- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Trường thơ Loạn, những cái tôi đầy đối cực

17 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 96290)

hopluu-100_199_0_173x300_1 
Trường thơ Loạn manh nha từ nhóm thơ Bình Định với những tên tuổi như Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên. Đến năm 1936, Hàn Mặc Tử đã chủ trương thành lập trường thơ Loạn cùng với Yến Lan, Bích Khê và Chế Lan Viên. Từ đó, cái tôi trữ tình thơ Loạn đi từ âm vang Đường thi đến thung lũng đau thương, tràn bờ sang cả những bóng ma Hời trên tháp Chàm u uẩn, rồi chọn cho mình điểm dừng ở cuộc duy tân của Bích Khê.
Cái Tôi của các nhà thơ Loạn bị đẩy vào bờ vực cái chết thì khát vọng sống lại càng trở nên mãnh liệt. Cái Tôi ấy luôn mong manh bên bờ vực cuộc đời trần thế và cõi siêu nhiên. Đó là những đối cực không thể vượt thoát. Thơ Loạn là những vần thơ được viết ra từ những tâm hồn khát sống đến mãnh liệt. Khi cuộc sống bị thu ngắn lại thì họ càng thấm thía giá trị của những khoảnh khắc hiện tại để khao khát được sống, được yêu. Càng khao khát thì càng tuyệt vọng, đó chính là những đối cực nhưng lại thống nhất biện chứng trong mạch cảm xúc của các nhà thơ Loạn. Khi khổ đau lên đến tột cùng, con người thường tìm đến với một vùng trời bình yên trong mơ ước. Chỉ ở đó, họ mới có thể quên đi nỗi đau để sống với trọn vẹn tình yêu, năng lực sống của mình. Song thực tại không bao giờ buông tha khiến cho họ phải điên cuồng hối hả tận hưởng sự sống đang úa tàn dần trước mắt. Thơ Loạn bật lên từ cõi chết mà chống lại chính cái chết đang bủa vây. Đôi lúc nó quay về quá khứ để tìm trong đống đổ nát hoang tàn một mầm sống âm thầm lặng lẽ nhưng xanh mướt vô cùng. Người nghệ sĩ khó kìm nổi mãnh lực của chính mình, bùng cháy, nổ tung thành những trang viết toàn những hồn, máu, tủy, tinh huyết hiến dâng cho đời. Những khi ấy, con người không còn là mình nữa, nó phân thân thành một thực thể khác, trong trẻo hơn, tinh khiết hơn để hòa mình vào thiên nhiên, miên man trong cõi huyền diệu.
Trần thế và siêu nhiên là hai đối cực trong thơ Loạn. Từ trần thế chỉ cần với tay nháy mắt, chỉ cần phiêu du một chút, ta có thể lạc ngay vào cõi tiên huyền diệu. Với Bích Khê, nơi ấy hạnh phúc hiện hình giữa thời gian vô tận và không gian vô cùng: Lên Kim tinh xác bằng thanh khí/ Đất lưu ly không khí xạ hương/ Cây du dương lâu đài song sóng/ Trên biển châu trời lộn kim cương. Trong không gian ấy, cái gì cũng ngất ngây huyền diệu. Không gian như sợi tơ giăng mắc, khẽ chạm đường tơ đã réo rắt những cung đàn. Cõi siêu nhiên được phôi thai trong nỗi cô đơn tuyệt vọng của con người. Cuộc đời dồn đuổi, hạnh phúc lùi xa, cái chết ám ảnh, các nhà thơ Loạn tìm sự hoàn mỹ ở cõi vô thường. Thơ họ là liều thuốc vuốt ve, vỗ về những niềm đau. Nhưng họ luôn rơi vào mâu thuẫn giữa thực tại khổ đau và khát vọng được dung hòa, đưa con người vào nỗi u sầu đến ngất ngư, hối hả đến điên cuồng để bám riết lấy sự sống: Anh đã thoát hồn anh ngoài xác thịt/ Để chập chờn trong ánh sáng mông lung/ Để tìm em đưa hai tay ràng rịt/ Mảnh tình thiêng ngả ngốn giữa không trung (Hàn Mặc Tử). Càng bị đẩy sâu vào khổ đau tuyệt vọng con người lại càng khám phá ra những miền đất hoang sơ với hạnh phúc ngọt ngào. Những chiều kích của tâm hồn được thăng hoa tột độ, không phải bằng lý trí mà vượt hẳn ra ngoài lý trí để đi vào chiều sâu con người ở thế giới vô thức, đưa con người vào trạng thái mơ hồ, lâng lâng, ngây ngất: Lam nhung ô! Màu lưng chừng trời/ Xanh nhung ô! Màu phơi nơi nơi/ Vàng phai nằm in ôm non gầy/ Chim yên neo mình nương xương cây/ Đây mùa hoàng hoa, mùa hoàng hoa/ Đông nam mây đùn nơi thành xa (Bích Khê). Họ loãng tan hồn mình để hòa lẫn vào không gian trong trẻo với niềm hạnh phúc vô biên: Chúng ta biến em ơi thành thanh khí/ Cho tan ra hòa hợp với tình anh/ Của trời đất và muôn vàn ý nhị/ Và tình ta sáng láng như trăng thanh (Hàn Mặc Tử). Cõi siêu nhiên đôi khi lại là một thế giới cuồng loạn nơi người nghệ sỹ gửi vào đó những khao khát bị kìm nén, những nỗi tuyệt vọng đến vô cùng: Chiều hôm nay bỗng dưng ta lạc bước/ Vào nơi đây thế giới vạn cô hồn (Chế Lan Viên). Ở đó người nghệ sĩ có thể thỏa sức gào rú, rên xiết, nức nở khóc than. Họ có thể cười phá lên vỡ òa cả vũ trụ. Nỗi đau có khi nâng cánh người ta lên thiên đường nhưng cũng có thể nhấn chìm người ta xuống địa ngục rờn rợn hơi ma, hoảng sợ và đầy mộng mị, ảo giác: Tôi ngồi dưới bến đợi nường mơ/ Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ/ Tiếng rú hồn tôi xô sóng vỡ/ Rung tầng không khí, bạt vi lô (Hàn Mặc Tử)…
Thơ Loạn là cõi siêu hình ngập ngụa những máu, đôi khi quay cuồng trong vũ điệu của thần chết, phả ra mùi tanh nồng của thịt rã, xương tan, đôi lúc chan chứa nỗi chán chường không sao cứu vãn nổi. Họ điên cuồng nhảy múa, la hét và cười sằng sặc, bởi họ yêu cuộc sống này đến phát điên, đến rồ dại cả người. Bệnh tật đã dồn đuổi họ ra ngoài lề xã hội, họ đứng bơ vơ lạc lõng giữa dòng đời. Họ hoảng hốt đi tìm những hình ảnh thân quen, những ánh mắt những nụ cười giờ bỗng nhiên thành xưa cũ, quá khứ lùi lại sau lưng họ, tình yêu thì tan vỡ trong hố thẳm không cùng. Họ tuyệt vọng đến khôn cùng nên muốn đập phá cả vũ trụ, làm đảo lộn cả càn khôn, muốn quay ngược thời gian trốn mình vào dĩ vãng, vào tình yêu đã mất. Họ nức nở khóc than cho ước mơ đang tan biến từng giờ nên khao khát kiếm tìm sự cảm thông: Hiểu gì không ý nghĩa của trời thơ/ Của hương hoa trong trăng lờn lợt bảy/ Của lời câm muôn vì sao áy náy/ Hiểu gì không, em hỡi! Hiểu gì không? (Hàn Mặc Tử). Ngay cả cái chết cũng không ngăn được tình yêu sống trong họ, thậm chí còn làm cho tình yêu đó thêm thăng hoa thành những giá trị nhân bản nhất. Nỗi đau có lúc nhấn chìm họ quăn quại trong vũng đau thương, có khi lại nâng họ phiêu du giữa chốn cung hằng. Hơn tất cả những gì đang sống họ thiết tha yêu sống, yêu cõi trần tục này. Tình yêu ấy được gửi vào hoa cỏ đất trời vào tất cả những gì gắn bó với cuộc đời. Càng yêu sống họ càng lưu luyến với những tháng ngày đã qua: Để nếm lại cả một thời xưa cũ/ Cả một dòng năm tháng đã trôi qua (Chế Lan Viên). Không được yêu thương ở cõi trần, thi sĩ ngây ngất với các tiên nương ở chốn mộng ảo, đào nguyên ở chính lòng nàng: Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi/ Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi/ Tìm đâu đào nguyên cho xa xôi/ Đào nguyên trong lòng nàng đây thôi ( Bích Khê). Quá khứ đã tuột khỏi tầm tay, tình yêu giờ chỉ là muôn năm sầu thảm, dù có ngất ngây với tiên nương nhưng vẫn nhớ thương đến quắt quay một dáng hình nơi trần thế. Những tin yêu ấy họ đã gửi vào những mỗi tình tuyệt vọng giờ lại càng cháy bỏng đến thiết tha. Càng bị phụ rẫy thì con tim lại càng lên tiếng yêu thương: Dẫu đau đớn vì điều phụ rẫy/ Nhưng mà ta không lấy làm đều/ Trăm năm vẫn một lòng yêu/ Và còn yêu mãi rất nhiều em ơi (Hàn Mặc Tử). Dù chỉ còn một chút hy vọng nhưng các nhà thơ Loạn vẫn cứ bám riết vào đời để sống để chắt chiu từng chút hơi ấm tình người. Chốn cung hằng có thể làm dịu mát những cơn đau nhưng chính cõi trần mới là sự níu kéo họ ở lại. Dù cho có lúc chìm vào siêu thực nhưng trên hết họ không muốn rời bỏ cuộc đời để tìm những cái hư ảo, những hình tượng siêu nhiên nhạt thếch. Họ say sưa bắt nắng ngừng, nắng reo, nắng cháy, họ rình nghe niềm ý bâng khuâng. Thơ Loạn đã dìu hồn người tan cùng vạn vật. Được tan vào thiên nhiên là cái khao khát trú ẩn trong cõi vĩnh hằng, là ước mơ được sống khi ý thức về cái chết đang đến từng ngày. Thi sĩ kiếm tìm khắp không gian hương thơm đê mê của cuộc sống. Nếu được sống, dù một phút nhỏ nhoi thôi họ vẫn yêu thương: Ta còn trìu mến biết bao người /Vẻ đẹp xa hoa của một thời /Đầy lệ đầy hương đầy tuyệt vọng/Ôi! Giờ hấp hối sắp chia phôi( Hàn Mặc Tử). Đó không phải là tiếng kêu từ cõi chết, đó là tiếng nói cất lên từ khát vọng sống để yêu thương. Những con người ấy đã sống mãnh liệt và đầy đủ cuộc sống. Có thể có những lúc đau thương, luyến tiếc, hờn giận chất đầy những nhà thơ Loạn đã xa lánh cõi trần tục ấy để đi tìm chút an ủi ở cõi siêu nhiên, song thơ Loạn vẫn lấp lánh tình đời. Chất đời ấy đã kéo thơ Loạn về mặt đất vững chãi, mặt đất quen thân của chính mình. Và cõi đời trần tục ấy, con người đã hận đã yêu, đã quên đã nhớ đến khánh kiệt linh hồn. Bên bờ vực thẳm của cái chết thi nhân đã kêu lên đau đớn sự luyến tiếc của thời gian: Tôi khát vô cùng/Tôi riết thời gian trong năm tay/Tôi vo tiếc mến như vo lụa (Hàn Mặc Tử). Thời gian chảy mãi như sông trôi về với biển, đối với các nhà thơ Loạn thời gian không là dòng sông êm dịu nhiều ghềnh, lắm thác, để từ trong nỗi đau một sức sống mãnh liệt dâng trào, tung mình thành bọt trắng để hòa vào đất trời cỏ cây. Có thể cuộc đời còn những vũng đau thương, những mối sầu vạn cổ… nhưng với các nhà thơ Loạn nó vẫn là khúc nhạc Nghê Thường, là giấc mộng ngàn đời để được sống, để được yêu thương. Thi sĩ như thể trích tiên bị đày đọa ở cõi trời nhưng lại yêu thiết tha nơi đã mang đến cho họ những nỗi đau đớn điên cuồng về tâm hồn và thể xác. Dù có trở lại cõi trời thì họ cũng xót xa luyến tiếc: Đấy là tất cả người anh tiêu tán/Cùng trăng sao bàng bạc xứ say mơ/Cùng tình em thiết tha như văn thơ/Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế (Hàn Mặc Tử).
Thơ Loạn là đối cực giữa tình yêu trần thế và cõi siêu nhiên. Thật ra cõi siêu nhiên ở đây được ánh xạ từ cõi thực, từ tình yêu thiết tha của con người đối với cõi thực và làm thăng hoa nó, bao phủ lên nó sắc màu mộng ảo liêu trai tùy vào tư duy của người nghệ sĩ. Nhưng trên hết, thơ Loạn cũng là những vần thơ của tâm hồn yêu đến cuồng dại cuộc sống trần tục cõi đời đã nuôi lớn họ đã ôm ấp và cho họ một tâm hồn để yêu để giận. Thơ Loạn vẫn ăm ắp tình người. Cõi siêu nhiên chẳng qua là cuộc sống đã được những linh hồn nhạy cảm ấy hiểu đến tận cùng. Từ cái phi thường trong cuộc sống đã thúc ép cái phi thường trong từ tưởng từ đó những vần thơ ra đời đầy khát vọng và tình yêu. Thơ Loạn thể hiện những đối cực giữa khát khao và tuyệt vọng. Thi nhân bước vào vườn tình ái với tất cả sự thèm muốn rạo rực: Anh tính ôm cầm lấy mắt mơ/ Lấy môi lấy má… lấy ngây thơ/ Để anh nút ớn mùi hương ấm/ Của một tình yêu giận hững hờ ( Bích Khê) Bóng hằng trong chén ngả nghiêng/ Lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình/ Sóng xao mặt nước rung rinh/ Lòng ta khát miếng chung tình từ lâu/ Uống đi cho bớt khô hầu/ Uống đi cho bớt cái sầu mênh mang/ Có ai nuốt ánh trăng ngàn/ Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga/ Đã thèm cái giấc mơ hoa (Hàn Mặc Tử). Các nhà thơ Loạn yêu một cách điên cuồng đến rồ dại bải hoải cả chân tay nhưng lại phải tự kiềm chế vì: Thưa tôi không dám si mê/ Một mai tôi chết bên khe Ngọc Tuyền ( Hàn Mặc Tử). Tình yêu đã làm cho thi nhân muốn được kề môi say ân ái, muốn ôm, muốn uống. Tình yêu ấy khi thì như con sóng ngầm có lúc lại dâng trào mãnh liệt: Khoan đã em, nép mình vào bóng lá/ Riết lấy anh cho chặt kẻo hồn bay ( Chế Lan Viên). Tình yêu có lúc đẩy thi nhân xuống vực thẳm tuyệt vọng nhưng cũng có lúc làm cho sự sống hồi sinh. Có lúc tình yêu bỏ thi nhân đi để lại nỗi uất ức: Làm sao giết được người trong mộng/ Để trả thù duyên kiếp lỡ làng (Hàn Mặc Tử). Thi sĩ bám riết lấy sự sống lấy tình yêu để quên đi thực tại đau buồn. Chế Lan Viên tự ru mình bằng tình yêu mộng ảo cùng Chiêm nương xinh đẹp, nhưng cũng nhanh chóng tuyệt vọng: Lời chưa dứt bóng đêm đã vụt biến/ Tình chưa nồng đã sắp phải phôi pha. Khát khao để mà tuyệt vọng, tha thiết đến cuồng si để mà đớn đau đến rồ dại, thi nhân thơ Loạn đã vượt qua ngưỡng bình thường mà vươn tới tình yêu tuyệt đích: Hạnh phúc ngoài đời nhiều vẻ đẹp/ Em đừng bận bịu ái ân xưa/ Lòng anh chẳng muốn cho em phải/ Lẻ tẻ chân trời bóng nhạn thưa ( Bích Khê).

Cái Tôi nội cảm cộng hưởng với cảnh đời riêng, tâm thế sáng tạo riêng đã hình thành kiểu tư duy kỳ lạ của thơ Loạn. Thơ Loạn ra đời dựa trên sự thăng hoa nghệ thuật của những nỗi đau, sự bung phá những giới hạn, sự phân ly và hòa hợp những đối cực, sự hợp lưu của nghệ thuật, tôn giáo và cuộc đời. Thế giới nghệ thuật trường thơ Loạn là ánh xạ đầy biến ảo của những cái Tôi trữ tình đau thương và khát vọng.

Nguyễn Thị Quyên
(Bình Định VN)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Bảy 20174:55 CH(Xem: 28119)
Lần đầu tiên trong lịch sử, Nguyễn Du cho chúng ta biết về một đất nước Trung Hoa rộng lớn nhưng không bằng phẳng, tươi đẹp mà gập ghềnh, trắc trở; về một truyền thống kiêu hùng nhưng cũng lắm bi thương; về một dân tộc đông đúc nhưng cam chịu, nghèo khổ và đau đớn, và đặc biệt, về một chế độ phong kiến mạt kỳ đầy phi lý và mất hết sức sống khi nó không còn khả năng giúp cho con người được thực hiện những quyền sống, quyền làm người căn bản mà đáng ra họ phải có. “Những điều trông thấy” của Nguyễn Du trên đất nước Trung Hoa sẽ càng khẳng định chắc chắn hơn cho “những điều trông thấy” của ông trên đất nước Việt Nam ...
22 Tháng Năm 201712:36 SA(Xem: 27533)
"Trung Quốc là gã khổng lồ đang im ngủ. Hãy để nó yên giấc, vì khi thức dậy nó sẽ chuyển dịch cả thế giới". Napoléon Bonaparte "China is a sleeping giant. Let her sleep, for when she wakes she will move the world." Napoléon Bonaparte, 1816 à Saint Hélène
23 Tháng Ba 201710:52 CH(Xem: 24612)
Đã từ rất lâu rồi, tôi hài lòng với việc đọc thơ trong màu xám của một nỗi tuyệt vọng - nỗi tuyệt vọng không bao giờ phân tách nổi trắng đen giữa đám sương mù xám đặc dường như chỉ có dấu hiệu đậm dần lên trong những lớp lang chữ nghĩa, trong cách ngắt nhịp, buông vần. Tôi đọc Song tử của Quỳnh cũng trong cùng đám mây tuyệt vọng đó, với tâm thế của một kẻ mộng du lạc bước vào chốn mơ của một kẻ mộng du khác.
06 Tháng Ba 201712:11 SA(Xem: 28291)
Hai tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, của bác sĩ Ngô Thế Vinh, vừa được trao giải Văn Việt 2017. Hai tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, của nhà văn, bác sĩ Ngô Thế Vinh, vừa được trao giải Văn Việt 2017, ngày 3/3, tại Sài Gòn. Theo tin VOA nhận được từ nhà văn Ngô Thế Vinh hiện đang ở California, Hoa Kỳ, ông được nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Giải Văn Việt trao quyết định tặng Giải Đặc biệt cho hai tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Hai tác phẩm này đã được đăng trên Văn Việt năm 2016. Vì không thể về Việt Nam trực tiếp nhận giải thưởng này, nhà văn Ngô Thế Vinh đã ủy quyền cho nhà thơ Lý Đợi tiếp nhận và đọc diễn từ nhận giải thưởng Văn Việt 2017.
12 Tháng Hai 20172:31 SA(Xem: 30606)
"Với những ghi chú bằng tiếng Anh, cùng với những nét minh hoạ tinh vi của hơn 10,500 chủng loại, bộ sách Hoạ Hình Cây Cỏ Việt Nam / Illustrated Flora of Vietnam của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã cung cấp cho giới độc giả tiếng Anh lần đầu tiên và cập nhật một tài liệu tham khảo thấu đáo mà chúng tôi ít biết đến. Công trình này sẽ đứng như một tượng đài của sự quyết tâm, cống hiến, và uyên bác với lòng can đảm của tác giả. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ hầu như đơn độc hình thành một công trình sinh học thực vật có tầm vóc hàn lâm/ academic tại Đại Học Sài Gòn giữa những năm tháng khó khăn. Trong hoàn cảnh cực kỳ thử thách ấy, giáo sư Hộ đã sưu tập được những chất liệu cho bộ sách đặc sắc này và cả những chuyến du khảo nhằm thu thập những mẫu vật để minh hoạ. Và nay công trình được xuất bản, đó sẽ là nguồn khích lệ cho các nhà sinh học trẻ ở Việt Nam và cả ở hải ngoại. (Peter Shaw Ashton, Giáo Sư Charles Bullard ) Ngành Lâm Học, Đại Học Harvard
11 Tháng Giêng 20171:19 SA(Xem: 30691)
Khoảng ba trăm triệu năm trước, Tây Tạng còn nằm dưới đáy biển Tethys nguyên là một đại dương mênh mông bao trùm cả diện tích Châu Á và Ấn Độ. Do hành trình va chạm dữ dội của hai khối tiền lục địa Gondwanaland và Laurasia tạo nên cơn địa chấn với sức ép khổng lồ từ khối đất Ấn Độ dồn lên phía bắc tạo thành dãy Hy Mã Lạp Sơn và Cao nguyên Tây Tạng. Với lịch sử địa chất ấy, Tây Tạng là vùng đất cao từ 3500 tới 5000 m – được mệnh danh là "xứ tuyết", “nóc của trái đất”, hay "Cực Thứ Ba / Third Pole" -- hai cực kia là Bắc Cực và Nam Cực.
02 Tháng Giêng 201711:18 CH(Xem: 29199)
Tanaka Aki, tên cô gái Nhật Bản, Aki có nghĩa là "Mùa Thu", cô đã không có may mắn được gặp nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng mà cô rất ngưỡng mộ nhất là sau này khi được đọc tác phẩm Người Đi Trên Mây, Sa Mạc, Bụi và Rác. Aki đã bị cuốn hút ngay với tác phẩm Người Đi Trên Mây vì mối quan tâm của cô về môi trường, hoàn cảnh sinh hoạt của Sài Gòn trước 1975. Aki đã từng sống và làm việc ở Việt Nam hơn 13 năm nhưng là thời kỳ sau 1975. Và cô có ý muốn dịch Người Đi Trên Mây sang tiếng Nhật nhằm chia sẻ một tác phẩm hay với độc giả người Nhật.
11 Tháng Mười Hai 201612:35 CH(Xem: 28501)
"Có lẽ một ngày nào đó Việt Nam sẽ tự do và tôi có thể trở về. Tôi đang hạnh phúc ở đây nhưng nội tâm thì rất buồn bã. Buồn cho dân tộc tôi. Tôi không biết liệu chúng tôi có còn một tương lai. Xa rời quê hương, thật khó mà duy trì truyền thống của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy như bị đánh mất phần hồn." Đã 36 năm kể từ ngày Mai Thảo trả lời cuộc phỏng vấn của Jane Katz 7.10.1980, hai năm sau ngày anh đặt chân tới Mỹ và cũng đã 18 năm kể từ ngày anh mất: Việt Nam vẫn chưa có tự do và thân xác anh thì nay đã vùi nông trên một lục địa mới rất xa với một nơi được gọi là quê nhà. NGÔ THẾ VINH
17 Tháng Mười Một 201610:47 CH(Xem: 34660)
LTS. Nhà văn Cao Xuân Huy mất ngày 12 tháng 11 năm 2010; vậy mà cũng đã 6 năm rồi. Sau đây là bài viết kết hợp của Ngô Thế Vinh, Nguyễn Xuân Hoàng, Trịnh Y Thư để tưởng niệm tác giả Tháng Ba Gãy Súng, nhân ngày giỗ thứ 6 của Anh.
31 Tháng Mười 20163:02 SA(Xem: 27186)
Một bài học lịch sử từ cổ đại: Các siêu cường thường suy tàn vì chia rẽ, tranh chấp nội bộ. Liệu Liên Bang Mỹ có suy nghiệm về điều này để tự vượt thắng hay chăng? Siêu cường Mỹ có những khó khăn và rạn nứt; nhưng cũng dư thừa khả năng điều chỉnh, thắng vượt và hàn gắn. Tôn giáo đích thực của đại đa số dân Mỹ trầm lặng là hy vọng và tương lai.