- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cao Xuân Huy, Một Ngọn Gió Đã Bay Xa (*)

19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 85774)

cxh_1

Thường, khi viết về một nhà văn, trong vai trò của một người làm phê bình, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm, đến văn bản. Đúng hơn là tôi quan tâm đến văn bản văn học, và cái cách mà tác giả của nó đã, cùng với các độc giả của mình, biến nó thành một tác phẩm văn chương.

 

Tôi không quan tâm lắm đến tác giả.

 

Đối với trường hợp của Cao Xuân Huy, điều này hơi khó thực hiện. Thứ nhất, anh là một người bạn của tôi. Và cũng là bạn của nhiều người bạn khác của tôi nữa. Chúng tôi đã quá thân với nhau để có thể làm một sự tách bạch rạch ròi giữa con người và tác phẩm như thế. Thứ hai, cái câu “Văn là người” rất thích hợp trong trường hợp của Cao Xuân Huy. Văn cáchnhân cách của anh trộn lẫn vào nhau, nếu không muốn nói chúng là một. Ta không thể tách rời chúng ra khỏi nhau được.

 

Vậy, hãy để tôi nói, trước hết, về con người nhà văn của Cao Xuân Huy. Giữa những người bạn thân với nhau, anh Nguyễn Mộng Giác có những lúc nói đùa, “Cao Xuân Huy đúng là “nhảy dù” vào văn chương!”  Câu nói đó, dù sao, cũng có cái lý của nó. Tôi nhớ, một buổi sáng vào năm 1985, cách đây đúng 25 năm trước, chúng tôi, trong đó có các anh Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Bá Trạc, Hoàng Khởi Phong, Phạm Quốc Bảo, tôi, và một vài người bạn khác nữa, họp nhau ở nhà Cao Xuân Huy (lúc đó anh Nguyễn Mộng Giác và anh Hoàng Khởi Phong cũng cùng ở chung nhà với Cao Xuân Huy). Chúng tôi họp nhau ở đó và cùng quyết định sẽ ra một tờ báo mà sau này trở thành tờ Văn Học. Tất cả chúng tôi đều rất hăng hái trong dự án này. Nhà văn Cao Xuân Huy của chúng ta thì có thể nói là chỉ đứng ở ngoài. Lúc đó, hình như anh chưa có ý nghĩ gì về chuyện viết văn cả. Chưa nói đến chuyện sẽ trở thành một nhà văn. Dù sao, chỉ một thời gian ngắn sau, với sự thúc đẩy của một số bằng hữu—trong đó đặc biệt phải nói đến các anh Hoàng Khởi Phong và Nguyễn Mộng Giác, những người thấy được cái chất văn trong con người Cao Xuân Huy—, anh đã in quyển “Tháng Ba Gãy Súng”, kể về những ngày cuối của cuộc chiến, với tư cách là một chứng nhân trong cuộc. Một chứng nhân khoác trên mình bộ quân phục Thủy Quân Lục Chiến của Việt Nam Cộng Hoà. Cuốn sách ấy, từ đó trở đi, trở nên làm một với con người anh, vì nó phản ánh rất rõ thái độ thẳng thắn, trung thực, không huênh hoang tự mãn nhưng cũng không đớn hèn khiếp nhược, của một người lính, của những người lính, cho dù nằm ở phía thất trận, vẫn không đánh mất đi bản chất cao đẹp và sự bất khuất của mình. Và Cao Xuân Huy, từ đó, trở thành Cao-Xuân-Huy-Tháng-Ba-Gãy-Súng.  

 

Cuốn sách, cho dù có thành công ở một mức độ nào đó, dù sao, không thật là có tính cách văn chương. Bởi vì, trước hết Cao Xuân Huy không phải là người làm văn chương. Anh viết như sống. Viết để tiếp tục sống như một con người. Trong văn của Cao Xuân Huy, ngoài những mô tả rất sinh động về cuộc chiến, người đọc còn nghe được những mẩu đối thoại như được lẩy ra từ cuộc sống, từ cuộc chạm-mặt-tử-sinh mỗi ngày của những người lính tác chiến, hoặc những câu viết có xương có thịt, có mùi bom đạn, mùi của cuộc đời trần trụi không màu mè son phấn, những câu viết như lời kể của một con người đã cùng đồng đội mình xông pha trận mạc hằng ngày. Chẳng hạn như đoạn tả cảnh hai người bạn, trong chiến trận loạn lạc, bất ngờ gặp nhau:

 

 " (...) Minh nói với tôi:
 - Đụ mẹ, mày làm cái con cặc gì mà tới đây giờ này, vô đây phê     pháo cái đã, mọi chuyện tính sau.


 Tôi theo Minh vào lều nhưng sốt ruột, lại hỏi:
 - Tao gặp đại đội trưởng mày đã, phê pháo mẹ gì.
 - Phê pháo đã mà, ổng đang bận.
 - Ủa, bộ mọi chuyện đại đội trưởng mày làm hết hả?
 - Đâu có, đại đội phó làm chứ.
 - Vậy ổng bận cái gì?
 - Bận tiếp khách.
 - Mẹ kiếp, té ra mày là đại đội trưởng à?
 - Chứ còn thằng con cặc nào vô đây! "

 

hoặc như những câu nói, câu kể trong một hồi ký khác về toàn bộ trận đánh Cửa Việt mà tác giả còn đang trong tiến trình hoàn thành:

 

 “May mà mặt trời ló ra trễ, chứ ló sớm là tụi tôi đi... ỉa.”,

 

hoặc  

 

 “Bộ đội đông hơn tụi tôi cả chục lần. Giờ này mà họ giở quẻ thì  thật là tụi tôi đi... đái.”

 

Nhưng, nói về cái ngôn ngữ sinh động của đối thoại lính tráng như vậy cũng đã đủ, bây giờ ta hãy đọc một đoạn khác trong Tháng Ba Gãy Súng. Tác giả tả cảnh quân đội Việt Nam Cộng Hòa trên đường rút quân từ miền Trung về phía Sài gòn, trong những ngày cuối của cuộc chiến:

 

 " (...) Lại có rất nhiều người tự tử. Bây giờ họ không tự tử từng người, từng cá nhân mà họ tự tử tập thể. Không rủ, không hẹn và  hầu như họ đều không quen biết nhau trước hoặc có quen biết đi  nữa, bạn bè đi nữa họ cũng không thể nhận ra nhau trước khi  cùng chết với nhau một lúc. Dòng người chúng tôi đang chạy,  một người tách ra ngồi lại trên cát, một người khác cũng tách  dòng người ra ngồi chung, người thứ ba, người thứ tư, người thứ  năm nhập bọn, họ ngồi tụm với nhau thành một vòng tròn nhỏ,  một quả lựu đạn nổ bung ở giữa.

 

 Dòng người chúng tôi tiếp tục chạy, lại một người tách ra ngồi  trên cát, lại người thứ hai, người thứ ba, người thứ tư... nhập bọn, lại tụm với nhau thành một vòng tròn nhỏ, lại một quả lựu đạn nổ bung ở giữa. (...)

 

 Tôi không thể nhớ để mà đếm nổi là đã có bao nhiêu quả lựu đạn  đã nổ ở giữa những vòng tròn người như vậy. Nhiều, thật nhiều  quả lựu đạn đã nổ.

 

 Chúng tôi vẫn cứ chạy, những người tự tử tập thể vẫn cứ tụm  thành những vòng tròn, quân đội Nhật năm 45 khi đầu hàng cũng  không thể nào hào hùng hơn thế này được. Lịch sử Việt Nam  chưa thấy viết một dòng nào về những cái chết hiên ngang của những thằng tốt đen như vậy, nhưng họ có đó, vẫn oai hùng khí  phách chấp nhận những cái chết vô danh như vậy.

 

 Chúng tôi vẫn cứ chạy, khi ngang qua những cái chốt của Việt  Cộng, những người bị bắn trúng vẫn cứ ngã, những người tự tử  vẫn cứ nổ lựu đạn. Ngoài biển vẫn có ánh đèn của những chiếc  tàu qua lại. (...) "

 

Những câu kể ấy rất sinh động và thật. Nó làm tôi nghĩ đến Henri Charrière, cha đẻ của cuốn “Papillon—Bướm Vượt Ngục”. Nó là cái ngôn ngữ sống. Dùng để kể lại một cuộc đời, một kinh nghiệm sinh tử. Nó thu hút người đọc chính ở nơi cái ma lực thu hút của sự kể lại ấy. Không hoa hoè, không son phấn. Nó chính là cuộc sống được tái hiện lại trong tác phẩm.

 

Dù sao, trong văn Cao Xuân Huy cũng có những đoạn đẹp và thơ. Và nó đẹp và thơ ngay ở chính cái hình ảnh, cái không khí buồn thảm và bi thương của cuộc chiến:

 

 Nửa đêm, trời lúc mưa, lúc tạnh, những làn hơi nước bốc lên  mù mù. Trời với đất làm như cũng đồng cảm với người. Mặt  trăng hạ tuần khi tỏ, khi mờ làm như lây với cái “Hồn tử sĩ gió ù  ù thổi / Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi / Chinh phu tử sĩ mấy  người / Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn. (...)”.  (trích Hồi ký đang  viết về trận Cửa Việt).

 

Hay:

 

 Trong đêm ngưng bắn đầu tiên đó, gió rít lên. Làm như là gió  không muốn ngưng chiến. Gió ở đâu mà nhiều đến thế. Hệt như  những oan hồn uổng tử do bom đạn của cả hai bên, ở dưới âm ty  hiện về than khóc cho hoà bình đến quá chậm. Gió luồn qua  những triền núi từ phía Tây, len lỏi giữa những thung lũng, quất  lên những ngọn đồi khiến cát bay mù mịt. (...)”. (trích như trên).

 

 

 *

 

 

Trong cuốn sách mới in, “Vài Mẩu Chuyện”, gồm một số truyện pha với ký được hư cấu hoá, Cao Xuân Huy lại cho người đọc thấy được rõ thêm cái phong cách của anh. Thẳng. Thật. Và đầy tình người.

 

Tất cả những câu chuyện đều ngắn. Đúng hơn, những câu chuyện ấy là ký. Một thứ ký được "hư cấu hóa". Đọc kỹ, người ta có thể nhìn thấy có những nhân vật trong truyện là những hóa thân của anh. Những hóa thân tội nghiệp. Tầm thường và khốn khổ hơn cả một con người tầm thường nhất. Những nhân vật khác là bạn bè, hoặc là những người lính, người dân bình thường. Họ cũng là những con người cùng khổ. Những con người, nam và nữ. Những ham muốn nhỏ bé. Những mảnh đời rách nát, chảy máu, khổ đau. Và qua những nhân vật ấy, những nhân vật trần trụi trong đời thường với một quả tim chân thật và ấm nóng tình người, tình đồng loại, ta thấy được bóng dáng thiết tha của con người.

 

Những câu truyện như những lát cắt từ đời sống. Những mảnh sống còn tươi roi rói, những đường gân sớ thịt của chúng vẫn còn máy đập. Chúng phản ánh những xót xa, đau đớn của cuộc đời, nhưng chúng cũng cho ta thấy sự tha thiết thương yêu con người của nhà văn. Đó là lòng nhân ái của ngòi bút. Ánh sáng trong truyện của Cao Xuân Huy tỏa ra từ chính những dòng chữ thiết tha và chân thật đó.

 

Trong truyện của Nhật Tiến, ta thấy nổi rõ lên điều này: sự nhân ái. Trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp, ta cảm thấy những nét nhân bản lại có vẻ trỗi vượt hơn. Cho dù là nhiều chuyện của ông dùng ẩn dụ, ông vẫn chỉ thẳng được vào cái bản chất yếu đuối và đáng thương của con người, qua những hình ảnh, những câu truyện tưởng như là độc ác. Thật sự, đó cũng vẫn là một nét của lòng nhân ái. Nhân ái, ở đây, được hiểu theo ngữ nguyên, theo nghĩa gốc của từ. Nó chỉ có nghĩa giản dị là “lòng yêu thương con người”.

 

Một nhà văn thật sự là một người gắn bó với cuộc sống, với con người. Trái tim của ông ta nghe được và đập cùng một nhịp đập với trái tim của nhân loại, của cuộc đời. Chữ viết của ông ta là những dấu chỉ của nhịp đập đó. Trong nghĩa này, Cao Xuân Huy chính là một nhà văn đích thực. Trong cuộc chiến, anh yêu thương bạn bè, đồng đội, và anh có thể xả thân vì bạn bè và những người lính của mình. Nhưng đối với người lính cầm súng ở chiến tuyến bên kia, anh cũng có một tình yêu thương, một mối đồng cảm đầy tình người như thế. Trong truyện "Chờ Tôi Với..." (trích trong tập sách mới in của Cao Xuân Huy mang tên Vài Mẩu Chuyện, California: Văn Học, 2010), anh tả khung cảnh mặt trận Bắc-Nam lúc ngưng chiến vào tháng Giêng 1973:

 

 " (...) Tựa lưng vào thành giao thông hào, Toàn hồi hộp đợi lệnh  tấn công lần chót trước giờ ngưng bắn. Đã quá bốn giờ sáng, chỉ  còn vài tiếng đồng hồ nữa là đến giờ. Một cuộc ngưng bắn toàn  diện, chính thức được hai bên thỏa thuận và quốc tế công nhận  bằng  hiệp định Paris, và đã được thông báo, phổ biến trong  toàn quân. Tám giờ sáng, đúng tám giờ sáng ngày 28 tháng  Giêng năm 1973, cuộc chiến kéo dài gần hai chục năm chấm  dứt. Vĩnh viễn.  (...)

 

 Toàn đẩy đẩy cái mũ sắt của mình lên cao khỏi mô cát. Không có gì.

 

 Toàn ghếch đầu nhìn lên phía trước. Dãy đồi cát hình cánh cung  trước mặt Toàn đầy người. Tất cả đều đứng dưới giao thông  hào, chỉ lộ từ ngực trở lên.

 

 Toàn đứng hẳn dậy. Lính tráng chỉ đợi có thế, cũng đứng hẳn  lên. Tháo dây đạn, bỏ súng, bỏ mũ sắt xuống.

 

 Binh nhất Phước đen, một tên cao bồi khác của Toàn, vụt băng mình lao về phía trước. Toàn hốt hoảng ra lệnh cho lính ứng  chiến ngay lập tức, sợ có gì nguy hiểm cho Phước đen. Nhưng  không, những người bộ đội phía bên kia nhào lên khỏi giao  thông hào, ôm chầm lấy Phước đen. Phước đen móc trong túi ra  gói thuốc mời, mời, mời hết người này đến người khác.

 

 Lính hai bên ùa lên phía trước, ôm nhau hò hét:

 

 "Hết đánh nhau rồi! Hết chiến tranh rồi!"

 

 Những bộ quân phục rằn ri miền Nam trộn lẫn những bộ quân  phục cứt ngựa miền Bắc. Cố không khóc, nhưng nước mắt Toàn  cứ ứa ra, không kềm được. Nhưng việc gì phải kềm chứ! Toàn  mặc cho nước mắt trào ra.

 

 Có tiếng nghẹn ngào bên cạnh:

 

 "Anh khóc đấy à?"

 

 Toàn quay qua, một người bộ đội nước mắt cũng đang nhòe  nhoẹt. Chẳng nói chẳng rằng, cả hai ôm chầm lấy nhau...

 

 Toàn bảo lính buộc cờ vào những lùm dương thấp lè tè rải rác  quanh chỗ vừa chiếm được. Bắc quân ở tại chỗ nên có sẵn cây,  sẵn cột để cắm cờ.

 

 Có lá cờ buộc không kỹ rơi xuống cát, người bộ đội vỗ vỗ Toàn, chỉ:

 

 "Anh ơi, cờ của anh rơi kìa!" (...)

 

 

Đây là một câu truyện thật đẹp được Cao Xuân Huy, người thật sự có mặt tại chỗ—nếu ta không muốn nói rằng anh chính là nhân vật Toàn hóa thân vào truyện—kể lại. Sau đó, Toàn và anh bộ đội, như hai người bạn trẻ mới quen nhau, mới nhận ra nhau vì cùng có một quê hương, đã thi nhau nói, tha thiết kể cho nhau nghe về những tình cảm quê hương chân thật của mình. Họ kể về những kỷ niệm lúc bé và khi lớn lên, những thú vui thời thơ ấu... Rồi Toàn nhận thấy bên hông mũ cối của người bộ đội có "gắn tấm ảnh bẩn, vàng ố vì thời gian, chụp bán thân một người đàn bà luống tuổi vấn tóc trần."  Đó là tấm-ảnh-mẹ của người lính bên kia.

 

Nhưng sáng hôm sau, "cảnh mũ sắt, mũ cối quấn quít nhau chỉ còn là giấc mơ cũ." Cuộc chiến lại trở lại căng thẳng sau một ngày ngơi nghỉ. Và sau đây là những hình ảnh cuối của câu truyện:

 

 "Khi địch tràn ngập, lưỡi lê và lựu đạn thay cho súng.

 

 Sau một lúc quần thảo bằng lưỡi lê, Toàn gập người, ngã chúi  xuống phía trước, mắt hoa đi, mũ sắt văng ra. Mất mũ là mất  mạng. Phản xạ tự nhiên của bản năng sinh tồn bật dậy, Toàn  nhoài người, vói tay về phía cái mũ. (...)

 

 Mắt Toàn dại đi, cái mũ trong tay không phải là mũ sắt, mà là  mũ cối. Trên cái mũ cối mà Toàn đã một lần nhìn thấy, những  hàng chữ viết tên các địa danh và ảnh người đàn bà vấn tóc trần  Hà Nội rõ lên rồi nhòa dần, nhòa dần. Tiếng gào thét giết chóc  vẫn vẳng vào tai cùng lúc loáng thoáng hình ảnh Toàn sánh vai  người bộ đội đồng hương lang thang bên hồ Hoàn Kiếm... Đột  nhiên, một tiếng gọi bật ra trong đầu Toàn "Anh bộ đội ơi, chờ tôi với..." "

 

Câu truyện có bi có hùng và tràn đầy cảm xúc. Đây không phải là một thứ cảm xúc sử thi thời Homère Hy Lạp cổ đại hay thời "La Chanson de Roland" đầu thế kỷ thứ XII của nước Pháp. Cũng không phải là một thứ cảm xúc tỉnh táo, một thứ "cảm xúc phẳng" thời hậu hiện đại mà người trong cuộc-cảm-xúc biết rằng mình đang xúc cảm. Đây là những cảm xúc thuần túy rất con người, ở mọi thời và mọi nơi, không mang nhãn hiệu và không chia biên giới. Nó không cường điệu, không nống lên, nhưng nó chính là một thứ tình cảm làm trái tim ta như muốn vỡ ra vừa vì đau buồn vừa vì hạnh phúc. Nó là một thứ cảm xúc thuần túy nhân loại, thuần túy con người. Và, ở đây, đó là con người Việt Nam.

 

 

 *

 

 

Cao Xuân Huy, qua những dòng chữ của mình, đã giúp chúng ta nhìn rõ hơn khuôn mặt của cuộc sống. Và giúp ta nghe rõ hơn những hơi thở và nhịp tim đập của nó. Đọc những người như thế, chúng ta hiểu cuộc sống và yêu thương nó thêm. Cho dù họ có làm cho chúng ta nhận diện rõ hơn những nỗi buồn đau, xót xa của chính mình, phản chiếu qua những trang văn của họ.

 

Những trang văn, dựng lên, như một chiếc nạng, giúp con người bước qua những vết thương của cuộc chiến. Và, cũng từ những trang văn đó, tôi như ngửi được mùi thơm của một ngọn gió lành, làm se lại một vết thương đau đớn cũ.

 

Xin cám ơn nhà văn Cao Xuân Huy và những trang viết rất chân thật và đầy tình người của anh.

 

Xin vĩnh biệt bạn.

 

 

Bùi Vĩnh Phúc

California, tháng XI, 2010

 

 __________________________________________________

 

(*) Bài này được chuyển từ phần phát biểu của tác giả trong "Đêm Tương Trợ Cao Xuân Huy" do đài SBTN tại California và một số văn nghệ sĩ và thân hữu của CXH tổ chức.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Chín 20212:08 SA(Xem: 11173)
Dẫn nhập: Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, Nguyễn Tường Bách và Tôi là tên hai tác phẩm hồi ký của bác sĩ Nguyễn Tường Bách và cô giáo Hứa Bảo Liên, người bạn trăm năm của Nguyễn Tường Bách. Đây là hai bộ hồi ký đặc sắc về cuộc tình lãng mạn của một chàng trai Việt và một cô gái người Hoa ở Hà Nội cùng nổi trôi theo vận nước cho tới khi họ gặp lại nhau trên đất Côn Minh Vân Nam và trở thành đôi vợ chồng sắt son thuỷ chung với bao nhiêu tận tuỵ và hy sinh – nhưng quan trọng hơn thế nữa, đây chính là một phần của lịch sử sinh động và đầy biến động trong ngót một thế kỷ qua trong những cơn bão táp của Cách Mạng Việt Nam và cả lục địa Trung Hoa.
12 Tháng Chín 20218:12 CH(Xem: 9937)
Thật công bằng mà xét thì nhân vật cô câm (tên Cam, với nghĩa cam chịu, nhẫn nhịn) là sáng tạo có ý nghĩa hơn cả của bộ phim. Nếu không có nhân vật này, phim sẽ “nghèo” đi nhiều lắm. Cô câm giống như một “con mắt thứ hai” của khán giả cảm nhận, quan sát, đánh giá nhân vật chính là ông chủ Nguyễn- người mà cô yêu một cách say đắm, nhẫn nại và nô lệ, kể cả khi ông ta đã trở nên dại cuồng mất hết nhân tính! Hành động đáng kể nhất, mang tính chất nổi loạn và bộc lộ rõ tình yêu mù quáng của cô câm là hành động kéo lê cái tượng gỗ to bằng người thật quẳng xuống sông (hình như có hàm nghĩa là cô vứt bỏ thần tượng yêu trộm nhớ thầm của mình!) Và cô đã bị trả giá: ông chủ ấp Mê Thảo hạ lệnh bỏ rọ cô trôi sông để thế mạng!
07 Tháng Chín 20218:48 CH(Xem: 10792)
Đã từng quen thuộc với tác phẩm văn học “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, lại vốn rất có cảm tình với nhà văn này, nên hồi phim điện ảnh “Đất nước đứng lên” xuất xưởng, tôi đã háo hức tìm xem ngay. Song, trái ngược với dự đoán và mong đợi, bộ phim đồ sộ, tốn kém này đã gây cho tôi nhiều phản cảm, nhiều nỗi ấm ức muốn được giải tỏa. Rồi khi VTV thời gian vừa qua liên tục phát sóng lại bộ phim này, nhân các dịp lễ lạt kỷ niệm nào đó, tôi đã xem thêm lần nữa và thấy cần phải nói đôi lời.
14 Tháng Bảy 20215:36 CH(Xem: 11371)
Cứ mỗi lần được đi trên sông Hồng, tôi lại mê mải nhìn sang hai bên làng xóm trù phú, và cố tìm những luỹ tre làng đang bị mất dần đi… Thế mà, suốt bao đời nay, luỹ tre làng là một trong những biểu hiện quen thuộc nhất, sinh động nhất của châu thổ Bắc bộ. Nhà thơ dân dã Nguyễn Duy từng thốt lên: Thân gầy guộc, lá mong manh Mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi!
02 Tháng Bảy 20216:30 CH(Xem: 10209)
Giữa những ngày nóng nực tháng 6 này, giữa cơn "địa chấn" của lòng người trước chủ quyền Đất Nước bị xâm phạm trắng trợn từ nhiều năm nay, tôi đã bỗng nhớ đến một bài thơ yêu nước Tây Ban Nha do chính nhà văn Lưu Trọng Lư đọc cho nghe, cách đây gần ba chục năm, trong căn buồng của nhà văn đối diện phía sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
30 Tháng Sáu 20211:14 SA(Xem: 10492)
Kết thúc ba ngày hội thảo từ 11 đến 13 tháng 6 vừa qua tại Cornwall thuộc miền nam Anh Quốc, Nhóm G7 – một tổ chức gồm bẩy nước dân chủ có nền kinh tế phát triển lớn nhất là Pháp, Đức, Ý, Nhật, Mỹ, Anh và Gia Nã Đại – cùng đồng ý tham gia vào một đề xướng đầy tham vọng, đó là hỗ trợ dự án giúp các quốc gia nghèo có nhu cầu phát triển xây dựng hạ tầng cơ sở trên toàn thế giới.
28 Tháng Sáu 202112:51 CH(Xem: 10823)
1957 một tạp chí có tên Bách Khoa do hai ôngHuỳnh Văn Lang, Hoàng Minh Tuynh sáng lập, xuất bản mỗi tháng hai kỳ, với quan niệm là: “Diễn đàn chung của tất cả những người tha thiết đến các vấn đề Chính trị, Kinh tế, Văn hoá, Xã hội.” Nguồn tài chánh ban đầu của Bách Khoa là do đóng góp của một nhóm 30 người, gồm những nhà giáo, nhà báo, chuyên viên hay công tư chức cao cấp thời bấy giờ; mỗi người góp 1.000 đồng (lương tháng hàng giám đốc lúc đó khoảng 5.000 đồng) , tổng cộng được 29.500 đồng, một số tiền phải nói là khá lớn (theo TS Phạm Đỗ Chí, thì 1 US$ = 35 VN$ và số tiền ấy tương đương với hơn 20 lạng vàng theo thời giá 1957 lúc bấy giờ).
03 Tháng Sáu 202110:29 CH(Xem: 10652)
Kịch bản tuồng "Liệu đố" (chữa bệnh ghen) có thể nói là một kịch bản văn học khá kỳ lạ. Khoác cái vỏ lụng thụng của những điển tích cổ, thơ Đường, Kinh thi..., nhưng kịch bản được viết ra từ trên một thế kỷ này tận cốt lõi lại là sự sống dân gian Việt, và điều đặc biệt nhất là chứa đựng nhiều yếu tố hiện đại trong nội dung tâm lý cũng như về hình thức biểu hiện. Tôi xin mạn phép được minh chứng điều này bằng chính văn bản vở tuồng "Liệu đố" mà tôi có được trong tay nhờ các nhà nghiên cứu dịch thuật Hán Nôm của Trời Văn Bình Định (“Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - ông đồ nghệ sĩ” - Nxb Sân khấu, 2011).
16 Tháng Năm 20219:48 CH(Xem: 12496)
Ngày 5/5, TAND tỉnh Hoà Bình đã tuyên án 16 năm tù cho chị Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư. Trước đó, người con trai khác của chị, Trịnh Bá Phương bị công an chuyển từ trại giam vào viện tâm thần. Sự đàn áp khắc nghiệt của lãnh đạo ĐCS đối với gia đình chị, vô tình lại giúp tôi cảm nhận được cái “sức sống mãnh liệt” của những nông dân này. Và như Ls Đặng Đình Mạnh, tôi cũng rơi nước mắt khi đọc những chia sẻ của anh:"Chứng kiến sự đanh thép, bất khuất ... của họ tại tòa, mất tự chủ, tôi chảy nước mắt vì xấu hổ".
15 Tháng Năm 20214:04 CH(Xem: 11825)
"Gần đây, qua bao nhiêu biến cố dồn dập trong cuộc đời Trần Hoài Thư, đã đến lúc không thể không có một bài viết về người bạn văn, như một tấm thiệp mừng 50 năm ngày cưới – 50th Gold anniversary của đôi vợ chồng Nguyễn Ngọc Yến – Trần Hoài Thư, một “đám cưới nhà binh” của thế kỷ, với rất nhiều hạnh phúc cùng với nhiều khổ đau khi cả hai sắp bước vào tuổi 80. Cũng nhân đây, có một gợi ý với các bạn trẻ trong và ngoài nước đang chuẩn bị luận án tiến sĩ văn học, thì chân dung văn hoá của Trần Hoài Thư cùng với nỗ lực phục hồi Di Sản Văn Học Miền Nam 1954 – 1975 là một đề tài vô cùng phong phú và hấp dẫn, rất xứng đáng để các bạn khám phá và dấn thân vào. Các bạn cũng không còn nhiều thời gian – nói theo cách ví von của nhà văn trẻ Trần Vũ, chiếc kim đồng hồ trên tay anh Trần Hoài Thư đã chỉ 12 giờ kém 5 phút sắp qua nửa đêm và chỉ sau năm phút phù du đó, khi Trần Hoài Thư trở thành “người của trăm năm cũ”, tất cả sẽ bị lớp bụi thời gian mau chóng phủ mờ." (NTV)