- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HOA HẠC

19 Tháng Mười 20217:06 CH(Xem: 12256)
HoaHac-TranC.Tri

truyện ngắn    
Trần C. Trí     
HOA HẠC   


A
nh không mất công hay thì giờ gì mấy để làm quen với cô. Vài tuần trở lại đây, anh để ý thấy cô bắt đầu chạy trong công viên này và nhiều lần ngồi nghỉ ở cùng một chiếc ghế đá với anh. Cô không tỏ ra e dè gì khi phải chia chỗ ngồi với một người đàn ông xa lạ. Mỗi lần tình cờ cùng ngồi xuống băng ghế đá, cô đều nở một nụ cười khá thân thiện với anh. Nụ cười của cô đặc biệt ở chỗ là tuy rất dễ mến, nó không có vẻ gì mời gọi một cuộc nói chuyện nào cả. Nó không tắt ngúm ngay làm cho anh cụt hứng, nhưng nó cũng không kéo dài để anh có dịp bắt chuyện với cô. Tuy vậy, anh không muốn tỏ ra là một kẻ thiếu lịch thiệp, không phải đợi cơ hội mới cho thấy rằng mình cũng có khiếu ăn nói.

– Chào mừng cô đến với công viên Griffith —Một hôm anh quyết định đi xa hơn những nụ cười xã giao.

– Cám ơn ông —Cô cười đáp lại— Ông cũng có tài quan sát đó. Công viên lớn thế này mà ông biết được tôi là một người mới đến.

– Có những người mà không cần ai có tài quan sát cũng tự nhiên gợi được sự chú ý như cô vậy. Tôi là Bình, hân hạnh được biết cô.

Cô chìa tay ra cho anh bắt rất tây:

– Còn tôi là Hallie.

– Cô có tên tiếng Việt không?

– Có, nhưng tôi không dùng đến nữa.

Trong lúc anh còn nghĩ đến câu kế tiếp thì cô đã nói luôn:

– Tôi chỉ ở lại thành phố này một thời gian ngắn thôi.

Đoạn cô láu lỉnh tiếp:

– Để tôi phỏng vấn tôi giùm ông luôn nhé. Tôi đến thành phố Thiên Thần này làm gì vậy? Thưa ông, vì một lý do mà tôi cho rằng ít người nghĩ đến. Đó là vì người ta chọn hoa hạc làm biểu tượng chính thức của thành phố.

– Hoa hạc?

– Đúng ra trong tiếng Việt người ta thường gọi hoa này là hoa thiên điểu hay chim thiên đường, nhưng tôi thích tên hoa hạc hơn. Ông thấy công viên này cũng trồng đầy loại hoa này không? Ở Nam Phi, nơi xuất xứ của loài hoa này, người ta gọi nó là hoa hạc. Tôi thấy cái tên này dễ thương hơn.

Anh gật gù:

– Kể cũng thú vị. Người ta thường đến một nơi vì công việc hay du lịch, còn cô đến đây  chỉ vì một loài hoa. Tôi đồng ý với cô là tên hoa hạc rất gợi hình. Còn chim trên thiên đường thì biết bao nhiêu loại, cô nhỉ?

Như vậy là anh và cô đã mở màn câu chuyện bằng một loài hoa. Ở những người con gái anh từng gặp, mỗi người có một vẻ lôi cuốn đàn ông một cách khác nhau. Qua những lần nói chuyện kế tiếp, anh nhận thấy vẻ lôi cuốn của cô không nằm ở sắc đẹp, sự duyên dáng hay cách ăn nói, mà ở cách cô dùng chữ nghĩa rất tự nhiên, đôi lúc đầy sáng tạo. Chẳng hạn như một hôm cô chợt thốt lên:

– Công viên này không chê vào đâu được. Chỉ có cái là lúc trời nóng sao mà lắm con lững lờ đến thế.

– Con lững lờ?

Cô cười chỉ vào những con côn trùng bé xíu có cánh đang nhởn nhơ trước mắt hai người:

– Đó, ngay trước mặt ông và tôi đây thôi.

– Ai bảo cô đó là những con lững lờ?

Cô mím môi, nói đầy vẻ tự tin:

– Không ai bảo cả. Tôi không biết chúng tên gì, nhưng thấy chúng bay mà như không bay, cứ như đứng một chỗ trong không trung, chờn vờn ngay trước mặt mình. Không gọi là lững lờ thì phải gọi là gì ạ?

Anh cố nín cười, nghe cô giải thích thấy cũng có thể ghi cái tên này vào từ điển được. Anh hỏi lại:

– Cô không thích những con lững lờ trong công viên này, nhưng ở đây có điều gì làm cho cô thích không?

Cô đảo mắt nhìn lên những hàng cây xanh mướt quanh hai người:

– Ngoài những bụi cây hoa hạc ra, tôi còn thích những cây lá cười nữa.

– Cây lá cười?

Cô bật cười khúc khích về kiểu anh hỏi bằng cách lập lại, pha lẫn một giọng đầy ngạc nhiên về những tên gọi độc đáo của cô.

– Ông không thấy sao? Những chiếc lá tròn trĩnh trên cây lúc nào cũng lao xao, lao xao một cách vui vẻ, chẳng khác gì những nụ cười dễ thương không bao giờ tắt.

Lần này thì anh cũng cười lớn. Anh nói bằng giọng hài hước:

– Tôi nghĩ cô nên soạn một cuốn từ điển về tên gọi mới của một số động vật và thực vật, chắc cô sẽ nổi tiếng.

Cô mơ màng:

– Tôi không có thì giờ làm từ điển, vì thì giờ tôi dành hết để làm thơ.

– Cô làm thơ?

Cô lại bật cười:

– Ông có biết là ông rất thích dùng loại câu hỏi mà người ta gọi là “câu hỏi vọng” hay không?

– Câu hỏi vọng?

– Tôi tự dịch từ chữ “echo question” của tiếng Anh đó —Cô thản nhiên đáp— Ông chỉ việc nói một câu khẳng định bằng ngữ điệu lên là thành câu hỏi rồi! À, tôi làm thơ nhiều lắm. Để tôi đọc cho ông nghe hai câu nhé. Cũng có liên quan đến cây lá đó.

Cô hắng giọng đọc:

buồn ta

                  mọc mộng

                  mọc mầm,

                  hôm nay

                  hoa nở ra

                   trăm đoá buồn.

Anh đăm chiêu nhận xét:

– Thơ gì mà nghe buồn quá! Buồn gì mà đến cả trăm đoá vậy?

– Không buồn thì thôi, chứ buồn thì buồn cho tới nơi luôn, ông ạ.

Một hôm khác, khi hai người có vẻ sửa soạn có một cuộc đối thoại vui vui như những lần trước thì cô vào đề ngay:

– Ông à, nếu ông có định làm bạn lâu dài với tôi thì tôi xin nhắc là tôi chỉ ở đây một thời gian ngắn thôi đó.

Anh hơi khựng lại, nhưng lập tức nhún vai, ra vẻ bất cần đời:

– Ồ, thú thật tôi rất thích những lúc nói chuyện với cô ở công viên này, nhưng tôi không định gì lâu dài cả cô ạ.

Anh khoát tay nói tiếp:

– Tôi đang ở một giai đoạn mà mỗi ngày là một tâm điểm. Trước đó và sau đó không đáng kể.

Cô mỉm cười:

– Như vậy cũng thích hợp với thời điểm có tính chất ngắn hạn này của tôi. Tôi mê thành phố này chỉ vì những bông hoa hạc, đi đâu cũng thấy chúng. Những bông hoa này gợi nhớ đến thị trấn nhỏ của tôi. Thay vì tên chính thức của nó là Vùng Đất Săn, tôi gọi nó là Thị Trấn Hoa Hạc.

– Thị trấn Hoa Hạc?

– Là vì hoa hạc mọc rất nhiều nơi tôi sinh ra và lớn lên này.

– Tôi chắc là chỗ cô ở cũng có nhiều loài hoa khác, nhưng tại sao cô đặc biệt thích hoa hạc?

– Nơi tôi ở, hoa hạc mọc nhiều đến nỗi chúng luôn luôn là hình ảnh của bông hoa mỗi khi tôi nghĩ đến hoa lá nói chung. Đối với tôi, mỗi đoá hoa hạc là một biểu tượng độc đáo của cái động và cái tĩnh giao hoà thành một. Đoá hoa là một con chim dáng vẻ đài các đang xoải cánh tung bay, nhưng cũng là một hình ảnh ung dung tự tại của sự bất động. Tôi thấy giữa loài hoa này và mình có một mối liên lạc hết sức gần gũi.

– Gần gũi ra sao? Cô có thể nói thêm một chút không?

– Cũng như hoa hạc, tôi rất năng động, thích tìm tòi, khám phá, phiêu lưu... nhưng đồng thời, tôi cũng tỉnh táo chấp nhận những gì mình biết không thể nào thay đổi.

– Còn về nơi cô lớn lên, nếu cần miêu tả nơi cô ở một cách cô đọng mà súc tích, cô sẽ nói như thế nào?

– Thị trấn của tôi chỉ có vài trăm cư dân. Nơi đó có một dòng suối chảy qua và đổ vào Dòng Sông Nga.

– Dòng sông Nga?

– Nghe giọng ông hỏi vọng như thế là biết ông ít đi đâu ra khỏi Nam Cali. Dòng sông Nga là dòng sông dài thứ nhì ở miền Bắc Cali, dài hơn cả trăm dặm và chảy qua chín quận hạt ở vùng vịnh San Francisco.

– Như vậy cô là một người làm thơ, sống ở một thị trấn nhỏ có một dòng suối chảy qua. Thật thơ mộng. Con suối này tên gì vậy?

– Tên tiếng Anh của nó rất tầm thường, không có nghĩa gì cả. Gia đình tôi gọi nó là Suối Mơ.

– Gia đình cô?

– Tên này thì không phải do tôi đặt, mà là mẹ tôi. Bà rất thích bài hát tiền chiến cùng tên này, thời điểm bà lớn lên ở Việt Nam.

– Cô có viết bài thơ nào do Suối Mơ đem cảm hứng lại không?

Cô nhún vai:

– Cũng có đôi ba bài, nhưng là một cách gián tiếp thôi. Dòng sông Nga, trái lại, đã gợi hứng cho tôi làm một bài thơ khác với lời thơ trực tiếp hơn. Có lần tôi quyết định đi dọc theo Suối Mơ để xem nó đổ vào dòng sông Nga chỗ nào. Ông không thể hình dung ra cảnh tượng một dòng suối chảy ra sông như thế nào đâu. Ngôn ngữ không diễn tả được hết nét đẹp thiên nhiên này. Tôi chỉ mượn hình ảnh dòng sông để vẽ lại cảm xúc riêng của tôi mà thôi.

– Vẽ cảm xúc?

Cô thở dài:

– Trong bài thơ khá dài đó, có những câu như sau, ông nghe nhé:

dâng lên đi,

hỡi cơn sầu

ngạo nghễ,

ta sẽ nằm

như

thân bướm mong manh,

cho da hồng

mang nặng

dấu rêu xanh,

cho nước mắt

thành

sóng đời

vỗ bến

Anh khẽ nhíu mày, bình phẩm:

– Thơ của cô hết buồn lại đến sầu, nghe rầu quá!

Cô hơi vênh mặt một chút:

– Thơ phải buồn chứ làm sao mà vui được hở ông? Con người khi buồn mới trở nên thâm trầm, mới làm ra được những vần thơ có ý nghĩa. Khi vui mình cảm thấy rỗng tuếch.

Anh nheo mắt:

– Cô có chắc thơ vui không hay được không? Thế mấy câu này thì sao?

Anh đổi giọng, ngâm nga:

                  Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót,

                  Rương chật rồi khó nhốt cả niềm vui,

                  Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi

                  Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.

Cô bĩu môi:

– Ông đừng nhận vơ là tác giả của mấy câu thơ này, kẻo ông Thâm Tâm kiện ông đấy nhé. Hồi trước, ba tôi hay đọc thơ xưa cho tôi nghe lắm. Tôi biết mấy câu này mà. Ông không thấy ngay cả ý thơ vui mà giọng thơ nghe cũng buồn man mác đó hay sao?

– Ý cô bảo là “người buồn thơ có vui đâu bao giờ,” phải không?

Cô cười xoà:

– Ông dám sửa lời thơ của cụ Nguyễn Du, tối cụ về cụ vặn cổ ông không biết chừng —Cô đổi giọng nghiêm nghị— Thật ra thì thế này, thơ tôi buồn nhưng tôi lại có một cuộc sống hạnh phúc. Tôi có một người chồng thương tôi rất mực, người mà dân Mỹ gọi là “người tình ngọt ngào thời trung học” ấy mà! Tôi có hai cháu gái sinh đôi dễ thương lắm.

Anh chợt hỏi:

– Gia đình cô vui vẻ thế, tại sao cô lại đến đây một mình?

Cô hơi ngập ngừng một chút rồi mới trả lời:

– À, cũng vì tình trạng mà dân viết lách gọi là “người viết bí đề tài” nên tôi mới đến đây vài hôm để đi tìm yên-sĩ-phi-lý-thuần đó ông ạ.

Lần nói chuyện thơ thẩn đó giữa cô và anh là lần cuối cùng, vì hôm sau, hôm sau nữa, anh không thấy cô chạy trong công viên nữa. Anh cứ thầm mong rằng cô vẫn chạy đâu đó trong công viên rộng lớn này rồi cuối cùng cũng sẽ đến ngồi nghỉ nơi băng ghế của anh, nhưng chờ mãi từ ngày này sang ngày nọ không thấy bóng dáng cô đâu. Anh chợt nhận ra rằng lâu nay mình vẫn đợi đến từng buổi chạy trong trong viên như thế này để được cùng cô đối đáp vu vơ qua lại. Rồi anh tự an ủi bằng một ý nghĩ cao thượng, rằng anh mừng cho cô chắc đã tìm lại được chàng thơ thất lạc, để có thể quay về với gia đình nhỏ êm ấm của cô và tiếp tục dệt những vần thơ, hy vọng là sẽ không buồn thảm nữa. Chạy một mình trong công viên, rồi ngồi nghỉ lẻ loi trên băng ghế đá, bỗng dưng anh có cảm tưởng như mình vừa mới trở lại cuộc sống độc thân, mặc dù từ trước tới giờ anh chưa bao giờ không độc thân cả.

Mùa hè năm đó, Huy, người bạn từ thời tiểu học, rủ anh lái xe lên miền Bắc Cali chơi, không định sẵn nơi nào đến cả. Tuy vậy, cả hai cũng muốn ghé qua một trong những vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng để thăm thú xem người ta trồng nho, làm rượu ra sao. Cả hai trải qua những ngày lái xe miên man từ thành phố này qua thành phố khác, lúc thì thấy biển cả xanh dờn một bên, lúc thì ngắm núi xanh ngắt ở bên kia. Đôi bạn thơ thẩn đi vào những khu vườn nho ngút ngàn, ghé qua nhiều quán rượu, cuối cùng dừng lại ở hạt Sonoma và ngủ qua đêm ở một thành phố nhỏ. Sáng hôm sau, hai người tiếp tục lái xe thám hiểm vùng đất thôn dã chung quanh, trải dài như không bao giờ chấm dứt. Lúc xế trưa, Huy và anh ghé lại một thị trấn nhỏ để kiếm món gì lót dạ. Vào một quán bên đường, anh hỏi ra mới biết thị trấn này tên Cazadero. Cái tên đối với anh nghe quen quen. Nghĩ một lúc anh mới vỡ lẽ ra nó chính là Vùng Đất Săn mà Hallie, cô gái anh gặp trong công viên đã nhắc đến. Huy và anh gọi hai cái sandwich và hai ly nước. Vừa ăn, anh vừa hỏi cô gái người Việt vừa mang thức ăn ra cho hai người:

– Thị trấn này chỉ có vài trăm cư dân thôi, phải không cô? Cô có biết cô nào tên Hallie không?

Cô gái nhìn anh một cách nghiêm trang:

– Có, nhưng... ông có chắc là ông muốn gặp cô Hallie đó không?

Anh hơi ngạc nhiên:

– Ồ, sao vậy? Nếu gặp được cô ấy thì cũng hay chứ ạ.

Cô gái cười bí mật:

– Vậy thì ăn xong, ông đi theo tôi đến chỗ cô Hallie.

Huy ăn uống khá khề khà, còn anh thì chỉ cố ăn cho nhanh để được đi theo cô gái đến gặp Hallie. Khi hai người ăn xong xuôi, cô gái bước ra khỏi quán, thoăn thoắt đi trước dẫn đường cho anh và Huy. Càng đi, anh nhận thấy cả ba càng đi ra khỏi nơi có nhà cửa và hướng ra chỗ đồng không mông quạnh. Cô gái cứ cắm cúi đi, không nói lời nào với hai người cả. Cuối cùng, anh rụng rời nhận ra cả ba người đang tiến vào một khu nghĩa địa. Huy quay qua ngó anh với cặp mắt đầy thắc mắc. Anh thấy toàn thân người như tê dại hẳn đi. Đến trước một ngôi mộ nhỏ, cô gái nói:

– Hallie đây nè ông!

Anh lắp bắp:

– Cô Hallie chết hồi nào vậy cô?

Cô gái thoáng nhíu mày:

– Cũng bốn, năm năm rồi.

Anh run rẩy nói:

– Không thể có chuyện như thế này được! Tôi vừa gặp cô Hallie ở Los Angeles cách đây vài tháng thôi mà.

Cô gái hỏi:

– Cô Hallie mà ông gặp nói với ông những gì?

– Cô ấy nói mình là một người làm thơ, có chồng và hai đứa con sinh đôi.

Cô gái chỉ tay vào ngôi mộ:

– Người làm thơ, có chồng, là cô Hallie nằm trong ngôi mộ này đây. Nhưng cô ta không có con cái gì hết. Có điều là khi cô ta mất, cô ta đang có bầu song sinh.

Anh cắn môi suy nghĩ:

– Nếu vậy thì cô gái tôi đã gặp chính là...

– Chắc là cô Holly, em của cô Hallie —Cô gái mỉm một nụ cười khó hiểu.

– Cô Holly? Tại sao cô ấy lại nhận mình là Hallie, người chị đã mất?

Cô gái không trả lời anh mà hướng mắt về phía nấm mộ và nói:

– Ông ra đây để thăm cô Hallie phải không? Ông chào cô ấy một tiếng đi rồi chúng ta về.

Anh nhìn nấm mộ lạc loài trong khu nghĩa địa, vì nó nằm xa hẳn những nấm mộ khác. Anh thoáng nhớ những câu thơ buồn bã mà cô gái đã đọc cho anh nghe ở công viên ngày nào. Huy nhìn bâng quơ ra tận xa xa, không mảy may xúc động trước nấm mồ của một người không quen biết.

Khi anh đưa tay ra dấu muốn về, cả ba người im lặng quay trở ra. Khi đi ngang qua những dãy mộ, cô gái cất giọng kể:

– Cô Holly là em gái song sinh với cô Hallie. Hai chị em thương nhau lắm. Tính tình của cô Holly trái ngược hẳn với chị. Cô ấy không có nghề nghiệp gì nhất định, làm đủ thứ việc. Ngoài ra, cô chỉ thích tập võ hay cưỡi ngựa, trong khi cô Hallie là cô giáo, thích làm thơ, viết văn. Về phần cô Holly, trước khi cô ấy bỏ nơi này ra đi, cô còn độc thân. Nhà các cô ấy là người Á châu duy nhất trong thị trấn này. Gia đình lúc đó rất yên ấm. Cho đến một hôm, cô Hallie phát giác ra rằng chồng mình đã ngoại tình với cô em gái. Hôm sau, cô ấy quyết định...

Cô gái thở dài như để thay lời kết cho câu chuyện.

Buổi chiều ngắc ngoải trên từng ngôi mộ. Những tia nắng yếu ớt cuối cùng trong ngày nhẹ nhàng phủ xuống vùng đất tha ma. Lúc này, anh thấy trong người lẫn lộn thật nhiều cảm xúc khác nhau. Đưa mắt nhìn quanh, bây giờ anh mới nhận ra từng bụi, từng bụi hoa hạc dại mọc rậm rạp, chập chùng trên vùng đất mênh mông bao quanh thị trấn Vùng Đất Săn này.

Cô gái đột ngột rảo bước, vượt qua anh và Huy, lầm lũi đi như bị ma đuổi. Anh ngó qua bạn, xúc động nói:

– Hoa hạc quanh đây nhiều quá, ông thấy không? Đây là loài hoa cô Hallie lúc còn sinh thời rất thích.

Bird of Paradise ấy à? —Huy lơ đãng đáp— Hoa này ở đâu chẳng có.

Đoạn anh đưa tay xoa xoa bụng:

– Tôi lại đói rồi, ông ạ!

Anh bật cười:

– Thế thì chúng ta ghé lại cái quán ban nãy kiếm gì ăn trước khi ra về vậy.

Anh ngó về phía trước. Cô gái đã đi đâu mất hút. Chắc cô đã về lại quán ăn.

Lúc hai người bạn bước vào quán, bàn ghế vắng tênh, không có thực khách nào khác. Nơi quầy bây giờ là một người đàn ông Mỹ, có vẻ là chủ quán, đang lúi húi tính tính toán toán trước một chồng giấy dày cộm. Thấy anh và Huy đang ngồi xuống cái bàn gần cửa ra vào, ông rời quầy, tiến đến gần.

– Hai anh dùng gì? —ông hỏi, giọng mỏi mệt.

Huy nhanh nhẩu đáp

– Hồi sớm chúng tôi đã đến đây ăn sandwich rồi. Chắc phải gọi món khác.

– Xúp và khoai chiên nhé? —ông chủ quán gợi ý.

– Vâng, vậy ông cho hai phần xúp và khoai chiên. —Anh nhanh chóng tán đồng.

Lúc người đàn ông vừa dợm quay đi, anh chợt hỏi:

– Cô... gì đó... về rồi hở ông?

Người chủ quán đứng lại:

– Ông nói cô nào?

– Cô bồi bàn đã đem sandwich ra cho chúng tôi hồi nãy đó. —Huy đỡ lời.

– Không có cô nào như vậy hết. —Người chủ quán nhíu mày— Quán chúng tôi chỉ có hai người, vợ tôi và tôi, nhưng hôm nay bà ấy bận việc, không ra ngoài này.

Đến lượt anh cũng nhíu mày:

– Không thể như thế được! Chính cô ấy đã mang thức ăn ra, rồi sau đó còn đưa chúng tôi ra thăm mộ cô Hallie nữa mà.

– Cô Hallie? —Người đàn ông hỏi lại, giọng như lạc đi.

– Phải. —Anh khẳng định— Ông biết cô Hallie chứ?

Người đàn ông quay hẳn người lại, đối diện anh và Huy, run run nói:

– Tôi biết cô ấy, biết rất rõ là đằng khác. Lúc còn sống, cô ấy làm việc tại quán này.

Huy chen vào, bắt đầu chú ý đến diễn tiến của sự việc. Giọng hắn không còn bình tĩnh như trước:

– Thế thì cô gái ban nãy là ai mới được?

Người chủ quán không trả lời. Ông ta như kiệt sức, không thể xoay lưng đi lại nữa. Cứ trong tư thế đó, ông loạng chạng lùi dần, lùi dần về phía quầy, hai mắt lạc thần hẳn. Anh và Huy nhìn nhau, rồi không ai bảo ai, cả hai cùng xô ghế đứng dậy, chạy ào ra khỏi quán.

Ra đến bên ngoài, hai người tiếp tục chạy thục mạng về phía chỗ đậu xe lúc mới đến. Chiếc xe nằm im lìm trong một góc, giờ đây như một chỗ nương tựa đáng tin cậy trong thời khắc gấp rút này. Huy lẹ làng bấm remote control mở cửa xe, chui tọt vào bên trong. Anh bám chặt vào bên hông xe, thở hào hển.

Buổi chiều đang nặng nề xuống, bóng tối bao phủ mọi vật thật nhanh chóng . Anh xoay người lại, nhìn cái quán mình vừa tháo chạy ra. Đèn đóm trong quán đã tắt ngúm tự lúc nào. Cái quán bây giờ đã trở thành một khối đen ngòm, trông vô cùng quái dị. Trong cơn hoảng loạn, anh thấy cái khối đen đó bỗng như cựa mình, nhão nhoẹt ra, rồi mơ hồ uốn éo, biến thành hình dạng một đoá hoa hạc khổng lồ, nổi bật trên nền trời tím sẫm của buổi hoàng hôn đang hấp hối.

 

Trần C. Trí 

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
15 Tháng Mười Hai 20214:30 SA
Khách
Truyện hay quá. Cám ơn tác giả Trần C. Trí.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Tám 20197:07 CH(Xem: 18128)
Anh vừa ra được tập thơ. Tiền đi vay, lãi suất năm phần trăm. Trên đời này, hiện giờ không có gì rẻ hơn thơ và khốn khổ như nhà thơ phải ôm sách của mình đi bán lẻ. Khi đưa bản thảo cho nhà xuất bản, anh nghĩ, việc giải quyết "đầu ra" sẽ tính sau, trước mắt làm sao có được sách đã. Đến khi cầm tám trăm cuốn Đối thoại với dòng sông trong tay anh mới thật sự hiểu thế nào là kinh tế thị trường. Anh nhẫn nhục mang thơ đi phát hành. Bán khắp mọi nơi, bán cả ở những chỗ người ta nhiều tiền nhưng không hiểu thơ và chẳng cần thơ. Cái năm phần trăm của bảy triệu hàng tháng thúc bách anh. Tại một trường phổ thông trung học, khi anh nhờ mua giúp hai chục cuốn, ông hiệu trưởng lật xem qua rồi bảo :" Chúng tôi sẽ vận động các em mua". Ba tuần sau, anh trở lại, ông hiệu trưởng khả kính mang ra chồng sách phủ dầy bụi, nói như người có lỗi :" Ông thông cảm, học sinh bây giờ không thích thơ
09 Tháng Tám 201910:17 CH(Xem: 19500)
Nghe tiếng cót két dưới sân, tôi biết ngay thằng bạn trời đánh vừa tới. Chiếc xe đạp khô dầu, nói bao nhiêu lần là chỉ cần xịt vào đó chút dầu hoặc không có dầu thì quết lên sợi dây xích chút mỡ bò là trơn tru, mà cái thằng nhất định không nghe. Tiếng cót két cứ như tiếng nghiến răng của bà hàng xóm lúc ngủ mê, nghe đến nổi cả gai ốc.
08 Tháng Tám 201912:02 SA(Xem: 18525)
Tiếng bánh sắt siết trên thiết lộ đêm khuya hay không gian yên tĩnh của sân ga luôn có một sức hút lôi cuốn, thỉnh thoảng không có cơ hội cho một chuyến đi nào, tôi thường ra sân ga chỉ để ngồi thu lu một góc nào đó mà cảm nhận sự đoàn tụ và chia ly. Chẳng vì lý do gì hoặc có thể trong cuộc đời mình mát mát quá nhiều, đưa tiễn quá nhiều mà người ở lại luôn là người buồn hơn.
06 Tháng Tám 201912:28 SA(Xem: 22114)
- Tôi có thể ngồi chung bàn với chị được không? Quán hôm nay đông quá! Hắn bưng dĩa cơm chay trong chiếc đĩa nhựa xanh rẻ tiền khom lưng đứng trước mặt người đàn bà. Người đàn bà nhẹ nhàng ngước lên, đôi mắt đầy thảng thốt : - Không được. Tôi đang chờ một người quen. Hắn quay lưng bước đi, miệng lầm rầm cáu kỉnh: - Ăn chay mà cũng giành chỗ!
03 Tháng Tám 20199:42 CH(Xem: 20194)
Tôi thường hay đọc những câu chuyện của nhiều tác giả lạ quen trên các trang web văn học hoặc trên trang mạng xã hội Face Book, có những câu chuyện rất hay của nhiều người viết văn không chuyên với lối kể chuyện thật thà, đơn giãn nhưng sâu sắc. Một người phụ nữ đã lớn tuổi thường hay nói về nỗi buồn đời mình. Hình như người ấy độc thoại, viết cho mình chứ không phải cho một ai khác, tôi nhận ra điều này bởi vì không thấy người ấy trả lời hay “like” hay hỏi ai đó trong những bình luận. Trong bất cứ bài viết nào cũng vậy, một người phụ nữ lạ lùng, bí ẩn có “nickname” nguyetnga Một hôm, tôi đọc được đoạn văn, chợt giật mình nhận ra có điều gì đó gần gủi quá, và dường như nhận ra mình trong đó
31 Tháng Bảy 201910:24 CH(Xem: 17681)
Đám người xếp hàng dài trước cái quầy gỗ. Mùa hạ, thành ra trời ẩm và nóng nực. Hắn giũ nhẹ cổ áo cho chút gió hiếm hoi lùa vào cái lồng ngực đã bắt đầu hom hem. Hắn cứ tưởng tượng thế. Thực ra hắn còn trẻ. Mới ngoài ba mươi mà già nỗi gì. Nhưng mà nhìn cuộc sống trẻ măng ở chung quanh, hắn cứ thấy mình đã bị đẩy ra ngoài khung cửa của những cuộc vui hoang loạn tuổi trẻ.
28 Tháng Bảy 20198:48 CH(Xem: 19828)
Hắn vốn chưa bao giờ tin ở Định Mệnh. Nhưng, thời gian qua, có những sự việc buộc hắn dần phải tin vào một thứ lý lẽ của Trời Đất mà hắn thường cho rằng chỉ tồn tại trong văn chương cổ… Mọi sự lại bắt đầu bằng chuyện của người hàng xóm. Gần một năm nay, hầu như lần nào cũng vậy, cứ thấy hắn về tới cổng, chàng thanh niên nhà bên cạnh lại vội nhảy ra vồn vã, hồn nhiên: - Anh ơi, đã xin được việc cho em chưa? Hắn chỉ biết gượng nở nụ cười chó thui để khỏi dội nước lạnh vào hy vọng của thằng bé. Gọi là thằng bé thì quả quá đáng, vì cậu ta cũng hơn 30 tuổi, có điều tâm trí ngây thơ như một đứa trẻ mười hai chốn quê rừng.
25 Tháng Bảy 20199:26 CH(Xem: 20809)
Hai năm trước trên chuyến bay đi Bắc Mỹ từ Saigon, tôi đã nhặt được quyển nhật ký viết dở dang này. Hẳn là của một cô gái. Một cô gái đang yêu. Mãi đến hai năm sau, trong một nỗ lực hầu như là tuyệt vọng kiếm tìm tung tích của chủ nhân quyển nhật ký này, tôi mới đăng những trang nhật ký này lên, hy vọng cô gái chủ nhân của quyển nhật ký sẽ đọc thấy. Và có hai khả năng xảy ra: Hoặc cô gái ấy còn yêu và còn buồn, cô ấy sẽ tìm tôi để nhận lại quyển nhật ký. Hoặc cô gái ấy đã hết buồn và hết yêu (hoặc là bắt đầu một tình yêu khác vui hơn), cô gái ấy đã quên những gì mình viết ra trong ngày buồn. Quyển nhật ký sẽ vẫn ở lại với tôi.
19 Tháng Bảy 201911:12 CH(Xem: 18732)
Tôi cố nén những giọt nước mắt…Đó là ngôi nhà hai tầng nằm ngã ba phố chợ. Trước nhà có hai cây Phượng Vĩ già cỗi, dưới cội cây rêu xanh đặt dăm ba chiếc bàn đón khách uống ly đá chanh ngồi tránh cái oi bức trưa hè, hoặc nhâm nhi ly cà phê chiều tàn mà ngắm nghía cái xô bồ cuộc sống. Lan can lầu treo mươi chậu Lan. Nơi chúng tôi thường tụ tập với nhau, cùng học hành, cùng vui chơi và cả những giận hờn vu vơ tuổi mới lớn.
18 Tháng Bảy 201912:24 SA(Xem: 18983)
Thật ra thì đầy đủ là phải thế này: Giang Đình Tinh Anh, con trai Giáo sư Kê, cháu nội ông cố bí thư tỉnh, cháu ngoại ông cố bộ trưởng nông lâm. Thế nên Giang Đình Tinh Anh là hậu duệ “xịn”. Chứ không phải hậu duệ “đểu”, không được chính danh lắm như tay cựu Viện trưởng hàn lâm súc sản, đương kim thượng thư Bộ Dục- Văn- Giao, Hầu Văn Hạ, à quên, nhịu: Hùng Văn Hạ!