- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Vườn Măng Cụt

02 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 32680)

w-tmt-vuonmangcut1_0_300x236_1Người con gái ra đón ông Thành ở ngay khu đậu xe của chung cư. Cô hồn nhiên nắm tay ông, cái nắm tay không phải dắt ông cho khỏi vấp ngã, nhưng tỏ sự thân tình. Cô vừa đi vừa nói:

- Lâu quá rồi bác cháu mình không gặp nhau. Con xem đồng hồ áng chừng giờ bác đến, thế mà đúng. Con vừa ra chưa được năm phút đã nhìn thấy xe bác rẽ vào. Bác trông còn khỏe quá!

Rồi cô thấp giọng. "Mẹ con đang chờ bác."

Ông Thành nhìn cô con gái của bạn, nhớ lại ngày cô còn bé tí, nay đã gần bốn mươi rồi, không trách mình già. Ông xiết chặt tay cô, nhớ đến người đã đi biền biệt.

Ông Thành là bạn thân từ thời còn rất trẻ của cha mẹ cô, ông là bạn học của ông Lâm từ thời trung học. Họ cùng trưởng thành, ra đời làm việc, lập gia đình, gần như lúc nào cũng có nhau. Họ cùng di tản, tham dự ngày con cái nhau ra trường và cưới hỏi. Cách đây năm năm, ông Lâm qua đời, rồi bà Thành cũng chỉ còn là một nắm tro than. Ông Thành sức khỏe bắt đầu hơi kém đi theo tuổi tác. Sắp tám mươi rồi, còn trẻ trung gì nữa, ông làm biếng đi ra ngoài, sự liên lạc cũng thưa thớt dần giữa hai nhà.

Tuần trước cô cháu Lan, gọi bác Thành thăm hỏi và nói thêm:

- Mẹ con mấy hôm nay không hiểu sao cứ mong gặp bác, nhắc bác hoài, bác có thể ghé qua xơi một bữa ăn trưa với mẹ con và con không?

Ông ngại đi quá, nhưng nghe cô cháu gọi đến lần thứ ba, ông không nỡ chối từ. Hơn nữa gặp lại vợ con của một người bạn thân đã qua đời, sẽ gợi nhớ cho mình bao nhiêu kỷ niệm thân tình cũ cũng là một điều nên làm.

Cô Lan đưa ông vào căn chung cư của mẹ, mẹ cô ở đây từ sau khi cha cô mất được một năm. Bà ở rất gần các con nhưng không muốn ở chung. Con cháu thay nhau gọi điện thoại, và ghé qua, khi sáng, lúc chiều. Thỉnh thoảng một người thu xếp đến ăn trưa với mẹ, không kể những tụ họp gia đình cuối tuần, nên tuy bà ở một mình ở tuổi bẩy mươi các con vẫn yên tâm.

Bà Lâm hôm nay có trang điểm nhẹ nhàng một chút, trông cho tươm tất tuổi già, chắc để tiếp khách. Ông Thành để ý đến những bông hoa nhỏ tím đậm trên chiếc áo len mỏng mầu xám bà mặc, mầu sắc trông rất hài hòa.

Bà Lâm vồn vã đón ông:

- A, anh Thành. Anh trông khỏe mạnh quá, chẳng khác thời tôi mới gặp anh lần đầu. Anh còn nhớ lần đó không? Anh Lâm và tôi đón anh đi Lái Thiêu, đi thăm vườn trái cây. Chúng mình mua bao nhiêu là măng cụt.

Ông Thành lắc lắc cái đầu bạc trắng của mình, cố nhớ lại lần đầu tiên gặp bà. Tại sao lại ở vườn măng cụt nhỉ?

- Anh quên rồi à, chúng mình cùng đi trong cái xe Renault đen của ba anh Lâm?

Chịu, ông không thể nào nhớ ra được. Trí óc của mình sao có thể tệ đến thế nhỉ? Đã tám mươi đâu?

Cô Lan dọn bữa ăn trưa lên chiếc bàn nhỏ. Mấy món ăn nhẹ cho ba người. Bà Lâm hình như không chú ý đến thức ăn, Lan tiếp thức ăn vào chén của bác Thành, nhắc mẹ hai ba lần bà vẫn chưa cầm đũa.

Bà Lâm đang hứng khởi nói về dĩ vãng:

- Anh nhớ chứ. Mình ăn trưa ở Búng. Món nem chua ở đó cũng khá ngon. Sau đó mình vào vườn măng cụt, vườn chôm chôm, vườn dâu ở Lái Thiêu. Lúc đó tôi chưa lấy chồng, lần đầu tiên gặp tôi, anh đã yêu tôi ngay. Cả hai anh cùng yêu tôi. Anh nhớ không?

Cô Lan nhìn mẹ, không hiểu mẹ đang muốn nói gì? Ông Thành cũng sững người ra nhìn bà. Ông có yêu bà thời trẻ à? Không làm gì có chuyện đó. Thủa đó họ chơi chung với nhau, cả hai cặp. Thành, Tuyết và Lâm, Liên. Sau đó cả hai cặp đều thành vợ chồng.

Bà Lâm hồn nhiên nói tiếp:

- Mấy cái vườn trái cây khi được mùa mới hấp dẫn làm sao! Những chùm trái dâu, trái chôm chôm nặng trĩu chạm mặt đất. Măng cụt đỏ tím cả khu vườn. Muốn vào trong vườn phải rẽ cành hai bên mà đi. Anh nhớ không, anh dắt tôi vào đó, ở một chỗ vừa che mất anh Lâm, và anh đã tỏ tình.

Ông Thành thần mặt ra, hoang mang không hiểu những lời bà Lâm đang nói có thật hay không? Cô Lan có lẽ biết, đã đến lúc nên rút lui để cho hai người bạn già cũ nói chuyện quá khứ. Cô khe khẽ thu bát của mình, im lặng bước vào phòng ngủ của mẹ. Căn chung cư nhỏ, chỉ có nơi đó, cô có thể tránh mặt hai người.

Ông Thành nhíu mày lại, cố hình dung ra hình ảnh khu vườn trái cây, nơi ông đã mang người yêu của bạn vào đó tỏ tình. Không cách nào ông nhớ ra được. Trí óc mình lú lẫn rồi! Ông than thở trong đầu.

Bà Lâm nheo cặp mắt đã có thật nhiều vết nhăn kéo dài ra đến thái dương nhìn ông, từ tốn nói:

- Tôi để cho ông hôn tôi, nhưng tôi từ chối tình yêu của ông, vì lúc đó anh Lâm đã ngỏ lời cầu hôn trước ông. Chắc ông còn nhớ, hôm đó tôi mặc chiếc áo dài có những bông hoa mầu tím đỏ. Ông bảo mầu hoa trên áo đẹp giống mầu vỏ măng cụt, rồi ông bửa một trái măng ra chia cho tôi ăn một nửa, mầu vỏ tím hồng nhuộm mấy ngón tay ông, ông quệt lên má tôi, nói: "Em không cần thoa má hồng nữa, anh thoa cho em rồi."

Chi tiết đến thế này thì chuyện chắc phải có thật, mình không nhớ ra được thì ngày mai mình nên làm cái hẹn gặp bác sĩ. Tuổi tám mươi chắc bước vào tuổi mất trí nhớ rồi! Cả một dĩ vãng lãng mạn nên thơ như vậy, người đàn bà nhớ được, mình lại quên bẵng như đầu óc được nhúng vào một dung dịch hóa chất thì tệ thật. Ông không chối nữa, ông nhìn người đàn bà trước mặt, nhìn hai con mắt, mí đã sụp xuống nhưng tròng đen vẫn lóng lánh pha một chút tinh nghịch. Ông hạ mắt nhìn xuống cặp môi, cặp môi đều đặn, hơi cong, thoa một lớp son mỏng mầu hồng. Ông cố hình dung ra cặp môi thời còn trẻ của bà, cặp môi chắc tươi như bông hoa mận, cặp môi theo như bà nhớ, ông đã cúi xuống hôn trong vườn măng cụt. (Chắc là vội vàng lắm, vì hôn trộm người yêu của bạn mình)

Bà không để ông có thời giờ thả đầu óc về những hình ảnh bà nhắc nhở ông, bà uống một ngụm nước, nói tiếp:

- Sau đó tôi lấy anh Lâm, nhưng không thể quên mối tình của ông. Hôm đám cưới chúng tôi, ông làm rể phụ. Ông đẹp trai và rất xứng với tôi, nên có người đã nói, để ông làm chú rể thì đẹp đôi lắm. Mấy chục năm sống với ông Lâm, sanh mấy đứa con, nhưng chẳng lúc nào tôi không tơ tưởng đến ông. May mà chúng mình chưa hề xa nhau ngày nào cho đến khi anh Lâm mất hẳn. Bây giờ thì chắc chắn không còn ai ngăn trở mình nữa. Ông có nghĩ mình nên dọn vào ở chung không?

Thế này thì nguy quá rồi. Bà Lâm nhắc lại dĩ vãng cốt để nối hiện tại vào. Nhưng ông không hề nhớ được một chi tiết nào cả. Tuổi già thật khó chịu, nó xóa hết cả dĩ vãng, rồi dựng lên một tương lai huyễn hoặc. Ông cúi xuống uống nốt ngụm trà trong chén, cất tiếng gọi:

- Lan ơi! Bác về nghe con.

Ông kéo ghế đứng lên. Ông không trả lời về đề nghị của bà Lâm vội, ông chỉ nói nhỏ nhẹ, và hứa một lời rất bâng quơ:

- Tôi về nghe chị. Sẽ trở lại thăm chị khi nào trí óc sáng suốt thêm một chút.

Lan tiễn bác Thành ra chỗ đậu xe. Cô ở trong buồng ngủ, sát vách, nên đã nghe hết lời của mẹ kể. Hai bác cháu yên lặng đi bên nhau không nói năng gì. Ông Thành đã ngồi vào xe, trước khi mở máy, ông quay kính xuống nói như tâm sự với Lan:

- Chắc bác cần đi khám lại cái đầu của mình. Những điều mẹ con nói hôm nay, bác không làm sao hình dung ra được một dĩ vãng vừa thơ mộng, lãng mạn, vừa tội lỗi của tuổi trẻ. Bác có mất trí nhớ tồi tệ đến thế không? Bác nhớ là cả ba con và bác cùng lớn lên ở Đà Lạt. Những kỷ niệm của bốn người: Lâm, Liên, Thành, Tuyết có với nhau hồi đó là: Cà phê Tùng, Nhà thờ con gà, Đồi Cù, trường Võ Bị Đà Lạt, và những trại mận. Rồi ngày ba mẹ con đám cưới, bác đang tu nghiệp võ bị ở Mỹ, làm sao bác phù rể được nhỉ?

Ông nói xong, ngẩn người ra như không tin những điều mình nhớ, ông đợi Lan trả lời câu hỏi của mình. Lan cho hẳn đầu cô vào trong cửa xe, gục đầu lên vai bác Thành, cô ngửi được mùi già nua trên cổ bác phả ra, mùi của ba cô ngày trước, làm cô khóc nức lên:

- Bác ơi! Không phải bác mất trí nhớ đâu. Mẹ con đấy, mẹ con bị Alzheimer nặng lắm rồi. Mẹ con quên hết dĩ vãng thật của mình, và ngày nào cũng vẽ ra một câu chuyện mẹ con tin là đã xẩy ra trong đời mình.

Tối hôm đó, Ông Thành trằn trọc trên giường, không sao ngủ được. Ông cứ nhớ mãi câu nói của cháu Lan. "Mẹ con vẽ ra một câu chuyện, mẹ con tin là đã xẩy ra trong đời mình."

Ông bâng khuâng: Liên mất trí thật, hay Liên yêu mình từ trẻ mà mình không biết?

Một vườn măng cụt đổ ập xuống giấc mơ của ông trong đêm.

Trần Mộng Tú
Tháng 11/2008

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Chín 20191:02 CH(Xem: 17126)
Cùng với câu thở than đời người ngắn ngủi, bàn tay hắn đáp xuống trên đùi chị, nhẹ nhàng như chiếc lá rụng xuống thảm cỏ mượt mà. Cái miệng hắn không ngừng bài giảng thuyết của nhà truyền giáo đang cố đưa ra những giáo điều mê hoặc, “Bao lâu này tôi mơ tưởng được một người đàn bà ghen vì mình như thế mà không gặp. Tôi yêu cơn ghen của chị; cho tôi phần còn lại của cơn ghen đó đi. Quên anh ấy đi. Tôi có bà con ở Vancouver, hai đứa mình bay qua đó lập nghiệp. Cho tôi xin tình yêu của chị, cho tôi xin phần còn lại của cái ghen tuông mờ mắt của chị. Chị đã dành cho anh ấy quá đủ rồi. Anh ấy đã hưởng trọn vẹn cơn ghen đầu mùa. Chị cho tôi cơn ghen cuối mùa này đi. Tôi yêu chị mà! Chị yêu lại tôi nghe... yêu tôi nghe...”
23 Tháng Chín 201911:43 CH(Xem: 18599)
Nhà em có 4 chị em gái. Chị hai Tím có vẻ đẹp sắc cạnh, rạng rỡ, tính tình lại ương ngạnh, gai góc cứng đầu. Từ nhỏ đôi mắt 1 mí đã xếch ngược và đôi môi cong cớn hay lý sự dỗi hờn. Cái tên Lê An Đậu Tím của chị là đề tài của một vùng, một trường, một thời và của một truyện ngắn em đã viết.
21 Tháng Chín 20196:18 CH(Xem: 18203)
Trong thời gian tôi ở trại, hắn luôn gởi đồ thăm nuôi cho tôi qua tay ông Thái trưởng tù. Lần nào tới tay tôi cũng bị tay Thái xén bớt ngay trước mặt tôi nhưng biết làm sao. Thời ấy mỗi cử mỗi động đều bị rà soát mà hắn là một cán bộ công an còn tôi lại là một phạm nhân. Rồi tôi theo bạn tù chuyển lên Quang Hiển để lao động, hắn cũng theo lên, cũng gởi đồ cho tôi. Xin cho tôi được làm đầu bếp, em tôi lùa vịt, công việc nhẹ nhàng hơn các người tù khác. Nhưng sau tôi khẳng khái cương quyết không nhận tình thân của hắn dành cho tôi và không muốn gặp hắn nữa. Chúng tôi lại xa nhau...
21 Tháng Chín 201912:15 SA(Xem: 19283)
Hắn bị đụng xe vào buổi chiều và đưa vào phòng cấp cứu của một bệnh viện huyện.Hắn hôn mê từ đó cho đến sáng hôm sau mới hồi sức nhưng vẫn ở trong trạng thái mê tĩnh. Đôi mắt khẻ lay động, cơ thân muốn rướn lên nhưng có một sức mạnh vô hình trì níu lại, đôi môi khô khốc, hắn khao khát được một vài giọt nước , tôi bón cho hắn từng giọt từng giọt và tay luôn nắm bóp trên vầng trán, vùng ngực gây cho hắn cảm giác êm dịu, ru vào giấc ngủ chập chờn.
11 Tháng Chín 201910:25 CH(Xem: 18488)
Đầu tiên là triệu chứng khó thở kéo dài nhiều giờ. Đó là điều khó hiểu với một người không phải là cuờng tráng song sức khỏe có thể được gọi là sung mãn như ông. Bác sĩ riêng đã loại trừ ngay cái bệnh buộc phải lập tức i-zô-lê( biệt lập), hoành hành bởi con vi trùng mang tên một nhà bác học Đức. Nơi ông ở cũng chưa đến nỗi phải suốt ngày đeo mõm chó cả khi ra đường lẫn ở trong nhà như thành phố Bác - Ki nọ mù mịt bụi khói gần đây mà ông thường thấy trên phim, ảnh.
08 Tháng Chín 201911:54 CH(Xem: 18860)
“Ối... giời đất ôi!” Tiếng rú hoảng kinh của người đàn bà dưới khoang thuyền vọng lên, tiếng được tiếng mất trong gió lộng khi con sóng hung hãn đập mạnh vào lớp vỏ kim loại bên mạn thuyền. Chiếc du thuyền chao chọng, lắc lư như món đồ chơi trong tay đứa trẻ tinh nghịch. Nước văng tung tóe lên cả mặt sàn gỗ đầy vân. Người đàn ông một tay bám chặt lấy cột buồm, một tay rà lại những nút buộc chiếc áo phao mà gió gắn chặt vào người. “Không sao đâu,” người đàn bà dán mình vào chỗ ngồi ởđuôi con tàu, chiếc áo phao màu cam sáng rực dưới ánh sáng mờ ảo của một ngày vừa chớm. Chị nghểnh cổ nói vọng xuống khoang. “Du thuyền chứ có phải ghe đánh cá của ngư dân đâu.” Rồi chị lẩm bẩm,“Đến siêu bão cũng chả sao.” “Cứu mẹ con cháu với!” Tiếng gào khan của một người đàn bà văng vẳng trong tiếng hú của gió. Người đàn ông nghểnh cổ, nhìn xuyên qua màn hơi nước mờ đục. “Hình như có người kêu cứu.” Anh ta nói lớn. Trái tim quýnh quáng trong lồng ngực. Người đàn bà trong áo phao màu cam hỏi
06 Tháng Chín 20193:37 CH(Xem: 18661)
Camie là người nữ đồng nghiệp duy nhất trong số các đồng nghiệp nam làm chung một group gồm chỉ có ba người : hắn , Dick và Dan, cả ba đều là người Việt Nam. Camie là người Philippines , nước da trắng, mắt to, tóc dài, thân hình thon gọn, eo nhỏ mông to. Nhiều lần lão Dick thèm thuồng nói với hắn - Camie sống cô đơn độc thân một mình đang khao khát một tình yêu.
28 Tháng Tám 20193:20 CH(Xem: 16705)
Ở đây, tất cả nhân viên, dù là người địa phương tình nguyện đến làm việc, hay nhân viên chính thức, đều mặc cùng một bộ đồng phục màu xám, áo vest xám, váy đầm hình chữ A màu xám, áo chemise lụa trắng bên trong. Trắng và xám. Đó là 2 màu chủ đạo sau buổi sáng 5.46' ngày 17 tháng 1 năm 1995.
19 Tháng Tám 20193:54 CH(Xem: 18792)
Tôi đứng một mình bên cửa sổ. Đêm lặng. Ngọn đèn hành lang rọi xuống chậu cây chi mai đang nở hoa trắng, tạo thành một quầng sáng đơn độc. Tôi vốn có thói quen đọc sách khuya. Những lúc đêm khuya thanh vắng, khi người đời đã chìm trong mộng mị, là lúc tôi thả hồn mình lang thang với những con chữ. Đọc đến một lúc nào đấy, cảm thấy đầu mình u mê, tôi hay tới bên cửa sổ, đứng khoanh tay nhìn ra ngoài hiên. Tôi thường hay nhìn một cách vô định vào bóng cây sấu già đang chập chờn cô đơn khua lá. Như là một phép dưỡng sinh cho mắt. Từ hôm có chậu chi mai thì hồn tôi trút cả vào chậu cây nhỏ xinh đang nở hoa trắng xoá. Tôi say mê ngắm. Tôi đang mê đắm vẻ đẹp của một loài hoa đã từng được bao thi nhân từ cổ chí kim ca tụng…
16 Tháng Tám 201910:07 CH(Xem: 20405)
Gần 5 năm mới nhận được tác phẩm thứ hai của Nguyễn Trung. Truyện của ông rất đặc biệt, với lối hành văn cuốn hút, mạch truyện chuyển đổi gọn nhanh như những đoạn phim ngắn. Không khí truyện huyền ảo nhưng rất gần với xã hội chúng ta đang sống. Mời quý độc giả và văn hữu cùng vào không gian truyện “Rắn xanh chấm đỏ” của nhà văn Nguyễn Trung. Tạp Chí Hợp Lưu