- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

RANH GIỚI

12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 4915)

HoaAmDatTroi-Tranh CamTam

Hoà âm trời đất – Heaven & Earth symphony

tranh Cẩm Tâm





Trần C. T

RANH GIỚI





Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc:

“Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.”

Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.

“Tôi có hỏi Văn làm sao biết được số điện thoại của ông mà kèm chung trong tin nhắn cho tôi,” —anh lại nói— “Hắn cũng không buồn giải thích.”

Thật ra, anh “biết” Lê mà cũng như không biết. Lê là chồng của một người cháu họ của anh. Nói chi tiết theo kiểu dây mơ rễ má của người Việt, anh ta là cháu rể họ của anh. Anh có đến nhà cô cháu họ vài lần, gặp hai ba chục người trong những buổi ăn uống đông đúc, náo nhiệt đó. Nhưng đến bây giờ, nhận được tin Lê mất, anh mới giật mình nhớ ra rằng chưa bao giờ mình thật sự “thấy” Lê trong những dịp đó cả, chứ đừng nói đến có chuyện trò với anh ta lần nào chưa.

“Mình có đi ăn đám cưới hai người đó mà,” —vợ anh nhắc.

“Ồ, vậy hả,” —anh nhíu mày suy nghĩ— “Đã bao nhiêu lần mình đi ăn đám cưới mà không nhớ mặt cô dâu hay chú rể há.”

Khi cả hai ra khỏi xe, anh vừa bước xuống vừa bảo Hiệp:

“Cám ơn ông đã chịu đi với tôi hôm nay. Bà xã tôi đã nói nhất định sẽ cùng đi. Vậy mà vào xe rồi tôi ngó qua thì thấy là ông chứ không phải cô ấy.”

Cả hai im lặng đi qua bãi đậu xe rộng. Trời buổi trưa nắng gay gắt. Ở mặt tiền ngôi nhà thờ đối diện là một cảnh tượng quen thuộc của một tang lễ. Từng nhóm người tụm năm tụm ba đang rầm rì nói chuyện. Vài ba người dừng lại trước cái bàn để ghi tên vào sổ thăm viếng. Hiệp đại diện cả hai ghi tên vào sổ. Anh để ý thấy người nhà của Lê tỏ ra rất nồng hậu khi đón tiếp anh, tuy không giấu được vẻ đau buồn. Nhưng đối với Hiệp thì họ có vẻ rất thờ ơ, thậm chí có phần lạnh nhạt. Anh hơi khó chịu, liếc nhanh qua hắn thì thấy hắn vẫn giữ nét mặt thản nhiên. Hình như lúc nào hắn cũng có sẵn một nụ cười thật nhẹ, sẵn sàng cho bất cứ tình huống nào. Chắc nụ cười cố hữu đó là một trong những điều đầu tiên làm cho anh muốn trở thành bạn với hắn.

Anh và Hiệp tiến vào bên trong, ngồi xuống một băng ghế không có ai khác, tuy các chỗ còn lại trong nhà thờ đã gần như đầy người tham dự. Kiều, vợ Lê, hôm nay đẹp não nùng trong chiếc áo dài đen ôm sát người, nét mặt lạnh như băng, chạy tới chạy lui, chào chào hỏi hỏi khách khứa một cách máy móc, vô hồn. Nhưng ai nỡ trách một người còn đang bàng hoàng, sững sờ trước một điều không bao giờ có thể hiểu được.

Buổi lễ bắt đầu đúng giờ. Người Mỹ có khác. Chẳng bù với câu “tục ngữ” tân thời của người Việt hải ngoại “Không ăn đậu không phải người Mễ, không đi trễ không phải người Việt”! Người mục sư da trắng bảnh bao, trẻ măng, nói lời khai mạc, tiếp theo là những ý tưởng cao đẹp về Chúa Trời, về tình yêu của ngài, về sự sống và cái chết, về một cõi trời không còn sinh diệt.

Anh nhìn chiếc áo quan của Lê phủ đầy hoa. Chung quanh còn rất nhiều hoa khác, mặc dù tang gia đã nhắc đi nhắc lại là không nhận phúng điếu hay vòng hoa. Anh cố hình dung ra Lê nằm trong áo quan, qua bức ảnh đặt bên cạnh. Nhưng càng cố hình dung, anh lại càng thấy ra gương mặt của Tấn. Ngay lúc đó, anh chợt giật mình vì một ý nghĩ thoáng qua trong đầu. Ý nghĩ đó thật mãnh liệt, thôi thúc anh phải quay qua nói với Hiệp, trong không khí nghiêm trang, im lặng của thánh đường:

“Thôi chết, tôi đã không đi đám tang của Tấn, ông à.”

Nụ cười cố hữu của Hiệp dường như tươi hơn một chút. Tại sao hắn đáp lại lời anh vừa nói với thái độ như vậy, anh thật tình không hiểu nổi. Trong người anh bây giờ dào dạt nhiều cảm xúc khác nhau. Ân hận. Tiếc nuối. Tuyệt vọng. Buồn bã. Cùng một lúc, anh như bừng hiểu ra là Lê không thật sự nằm trong cái áo quan đó. Tấn cũng không có trong đó. Vì, như anh còn nhớ, Tấn mất ở Texas chứ không phải ở California. Và Tấn mất cách đây gần hai năm rồi, vì Covid.

Rồi, anh chợt nghiệm ra, Tấn đang ở bên kia bức màn nhung to lớn màu xanh tím trên sân khấu, sau lưng vị mục sư trẻ vẫn đang thao thao lời Chúa. Anh thấy mình cần phải gặp Tấn ngay bây giờ. Anh đứng bật dậy khỏi băng ghế. Hiệp nhìn anh, không có vẻ gì là ngạc nhiên. Anh đi như chạy về phía sân khấu, leo lên các bậc thang. Cử toạ trong nhà thờ nhốn nháo hẳn lên. Anh đi qua mặt vị mục sư. Anh ta hơi giật mình, nhưng vẫn tiếp tục nói. Nhà thờ bây giờ ồn ào với nhiều tiếng động khác nhau.

Anh chạy ào tới tấm màn, vén nó qua một bên rồi lao tiếp về phía trước, bỏ lại tất cả những huyên náo ở đằng sau. Quả như anh nghĩ, Tấn đang đứng sau tấm màn. Trước mặt hai người là một vùng biển xanh ngát. Có một pha trộn huyễn hoặc giữa tiếng rì rào của biển và một im lặng tuyệt đối của nơi hai người đang đứng. Tấn ngó anh cười, nét cười thân quen anh vẫn còn nhớ trong những lúc hai đứa ngồi hút thuốc, uống cà-phê với nhau ngày xưa. Dường như Tấn vẫn chờ đợi anh từ lâu nay, và không có vẻ gì giận anh cả. Gương mặt hắn có một màu trắng lạ lùng, hồi giờ anh chưa bao giờ thấy một màu trắng như vậy. Hồi còn sống hắn có nước da ngăm ngăm đen.

“Biển này giống biển Nha Trang của mình ngày xưa quá, phải không?” —Tấn nói với anh, tay loay hoay rút trong túi ra một điếu thuốc. Nhưng hắn thở dài vì không thể nào mồi lửa được trong làn gió biển mạnh mẽ.

“Ông không giận tôi chứ?” —anh rụt rè hỏi— “Tôi đã không đi đám tang ông được.”

“Ồ, tôi phải hỏi ông có còn giận tôi không mới phải.” —Tấn vẫn mỉm cười.

“Nếu hai đứa mình cùng hỏi nhau câu đó thì chắc không có gì đáng ngại!” —anh thở hắt ra, nhẹ nhõm.

“Để xem...” —anh lẩm nhẩm tính— “Lần cuối cùng ông và tôi gặp nhau ở Houston tới bây giờ đã hơn 20 năm. Tôi chỉ muốn gặp lại ông để nói rõ một điều. Năm tháng trôi qua, cuối cùng tôi đã định nghĩa được cảm xúc của mình, cảm xúc mà đã đưa đến chỗ chúng ta không còn liên lạc với nhau nữa, cho đến khi ông...”

“Cho đến khi tôi chết, phải không?” —Tấn cười nửa miệng— “Vậy thì, ông đã tìm được định nghĩa gì cho cảm xúc đó của ông, nếu không phải là giận hờn, vì người yêu của ông cuối cùng đã thành vợ của tôi?”

“Cũng may đó không phải là thù hằn!” —anh lúng búng nói— “Mới đầu tôi vẫn nghĩ là tôi “giận” ông, giận lắm lắm. Nhưng về lâu về dài, tôi thấy ra rằng đó chỉ là một nỗi thất vọng sâu xa. Tôi thất vọng về chính mình, không đủ bản lãnh để giữ Kim. Nếu phải giận ai, chắc tôi nên giận tôi thì đúng hơn.”

“Tôi rất tiếc vì chuyện về Kim đã làm chúng ta xa nhau,” —tiếng Tấn lẫn vào từng luồng gió mang vị mằn mặn của đại dương— “Qua đến chốn này, tôi mới hiểu được về Kim nhiều hơn.”

“Ông hiểu gì về Kim?”

“Ngày trước, ông và tôi đều thấy Kim là một đối tượng để chiếm hữu. Bây giờ, tôi mới biết rằng thực thể mà chúng ta “giành giật” với nhau không phải là chính Kim, mà chỉ là những luồng điện từ cô ấy toả ra, đáp ứng được những luồng điện từ chúng ta, đi tìm những luồng điện thích ứng với chúng.”

Tấn xoay người nhìn thẳng vào mắt anh:

“Nói khác đi, nếu có một sự giành giật nào đó ngày xưa thì chỉ là chuyện xảy ra giữa những giòng điện mang đầy cảm ứng.”

Gió càng lúc càng thổi mạnh. Hai người nghe nhau khó khăn hơn. Tấn tiếp tục nói, giọng trộn lẫn vị mặn của biển và hương tanh nồng của rong rêu.

“Vậy nhé. Giận hờn, nếu có đi chăng nữa, rốt cuộc cũng chỉ là những hiệu quả do sự tương tác hay đối chọi giữa những dòng điện với nhau. Ông và tôi, chúng ta thắc mắc không biết người này có giận người kia hay chăng. Bây giờ thì chúng ta hiểu ra hết rồi đó.”

Giọng Tấn càng lúc càng xa vắng hơn:

“Tôi đi đây. Ông đừng đi theo tôi nhé. Chưa đến lượt ông đâu. Ông đợi cho tôi đi khuất hẳn rồi hẵng về.”

Tấn quay đi, bước những bước thật nhẹ nhàng, nhưng anh thấy dường như hắn đi rất nhanh, nhanh một cách dị thường. Cả vùng biển chợt dâng đầy sương mù dày đặc. Sóng vỗ dồn dập hơn, tung toé bọt trắng xoá khi va vào bờ cát lạnh lẽo. Anh đứng im như một khối đá, buốt giá, nhìn theo Tấn mãi, cho đến lúc bóng của hắn tan biến tận xa xa, không biết vì hình bóng tự mất đi, hay vì bị sương mù xoá nhoà miên viễn.

Anh thẫn thờ quay lại phía sau, đối diện mặt trái của tấm màn nhung. Không biết giờ này tang lễ đã chấm dứt chưa. Anh khó nhọc vén tấm màn nặng nề, lách người qua bên kia. Vừa lúc đó, từ bên kia sân khấu, Kiều nắm lấy tay anh, giọng lo lắng:

“Cậu có sao không cậu? Cậu đi đâu ra đằng sau đó vậy?”

Anh đi theo Kiều băng qua sân khấu, bước xuống mấy bậc thang như kẻ mất hồn. Cử toạ, trái với ban nãy, bây giờ im lặng một cách lạ thường. Anh có cảm tưởng hàng trăm con mắt đang dán vào mình trong gian thánh đường cũng lạnh lẽo không khác gì vùng biển anh vừa đến.

“Hiệp đâu rồi, Kiều?” —anh ngơ ngác hỏi.

“Hiệp nào, cậu?” —Kiều cũng ngơ ngác hỏi lại.

“Hiệp là người đi với cậu, ngồi cạnh cậu hồi nãy đó.”

Kiều ngập ngừng nói:

“Lúc cậu mới bước vào, cháu thấy cậu đi một mình. Lúc cậu ngồi xuống băng ghế, cháu cũng thấy không có ai ngồi cạnh cậu cả.”

Anh lắc đầu, không biết nói sao. Anh ôm lấy vai Kiều, nói lời chia buồn với cô, rồi lẩm bẩm thêm vài chữ tiếng Anh mà anh cho rằng sẽ không được tự nhiên khi diễn tả bằng tiếng Việt:

“Be brave.”

Kiều nói cám ơn. Anh thất thểu quay đi. Trời bên ngoài đầy mây mù, khác hẳn với cơn nắng giòn giã lúc anh đến. Hiệp ra về khi nào mà không chờ anh. Hắn làm sao đi bộ về nhà từ đây đến tận San Clemente. Anh đi mãi mà không sao tìm ra chiếc xe mình đã lái đến với Hiệp. Trời bỗng đổ cơn mưa bóng mây. Nước mưa ào ạt tuôn xuống, tràn ngập trong không gian, phủ trùm toàn thân anh như một cái áo choàng khổng lồ. Gương mặt anh ướt đẫm, trong lòng anh nghe thổn thức bất ngờ. Từng hàng nước mát lạnh thi nhau chảy dài xuống hai má anh. Anh nghĩ, ngay lúc này, cũng khó mà phân biệt đâu là nước mưa, đâu là nước mắt.

Trần C. Trí  



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Tám 20204:54 CH(Xem: 25360)
Còn hơn một tuần nữa là bắt đầu công việc mới ở một bệnh viện khác, Na tự thưởng cho mình một chuyến du lịch ở Hawaii. Lúc mua vé không để ý, Na phải ngồi cạnh lối thoát hiểm nên không có cửa sổ nhìn ra ngắm cảnh. Cạnh Na là một chàng người Mỹ tuổi khoảng ngoài ba mươi, dáng vẻ tầm thước, mắt nâu hạt dẻ trông rất hiền, đang lặng lẽ coi phim tài liệu về thiên nhiên bằng iPad. Na cảm thấy buồn chán nên đợi lúc người ta phát đồ ăn, Na đánh bạo hỏi “mắt nâu” làm sao mà có phim coi, anh ấy bảo phải tải app của hãng hàng không về thì mới coi được phim của họ mà không cần wifi. Giờ phi cơ đang bay nên phải chờ khi có internet kết nối thì mới tải được. Thôi vậy, Na đành đọc báo và ngủ suốt chuyến bay.
17 Tháng Năm 20206:43 CH(Xem: 24635)
Quang “bản phủ”, vốn là chánh án ở Toà án nhân dân huyện. Nhưng hình dáng bên ngoài, giống y như nhân vật Bao Thanh Thiên bên tàu trong bộ phim truyền hình nhiều tập chiếu trên đài. Tối hôm trước xem phim, sáng hôm sau đến toà, từ bị can, đương sự đến nhân viên, thư ký toà…giật mình thon thót, nhìn lên ghế chánh án, cứ như thấy ông Bao Chửng ngồi trên thật. Cũng tai to mặt lớn đen sì.
23 Tháng Tư 20207:45 CH(Xem: 24153)
Cách đây ba tuần, khi con vi khuẩn độc ác xâm nhập, tấn công ồ ạt vào lãnh thổ Hoa kỳ, lúc ấy mọi người đã bắt đầu thức tỉnh lo sợ trước một cuộc chiến vô cùng gian nan, một mất một còn với kẻ thù vô hình có sức mạnh tấn công tiêu diệt hàng loạt sinh mạng con người mà loài người vẫn chưa có vũ khí chống lại chúng. Chúng không biết phân biệt già, trẻ, lớn bé hay người ấy là ai, nếu không may đến gần chúng, đụng phải chúng, coi như chúng đã chiếm đoạt cái số phận của người ấy, quyết định sống hay chết là do sự chống trả của một có thể cố gắng đánh bại chúng.
13 Tháng Tư 202011:23 CH(Xem: 25790)
Thế là từ hôm ấy trở đi, trên tất cả các phương tiện truyền thông nước nhà đều dành chỗ, dành thời lượng để tôn vinh ngài Kê. Kiểu như: “Cuộc đời ngài Kê”, “Chuyện ngài Kê”, “Ngài Kê liệt truyện”, “Tấm gương Giáo sư Kê”, “Huyền thoại Kê vàng” vân vân và vân vân. Thôi thì trăm hoa đua sắc, trăm nhà đua nở. Thơ ca nhạc họa, truyện ngắn tiểu thuyết bút ký trường thiên dài kỳ các kiểu. Thậm chí bên bộ dục còn phát động cuộc thi kể chuyện về ngài Kê trong học sinh các cấp, rầm rộ. Có con bé học trò lớp ba mãi trên Mù Căng Chải chưa xuống núi lần nào được giải nhất. Nó kể về công đức ngài Kê với các đồng bào mèo mán lô lô trên quê nó cực hay, nức nở. Hay đến nỗi ngài Kê hôm ấy mở ti vi xem cũng rơi nước mắt.
28 Tháng Ba 20206:12 CH(Xem: 24160)
Ban đầu, ông thấy người gai gai, sốt, chán ăn. Bụng bảo dạ, nhẽ mình lao động hơi quá sức. Chả là vừa tập Gym hồi đêm về sáng trên máy bay với Hải Yến xong, thì tối hôm đó lại về sân hàng chiếu ở Times city thi đấu cả đêm. Bắt buộc phải cả đêm, bởi nếu không thì khó mà sống với phòng nhì đang kỳ lửa nồng được. Dù ông biết thân trước khi lâm trận, đã viện đến bao nhiêu sự trợ giúp, ngay cả từ lúc mới xuống sân bay kia. Thế nên đêm đầu về nhà cũng làm cho em Thuận mãn nguyện. Những đêm sau thì phải cố, cũng qua bài. Gặp mặt Hội 3G, tay bắt mặt mừng ôm hôn thắm thiết, mừng công trình rực rỡ để đời đã hoàn thành. Mừng cú tuyệt tác one in hole trên chín tầng mây, thật là độc nhất vô nhị! Nhưng mấy hôm tiếp theo đi họp hành, tiệc tùng chiêu đãi nhiều thấy mệt mỏi. Càng ngày càng thấy người ốm tệ. Sốt, ho, khó thở... Hay là nhiễm cúm virus corona? Em Thuận hoảng hốt vội gọi xe đưa vào viện khám. Xe đưa ông Nam vừa đi thì cũng có xe khác đến đưa ngay cả hai mẹ con đi cách ly chống dịch.
26 Tháng Ba 202010:54 CH(Xem: 27746)
Raymond Clevie Carver Jr. sinh ngày 25 tháng Năm, 1938, là tác giả Hoa Kỳ chuyên về truyện ngắn và thơ; người được xem như một trong những nhà văn lớn của nước Mỹ. Các tác phẩm chính của Carver gồm có: Will You Please Be Quiet, Please? (1976), Furious Seasons and other stories (1977), What We Talk About When We Talk About Love (1981), Cathedral (1983), Elephant (1988), Where I'm Calling From: New & Selected Stories (1988), Short Cuts: Selected Stories (1993), Collected Stories (2009).
25 Tháng Ba 20209:32 CH(Xem: 24009)
Lúc này, bên những vết tích còn lại của bản Thái hoang tàn, Cư có cảm tưởng lạc vào nơi từng ghi dấu sự tích kể về cô gái con tạo bản đã héo hon mà chết vì mong nhớ người yêu; nhưng mọi người không sao đem nổi xác nàng ra khỏi nhà, bởi hồn nàng quyết không chịu rời đi. Bản bị hồn ma ám, không ai dám ở. Còn chàng trai nghèo thất tình, khi trở về đã ôm ấp nàng suốt bảy ngày đêm mà không biết đó là thi thể giá lạnh, giữa cái bản vắng tanh...
11 Tháng Ba 20209:23 CH(Xem: 24203)
Bây giờ ở nước ta gia đình ngài Giáo sư Kê rất nổi tiếng./ Có thể gọi là nổi như cồn. Nổi nhất nước. Bởi là do hai tay hậu duệ: nghĩa tử Hùng Văn Hạ thì chấp chính Bộ dục- văn- giao còn nam tử Giang Đình Tinh Anh thì nắm Bộ công, hai bộ trọng yếu của nước nhà. Rất hăng hái phát tài. Mà đều còn trẻ, đang đà thăng tiến hứa hẹn chủ chốt nước nhà nay mai. / Ngài Kê sau vụ đi làm chủ tịch hội đồng đào tạo cho nước nhà những ba vạn chín nghìn tiến sĩ thì yên tâm nghỉ ngơi cùng con cháu. Thi thoảng đi du lịch ngao du sơn thủy hữu tình cho vui thú tuổi già. Nghĩ đời mình cũng đã thật hào hùng, thôi nghỉ ngơi tuyệt đối…
02 Tháng Ba 202011:18 CH(Xem: 25181)
Buổi sáng tháng mười năm đó, già Mức đi biển. Một ngày như mọi ngày, không khác biệt. Một buổi hừng đông dong thuyền ra khơi, biển yên lành, gió ngon trớn. Chiếc thuyền nhỏ gắn máy hiệu Yarmar vận hành đều đều, tiếng máy nổ ròn rả đẩy cái thuyền lướt trên con sóng, bánh lái điều khiển kêu xè xè dưới làn nước.
26 Tháng Giêng 20203:45 CH(Xem: 22668)
Đường phố Sapa chìm trong thứ ánh sáng mờ ảo của đèn cao áp lẫn sương mù. Thỉnh thoảng có một hai khách du lịch trở về khách sạn, hoặc một đôi nam nữ Dao đỏ đứng tự tình bên gốc cây. Khí lạnh từ trên đỉnh Fanxipan tràn về thung lũng từng đợt. Hắn hơi co ro, khép chặt lại cổ áo. Hắn đi, lúc thì như người mộng du, lúc thì ra người như cố ý tìm kiếm một ai đó.