- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BÔNG SO ĐŨA

23 Tháng Chín 201911:43 CH(Xem: 18587)
photo Quy SG
photo QUY SG



Nhà em có 4 chị em gái.

Chị hai Tím có vẻ đẹp sắc cạnh, rạng rỡ, tính tình lại ương ngạnh, gai góc cứng đầu. Từ nhỏ đôi mắt 1 mí đã xếch ngược và đôi môi cong cớn hay lý sự dỗi hờn. Cái tên Lê An Đậu Tím của chị là đề tài của một vùng, một trường, một thời và của một truyện ngắn em đã viết. 

Cái tên có nguồn gốc từ mối tình thơ mộng của ba má. Và bắt đầu cho một danh sách tên họ đậu sau này.

Nhưng đến bé Ba, mối tình đã bớt màu thơ mộng, nhiễm chút màu thực tế. Vì thế bé Ba thoát khỏi tên họ Đậu, chuyển qua hệ bông hoa. Bông So đũa!

Vì lúc có bầu bé ba, má thèm ăn bông so đũa.

 

Chao ơi là cái thèm vì nghén của mấy bà bầu, thèm cắc cớ, vô duyên, thèm quá đổi quá chừng không thể giải thích được. Có người thèm cả gạch đá trên tường, có người thèm mùi trứng ung. Vậy nên nỗi thèm ăn bông so đũa của má, xem ra lại dễ chịu và dễ chiều hơn hết.

Ba chiều má trồng một hàng cây so đũa sau nhà, bé Ba bao năm lớn là cây được bao nhiêu tuổi. Giống so đũa khỏe mạnh, trồng vừa được già hơn 1 tháng đã ra bông đầy cành.

 

Hết bông so đũa nấu canh chua tôm tươi, đến bông so đũa trộn rau ghém mắm thái, rồi bông so đũa xào tép mọi. Cả cái đọt so đũa cay cay, chát chát cũng được má nôn nao nhai sống mỗi khi cơn thèm trỗi lên mà vườn nhà đã sạch cạn bông so đũa. Mà bông so đũa ngẫm ra cũng có duyên quê mùa lạ kỳ, vì tươi thắm. Tươi thắm từ  lúc còn thơ thẩn nở xòe trên cây, tươi thắm từ cái bông xinh xinh xòe hớn hở bao quanh hốc cuống chứa mật trong vắt như sương mà ngọt lịm như đường phèn, tươi thắm cả đến khi bị cây sào khèo hái xuống nằm trong rỗ vẫn còn nguyên tươi thắm, cái nhụy vàng vẫn rực rỡ, cánh hoa vừa trắng xanh, vừa hồng hây hây vẫn mịn màng phơi phới, cho đến lúc đã vào nồi canh chua rồi. Cái hậu nhân nhẫn đăng đắng, ngòn ngọt vẫn tươi thắm thía như thế trong cổ họng người đang thèm.

Bé Ba cũng tươi thắm như thế, từ lúc mới sinh ra.

 

Bé ba có làn da bánh mật đen giòn, mặt tròn xoe như quả bí và mắt nâu hạt dẻ. Miệng hơi móm duyên, nằm dưới sóng mũi thanh nhỏ như tranh vẽ.

 

Bé Ba càng lớn càng hay mơ mộng, ham đọc sách , có thể vùi đầu , đọc ngấu nghiến bất cứ quyển sách nào rơi được vào tay. Dạo đó khi đang có phong trào bài trừ sách cũ, bao nhiêu truyện tiểu thuyết hoa đen, hoa xanh, hoa đỏ, hoa tím trong tủ sách ngoại cho thuê đều được dồn vào bao lát để  "bài trừ" đốt nấu cơm từ từ.

 

Bé Ba lập tức dành phần nấu cơm mỗi ngày, vậy là cả nhà phải triền miên ăn cơm khi sống nhăn sống sượng khi khê đen nồi từng tảng cháy bốc mùi khét lẹt.  Một bữa mẹ rình bắt gặp cảnh bé ba ngồi xếp bằng tròn bên bếp lò bằng đất sét nung, đọc say sưa từng tờ giấy mỏng xé ra từ bộ  "Chiến tranh hòa bình" , "Gĩa từ vũ khí", "Anakarenina" , "Chuông nguyện hồn ai"... trước khi lưu luyến tần ngần đưa vào trong bếp lửa. Ngay lập tức bé Tư được điều xuống nấu cơm thay cho chị Ba, bao nhiêu sách em quăng vèo vèo vào bếp lửa cháy có ngọn. Bé Ba ngồi một bên xót tiếc hùi hụi, nước mắt chảy ròng ròng.

Hồi xưa nhà bà ngoại to nhất trong làng Giếng, thênh thang thang một căn nhà ngói cổ 3 gian, giữa khu vườn trước cau, sau chuối um tùm cây cối gió thổi rì rầm cả ngày đêm. Và giếng…

 

Cơ man nào là giếng. Có cái xưa cổ thành xây bằng đá ong rêu phủ xanh, có cái mới đào còn đậy nắp gỗ sát mặt đất, có cái đã bị lấp ngổn ngang hoa xuyến chi và cây dền cơm lên san sát. Cái giếng mấy chị em yêu thích nhất được xây bằng đá ong đỏ au vững chắc sâu đến độ thả gào rơi vào khoảng không hun hút, rất lâu sau mới nghe vang lại tiếng vọng. 

Nhà đặc biệt không có phòng tắm, như mọi nhà khác trong làng Giếng. Chiều nào mấy đứa nhỏ cũng rũ nhau ra bờ giếng đứng xối ào ào trong khi hát nghêu ngao những bài hát nào chợt nhớ đến trong đầu. 

Chị Hai Tím chỉ tắm vào đêm khuya, nhất là những đêm trăng tròn, em vẫn lén nhìn chị tắm qua khung cửa sổ khép hờ. Bóng chị trắng lờ mờ sau tàng lá tối, im lặng như 1 pho tượng, mặt chị ngước lên cao, cần cổ mảnh dẻ vẻ thành 1 đường cong gợi cảm và thân hình ưởn thẳng hướng về phía ánh trăng phăng phắc.

 

Bé Ba thường tắm vào buổi chiều chạng vạng. Hồn nhiên dội từng gàu nước trong vắt mát lạnh lên thân hình mới lớn tròn trịa còn mặc nguyên quần áo. Sau khi tắm xong, bé ba uốn gập người, túm lấy mái tóc dài chấm lưng thơm lừng mùi lá hương nhu xoay vòng vòng trong gió để rũ hết nước giếng còn đọng lại. Làn hương thanh tao từ mái tóc tỏa thành một vòng tròn bao quanh bé Ba rồi lan theo gió bay la đà qua nhà hàng xóm.

 

Một buổi chiều như thế vỡ ra trong tiếng la the thé của chị Hai Tím:

- Thằng nhóc kia, không lo chăn dê, đứng dòm trộm người ta tắm phải không?

Lũ con gái từ trong nhà chạy túa ra ngoài vườn, chăm chắm tò mò nhìn mặt anh chàng "dòm trộm người ta tắm". Anh chàng hàng xóm mắt mũi bậm trợn, đen đúa, mái tóc húi cua chơm chởm, đứng chết trân bên đàn dê, miệng lí nhí:

- Không có, tui đang cho dê ăn lá so đũa!

- Dê thì lo ăn lá so đũa, chạy đi mất hết trơn rồi. Còn mi lo làm cái chi mà đứng lì mãi ở đó?- Chị Hai Tím chống nạnh hất hàm hỏi tới.

Bé Ba thấy tội, quấn lại tóc một búi tròn tay, miệng năn nỉ:

- Thôi tội người ta, hàng xóm mà chị Hai.

Chị Hai Tím ngoay ngoãy đi vào nhà sau khi hứ 1 tiếng dài xé gió:

- Mi thấy tội, thấy thương thì rước hắn vào nhà để hắn dòm cho đã mắt.

Bé Ba rước anh chàng "dòm trộm" vào nhà thật. 

 

Anh chàng tính thật thà như cục đất đó thành người thân trong nhà có 4 đứa con gái lau chau lanh chanh hồi nào không rõ. Chỉ biết việc bổ củi cũng vào tay hắn, hái dừa lại càng cần tay hắn, rồi cuối năm quét vôi mới nhà, hắn lại xăng xái chạy qua. Cuối năm, anh chàng đang theo đuổi chị Hai Tím cũng lò dò tới, vậy là hai anh chàng quét vôi hai bức tường, bằng hai màu khác nhau. Mổi lần nhìn hai bức tường là cả nhà lại bụm miệng cười hinh hích. 

 

Một lần sinh nhật bé Ba, lúc này mới 15 tuổi, anh chàng "dòm trộm" luống cuống mang một bó bông vạn thọ vàng rực chạy qua nhà, kèm theo gói quà nho nhỏ giấu sau lưng. Chìa bó bông cho bé Ba, anh chàng lí nhí nói trong miệng:

- Sinh nhật em nè.

Bé ba ngơ ngẩn cầm bó bông vạn thọ trên tay, đợi anh chàng vừa quay đi, tiện tay bé ba cắm ngay vào bàn thờ ông thần tài. Còn gói quà dấu mãi đến khuya bé ba mới dám mở ra, một cây lược gỗ khắc hình người con gái đứng tóc dài bay tung trong gió, nét khắc thì vụng về nhưng có thể thấy rõ dáng bé ba tròn trịa, lưng ong. Bé ba thở dài, mắt rưng rưng.

 

Rồi cũng thở dài, mắt rưng rưng như vậy, bé Ba đồng ý với 1 đám hỏi vội vã trước khi anh chàng "dòm trộm" đi học ngành nông lâm ở Sài gòn. Ngày đi, hai người đứng tần ngần mãi bên hàng rào bông so đũa, mãi rồi bé ba mới nhớ, mình vẫn chưa cho anh chàng nắm tay!

 

Mấy ngày đầu vắng vắng, bé Ba thơ thẫn vào ra trong nhà ngoài vườn cũng thấy buồn buồn, thiếu thiếu nụ cười thật thà như đếm, con mắt hiền như con bò nằm nhai cỏ. 

Nhưng mấy ngày sau có đoàn sinh viên Mỹ thuật đến thực tập ở làng Giếng thì vui quá bé Ba quên tuốt.

Mấy anh chàng sinh viên Mỹ thuật sắp ra trường mê mẫn hết hồn vì làng Giếng có nhiều...giếng (nếu không sao lại gọi là làng Giếng, bé Ba nghĩ thầm!) mà toàn là giếng cổ xưa đẹp đến mất hồn vía. Có anh chàng tóc dài lãng tử chấm vai, da trắng xanh, mấy ngón tay thon dài xinh hơn tay con gái, nèo nẹo xin chị Hai Tím cho được vẽ cảnh mấy chị em đùa giỡn bên thành giếng. Miệng con trai Sài Gòn ăn nói dẻo quẹo hơn kẹo kéo xứ Quãng làm chị Hai Tím xiêu lòng. Vậy là chiều đó, mấy chị em thong dong ra ngồi túm tụm bên thành giếng đá ong làm người mẫu.

 

Lạ kỳ trong ráng chiều màu cam úa, hắt lên thành đá ong từng chùm hồi quang đỏ rực rỡ, đến rêu xanh lá mạ cũng hóa vàng lụa thì nhan sắc bé Ba óng ả mê người. Cũng làn da đen bánh mật đó, đôi mắt nâu màu mật ong đó, làn môi cong ngây thơ trinh trắng đó nhưng óng lên trong nắng chiều sắc liêu trai, hoang dã say người.

 

Anh chàng họa sỹ rũ mái tóc dài qua 1 bên, ngồi thần người ngắm bé Ba say sưa, rồi nhẹ nhàng ngắt 1 bông hoa xuyến chi cài trên vành tai đang đỏ ửng vì thẹn thùng. Lúc hai bàn tay của hai người chạm vào nhau, bé ba nghe 1 luồng điện chạy rần rần từ đầu sợi tóc đến ngón chân út. Cảm giác say nồng rao rực đến mấy ngày sau chạm mặt lại anh chàng vẫn chưa phai.

 

Với anh chàng "dòm trộm người ta tắm" be ba cũng chưa bào giờ có cảm giác rạo rực đó.

Vậy là mấy đêm liền nằm mất ngủ, trằn trọc. Nỗi nhớ anh chàng hôn phu ở xa , xa tít tắp nhạt nhòa.

Anh chàng họa sỹ càng kiếm cớ lân la đến nhà làm chị Hai Tím bắt đầu cảnh giác khó chịu. Mắt bé ba như người mơ ngủ, đi lạc đẩu đâu. Chị Hai càng thêm thắt thỏm:

- Điệu này có chuyện lớn rồi đây!

Chuyện lớn đến nhanh hơn chị Hai Tím có thể ngờ được, anh chàng họa sỹ bạo dạn hẹn bé ba đi ra chợ huyện ăn chè. Hai người lén lút gặp nhau chạng vạng sau nhà, dưới rặng bông so đũa um tùm. Bé Ba bậm môi leo lên sau xe honda của anh chàng ngồi, mới đầu hai tay ôm cứng vào yên xe thủ thế. Sau qua mấy cua gắt rồi ổ gà chồm chồm, bàn tay bé ba từ lúc nào đã ôm chặt vòng eo nhỏ chút của anh chàng họa sỹ. 

Mười giờ đêm, chị Hai đứng hầm hầm ngong ngóng ngoài cửa nhà, anh chàng họa sỹ ranh ma cua gắt xe từ đầu ngỏ, trước bóng tối rào dâm bụt vòng tay ôm ngang người bé ba cứng ngắc:

- Cho anh hôn một miếng!

Be ba hết hồn, cúi gằm đầu run rẩy:

- Em có chồng rồi, em đã đính hôn.

- Thây kệ,  em dễ thương quá thì anh hôn thôi mà.

Bé Ba vùng vẫy thoát ra khỏi được vòng tay và hơi thở nóng hổi của anh chàng, đâm đầu chạy về nhà. Chị Hai Tím chặn ngang bé ba ngay cửa bằng một cái tát tai thật lực, mắt long lanh, miệng rít lên sòng sọc:

- Mày hư quá bé Ba, ai cho mày hẹn hò đi chơi khuya? Rồi ba má ăn nói sao với người ta đây?

- Chị mặc kệ em! Chị để yên cho em!- bé Ba vùng vẫy, khóc nức nở.

Đêm đó, nhà sáng đèn cả đêm, không ai chợp mắt nỗi.

 

Chuyện nhỏ lan ra khắp làng Giếng. Cả nhà đi đâu cũng cúi gầm đầu, không dám ngẩng mặt lên nhìn ai. Cuối tuần đó, anh chồng chưa chưa cưới của bé Ba hộc tốc đi xe đò từ Sài gòn về nhà. Bé Tư dấm dúi đứng cuối hàng rào gọi anh ra ngoài, rồi dúi vào tay anh cặp nhẫn và đôi bông tai vàng hôm đính hôn, phụng phịu vừa khóc vừa chạy ngược về nhà:

- Chị bé Ba nói trả lại cho anh, chỉ nói anh quên chỉ đi!

Đoàn thực tập của đại học Mỹ thuật cũng lẳng lặng kéo khỏi làng Giếng, nhưng anh chàng họa sỹ tóc dài đã chạy trốn từ mấy hôm trước khi nghe tin chồng chưa cưới của bé Ba về làng. Bộ vó xanh nhớt của anh chàng chắc không chịu nỗi một cái gạt chân của anh chồng tướng tá bậm trợn.

Chuyện vậy kể như là hết.

 

Bé Ba nằm kín trong phòng như bị bệnh cả tuần liền, khuôn mặt tròn vo đã thỏn lại bằng một nắm tay, đôi mắt nâu không ngủ, trỏm lơ thâm quầng ngơ ngác. Không ai thèm nhòm ngó hay nói chuyện với bé Ba tiếng nào. Bé Ba ráng ngăn hơi thở dài não nuột, tấm tức dồn nén trong lòng ngực:

- Thôi kể như đã hết!

Bé Tư lò dò quanh buồng, ngó trước ngó sau cẩn thận rồi kề sát tai bé Ba thủ thỉ:

- Chị à, mai ảnh đi lên lại Sài gòn rồi, ảnh không bao giờ về đây nữa đâu. Ảnh hẹn chị ra ngoài ngõ sau, dưới hàng rào bông so đũa, ảnh có chút chuyện muốn nói.

Bé Ba thẫn thờ cúi đầu hồi lâu rồi gật nhẹ.

Chiều muộn, bé Ba ngồi hồi lâu bên bờ giếng, mái tóc vừa tắm gội sạch sẽ đẫm nước và nồng nàn mùi hương nhu. Trăng thượng tuần mọc sớm, trong trẻo như chiếc lược màu ngà cài lên tóc đêm. Bé Ba mân mê cây lược gỗ đã mòn nhẵn trên tay, rồi mở cửa vườn sau , lần dò đến bên gốc cây so đũa. Mười bảy năm cây so đũa đã to bằng cây cổ thụ, thân sù sì sứt sẹo rậm rịt thân dây leo.

Một bóng người dường như ở đó đã lâu, hơi thở phả ra nặng nhọc. Hai người đứng lặng bên nhau hồi lâu, không ai nói một tiếng nào, chỉ có tiếng gió rì rào qua tàng so đũa và những cánh hoa rụng lộp độp chung quanh như mưa rơi.

- Bé Ba, có chuyện gì cần nói với anh? - chừng như không chịu nổi nữa, anh chồng chưa cưới hụt cất giọng còn trầm hơn cả tiếng vọng của giếng.

- Ủa, chứ không phải mai anh đi lên Sài gòn luôn, nhắn em ra có chuyện gì cần nói hả?- bé Ba thẹn thò.

- Đâu có, anh nghe bé Tư nói em sắp đi xa khỏi làng Giếng, nhắn anh qua có chuyện nói mà...

Tuổi trẻ, dễ tổn thương mà cũng dể tha thứ. Sức mạnh của tình yêu chân thật dễ làm lành miệng vết thương lòng.

Hai người tự nhiên bật cười. Anh chồng chưa cưới nhích lại gần hơn chút nữa, thì thầm:

- Bông so đuã hôm nay sao có mùi thơm quá à!

- Không phải đâu, bông so đũa làm gì có mùi, là tóc của em đó, em mới gội đầu - bé Ba lấy ra chiếc lược gỗ mân mê.

Anh chồng chưa cưới cảm động rung rinh hết người, chụp lấy cây lược gỗ, chụp luôn cả bàn tay nóng hổi của bé Ba:

- Trời em còn giữ cái lược này hả? Để anh chải tóc cho - anh vụng về nhét vào tay bé Ba một gói nhỏ - em giữ lại bông tai và nhẫn đi. Em không thương anh nữa thì cũng giữ giùm anh làm kỉ niệm.

Bé Ba òa lên nức nỡ, gục đầu trên bờ vai rộng của anh chồng chưa cưới:

- Em sai rồi, anh tha thứ cho em không?

Hai người cón đứng thủ thỉ, thì thầm với nhau nhiều nhiều nữa. Chỉ tội cho em và bé Tư núp trong bụi chè tàu nhảy chồm chồm vì muỗi chích:

- Thôi vào nhà đi bé Tư, vậy là xong chuyện rồi!

 

UYÊN LÊ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 14850)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14869)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14802)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 15305)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17630)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19414)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13905)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16509)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15620)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15746)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.