truyện ngắn
Nguyễn Thanh Sơn
ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
Tôi ngồi trên chiếc ghế nhựa, hàng quán của gia đình cô Anh bên bãi tắm xóm Gò Nhản, lặng lẽ quan sát. Nga con gái đầu , cô em gái út là Mỹ. Anh - Nga - Mỹ. Anh, Nga Mỹ, những ước mơ thầm kín, cái tên mong được đổi đời ở một xứ sở xa xôi nào đó. Hàng ngày những con người tội nghiệp này luôn nhìn ra biển đông, luôn mơ mộng có một phép nhiệm mầu. Bờ bãi có lúc lặng lẽ dịu êm, lúc ầm ào cuộn sóng, cuộc đời cứ chuồi theo từng đợt gió mùa. Hàng quán của các cô đã tồn tại ở bờ bãi xứ dừa Tam Quan này nhỉnh hơn hai mươi năm. Theo lời kể của cô Anh, sau khi chồng cô bán bãi, tổ chức vượt biên thất bại thì cô đã chọn bãi tắm này để sống, các con cô lúc đó hãy còn chập chững theo mẹ . Cứ đến buổi , mặt trời vừa nghiêng bóng thì gia đình cô đã tất tả nơi đó mãi cho đến tận khuya.
Ba mẹ con cô bày biện bàn ghế ra tận sát mép nước. Món hàng có gì, xe bán nước mía, vài cái tủ nhỏ đựng thức ăn nhanh và lăn lóc chục cái ghế nhựa. Bờ bãi là nơi cho các cô tồn tại.
Cô chị đôn đả chào mời khách mỗi khi có vài người đi qua, tiếng chào hỏi của cô có vẻ vừa quỵ lụy, nhún nhường như họ đều là khách VIP. Mỗi khi có vị khách vào ghế ngồi thì ngày đó nhà cô có cái gì để bỏ bụng.
Tôi, như những người quanh thị xã, đến bãi tắm này để ngơi nghỉ, hóng gió, tìm chút nắng trời . Trên chiếc xe Suzuky cũ mèm, cũ đến hai mươi năm nhưng vẫn còn chạy tốt, tôi và xe bon bon trên con đường đất đỏ, rải đá dăm. Con đường làng tráng nhựa giống một thời như chiếc xe của tôi. Bây giờ nó cũ mèm, hết nhựa, trơ khất đầy những ổ gà , ổ voi và đá dăm. Mỗi khi xe tôi lăn bánh thì phía sau tôi nhả đầy bụi, phía trước bụi phủ mờ bởi có chiếc vừa lăn qua. Bụi bay giăng kín đường đi, bay vào cõi xa mờ ký ức. Bay đi bụi ơi.
Là hạt bụi thế mà hay. Hay ta là hạt bụi. Là hạt bụi ta luôn tự do bay nhảy, ta không bị ràng buộc bất cứ luật lệ nào, rào cản nào, bất chấp mọi thế lực thù địch, đen tối nào, ta không bị chăn dắt bởi một lý thuyết nào. Hạt bụi là tự do vĩnh viễn.
Ta là hạt bụi, hạt bụi được rong chơi tháng ngày. Ta ngã ngớn mọi ngõ ngách, ta vuốt môi em , sờ vai anh, ta luồn lách trong mọi tư thế cửa ngõ thân thể em/anh. Ta hiện hữu dưới lằn sáng của bóng đèn đường heo hút đêm khuya, hay xả tràn giữa buổi trưa hè oi ả nắng nung.
- Con chào bố.
Ta mỉm cười nhìn hạt bụi
- Ừ, bố chào con.
- Sớm muộn gì bố cũng đến với chúng con, chúng ta là một cơ thể thống nhất, rồi chúng ta sẽ cùng rong chơi suốt tháng ngày, bỏ những ư tư, phiền muộn của thế giới bên kia. Nhưng sao bố đến với chúng con sớm thế. Có điều gì làm bố chán ngán cõi trần gian?
- Không, bố không chán ngán cõi trần gian, bố còn thích sống, còn ham sống, còn mê mệt gái đẹp, thích ăn ngon, ngủ yên và cả tự do.
- Ê! Ông già , ông già ôn dịch. Đi không nhìn trước ngó sau. Đi cẩn thận kẻo bị tông bỏ mẹ.
Một gã lái xe vượt qua mặt tôi, nhìn muốn lộn tròng con ngươi.
Tôi nhìn gã , cười hề hề.
- Đi ẩu còn cười, đồ lão già mất nết!
Cơn mông du của tôi tịt ngòi, tôi trơ khất nhìn hạt bụi nhảy nhót trước mặt. Tôi vuốt mặt, hạt bụi nhám xì trên đôi bàn tay.
Bờ bãi này ghi nhiều chứng tích thời xa xưa
Cơn lốc lịch sữ tràn vào làng tôi. Một vùng đất tranh chấp giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái đúng và cái sai, nhiều lý thuyết, thuyết cần lao nhân vị, người cày có ruộng hay một chủ nghĩa cộng sản thế giới đại đồng.
Bãi tắm này ở xóm Gò Nhản. Gò cát này ít có loại cây nào khác ngoài cây nhản dại. Gốc to, cành lá sum sê, trái nở từng chùm nhỏ như mút đủa, trái chín có màu đen, ăn có vị chát chua. Loại cây này không ai trồng, mọc hoang dại phủ kín cả một gò. Bờ bãi này một thời đậm đặc một màu bí hiểm, được người trong vùng thêm thắt, thêu dệt những câu chuyện truyền miệng đầy vẻ hoang đường, lâu ngày, chầy tháng thành một thế giới biệt lập cho cõi hư vô, cho những linh hồn không nơi nương tựa, vất vưỡng trong những lùm nhản, để đêm đêm nương theo bóng trăng trong tiếng chó tru dài não nuột.
Gò Nhản còn mang truyền thuyết ly kỳ, bắt nguồn từ thời xa xưa. Thuở vua Quang Trung đem quân ra Bắc tiêu diệt quân nhà Thanh xâm lược, ngài đã dừng lại vùng gò này để an dưỡng quân sỹ, tích lũy lương thực. Ngài đã truyền lại cho dân trong vùng cách làm món thịt thưng mà đến nay vẫn còn truyền miệng. Khi chuẩn bị xuất binh, chẳng may một viên tướng dưới quyền ngài thọ bệnh phải nằm lại gò đất này. Phần xác đã hòa tan vào cát bụi nhưng phần hồn còn mãi vương vấn, còn bao nhiêu điều u uẩn chưa hóa giải nên linh hồn khó siêu thoát. Mỗi đêm , đúng vào ngày rằm, mùng một mỗi tháng, lại nghe tiếng nhạc ngựa gõ leng keng quanh gò bãi, đâu đó lại thấp thoáng cái bóng trắng oai phong in dưới bóng trăng nhập nhòa trong vòm cây kẻ lá. Thương cảm cho nỗi niềm còn lận đận chốn trần gian, tưởng nhớ đến chiến công của võ tướng, dân trong vùng quyên góp dựng xây cho ngài cái miếu, gọi là miếu âm hồn. Thời kỳ Mỹ và quân đội đồng minh chọn gò nhản này thành nơi đóng quân, đã tạo ra là bãi tắm tuyệt vời, bắt cầu nối liền đôi bờ sông, cho đến nay dân hai bên bờ còn thụ hưởng. Gò nhản không còn nhản, chỉ còn là dãy đất trắng phiu với cái miếu âm hồn đó trơ gan cùng tuế nguyệt. Lại còn nhiều chuyện đồn đại về cái miếu đó, một viên sỹ quan quân đội Mỹ bỗng nhiên đột tử bên cái miếu vì ông ta cả gan phá nó để xây dựng khu đồn trú. Câu chuyện quẩn
quanh chưa biết hư thực như thế nào nhưng quân Mỹ không chịu nổi sức mạnh của du kích địa phương nên đã rút khỏi gò bãi này, cái miếu còn trơ lại. Đó là điều có thực.
***
Trời hanh hao, khí trời còn se sắt nóng, những đám mây mùa hạ vắt ngang rặng núi xa xa.
Đó là một buổi chiều. Trong suy nghĩ của tôi, buổi chiều thường để rong chơi, thư giản , ẩn chứa nhiều tâm trạng, biểu cảm dồn nén trong một ngày. Buổi trưa thì khỏi nói, nắng nóng khinh khủng nếu là mùa hè, tâm trí ngủ nghỉ, lười biếng, nhàn nhả rồi lim dim đôi mắt trên chiếc võng treo tòng teng sau chái bếp. Buổi sáng tâm trí thư thái bởi qua một đêm đầy mộng mị , tinh khôi.
Như thói quen của mỗi buổi chiều, nếu rảnh rỗi việc, tôi lại ngự trên chiếc xe Suzuky cũ mèm, dạo quanh bờ bãi. Thỉnh thoảng ghé lại quán mẹ con cô Anh, ngồi trên chiếc ghế nhựa, ngắm nhìn biển và hóng chuyện. Ngắm nhìn cô Nga buôn bán, đôi lúc thả một vài câu tán gẫu, thả mồi bắt cái bóng lúng liếng, đôi chân như chưa lúc nào ngơi nghỉ của con bé ham việc . Có cái gì bán được em cứ bày ra, bàn ghế bưng bê sát mép nước. Tranh giành, lôi kéo khách, đôi lúc lại cãi vã tay đôi, chanh chua chuối chát với người bán buôn bên cạnh. “không làm như vậy thì lấy gì ăn, chú hở.” em nhìn tôi, mỉm cười như người khách hàng thân thiết.
Nhưng buổi chiều hôm nay thì có khác. Khung cảnh chung quanh bãi bờ bỗng nhiên đẹp rực rỡ, bụi bờ được cắt xén. Những bãi rác bấy lâu không được dọn dẹp, nhầy nhụa, ruồi bọ bay nhểnh nhản. Bây giờ nó được chôn lấp, san ủi tạo cảnh quan sạch sẽ, thoáng đãng.
Hỏi là vì sao? Nó là như vầy.
Một thông tin mật ở cấp bộ bị rò rỉ ra ngoài là sẽ có một vị quan to vi hành làng ta. Ngài đến để khảo sát bờ bãi này là sẽ có phương án xây dựng quãng trường lớn, khu vui chơi giải trí, vị trí đắc địa , đầy tiềm năng. Tất tả ngược xuôi, từ cơ quan cấp bé như phường xã, dân phòng, các cụ hưu trí cũng được trưng dụng tối đa ra trận vệ sinh môi trường, từ cây cảnh hai bên đường đến rào chắn lối đi quanh xóm được cắt gọt, tỉa tót nhằm làm đẹp lòng vị quan nọ. Hoàn cảnh của gia đình cô Anh bị ảnh hưởng trầm trọng. Lều võng, bàn ghế của các cô không bị đập bể, phá phách nhưng nó được các cơ quan có chức năng rất nhiêt tình vì công vụ dọn dẹp ngăn nắp, cất giấu nó. Than ơi! Nồi cơm của các cô bị bể trong một vài ngày vì cái gọi là đi sâu sát dân tình của vị quan to nọ.
Câu chuyện đó đã xảy ra từ năm trước, lúc bệnh dich cô vy 19, dịch cúm Tàu còn ở tận đâu, nó không chờn vờn, gây dịch cho người Gò Nhản như bây giờ. Còn bây giờ, từ ngày đầu xảy ra dịch, bãi tắm giăng dây, cắm biển cấm tắm.
Cái loa phường treo trên trụ điện đọc tin ra rả, ngày ba buổi. Sáng, trưa, chiều. Tin tức luôn sốt dẻo có từ trung ương tới địa phương, nhưng mấy ngày rày, thời lượng tin dành phần lớn nói về tình hình bệnh dịch cúm cô vi – Vũ Hán. Sau một năm, tình hình bệnh dịch tạm thời lắng xuống, theo lời từ cái loa phường phát ra trên trụ điện, đó là chiến công hiển hách của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, chống dịch như chống giặc. Những thành quả gặt hái được năm qua như mặt trời luôn tỏa sáng ở xứ ta, như cái trụ điện ở Mỹ nếu nó biết đi, nó cũng cố lết về. Câu ví von của cấp lãnh đạo làm nức lòng mọi người.
Hàng quán ở xóm Gò Nhản, ở bãi tắm lại có cơ hội “còn có cái gì để bỏ bụng” . Niềm vui đó sớm qua, nỗi buồn lại ập đến.
Bản tin từ cái loa phường không còn theo thời biểu hàng ngày mà phát ra từng lúc.
Trời ơi! Ngõ nhỏ làng tôi.
Nghe “cái mùi cô vy” đã vờn tới đầu làng từ chiều hôm qua
Cái mùi đó bắt đàu từ cô nhân viên bán hàng bách hóa ở trung tâm thị xã
Nhà cô ở bên kia quả đồi, nơi đã có biểu hiện “cái mùi cô vy” từ những ngày trước đó
Cái loa phường phát huy hết công suất, truy tìm tung tích cái mùi đó đã đi đâu về đâu.
Những sợi dây được giăng ra, giãn cách ngay từ đầu làng
Trấn áp tâm lý, gây nỗi sợ hoang mang
Bất an, luôn bất an
Tiếng còi hú của xe cứu thương xói vào đêm lạnh, rờn rợn tim gan
Chống dịch như chống giặc
Ai cũng là địch, từ Fo đến F1…
Ai biết là ai, đâu cũng là ổ dịch
Kẻ thù vô hình đang đứng trước mặt ta
Đóng kín cửa như chưa từng có người yêu bên hàng rào dâm bụt
Nếu muốn hôn nhau gởi theo làn gió
Tiếng yêu thầm thì như sương như mây
Hãy cách ly những ai nên bị cách ly
Mười bốn ngày, hai mươi mốt ngày
May mắn được trở về nhà
Nhìn cái khóa còn vẹn nguyên chưa bị kẻ trộm rình mò
Đàn gà đói meo, nhìn chủ như người xa lạ
Hên xui
Nếu còn được trở về nhà
Cầm bằng như không có, có không.
***
Sau những ngày cách ly trốn dịch tại nhà. Tôi lại tìm đến bãi tắm xóm Gò Nhản để ngơi nghỉ, hóng chuyện. Nhưng trước mặt tôi, hàng quán không còn, tất cả đều trống trơn, chỉ còn lại vài tấm biển vất vơ đâu đó, xen kẻ vào đống gạch vụn. Buồn, tôi lại lang thang đâu đó.
Em đấy ư! thật tôi không thể nào tin vào đôi mắt mình. Mắt tôi lòa nhòa, có thể không phải là em
Lọn tóc em cố chải chuốt lại, chỉ còn vài sợi loe hoe, loe hoe vài sợi, một nhuốm tóc bạc em cố che giấu bằng thứ thuốc nhuộm rẻ tiền khiến nó co xoắn lại, trông thật đáng thương cho em.
Đôi mắt em mất đi vẻ hiền dịu, nét buồn xa xăm tự thuở nào. Bây giờ, nó lóe lên sự sắc lẻm của kẻ biết lừa lọc, dối trá, chanh chua mà trên bước đường đời em từng trải. Em dùng nhiều mánh khóe để ăn cắp vặt của kẻ đi đường, kẻ háo sắc như tôi.
Xe tôi đang chạy bon bon trên con đường cái quan, một buổi trưa hè nắng như đổ lửa, nắng tỏa những sợi khói như đang nung chảy nhựa đường. Tôi muốn tìm chỗ trú chân...
”Ớ, anh hai ơi , vào đây với em”. Tiếng gọi làm tôi chới với với con đường, tôi chông chênh theo tiếng gọi. Tôi tạt vào quán bên đường, đu đưa trên chiếc võng.
Quán bên đường, những chiếc võng giăng giăng khắp mọi nẻo đường mà tôi đã từng qua.
Hàng quán có chỗ được che chắn kỹ lưỡng bởi kèo cột rui mè trông lịch sự, và cũng có thể chỉ là những tấm bạc giăng giăng tạm bợ. Chiếc võng dười tàn cây, từng chiếc treo tòng teng dưới tấm bạc. Hàng quán bán gì, bán theo nhu cầu của khách đi đường. Dân ta cái khó ló cái khôn, tìm mọi cách để kiếm ăn. Âu cũng là cách sống, còn chút gì để bỏ bụng.
Nằm trên chiếc võng, em mồi chài tôi. Tôi mụ mị bên núm vú chảy xệ xuống lớp vải thưa . Tôi lim dim đôi mắt , lóng tai nghe tiếng em thì thầm câu chuyện xa xưa lắm rồi. Thần trí tôi như chu du vào cơn mộng mị. Nhà em có ba người có tên là Anh, Mỹ Nga. Mẹ em vẽ ra những chiếc bánh là sau này những đứa con của bà sẽ danh giá, có địa vị với đời, sánh vai cùng cường quốc năm châu, bốn bể. Ước mong của mẹ bây giờ còn lại là những nỗi buồn.
Sau cơn say thuốc, tôi choàng dậy. Sờ lại mình, rờ lại cái đầu. Ôi thật hú vía, lục phủ ngũ tạng còn y nguyên. Còn gì nữa, thôi cứ để gió cuốn đi.
Tôi nhẩn nha bài hát .
Sống trong đời sống cần có một chút tiền
Để làm gì em biết không?
Để đốt nó đi.
NGUYỄN THANH SƠN
- Từ khóa :
- NGUYỄN THANH SƠN