- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nghe Những Tự Tình

18 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 28162)

hopluu99-237w_0_300x164_1Buổi chiều tôi đi vào nghĩa trang, nhìn quanh quất thấy lòng quạnh hiu. Lúc nầy đây có người thân nào đó, chắc họ nghĩ tôi chán đời, cô độc. Thời hạn hết, tôi ở lại. Một học sinh du học cô ky như tôi có gì, có ai là người thân quen biết, nằm trong nghĩa trang nầy cho lý do thăm viếng. Nếu là em, em sẽ nghĩ tôi không bình thường ở một lúc nào đó chăng?

Đời sống ở đây có quá nhiều nơi chốn hữu tình, có nhiều việc để tất bật hơn trong đời sống. Anh Du. Anh đi vào chốn nầy, cớ sự gì vậy? Em sẽ hỏi tôi điều đó.

Chưa thể là lúc để em biết trò chơi tôi đang tham dự. Nghiêm chỉnh, trang trọng như tấm lòng tôi đang nghĩ về em. Yêu nhau, kín đáo, lãng mạn? Em sẽ hỏi gì lạ vậy. Khó nói lắm. Tôi đang làm điều thầm kín, không thể để nhiều người biết, hay em biết. Tôi đang tập tễnh thực hiện hoài bão, để gần hơn, sống với chính mình những lúc không có em bên cạnh. Lúc nầy đây có lẽ chỉ có chữ nghĩa mới giúp tôi giải tỏa những ẩn ức, trong đời sống cô độc nầy. Yêu nhau có bao giờ em cận kề bên anh, như kim quay đồng hồ ở một vòng tròn liên tục. Hay những lúc tôi cần một mình lặng lẽ. Em dùm không nói một lời được chăng?

Có hiểu bây giờ tôi đang làm gì không? Tôi đang viết truyện. Ngẫu hứng lý qua cầu? Em cười, nụ cười mỉm chọc quê? Viết bài dự thi? Ở đâu vậy? Câu trả lời là không phải từ văn bút quốc tế. Không phải từ văn bút nội địa. Tôi đang tham dự giải thưởng do nghĩa trang tổ chức. Em sẽ phải kêu lên. Nghĩa trang mà cũng tổ chức giải thưởng văn học nữa à.

Ừ. Chắc chỉ có tiểu bang nầy, tấm lòng văn học trải rộng không phân biệt nơi chốn, vị trí, thành phần. Đưa danh xưng nghĩa trang vào tổ chức cũng là một trò chơi thú vị để tôi tham gia. Hỏi lấy lòng mình. Trước đây có bao giờ mình viết văn. Có chăng là viết thư tình. Hay nói chuyện người ta để an ủi lấy mình. Với chữ nghĩa, ở đâu tổ chức nào chả làm được. Nó chỉ là một danh xưng khó nghe hay dễ nghe với đời thường. Thời buổi bây giờ có quá nhiều văn nhân thi sĩ, nhưng không có đất chôn thân, chôn chữ nghĩa bọt bèo, bon chen lập thân cho mình một chút danh. Đất để chôn người, không có qui hoạch đất chôn tác phẩm rẻ tiền, không có nghĩa trang chôn chữ nghĩa cải lương yếm đời tình phụ. Chết thấy dễ nhưng không có mấy người dám chết, hy sinh bản thân mình cho người khác.

Chữ nghĩa trong cái danh không biết mình, không đo lường, không thấy nổi tài năng sáo ngữ, chỉ thấy điệu huênh hoang lấy chữ nghĩa đằng trước che thân. Thấy đáng thương vậy mà nói không ai nghe, không khéo lại mất tình bằng hữu. Mỗi cá nhân như một con chữ, chữ đứng, chữ nằm, nghiêng quàng xỏ lá. Lấy chữ nghĩa mắng mỏ hay bắt quàng làm thân, chỉ có người cầm bút mới hành xử ở chốn giang hồ. Nó hướng dẫn người đọc rơi về một phía, dễ bị thiên kiến theo ý người viết.

Sao không thấy ai xin đất qui ẩn, chôn danh, chôn tác phẩm mình. Vì những ý nghĩ không giống ai nầy. Tôi tự hỏi, ban tổ chức thấy gì trong cảnh trí địa linh. Và người sáng tác như tôi, vụng dại đi tìm chút ý gợi hứng cho bài viết.

Đề tài đưa ra là. Viết về người thân đã quá cố. Chốn nầy tôi không có người thân. Là chị, tạm mượn gọi lúc nầy thành một tiếng em. Chỉ có em thôi, nhưng mà em chưa chết. Thật sự tôi cũng đang cần em sống, em yêu tôi, chịu làm hôn thú không mặc cả tiền bạc để tôi được ở lại. Và điều tôi muốn viết ở đây, là tình thân bằng hữu, của máu thịt, của xã hội, từ một tình yêu khai tử. Ngần ấy, có thể coi là người thân đã khuất bóng trong cuộc đời còn lại, được chăng?

Bắt đầu vào truyện dự thi.

Tôi còn nhớ trước một tháng hết hạn. Tôi gặp chị. Có phải chị nghĩ tôi đau khổ vì tình phụ? Mối tình ở quê nhà của tôi là mối tình học trò mới lớn. Xa cách vừa tròn hai năm. Vị trí tôi đã có người thế chỗ. Nếu ngày xưa buồn trong kỷ niệm. Người ta hay làm thơ than oán tình sầu, những vần thơ làm bộ đau khổ. Còn tôi mai nầy lỡ thành danh, chắc phải ghi nhớ mối tình bội bạc. Em đãi ngộ tôi một đời nghiệp dĩ.

Nói tự mình nghe. Tôi đã sẵn về một đề tài người thân khuất bóng. Đó là tình yêu ở năm tháng cũ. Chuyện, kể từ lúc liên lạc bên nhà, nói cho hay. Em có tình yêu mới. Buồn! Đã là vậy. Em biết lỗi, em giả bộ khóc thật, thì lòng tôi ấm êm biết mấy. Đã hẹn, lúc tôi quay về mình làm lễ đính hôn, nhưng em không chờ. Em thẳng thừng thú nhận. Em không chịu nổi trống vắng, có bạn trai mới, tưởng như có anh bên cạnh. Em lấp vào khoảng trống ở ngày tháng cũ. Em hồn nhiên, trong lúc tôi ngã bệnh, tâm thần phát tán gần như hồn lìa khỏi xác.

Ở giai đoạn nầy tôi gặp chị, ủ ê tâm sự. Chị, một người mướn chung nhà, phòng ai nấy ở. Chị nghe, chị biết tường tận. Cuối cùng chị ý kiến. Tội nghiệp. Đến hạn lại về? Về làm gì, đang lúc thất tình, ê mặt quá. Chị giúp em làm hôn thú, hợp thức hóa ở lại. Nhớ nghe, chuyện vợ chồng là làm chơi, chứ không phải ăn thiệt. Chị hiên ngang, chị hào hùng, tấm chân tình rộng mở thì làm sao tôi không sẵn lòng đành dạ noi theo. Chị khuyên. Buồn hả? Thì kiếm cái gì thích hợp để đam mê. Thời gian là liều thuốc lãng quên. Ngồi xuống ghi lại khổ đau, là nơi chốn để tỏ bày. Thử đi, chưa vào trận sao biết là không được. Viết hả? Viết cái gì? Thì cứ viết cái điều mình không biết viết. Nó cũng là truyện, dù là truyện nội dung không biết viết gì.

Đành là chữ nghĩa viết ra. Nhưng ngồi xuống viết cái gì thì chịu. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết phải bắt đầu từ đâu.

Đầu tiên, ghi chép mấy ý chính vào giấy để nhớ, thành dàn bài. Vậy rồi ngồi xuống, gõ vào mấy giòng, hết ý để nói. Không được. Họ không chấp nhận cái loại truyện thật ngắn thế nầy. Viết đề tựa trước chăng? Viết cái tên đề tài rồi khai triển từ đó. Làm thử, nhưng gò bó khó thở quá.

Đứng dậy, bước ra bên ngoài tìm gói thuốc, châm một điếu hút. Người ta nói viết văn lúc cạn là phải có khói thuốc để suy tư trầm lắng. Thật vậy, tôi cảm thấy đầu óc mình tỉnh táo hơn, bớt buồn ngủ, dù có hơi sặc khói một chút. Em bây giờ làm gì? Đã bảo là quên, sao còn nhớ. Nhưng nếu không có em, làm sao có bóng dáng đàn bà, con gái trong tác phẩm. Viết truyện, nội dung, hay kịch bản phim nào mà không có nhân vật nữ. Nói chung là em phải có mặt trên cõi đời nầy, ở bất kỳ lãnh vực nào, nhất là trong tình yêu.

Tôi, cây viết bắt đầu đi lên, không tiên liệu được thời gian nào sẽ xuống. Niềm tự hào nầy từ đâu? Xin thưa. Khổ đau nhiều rồi, cho phép tôi kiêu hãnh bù đắp điều không thực có ở mình. Tôi là người viết truyện không có dụng tâm nào khác. Nói trước nghe. Chuyện tôi viết chỉ dành cho người có tấm lòng rộng mở, mới biết thưởng thức cái hay, cái thực. Còn người hẹp hòi, ích kỷ thì không cảm nhận gì hết. Đó là câu rao hàng bắn tiếng trước, để ban giám khảo tự coi mình thuộc hạng nào, quân tử hay tiểu nhân, lúc chấm bài nầy.

Trở lại nội dung. Viết chuyện ma, như người khác đã làm? Vừa rẻ tiền trí não, đáp ứng thị hiếu giới bình dân, những người thích coi bói toán, chuyện ông lên bà xuống. Câu trả lời. Không được! Mấy loại nầy thuộc loại chụp giật, giai đoạn, như mì ăn liền, ăn xong thì liệng bỏ hộp đựng. Viết chuyện dâm tặc tục tĩu? Loại nầy dễ hấp dẫn giới trẻ. Chỉ cần tả chân cho mê ly, đảo điên thiên lý, từ ngữ sống sượng, thô tục, khó nghe thì dễ gây chú ý. Nghĩ lại, có điều khó. Sau nầy nổi danh thật sự thì không phải là nhà văn chân chính, khác gì mấy cô hoa hậu làm lễ đăng quang, đội vương miện, lãnh tiền thưởng. Về sau phát hiện hoa hậu từng cởi truồng đóng phim sex. Thế là, vì thể diện quốc gia, buộc lòng ban tổ chức phải lôi xuống đòi lại. Cho nên nghĩ tới nghĩ lui. Chuyện tôi viết là cho giòng văn học Việt Nam đương đại. Giống như bạn nghe nhạc Trịnh công Sơn, bình dị mà không tầm thường. Ở đó, từ ngữ, câu ca ý lời, đôi khi vô nghĩa, khó hiểu, hay tự phân vân không hiểu. Sợ người khác cười, thì cứ làm bộ hiểu đi, coi như mình là bậc trí thức. Bao nhiêu người không hiểu ngồi chung lại, vẫn là không hiểu, nhưng mỗi người tự ngộ chính mình, không ai hiểu ai, ắt là hiểu cái mình không hiểu vậy.

Nhớ năm đầu sống trên đất Mỹ, đọc lời rao vặt trên báo. Nghề mới, ngồi nhà mỗi tuần kiếm được năm trăm đồng. Muốn được vậy, chỉ cần tốn hai chục đồng gởi đi. Sẽ có phương pháp giúp bạn. Nghe qua thì khoái quá, khỏi phải đi làm cực khổ. Hàng tháng, một du học sinh như tôi cao lắm chỉ đem về dưới một ngàn đồng. Rõ đây là cơ hội học cái khôn của bậc hiền tài có lòng giúp đỡ kẻ khốn cùng. Tôi gởi hai mươi đồng tiền mặt vào trong phong bì, dấu kín mọi người, sợ ai cũng học cái khôn nầy thì khó lòng tranh sống. Tiền đi, hai tuần sau tin lại. Bậc hiền nhân khuyên. Các hạ đăng lời rao như tôi trên báo, người ta sẽ gởi tiền tới như các hạ đã gởi tiền cho tôi, là một kết quả trước mắt. Đúng không. Thử hỏi bao nhiêu người có lòng ham muốn học hỏi như vậy, để tính thành tiền thu vào. Nhưng có một lời khuyên chân thành. Nhớ kỹ. Đừng lấy tên thật. Đề địa chỉ hộp thư. Đừng lấy địa chỉ nhà, chúng tìm tới đánh bỏ mẹ. Tin rằng với hai chục đồng mất đi cho sự học khôn nầy, không ai dám mở lời để thưa gởi, nói lại với người khác. Tất cả là sự lặng lẽ. Đó là nỗi bình yên.

Tôi đã lễ phép với bài học vỡ lòng trên xứ người. Tôi sẽ không đáp lễ trả đũa lần bị gạt. Chỉ có điều, bạn sẽ thấy chuyện tôi viết không bao giờ vào truyện. Không có kết thúc, không có khởi đầu.

Thực vậy, cuộc đời là một diễn tiến, khởi đi rồi trở lại, không có điểm hết. Từ nhỏ lớn lên, tôi là một đứa con không cha. Hay nói rõ hơn là ba mẹ tôi lấy nhau, rồi sau đó cha vượt biên, bỏ lại hai mẹ con lúc tôi vừa tròn một tuổi. Tôi lớn lên từ sự nuôi dưỡng bảo bọc ở người mẹ và gia đình bên ngoại. Gia đình tôi không có người đàn ông nào bên cạnh. Tôi không có một người cha với tấm lòng rộng mở bao dung trong tâm tưởng. Bởi vì cha tôi không bao giờ trở về hay tìm kiếm mẹ con tôi. Tôi chỉ thấy một thứ kêu bằng cha nội, hạng người ăn trên ngồi trước, quyền thế. Thành phần như chúng tôi. Học hành, thi cử, bằng cấp. Ra đời muốn kiếm việc làm thì cô thân cô thế, không quen biết ai. Mẹ tôi thì không biết làm gì chỉ ngày tối lo tụng niệm. Một người chỉ lo câu kinh tiếng kệ, thì làm sao có đủ minh mẫn, theo dõi thời cuộc, khôn lanh trong buôn bán, dù là buôn bán nhỏ kiếm sống qua ngày.

Thời may tôi gặp em. Không biết em yêu hay tội nghiệp tôi, để từ đó bắt đầu một tình trai gái mới lớn. Vật chất, địa vị xã hội em không cần, bởi vì em có người cha quyền thế bảo bọc che chở mọi điều. Tất cả mọi thứ em nói không thiếu, chỉ cần một con người thật, một tình yêu chân thật ở tôi. Thưa em. Cho đến giờ nầy phải thú thật. Tôi, đứa con trai mới lớn bước ra ngưỡng cửa cuộc đời, đầu tiên gặp em. Em đã dẫn dắt cho tôi biết thế nào là tình yêu, thế nào là những ngày đau khổ, cận kề hay xa cách. Không biết làm sao để diễn tả. Thương với nhớ không có hình thể, như một bóng trời khuất lấp, để mỗi ngày hay trong đời sống nầy, tôi chỉ còn biết có em. Chỉ mấy giòng chữ cha em viết xuống. Từ mấy lời năn nỉ ở em giúp đỡ một người bạn, sau nầy ông ta mới biết là người em thương yêu. Vâng, chỉ mấy giòng viết xuống từ một người có thế lực, tôi có được một chức phận trong việc làm. Kết quả, quá dễ hơn trăm lần mẹ tôi tụng niệm vái van. Đạo lý nghĩa nhân công bằng trong xã hội, chính từ quyền lực. Bài học đầu tiên cho tôi chữ nhân trong cuộc sống là như thế đó.

Tôi mơ ước quyền thế vậy. Làm thế nào? Mẹ nói mỗi người mệnh số khác nhau. Tôi là một đứa bé lớn lên khi chiến tranh không còn. Tất cả là những đổi thay. Mẹ nói xã hội không phải như trước, khó lắm. Tôi không biết so sánh trước, sau là như thế nào. Tuổi đời mới lớn, thấy sao nói vậy. Mẹ nói coi chừng miệng lưỡi. Tôi muốn đi làm nhà báo. Mẹ nói. Phải có chân đứng trong hàng ngũ. Tôi muốn đi làm kịch sĩ, đóng phim. Mẹ nói. Không khéo, người ta tưởng con hoạt động chính trị. Muốn nghiên cứu một đề tài gì đó, cho khoa học kỹ thuật, cho tuổi trẻ. Mẹ nói. Đừng để người ta tưởng con trao đổi lập hội. Ở tuổi mẹ tôi và người xung quanh, là những e dè, sợ sệt. Không ai dám làm, ý kiến một điều gì mới. Trong lúc cơn vui chơi, như thác đổ quanh tuổi trẻ tôi. Cuộc sống sinh động hơn, họ tin tưởng ở tương lai, đâu thấy cái nghèo cái khổ. Hiện tượng đó mẹ nói. Nên biết liệu chính mình, làm theo coi chừng bị gạt.

Chuyện bán buôn mẹ không hay. Nhưng chuyện cẩn trọng làm người, mẹ giam hãm, như vuông rào che chắn quanh nhà. Trong thực tế, điều trước mắt. Nếu không sống hòa nhập, nghĩa là không mánh mung, lừa đảo thì tôi không thể bằng họ. Xã hội là vậy, mình phải vậy. Trường đời dạy khôn cho những đứa trẻ, thủ đoạn làm người để vươn lên, đạp nhau mà sống.

Cũng như em, lần đầu em dạy tôi tập yêu, tập quen thân xác, nụ hôn với tôi là nụ đầu đời. Tất cả ở em, với tôi là lần đầu. Tôi cuống quít, lúng túng trong đụng chạm. Vậy mà em nói, em thích tôi ở điểm nầy. Ở đứa con trai ngây thơ thật tình, tạo cho em nhiều cảm giác hơn trong cuộc sống. Tôi không biết nói từ đâu một lời cám ơn, dù bây giờ là cơn giã biệt. Cha em là người giúp tôi, nhưng về sau khi biết tôi yêu em. Ông đã ngại ngần vì thể diện, bởi mẹ con tôi thiệt tình là người dân thứ thiệt. Vậy rồi ông giúp tôi một xuất đi ra ngoài, từ quyền lực ông mở miệng. Ông nói cho nó đi có tương lai, biết đâu gặp lại cha nó, châu về hợp phố.

Ông nói đúng, người lớn như ông tiên đoán không sai. Dù không có một chút nhớ gì về người cha đã như bóng chim tăm cá. Dù không thấy hứng thú rạo rực để tìm lấy một người thân. Nhưng thật tình ở xứ nầy thấy mình cô độc hơn lúc nào hết. Không hiểu sao ở đây tôi lại nhớ đủ thứ, từ những vặt vảnh buồn vui khắp nơi mọi chốn nơi chốn quê nhà. Khi xa cách mới thấy cái giá trị vặt vãnh tầm thường, buồn cười nhưng dễ thương.

Nghĩ tới mẹ, tôi có ý định tìm cha tôi. Hai năm qua rồi, tôi cũng lần quen với nơi chốn khu vực. Nhờ vào bức hình đem theo, mẹ ẵm tôi bên người đàn ông một thời chồng vợ. Nhờ vào loáng thoáng tin tức mấy người quen của mẹ, cho biết có lần gặp ông ta có tiệm chợ thực phẩm. Hỏi ý định nầy, mẹ nói không cần. Mấy chục năm qua cảnh cũ, người xưa còn đó. Người ta không muốn, dù một lời thăm hỏi, thì kiếm chi con người bội bạc ấy cho mẹ. Nhưng phần con, con đã lớn, đã trưởng thành, biết nghĩ suy thì tùy con cân phân chuyện của mình.

Phải nói từ ngày bước ra đời, nghèo, thiếu thốn mọi mặt. Ngược lại, phần nhiều tôi được hậu đãi bằng những may mắn không định liệu ở cuộc đời nầy. Chẳng hạn như không hẹn mà gặp qua mấy lần dọ hỏi. Ở đây hai tiểu bang bao quanh thủ đô chạy qua lại thật gần gũi. Lần đầu có ý vậy, nhưng ngại ngần. Tôi mặc cảm côi cút. Tôi sợ cái thực tế không theo ý mình. Hơn mấy mươi năm qua chắc chắn ân tình với người đàn bà là mẹ tôi không còn. Tôi không dám nói sự thật nầy cho ai nghe. Cứ để họ nghĩ tôi là con nhà giàu, vật chất đủ đầy du học, là con ông cháu cha hưởng phúc. Họ tưởng vậy, biết đâu tôi lại nhờ từ những cơ may ấy. Mỗi người một hoàn cảnh, trong hoàn cảnh nào cũng có điều dị biệt.

Lần đầu tiên tôi gặp ông ấy. Đó là cái hôm đầu tuần, buổi trưa khách vắng. Tôi bước vào tiệm, đến gần bên ông. Nhìn hình dáng ngờ ngợ, lòng đắn đo phân vân không biết có nên không. Tôi làm như một người khách lạ. Ông bình tĩnh khi tôi chìa bức hình gia đình, có ông trong đó thời son trẻ. Bác có quen người trong hình nầy không? Tôi hỏi. Ông hỏi lại tôi, Cháu là ai vậy. Không trả lời. Tôi chỉ hình mẹ. Người đàn bà nầy muốn tìm bác. Ông nói qua đây rồi à? Không. Mẹ tôi còn ở chốn cũ . Ông nín lặng một lát. Bây giờ thì sao. Cũng vậy thôi. Vậy cháu là. Tôi chỉ hình đứa bé đang được ẵm trên tay mẹ. Tôi đây. Ông nói là con bây giờ hả.

Thưa mẹ. Sau đó mấy lần cha con gặp gỡ. Chưa bao giờ ông có ý định đưa con về sống chung, hay nhìn lại đứa con xa cách. Có thể ông không tin đó là sự thật. Biết bao mươi năm qua, không ai nhắc với ông ta chuyện nầy. Nó thuộc vào quá khứ, dù lúc ra đi ông thệ nguyền đủ lời. Thay vì định cư xong, mẹ phải là người đoàn tụ trước tiên. Nhưng không, ông lo liệu người thân phía gia đình ông trước, rồi bặt luôn. Mẹ đìu hiu như chiếc lá rụng quanh cầu, bao mùa, bao năm tháng chờ đợi. Không có gì, không có chút mảy may cơ hội nào để mẹ con ta bám víu. Như bây giờ ông nói. Dở lở cả rồi. Câu đó có nghĩa là hoàn cảnh bây giờ, đời sống bây giờ là một đời sống mới, gia đình vợ con. Ông có đủ đầy. Không muốn mất mát. Không muốn gợi lại chuyện cũ, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Ông đổ lỗi cho người đàn bà hiện tại bên ông hay ghen tuông. Điều đó sẽ đạp đổ tất cả những gì bao năm qua ông tạo dựng.

Thôi thì đã lỡ một kiếp người. Mẹ đã hy sinh trong thời gian qua, sá gì chuyện cũ. Lâu rồi, lòng ông ta nguội lạnh, không còn cảm giác khi nhắc về cảnh cũ người xưa. Ông nói. Tiền bạc giúp đỡ chút đỉnh thì được. Sống với hiện tại và hướng về tương lai. Ông như người đứng ngoài cuộc thật dửng dưng, đâu biết ở tấm lòng một người vợ, sống chờ đợi cho đến bây giờ.

Tôi biết nói ra chuyện gặp gỡ nầy. Mẹ sẽ đau lòng, nhưng phải nói. Một người đàn bà như mẹ đã quen chịu đựng. Sự thể nầy có thể mẹ thấy tầm thường như ngày qua bình thường. Có đau chăng, có lo lắng, ngỡ ngàng chăng chính là ở con. Một đứa con không thừa nhận. Con người ta sống ích kỷ với hạnh phúc trước mặt. Dù là tình thân, nhưng không gần gũi, săn sóc lo lắng, thì làm sao thấy được nỗi đau từ tình thương yêu, đau nỗi đau chính mình. Chính đây là kết quả hội ngộ bẽ bàng. Ở xã hội nầy có trăm ngàn nỗi bất hạnh, đau khổ từ đủ mọi hạng người, dân tộc khác nhau. Cũng không thiếu sự thành công, hạnh phúc từ muôn ngàn người khác. Tất cả là sự trộn lẫn đồng điệu trong nhịp sống tự do. Chuyện ai nấy lo, đèn nhà ai nấy sáng. Con vẫn là con, một thân một mình. Mẹ bây giờ vẫn là mẹ trong khổ đau thiếu thốn nơi quê nhà. Không thể nói lời tình yêu. Không sống được cảm xúc chính mình. Đã qua rồi thời hạnh phúc. Mẹ chờ đợi, như chờ cơn mưa tắm mát, chờ niềm hy vọng ở một mai. Và với con, mẹ hằng ước ao có cơ duyên đổi thay mệnh số, trở về từ một cách nhìn khác và sống với nhân cách làm người.

Viết đến đoạn nầy. Tôi phải xin phép đưa hình ảnh Chị vào trong tác phẩm. Nếu không nói ra, chắc cũng không ai biết tôi làm vậy. Thường thì một nhân vật xuất hiện, tình tiết, dung nhan thế nào, yêu đương, khổ đau, chia tay hay bất hạnh, tùy người viết. Người đọc cứ tưởng là thực, đau cái đau ở cảnh thương tâm, buồn cái buồn của nhân vật trong tác phẩm. Viết trước hết là viết cho mình, cho người đọc thấy cái chung ở cuộc đời, ở xã hội có ta trong đó. Đôi khi ngẫm nghĩ hoàn cảnh nhân vật sao giống tâm trạng mình. Nghĩ vậy rồi xếp sách lại, ngơ ngẩn theo một cảnh đời xót xa không tưởng là thực. Người đọc sách ít nhất phải có lần trải qua cảm nhận nầy.

Thích đọc, là niềm vui nhàn nhã của người có học, đọc theo thói quen. Thử tưởng một ngày, có mấy vị thế, đi, đứng, nằm, ngồi. Vậy mà trước mắt, trên tay không có sách báo, không có chữ nghĩa thì cuộc sống còn gì thú vị cho đời sống riêng mình. Đâu phải lúc nào cũng là cái chung. Làm người ai không có những phút cần sống cho chính mình. Đó là cái thế giới nhỏ bé tĩnh lặng, dấu kín ở nội tâm. Biết là biết vậy. Biết hư cấu cái thực, tưởng tượng thêm như một kịch bản ở đời thường. Thấy là thấy vậy, nhưng không dễ thoải mái. Nhiều lần, nhiều đêm cứ nghĩ đến bài viết tiếp nối, vớ vẩn thao thức suốt đêm không ngủ được. Đi đâu làm gì, nhìn buổi chiều buồn hay nơi chốn nào đó. Người viết văn có cái nhìn khác người bình thường. Đâu có lạ gì ở thực tế, nếu người đàn bà có đầu óc bán buôn đổi chác, đi đến đâu cũng thấy sanh ra tiền, mua đầu nầy đổi đầu kia, thì người có tâm hồn nghệ sĩ cũng vậy. Thấy trước mắt, nghĩ tới rồi phân tích, gây ý niệm cho những gì trong dự liệu. Đầu óc lúc nào cũng bận rộn, quan sát lắng nghe, lấy chuyện người khác làm tư liệu cho mình.

Ngày đầu tiên quen biết. Chị có cảm tình với tôi, từ mấy lời bói toán, xem tướng vớ vẩn. Chị khen đúng quá, vậy là có nghiên cứu kỹ lưỡng hả? Tôi nói cái vụ nầy bên nước mình bây giờ nhiều lắm. Nhắc khéo, chị thích coi dễ bị dụ khị lắm nghe. Lần đó, chị hỏi tôi ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, từng màu sắc tương ứng với năm tạng ở cơ thể người. Nhưng lần nầy thì khác. Chị hỏi muốn gì đây. Tôi nói chị ngồi xuống đi. Tôi cần nhìn chị, cần một nét đẹp nào đó để có rung cảm khi viết về đối tượng. Chị cười, bộ hết ý rồi hả. Tôi nói viết đến đây không biết gì thêm. Chị coi đi cho ý kiến. Nhưng nhớ đứng ngoài, đừng nhảy vào trong truyện đột ngột quá, người ta sẽ biết tôi dừng lại cầu cứu ở đây.

Nhìn chị lúc nầy. Tôi thấy chị đẹp hơn mấy lần trước. Tâm hồn chị bình dị, dịu dàng ít nói. Muốn hiểu về chị, chỉ có cách dò xét mâý người bạn chị giao du. Chị sống ở đây lâu rồi, so với mình chân ướt chân ráo, thì làm sao đủ bản lãnh để khơi mào cho chị nói về quãng đời qua. Nói tiếng không biết, rõ ràng là không ổn. Một người chịu làm hôn thú với mình, trên danh nghĩa là tình chồng vợ, hay ít nhất bây giờ cũng mặn nồng yêu đương, che mắt thế gian, hợp thức hóa tình cảnh bây giờ. Tôi nói chị có phần trách nhiệm nghe. Chị khuyến khích tôi làm nhà văn, cái điệu nầy chắc không xong quá.

Nhìn chị, tả từng chút, tả cái tính chân thật, con người thật, thì cần gì phải hư cấu khi bên tôi, chị kề bên, một nhân vật, một con người bằng xương bằng thịt. Dáng chị cao ráo, trên gương mặt bầu bĩnh đó, lúc nào cũng thấy một niềm lạc quan yêu đời. Có bao giờ chị khóc? Bộ thấy tôi hay cười, có nghĩa là không biết buồn à. Có phải đâu. Chị lặng lẽ, có vui, có khổ đau, đâu ai hay biết, bởi tính chị bặt thiệp vui vẻ. Tất cả nhân dáng bên ngoài đã phủ trùm lên một con người. Có muốn yêu. Tôi cũng chưa dám, ngoài sự kính trọng nâng niu tình cảm trước tiên.

Chị trở lại từ lúc đầu bài viết. Chị nói. Thì ra cũng một chữ tình, xưa như trái đất. Vậy mà ai cũng vấp. Cái đề tài từ chuyện tầm thường trống không, tác giả lại khởi đi từ đó, từ một chữ nhân, chắc phải tiếp theo là lễ, nghĩa , trí, tín đối ứng với ngũ hành?

Người nữ trong nâỳ là chị. Một người nữ chính yếu chịu trách nhiệm cho nhân vật xưng tôi. Bởi trên thực tế, chị chấp nhận làm vợ một người trẻ tuổi hơn mình. Được gì ở tình cảm đó. Có an toàn không ở một tình đầu vừa ló nụ. Có thiệt thòi không, khi tuổi thanh xuân là thời gian bó buộc. Nhưng chúng ta có giao kết. Phòng ai nấy ở, giường ai nấy nằm. Đôi khi cần ứng xử danh nghĩa thì đối nhau cái tình chân thật của mỗi người thế thôi. Cứ giả dụ một ngày nào đó ta yêu nhau. Chắc còn lâu, nhất là bây giờ, sau lần bị tình phụ. Nhân vật xưng tôi vẫn còn nắm níu khổ đau vì một người con gái buổi đầu. Sao cứ phải nhắc chi hoài hình ảnh cũ. Sao cứ phải chung tình, biết đến bao giờ chịu ngưng nghỉ cho lần xả hơi. Chính vì điểm nầy, chính vì cái tình chung thủy, dù bị tình phụ, tình lỡ, vẫn dại khờ muốn được yêu, làm người nữ nầy thương cảm tội nghiệp. Thật sự không biết có cần quyết định vậy không? Hay chỉ là một nghĩa nhân, chia sẻ, giúp đỡ cơn loạn động, như ban đầu chính mình cũng đã thọ ơn người khác. Có một điều cần nhắc. Cho đến bây giờ người con gái chịu làm người yêu nầy vẫn chưa được kêu tên. Đâu cần phải mỹ miều, thanh cao, nhưng ít nhất phải có danh xưng để mời gọi.

Tôi biết cô nàng khó chịu, nhưng thật ra đây là điều tôi muốn giữ kín. Trên danh nghĩa giấy tờ vợ chồng gắn bó, không nên nói ra lúc nầy. Nhất là bây giờ trong, ngoài nước người ta hay cầm nhầm tên người khác thành tên mình. Vô tình hay cố ý trùng hợp? Lấy chi cái bút hiệu của người đã thành danh, đặt lại cho mình, gây ngộ nhận với độc giả. Đã là người cầm bút, biết đọc sách báo, cùng một giới, đi trên một con đường, làm sao không thấy người đi trước. Hôm nay không dám khoe sớm, sợ hôm nay cầm tên, ngày mai cầm luôn tác phẩm cho là của mình. Rồi thân ngà ngọc chị, sẽ như cánh vạc bay xa. Cho nên, ý ngầm là vậy. Nhân vật chánh không có tên, bài không đề tựa. Lấy cái trống không hình thành cái có.

Chị đi từ trên xuống dưới. Tới đây rồi thì mời chị ngồi, như lúc đầu tôi có ý kiến. Có mấy khi chị chịu ngồi yên, một mình lặng lẽ thế nầy. Chị có tin không. Đời tôi không có một dàn bài nào vuông tròn, huống hồ chi bài viết. Nhìn cái đẹp ở chị, nét thuần hậu dịu dàng của một người phụ nữ đông phương. Đã mấy lần được hạnh phúc. Hay chỉ nghe tiếng oán, tiếng kêu than, tiếng nguyền rủa chuyện bán buôn người nữ sang xứ người. Có biết bao mất mát đoạn trường, cho hoàn cảnh sống dở, chết dở, cuộc sống tôi đòi. Vậy mà phải dấu kín người thân, chịu tiếng đời xã hội, hay chấp nhận từ tình thương hại để kêu cứu. Ngần ấy có khác gì chính mình chết trước, trước khi người thân khuất bóng. Vậy thời cảm giác viết xuống, mô tả một xã hội ung thối, bán buôn hay đồng lõa nhau giết chết nhân phẩm người mình. Như vậy đề tài nầy có vị trí nào trong nghĩa trang, để được miễn phí một chỗ an cư.

Tôi là người cô độc. Chính vậy, một thanh niên như tôi, có tình thân ruột thịt ở gần bên cũng bằng thừa. Huống chi xã hội đang sống có bao giờ nhận mình cùng huyết thống, dù trên cùng mảnh đất. Cái mặc cảm thua thiệt, đôi lúc muốn trở về nguồn cội, trở về chốn nương tựa bên mẹ. Đó là lúc ê chề nhất. Nhưng qua rồi tự hỏi. Sẽ sống cách nào, khi phận đời là những lở dở trễ tràng. Bước ra ngoài rồi ngó lại mới thấy thảm thương, chữ thương, thật tình thấm thía từ một tấm lòng. Có bao người muốn trở về, trừ khi có bóng che, có chỗ định vị từ gốc gác. Đã sống, đã hưởng không khí tự do, trật tự ở xứ người. Thấy khó mà sống mánh mung như ngày cũ. Ít nhiều, áo mặc đã lần hồi đổi thay, làm quen lương thiện.

Chị nói viết như vầy. Đọc có tin không là người mới biết viết. Làm thế nào phân biệt được một nhà văn, nhà thơ thứ thiệt? Ai cũng có quyền viết lách, bỏ tiền in, tự cho mình một danh xưng.

Hỏi điều nầy hơi khó, chạm cả tự ái người thực sự tranh giải như tôi. Biết sao gọi là thiệt, dài lâu hay một thời khoảnh khắc, rồi buông bút.

Có người cầm bút, viết thường xuyên góp mặt trên diễn đàn văn nghệ. Người cầm bút biết nhau qua tên tuổi, có tình thân trên phần đất cộng tác, dù không biết mặt. Viết ở trình độ nào, loại nào thì có độc giả đó.

Có người không trong giới cầm bút trước kia. Nay vui vẻ, in tác phẩm, rồi có danh xưng. Có người làm báo bất đắc dĩ, lâu ngày rồi thành thiệt, sống vào quảng cáo, có sẵn báo nhà thì cứ in bài mình liên tục, như không thể thiếu, rồi thành danh.

Chị hỏi, thì thưa vậy. Thôi chi bằng ai muốn xưng, cứ để họ làm. Ở đây, không ai chấp nhất ai, địa vị không buộc phải trọng nhau, tôn kính, cả nể. Phần tôi, nhờ có chuyện dự thi, mới tập tành viết lách.

Phút nầy xin chị hãy vào cuộc, để tôi tìm cảm giác. Tôi đang muốn nghe chung quanh, lấy đời sống chị vào truyện mình. Chị hỏi lang bang đi từ đầu trên xuống dưới, giải thích cho người đọc biết ý tưởng, nội dung truyện dang dở. Rõ là chị làm cho người ta biết tôi đang ngồi giải lao, nói chuyện cái kiểu tâm tình đối thoại, gạch đầu dòng xuống hàng kéo dài số trang bài viết. Cái nghĩa cử nầy, thấy có chút đỉnh, vậy mà đỡ hao tổn đầu óc lắm. Người đọc thấy qua, như chuyện thường tình. Đôi khi cũng muốn đọc hết cho mau để làm chuyện khác.

Chị đừng nóng, đừng nhổm dậy bước đi. Đi là hỏng cả sự suy tư đang chìm đắm. Đi là nghe nửa hồn thương đau xót lại, biết ai thương nhớ ai. Đừng trách tôi đang lọc lừa giữa người thật và nhân vật trong tác phẩm. Đừng hiểu lầm giữa nhân cách một người nữ và kỹ thuật dựng truyện. Đừng nghĩ cao xa ở một cuộc đời thật và nội dung câu chuyện. Đừng tưởng là chuyện hư cấu. Quả tình nếu là tưởng tượng sao có hình ảnh người nữ ngồi đây, có đối đáp, có nét đẹp có nụ cười, có những lời van xin từ một tình yêu ban phát. Và nếu là đời thật sao có những triết lý vụn chen vào đời sống. Thực tế bây giờ là những sòng phẳng, thẳng thừng trong chọn lựa. Chỉ có những người yêu nhau, mới thấy thấm thía khổ đau, chịu đựng. Đó là lúc mệt mỏi, gần xong bài viết. Cảm giác nầy nó thôi thúc tác giả tìm câu giải đáp cho mình.

Không biết chị có phiền không, cho phép tôi gọi một tiếng em. Bởi vì tôi thấy mặt chị bừng đỏ, tim chị rạo rực một tình yêu thao thức sáng tạo vào đời. Nó thai nghén một đứa con tinh thần, biết đâu sau nầy nó là kết quả của mối tình hờ không hẹn mà gặp, tưởng giỡn chơi mà thành thật. Nếu đã xong vậy, đời nhau có lỡ làng, chung cuộc vẫn là một kết thúc cho tác phẩm phải không. Chừng đó giới thiệu tên vẫn chưa muộn. Chuyện tình, đối với người viết, như một tình nhân mới. Đó là những khát khao đam mê ở người sáng tác. Viết về em, là về một tình cảm dạt dào, ý thức ở một tâm hồn cao quí. Chính nó là văn học soi sáng, đốt lên qua những dục vọng. Chả bù với mấy loại sách bày bán bọc kín, muốn coi thử, phải trả tiền mới cởi ra được.

Trở lại chuyện mình. Chị có vẻ mệt mỏi, mất sức? Đưa cánh tay đây, coi mạch dùm cho, không phải coi bói đâu. Hay mất ngủ, hay buồn nôn hả. Không nên làm ráng sức. Chị có uống thuốc gì chưa? Trông có vẻ khác thường. Gần bên chị, đôi lúc qua hình bóng thấy thương nhớ người mẹ. Có xa cách mới quí sự gần gũi. Ngày trước có bao giờ để tâm tới. Ngôi nhà có gì để nhớ, sao đi đâu cũng muốn quay về. Hay là nơi chốn cũ, chôn lấp đầy kỷ niệm, trói buộc một tình thân. Hay chỉ là thói quen, như một nếp sống thường tình. Bây giờ xa cách quá, hiện thực sự nhớ nhung phải trả bằng tiền vé máy bay, trả bằng thời gian của nửa vòng trái đất. Bởi vậy làm sao không nâng niu, tình cảm đối xử ở chị.

Chị ngủ đi. Ngày mai thức dậy, mọi sự sẽ đâu vào đó. Tôi sẽ uống rượu đêm nầy, buồn vui một mình đã quen. Ai bảo người cầm bút không có lần xúc động chảy nước mắt, khi viết từ tính chân thật, bằng nỗi đau phận mình. Tôi bây giờ chốn nầy không có ai. Trong mơ đêm nay, trên đất nước nầy, tôi sẽ không còn thấy ai ngoài Chị.

Thực vậy. Buổi sáng hôm sau nhân vật nữ đi ra ngoài tác phẩm tôi. Chị để lại mấy hàng chữ viết. Du ơi. Chị vẫn chưa có tên, nhưng không muốn người khác mang tiếng vì mình, khổ nỗi là em thực tế chưa được làm tình, đã phải nuôi con. Là người tự trọng, dù giấu kín chuyện mang thai, chị không muốn lợi dụng, kết thúc bằng một chữ tín ở phần sau.

Đó là một ngày cuối năm. Chị đi không về. Tôi thấy giận mình, nói chi để chị nghĩ là tôi biết nỗi đau dấu kín ở chị. Huyết hư nóng sinh bồn chồn, hỏa khí bốc lên thì buồn bực không ngủ, hay bị giật mình sợ hãi, là do trái tim có bệnh. Rõ là câu nói không chút tình tứ nào, làm sao không đụng chạm, gây hiểu lầm với nhân vật.

Chị đi rồi tôi mất hết. Một kết thúc ngỡ ngàng, chưa đi tới đâu. Rồi ngày mai chốn yên thân của tôi sẽ như thế nào. Không có một giải đáp thỏa đáng nào lúc nầy. Có ai sống dùm, biết được ở những gì sẽ tới. Ngưng đọng nầy có phải từ dụng tâm của người viết, hay chính nhân vật đành đoạn với chuyện xảy ra. Bạn có định liệu tưởng tượng dùm được không? Cuộc tình nào không có những lời hứa hẹn cam kết, giữ gìn. Cuộc sống đâu dừng lại ở hôm nay, ngày mai, và một tình yêu khác. Đâu mấy ai giữ vẹn chũ tín, câu thủy chung cho đến cuối đời. Nếu yêu nhau là một lần kết thúc, không có oan khiên, không có nước mắt. Cuộc đời là một dòng sông xuôi chảy. Người viết làm sao có hạnh phúc khi làm đạo diễn, sống dùm cái thương, cái ghét, cái bất hạnh của mỗi người. Như một câu, trong bài thơ tôi viết đã lâu. Cõi đời nhỏ trong hí trường lớn.

Nói thật nghe. Tôi chỉ là người kéo màn ở mỗi lần diễn.

HOÀI ZIANG DUY

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 40857)
Tết đến. Khi chính quyền còn cho đốt pháo, cha tôi đốt một tràng pháo thật dài, dài cả thước. Thủy mon men lại xem cùng với một vài người lớn trong ngõ, hai ngón tay nhét chặt trong lỗ tai. Qua màn khói pháo xám dày dặc, tôi thấy vui vui khi thấy nét sợ hãi trên mặt cô bé.
06 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 37959)
Giấc mơ trở đi trở lại nhiều lần, làm cho tôi, dù cố gắng quên đi lời nguyền, nhưng không thể nào thoát khỏi. Vâng, đó là một lời nguyền hết sức cay độc, từ xa xưa lắm, đã được ông Cố tôi đích thân chôn xuống trên đỉnh đèo Rù Rì.
31 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 40161)
...Em tuyệt, anh nói với lũ bạn vào năm cuối như thế! Anh nói đã ngủ với em trên dưới năm trăm lần trong năm năm học. Anh ngỡ ngàng với chiến tích của lũ bạn quanh anh. Anh gọi em là đĩ. Em chưa bao giờ làm việc đó để lấy tiền. Em cúi mặt buồn. Anh mắng em giả tạo, lọc lừa. Em muốn cười, sau bao năm chẳng phải là nụ cười hạnh phúc, nó giống nụ cười của mẹ khi đưa tờ đơn ly dị cho cha ký...
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89787)
Nhân viên trực phòng xác bật đèn. Ánh sáng xanh nhợt gây thêm sự lạnh lẽo. Hai bàn tay Sinh nắm chặt lại trong túi áo khoác. Gã nhân viên liếc nhìn Sinh, rất nhanh. Sinh tưởng như hai người kia cũng nghe được tiếng tim đập của mình. Gã nhân viên kéo chiếc hộp sắt hình quan tài nằm sâu trong vách tường. Nhẹ nhàng, cẩn thận như thể gã cũng ngại làm người nằm bên trong thức giấc.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 82020)
...Anh là cơn gió chướng của đời em. Anh là nỗi ám ảnh không mặt mũi, nhưng tồn tại mãi trong ngăn kéo ký ức em. Em đọc được trong mắt anh ước muốn hoan lạc của một tình yêu với một thân xác. Một sự hoà hợp nhịp nhàng như sấm sét và mưa. Cho anh tan chảy như trăng trong ngõ ngách đêm.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89848)
... Thiếp không muốn về, cũng không muốn ngồi lên, cũng chẳng hề thấy lạnh. Thiếp chỉ muốn nằm đó, với chàng, muôn kiếp muôn đời gặm nhấm niềm yêu. Khởi đầu chỉ là những mưu toan mà trời ơi, sao người ta cứ phải dùng những tấm thân liễu yếu, sao người ta vẫn cứ phải nhờ vả chút nhan sắc bọt bèo.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 77976)
Alexandre Lucien Abel de Rhodes mang gương mặt thống khổ và si mê của oan hồn chưa hề biết đến tình yêu. Những ai bắt gặp giáo sĩ những năm thánh chiến, thảng thốt nhận ra bóng ma mang nỗi buồn chín thối ruột gan của một người đàn ông chưa toại nguyện thân xác. Hôi thối đến nỗi những người lính Marốc của tiểu đoàn 10 Tabor tăng cường cho trung đoàn 3 Lê Dương phải bịt mũi trước xú uế nồng nặc bốc toả từ nhà thờ chính toà Cao Bằng.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 101731)
Tôi đưa nàng đi, như mộng du, ra khỏi thành phố. Ánh đèn đường và ánh sáng trong các loại nhà ở hai bên quốc lộ loáng thoáng hắt vệt ra. Chúng tôi chỉ còn vài giờ ở bên nhau. Trước mặt tôi, vài chục cây số nữa là vài ngọn đèo lớn, một cung biển đẹp, tôi biết đưa nàng đi đâu để không hoang phí vài tiếng đồng hồ quý báu này. Chuyện gì sẽ xảy ra với cô gái tên Thu Sắc và chàng trai bị gọi là Thiền Sư. Hay chính nàng mới là Thiền Sư còn tôi đang sôi sục toàn thân nỗi nôn nao làm thú.
29 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 37273)
Qua khe cửa, anh phát giác ra nhiều thứ không thuộc về thế giới bên ngoài. Ngày hay đêm, căn phòng vẫn tối ám. Ánh đèn tù mù trên trần chỉ đủ cháy đỏ tim, chứng minh nó chưa tắt. Mấy con thiêu thân vẫn gắng sức bay lòng vòng không biết trời đã sáng. Anh đưa tay lần mò trên tường tìm chữ viết. Có thể trong số bạn bè anh có người đã từng bị giam ở đây.
28 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 99177)
LTS: "Nhà Có Cửa Khoá Trái" là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Trần Thị Ngh. trước 1975 của nền văn học Miền Nam. Sau mấy thập niên, đọc lại, truyện vẫn rất mới, gần gũi như khí hậu của Việt Nam. Hợp Lưu trân trọng mời quí độc giả và văn hữu vào thăm "Nhà Có Cửa Khoá Trái" của Trần Thi Ngh.