- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

SAO ANH KHÔNG VỀ CHƠI THÔN VĨ?

28 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 81755)


 

 

bm_1 

(1)

70 năm trôi qua kể từ khi Hàn Mặc Tử – thi sĩ của “ Trường thơ Loạn “ đi vào cõi vĩnh hằng, người đời vẫn không nguôi nhắc về ông. Ông là một hiện tượng độc đáo, một tài năng kỳ lạ bất thường trong phong trào Thơ Mới.

 Hàn Mặc Tử tên thật Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/9/1912 mất ngày 11/11/1940. Quê ở làng Lệ Mỹ (Đồng Hới), Quảng Bình. Ngay từ nhỏ gia đình ông chuyển vào sống tại Quy Nhơn. Nhà nghèo, cha mất sớm, học trường Quy Nhơn đến năm thứ ba. Làm việc ở Sở Đạc điền Quy Nhơn một thời gian bị đau rồi mất việc. Vào Nam làm báo ở Sài gòn ít lâu lại trở về Quy Nhơn. Sau đó bị bệnh hủi, đưa vào bệnh viện phong Quy Hoà ở Quy Nhơn rồi mất ở đó. Hàn Mặc Tử làm thơ từ năm 16 tuổi (lấy hiệu Phong Trần rồi Lệ Thanh). Đến năm 1936, khi phụ trách phụ trương văn chương báo Sàigòn mới đổi hiệu là Hàn Mặc Tử. [1; 196]

 

 Là một tài thơ lớn của phong trào Thơ Mới, Hàn Mặc Tử sáng tạo nhiều bài thơ tuyệt hay như “Mùa xuân chín”, “Đây thôn vĩ dạ”… Bên cạnh những vần thơ hết sức trong sáng, là một thế giới hình tượng kỳ lạ đầy ghê sợ, thể hiện một tâm hồn thơ đau đớn, điên loạn, những dòng thơ viết bằng máu và nước mắt. Hàn Mặc Tử chết sớm năm 28 tuổi. Thơ ông là bằng chứng của một chàng trai trẻ tài hoa có tâm hồn luôn yêu đời, khao khát cuộc sống, nhưng cuộc đời cay nghiệt đã bắt ông phải lìa bỏ sớm. Cho nên trong thơ Hàn Mặc Tử, ta có thể cảm và nghe được cả một thế giới bên trong vô hình đang lâm vào niềm tuyệt vọng, là tiếng nói vô vọng của một thân phận bị dồn đẩy đến cùng cực, chới với bên bờ miệng vực của thần chết mà ngoái nhìn, nuối tiếc cuộc đời.

 

Sinh thời, Hàn mặc Tử đã từng được Phan Bội Châu khen ngợi: “ Từ về nước đến nay được xem nhiều thơ văn quốc âm song chưa gặp được bài nào hay đến thế. Hồng Nam nhạn Bắc ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay nhau cười to một tiếng ấy là thoả hồn thơ đó”. Có lẽ ông già bến ngự là người đầu tiên giới thiệu Hàn Mặc Tử với công chúng, động viên nhà thơ trẻ tự tin trên con đường sáng tạo.[16; 76]

Năm 1936, với tập “Gái quê”, thi nhân họ Hàn đã làm xôn xao dư luận trong phong trào Thơ Mới, đặc biệt khi Trường thơ Loạn và tập Thơ Điên xuất hiện, giới phê bình lắm kẻ khen chê. Ta hãy xem tác giả Thi nhân Việt Nam nhận xét: “ Tôi đã nghe người ta mạt sát Hàn Mặc Tử nhiều lắm. Có người bảo Hàn Mặc Tử, thơ với thẩn gì! Toàn nói nhảm. Có người nghiêm khắc hơn nữa: Thơ gì mà rắc rối thế! Mình tưởng có ý nghĩa khuất khúc, cứ đọc đi đọc hoài, thì ra nó lừa mình…” [1; 196]

Trong báo Ngày nay số 122 ( chủ nhật ngày 7/8/ 1938) Xuân Diệu viết bài Thơ của Người có lẽ cũng nhằm ám chỉ các thi sĩ “ Trường thơ Loạn” ở Bình Định bằng một thái độ phủ nhận: “Hãy so sánh thái độ can đảm kia, thái độ của những nhà chân thi sỹ, với những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy, miệng vừa kêu: tôi điên đây! Tôi điên đây! Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống”. [1; 197]

Nhưng cũng lắm người ca tụng. Nhận xét về Hàn Mặc Tử, tài năng lạ của một thời, Chế Lan Viên viết: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan và còn lại của các thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử.” [1; 197]

Tỉnh táo và sâu sắc, Trần Tái Phùng đã không ngần ngại phô bày vẻ đẹp tuyệt mỹ của thơ ca Hàn Mặc Tử : “Nghệ thuật chàng tựa một con sông dài đi xuyên qua thế kỷ chúng ta và hai bờ sông dàn bày không biết bao nhiêu cảnh sắc khác nhau đẹp đẽ đến say ngợp, đến tê liệt cả lòng người”[2]. Trần Tái Phùng đã ví thơ Tử với những khung cảnh thần tiên của thời thượng cổ theo hội họa của Poussin, Millet và Murillo…[16; 77]

 

 Bước vào thơ Hàn Mặc Tử, người đọc không khỏi có cảm giác phân tâm, bởi mạch thơ ông luôn là mạch kết cấu của một dòng thơ bất định, tuôn chảy theo niềm cảm xúc phản ảnh một tâm trạng luôn bất ổn trong cuộc sống. Bài thơ “Đây thôn vĩ dạ” trong tập Thơ Điên là một thi phẩm nổi bật phần nào tiêu biểu cho dòng thơ đó.

 Vĩ dạ là một thôn gần sát ngay cố đô Huế, làng ấy ngày xưa là nơi các vương hầu hoàng tộc và các gia đình quyền quí cư trú. Vĩ dạ là một làng khá tiêu biểu cho phong cách sống trầm mặc khép kín của xứ Huế. Nhà nào cũng có hàng rào dâm bụt, cắt xén gọn, tươm tất. Vào sân vườn là những chồi cây cảnh, xen kẽ hoa trái, tre trúc. Sau vườn là các khóm rau, có khi cả vạt bắp, và bậc cấp xuống mé sông Hương. Nhà vườn và tính chất an nhiên là một nét tiêu biểu của thôn Vĩ dạ.

 

 Hồi ở Quy Nhơn những năm 32 – 33 Hàn Mặc Tử có một mối tình với cô Hoàng Thị Kim Cúc. Cha cô Cúc làm ở Sở Đạc Điền và Hàn Mặc Tử cũng làm việc ở đó, thời gian sau ông bỏ vào Sàigòn làm báo, khi trở về Quy nhơn thì gia đình cô Cúc đã chuyển về Huế, ở thôn Vĩ dạ. Ít lâu sau, biết Hàn Mặc Tử mắc bệnh nan y, đang đau đớn và cô đơn tại bệnh viện phong Quy Hoà, người em họ gợi ý cô Cúc gửi một bưu thiếp thăm hỏi sức khoẻ cho Mặc Tử. Hàn Mặc Tử làm bài thơ này đáp lại như một lời cảm ơn.[3]

 

Đây thôn Vĩ dạ

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

 

Gió theo lối gió, mây đường mây,

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,

Có chở trăng về kịp tối nay?

 

Mơ khách đường xa, khách đường xa.

Áo em trắng quá nhìn không ra.

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,

Ai biết tình ai có đậm đà!

 

Toàn bài thơ là những câu hỏi phiếm chỉ, mang tâm trạng hoài nghi, bất định của tác giả, làm cho không khí bài thơ mang âm hưởng buồn.

Ngay đầu đề bài thơ, thi nhân đã cho người đọc một cảm giác lạ. Tại sao không gọi bài thơ là “Thôn Vĩ dạ”, mà phải là “Đây thôn Vĩ dạ”. Từ “đây” có một cái gì đó giới thiệu rất trân trọng. Hàn Mặc Tử trân trọng một làng quê mà ở đó có người con gái ông hết lòng yêu mến. Ở đây, thi nhân muốn thể hiện tình cảm của mình với cô gái qua cách giới thiệu. Trân trọng làng quê của người mình yêu cũng là trân trọng người yêu.

Mở đầu bài thơ là một câu hỏi nhưng cũng có thể là lời hờn trách của cô gái “ Sao anh không về chơi thôn Vĩ”. “ Sao anh…” đại từ nhân xưng “anh” ngọt ngào đã biểu lộ được mối quan hệ thân mật giữa thi nhân và cô gái. Sao anh không về chơi quê em, hay là sao anh không về đây thăm em. Dường như có một thôn Vĩ mà chỉ cần một lời mời đầu môi thì nó đã đủ cho hai người ngầm hiểu nhau rồi. Cả một câu thơ bảy chữ thì đã có sáu chữ đầu là thanh bằng, tạo nên một âm hưởng dịu êm mang đậm phong cách nhẹ nhàng của các cô gái Huế.

Về đây thăm quê em để ngắm hàng cau vươn mình trong nắng mai, để thả hồn chan hoà trong thiên nhiên xanh ngát, để ngắm nhìn ai tha thướt, thấp thoáng dưới hàng cây. Cảnh vật chỉ đơn sơ vậy thôi, nhưng đã đủ làm xôn xao, sầu nặng hồn ai. Cũng là cảnh làng quê, nhưng có người thích ngắm trong nắng trưa, hay buổi chiều tà, ở đây Hàn Mặc Tử muốn ngắm làng quê dưới ánh nắng ban mai của một ngày mới. “Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên”, câu thơ tả cảnh của ông có một nhịp điệu khác thường, hai từ “ nắng” trong cùng một câu thơ tạo nên cái tâm trạng xôn xao, háo hức của một thanh niên trẻ trung yêu đời. Và cuối cùng là một lời reo “ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”, vườn ai mà đẹp quá như vậy, có phải là vườn nhà nàng chăng? Người ta có thể nói xanh biếc, xanh mơn mởn, xanh mướt để tả màu xanh. Ở đây, Hàn Mặc Tử rất tài tình khi không dùng hai từ “ xanh mướt” đi kề nhau, bởi “ xanh mướt” có một vẻ gì đó yếu ớt, ít sinh khí. Vì thế, Hàn Mặc Tử đã tách ra, hoán đổi trật tự từ và thay bằng lời reo “mướt quá” rõ ràng câu thơ cũng tả về màu xanh nhưng lại tràn đầy sức sống, dồi dào sinh khí hơn. Do vậy, từ “xanh như ngọc” gieo vào lòng người đọc một cảm nhận đầy ấn tượng. Vườn của ai mà đẹp quá, quí giá quá, xanh quá, trong suốt như ngọc. Đứng trước thiên nhiên đầy sức sống như thế, ai lại không thấy yêu đời, yêu cuộc sống. Và kìa, thấp thoáng sau những khóm tre, khóm trúc là khuôn mặt của một người. “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Thơ xưa thường ca ngợi cái đẹp “thanh mai trúc mã”, nét mảnh mai của cô gái bên cạnh cái cứng cỏi của một chàng trai. Hàn Mặc Tử muốn tả trong một khoảnh khắc nào đó, hình ảnh của một “ai đó” qua khóm trúc đã gây cho Hàn một ấn tượng mạnh, nên đã in dấu trong hồn thi sĩ và khi đặt bút đề thơ ông đã tạo ra một hình tượng thơ bí ẩn.[4] 

Ở đây, chúng ta không cần phải tách bạch, “ khuôn mặt chữ điền” ấy là của ai. Bởi lẽ, đó cũng là một chi tiết thoáng qua, một đường nét đẹp nằm trong cái tổng thể.

 Trên toàn cảnh của khổ thơ đầu là bút pháp tả thực của Hàn Mặc Tử về một miền quê xanh tươi tràn đầy sức sống, và đó cũng chính là lòng ham sống, lòng yêu đời của thi nhân. Vì nếu không ham sống, không yêu đời thì làm sao có thể tả được một khung cảnh bình dị mà đắm say lòng người đến thế.

 Nhưng sang khổ thơ thứ hai, người đọc đột ngột rơi vào một tâm trạng buồn, chia cách khi nghe một nhạc điệu khác thường, lạnh lẽo, vô tình đến nghiệt ngã.

  Gió theo lối gió, mây đường mây

 Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thiên nhiên cũng có gió, có mây, có nước, có hoa, nhưng sao rời rạc, nhạt nhẽo. Gió mây chia đường, tách ngã, và sông thì lặng im không buồn chảy trong khi đó hoa bắp lại vô tình lay. Mới vừa đây, thi nhân đang rạo rực trước sự sống thì nay tâm trạng bỗng buồn bã, nát tan. Bởi vì Hàn Mặc Tử có yêu đời mãnh liệt như thế nào, cũng bằng không - khi bản thân ông biết mình đang tan rữa từng ngày. Từng ngày là từng ngày bước dần vào cõi chết. Đó chính là mâu thuẫn trong tâm hồn của Hàn. Yêu đời nhưng tuyệt vọng.

Cuộc đời đã ngoảnh mặt quay lưng, nắng hình như đã tắt, trời đã chuyển hoàng hôn. Thi nhân tan nát cõi lòng, tuyệt vọng có thể chấm dứt hy vọng nhưng không thể chấm dứt tình yêu. Đối với Hàn Mặc Tử giờ đây tình yêu là lối thoát cuối cùng mà ông đang cố bám víu để hy vọng sống.

 Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

 Có chở trăng về kịp tối nay ?

Trong thơ ca dân gian Việt Nam, hình tượng thuyền và bến thường xuất hiện trong những bài ca về tình yêu để bộc lộ nỗi lòng và tâm trạng đôi lứa. Con thuyền là sự vật chuyển động không ngừng trên sông biển và thuyền mang ý nghĩa biểu trưng cho hình ảnh người con trai. Còn bến, bờ là điểm đến hay rời đi của thuyền thường biểu trưng cho hình ảnh người con gái. Sự kết hợp giữa thuyền và bến được khai thác bởi các yếu tố động – tĩnh, bởi hành trình và yên nghĩ… qua đó biểu hiện hoặc gợi lên những trạng thái tình cảm tương ứng. 

Thuyền ơi có nhớ bến chăng

 Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

Tuy nhiên, cũng có lúc trong ca dao thuyền lại được ví như thân phận long đong của người con gái:

Tròng trành như nón không quai
Như thuyền không lái, như ai không chồng

hay thân gái lênh đênh mười hai bến nước:

Thân em như chiếc thuyền tình

Mười hai bến nước biết gửi phận mình nơi nao

 

Cũng giống như thơ ca dân gian, Hàn Mặc Tử kế thừa truyền thống dân tộc lấy hình ảnh thuyền và bến làm biểu trưng cho tình yêu đôi lứa. Hồn thơ Hàn tuyệt đẹp khi liên tưởng thuyền trăng, bến trăng, sông trăng. Trong đêm trăng kỳ ảo tràn ngập ánh vàng, thuyền em có kịp chở trăng về với anh trong đêm nay. Anh đang cô độc, đang cô đơn, đang tuyệt vọng, làm sao em đến được với anh trong lúc này. Câu hỏi “ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó. Có chở trăng về kịp tối nay?” là một câu hỏi khẩn thiết của một người đang quằn quại trong đau đớn. Lúc này đây, ngay “ tối nay” đây, em có kịp về không? Tình yêu của em có đến kịp không? Anh cần em, tình yêu là niềm tin cuối cùng anh đang bấu víu để sống. Còn yêu là còn sống.

 

bm_2-content 

(2)

 

Trăng là một trong những hình ảnh nổi bật trong thơ Hàn Mặc Tử, có lẽ ông là một trong ít thi nhân có những câu thơ nói về trăng lạ lùng, kinh dị và độc đáo nhất. Ông nhân hóa trăng như người con gái:

Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu

Đợi gió đông về để lả lơi

(Bẽn lẽn)

Trăng cũng có mùi vị:

Mới lớn lên trăng đã thẹn thò

Thơm như tình ái của ni cô

(Huyền ảo)

Ông xem trăng như tài sản của riêng mình, trăng là của mình, nên tự ý rao bán:

Ai mua trăng tôi bán trăng cho

Không bán đoàn viên, ước hẹn hò

(Trăng vàng trăng ngọc)

 

Hàn Mặc Tử đang tự hỏi lòng, vẫn biết câu hỏi sẽ rơi vào hư vô, hy vọng của mình là hy vọng hão huyền nhưng ông vẫn ước:

 Mơ khách đường xa, khách đường xa. 

 Áo em trắng qúa nhìn không ra.

 Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,

 Ai biết tình ai có đậm đà!

 

Bây giờ, Hàn Mặc Tử đã rơi vào mộng thật rồi, Hàn đang tưởng tượng có người phương xa đến thăm chàng, mơ “ khách đường xa, khách đường xa” được lặp lại hai lần trong một câu diễn tả tâm trạng thiết tha mong ngóng đến độ khẩn thiết. Nơi chàng ở, cô liêu quá, người đời hắt hủi chàng, xa lánh chàng, ghê sợ chàng, chàng đang sống cô lập ở một nơi xung quanh bạt ngàn đồi cát trắng, trên một bờ biển hoang vắng ít dấu chân người, bạn của chàng là tiếng sóng vỗ, là tiếng thông reo, tri kỷ của chàng là ánh trăng đêm. Đêm nay, mơ thấy em về nhưng em mờ ảo quá, anh không thấy gì cả. “Áo em trắng quá nhìn không ra” hay vì anh nhìn em từ một cõi xa xăm nào. Bởi vì, trong đời sống bình thường làm gì có màu trắng nào là màu trắng không thể nhìn thấy được. Bút pháp của Hàn Mặc Tử lúc này đã rơi vào tâm linh, siêu thực.

 Ai biết tình ai có đậm đà!

Từ hy vọng Hàn Mặc Tử đã rơi vào niềm tuyệt vọng, câu cảm thán cuối cùng của Hàn cũng vừa là một câu hỏi, vừa khẳng định vừa nghi vấn. “Ai biết tình ai” là một cặp từ phiếm chỉ nhiều tầng nghĩa, vừa gần gũi vừa xa vời. Có phải Hàn Mặc Tử đang muốn biết tình cảm của cô gái đối với mình có còn không? Hay Hàn đang muốn người phương xa biết tình mình vẫn ngày đêm mong ngóng? Một câu hỏi không có hồi âm, nó thiết tha mà nghẹn ngào xót tủi như cái ngơ ngác của kẻ đứng trước ngã ba đường tiến thoái lưỡng nan, đi về phía nào cũng thấy cụt đường, không còn phương hướng nữa.

Chu Văn Sơn đã từng bình thật hay: Khép lại bài thơ, người đọc có thể thấy rõ mạch liên tưởng “cóc nhảy” đứt đoạn, bất định trong ba khổ thơ. Khổ đầu: một ước ao thầm kín ngấm ngầm bên trong lại cất lên như một lời mời mọc từ bên ngoài, nỗi hoài niệm âm u lại mang gương mặt sáng sủa của khát khao rực rỡ. Khổ hai: một ước mong khẩn thiết dâng lên thoắt trở thành một hoài vọng chới với nghẹn ngào. Khổ ba: một niềm mong ngóng vừa ló dạng hướng ra thế giới bên ngoài đã vội biến thành mối hoài nghi hướng vào nơi đang tồn tại. Mối u hoài nối ba khổ thơ tách biệt ấy còn được thể hiện bằng một “sợi dây” liên kết khác nữa: Ba khổ thơ đều ngầm chứa ba câu hỏi với bốn chữ ai dãi đều trong lòng bài thơ (Vườn ai? Thuyền ai? Ai biết tình ai?) khiến chúng vang lên thành giọng điệu da diết khắc khoải. Vậy là, nếu lối liên tưởng “cóc nhảy” tạo ra một văn bản hình tượng đầu Ngô mình Sở, thì dòng lưu chuyển cảm xúc đau thương dưới dạng u hoài khắc khoải kia lại tạo ra một âm điệu nhất quán, liền mạch. Phi logic ở bề mặt, nguyên phiến, nguyên điệu ở bề sâu, đó chính là siêu logic, đây là nét thi pháp điển hình của “ Đây thôn Vĩ dạ”.[13]

Chế Lan Viên, trong khi chỉ ra cách đọc thơ Hàn Mặc Tử cũng đã từng viết. Hàn Mặc Tử thuộc tuýp thi sỹ bị thơ làm . “ Bị truy kích bởi cái chết, Tử hối hả, dồn dập sáng tạo chứ đâu có làm văn! Anh trút đời mình, lòng mình từng trận, từng hơi chứ đâu có ngồi điêu khắc, chạm trỗ từng câu, từng chữ. Ta hiểu anh không phải từng câu, từng chữ, mà từng hơi.”[5]

 

Trong bài “Đây thôn Vĩ dạ” Hàn Mặc Tử đã viết theo thể thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt gồm 3 khổ 12 dòng, mỗi khổ 4 câu 7 chữ nhưng với phong cách sáng tác hoàn toàn mới, nhà thơ đi từ bút pháp tả thực, đến tượng trưng, rồi siêu thực.

Hai câu thơ 

… “ Áo em trắng quá nhìn không ra

 Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”…

Mang màu sắc tâm linh, kinh dị. Thực ra, như Chu Văn Sơn nhận xét: “…vẻ kinh dị trong thơ Hàn không quá xa lạ. Chúng ta đã từng tiếp nhận trong truyền thống ở những chuyện ma quái dân gian như “ Lĩnh nam chích quái, “ Việt điện U linh”, “ Truyền kỳ mạn lục” cả đây đó trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du… và đương thời Hàn Mặc Tử cũng có nhiều đồng minh trên con đường phiêu lưu vào thế giới của cái kinh dị như Chế Lan Viên, Thế Lữ, Vũ Bằng… song, có thể nói “Quyết đi tìm sự lạ” chính là động cơ lớn chi phối hành trình sáng tạo của Hàn Mặc Tử”. [13; 43] Trong tiểu luận “Nghệ thuật là gì?” Hàn Mặc Tử đã viết: “ Quăng mình đi giữa cái vũ trụ mênh mông, vượt ra theo những nguyện vọng cao xa, những cái ý nghĩa, ấy là do cái năng lực tinh thần mạnh mẽ nó thúc giục mình (…) Bồn chồn, ta quyết đi tìm sự lạ” [6]

Có người cho rằng Hàn Mặc Tử chịu ảnh hưởng lớn chủ nghĩa siêu thực của Baudelaire.[20] Ông đã thụ lĩnh từ tác giả “ Hoa ác” một cảm quan ma quái để đi vào thế giới đau thương, rồi cứ bị thôi miên bởi vẻ đẹp kỳ lạ, kinh dị.[13] Tuy nhiên, theo tôi chúng ta cần lý giải theo chiều hướng khác, dưới góc nhìn của văn học so sánh. Đây chính là hiện tượng tương đồng khi có cùng hoàn cảnh sáng tác trong sáng tạo nghệ thuật. Thật vậy, Hàn Mặc Tử mang bệnh nan y, ông luôn ở trong tình trạng cô đơn, ám ảnh từ cái chết nên thế giới ông đầy ma quái, nhất là những đêm trăng tròn bệnh “hủi” phát tác mãnh liệt gây đau đớn quằn quại, trong lúc nửa mê nửa tỉnh như vậy thơ ông tuôn ra mang hình ảnh siêu thực là điều đương nhiên, không thể nói thơ ông lúc ấy làm do ảnh hưởng Baudelaire. Có chăng, thơ Hàn Mặc Tử là sự kết hợp tâm hồn đặc biệt của ông và nền văn hóa Pháp trong bối cảnh phong trào Thơ Mới những năm 30 của thế kỷ 20.

Bài thơ “Đây thôn Vĩ dạ” từ khi mới ra đời đã được người đọc đón nhận một cách nồng nhiệt và trân trọng, thi phẩm được đánh giá là một trong ít bài thơ tả cảnh làng quê xinh đẹp, nên thơ hay nhất trong phong trào Thơ Mới lúc bấy giờ.

Đây cũng là bài thơ nổi tiếng, tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Hàn Mặc Tử đi từ tả thực – tượng trưng đến siêu thực.

Bài thơ “Đây thôn vĩ dạ” thực chất không phải là một bài thơ tả cảnh làng quê của Hàn Mặc Tử, thi nhân đã mượn cảnh để nói cái tình của mình. Nhân bức bưu ảnh gửi tặng của người xưa, ông hoài niệm về một mối tình đã qua. Bài thơ bắt đầu bằng một câu hỏi và cuối cùng kết thúc như một câu hỏi, thi nhân hy vọng vào tình yêu nhưng không dám tin vào tình yêu, bởi vì Hàn Mặc Tử biết đó là mối tình tuyệt vọng, mâu thuẫn ấy là một tâm trạng đau thương, bởi Hàn biết mình đang đi dần vào cõi chết. Bài thơ này làm trong giai đoạn cuối của cuộc đời ông.

Bài thơ khép lại nhưng câu thơ “Ai biết tình ai có đậm đà!” như vẫn còn rung mãi trong lòng người đọc như tiếng ngân của một điệu hò. Tứ thơ và lời thơ tuy buồn lay hiu hắt đã sắc đậm màu lục của lá trúc cắt vào lòng khách thơ, đến nỗi, không ít khách phương xa về qua Huế, không ai lại không muốn đến thăm “miền thôn Vĩ dạ ấy” để được tận mắt chứng kiến một lần thôn vĩ của Hàn Mạc Tử, được tận mắt nhìn thấy những nhà vườn Huế ẩn khuất bóng dáng của một đôi mắt và được sống dưới hàng cau mướt xanh đậm tình người…

 

Văn chương, cũng như cuộc đời, mang thăng trầm của giông bão chịu những định kiến từ quan điểm giai cấp hay phê phán hữu khuynh, từ sau 1945 đến năm 1986 dòng văn chương lãng mạn đã không được chấp nhận. Tài liệu hướng dẫn giảng dạy Văn học lớp 12 năm 1983 của Nhà xuất bản Giáo dục đã từng ghi: “Về nội dung, đây là dòng văn học bạc nhược, suy đồi, tiêu cực, có tính chất phản động, tuy có ít nhiều yếu tố tích cực. Do đó, sau bài khái quát này, chương trình hiện hành không đưa tác phẩm cụ thể vào kế hoạch học giảng văn, tuy sách giáo khoa có giới thiệu bài thơCây đàn muôn điệu của”của Thế Lữ để học sinh đọc thêm. Chúng ta cũng nên khuyên học sinh không nên đọc sách báo lãng mạn…” [7], với quan niệm trên, thi ca Hàn Mặc Tử càng bị bài xích vì tư tưỏng siêu thực, thoát ly ngoài cuộc sống, “Đây thôn Vĩ dạ” cũng nằm trong tình trạng ấy. Chính cách đánh giá lạc hậu này từ một nền thẩm mỹ đóng khung, đã làm cho bao thế hệ học sinh bị thiệt thòi trong việc tiếp cận những áng văn thơ tuyệt tác của đất nước.

 

Văn chương theo đất nước rẽ vào những nhánh sông đổi mới, tuy chưa ra biển lớn “Đây thôn Vĩ dạ” đã tìm lại vị trí xứng đáng của một thi phẩm tuyệt tác của một tài thơ lớn trên thi đàn Việt Nam. Giòng nước buồn thiu hoa bắp lay từng là thân phận của “Đây thôn Vĩ dạ”, ngày nay, đã được giảng dạy trong chương trình trung học phổ thông.

 

Một tiếng thơ lớn, là một tiếng thơ mà lịch sử không xóa được.

 

BAN MAI

24/4/2011

--------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Thi nhân Việt Nam _ Hoài Thanh – Hoài Chân NXBVH 2000

[2] Chuyển dẫn theo Phan Cự Đệ – Thơ văn Hàn Mặc Tử phê bình và tưởng niệm. NXB.GD H,1993 tr 343

[3] Theo tài liệu của Trần Thanh Địch, nhà văn, bạn thân của Hàn Mặc Tử

[4] Hình tượng bí ẩn này đã có quá nhiều suy diễn và tranh cãi, đến nỗi có một lần Chế lan Viên phải thốt lên: “ Con gái mặt chữ điền thì đẹp gì mà Hàn Mặc Tử phải ca ngợi”. Thôi thì, người cho rằng gương mặt ấy là của chính nhà thơ. Bình giảng bài thơ này, ông Lê Trí Viễn cho rằng: “mặt chữ điền, theo dân gian Huế là khuôn mặt phúc hậu của các cô gái”. Còn các nhà nghiên cứu thì cho rằng hình tượng mặt chữ điền trong Văn học Việt Nam thường dùng để chỉ gương mặt cương nghị của các chàng trai.

[5] Chế Lan Viên – Lời giới thiệu tuyển tập Hàn Mặc Tử, NXB Văn học, 1987

[6] Hàn Mặc Tử – Nghệ thuật là gì? Báo Sài gòn 26/10/1935

[7] Tài liệu hướng dẫn giảng dạy Văn học lớp 12 phổ thông, tập I.tr11. NXBGD, 1983

[8]Văn học và thời gian – Trần Đình Sử, NXB.VH, 2000.

[9]Đọc văn và học văn – Trần Đình Sử, NXB.GD, 2002.

[10]Một thời đại trong thi ca – Hà Minh Đức, NXB.ĐHQG Hà Nội, 2002.

[11]Tác phẩm văn chương trong trường phổ thông – những con đường khám phá- Vũ Dương Qúy – Lê Bảo, NXB.GD, 2002.

[12]Đến với thơ hay – Lê Trí Viễn

[13]Thơ Điên của Hàn Mặc Tử thi học của cái “ tột cùng” – Chu Văn Sơn, TCVH số 11/2000.

[14]Con mắt tâm linh văn hóa phương Đông trong thơ Hàn Mặc Tử – Đoàn Thi Hương Giang, TCVH số 11/2000.

[15]Chữ và nghĩa trong thơ – Mã Giang Lân, TCVH số 4/2000.

[16]Hàn Mặc Tử trong đời sống phê bình trước 1945 – Nguyễn Toàn Thắng, TCVH số 4/2001.

[17]Ảnh hưởng của thơ tượng trưng Pháp đối với phong trào Thơ Mới Việt Nam 1932 – 1945 – Trần Huyền Sâm, TCVH số 12/2001.

[18]Các lý thuyết thi pháp học cấu trúc – Trịnh Bá Đĩnh, TCVH số 8/2002.

[19]Lý luận văn học tập 3. – Phương Lựu(chủ biên)- NXBGD, 1988.

[20] Charles Baudelaire (1821-1867) là nhà thơ lớn của văn học Pháp thế kỷ XIX thuộc trường phái tượng trưng chủ nghĩa. Baudelaire sinh tại Paris, mồ côi cha lúc 6 tuổi, mẹ tái giá và đã gửi ông vào một ký túc xá. Ông theo gia đình sang Ấn Độ vào năm 1841, sau đó trở về Paris, sống cuộc đời kham khổ, thiếu thốn và bắt đầu sáng tác. Thi sĩ đã gặp vài kiều nữ như Jeanne Duval, Marie Daubrun, Apollonie Sabatier, và chính những người phụ nữ đẹp này đã đem nhiều cảm xúc, cuồng nhiệt và thi hứng cho những dòng thơ chập chờn mộng ảo của ông , năm 1867 ông bị bệnh ốm nặng, qua đời sau một thời gian bị bại liệt tàn phế. Thi phẩm Les fleurs du mal (Hoa khổ đau hay còn dịch Hoa ác, xuất bản 1857) là một thi phẩm nổi tiếng của ông.

 

Ảnh (1) và (2) mang tính minh họa không rỏ tác giả.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Ba 20235:16 CH(Xem: 5817)
Chẳng thể cứ tự hào Việt Nam nay là đất nước phát triển nếu như dân cư của cả nước vẫn phải sống với nguồn nước bẩn và một môi trường đầy ô nhiễm. “Không có kỹ nghệ không gian các quốc gia vẫn sống được, nhưng không thể sống nếu không có nước.” Oded Distel [chuyên gia về nước của Do Thái] Đề nghị chọn Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 là Ngày Nước Việt Nam / Vietnam Water Day. [Nhóm Bạn Cửu Long]
26 Tháng Hai 20238:39 CH(Xem: 6747)
Mai An Nguyễn Anh Tuấn Ủng hộ lời kêu cứu cho Đồng Bằng Sông Cửu Long của nhà khoa học Ngô Thế Vinh trên vanviet.info và bauxitevn.net
13 Tháng Hai 202312:43 SA(Xem: 6880)
順天者存,逆天者亡 Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong Thuận với thiên nhiên thì còn. Nghịch với thiên nhiên thì mất. [Mạnh Tử] “Kế hoạch phát triển nào cũng phải tính tới cái giá môi sinh phải trả – environmental costs – đối với sức khoẻ của người dân và cả trên nguồn tài nguyên lâu dài của đất nước.” Ngô Thế Vinh
06 Tháng Giêng 202312:11 SA(Xem: 6691)
Nguyễn Du chỉ thốt lên một lần duy nhất: Ta vốn có tính yêu núi khi ông Bắc hành, ở đoạn cuối sứ trình; nhưng cái tính đó, ông đã bộc lộ biết bao lần trong 254 bài qua cả ba tập thơ chữ Hán của mình! Ai ham đọc sách mà không biết câu nói có tự cổ xưa: Trí giả lạc thủy, nhân giả lạc sơn (Kẻ trí thì vui với sông nước, người nhân thì vui với núi non); song cái ý tưởng sách vở thể hiện khát vọng thoát tục thanh cao, mơ ước được tựa vào non xanh để tìm sự yên tĩnh vĩnh hằng của nội tâm đó đã được Nguyễn Du trải nghiệm bằng toàn bộ cảm giác buồn, vui, qua các đoạn đời phong trần của mình, và ông miêu tả chúng qua bao vần thơ chữ Hán thực thấm thía, rung động.
14 Tháng Mười 202211:28 CH(Xem: 7874)
Năm 2020, đã có một lúc bao nhiêu triệu cư dân vùng hạ lưu sông Mekong thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin Bộ Điện Lực Cam Bốt tuyên bố hoãn mọi dự án thuỷ điện trên sông Mekong trong 10 năm tới [1], như vậy là ít nhất có một thời kỳ dưỡng thương cho dòng sông bị đầy những vết cắt do chuỗi đập thuỷ điện của Trung Quốc và Lào phía thượng nguồn. Nhưng rồi mới đây, chỉ hai năm sau, 2022, là một tin chấn động khác: Phnom Penh tuyên bố cho tái phục hoạt / resurrection dự án thủy điện Stung Treng 1.400 MW trên dòng chính sông Mekong phía đông bắc Cam Bốt sát ranh giới với Lào. Dự án này không chỉ sẽ tàn phá sinh cảnh các khu đất ngập được bảo vệ bởi Công ước Ramsar ký kết từ năm 1971, mà còn gây tác hại vô lường trên hai vùng châu thổ phì nhiêu Tonlé Sap và ĐBSCL. Đây là bài đầu tiên trong loạt 3 bài viết nhìn lại toàn cảnh cuộc hành trình gian truân của một dòng sông – Sông Mekong hơn nửa thế kỷ qua.
13 Tháng Chín 20221:26 CH(Xem: 7536)
Tôi biết đến tên tuổi nhà thơ Thạch Quỳ từ hồi sinh viên văn khoa, từng đọc thơ ông, nhưng lần đầu tiên mới được gặp ông tại một đám đông hội hè, giữa khu lưu niệm Nguyễn Du - Nghi Xuân, Hà Tĩnh đầu năm 2019. Đó là một ông già gầy gò, người quắt lại như lõi lim, đôi mắt sáng có vẻ hơi chế diễu nhưng không mất đi sự nhân hậu đằm thắm…
31 Tháng Tám 202210:27 CH(Xem: 7726)
Những năm qua, công luận kêu ca phàn nàn nhiều về tình trạng khá suy đồi của sinh hoạt Tôn giáo - nổi bật ở đạo Phật Việt Nam, trước sự tàn phá thiên nhiên để xây dựng những khu Du lịch Tâm linh trá hình khủng nhằm lợi dụng Tôn giáo để kinh doanh… Và mới đây nhất, tràn ngập Mạng Xã hội là hình ảnh những con chim phóng sinh tội nghiệp bị nhốt trong lồng sắt để rồi sau đó ngắc ngoải trước cửa chùa, hình ảnh các vị sư đạo mạo mãn nguyện đặt tay lên đầu phụ nữ, trẻ em đang cúi rạp sát đất tựa Đức Chúa Trời ban phước lành, hình ảnh nhà sư ôm bát vàng đi “khất thực” song lại quơ tay vơ tiền cúng dường, v.v.
10 Tháng Tám 202210:45 CH(Xem: 8924)
Lời Dẫn Nhập: Bài viết về TS Eric Henry với dự kiến ban đầu kết hợp với Chân Dung Phạm Duy. Nhưng rồi, riêng phần Phạm Duy đã dài tới ngót 50 trang giấy, nên Chân Dung Eric Henry phải tách ra một bài khác, vẫn mong bạn đọc có cái nhìn kết hợp hai chân dung do tính bổ sung của hai nhân vật Phạm Duy và Eric Henry trên chặng đường tìm hiểu nền Tân nhạc Việt Nam cùng với các bước gian truân để hình thành và xuất bản bộ Hồi Ký tiếng Anh The Memoirs of Phạm Duy, dự trù sẽ do Cornell University Press xuất bản. Tưởng cũng cần nói thêm,Thư viện Đại Học Cornell là nơi còn lưu trữ đầy đủ nhất di sản 20 năm Văn học Miền Nam 1954-1975, và “ngọn lửa phần thư” của những người Cộng sản Việt Nam muốn tận diệt nền văn hóa ấy đã không sao lan tới được.
01 Tháng Tám 20226:34 CH(Xem: 8216)
Trong cái thời buổi “Mạt” đủ thứ này, biết bao hiện tượng được gọi là “văn hóa” giống như “Huyền thoại” liên tục nảy nở, khiến thiên hạ khóc dở mếu dở, cười trong chua chát, thậm chí lo âu và hoảng sợ đến thót tim…
03 Tháng Bảy 20222:06 CH(Xem: 7944)
Cám ơn bạn hữu gần xa, những người yêu mến nhạc và cả con người Phạm Duy,trong sự tin cậy,đã gửi và cả cho phép sử dụng các nguồn tài liệu quý giá trong đó có những thư từ trao đổi riêng tư với Phạm Duy cách đây cũng đã ngót30 năm,không ngoài mục đích giúp người viết có chất liệu –đủ cho một cuốn sách,nhưng đó là công trình của tương lai. Đây chỉ một bài viết ngắn, nhưng cũng mong phác thảo được đôi nét chân dung của một nghệ sĩ lớn Phạm Duy -- thần tượng của nhiều người qua nhiều thế hệ,với một cuộc sống đầy cảm hứngnhưng cũngrất phức tạp.Phạm Duy đã sống qua hai thế kỷ,“khóc cười theo vận nước nổi trôi”trong suốt chiều dài của một bi kịch Việt Nam cận đại,vừa hào hùng và cũng vô cùng bi thảm.(NTV)