứ “ngôn ngữ lạ hóa” mà nhà nghiên cứu Phan Ngọc còn gọi là “ngôn ngữ quái đản” đã phát triển ở giai đoạn cao, chứa đựng các đặc tính không thể thiếu, đó là nhạc điệu, truyền cảm, hàm súc và giàu tính biểu tượng.


Nhưng thời đại thông tin công nghệ phát triển hiện nay, sự ngộ nhận về thơ xuất hiện nhan nhản trên thế giới ảo (và cả trên những bản in giấy), không những ít được các nhà phê bình chỉ ra bản chất thật giả của thơ mà còn được các cư dân mạng kém hiểu biết về nghệ thuật này tung hứng chia sẻ không tiếc lời. Chính vì thế mà sự ngộ nhận về thơ ngày càng gia tăng hơn bao giờ hết.


Một nguy cơ nữa là thị hiếu độc giả thơ ngày càng ngả dần về nhu cầu giải trí, ngại đọc loại thơ cao siêu bác học mà ưa thích một tinh thần ngộ nghĩnh đùa tếu kiểu dân gian, nên các loại thơ-vè phát triển rầm rộ như nấm sau mưa. Ta dễ dàng nhận thấy nhiều bài thơ-vè được truyền tụng và được đón nhận vô cùng nồng nhiệt:


Xưa kia da sắt mình đồng

Nói năng hoa mỹ, như rồng phun mưa
Bây giờ như cải muối dưa
Bao nhiêu thần dược vẫn chưa ngóc đầu
Cuộc đời chìm nổi bể dâu
Từ “oanh” đến “liệt” gần nhau thôi mà
Nay mai về với ông bà
Ngồi sau nải chuối ngắm gà khỏa thân! 


Hoặc:


Sáu mươi là tuổi dậy thì

Bảy mươi là tuổi bước đi vào đời
Tám mươi là tuổi ăn chơi
Chín mươi tuổi mới ngước trời xem sao
Một trăm tuổi vẫy tay chào
Các em ở lại, anh vào website…


Phải nói, những bài thơ-vè đùa tếu như thế là khá xuất sắc. Nhưng phải chăng đó là thơ? Có lẽ những người làm thơ, hay người yêu thơ đích thực không ai nghĩ thơ là như thế. Đó là một hiện tượng xâm thực thơ, đi ngược lại sự phát triển của nghệ thuật thơ. Dưới đây, tôi xin đơn cử một số hiện tượng xâm thực thơ cần báo động trong nền thơ của chúng ta hiện nay.


1. HIỆN TƯỢNG “VÈ HÓA THƠ”

Có lẽ “trường phái thơ Bút Tre” đã tạo được hiệu quả mạnh mẽ vài ba chục năm nay. Tôi còn nhớ năm 1984 đi cùng nhạc sĩ Văn Cao qua Vĩnh Phúc gặp nhà thơ Bút Tre, Nguyễn Thụy Kha nói “trường phái Bút Tre địch được trường phái Bùi Giáng trong nam”. Nay nhìn lại thì thấy trường phái Bút Tre không những “địch đươc” mà còn đang thắng thế. Thật vậy, làng thơ hôm nay không chỉ có Bút Tre mà còn có cả Hậu Bút Tre: Bút Tre Trẻ, Bút Tre Xanh, Bút Tre Non, Bút Nứa, Bút Sậy, Bút Luồng, v.v…Trường phái này được nồng nhiệt đón nhận và ca ngợi không tiếc lời:


Tham quan, du lịch, nghỉ hè

Thơ văn trường phái Bút Tre đứng đầu.


Và khẳng định:


Bao nhiêu Bút Sắt mòn rồi

Hôm nay còn mãi với đời Bút Tre…


Vẫn biết văn học dân gian vô cùng đa dạng và thông mình, hóm hỉnh, nhưng văn học dân gian và văn học viết là hai phạm trù khác nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Dù có tạo ra những ảnh hưởng không dễ phân biệt, nhưng không bao giờ chúng chồng khít lên nhau. Bởi văn học dân gian sử dụng chủ yếu là ngôn ngữ “thực dụng”, còn văn học viết sử dụng ngôn ngữ miêu tả và kể chuyện trong văn xuôi, hay ngôn ngữ “lạ hóa” trong thơ.


Điều dễ thấy hiện nay là ngôn ngữ thực dụng đang lấn át, xâm thực thơ không thương tiếc, nó hăm hở biến thơ thành hò vè hay văn xuôi có vần.


Nhà chị công nhân

Nửa tôn nửa ngói

Nhà mẹ anh hùng

Nghĩa tình xây mới…


Những loại thơ như thế, nó kéo thơ xuống với ngôn ngữ quần chúng bình dân mà hơn nửa thế kỷ trước các nhà thơ đã thi đua “lột mình” phục vụ đại chúng, để rồi sau đó nhiều người thức tỉnh với nhóm “nhân văn giai phẩm” nhằm làm một cuộc cách mạng thơ… bất thành vì những định kiến chính trị. Riêng điều này thì nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn lại sớm nhận ra, và họ cũng đã có một số đóng góp nhất định để đẩy lùi dần ngôn ngữ thơ thực dụng nhan nhản một thời. Đó là sự trả giá cho những non nớt trong quan niệm nghệ thuật phục vụ chính trị theo hướng đại chúng.


Ngày nay, những người thơ đích thực không còn ấu trĩ như xưa, nhưng chính đời sống dồn nén của kinh tế thị trường nửa mùa đã khiến đại bộ phận công chúng lơ là thơ phú, và thị hiếu của họ bị bào mòn, chai cứng với thơ, nảy ra nhu cầu giải trí “mì ăn liền”, khiến không ít nhà thơ hạ mình mua tiếng vỗ tay giá rẻ. Còn những “nhà thơ nghiệp dư” viết thơ theo cảm tính thì ngộ nhận giữa thơ và vè, cũng góp một phần không nhỏ vào công cuộc “vè hóa thơ” trên khắp thi đàn. Vì thế mà cánh đồng thơ cỏ nhiều hơn lúa, cỏ lấn át lúa, cỏ đè bẹp lúa để mang về cho thơ một mùa thơ-vè cỏ dại… Tôi có thể dẫn ra nhiều bài thơ-vè, nhiều tập thơ-vè… nhưng có thể không dẫn ra thì nhiều người cũng đã biết. Vấn đề quan trọng là chúng ta, cả người làm thơ và người đọc thơ phải ý thức sâu sắc rằng, nguy cơ “vè hóa thơ” đã và đang diễn ra với một cường độ mạnh, cực mạnh rất đáng báo động.


2. HIỆN TƯỢNG “VĂN XUÔI HÓA THƠ”

Không kể thời tiền sử sáng tạo ra lối kể chuyện thơ, thì thơ văn xuôi đã xuất hiện từ thế kỷ XIX ở phương Tây. Mãi đến cuối thế kỷ XX, câu chuyện thơ văn xuôi vẫn còn được tranh cãi nảy lửa. Theo một ý kiến được ủng hộ của Jean Claude thì “Bài thơ văn xuôi được cô đúc bởi đối tượng hỗn hợp và bất xác tín của ngôn ngữ thơ, trong khi đó, văn xuôi biến đổi đối tượng tiềm tàng (cô đúc) của nó để đặt nó vào cái thực tại hỗn hợp. Thơ xóa sạch mọi dấu vết hay dấu mốc nhận dạng, trong khi văn xuôi, ngược lại, nhân chúng lên gấp bội, bắt ốc vít bù loong chúng vào nhau thật chắc”. Nghe có vẻ phức tạp thế, nhưng cũng không khó hiểu, bởi thơ có đặc trưng của thơ và văn xuôi có đặc trưng của văn xuôi. Phân biệt các lãnh địa này, nhà ngôn ngữ Nguyễn Phan Cảnh cũng viết: "Tạo hình chủ yếu là vương quốc của văn xuôi nhưng có một khoảng trời giành riêng cho sử thi và thơ ứng dụng, còn biểu hiện, trước hết là lãnh địa của thơ nhưng lại cắt một phần đất cho văn xuôi trữ tình".


Tôi đồ rằng nhiều nhà thơ “hiện đại” của ta chưa hiểu thấu điều đó, nhưng đã vội vàng nhảy vào thơ văn xuôi với những trường phái tân hình thức, hậu hiện đại của Tây của Mỹ nên đã mang đến một hậu họa cho thơ mà lại ngộ nhận rằng, mình đang song hành cùng thơ đỉnh cao thế giới. Tôi đã đọc nhiều thơ văn xuôi của các nhà thơ ta cả trẻ lẫn già, và tôi thử nối lại các xuống dòng, thì thấy hầu hết đều là văn xuôi chứ không phải thơ, thậm chí lại còn lủng củng hơn cả văn xuôi. Ví dụ một đoạn thơ, tình cờ tôi mở ra trên bàn viết: “Anh bế em lên như bế cả con sông Hồng phù sa trần truồng tràn ra biển lớn một mùa màng phì nhiêu còng bóng mẹ gieo gặt. Những vì sao thiên hà rơi đầy mắt em mắt anh ướt lòe ánh sáng xua bóng đêm đè xuống vai ta rần rần châu thổ. Anh đi đây những thiên hà đang vẫy gọi anh…”.


Với lối nói ngoa ngôn mê sảng như vậy, nhà thơ có thể giết chết cả ngàn trang giấy mà chả biết để làm gì. Nhiều nhà thơ trẻ, nhà thơ già cũng đã được phủ dụ, ru ngủ bằng những trang văn xuôi như vậy mà tưởng mình là tiên phong thi sĩ . Ở đây phải tỉnh táo mà nhận ra rằng, văn xuôi đang xâm thực thơ vô tội vạ. Đó chính là hành động “văn xuôi hóa thơ” hiệu quả nhất.


Không ai bắt mọi nhà thơ Việt đều phải viết thơ lục bát, dù lục bát là một thể thơ đã thấm vào hồn cốt dân tộc Việt. Nhưng làm được một câu thơ lục bát cho đúng vần đúng điệu đối với một số nhà thơ là không phải dễ, chứ chưa nói đến việc làm một câu lục bát hay để đời. Ngược lại, không phải nhà thơ nào cũng làm được thơ văn xuôi hiện đại, hậu hiện đại ngoa ngôn mê sảng như không ít người thiêu thân vào loại thơ này trên thi đàn nhân danh cách tân đổi mới. Nói vậy, tôi không nhằm phán xét những bài thơ văn xuôi hay hay dở, mà muốn cùng các nhà thơ nhận chân bản chất của thơ dù nó thuộc trường phái nào, cổ điển hay hậu cổ điển, hiện đại hay hậu hiện đại; đồng thời cũng báo động cho những ai đang đeo đuổi loại hình thơ văn xuôi hãy cảnh giác với sự dễ dãi, phô trương hình thức. Thực ra các thể loại, các trường phái không có tội, mà tội lớn là sự thiếu hiểu biết, sự ngộ nhận non nớt của nhà thơ trước ma trận của cái mới luôn mai phục ở phía trước.


3. HIỆN TƯỢNG “CŨ HÓA THƠ”

Năm 1990, trong một cuộc trò chuyện tâm đắc với nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến về thơ, anh có một nhận định vô cùng bất ngờ thú vị đối với tôi: "Thơ trước hết phải mang tới một cái gì khác cổ điển (trước nó), nhưng chỉ có khác thì khó đọc, mà chỉ có cổ điển thì đọc thấy nó tẻ. Thơ nào đọc thấy khang khác mà vẫn phảng phất cổ điển thì đấy là thơ đích thực mang tới giá trị mới. Nhưng cái khác ở thơ thật khó giải thích rõ ràng, có khi người ta chỉ cảm được nó mà thôi”.


Tôi nghĩ, nhận định của anh Hoàng Ngọc Hiến là rất thận trọng và mới mẻ. Giới ghiên cứu, phê bình chưa thấy ai nói thế. Người làm thơ chắc cũng ý thức mơ hồ về điều đó, nhưng đến khi nghe anh Hiến nói thì mới ngẫm lại mình, và thấy đó là một nhận định thật sáng giá.


Có một thực tế là những nhà thơ cách tân thường chạy theo cái mới, cái lạ, cái độc đáo chưa từng có, như muốn cắt đứt với quá khứ. Nhưng nghệ thuật lại có ký ức của nó. Ngay cả khi anh muốn làm một cuộc bạo động chữ thì cũng không thể cắt đứt với ký ức ngôn ngữ của chính nó. Còn khi anh đã cắt đứt hoàn toàn với ký ức nghệ thuật thì chính anh sẽ rơi vào khoảng chân không, xa rời ký ức của con người, và như vậy thì chỉ tạo ra những tác phẩm hoàn toàn xa lạ với cuộc sống. Đó chính là sự thất bại mà nhiều nhà cách tân cực đoan đã mắc phải.


Ngược lại, nhiều nhà thơ lại chỉ viết theo bản năng mà ít chú trọng đến sự nghiền ngẫm về văn hóa thơ quá khứ và hiện tại của nhân loại, nên cái anh tưởng là mới lạ lại hóa ra thành cũ kỹ đến sáo mòn. Đó là căn bệnh phổ biến của thơ ta gần đây. Nhan nhản những tập thơ vô thưởng vô phạt xuất hiện trong các giải thưởng, trên quầy sách, trên bàn thờ tổ tiên hay trên những trang mạng cá nhân. Đó là thứ thơ sáo mòn, nhạt thếch và cũ rích, tưởng như vừa khai quật trong bãi thải của quên lãng. Có người biết điều đó, và họ khẳng định họ không làm thơ mà chỉ ghi lại những cảm xúc cá nhân, in ra làm kỷ niệm. Nhưng cũng không ít người say mê với nó và tưởng mình không thua gì Nguyễn Bính, Xuân Hương khi được một số độc giả khen vuốt ve trên mạng ảo…Đối tượng này nhiều vô kể, thậm chí có thể che lấp cả những giá trị thơ đích thực không phải lúc nào cũng có. Đây cũng là nguyên nhân xói mòn giá trị của thơ, khi nó trở thành hiện tượng “cũ hóa thơ”.


Tóm lại, những hiện tượng xâm thực thơ như đã kể trên là hoàn toàn có thật, nó đang diễn ra hàng ngày chung quanh ta. Đó là những hiện tượng ăn lấn, xói mòn và hủy hoại sự phát triển của thơ trong một thời đại mà “người người làm thơ, nhà nhà làm thơ” rầm rộ khắp hang cùng ngõ hẻm. Để thay cho lời kết, tôi xin dẫn hai câu lục bát của “Hậu Bút Tre” Bảo Sinh, cũng là tâm trạng của tôi khi viết bài này:


Đêm nằm nghĩ mãi không ra

Tại sao thằng ấy lại là nhà thơ?


NGUYỄN TRỌNG TẠO

Hà Nội, 9.2011

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Giêng 20224:09 CH(Xem: 11803)
Bắt đầu sau năm 1975, những thế hệ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam không hề biết đã từng có một nền văn học nghệ thuật Miền Nam vô cùng gía trị với nhiều thể loại “trăm hoa đua nở”, đề cao tự do, dân chủ, với ý thức khai phóng, nhân bản, theo kịp trào lưu thế giới. Thế nhưng, ở một nơi xa kia, có một ông già gầy gò, ốm yếu, tóc bạc hàng ngày đến thư viện các trường đại học ở Mỹ để photo các tài liệu về văn chương Miền Nam Việt Nam, hàng ngày ông “ngồi khâu lại di sản”, vá lại một nền văn học đã bị đốt cháy trên chính quê hương mình, tự mình thành lập tủ sách di sản văn chương Miền Nam nhằm lưu giữ, chia xẻ lại cho đời sau, đó là nhà văn Trần Hoài Thư.
28 Tháng Mười Hai 202110:43 CH(Xem: 10313)
Cuộc triển lãm này nêu ra luận điểm rằng bản chất nội tại của sự sống và của tất cả các sinh vật là không đồng nhất, mà đúng hơn là được kết cấu bằng nhiều mối tương quan dị biệt để tạo ra Cái Khác. Luận điểm này, vì thế, đã phá vỡ mọi tôn ti dựa vào những khái niệm áp đặt về bản sắc và tính đồng nhất.
15 Tháng Mười Hai 20219:00 CH(Xem: 10267)
Dohamide, người gốc Chăm, sinh năm 1934 tại làng Katambong, Châu Đốc (An Giang), có thêm ba bút hiệu nhưng ít được biết đến: Linh Phương, Châu Giang Tử, Châu Lang. Khi Dohamide có bài viết đầu tiên “Người Chàm tại Việt Nam ngày nay” đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1962, Chủ nhiệm Lê Ngộ Châu đã giới thiệu anh với độc giả như sau: “Bạn Dohamide, tác giả loạt bài sau đây, là người gốc Chàm, sanh tại làng Katambong, Châu Đốc (An Giang). Bạn đã có can đảm thoát ly những ràng buộc khắt khe của tập tục địa phương để lên thủ đô Sài Gòn vừa đi làm nuôi gia đình vừa đi học, và hiện nay bạn đã tốt nghiệp ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Ngoài tiếng Chàm là tiếng mẹ đẻ, bạn Dohamide biết nói và viết các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Á Rập, Mã Lai, Cam Bốt, những thứ tiếng này đã giúp bạn Dohamide rất nhiều trong những thiên khảo cứu như trình bày với bạn đọc.” [Bách Khoa, số 135, 15/8/1962]
08 Tháng Mười Hai 202110:17 CH(Xem: 9919)
Chúng tôi xin được lấy tên thiên tiểu luận đặc sắc Một cuốn kinh về tình thương [12, tr.139] của nhà văn Lưu Trọng Lư làm nhân lõi cho nội dung bài viết này. Người viết vốn được mệnh danh là “nhà văn của tình thương” từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước đã “chiêu tuyết” cho nhân vật từng bị phán xét là “đĩ đứng đầu” bằng những lời nồng nhiệt, đặc biệt nhận định Thúy Kiều là “kẻ có một mối từ tâm lớn” [13, tr.1690]. Và suốt từ khi Truyện Kiều ra đời đến nay, tình thương hay “mối từ tâm lớn” toát ra từ kiệt tác này cùng những giá trị nội dung tư tưởng nhiều mặt của nó đã/ đang được bàn luận sôi nổi, với nhiều lý thuyết cũ - mới chắc không bao giờ chấm dứt…
28 Tháng Mười Một 20219:39 CH(Xem: 9870)
Xem xong phim “LEVIATHAN”, tôi nhớ tới bộ phim màu Liên-xô “ILIA MUROMET” từ hơn nửa thế kỷ trước và chợt nghĩ: nhiều người có tuổi thơ đã từng say mê dán mắt trên màn ảnh bộ phim quay về một câu chuyện cổ tích Nga nọ, nếu hôm nay được xem bộ phim Nga hiện đại “LEVIATHAN” dựa theo câu chuyện về một quái vật thần thoại trong Kinh Thánh, chắc sẽ bàng hoàng, ngỡ ngàng đến đau đớn… Cái vẻ đẹp phi thường của dũng sĩ huyền thoại Nga chiến thắng rồng lửa nhiều đầu để bảo vệ hạnh phúc dân lành giờ đã biến mất tăm, chỉ còn lại trên đất nước hùng vĩ ấy sự thống trị & lộng hành của cái ác, sự giả dối đáng kinh tởm, trở thành lãnh địa của những kẻ ngang nhiên chà đạp lên quyền sống người lương thiện, bên đống xương mục của Cá Ông voi,Vua Biển cả - vết tích sót lại của một thời cổ tích tựa ánh tàn của mơ ước Con người từ ngàn xưa đang hấp hối…
18 Tháng Mười Một 20213:43 CH(Xem: 11728)
Tôi thường nghĩ, nước Việt Nam dù dưới chủ nghĩa nào cũng chỉ tạm thời, cái Vĩnh Viễn là mảnh đất do tất cả Dân Tộc dựng nên, cái đó mới tồn tại lâu dài, Vĩnh Viễn! Tôi nhìn mãi tấm hình chiếc cầu Mỹ Thuận, lòng thấy vui vô cùng. Thế là người Việt Nam thoát được cái cảnh “sang sông” phải lụy phà… Chúng tôi nhất quyết về Việt Nam dù không biết phía trước cái gì sẽ xảy ra cho mình. Nhưng dù sao, tôi cũng muốn an nghỉ ở Việt Nam nơi mình đã sinh ra và đã sống 60 năm trời! Tạ Tỵ [thư gửi Ngô Thế Vinh viết ngày 29.2 & 27.7.2000]
01 Tháng Mười Một 202111:05 CH(Xem: 10612)
Tôi xin tạm mượn nhận định của một nhà văn học sử Nga viết về văn hào F. Dostoyevsky để nghĩ về phim AIKA (sản xuất năm 2017) - bộ phim đã đoạt một số giải thưởng Quốc tế mà tôi vừa được xem, vì thấy rõ một điều: truyền thống hiện thực chói sáng của văn học Nga cổ điển - tiêu biểu là F. Dostoyevsky hóa ra vẫn được tiếp tục một cách xứng đáng trong văn học nghệ thuật Nga hiện đại (ở đây tôi chỉ xin nói tới một dòng của điện ảnh Nga tạm gọi là “Hiện thực tàn nhẫn không thương xót”) - có nghĩa là đã vượt qua vòng “Kim cô” Hiện thực xã hội chủ nghĩa từng thống trị tinh thần xã hội Xô Viết một thời gian dài dẫn đến những tác phẩm nghệ thuật nặng tuyên truyền phục vụ kịp thời và đã rơi vào lãng quên…
26 Tháng Mười 202112:17 SA(Xem: 10704)
“… những cố gắng suy nghĩ của một người vẫn ước muốn tự đặt cho mình một kỷ luật đồng thời cũng là một lý tưởng là phải tìm kiếm không ngừng, bằng cách tự phủ nhận, bất mãn với quãng đường mình vừa qua và cứ như thế mãi mãi…” [Cùng bạn độc giả, Lược Khảo Văn Học I] [1] Nguyễn Văn Trung
10 Tháng Mười 202111:31 CH(Xem: 10666)
Sau khi đưa một cảm ngôn về bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long & ý kiến của nhà văn Trần Thùy Linh như một lời kêu gọi các nhà điêu khắc, họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ hôm nay: “DỰNG TƯỢNG ĐÀI NÀY ĐI: CUỘC “THIÊN DI” CỦA NHỮNG ĐỨA TRẺ VÀ BÀ MẸ CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ…”, nhằm góp phần miêu tả “nhân vật chính của Thời Đại, biểu tượng cho cả một dân tộc vượt lên cảnh ngộ bi kịch tìm lối thoát cho quyền sống của mình”, rất nhiều người đã ủng hộ. Nhưng cũng có không ít người lồng lên phản đối như bị “chạm nọc”, thậm chí chửi bới rất tục tĩu (xin lỗi không viết ra vì xấu hổ thay cho họ). Để trả lời họ, với tư cách là một người làm phim, tôi xin có vài suy ngẫm về NHÂN VẬT THỜI ĐẠI giúp họ tham khảo.
08 Tháng Mười 20219:37 CH(Xem: 9961)
Trong toàn bộ thơ văn chữ Hán, chữ Nôm của Đại thi hào Nguyễn Du, có một kiểu/ loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt được ông thể hiện với cảm hứng thi ca và nghiệm sinh sâu sắc - đó là những người phụ nữ Tài - Sắc mà số phận bất hạnh, những “má hồng phận mỏng”, những giai nhân bạc mệnh, “hồng nhan đa truân”, phải chịu số phận “Tài Mệnh tương đố” với lời nguyền ác nghiệt: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”… Cần khẳng định ngay một điều là, cái vẻ đẹp bí ẩn, quyến rũ, cuốn hút, thấm đẫm hồn cốt phương Đông kèm theo tài hoa hiếm có của họ, với Nguyễn Du là “chất ngọc quý” của đời, như một giá trị mang tính nhân bản - dù họ ở tầng lớp con hầu, kỹ nữ dưới đáy xã hội, hay ở bậc nữ hoàng, phi tử cao vời…