- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MƯA PHÍA BÊN KIA CÂY CẦU

14 Tháng Mười Hai 20191:04 SA(Xem: 17056)
ngoi nha đói - le minh phong
tranh - Lê Minh Phong

 

Diên nhất quyết đòi tôi chở đi mua những cuộn chỉ đỏ, để lễ lạt khấn vái hằng mong níu kéo gã chồng tệ bạc theo cách mấy bà bạn già chỉ dạy. Rồi thì người đàn ông ấy vẫn rũ áo ra đi, nhanh chóng, phũ phàng. Diên nằm co một góc giường, đến cách nằm nàng cũng không thể chủ động theo ý mình bởi căn phòng trọ chưa đầy 20 mét vuông đã xếp kín đồ đạc của căn nhà khang trang vợ chồng Diên vừa bán vội. Những thỏi son màu đỏ thuộc về năm tháng rong chơi quên trời đất lăn về phía chân nàng, bất động.

“Đây là thành phố của những cây cầu. Cô thấy thơ mộng không?” - Giám đốc công ty bạn đang ở thế vừa là đối tác vừa cạnh tranh với chúng tôi đích thân lái xe đón tôi từ sân bay về trụ sở công ty ấy. Hoàng hôn đang đổ xuống sông Hàn lóng lánh. Tôi chợt nhớ Diên. Trước mắt nàng mà bày ra cảnh tượng đẹp đẽ này thì Diên vẫn như đã chết. Mắt nàng vẫn vô hồn, chiếc váy lụa vẫn rủ xuống tận gót chân lạnh lùng mướt mát.

“Cô có đôi mắt hệt trẻ thơ”. Anh ta tiếp tục nói, giọng chẳng có vẻ bông đùa  tán dương nhưng điều tôi quan tâm nhất chính là nhiệm vụ giám đốc đã giao cho mình.

“Đôi khi, tôi bắt gặp ánh mắt trong như thế ở những người xa lạ, tình cờ, bất chợt gặp rồi quên”. Câu nói khiến tôi nhớ lại cách đây ít lâu, tôi đã đi đăng ký hiến tạng, nhận về tấm thẻ cùng biểu tượng chiếc nơ màu xanh lá cây.

Hôm ấy, Hà Nội đúng đợt mưa lũ cao điểm, không một chút chần chừ, cũng chẳng cần hỏi han tư vấn, tôi đánh dấu đồng ý hiến tạng vào tất cả các danh mục y học đã liệt kê. Nghĩa là, thân xác này, may ra còn đôi mảnh lúc lìa đời. Đôi mắt hệt trẻ thơ mà anh ta vừa nói, rồi có thể một người xa lạ nào đó sẽ mang theo, sẽ tiếp nối những luồng ánh sáng như màu hoàng hôn tuyệt diệu trút xuống sông Hàn.

***


Tôi nói với Diên, tiếc rằng tôi chưa từng yêu tha thiết một người đến quên trời đất bằng không họ có phản bội tôi rồi quay về nói những lời ăn năn sáo rỗng phía bên kia cánh cửa như chồng Diên, tôi chắc sẽ như nàng, tim không đủ sắt đá để phớt lờ, im lặng mãi. Cánh cửa sẽ vẫn mở ra theo một cách nào đó. Tiếp đến vẫn là những bữa ăn, là tiếng vòi nước chảy, tiếng thở than chót lời đầu môi hứa hẹn nửa vời… Nên giờ này, dù cả đại gia đình hay thế giới ngoài kia có rủa nàng nhu nhược và mu muội, tôi vẫn đứng về phía bạn mình, phía trái tim đàn bà nồng nàn rớm máu.

Chúng tôi đang bước trong khu vườn sột soạt lá khô, mùi hoai mục rêu phong lâu ngày bốc hơi trong nắng mới. Cây nhãn tổ phủ kín một góc vườn, thân cây lớn đến mức Diên giang rộng đôi tay phía bên kia, tôi làm thế ở phía bên này, chúng tôi không thể chạm tới nhau dù sải tay, ngón tay đã vươn hết cỡ. Người ta bày cách cho Diên kêu cầu níu duyên ở những đền chùa linh thiêng nàng chưa một lần lui tới. Diên chìm đắm trong cơn ảo mộng thiên hạ vẽ ra cho nàng, rằng cứ rằm tháng Tám, sẽ có những vong hồn nữ nhân vì vướng bận duyên trần mà gọi nàng về quở trách, bày cách để Diên sống hòa hợp với gã chồng hễ no xôi chén chè lại bỏ nhà biệt tích. Tất nhiên, chẳng ai đi cùng nàng ngoài tôi, một đứa bạn từ thuở đánh chắt chơi chuyền. Và cạnh ngôi chùa Diên xì xụp khấn vái, hành lễ là cây nhãn tổ xum xuê. Chuyện ảo mộng về linh hồn nữ nhân níu duyên trần đưa Diên về vùng đất xưa kia là kinh kỳ tấp nập. Còn dưới vòm cây nhãn tổ rợn ngợp tựa hồ giữ cả bóng đêm ngày hôm trước, tôi gặp lại Khanh. Người đàn ông từng lái xe chở tôi qua những cây cầu ở thành phố xa lạ, cũng là vị giám đốc đang ở thế cạnh tranh khốc liệt với sếp tôi trên thương trường. Họ bằng mặt nhưng không bằng lòng khi đối phương giành được hợp đồng lớn. “Tôi chỉ tin tưởng cô làm được việc ấy. Hãy hạ gục hắn bằng mọi cách, việc của cô ở công ty đã thu xếp người khác làm thay”. Sau câu nói vừa như mệnh lệnh vừa như trao gửi của sếp, tôi bải hoải xếp vali lên đường. Như sự sắp đặt đầy trớ trêu, anh ta ngồi dưới tán cây cổ thụ, thoạt nhiên tôi chỉ thấy một tấm lưng vững chãi, buồn so, nắng hắt bóng lá xuống chiếc áo sơ mi trắng tinh. 

Khanh kể, dòng họ anh nổi danh khắp vùng. Xưa kia xung quanh ngôi nhà cổ của dòng họ có đến chục gốc nhãn cổ thụ. Theo thời gian, nhựa sống dần cạn kiệt vì thiếu hơi người, vì vơi cạn dần những câu chuyện truyền đời linh nghiệm, cây cối cứ thế héo cành, rũ lá. Bao năm qua, cả dòng họ chỉ còn lại bà cô già không chồng con sống trông nom, hương hỏa trong ngôi nhà ấy. Có tiếng bước chân người vào ra mỗi ngày mà khí nhà vẫn lạnh. Bà cô Khanh giật mình khi tôi khom lưng bước qua bậc cửa để vào nhà. Bà thốt lên trong hơi thở yếu ớt: “Đúng là nàng ta, ngay cái khom lưng cũng khác biệt người trần!”. Mãi sau này, khi gần gũi hơn, anh nói với tôi bà cô anh một mực cho rằng tôi là hiện hữu của cô gái làng đồng trinh thuở xưa đội mâm nhãn tổ lên chùa cúng Phật rồi quỳ gối trước sân đình dâng nhãn cho vua. Cây nhãn tổ là niềm tự hào của dân làng, từ lúc ra hoa, đậu quả luôn được thanh thiếu niên thay phiên nhau cắt cử trông nom, luật bất thành văn từ người già đến trẻ con đều hiểu là không bao giờ được phép xâm phạm, dù chỉ trong ý nghĩ. Cây nhãn tổ sững sững ở đó với bao điển tích ly kỳ. Nào những sáng tinh mơ túa ra trong vòm lá bầy dơi quạ đen ngòm mắt quắc lên dữ tợn, y rằng năm ấy đậu mùa, hạn hán nối tiếp lũ lụt thiên tai. Nào những đêm trăng sáng người làng đi thả lưới khuya thấy chỉ duy nhất đôi bàn chân con gái thoăn thoắt leo từ gốc cây lên ngọn, đung đưa như một trò đùa. Nhưng vào năm nhãn được mùa nhất, lòng người nao nức nhất thì cô gái đồng trinh treo cổ tự vẫn.

***


“Nàng ấy tên Tâm Nhi, phía sau gáy có hình vết chàm đỏ như hoa”
. Ấy là lời bà cô Khanh kể lại. Khanh có thêm nhiều cuộc hẹn công việc, đôi khi là chuyện trò với tôi tại thành phố bên sông. Khách sạn tôi lưu trú đối diện trụ sở bề thế của công ty Khanh. Một lần, cuộc họp cổ đông diễn ra sớm hơn dự định nên anh qua gặp tôi bàn công việc cũng sớm hơn. Bấy giờ, tóc tôi còn ướt, thoảng mùi sả chanh, thật chẳng ăn nhập gì với chiếc váy công sở tôi mặc vội để tiếp đón đối tác cho lịch sự. “Thời buổi này vẫn có phụ nữ gội đầu sả chanh. Vùng tóc ướt này, biết bao giờ tôi mới thoát nổi!”. Tôi đưa tay tắt vội đĩa nhạc vẫn quay đều giai điệu có phần đầy oán thán, rấm rứt từng thớ da thịt: “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng. Thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi”.

Mọi hợp đồng, kế hoạch công việc công ty Khanh luôn chặt chẽ. Không một kẽ hở nào đủ để tôi lách vào. Có chăng, tôi vẫn hiểu mình chỉ có thể bước vào cuộc đời Khanh, phá vỡ thế cờ ngang nước giữa anh và sếp tôi bằng một câu chuyện khác, thiên hướng cảm xúc đời thường. Dường như, vì lần tình cờ gặp tôi dưới gốc cây nhãn tổ, vì cái rùng mình khó giấu diếm của bà cô và chút hương sả chanh thoang thoảng mà Khanh ứng xử với tôi gần gụi, thân tình, không biểu lộ dè chừng một doanh nhân cần có. Giấy tờ thủ tục hợp tác đều được phía công ty anh nhanh chóng xử lý, thời gian chúng tôi bên nhau cũng dài hơn. Lại vẫn là những cây cầu, cả bình minh hoàng hôn, nắng mưa hay lúc trời đổi gió. Có vẻ Khanh chẳng bao giờ biết được, tôi lặn lội vào đây rốt cuộc mục đích gì.

“Em có tin chuyện về nàng trinh nữ Tâm Nhi ấy không?”“Sao anh lại hỏi thế?”. Giữa chúng tôi, im lặng nối dài. Trong chiếc đầm màu trắng hở vai, tôi vô tình để lộ vết chàm sau gáy. “Công việc tôi bận rộn, mỗi năm tôi chỉ về lại ngoài Bắc được đôi lần giỗ chạp. Hồi đám trẻ làng còn nhỏ, người già kể rằng nàng Tâm Nhi tự vẫn vì ánh mắt của vua. Đúng vậy, chỉ vì một ánh mắt đăm đắm nhìn nàng thôn nữ mười bảy tuổi mà nàng hiểu mối duyên thề hẹn giữa mình với người trai làng đang mải mê dùi mài đèn sách sẽ đứt lìa, không cách nào cứu vãn. Chỉ một cái phẩy tay, một ánh mắt quyền uy đầy ngụ ý, nàng sẽ phải nhập cung sống kiếp cá chậu chim lồng. Cụ tổ nhà tôi, bức chân dung đặt giữa ban thờ mà em từng thấy, chính là chàng trai đèn sách thuở xưa. Sau cái chết của nàng Tâm Nhi, người thuận theo gia đình cưới vợ, có con đàn cháu đống, lại đỗ đạt cao nhưng như vướng một lời nguyền, tất cả những người thành đạt trong dòng họ đều sống kiếp li hương”. Giọng Khanh tôi ngỡ giọng ai. Rõ ràng, khoảnh khắc ấy chúng tôi đứng trên cầu, gió lồng lộng thổi bạt cả mái tóc mà tôi cảm giác như tán cây nhãn tổ đang um tùm vây bủa quanh mình với một đêm trăng trĩu trịt thành từng chùm treo trên cành lá, rụng rơi đầy vai, chói lòa rớt xuống bước chân mình.

***

 

Cứ như những lời mê sảng của Diên thì ông thầy bà cô bói toán nào đó đã gọi được linh hồn nàng trinh nữ Tâm Nhi. Không một lời khóc than oán trách  nhưng mắt nàng đẫm lệ. Người ta đinh ninh bản mệnh của nàng hợp với Diên, đi theo Diên từ thuở ấu thơ không rời nửa bước. Nàng tin vào lời phán nhờ có sự che chở của nàng Tâm Nhi mà hết lần này tới lần khác định chết nàng đều được cứu sống, gã chồng đi biệt lại có ngày về thủ thỉ bên tai những lời đường mật. Với tôi, chính lý trí và sự nhạy cảm đã vạch đường giúp tôi đến cứu Diên. Có thời khắc nàng đã yên vị trên ghế sô pha, từ tốn uống hết một nửa số thuốc ngủ tuyệt nhiên không nhắn tin kêu thán, từ biệt ai như nhiều người vẫn làm trước khi tự vẫn. Lần khác, Diên nằm dài trong bồn tắm, gương mặt trang điểm kĩ càng bằng loại phấn son chống nước,, mặc nguyên bộ váy ngủ xanh bạc hà, mạch máu trên tay phun ra đỏ ối… Khi nàng cô đơn, tuyệt vọng rồi thản nhiên tìm cái chết chính là lúc tôi thấy tim mình đột ngột nhói lên.

“Ngày nó về đây, gió cứ thổi mãi trên ngọn cây nhãn tổ, lạ lắm. Gió mang tiếng người. Sống trên cõi đời ngót trăm năm, chưa bao giờ ta thấy gió trời lạ thế. Nếu có cuộc hồi sinh chuyển kiếp, chỉ e tai họa khôn lường”. Chẳng những Khanh mà tôi cũng ám ảnh lời bà cô già rủ rỉ ngày chúng tôi gặp lại nhau giữa quê cha đất tổ của Khanh.

Chúng tôi chưa bao giờ ngỏ một lời tình tứ với nhau. Khoảnh khắc rung rinh tê tái nhất là lần tôi để lộ vết chàm sau gáy. Khanh biết đó hoàn toàn không phải một hình xăm dù rõ rệt bông hoa năm cánh mỏng. Mẹ tôi từng nói, khi sinh ra tôi đã sẵn có vết chàm, vì nó mà bà nội e ngại tôi khó nuôi. Hồi bé, vết chàm ấy thành chủ đề đám trẻ làng trêu chọc và người lớn thêu dệt. Họ bóng gió tôi là con của ma  nữ, ám hại dân làng nên từ ngày tôi cất tiếng khóc chào đời, cả ngôi làng trù phú dần tàn lụi. Chỉ duy nhất Diên luôn ở bên tôi, sẵn sàng nhào vào đánh tơi tả đứa trẻ nào hòng xông vào tôi để tận mắt xem vết chàm “tội lỗi”. Ánh mắt Khanh sâu lắng, dìu dịu mà ấm áp bỗng chạm vào vệt ký ức đầy xót xa của tôi. Qua tháng ngày tuổi thơ chật vật, càng trưởng thành, tôi càng cô độc trong chính gia đình mình khi bà nội và mẹ bất lực không thuyết phục được tôi đến đền chùa nào để cầu duyên. Tôi có một công việc nhiều người mơ ước, một nhan sắc khiến cả Diên xuýt xoa nhưng với gia đình tôi là nỗi nhục, là điểm duy nhất khuyết thiếu thiệt thòi. “Tôi có cảm giác đã mất em quá lâu rồi. Lần này nếu em còn đi, tất thảy mọi điều đều vô nghĩa lý”. Nói xong câu ấy, Khanh đưa tôi về đúng trận mưa đêm. Mưa kéo từ bên kia nhưng đến giữa cây cầu lại ngớt. Mọi người xôn xao, ở thành phố này là thế, rất lạ, mùa này mưa đêm chia cây cầu làm hai, ai muốn ướt cứ đi về phía đó.

 

***


“Gã chẳng chết mê chết mệt mày rồi, không chớp lấy cơ hội là tiêu tan kế hoạch”
. Sau cơn khủng hoảng tột cùng trong cuộc hôn nhân rách rời chắp vá, Diên bây giờ hoàn toàn tỉnh táo, sắc lạnh được bao bọc bằng vẻ ngoài phơi phới hồi xuân. Bên cạnh nàng đương nhiên vẫn là ông chồng sờ sờ hệt cái bóng. Hắn thận trọng pha đồ uống cho chúng tôi – công việc duy nhất tôi ghi nhận hắn đã tận tâm, làm tốt với Diên. Trước mặt tôi, chưa một lần chồng Diên nhìn thẳng vào mắt vợ. Tôi canh cánh mãi trong lòng câu hỏi, họ yêu nhau thế nào. Rồi một lần nào đó, cô bạn thì thầm bên tai tôi: “Bọn tao yêu nhau bằng tiếng nước chảy. Cứ mở nước ra, hai thân thể buông xuôi, nửa chìm nửa nổi trong bồn tắm. Anh ấy bảo, lúc đó nhìn tao đẹp lắm, như từ một khúc sông nào đó dạt về, rồi sống lại”. Diên đủ hiểu tôi gai người ra sao trước bí mật này. Mỗi năm dăm bảy bận vợ chồng lục đục, lần nào nàng cũng đi kêu cầu, cũng khăng khăng mối tình của mình là duyên nghiệp, muốn lìa không thể lìa. Tôi luôn sợ căn nhà Diên ở. Không tiếng trẻ con, không tiếng cười đùa, quanh năm suốt tháng nghi ngút mùi trầm dù lò đốt đặt tít trên tầng áp mái. Chỉ cần cuộc sống hôn nhân ổn định, có gã chồng vất vưởng trong nhà, trí thông minh tài thao lược của Diên sẽ phát huy tối đa năng lực. Chẳng thế mà sau những đận nhà không có để ở, xe chẳng có mà đi, tiền bạc bị chồng vung tay tiêu pha với thiên hạ, nàng lại vực dậy nhanh hệt phép màu.

Tôi nói với Diên, càng chìm sâu vào câu chuyện của Khanh tôi càng muốn phá bỏ kế hoạch từng đồng tình với sếp. Nhất là khi bàn tay nhăn nheo mốc thếch của bà cô anh run run nắm lấy tay tôi. Bà tin đưa tôi về đây là một ngọn gió trời. Diên hờn trách tôi mơ mộng hão huyền. Rằng tôi rõ ràng đang nắm đằng chuôi dao, chỉ nhích khẽ là hoàn thành kế hoạch.

***

Con gái Khanh không nhìn thấy ánh sáng từ năm sáu tuổi vì cú ngã nhào trên cầu thang trôn ốc khi trốn chạy cuộc cãi vã to tát nặng nề của bố mẹ. Công ty chung bề thế được chia cắt làm hai phần sau đó không lâu. Bây giờ, cô bé ấy đã mười một tuổi, xinh tươi, bụ bẫm dù đôi mắt vẫn đục màu mưa. Nhà Khanh có tới bốn người giúp việc, hai người phụ nữ luống tuổi chuyên chăm sóc trông chừng và đưa con gái anh đến lớp học đặc biệt còn lại là hai người đàn ông quản gia, làm vườn. Vợ Khanh sống cách đó không xa, vẫn một mình điều hành công ty riêng, không kết hôn, thường xuyên qua lại thăm nom  con gái. Họ quên cả thủ tục ly hôn dẫu bao năm sống riêng nhà bởi một tờ giấy dường như đã không còn nghĩa lý gì với hai thế giới tách biệt. Đứa con là cây cầu, và cây cầu ấy lại rất mong manh, rất yếu mềm trước những lằn ranh giới. Thỉnh thoảng vô tình chạm mặt, họ giữ phép lịch sự hỏi đôi câu tình hình sức khỏe, học hành của con cái.

“Cô ngồi ăn kem xoài với cháu”, cô bé hướng về phía tôi nói giọng rất ngọt ngào, lễ phép. Trên mặt bàn khu bếp rất nhiều bức tranh được vẽ vời bằng sáp xếp đặt gọn gàng. Khanh giải thích: “Con bé rất thích vẽ, nó còn làm thơ nữa, con vừa có bài thơ gì về mùa xuân ấy nhỉ?”. “Mùa xuân cắm hoa cúc xanh/ Ngọc ước vỡ thành trăm mảnh…”. Con gái Khanh cất giọng trong veo còn tim tôi như vỡ nát.

Sau chuyến đi ấy, tôi về lại bên Diên, kể chuyện cô con gái nhỏ mù lòa, chuyện những bức tranh được pha màu bằng cảm giác, cách xếp đặt thật gọn gàng, hợp lý cũng bằng cảm giác. Mắt nàng rưng rức nước, đầu vẹo hẳn một bên gối như con mèo tội nghiệp nói lại những lời chẳng hề lạ lẫm so với hơn chục năm về trước khi Diên kết hôn được dăm năm mà không con cái: “Tao khao khát một đứa con dù tốn kém, đau đớn cỡ nào. Rồi thì, nó có thế nào cũng được, tao sẽ chăm sóc, yêu thương nó còn tâm hồn trong sáng thơ ngây ấy chính là nguồn sống để tao không thấy mình già cỗi, vô dụng mỗi ngày. Ấy vậy mà tao luôn thất bại”. Những lúc như thế, Diên quá yếu mềm, mà đó mới thật là Diên. Cũng chính là tôi. Tin đồn chồng nàng có con riêng, muốn cho người đàn bà kia một vị trí nào đó không phải nàng không biết, mà Diên muốn thả trôi xem rốt cuộc tham vọng, xúc cảm của người đàn ông vốn đầu gối tay ấp, có khiếu nói lời hứa hẹn, xoa dịu mọi vết thương lòng rồi sẽ trôi tuột đến tận đâu.

***


“Đây chính là đứa cả gan dám cướp chồng bà!”
. Vợ Khanh cùng một nhóm người xộc thẳng vào phòng tôi, xúm vào tôi vò xé không thương tiếc. Đĩa nhạc vẫn quay đều, khắp người tôi mùi sả chanh vẫn dâng đầy, cay xè mắt. Người đàn bà ấy quất vào tôi từng câu nói như dao: “Cho con nhỏ này từ nay biết mùi tàn phế”, “Còn định dụ dỗ cả con gái tao để chiếm hết gia tài”… Rồi như có một đôi tay chạm vào tôi, đỡ lấy tôi, mong manh, dịu nhẹ. Không phải Khanh. Đương nhiên thế. Tôi đủ tỉnh táo để nhận biết thời điểm này anh đưa con gái ra nước ngoài khám lại đôi mắt, thăm dò thêm về lựa chọn phẫu thuật. Trước khi đi, đứa trẻ mười một tuổi thỏ thẻ quanh tôi: “Cô ở lại đây chơi, cô buồn thì xem tranh, thăm vườn, rồi đợi cháu về”. Đâu đó, phía sau những lùm cây được cắt tỉa công phu đang đơm hoa tím ngắt, tôi luôn cảm thấy mùi hương trẻ con, thoảng từ nếp áo mềm mại của con bé.

Tiếng người gào thét, la lối, chửi rủa không ngừng trút xả. Tôi thấy bầy dơi quạ xúm xít nhằm thẳng gáy mình, càng có mùi máu, càng đẫm màu máu, chúng càng điên cuồng đập thẳng đầu vào đó. Một ánh mắt quyền uy đầy ngụ ý nhìn tôi, như thể chỉ cần tôi gật đầu, tất cả sẽ dừng lại nhưng tôi biết tôi sẽ khước từ, như cách tôi và Khanh đêm ấy vẫn đi qua cây cầu, dẫu biết rõ đợi mình phía trước là mưa giông. Che chở cho tôi là đôi tay mềm mại, ngọc ngà. Tôi thấy mình bay lên trên không trung, được chắp thêm đôi cánh, bay mãi về phía những tán cây nhãn tổ già cỗi cho đến khi cả một khoảng trời màu nâu lặn vào mắt rất sâu.

Các báo đồng loạt đưa tin: Vụ đánh ghen tàn bạo có một không hai; Vợ giám đốc công ty X bị khởi tố; Nữ giám đốc công ty K phủ nhận sử dụng a-xít… Sếp không liên lạc mà đích thân ra sân bay đón tôi về. “Thật may, cô vẫn an toàn, cô làm tốt lắm, tôi đã xem xét đề bạt cô ở vị trí mới!”, ông ta nói giọng chắc nịch, hào sảng. Còn Diên cũng nói không ngừng nghỉ: “Lão chồng tao bảo, mày đúng tuýp người đa nhân cách, lúc mộng mơ khi tính toán khôn lường, mày đã hạ công ty ấy bằng kế mỹ nhân. Tao à, tao chỉ quan tâm mày đã trở về, bên tao như lúc trước. Lúc mày nguy hiểm, tim tao đã chẳng nhói lên, vì lúc nào cũng rớm máu sẵn rồi”. Công ty Khanh sớm đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng, các cổ đông đồng loạt rút cổ phần. Không ai nghĩ bão tố ập đến chỉ vì xô xát đàn bà.

***

Thực ra thì, người viết một phần lớn câu chuyện này bây giờ đã không còn nữa. Tôi chỉ là người viết tiếp phần kết trong nỗi day dứt, chờ mong cô ấy sẽ trở về như cái kết lí tính tôi vạch ra rồi tự mình tưởng tượng suốt những ngày người bạn thân duy nhất đi về phía thành phố xa lạ bên sông Hàn. Chồng tôi từng khẳng định, cô ấy sẽ có kế hoạch sắc bén để được đề bạt một vị trí cao hơn ngày trở về. Tôi lại đinh ninh cô ấy như bản mệnh không thể tách rời tôi, sẽ luôn ở bên tôi lúc cần thiết nhất. Vậy mà, bạn tôi vĩnh viễn nằm lại về phía bên kia cây cầu sau cuộc đánh ghen, ám sát thảm khốc. Thật kỳ lạ, trong ngăn kéo tủ phòng khách sạn, cô ấy để lại một bức thư. Trong bức thư ấy, người bạn thuở ấu thơ của tôi tâm sự, những giấc mơ là điều duy nhất cô ấy muốn giữ lại cho mình. Một ngày nào đó không xa, nếu có nỗi bất ngờ, đau đớn nào ập đến, trước khi chết não, cô đồng tình tặng lại đôi mắt mình cho con gái của Khanh. “Để ngọc ước không vỡ thành trăm mảnh”. Đó có thể coi là lời tiên tri không? Hay sự tự ý thức rõ những việc mình đang làm đầy bất trắc và thiên vị tuyệt đối về cảm xúc?

Sau ồn ào, đổ vỡ, Khanh hoàn tất thủ tục ly hôn, đưa con gái sang định cư ở nước ngoài. Cô bé ấy đã nhìn thấy ánh sáng cuộc đời nhưng nét vẽ trong tranh lại chẳng hề thay đổi. Tranh của con gái Khanh được coi như một hiện tượng hội họa, tham dự nhiều triển lãm ở nước ngoài, đoạt giải thưởng cao và mắt tôi nhòa nước khi nghe cô bé trả lời phỏng vấn trên truyền hình: “Cháu muốn nói lời cảm ơn cô – người mang ánh sáng cho cháu, cũng là người duy nhất hiểu cháu không vẽ bằng đôi mắt mà vẽ bằng trái tim”.

 

Lữ Mai

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 14850)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14870)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14802)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 15305)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17632)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19415)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13905)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16509)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15622)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15746)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.