- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TỐI HẬU THƯ

13 Tháng Chín 20221:55 CH(Xem: 14925)


LE MNH PHONG
Tranh Lê Minh Phong

 

Truyện ngắn

Ngô Quốc Phương

TỐI HẬU THƯ

 

 

 

Thượng Hải, 19h, một ngày tháng Tám

Hầy à, ngày xưa… bố... hoạt động thế là để đánh... lũ thực dân, đế quốc, cứu nước, bây giờ... con làm thế để... làm gì? Cẩn thận... chỉ mang oán khổ... cho dân! vị Đại tá già trong lần tỉnh táo hiếm hoi bên giường bệnh, khó nhọc nói với người con trai cùng ngành mới từ nước ngoài về.

Thôi, pá pa đừng nói nhiều nữa, mệt rồi, đầu óc ít tỉnh táo, pá pa nghỉ đi! Con ra với mẹ và các em, người con trai có quân hàm khá cao cấp của ngành vừa nói, vừa kéo chăn che phần ngực gầy hơi hở ra của bệnh nhân già, trong phòng gắn máy lạnh.

Mẹ kiếp, ra ngoài được hơn nữa phút, thượng tá nói với em gái, nặng nợ, bao giờ gánh nặng mới đi, vẫn còn đó, thỉnh thoảng lại thở ra, ảnh hưởng hết con cháu.

Ấy, bác nói nhỏ thôi, bọn xung quanh nó nghe thấy không hay, cô em gái nay cũng đeo lon kha khá trong ngành mật khẽ bảo ông anh và đưa một gói xì gà La Havane ra định mời người anh.

Thôi, để lúc khác, bên kia anh còn nhiều, ông anh nói rồi ra mắt bảo hạ cấp đang ngồi phía ngoài xa chuẩn bị xe để ra về.

Anh nói cô nghe, ngày xưa khi ông nội còn ghế, chính anh đã nhắc ông là ông nên mềm dẻo, đừng có thái độ nọ kia ở cơ quan, kẻo ảnh hưởng con cháu. Nếu ông đã nghe, thì một là anh và chú và cả mấy anh chị em đã thuận lợi biết bao, đỡ mất bao năm vất vả, lận đận, hai là ông nội về hưu là chắc lon Tướng, chứ không phải là như bây giờ. Thượng tá bảo cô em gái, mắt đánh ngược vào cửa sổ của căn phòng bệnh.

Nhưng thời của ông khác, thời anh em mình khác, anh nên thông cảm với ông, ông sẽ được vui! Người em gái nhẹ giọng.

Tất nhiên là tao thông cảm thì tao mới về thế này, chứ công việc bận rộn bỏ mẹ! Thôi, anh lại có việc đi, chắc tuần sau, tháng sau ông có thể khó qua, mọi việc anh dặn mấy anh chị em râu rể và mội người ở nhà cứ thế mà làm.

 

 

***


Soho, 21h, vẫn còn trong tháng Tám

Mẹ kiếp, làm bao nhiêu việc bao nhiêu năm, bố trí bao đầu mối, theo dõi và bẩm báo bao đầu tin, chỉ điểm bao đầu mối bất đồng, phản loạn trong ngoài nước, chưa kể dàn dựng hết vụ thâm nhập nọ, bố trí vụ chui sâu kia mà vẫn còn chưa đủ. Bây giờ lại bắt nọ, bắt kia, dọa là nếu không hoàn tất đúng ý chỉ huy cấp cao, sẽ bị xem lại vị trí công việc và bác các kế hoạch, đề xuất!, Số một ngồi đó, mắt nhìn xa xăm, điếu xì gà tưởng như đã tắt, chỉ mấy ngón tay của người đang cầm nó mới biết nó còn âm ỉ ra sao, bao lâu, còn trong đầu tự nói như đang lẩm bẩm.

Chúng nó có biết rằng để dàn xếp, đánh người vào đây, biến chỗ này thành platform đa tầng, đa chức năng để làm bàn đạp cho các tuyến tha hồ hoạt động ta đã mất bao nhiêu công sức không?

Đầu tiên là phải lừa được thằng thủ trưởng cũ, thiên tả của tòa báo, trở cờ nửa vời từ quốc sang cộng, để nó cút xéo đi theo gia đình của nó cho rộng chỗ, sách giáo khoa ngành dạy rồi “đã làm tình báo chui sâu, thì phải leo cao và lãnh đạo trong cơ quan mình thâm nhập, chớ để có kẻ khác ngồi trên đầu mình cản trở”, hắn, một thằng sính chữ, nhưng nhẹ dạ, để lại chỗ quý báu này cho ta vào chiếm lĩnh, từ đó mới có thể chui sâu, leo cao, rồi để không chỉ lũng đoạn platform, mà từ bàn đạp đó đánh rộng ra nội bộ đối phương, tiếp cận bao nhiêu đầu mối, sắp đặt hoạt động của bao nhiêu đặc tình, dọn ổ cho biết bao cơ sở, rồi tư vấn kịp thời về thông tin về ý đồ, chiến lược, kế hoạch, nhân sự của xứ người và bộ máy của chúng, nhân sự và các nguồn lực, lực lượng của chúng, cung cấp cho trung tâm ở quê nhà, mà cái khó là lại phải đi ra an toàn từ thâm cung hệ thống chính quyền, đảng phái, nghi viện, truyền thông, cộng đồng của họ, đâu có phải là chuyện nhỏ và dễ dàng?

Vậy mà chúng còn đòi hỏi gì nữa?

Mẹ, chúng mày ép quá, tao sẽ có cách, hay là chúng mày đã có kế hoạch để thằng số hai, hay thằng số ba, hay con số bốn, thằng số năm... hay bọn trung tâm thứ cấp kia ở hải ngoại với bọn con ông cháu cha mới tuyển vào vài năm nay, ngoi lên thay thế chỗ của ta và đá ta sang chỗ khác sau mấy chục năm ta đã yên bề cắm rễ?

Đừng tưởng ta dễ chơi. Cực chẳng đã ta sẽ đào tẩu, hoặc đơn giản là làm đặc tình hai, ba, thâm chí bốn mang cho chúng mày biết tay!

Số một vẫn ngồi đó, nhưng đầu óc thì như một đôi chân, đi đi, lại lại trong căn phòng chỉ huy, điều khiển của tuyến, không cách xa lắm nơi hàng ngày vẫn đóng kịch ra vào làm việc trong vỏ bọc lãnh đạo một cơ quan báo chí, truyền thông, nằm trong một hãng có khả năng gây ảnh hưởng dư luận và dẫn dắt chính trị quốc tế, khu vực.

Mẹ, tao đào tẩu đấy, tối hậu thư à, tao đã làm gì mà để đến mức chúng mày phải ra tối hậu thư.

Chẳng qua chúng mày trâu buộc ghét bò  ăn thôi!

Chúng mày phải biết, tao chui sâu leo cao ở nước ngoài mấy chục năm qua là do tao có đại tài, có trình cao, có khả năng diễn giỏi hơn bất cứ đưa nào mà chúng mày đã, đang, thậm chí sẽ gửi qua đây để hòng thay thế ta.

Tao mất công học bao nhiêu ngoại ngữ, bỏ giấc mơ thiện lành để vào ngành thổ tả này, rồi sau đó bỏ bao nhiêu thời gian ra để ngủ với đủ loại đàn bà tây, phi, bồ, trắng, đen, nâu, đủ loại xứ người, (trong đó có cả con vợ đương kim của ta đây)... nhất là bọn sếp đàn bà, phải đong đưa quà cáp, ngửi hít, liếm láp chúng, dù chúng có đứa già hơn cả mẹ tao ngày xưa, lại phải mất bao nhiêu công sức để đối phó ngày đêm với áp lực kép hai, ba, bốn là đòi hỏi của tuyến, giật dây từ trung ương, từ trung tâm bên ngoài, cho tới cả chi bộ đặc biệt ở cơ quan, mà chính chi bộ ấy do ta góp tay lập nên chứ ai, để thi triển bao kế hoạch, chiến dịch lớn nhỏ, làm hài lòng và thăng chức cho bao quan chức ở hải ngoại và trung tâm quê nhà. Nói cho ngay nhé, những tấm huân huy chương, mề đay, chức quyền, tài sản của các người, giàu sang của con cái, vợ con các người, là có phần mồ hôi, công sức của ta đó! Lũ vô ơn. Bây giờ lại đòi cho ta nghỉ hưu giữa chừng à! Đừng hòng!

Ta ở đây lâu quen rồi, bảo ta sang xứ khác ngay cạnh đây bên châu Âu, chưa chắc ta đã đi, ngỡ là bảo rút ta về, còn ông già của ta nếu ông không qua khỏi, thì ông cứ đi thôi. Ông một ngả, ta một đường.

Mà ông già đó nằm mê mệt suốt thì không sao, cứ lúc ta về thì lại hơi tỉnh thì lại thở ra dạy dỗ, trong khi máy móc chúng nó ghi hình, ghi âm lén giăng đầy buồng.

Ông phải biết thời ông khác, thời tôi khác, điều đứa em gái nói cũng đúng đấy, chỉ có khác ở cách hiểu thôi.

Thời ông là còn dân, còn mình, còn thời tôi là... còn đôla, còn Euro, còn đồng Bảng, còn Nhân dân Tệ, thậm chí Cuba tệ, Bắc Hàn tệ là còn mình!

Ok, quay lại vụ "tối hậu thư", chính ta chứ không phải các người sẽ đưa ra tối hậu thư!, số một gằn giọng.

Và điều kiện của ta đây, nếu các người không để ta yên, ta sẽ cho cả London, Brussels, Berin, Paris, Bonn, Washington D.C., New York, Prague, Warsaw, Budapest, Brussels…, cho tới Canberra, Melbourne,  Singapore, Hán Thành, Tokyo, Bangkok, PhnomPeng v.v... đủ thứ biết rõ cả mạng lưới đặc tình của các người, à của tụi ta, ở đâu, làm gì, tổ chức ra sao, dày mỏng thế nào.

Ta nói là sẽ làm, chứ còn khi đó, bọn như đứa số 2 thân tuyên giáo, phản gián, thành ủy, đứa số 3 chui sâu vào công đoàn cánh tả, thực ra là đặc tình gắn với liên ngành bên nhà, đứa số 4 thân đại Tổng cục thuộc bộ quốc phòng, đứa số 5, dù được bố trí nghỉ hưu giả, thuộc tuyến ngoại giao, rồi bọn 6, 7, 8…, tụi xyz, abc…, rồi cả lò cả lũ trong ngoài các tòa đại sứ, đại diện thương mại, trong hội doanh nghiệp, kiều dân hải ngoại, hội hữu nghị, nhóm trí thức, chuyên gia yêu nước, câu lạc bộ văn nghệ sỹ xa quê, chưa kể các loại đặc tình, đầu mối, bọn cộng tác viên, bọn cảm tình tây, phi, bồ, trắng, nâu, lai vân vân, vân mây đủ loại kia lần lượt bị phơi trắng bụng và nướng lò là bình thường.

Các người tính sao, khi ta sẽ xì thông tin ra để liên tục các sứ quán của các người sẽ mất từ một nửa, tới thậm chí ba phần năm cán bộ ở hàng loạt nước và văn phòng đại diện ngoại giao, và chúng, bọn công khai, bán công khai, bọn bất hợp pháp, đặc tình đủ loại v.v… sẽ bị trục xuất nhất loạt về nước trong một vài tháng tới, nhất là trong đó có bọn đội lốt nhà báo, phóng viên, đại diện hãng tin, thương mại, bọn học giả, học thật, tụi nghiên cứu sinh, thực tập viên khoa học, công nghệ này nọ, kia khác?

Tỉu nà ma tụi bay! Người không động đến ta, thì ta không động đến người! Nhất là đừng động đến ghế, tiền bạc và vị trí đang hưởng lạc của ta, sự sung sướng yên ấm mấy chục năm qua của gia đình ta tại đây!

Số một tiếp tục trầm ngâm, nhưng trong đầu, có một đôi chân đang cuồng loạn đi lại giậm gót giày trên sàn, trong căn phòng được tuyến thuê dài hạn ở Soho, với mấy cánh tay lúc thì như đập bàn, lúc như đập ghế, lúc vung lên như chém dao, hay ngón tay siết lại như sắp nổ súng vào đầu, vào mặt, vào gáy ai!

Bên ngoài, bỗng có tiếng gõ cửa, mặc dù phòng đã được cài tín hiệu "không làm phiền!"

Một trợ lý đưa một mảnh giấy nhỏ vào, rồi cô ta bước ra ngay, sau khi nhìn thấy mặt số một đang nhăn lại, méo mó!

***

Mẹ kiếp vừa bay sang, ngồi chưa ấm chỗ, lại bay về?

Vậy là bố già đi rồi? Hy vọng đây là tin thật, chứ không phải là cạm bẫy!

Nói đoạn, số một liền mở máy, chuẩn bị liên lạc với đầu mối ở quê nhà để thẩm định "tin nhà" độc lập.

"Đéo thể nào tin bọn sỹ quan điều kiển, bọn case officers chó má nào hết, kể cả bọn thủ trưởng nữa và ngay cả khi có cái đám ma kia!", Số một lại lẩm bẩm trong đầu, một tay bấm phím bấm điệu nghệ để gõ mật khẩu vào, tay kia khẽ vẩy tàn từ điếu xì gà vẫn âm ỉ cháy nãy giờ, vào một chậu hoa giả để cách không xa bệ chiếc cửa sổ cũ vốn đã được bịt kín mít…

NQP, London, 26/8/2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 104925)
Sáng hôm nay ông Năm nhấp nhỏm ngồi đứng không yên. Hết ngồi xuống lại đứng lên. Ông bước chầm chậm lại gần cửa kiếng lớn phía sau nhà, nghiêng mình nhìn xéo qua cái hàn thử biểu để ngoài trời. Ông nhướng mắt rán nhìn cái màu đỏ của thuỷ ngân, coi nó lên xuống tới mức nào. Có thấy gì đâu, cái lằn đỏ nhỏ xíu, lờ mờ.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 32482)
Sau các chương tiểu thuyết Khi Phong Linh Vỡ đã công bố trên Hợp Lưu, Đặng Thơ Thơ trở lại với thể loại tự truyện và bút pháp cực cảm của mình. Mở Tương Lai ghi lại cái chết của vợ nhà văn Hoàng Đạo, bà ngoại của tác giả, và ghi lại câu chuyện của chính tác giả thuộc thế hệ thứ 3 của Tự Lực Văn Đoàn. "Ba mươi năm đủ để một đứa bé lớn lên, thành người, rồi chết đi mà không cần đến chiến tranh bom đạn..."
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 39613)
Tàu lắc lư chạy trong đêm. Hành khách ba miền của bao nhiêu âm ngữ đã đồng tiếng ngáy. Ngay sát mặt tôi, dưới gầm ghế là hai bàn chân giao chỉ với ngón cái xòe ra, dính đầy bùn đất của anh nông dân vừa lên tắt hai bao sắn qua cửa sổ. Trên ghế đối diện, thuộc về giai cấp khác, mấy ông cán bộ đi công tác với cặp táp, điếu cày đang ép nhau ngồi.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 135886)
Thạnh móc trong túi ra một miếng vải được buộc túm chặt bằng lạt tre, cẩn thận gỡ sợi lạt. Một dúm muối hột đen bẩn hiện ra. Thạnh trân trọng, nâng niu múc, vừa chẵn được hai thìa, đổ vào bát của Tường.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 43221)
Ban đầu chúng tôi nằm cạnh nhau. Tôi tựa đầu lên chiếc gối lam nhìn ra bầu trời phía Tây Bắc ngang vòm cửa sổ. Bầu trời đục mây, những đám mây xám di chuyển nhanh và gần qua chóp những cao ốc; những cao ốc dựng ngược, đâm thẳng lên trời, án ngữ gần hết diện tích cửa sổ phòng. Lấm tấm trên mặt diện tích ấy là những vệt sáng vừa thắp. Những chấm sáng hòa với một thứ màu dị hợm của hoàng hôn úa đọng lung linh lên màu hồng máu trên cánh cửa kính.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 40249)
LTS: Tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1938 tại Quảng Nam, Cung Tích Biền thuộc thế hệ nhà văn hứng chịu và tham dự trực tiếp nội chiến. Theo học Văn Khoa Huế, Luật Khoa Sàigòn trước khi bị động viên rồi trải qua nhiều đơn vị pháo binh, thiết giáp của quân lực VNCH cho đến ngày giải ngũ vì thương tích năm 1973, nhà văn khởi đăng truyện ngắn đầu tiên trên tuần báo Nghệ Thuật vào năm 1966.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 119284)
Dực đã đi rất đỗi nhẹ nhàng. Dực đang chỉ chạm khẽ mũi giầy vào bậc thang gỗ. Cảm giác Dực đang bay. Bậc cầu thang nâu bóng mầu thời gian, nâu bóng rêu phong những kiếp người hình trôn ốc. Có người đang nhìn Dực, nhiều người đang nhìn Dực. Họ kinh ngạc trân trối ngóc đầu lên những bậc cầu thang gỗ.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 31159)
Tôi có bàn tay nhỏ nhắn và mềm mại hiếm thấy. Bàn tay không thay đổi theo mùa hay béo gầy cơ thể. Thụ bảo bàn tay tôi không tuổi tác trọng lượng. Hồi hai mươi tuổi, mới ra trường nằm nhà ba tháng, chỉ ăn và ngủ, cơ thể trồi lên những múi thịt, nhưng bàn tay tôi vẫn mảnh dẻ.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 33765)
Em chết rồi. Vậy là em đã chết rồi. Em không biết mình có đau đớn trước khi chết hay không. Vì em chẳng biết gì khi sắp chết. Một gói thuốc chuột Trung Quốc em mua của những người nhà quê ra phố bán dạo. Họ mở vài bản nhạc xưa cũ thật buồn và thật cười. Ngày trước em nghe họ rao những câu vần vè có cả chuột ta chuột tây trong ấy, bây giờ cấm rồi, chỉ nghe những lời hát rề rà, cọt kẹt, nhừa nhựa.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 34821)
Cuối tháng Ba, tôi về thăm quê. Quê tôi ở tỉnh Đông, nhưng gia đình đã chuyển vào vùng kinh tế mới ở Bảo Lộc, Lâm Đồng từ sau gày miền Nam giải phóng. Tình cờ lúc qua đò Vạn tôi lại gặp bá Vần. Bá hỏi: “Anh về một mình?” Tôi đáp: “Vâng”. Bá hỏi tiếp: “Anh về lâu không?” Tôi nói: “Thưa bá, cháu về được một tuần”. Bá Vần nghĩ một lúc rồi bảo: “Thế thì ngày mai anh nên thu xếp đến thăm cái Hà. Nó đang nằm ở bệnh viện huyện. Bệnh nặng lắm, có lẽ không qua được”