Phạm Ngọc Lương
"LẠC ĐÀ TRONG RỪNG THẲM"
TỰ TRUYỆN CỦA MỘT GÃ IRAQ
(kỳ 1 "chương 1, 2 và 3")
CHƯƠNG 1
Tôi yêu em.
Thật là lố bịch khi một kẻ như tôi nói ra câu ấy, nhưng tôi yêu em. Cồn cào trong tôi nỗi nhớ được nhìn thấy em vào khoảnh khắc ngắn ngủi trống trải khi chiều tàn. Tình yêu của tôi đến muộn và mặn mòi. Nhỏ giọt như những tin nhắn tôi gửi cho em.
“Hôm nay em muốn gặp ở đâu?”
Tôi ẩn dấu tình yêu của mình trong những điều nhỏ nhặt, và cần mẫn góp nhặt từng hạt cát. Thứ tình yêu tội lỗi. Mẹ đã từng rì rầm hàng đêm vào tai tôi thứ bà gọi là tội lỗi này. Và giờ, tôi vướng vào nó như một lời nguyền không phép màu hoá giải. Độc dược làm tôi yếu đi mỗi ngày. Còn em, thứ thuốc giải duy nhất vẫn cứ thơm ngát đầy quyến rũ trước mắt mà không thể chạm vào.
“Chiều nay anh có việc ở T quận, nhớ gần đó có một chỗ rất hay chỉ là hơi xa một chút. Em muốn thử không?”
“Anh nhắn địa chỉ em qua nhé”
Những điều nhỏ nhặt tôi góp lại cho em tựa như từng hạt cát sa mạc tôi thả vào chai thuỷ tinh và chờ nó đầy. Từng hạt, từng hạt nhỏ khô khốc.
Quán cà phê nằm đằng sau công viên ven rìa sông, khuất nẻo và không bắt mắt. Hiếm hoi giữa thành phố chật chội này lại có mảnh vườn rộng đến vậy. Nằm ngay chính giữa là một kiến trúc kết hợp giữa kính bao ngoài, trong tạo hình từ tre kết vào nhau vươn từ tường lên trần. Tôi không hiểu mục đích khi lấy tre làm phần chính trong kiến trúc, có thể nó biểu hiện cho một thuộc tính rất Á Đông nào đó chăng. Tôi thường ngồi bên ngoài. Những vỏ cây xù xì đủ lớn để tạo ra từng khoảng riêng tư hợp lý cho mỗi góc. Xen kẽ một vài bụi hồng mọc lên chỉa cành gai góc che cánh hồng mỏng manh. Chủ quán quả đã tạo ra một kẽ hở ổn thỏa cho vài kẻ lạc loài như tôi ẩn thân và dấu mình vào đó. Tôi từng đến đây một lần và như thể tìm thấy chốn thuộc về. Có lẽ cất giấu sâu trong tôi là mong muốn về căn nhà nhỏ với mảnh vườn con, hàng ngày ở đó linh hồn già cỗi của tôi đứng dưới tán cây nghe lá rì rào trong gió. Liệu như vậy đã đủ mãn nguyện hay chưa? Một mảnh vườn xanh mướt giữa sa mạc chẳng phải là thứ sa sỉ lắm ư? Tôi không biết. Làm sao để biết rõ về một thứ chưa từng xảy ra. Có thể đó cũng chỉ là khoảng khắc xúc động ngắn ngủi của một kẻ cô độc như tôi.
Không có lá vàng rơi, không có cái se lạnh, nhưng mùa thu quả đã đi qua thành phố này và đông đang ngự trị. Cuối tháng mười hai, trời mù mịt giăng sương. Không khí đặc quánh tới mức nhà bên cạnh chỉ cần thắp ba nén nhang là đủ để phổi nghẹn lại. Bằng một cách nào đấy, cuối cùng tôi cũng tách khỏi dòng xe tưởng chừng bất tận, dừng ở một góc hẻo lánh đằng sau công viên, bấm khoá rồi đi vào quán.
Tôi với cái thói quen cố hữu của người sắp già, luôn đến sớm hơn em, chỉ để tìm cho được một chỗ ngồi khiến mình cảm thấy an toàn. Và rồi vừa liếc nhìn xung quanh, tôi vừa xê dịch ghế quanh bàn thành hàng rào bảo vệ. Tới đó mới thực sự an tâm ngồi xuống nhìn quyển menu. Cô chủ quán, dù không còn trẻ nữa nhưng vẫn giữ vẻ quyến rũ dễ làm bất cứ giai tơ nào bối rối, đã sửng sốt khi phát hiện ra sự quái dị của tôi.
“Anh phòng thủ trước điều gì vậy?”
“Trước em”.
“Em đáng sợ vậy ư!”
“Nhan sắc của em không đáng sợ, nhưng sự ngọt ngào của em dễ làm anh lạc lối trong sa mạc”.
“Trời ơi!”
Thế rồi cô che miệng khúc khích cười bước đi. Nhưng trước em, tôi lại chẳng thể nào thốt ra những lời ca tụng. Rằng tôi muốn khen ngợi nhan sắc của em, tuổi trẻ của em, đôi mắt đẹp và buồn của em với nụ cười nhợt nhạt luôn tỏ ra bàng quan trước mọi thứ. Thi thoảng tôi cũng muốn vượt qua bức tường phòng thủ mỏng manh ấy để nhìn sâu vào tâm hồn em, rồi lại không dám. Rằng em sẽ nhận ra tôi trần trụi thế nào, và bên trong tôi luôn khát gào tôi chiếm lấy em và đặt dưới thân. Tình yêu thầm kín tôi dành cho em sẽ trở thành bất nhã, và rồi chút thân cận khiến thi thoảng em ban phát cho tôi một nụ cười đủ để tôi tham lam hút lấy không muốn rời sẽ tan biến. Tôi thích ngắm nhìn lúc em xuất thần khép hờ đôi mắt hướng về một nơi xa xăm nào đó. Ôi cái tuổi trẻ ngây thơ, dại dột luôn cố tỏ ra ngông cuồng, bí hiểm của em cuốn hút tôi đến lạ. Nhưng tôi cũng sợ sự ngạo nghễ ẩn sâu trong em, một lúc nào đó nó sẽ đưa em đi xa đến nỗi tôi không thể với tới. Chỉ cần nghĩ tới điều đó đã khiến cho những ngón tay tôi run rẩy co lại.
“Trông em có vẻ mệt mỏi?”
“Em đang tìm nhà”
“Vậy là em quyết định cho thuê chỗ đó”.
“Vâng anh, dù nhỏ, nhưng có chút mặt tiền, cũng đủ để xoay xở làm điều em thích”.
“Nếu em khó khăn, có thể hỏi anh, coi như tiền ứng trước cũng được.”
Em lười biếng dụi tàn thuốc lá vào khay, ngả người ra sau, lảng tránh ánh mắt của tôi. Đôi khi tôi đồ rằng em hiểu được suy nghĩ thật đằng sau lớp da bốc mùi của tôi, chỉ là chưa nói thẳng ra mà thôi.
“Dẫu sao cũng chưa phải bước đường cùng”.
Lắc nhẹ cốc cafe màu cánh gián với độ đặc sánh rất không giống cafe trong tay mình, tôi nhìn viên đá đang chậm rãi tan.
“Chị bạn anh có một căn nhà bỏ không đã lâu, muốn có ai đó quen biết đến ở. Nếu em không ngại xa thì anh sẽ giới thiệu. Hẳn là hợp lý thôi”.
“Khu nào hả anh?”
“Khu Tây Hồ đó em. Nhà nhỏ, có chút sân, ngõ hơi hẹp, dốc nhưng cụt, cũng an toàn, cạnh hồ nữa, từ tầng thượng nhìn ra đẹp lắm”.
Buổi chiều của tôi nhẹ hẫng trôi qua sau tiếng ừ của em. Mùi khói thuốc từ đôi môi tô son đen cứ bảng lảng đâu đây. Em lôi từ trong cặp ra gói thuốc lá sợi, lấy giấy tỉ mẩn quấn lại. Tôi nhìn ngón tay em chấm vào cốc cafe, thấm ướt một đường trên giấy gói, vết nước nâu nhợt cứ kéo dài kéo dài mãi đến không hồi kết. Em thích cảm giác được tự tay quấn thuốc, rồi ngồi cả buổi bên cốc cafe nhàn tản chờ thời gian trôi. “Cafe một mình cũng là cái thú đau thương”. Em từng nói như vậy một cách đắc ý ra chiều nghiền ngẫm. Tuổi trẻ của tôi không có cái thú đau thương như vậy, cũng không cả thời gian để phung phí, nhưng thế thì đã sao. Tôi nguyện ý ngồi cạnh em, phung phí nốt những ngày tháng cuối đời mình.
CHƯƠNG 2
Tôi tên Noor Mustafa, sinh ra tại Baghdad, trong họ Al-Mashhadany nổi tiếng ở Iraq, tổ tiên chúng tôi là sứ giả Mohammed, nên dù là ai đi chăng nữa, khi gặp người của dòng họ này cũng phải gọi là “thầy” đầy trịnh trọng. Tôi, đứa con thứ tư trong gia đình có năm anh em, luôn tự cho mình là một con bò đực gan lì, kiêu hãnh. Bố tôi là Mustafa Tahir, mẹ tên Suhaila, chị cả Sahar, anh hai Amar, anh thứ Naseer, em gái út Samar.
Thật khó để có thể đưa ra nhận xét về những anh chị em ruột thịt, những người đã gắn bó với mình suốt cả thời niên thiếu và gian khó. Có thể nói chị Sahar là người nóng tính, không chịu nghe ai, chỉ mềm mại trong cư xử khi có việc cần, hơi ích kỉ, cũng chính vì nguyên nhân này mà dường như chị luôn không hài lòng với cuộc sống của mình. Năm 1996 chị lấy chồng, nhưng mới được 3 năm, chưa có mụn con nào, anh chị đã liên tục cãi nhau, rồi chị quyết tâm li dị, quay về gia đình, đi làm tự nuôi thân. Mẹ luôn dạy chúng tôi phải biết thương quý và gắn bó với nhau, nhưng dù chị gái có nói thương chúng tôi thế nào đi nữa, cứ việc gì liên quan đến tiền chị lại vô cùng chặt chẽ. Chị là điển hình của quan niệm cho cái gì đi phải nhận lại cái khác, với ngay cả người trong nhà.
Là con trai lớn, nhưng anh Amar lại là người lười biếng nhất, ham chơi, không chịu chăm chút làm ăn, cứ có tiền trong túi là phải tìm cách tiêu cho bằng hết, mà chỉ mong ngóng tiền dễ dàng rơi xuống. Năm 1991, anh lấy vợ, có với nhau hai người con trai thì chia tay. Vợ hai cũng chỉ chịu được một thời gian ngắn, có con gái là bỏ. Đến giờ thì anh đang sống ở Syria cùng vợ ba, nhưng vẫn chứng nào tật đấy, các con đều bỏ không nuôi, cũng chẳng chú tâm vào việc gì.
Người nóng tính nhất trong nhà là anh Naseer, dễ phát cơn cuồng nộ như bị điên, rất khó kiềm chế. Tuy nhiên anh lại khỏe và khéo tay, phàm đồ điện gì hỏng anh chỉ nhìn qua là có thể sửa được ngay, hơi khái tính lại chăm chỉ, chẳng khi nào ngại việc. Anh vốn không biết cách nói chuyện trước đám đông, ngại tiếp xúc, nhưng luôn tinh vi tỏ ra ta đây là hiểu sâu biết rộng.
Cô em út được trời phú cho dáng vẻ xinh đẹp, cùng trí tuệ sắc sảo, nhưng cũng lại vô tâm, vô tính nhất. Đôi khi em không để ý rằng việc mình làm, lời mình nói có thể gây tổn thương tới người khác đến mức nào. Điều duy nhất tôi hy vọng cho em là một anh chàng tốt tính nào đó sẽ bao che cho mọi sự vụng về từ em.
Trong mắt mọi người, gia đình tôi không lấy gì làm giàu có lắm, dù rằng bố tôi luôn kiếm ra khá nhiều tiền. Nghĩ về bố cho tới giờ phút này trong tôi vẫn đầy xung đột. Ông như sự hiện diện đầy đủ của cả tài lẫn tật, tinh thần trách nhiệm cũng như thói phóng khoáng, tùy hứng, không bao giờ buồn lo nghĩ cho tương lai. Tuy nhiên, ông là tấm gương của tôi về thế nào là một người đàn ông mạnh mẽ và tình cảm, biết cách chăm sóc bản thân mình, có tiền hay không thì ăn mặc cũng phải sành điệu. Tôi di truyền từ bố tính cách, cả cách đi bộ cũng y hệt, chậm, chắc chắn, bước chân nặng. Tôi luôn thấy tình yêu đong đầy trong trái tim ông. Không hẳn là tình yêu nam nữ, ông yêu anh em, họ hàng, các cháu, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người kể cả vật chất lẫn tinh thần nên ai cũng kính nể bố. Đặc biệt là tình yêu ông dành cho bà nội lớn đến mức khi bà mất đi, tôi đã thấy nước mắt rơi không ngừng trên khuôn mặt rắn rỏi của ông.
Với các con thì ông quả là người cha nghiêm khắc nhất mực, lúc nào cũng cứng nhắc, dạy các con như thể đang đào tạo chiến binh. Có một câu ông luôn nhắc đi nhắc lại khiến tôi nhớ mãi: “Các con là con trai, phải thật đàn ông”. Cái thời mà máy bay Iran sang tận Badda đánh bom, bố bắt cả ba anh em phải lao ra đường, mua thứ gì đó cho ông, ở một điểm mà ông biết chắc là chỉ có nơi đấy bán. Chúng tôi khóc không thành tiếng, nhưng vẫn phải đi. Đến giờ thì tôi đã trải qua nhiều sự kiện trong cuộc đời, nhưng cái cảm giác bom nổ rát bên tai thời thơ bé vẫn in đậm trong tâm trí. Tay nắm chặt, nghiến răng, vừa chạy, nước mắt nước mũi vừa thi nhau rơi, mắt ráo hoảnh ngó nghiêng lên trời, chỉ sợ mảnh bom nào rơi xuống. Thế mà chỉ sau vài lần chúng tôi đã quen hẳn, gan dạ hơn và không còn sợ hãi những điều trong tưởng tượng ấy nữa. Mãi về sau này anh họ mới kể lại rằng lúc ba anh em phải đi ra ngoài trong bom đạn, thì bố luôn bắt anh ấy phải theo sát xem có làm sao không, hoặc là chính bố đi. Hóa ra điều duy nhất thúc đẩy ông hành động là muốn các con trai mình phải mạnh mẽ, không run sợ trước bất cứ điều gì, ngay cả cái chết.
“Con là đứa trẻ ngoan một cách bất thường” – mẹ vẫn hay vuốt đầu tôi và kể lại thời thơ ấu với ánh mắt đầy trìu mến. Có vẻ tôi là đứa trẻ không thường gây phiền nhiễu cho ai, không khóc, không nghịch, để một chỗ cũng không di chuyển xa, trừ khi có người bế đi. Bố làm riêng một cái cũi sắt to, nhốt tôi vào trong, mót tiểu tôi cũng nhịn. Tóc tôi nhanh dài, mắt to, xinh như búp bê, lúc nào cũng mở mắt thao láo nhìn mọi người, duy có điều lại chậm nói. Lên bốn tuổi tôi vẫn chỉ a a ư ư, mãi đến 5 tuổi mới bập bẹ từng âm tiết đầu tiên, khiến bố mừng phát khóc, gọi vội cả nhà vào nghe. Thế rồi tôi lại tiến triển rất nhanh, tập viết số, viết chữ tiếng Anh như không. Khi tôi đang học lớp 2, chiến tranh Iran – Iraq đang ở giai đoạn ác liệt nhất, bố liền phong cho tôi làm thư ký riêng, ngày ngày theo dõi chương trình thời sự trên ti vi rồi báo cáo cho bố biết có bao nhiêu quả bom Iran ném xuống Badda, bao nhiêu người bị thương, chết… Chẳng biết có phải vì thế mà tôi có năng khiếu tính toán rõ rệt, luôn đạt điểm cao nhất trong cả lớp.
Ngoan ngoãn và học giỏi khiến tôi trở thành nhân vật được yêu quý nhất trong nhà. Một lần khi hai anh trai trêu, dùng túyp nước ném gẫy chân tôi, mẹ vội vàng bế thốc tôi tới bác sĩ bó bột. Hai anh trai sợ hãi vô cùng, chạy đi trốn ở nhà bác. Bố về nhà, biết chuyện liền đùng đùng ôm tôi trong tay, đi ô tô tới nhà bác, kêu hai anh trai về. Bác đứng ra xin tha lỗi cho cháu, bố chẳng nói gì, chỉ gật đầu, nhưng vừa đi khuất khỏi con phố nhà bác, bố đã đánh ngay trong ô tô, rồi lại xách hai anh vào nhà, ném mạnh xuống đất, đánh một trận đòn thừa sống thiếu chết, đến mức mẹ sợ quá, phủ phục lên che cho hai anh. Bố thường dùng hình phạt nặng và khen thưởng để dạy dỗ chúng tôi. Ai ngoan thì ông cho 50 pen, hư thì ăn đòn rất đau. Tôi chưa ăn đòn bao giờ, nhưng hai anh trai thì nghịch ngợm, hiếu động, hay quậy phá, và mỗi lần hai anh bị đòn đau quá, tôi chỉ biết đứng ngoài khóc, xin bố nhẹ tay.
Là doanh nghiệp nhà thầu xây dựng công trình, đường xá, bố tôi còn có cổ phần trong một đại lý ô tô, và làm chủ tiệm sửa xe. Có thể nói với địa vị như thế thì chuyện tiền nong với ông là không cần nghĩ, thế mà gia đình tôi vẫn phải đi thuê nhà. Khi ông bắt đầu nhận ra sai lầm của mình, muốn sửa thì cơ hội đã qua, thời thế thay đổi, chiến tranh Iraq – Iran xảy ra, các dự án xây dựng ngừng hoạt động, gia đình chúng tôi bước vào giai đoạn khó khăn. Từ bỏ ngôi nhà thuê hạng sang ở trung tâm, chúng tôi chuyển sang khu rẻ hơn, ít người ở, đất trống nhiều. Cuộc sống xáo trộn. Trong đầu óc hồn nhiên của tôi hồi đó, sự thay đổi làm tôi buồn nhất là khi xưa được bố cho đi ăn nhà hàng cả tháng, thì bây giờ chỉ một tuần một lần. Người buồn nhất có lẽ là mẹ, nhưng chưa khi nào bà biểu lộ ra ngoài vẻ mệt mỏi hay chán chường cho đến ngày bố đột tử, mẹ tôi suy xụp hẳn.
Khi đó tôi đang đi học lớp 4, anh ba học lớp 6 cùng trường. Trưa hôm đó tôi cũng chẳng có linh cảm gì rõ rệt, chỉ nhớ chiều về, không thấy bố đâu, chỉ có mẹ ngồi khóc nức nở, bảo bố đau ngực quá, hàng xóm đưa đi viện, còn mẹ phải ngồi nhà lo lắng mà không biết làm gì. Chúng tôi hồn nhiên đi ăn, ngủ và chiều ra ngõ chờ bố. 8h tối, đột nhiên thấy anh họ tới, khóc rất to, vừa đi vừa tự dùng tay đánh vào đầu mình, và khi thấy mẹ tôi bước ra thì gào lên: “Thím ơi thím, chú mất rồi”. Chỉ mấy từ đó thôi mà tôi không còn nhận ra mẹ mình nữa, bà la lên thảng thốt, bấn loạn không biết làm gì, xé tung váy áo khiến mấy bác hàng xóm phải ra ôm chầm lấy, che người cho mẹ. Bà ngất. Lũ trẻ chúng tôi vẫn không tin đó là sự thật, trằn trọc thức cả đêm.
Hôm sau bác cả cử anh họ mang ô tô đến đón gia đình tôi về nhà bác để tổ chức tang lễ ba ngày theo đúng truyền thống, nhưng mẹ nằng nặc bắt mọi người phải đưa di thể bố về nhà đã rồi mới đi đâu thì đưa. Để xác bố ở phòng khách, mẹ mặc trang phục áo choàng đen, gọi từng người một vào để chào. Nhìn mặt ông chỉ như đang ngủ, tôi nhẹ nhàng hôn lên má như tự biết sẽ chẳng bao giờ còn được nhìn thấy nụ cười rộng mở này nữa. Đám tang của bố kéo dài ba ngày, để cho họ hàng, bạn bè ở xa đến đâu, dù đang cầm súng trên chiến trường cũng về tham dự được. Sau ba ngày thì không ai được nhắc gì tới mất mát này nữa.
Sự ra đi đột ngột của bố như một cái cớ khiến bao tấn trò cười trong họ hàng tôi phơi bày ra ánh sáng. Lòng tham không đáy, sự ích kỷ của con người, cái đớn hèn của nhân cách bị vật chất cám dỗ đã chà đạp lên cả lương tri và tình máu mủ. Cỏ trồng trên mộ bố vừa nhú màu xanh, thì tài sản đã bị các bác ruột lấy hết vì mẹ không biết gì về việc kinh doanh của bố. Từ công ty, tiệm, đến cả bàn đèn shisha bằng bạc, cái áo truyền thống làm bằng lông cừu với viền chỉ bằng sợi vàng thêu quanh cổ mà bố yêu thích cũng bị lấy mất. Rồi bác cả tới, định đón anh em chúng tôi về nuôi, vì theo lẽ thường, một người đàn bà khó mà dạy dỗ nổi chúng tôi thành đàn ông, nhưng mẹ nhất quyết không đồng ý. Sau khi bố mất, mẹ chẳng còn gì khác ngoài chúng tôi, lẽ sống, cũng là của cải quý giá nhất của mẹ. Mẹ giữ chúng tôi như con nhện cái ôm chặt bọc trứng của mình. Khi bác cả thân chinh tới, mẹ lầm lì đứng chắn ngang cửa, thách thức: “Muốn đưa chúng đi thì hãy bước qua xác tôi”. Bác cả giơ tay lên rồi buông thõng xuống. Đạo Hồi rất cấm kị chuyện đụng chạm vào người đàn bà, đó là điều thiêng. Bác bỏ đi. Gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn tưởng chừng không lối thoát. Thế rồi Thánh Allah đã gửi cậu ruột tới gánh vác phận sự của bố, thành người đàn ông chăm lo cho cả gia đình.
Khi cuộc sống chung bắt đầu, đã có lúc lũ trẻ chúng tôi tỏ ra ngang bướng và chống đối với người không phải cha nhưng luôn ép buộc phải làm thế này, làm thế khác. Không hiểu sao, tôi cảm thấy mình rất gần với cậu, có thể dễ dàng nói chuyện và thậm chí là chia sẻ với nhau trong một mức độ nào đó. Cậu luôn đặt tôi ngồi lên đùi với đôi mắt thân thiện rồi hỏi han hoặc kể câu chuyện nào đó cho tôi nghe. Dù có cậu, nhưng khó khăn vẫn còn nguyên đó, như biết thân biết phận mình, năm anh em chúng tôi cũng cố gắng để tốt hơn trong hoàn cảnh không lấy gì làm tốt đẹp này. Chị cả theo học đến cao đẳng thương mại, anh hai chỉ cố hết lớp 9 là dừng, 16 tuổi xin vào Cục cảnh vệ làm. Anh ba ráng qua lớp 9, rồi học ngành điện ở trường nghề 3 năm, em gái cũng tốt nghiệp cao đẳng công nghệ. Tôi vẫn ráng học giỏi để mẹ được an ủi.
CHƯƠNG 3
Mãi về sau này tôi mới biết, kiêu hãnh của một thằng đàn ông, là người đàn bà đồng hành bên cạnh mình. Chiếm hữu của thằng đàn ông là cả tình yêu và thể xác của cô ấy. Sự cám dỗ lớn nhất, ngọt ngào, dày vò tới thống khổ là phản bội lại cô ấy.
“Sau khi cậu chuyển tới sống cùng gia đình thì mẹ anh có đỡ vất vả hơn không?”.
Nàng vẫn ngồi trước mắt tôi, nghiêm chỉnh gõ chữ vào trong chiếc laptop mini đỏ tươi, nhìn ngó, liên tục liếc máy ghi âm cũ đang để trên bàn như thể sợ nó có thể ngừng bất cứ lúc nào.
Thứ tình yêu tội lỗi. Mẹ đã từng rì rầm hàng đêm vào tai tôi thứ bà gọi là tội lỗi này. Trong buồng riêng, những đêm bố không về, bà lôi tôi vào ngủ cùng, trằn trọc và bấn loạn. Thi thoảng bà cười rồi khóc, răng cắn chặt chăn. Tôi nhớ buổi chiều muộn khi ông bước ngả nghiêng về nhà, nhìn thấy tôi cầm chiếc ô tô nhựa ngồi trước sân, ông hềnh hệch cười: “Con biết không, bố là một người Hồi giáo hắc hoá”. Rồi ông ngả nghiêng bước lên cầu thang bộ, chiếc túi Samsonite xách trong tay đã bung khóa, những tờ Dinar phẳng phiu trong túi bay lả tả ra ngoài. Từ một góc khuất nào đó, mẹ bước nhanh ra, câm lặng, nhặt từng tờ tiền đang bay múa giữa không trung, chỉ có đôi mắt âm trầm phản kháng. Ông là đấng sáng thế, là trời, là cả thế giới của bà, đôi mắt bà chỉ được hướng về ông. Còn ông, vị thánh lại chia sẻ mình với những con chiên khác. Cảnh tượng ấy cứ tua đi tua lại chậm rãi, và tôi, trong dạng mơ hồ ấy, phải chăng sự phấn khích của phản bội đã ngấm dần vào, trong ánh mắt mẹ và sự hả hê của ông.
Yêu thương quả là điều khó hiểu. Giờ đây, lại một lần nữa tôi thấy cậu và mẹ cãi nhau chỉ vì chuyện dạy dỗ năm đứa cháu. Tận sâu trong trái tim, tôi không hiểu điều gì đã khiến cậu ở lại nhà mình với sự hy sinh không mưu cầu đáp lại như thế. Nhìn cách cậu chăm sóc mẹ, những giọt mồ hôi nhỏ ra để lấy được miếng ăn về cho lũ cháu, đó hẳn là tình thương lớn nhất trên thế giới này mà tôi từng chứng kiến. Còn mẹ, như thể nỗi mất mát của số phận mãi chẳng thể làm mẹ nguôi quên. Ngay cả khi biết dù em trai có muốn đánh cũng chỉ để răn đe lũ trẻ thôi, nhưng mẹ vẫn lao tới ngăn và quát vào mặt cậu: “Ai cho phép mày làm thế? Chỉ có tao mới được chạm vào chúng, hiểu không! Chỉ tao mới có quyền”. Là thương tích trong lòng bà vĩnh viễn không khép miệng. Vĩnh viễn.
“Em biết không, cái ngày mà mẹ anh không cho bác cả mang lũ trẻ là anh đây rời đi, cũng chính là ngày bà tự cắt đứt bọn anh khỏi vòng bảo hộ của bên nội. Ở một đất nước lấy vinh quang của dòng tộc đặt ngang với danh dự, thì một người đàn bà vốn chỉ nên ngồi nhà với bầy con nhỏ phải tự xoay xở thế nào? Nếu không có cậu...”.
Tôi thì thào, tự nhấn chìm mình trong dòng lũ của hồi ức. Mà cũng thần kì sao, vào những lúc đó, em sẽ im lặng. Thi thoảng em thận trọng và tỏ vẻ e dè khác tuổi.
Ngày nào cậu cũng uống như kẻ nát rượu, uống đến không kiểm soát nổi, rồi bị phát hiện tiểu đường, chân dần xưng tấy, không thể đi lại được. May mà cậu là thợ giỏi, nên dù ốm, xe công ty vẫn đưa đến tận nhà đón cậu đi chỉ đạo cho thợ làm nội thất. Chúng tôi cũng được cậu dạy cho nghề mộc, chắt bóp vẫn có thể sống được. Sau đó cậu bị biến chứng của tiểu đường, xương chân biến thành màu đen, phải nằm viện. Khi thấy bệnh tình trở nặng hơn nữa, cậu đồng ý cắt chân thì đã trễ, bác sĩ nói thẳng là cậu chỉ còn trụ thêm trong đau đớn mấy tháng nữa thôi. Cậu mất năm 1992, ở cái tuổi 45. Khi cậu mất, tôi bỏ dở cuộc thi chuyển cấp buổi thứ hai, về tới đầu ngõ, thấy hai anh trai đang đứng ngoài khóc và mấy người hàng xóm ồn ào động viên thì tôi đoán được ngay điều gì đã xảy ra. Cũng vì nghỉ các buổi thi tiếp theo để lo tang lễ cậu nên sau này tôi đã phải học lại.
Lúc mất, cậu vẫn còn ở bệnh viện, ba anh em chúng tôi phải tới nhà xác để đưa cậu về làm tang lễ. Trong căn phòng rộng thênh thang, lạnh lẽo, chỉ một màu trắng cùng những cái giường đặt xác chết quẩn quanh tử khí. Cậu nằm đó, chăn trùm kín mặt với cái chân hoại tử bốc ra mùi thối khủng khiếp. Chúng tôi nín thở, lấy khăn che ngang mũi ngăn bớt mùi hôi, lặng lẽ đi vào trong, quấn cậu vào cái chăn mang theo, cố gắng hết sức mang cậu ra ngoài. Tôi thấy lòng mình đắng ngắt dù không một giọt nước mắt nào trào ra ngoài.
Tôi ngồi cạnh nàng trên cái chiếu cũ mòn vẹt trải trên vỉa hè bằng xi măng ven hồ. Gió hồ lồng lộng thổi sương lạnh len qua lớp áo mỏng. Lũ kiến đen chạy thành hàng dài men theo các kẽ gạch. Trên lưng của chúng là những mảnh vụn li ti thức ăn rơi rớt của loài người. Tôi thả một sợi mực khô xé xuống, và nhanh chóng, nó góp mình vào vòng luân chuyển thực phẩm không một kẽ hở lãng phí này. Một con kiến ngó nghiêng hai cọng râu đen nhánh trên đầu, hơi nghênh phần đầu về phía tôi như thể tìm xem còn sự tử tế nào đến tiếp sau đó hay không. Tôi hồ nghi nó sẽ nói từ cảm ơn nếu có thể.
Nàng rít sâu một hơi thuốc, phà khói giữa những ngón tay thon mảnh sơn đen xì của mình, nhìn tôi ghét bỏ gẩy những sợi râu mực cứng còng trong đĩa sang một bên.
“Râu mực là phần được ưu ái nhất đó anh”
“Ừ, anh biết, dân tộc em thích những thứ dai, vừa cứng vừa dai lại càng tốt”.
“Anh như vậy gọi là hai mặt đó. Trước mặt người khác, anh khen không hết lời, nhưng càng tiếp xúc, em lại chỉ nghe toàn mặt xấu. Đâu mới thật là anh?”
“Có gì lạ đâu em, anh nhìn thấy cả hai mặt của vấn đề, và anh nói điều phù hợp trong hoàn cảnh cụ thể”.
“Ý anh là em phản diện?”.
“Đó không phải nguyện vọng chân chính của em, cô gái, đừng xấu hổ, nó liên quan nhiều tới tuổi trẻ”.
Nhìn vào em, tôi không thấy một chút tuổi trẻ nào của mình trong đó. Những âu sầu của em, bất mãn, tự ngược và cả bất cần trong đó, tôi đều thấy nhưng không thể nào đồng cảm nổi. Giữa tôi và em là vách ngăn rõ ràng của thời gian, ngay cả tình yêu, vâng, tình yêu, thứ tình yêu dù là thần thánh hay tội lỗi, nó chẳng có sức mạnh vạn năng gì cả để vượt qua vách ngăn đó. Nó bất lực và run rẩy.
Người bán hàng thi thoảng lia mắt qua cái chiếu chúng tôi đang ngồi lên. Một đĩa nhựa đựng mực khô, cá nướng, vài miếng xoài, củ đậu, dưa chuột đặt lẫn trong muối ớt cạnh nhau, đĩa hạt hướng dương, thêm thứ gọi là rượu đựng trong chai nhựa uống nước dùng lại. Chừng đó đủ cho em ngồi suốt tối bên vỉa hè, run run theo từng cơn gió lạnh thổi qua, ngửi đủ mùi khói bụi từ dòng xe máy chưa từng đứt đoạn phóng qua bên cạnh. Cái mà em thu về là gì? Cảm giác lạc hẳn giữa dòng người ư? An tĩnh ngồi đó nhìn đủ các gương mặt đầy lo lắng lướt qua mình để đi tới mục tiêu nào đó? Để rồi nghĩ rằng mình khác biệt, mình to lớn hơn, mình không có những lo lắng tầm thường như thế? Một tâm hồn to lớn và khác biệt. Còn tôi thì nhìn vào tâm hồn của em, một tâm hồn bất an, chắc em không biết sẽ có ngày em cũng hoà vào dòng người như thế với những lo lắng tầm thường nhỏ nhặt. Khi nào thì em sẽ bị cuộc đời quật cho tỉnh? Hai năm, năm năm, hay phải mười năm nữa em mới nhận ra điều này? Hay may mắn hơn, em cứ thế mà lơ lửng giữa cuộc đời. Hoặc bằng một sự thần kỳ nào đó, có tảng đá nào đó sẽ tới cạnh em, kiên định và thuần nhất bắt lấy sợi dây duy nhất ràng buộc em lại, và cứ thế kéo em đi, bảo hộ em. Tôi không nhìn thấy người đấy là tôi. Tương lai của em không có bóng dáng mình trong đó. Điều hiển nhiên này hãi hùng sao, lại làm tôi thấy buồn bã.
“Em thân thuộc với ai nhất trong gia đình mình?”
“Chắc là bà em”.
“Em vẫn có thể hình dung về bà?”
“Em không giỏi mô tả đâu. Chẳng lẽ nói bà có hai mắt, một mũi, một mồm và hai tai hả?”
“Không cần nói ra, chỉ là trong đầu, khi nghĩ về bà, em còn hình dung ra mặt bà không?”
Tôi nhìn sâu vào mắt em và chỉ thấy sự bối rối đọng lại. Một ngày nào đó, nghe ai đó vô tình nhắc tới tên tôi, và em sẽ cố hình dung một giai đoạn trong cuộc đời, từng có đôi mắt nhìn về em như thế. Liệu lúc đó em đã tìm ra được một danh hiệu chính xác nào dành cho tôi hay chưa. Thằng khốn, gã biến thái, kẻ ái mộ ngu xuẩn, tình yêu cũ hay đơn giản chỉ là người từng hợp tác.
“Thực ra em biết không, càng là người thân thiết với mình, lạ thay, lại càng khó để nhớ rõ từng chi tiết”.
“Ngày bà mất, em thừ ra, và không nhỏ nổi một giọt nước mắt. Người tới viếng còn xì xào sau lưng em là đứa cháu bất hiếu”. Ngừng một lúc như thể lấy hơi, rồi em hạ giọng xuống. “Đôi khi em thấy mình vô cảm”.
Em ngẩng cổ lên trời. Một làn khói theo khoé môi em tản ra, lẩn trốn vào bóng tối đang bủa vây lấy chúng tôi. Xa xa nước hồ theo gió xao động đùa giỡn với đủ thứ ánh sáng từ đèn chiếu xuống. Trăng đã chẳng còn là thứ diễm lệ duy nhất trên trần thế nữa.
“Có một chuyện, anh nói với em, nhưng đừng ghi lại nhé”.
“Vâng”.
“Cậu của anh, ông ấy đã bỏ mặc người vợ cưới hỏi đàng hoàng của mình, mà tới ở tại gia đình anh. Không có vợ này thì lấy vợ khác, nhưng chị gái tôi chỉ có một. Cậu quát vào mặt vợ mình như thế, khi cô ấy tới tìm. Sự tồn tại của cậu trong anh luôn đầy mâu thuẫn. Nhưng cũng chưa bao giờ anh thực sự chạm được vào suy nghĩ của cậu. Thâm tâm anh luôn muốn hỏi: điều bất hạnh nào đã khiến cậu uống rượu hàng ngày như hũ chìm thế. Vâng, cái điều bất hạnh nào đã tìm đến với cuộc đời của cậu”.
Tôi thấy rõ đôi mắt của em đang dần mở to ra, nhìn sững vào tôi. Đôi mắt đam mê tưởng tượng và cả thứ gọi là thuyết âm mưu như cánh cửa mở ra thế giới mới đầy huyền bí. Đôi mắt với hiểu biết hạn hữu của mình lại cứ thích đi sâu vào mày mò trong những ngăn chứa bí mật của con người. Sự thật ẩn sau hành động đó là gì? Chẳng có bí mật gì đâu em, vì người duy nhất biết bí mật ấy đã tan vào hư vô rồi. Còn tôi, tôi chẳng còn hứng thú với bí mật của ai khác nữa.
Phạm Ngọc Lương
* Còn tiếp những kỳ sau
- Từ khóa :
- PHẠM NGỌC LƯƠNG