- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MÂY HỒNG

07 Tháng Bảy 20222:40 CH(Xem: 8477)
nui-thien-nhan-2_1634791462
Núi Thiên Nhẫn - ảnh Internet

MÂY BỒNG

Truyện ngắn của Nguyễn Trường



Lưng chừng núi Thiên Nhẫn, cây cối thưa thớt, cỏ xanh bát ngát điểm xuyết những bụi hoa mua bông tim tím, xen lẫn những cây cúc đắng nở hoa vàng rập rờn trước làn gió nhẹ. Không gian yên tĩnh, trong lành, mát ngọt. Thỉnh thoảng ẩn hiện những chú hươu, nai sắc vàng nhởn nhơ gặm cỏ.

Nhìn đàn thú rừng, Nguyễn Du  trao cung tên cho Nguyễn Ức, nói nhỏ:

- Đến lượt đệ, Huynh tin vào tay cung của đệ.

Nguyễn Ức lẳng lặng nhận cung tên từ tay anh, giương cung, “tách”, mũi tên  bay thẳng về chú nai đầu đàn vừa ngẩng lên, cặp sừng cong cong chỉa ra nhiều nhánh thật hài hòa cân đối. Mũi tên lọt qua cặp sừng làm chú nai giật mình, chạy vút đi kéo theo cả đàn cùng bỏ chạy nhanh như làn gió.

Nguyễn Du cười, sảng khoái:

-Ôi, Hoàng Tín Đại Phu, Trung thành môn vệ úy mà bắn trượt mục tiêu ư?

Hai anh em cùng chạy đến bên bụi hoa mua nơi chú nai ban nãy vừa đứng gặm cỏ, cùng thưởng thức hương thơm thoang thoảng của bầy động vật hiền lành còn vương trên cỏ ướt. Nguyễn Ức cười bẻ lại ông anh:

-Còn huynh, thuộc lòng 18 thứ binh khí, binh thư mà lúc nãy cũng bắn trượt con hươu to như con bò, hì hì.

Hai anh em ngồi trên cỏ, trêu chọc nhau. Cả hai không nói ra, họ đều cố tình bắn trượt mục tiêu, vì đi săn là để thư giãn sau nhiều năm căng thẳng, chứ không muốn sát sinh. Mỗi bữa đi săn về, “chiến lợi phẩm” của họ thu được là trái cây rừng, măng tre, mộc nhĩ, nấm hương...Nhưng dân trong vùng vẫn gọi họ là “Hồng Sơn Liệp Hộ” ( Phường săn núi Hồng).

Sau gần mười năm “gió bụi”, Nguyễn Du mới trở về quê hương, với sông Lam, núi Hồng. Hai anh em đều ngỡ ngàng vì làng Tiên Điền trở nên tiêu điều xơ xác. Những ngôi nhà xinh xắn, những vườn cây sum suê trái ngọt đã bị đốt phá, ngổn ngang nền nhà gạch đá nham nhở, những cây cổ thụ trơ gốc cháy xém. Đó là quang cảnh sau cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Quýnh- anh cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du năm Tân Hợi 1791. Đâu rồi khung cảnh người cha trở về quê hương trong chiếc xe tứ mã, lót cỏ bồ êm ái. Cảnh đón rước quan Tể tướng đầu triều về trí sĩ, ngựa xe như nước. Dinh ông “Lâu đài dãy dọc tòa ngang” với thư viện trùng điệp sách còn đọng mãi trong ký ức của Nguyễn Du khi cậu mới sáu tuổi. Bây giờ dinh thự bị đốt sạch. Nguyễn Du xót xa than: “ Hồng Lĩnh vô gia, huynh đệ tán”. Hai anh em nhận sự giao phó của người anh cùng cha mẹ là Nguyễn Nễ, xây dựng lại từ đường họ Nguyễn Tiên Điền. Nguyễn Nễ làm Đông Các đại học sĩ cho vua Tây Sơn Cảnh Thịnh tận trong kinh thành Phú Xuân. Nay anh đã nhậm chức Hiệp Tán Nhung vụ Quy Nhơn. Nhớ anh, Nguyễn Du làm bài thơ  Ức gia huynh, thương anh phải vượt đèo Hải Vân trong đêm trên đường lởm chởm đá, lam chướng ngùn ngụt, để đi trấn giữ lục tháp thành, cuộc tương phùng có lẽ hẹn ở kiếp sau.

Còn Nguyễn Ức Tuy được tập ấm chức Hoàng Tín Đại Phu, Trung thành môn vệ úy, nhưng chưa được bao lâu, biến cố chiến tranh xóa tan mọi giấc mộng sự nghiệp. Trong anh em nhà Nguyễn Tiên Điền thì Nguyễn Du và Nguyễn Ức là hợp nhau hơn cả, cùng chí hướng, cùng bàn luận tâm đắc về thế sự, những bí mật không dễ nói với ai. Mặc dù ông anh Nguyễn Nễ, ông em rể  Vũ Trinh ra làm quan cho Tây Sơn. Còn Nguyễn Du có hoài Lê không? Nguyễn Du đã chứng kiến nỗi nhục của vua tôi Lê Chiêu Thống ở Bắc Kinh, hồi thi nhân còn bên Trung Quốc. Thi nhân thấy không thể biện minh cho vua Lê Chiêu Thống khi cầu cứu quân Thanh, rước voi về dày mả tổ. Còn Chúa Trịnh- chúa của thời cha anh mình phò tá nay vận số đã tận, chúa Trịnh Bồng đã “rũ sạch ma chướng ở đời”, bỏ đi tu tận miền rừng núi Lạng Sơn, Cao Bằng. Nguyễn Du nhìn thấy những mặt hạn chế của nhà Tây Sơn, trong suy đoán của thi nhân, triều đại này không tồn tại dài lâu. Mười năm qua Nguyễn Du vẫn đứng ngoài cuộc, với bao đêm trằn trọc nghĩ suy, buồn vì không có cơ hội mang kiến thức ra giúp nước, giúp đời, mới ba mươi tuổi mà tóc đã điểm sương. Nguyễn Du đành chọn cách đi săn để thả hồn vào sông núi quê hương, vừa thư giãn vừa ngẫm nghĩ về thời cuộc hòng tìm đường cho tương lai.

*
**

 

Một làn gió mang theo hơi mát lạnh thổi đến làm Nguyễn Ức ngẩng lên. Hướng biển Đông, một đám mây đen trông như ngọn núi khổng lồ đùn lên thật nhanh, đỉnh ngọn núi ấy tỏa ra những làn mây mỏng bay theo gió, kèm  những vệt sáng lóa, những tiếng ùng ục của sấm chớp báo hiệu trận mưa to đang kéo đến. Nguyễn Ức nhổm dậy kéo tay anh chỉ về phía chân trời:

-Sắp mưa rồi, ta mau tìm nới trú ẩn.

Nguyễn Du cũng đã nhìn thấy mối nguy đang kéo đến vội nhìn quanh. Trú mưa ở đâu đây, khi xung quanh toàn là rừng núi, vắng bóng người. Thôi cứ chạy, vừa chạy vừa tìm đường, biết đâu có chỗ trú chân.

Hai anh em chạy thật nhanh. Gió càng lúc càng thổi mạnh, những giọt mưa rắc xuống dày hơn, hai anh em cứ theo đường mòn mà chạy.

Xa xa có ngôi nhà tranh, hai anh em nhằm hướng đó chạy tới. Họ vượt qua những vườn chè trồng thẳng hàng, cắt tỉa bằng phẳng, đến cổng một ngôi nhà rào dậu cẩn thận. Mưa nặng hạt, hai anh em cảm thấy lạnh. Nguyễn Ức lớn tiếng gọi:

-Chủ nhà ơi.

Một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi, mặc quần áo nâu, tóc búi sáu gáy, áo tơi che đầu chạy ra mở cổng, nói:

-Mời quý khách vào, nhanh nhanh kẻo ướt hết rồi.

Hai anh em đứng dưới mái hiên, run rẩy vì lạnh. Chủ nhà nhìn hai người khách ăn mặc giản dị, nhưng tướng mạo phi thường, toát lên vẻ nho nhã, lưng đeo cung tên, chứng tỏ là người dòng dõi đi săn giải trí nên mạnh dạn:

-Mời tráng sĩ vào nhà, cứ ngồi nghỉ ở hai chiếc ghế bên kia cho đỡ lạnh.

Rồi anh bước sang gian kế bên. Một lát anh bưng ra bình nước, vừa rót nước ra hai cái bát, vừa nói:

-Mời tráng sĩ xơi nước,  chè vườn nhà mới hãm, nhị vị uống cho ấm.

Hai bát nước nóng, lan tỏa làn hơi mỏng, sóng sánh màu vàng xanh, thoang thoảng hương thơm của loài chè quý. Ngay lúc ấy anh em Nguyễn Du trông thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, quần áo nâu giản dị, dáng tiên phong đạo cốt, chống cây gậy trúc bước ra. Cụ cười vui, nheo nheo đôi mắt hiền từ nhìn hai người khách nói:

- Có phải là Hồng Sơn Liệp Hộ đó không?

Nguyễn Du ngạc nhiên:

Thưa cụ, sao cụ lại biết anh em chúng con ạ?

-Hà hà, người trong vùng vẫn đồn anh em nhà Nguyễn Tiên Điền hay đi săn núi Hồng, hôm nay rất vui được gặp mặt.

Nguyễn Ức lên tiếng:

-Thưa cụ, có phải chúng con đang được hân hạnh gặp La Sơn Phu Tử không ạ?

- Đó là người đời gọi quá lên, lão chỉ là ông già lú lẫn mà thôi.

Nguyễn Du vô cũng ngạc nghiên, không ngờ mình lại gặp Nguyễn Thiếp. Quả là Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Sau này lớn lên Nguyễn Du nghe danh Lục Niên tiên sinh, ông là học trò của cha mình. Chính cha đã dìu dắt, động viên Nguyễn Thiếp đi thi, rồi cũng chính Nguyễn Khản đã  tiến cử Nguyễn Thiếp ra làm quan. Nguyễn Thiếp và Nguyễn Khản là anh em cột chèo vì cả hai cùng cưới hai chị em nhà cụ Thái bộc Đặng Nguyên Túc, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân. Nguyễn Thiếp là anh, Nguyễn Khản là em. Nếu theo thứ bậc họ hàng thì Nguyễn Du gọi Nguyễn Thiếp là anh, nhưng so tuổi tác Nguyễn Thiếp lại lớn tuổi hơn Nguyễn Du quá nhiều, vào bậc cha chú nên Nguyễn Du chưa biết xưng hô ra sao. Nguyễn Thiếp cũng linh cảm được sự khó xử đó nên gọi anh em Nguyễn Du là tráng sĩ. Nguyễn Du đành chọn cách xưng hô tôn trọng chủ nhà:

-Thưa, nghe nói Lục Niên tiên sinh làm quân sư cho vua Tây Sơn trong Phú Xuân, có phúc lớn mới gặp tiên sinh ở đây.

Nguyễn Thiếp ngồi xuống ghế đối diện với anh em Nguyễn Du, vuốt râu cười:

-Chẳng ai nghe lời của lão già điên khùng này nữa đâu. Lão được Nguyễn Huệ tín nhiệm là do lời đồn đại quá lên, nhưng từ ngày vua Quang Trung băng hà thì lão biết thân phận mà từ giã về quê.

Ngừng một chút, Nguyễn Thiếp hỏi thăm gia cảnh anh em Nguyễn Du. Ông biết nhiều về Nguyễn Du qua thơ văn của thi sĩ, theo ông, Nguyễn Du sinh ra trong gia đình có truyền thống nho học, hàng ngày tiếp xúc với giới tinh hoa Bắc Hà, được học tập rèn luyện kỹ càng, nên thi sĩ có tầm văn hóa, tầm tư tương cao rộng. Ông tiên đoán Nguyễn Du sẽ còn tiến xa hơn nữa, cả về đường “hành thạch” lẫn văn chương.

 Qua trò chuyện thân mật, Nguyễn Thiếp hỏi một câu mà theo suy đoán của anh em Nguyễn Du, nó thường canh cánh trong lòng làm ông  trăn trở:

-Lão ra  giúp Tây Sơn, hẵn là giới sĩ phu Bắc Hà chê bai nhiều lắm ?

Nguyễn Du tình thiệt :

-Mọi người hiểu tiên sinh. Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc đang cần giới sĩ phu Bắc Hà ủng hộ, nên có “ Chiếu cầu hiền”,  được những người thời danh như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Ninh Tốn... ra giúp, những người có sức ảnh hưởng đến những nhà nho khác đang do dự giữa trung thành với vua Lê, chúa Trịnh hay đi theo Tây Sơn. Tiên sinh là người danh tiếng, chủ trương ở ẩn, giữ mình trong sạch, nếu ra giúp Tây Sơn sẽ có sức cỗ vũ lớn lao cho những nhà nho khác. Bởi vậy mời được tiên sinh là cách làm khôn khéo của Nguyễn Huệ. Nhưng giới sĩ phu cũng biết, Nguyễn Huệ đã bốn lần gửi thư, cho người đến “lều tranh” mời, lời lẽ nhún nhường và cầu thị, kèm theo lễ vật rất hậu nhưng tiên sinh vẫn một mực từ chối, trả lại lễ vật. Chỉ đến khi vua Lê Chiêu Thống rước quân Thanh sang xâm chiếm nước ta thì cái thế chính nghĩa của vua Lê không còn; Quang Trung mang quân ra đánh quân Thanh xâm lược, đến Nghệ An, lại mời Phu tử ra hội kiến, lần này tiên sinh mới bàn chuyện đánh giặc với nhà vua và góp ý cách giữ bí mật, bất ngờ, đánh nhanh thắng nhanh. Việc làm của tiên sinh là vì lòng yêu nước. Tiên sinh còn trả lại lộc điền xã Nguyệt Ao cho Tây Sơn, để tỏ rõ, tiên sinh ra giúp đời giúp nước, không vì bổng lộc, vật chất tầm thường.

Nét ưu tư của trên khuôn mặt Nguyễn Thiếp giãn hẳn ra, đôi mắt hiền từ nhìn anh em Nguyễn Du như thầm biết ơn vì có người hiểu thấu tim gan mình. Ông vui vẻ:

- Thật tri kỷ, đây là nhân duyên, nhị vị ở lại ăn với lão bữa cơm dưa muối, uống cốc rượu nhạt.

Nói rồi ông quay vào gọi người nhà nấu thêm cơm đãi khách. Ngoài trời, mưa càng lúc càng lớn. Mưa rừng, to và dai dẳng, tiếng gió mưa, tiếng sấm rền không lấp được tiếng luận bàn thế sự của chủ khách.  

Rượu đã mềm môi, chủ khách thân mật hơn, có thể bàn luận thời cuộc một cách tự nhiên. Nguyễn Du hỏi Nguyễn Thiếp:

-Thưa tiên sinh, đến quân sư tài giỏi của Quang Trung là Trần Văn Kỷ cũng bị vua Cảnh Thịnh biếm chức, huống chi...Hình như nội bộ Tây Sơn đang rối?

 Nguyễn Thiếp gật đầu:

-Tráng sĩ nói không sai. Thái sư Bùi Đắc Tuyên, cậu của  Quang Toản chuyên quyền. Triều đại nào mà có người lộng quyền cũng hỏng. Bây giờ nội bộ Tây Sơn đang xào xáo, các tướng tài hãm hại lẫn nhau làm cho nhiều người giỏi chạy sang phía Nguyễn Vương. Vua Cảnh Thịnh còn nhỏ, không đủ uy lực để quy tụ tướng sĩ về một mối.

-Thưa tiên sinh, nghe nói tiên sinh quân sư cho vua Quang Trung phải “Dĩ giáo học vi tiên”, tại sao việc học lại là điều tiên quyết đối với triều đại nhà Tây Sơn?

Nguyễn Thiếp cười rất tươi, tỏ ra tâm đắc với câu hỏi của Nguyễn Du, chậm rãi nói:

-Thật ra lão còn nói với  nhà vua ba điểm để kiến quốc, đầu tiên là “Kiến quốc dĩ học vi tiên”, bởi phong trào Tây Sơn gồm chủ yếu những người khởi nghĩa “áo vải cờ đào” quê ở vùng rừng núi hẻo lánh, là nông dân ít học. Trong chiến tranh thì khả dĩ nhưng thời bình, muốn kiến quốc phải cần nhiều người có học, có tài. Mà rường cột của nhà Tây Sơn lại gồm những người như rứa. Họ không thích xiển dương sự học, coi nhà nho là hủ lậu. Bởi vậy, rất tâm đắc những lời gan ruột của lão, Quang Trung đã cho thực hiện nhưng không thành. Nhìn thấy sự bất lực của Quang Trung, lão đã nghĩ đến sự thoái trào của nhà Tây Sơn. Ngược lại ở phía Nam, Nguyễn Ánh là con cháu dòng dõi nhà chúa có lịch sử mấy trăm năm. Quan lại của họ văn võ song toàn bởi phần nhiều xuất thân từ giới tinh hoa. Họ biết dùng cả người Tây Dương làm quan, làm quân sư, rồi mở cửa buôn bán với tàu thuyền nước ngoài. Các vùng đất Cù lao Phố, Gia Định, Trấn Định (Mỹ Tho), Hà Tiên... cho người Minh Hương vào khai phá, trở nên sầm uất.  Xứ sở nào phát triển, hùng cường cuối cùng sẽ chiến thắng.

 Nguyễn Du và Nguyễn Ức cùng cảm thấy nhịp tim mình đập nhanh. Những trao đổi của Nguyễn Thiếp gần trùng khít với những bàn luận của hai anh em. Nguyễn Thiếp nổi tiếng tinh thông lý số, đoán định được quá khứ vị lai, tiếng vang ra tận Thăng Long, đến nỗi chúa Trịnh Sâm thời đó mời ông ra hỏi về vận mệnh, kể cả dự định muốn tiếm vị vua Lê. Cụ thẳng thắn khuyên chúa không nên, cho dù phật lòng chúa. Đúng là quân Tây Sơn khi tiến vào phương Nam đã đốt phá tan hoang Cù lao Phố, Gia Định, Trấn Định, Hà Tiên... Đó chính là tầm nhận thức của những người nông dân ít học như Lục Niên tiên sinh đã nói.

Tiếng sét nổ chói tai trên đỉnh núi Thiên Nhẫn, làm sóng sánh cả cốc rượu trên tay Nguyễn Du đã lâu quên uống.

*
**

 

Nguyễn Du nhìn qua khe cửa nhà tù, khuya lắm rồi. Con thuyền trăng như đang ngụp lặn trong dòng sông mây thoắt ẩn thoắt hiện. Không gian yên tĩnh, chỉ có tiếng rên rỉ của loài côn trùng ngoài bức tường đá như làm đêm càng thêm lạnh. Đã ngót trăm đêm nằm sau song sắt, Nguyễn Du không chợp mắt, lòng đau vì nỗi nước nhà, nỗi mình; tóc càng bạc thêm. Cuộc đời Nguyễn Du tưởng sống yên bình trong nhung lụa. Là con thứ bảy của quan Đại Tư đồ Nguyễn Nghiễm, thời vua Lê chúa Trịnh, có người anh Nguyễn Khản, cũng từng làm quan Tể tướng, nhưng không ngờ tai nạn liên tiếp giáng xuống Nguyễn Du khi cậu còn thơ bé: Mới mười hai tuổi Nguyễn Du mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải nương nhờ người anh cùng cha khác mẹ Nguyễn Khản. Nhưng không may, Nguyễn Khản bị bệnh, chết sau vụ kiêu binh lộng hành, đốt phá cả dinh thự, rồi Tây Sơn kéo quân ra Bắc...

Sau thời gian đó Nguyễn Du sang Trung Quốc chu du muôn dặm sông hồ. Gần ba năm trời, vừa trải nghiệm vừa quan sát, Nguyễn Du đã có tầm nhìn cao rộng, hiểu biết thêm về thiên hạ, cũng như nhân tình thế thái.

Trong thời gian ở quê Nguyễn Du làm nhiều bài thơ triết lý về lẽ sống, chán cảnh phải cười khóc theo thiên hạ vì sợ bị quan quân theo dõi, o ép, không khí ngột ngạt.

Nhưng quê hương có nhiều cảnh đẹp: Một sắc hoa cúc vàng trước ngõ, trong  nắng cuối thu. Trời cao xanh, tiếng sáo vang từng không. Rặng núi xa xa, thấp thoáng rừng phong thu đã nhuộm vàng. Nguyễn Du thường đi săn cùng con chó vàng đốm trắng, cổ đeo chuông vàng. Thả mình vào thiên nhiên rộng lớn, thi sĩ ngắm núi Hồng ẩn mình trong rừng đào tươi như dãi lụa; có khi leo lên đỉnh núi Dũng Quyết còn in di tích thành ông Ninh,  xưa là bãi chiến trường diễn ra các trận đánh ác liệt giữa quân Trịnh- Nguyễn. Đứng trên cao nhìn xuống dòng sông Lam uốn khúc mềm mại như dãi lụa bạch, thi nhân thấy dạt dào tình yêu quê hương. Non sông nay đã liền một dãi, nhưng lòng người vẫn còn chia cắt. Nguyễn Du vẫn không thể ra hợp tác với Tây Sơn bởi nhiều lẽ, trong khi tuổi cứ một ngày một chồng chất, sự nghiệp vẫn hai bàn tay trắng, nhiều lúc Chưa rửa mười năm hờn tráng sĩ/ Vỗ gươm mà hát ngóng mây bồng. Đó mới là cái chí, là tâm sự thật của Nguyễn Du.

Hôm anh em Nguyễn Du ghé nhà Nguyễn Thiếp không qua khỏi con mắt cú vọ của quan Trấn thủ Nghệ An Nguyễn Văn Thận. Tin anh em Nguyễn Du về quê hay đi lang thang trên núi Hồng được quan trấn thủ đặc biệt chú ý. Anh em họ đi săn nhiều ngày mà vẫn không bắn được con thú nào? Có phải anh em Nguyễn Du đang nối bước người anh Nguyễn Quýnh, khảo sát vùng rừng núi này để làm căn cứ dựng cờ khởi nghĩa? Họ vào nhà Nguyễn Thiếp, bàn bạc những gì? Hỏi Nguyễn Thiếp ư? Hơi khó vì sợ thất lễ. Gia đình Nguyễn Thiếp ở ẩn trong núi, họ trồng lương thực, rau củ, chăn nuôi gia súc, mọi sinh hoạt đều tự cung tự cấp. Tuy vậy học trò của cụ vẫn xuống chợ phiên tháng đôi lần mua những đồ thiết yếu. Nguyễn Văn Thận đón bắt người học trò này, đe dọa, tra tấn. Anh ta phải khai những gì Nguyễn Thiếp và anh em Nguyễn Du đã bình luận, do tò mò nghe lỏm câu được câu chăng.

Quan Trấn thủ Nghệ An nhận định: Năm trước Nguyễn Du đã vào đến Phú Xuân, nhưng không thể đi đường bộ để vào Gia Định, đành trở về, rất có thể Nguyễn Du sẽ vào Gia Định theo Nguyễn Ánh bằng đường thủy. Ông cho người theo dõi anh em nhà Tiên Điền và phát hiện ra Nguyễn Du đã chọn hai người đàn ông có kinh nghiệm đi biển, đang chuẩn bị thuyền buồm, chờ ngày rời bến. Quan trấn thủ Nghệ An cho hai chiến thuyền lớn, có buồm to, quân đông chờ sẵn khi thuyền của Nguyễn Du ra cửa biển, dong buồm xuôi về phương Nam sẽ chặn bắt.

Gần nửa năm sau, đến thời kỳ thuận gió thuyền của Nguyễn Du mới nhổ neo. Lập tức quan trấn thủ Nghệ An ra lệnh đuổi theo. Họ bắt được thuyền của Nguyễn Du ngoài cửa Hội. Hai người đàn ông cùng đi với Nguyễn Du bị đòn đau phải khai thật hành trình, Nguyễn Du bị tống vào tù. Chứng cứ rành rành, tội phản quốc, chạy theo giặc, phen này Nguyễn Du khó tránh khỏi cái chết.

Nguyễn Du thao thức lo cho Nguyễn Ức, không biết em có bị liên lụy? Dạo này Nguyễn Du càng nhớ Hồ Xuân Hương, cô gái con thầy đồ  Hồ Phi Diễn, làng Nghi Tàm, tuổi tròn trăng, xinh xắn, nhí nhảnh, thông minh, giỏi cả chữ Hán, chữ Nôm, có những vần thơ lay động trái tim bao người; nhớ những kỷ niệm cùng nàng bơi thuyền hái sen trên hồ Tây, Hoa sen ai cũng ưa/ Cuống sen chẳng ai thích/ Trong cuống có mành tơ/ Vấn vương không thể dứt. Nhớ những lần bình văn, xướng họa thi ca bên nhau ở Cổ Nguyệt đường. Tuy  họ đã xa nhau nhưng Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Nhớ lần nàng lặn lội ra tận bến Thạch Đình tiễn chàng xuống thuyền để chàng về quê, họ lìa nhau như vầng trăng xẻ nửa. Nguyễn Du không ngờ sau này, vào năm Quý Dậu,( 1813) khi Nguyễn Du được thăng Cần chánh điện học sĩ, Hồ Xuân Hương đã có chồng con vẫn còn “ Muôn nghìn nhớ nhung” qua bài  thơ “ Cảm cựu kim trình Cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu”.

 Giờ đây trong tù không có giấy bút Nguyễn Du làm thơ rồi ghi vào trí nhớ, bài đầu tiên: Cảm hứng trong tù: Tứ hải phong trần gia quốc lệ/ Thập tuần lao ngục tử sinh tâm  rồi thở dài, chết thì không sợ, nhưng tiếc cho sự nghiệp dở dang, uổng công bao nhiêu năm đèn sách mà không giúp ích gì cho đời. Tiếc cho dự định sáng tác lại Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bằng tiếng Nôm, thể loại thơ lục bát. Lần đi điền dã bên Trung Quốc năm trước thi sĩ mua được cuốn sách này. Cốt truyện kể về mối tình Kim-Kiều rất đau lòng, mô tả nỗi bất hạnh của nàng Kiều tài sắc nhưng phận bạc, cũng còn bởi xã hội nhiễu nhương vô nhân tính. Đó là loại tiểu thuyết đạo lý, chú trọng vào những chi tiết ly kỳ, thuần về giải trí. Nguyễn Du muốn dựng lại thiên truyện bằng nghệ thuật mới trên nền hiện thực, những điều trông thấy, lồng trong thế giới tâm linh ảo diệu để nhân vật tìm đường trong vô thức, nâng lên tầm tư tưởng mới. Nghệ sĩ phải thể hiện nó bằng nghệ thuật điêu luyện, giàu hình ảnh sinh động, càng mới mẽ càng hay. Thi sĩ nghe rung lên âm hưởng dân ca Quan họ Bắc Ninh quê ngoại, xen lẫn tiếng hát diễn chèo vùng đồng bằng Bắc bộ, nhất là làn điệu dân ca xứ Nghệ quê hương. Phải chăng đó chính  giọng điệu Đoạn trường tân thanh?

Nguyễn Du thở dài, nếu mình chết đi thì Đoạn trường tân thanh cũng theo xuống mồ. Thật uổng công trình kể xiết mấy mươi. Trời ơi, sao Ông lại nỡ đối xử bất công với ta như vậy? Đúng là Chữ tài liền với chữ tai một vần. Nguyễn Du sực tỉnh, phải chăng thân phận của mình cũng như phận mỏng nàng Kiều? Nàng cũng ba chìm bảy nỗi. Nàng hai lần sa vào lầu xanh, cũng như mình sa vào ngục tối. Thanh lâu không làm nàng vẫn đục, còn ta, chốn lao lung có giữ được tiết tháo? Mình sẽ gửi tâm sự trong thân phận của nàng. Nàng sẽ nói thay ta những khát vọng, yêu thương, những nghĩ suy về thời cuộc...  Đây rồi, chủ đề của Đoạn trường tân thanh: Tài mệnh tương đố!  Phải cho nàng Kiều chiến đấu, không chịu cúi đầu khuất phục số mệnh, không được đánh mất thiện lương... Cuộc đời ta phải do chính mình làm chủ, phải thoát khỏi cái nhà tù này. Nguyễn Du  khe khẽ đọc: Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Những câu thơ mở đầu cho trường ca “Đoạn trường tân thanh” ngân lên rất tự nhiên, suôn sẻ...Thi sĩ chợt nghĩ đến cái kết Đoạn trường tân thanh, dù xã hội đang loạn ly, nhưng hãy cho Kim- Kiều đoàn viên giống hạnh phúc một ngày chúa Nguyễn thống nhất sơn hà, chấm đứt loạn lạc, như Nguyễn Thiếp đã tiên đoán trong tiếng sấm rền ở non Hồng.

Nguyễn Du vô cùng sung sướng, vụt đứng dậy, nhìn qua song cửa nhà tù. Vầng trăng chợt nhô lên, vượt khỏi dòng sông mây, tròn vành vạnh... Tiếng gà xa xa gọi bình minh ló dạng. Dòng sông mây như ngừng trôi ráng hồng cả đường chân trời.

Nguyễn Trường

N.T.

Chú thích:

-Những chữ in nghiêng là thơ và mượn ý thơ Nguyễn Du.

- Có tài liệu cho rằng Nguyễn Du được tặng Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân khi đi sứ bên Trung Quốc và sáng tác truyện Kiều khi đã ra làm quan cho nhà Nguyễn, khoảng năm 1814- 1820 v.vv...

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Giêng 202211:19 CH(Xem: 8975)
Trong một ngôi nhà của quan lại ở Kinh thành Thăng Long, có một cuộc gặp kín giữa vài nho sĩ vốn là tôi trung của nhà Lê, cùng đôi người thuộc phe chúa Trịnh. Siêu quận công, danh sĩ Ôn Như Nguyễn Gia Thiều cũng ở đó. Sau mấy câu bàn luận về thời cuộc, một vị cầm tờ giấy viết đặc chữ Nho, đứng dậy vẻ hể hả: - Tôi xin hiến các vị một bài hành, vừa viết đêm trước đây!
25 Tháng Giêng 202210:43 CH(Xem: 9093)
Lật bật mà Tết lại sắp tới. Làng xóm đó đây thảy đều chộn rộn đón xuân về, mỗi nhà mỗi kiểu. Mấy năm trước, lúc nào cô Thơm cũng thấy lòng mình dửng dưng trước những dấu hiệu của một mùa xuân đang trở lại. Chợ búa thay màu đổi sắc, rực rỡ hẳn lên với những mặt hàng dành riêng cho tết nhứt. Từ hai mươi tháng Chạp trở đi, ba má cô đã háo hức sửa soạn mọi thứ như vẫn làm từ năm này qua năm khác. Nhắm mắt lại, cô Thơm có thể mường tượng ra cảnh dưới bếp, má cô lễ mễ mang về những món cần thiết để chuẩn bị nấu mâm cơm cúng giao thừa và đầu năm. Hay trên gian nhà chính, ba cô đang dọn dẹp lại bàn thờ tổ tiên, lau chùi bộ lư đồng và chân đèn sáng loáng đến ngó vào cũng thấy rõ mặt mình.
24 Tháng Giêng 20229:38 CH(Xem: 9257)
“Trong khi giáo hội từ lâu đã nói rõ với thầy rằng nếu buộc phải xen vào việc chính trị, quyền bính, thì phải yêu cầu đồng thời cả hai phía đang đánh nhau kia bỏ dao, bỏ súng xuống, để cùng cứu toàn thể chúng sinh, chứ không chỉ yêu cầu có một bên, để rồi khi một bên có chính nghĩa yếu đi, thì bên tà quyền kia sẽ tiêu diệt họ, đầy đọa muôn dân toàn cõi chìm trong bể khổ, khi chúng nắm quyền bính được trong tay,” Công Lý nói thêm.
02 Tháng Giêng 20223:37 CH(Xem: 9374)
Một chương trình đại nhạc hội vinh danh, một loạt series trên truyền thông và truyền hình với vợ con cùng xuất hiện ôn lại thành tích và vinh quang của một đặc tình cỡ tá với hàng chục năm hoạt động, chui sâu leo cao ngay trước mũi phản gián của họ, rồi một chỗ làm mới chính danh và một tương lai không tồi ngồi sau một chiếc bàn đầy quyền lực. / Chen Li điểm lại những thông tin mới mà người điều khiển nói với y, trong lần liên lạc truyền tin mới nhất, mà hôm nay y sẽ phải hồi đáp cụ thể bằng hành động, bởi vì vé hồi cư cho y và gia đình, cùng các giấy tờ và tiền bạc, thẻ tín dụng ngân hàng v.v… cũng đã được gửi tới tay y theo đường giây, y hẹn.
24 Tháng Mười Hai 20214:53 CH(Xem: 9843)
“ Anh sẽ về trên chuyến bay DL1111, đến Phi trường TSN vào 10:45 pm ngày 22/12. Sẽ kịp đón Giáng Sinh cùng em . Nhớ và yêu em thật nhiều. Phan Vũ.” Bức email chỉ có vài dòng như thế, nhưng Vy đọc đi đọc lại mãi không chán. Cô nhảy chân sáo khắp nhà, cười khoe tíu tít với mọi người. Chỉ còn hơn một tuần nữa thôi, là cô sẽ gặp lại anh sau 4 năm dài xa cách. Giáng sinh năm nay là Giáng sinh hội ngộ và cũng là ngày dạm ngõ của 2 gia đình. — Tiểu đăng khoa rồi đại đăng khoa nhé. Nhất anh Vũ của mày. — Thế là một con cá lại mắc câu. Bạn bè mỗi người một câu , trêu cô. Cô mỉm cười , hồng đôi má.
24 Tháng Mười Hai 20213:50 CH(Xem: 9960)
Bi quay sang nhìn bạn, đằng sau ồn ào bên ngoài còn có một nỗi buồn gì đó. Mà cũng lạ, cô giáo cho thằng khỉ rệp nửa máu Ả Rập này đóng vai Giuse chẳng khác nào chưởi bố dân Do Thái! Ông Giuse biết được chắc phải cựa mình húng hắng ho dưới mồ. Ngoài tên và họ tìm hoài không thấy một mẫu tự latin: Mustapha Khalid Mahomed, nó còn có một bộ tóc đen quăn tít như những chiếc lò xo nhỏ mọc lộn xộn trên đầu, đặc thù của giống Bắc Phi. Ông bố Maroc mà biết đươc thằng con yêu dấu đóng vai Do Thái, dù là thánh Do Thái đi nữa, hẳn sẽ đứng tim trào máu họng! Được cái những “linh kiện” còn lại là của bà mẹ Tây Phương chính hiệu nên trông nó không đến nỗi quá lộ liễu: mắt xanh, mũi lõ, da trắng hồng, môi đỏ thắm.
08 Tháng Mười Hai 20219:20 CH(Xem: 10293)
Tôi vừa gặp một người có ít nhiều liên quan đến quãng đời xưa cũ, xa lăng lắc của mình. Đang đứng tần ngần nhìn các cây thông Giáng Sinh bằng nhựa đủ kiểu, đủ cỡ bày trong một cửa tiệm, chưa biết lựa cây nào thì tôi nghe có tiếng người hỏi từ phía sau: – Xin lỗi, cậu là cậu Việt, phải không? Tôi hơi giật mình, quay lại, thấy một người đàn ông đứng tuổi mà trước đây tôi chưa bao giờ gặp. – Dạ phải. —Tôi e dè đáp. – Tôi hơi đường đột, cậu bỏ qua cho. —Người đàn ông nói tiếp— Tôi là Nhơn, em của ông Quới, trung sĩ Quới ngày trước làm chung chỗ với ông thân của cậu.
23 Tháng Mười Một 20214:03 CH(Xem: 10032)
Chi bằng dành dụm tiền đi học luật, sau này sinh nhai bằng nghề thầy cải nhưng gã không màng, lại dốc hết tiền túi để xuất bản một tập thơ. Tập thơ là một tai họa, mỗi dòng chữ trong thơ là một nỗi cô đơn. Ngay đến xã hội gã đang sống nhưng gã luôn đắm chìm nỗi cô đơn trong đó. Gã đứng giữa đám đông nhưng luôn cảm thấy mình lạnh lẽo như đang đứng trong bốn vách tường lạnh lẽo này . Gã biến cái thuần túy cô đơn thành tâm hồn, như một thực tế bên ngoài thế giới, toàn bộ cuộc sống của gã như tan chảy vào trong. Đứng giữa đám đông nhưng tâm hồn gã luôn bất an, muốn đạp bằng tất cả mọi tầm thường, dung tục. Gã từ chối mọi thống trị của cái hời hợt, nông cạn của những thị hiếu tầm thường, chây lười , những đua đòi dục vọng thấp hèn của đám đông khiến gã chán ngán quá đổi.
23 Tháng Mười Một 20213:54 CH(Xem: 12311)
— Về Việt Nam để mua đất đầu tư... Đó là câu nói anh lặp đi lặp lại không biết chán trong những cuộc chuyện trò giữa hai vợ chồng. Bao nhiêu lần , chị nhẹ nhàng nhắc nhở cho anh nghe về chế độ mà cả anh và chị đều hiểu rất rõ ràng. Nhưng anh dường như quên tất cả . Anh tặc lưỡi , cố chấp : — Ngày trước khác. Bây giờ mọi thứ đã thay đổi hết.
18 Tháng Mười Một 20214:08 CH(Xem: 11970)
Chúng tôi đang ngồi trên bãi cỏ ven bờ hồ Xuân Hương, ngắm mặt nước phẳng lặng như chiếc gương khổng lồ. Bãi cỏ xanh dày mềm mại, sạch sẽ êm ái giống một chiếc đệm tuyệt hảo. Đầu tôi chợt nảy ra ý nghĩ, nếu bây giờ mà hai đứa tuột phăng quần áo, cùng nhau lăn lộn, làm tình trên đó thì thú biết bao. Nhưng trên con đường vòng quanh hồ, buổi sáng người xe vẫn thong thả qua. Không ồn ào gào rú như nơi thành phố chúng tôi sống. Những người, những xe lướt đi, tiếng động cơ như vọng về từ nơi xa lắm…