- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đầu làng có cây vông

08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 96041)

w-hopluu102-final-final-138_0_142x300_1 

LTS: Hai mươi tuổi ngồi vào bàn viết, tuổi trẻ hôm nay viết gì? Thường là câu hỏi của những ai quan tâm đến văn học và sáng tác trẻ. Mang trên vai tuổi đôi mươi cùng ý thức hành văn khá sớm, Lữ Thị Mai sinh 1988 là một trường hợp khá lạ. Khác các bạn đồng hành, không lao vào hậu hiện đại, không tìm kiếm cách tân chữ nghĩa, cũng không cấu trúc kỹ thuật tân kỳ, Lữ Thị Mai chọn một giọng văn cổ điển. Một chọn lựa khó khi cách kể chuyện và miêu tả nhân vật đòi hỏi sự quan sát tỉ mỉ và chậm rãi. Qua hai truyện ngắn đầu tay «Đầu làng có cây vông, Vết son từ Thẩm Quyến,» người đọc dễ dàng nhận ra những câu văn chắc tay mà ngữ điệu với thanh âm toát ra trên từng chữ. Các dấu chấm phẩy được chọn lựa để làm nên tiết tấu.

Tạp Chí Hợp Lưu

 

 

Nội dung của «Đầu làng có cây vông» hãy còn êm dịu. Sang đến «Vết son từ Thẩm Quyến» tác giả đột ngột đưa vào truyện hoạt cảnh «Chát» đầy tinh quái của đời sống. Như một cách nháy mắt với thời đại.

Văn là người, nhưng văn của Lữ Thị Mai già dặn khác thường hứa hẹn sự đặc sắc trong các truyện kế tiếp. Có thể, với thêm nhiều liều lĩnh, đào sâu thêm đề tài, xoáy vào tận cùng xã hội, Lữ Thị Mai sẽ tận dụng trọn vẹn khả năng vận chuyển của lối văn miêu tả mạnh, gẫy gọn, nhịp nhàng mà ngòi bút này đang sở hữu.

 

Cha tôi ngồi ngoài hiên nhìn trân trân vào khoảng không trước mắt, chỉ có nắng, chỉ có gió và những sợi khói thuốc lào vất vưởng. Ông không nói gì cả. Chị Thu tôi đã đi rồi. Chị đi tìm người đàn ông ấy. Tôi nhớ lắm buổi chiều mùa hạ nhá nhem cha tôi cầm cái đòn gánh dứ dứ vào mặt chị mà đay nghiến: "Quân lăng loàn, mày lăng loàn hệt con mẹ mày. Cút!". Bên kia hàng rào cúc tần có những cặp mắt xoi mói, những tiếng xì xào bàn tán. Rồi chị đi. Chị không mang theo gì ngoài mấy bộ quần áo cũ gói trong chiếc túi vải nhàu ố. Tôi đưa chị đến đầu làng nơi có cây vông đang trổ hoa đỏ như lửa.

- Chị định đi đâu?

- Không biết...

Tôi nhìn vào mắt chị, cặp mắt ướt át có những sợi lông mi dài và cong, nội tôi bảo đó là cặp mắt đa tình và cả tin. Chị tôi đẹp. Chị giống mẹ tôi, nhất là đôi mắt. Còn nhớ, ngày nhỏ hai chị em tôi dẫn nhau đi chơi người trong làng thường nhìn chị thở dài. Kẻ hiền lành bảo: "hồng nhan bạc phận", cũng có người nguýt dài cạnh khoé: "Mẹ nào con nấy, đĩ một vành".

Buổi chiều ấy, đôi mắt chị như có lửa, ôi chao là buồn. Lửa như cháy rần rật trong mắt chị. Như ngày còn bé thơ, chị dang rộng vòng tay choàng qua cổ tôi, hôn lên mái tóc vàng hoe khét nắng của tôi. Chị khóc. Từ nhỏ, hiếm khi thấy chị khóc bao giờ. Gió từ cánh đồng thổi hun hút vây lấy tán vông bứt rụng những cánh hoa đỏ thắm. Chúng chao đảo rồi đáp xuống mặt đất và cuộn mình trong lớp bụi đường.

- Bao giờ chị về?

- Không biết...

Tôi nhìn xuống bụng chị. Cái bụng đã lộ rõ sau lớp áo màu xanh cánh trả. Cách đây hai hôm, nếu cha tôi không kéo tấm vải chị quấn quanh bụng xé toạc thì chắc tôi sẽ không thể biết cái thai của chị đã được hơn bốn tháng. Tôi không mấy để tâm dù đôi lần bắt gặp chị đi từ bờ ao vào với dăm quả khế trên tay hay có những hôm đang may vá chị chạy nhoài ra giếng nôn thốc, nôn tháo. Chị đi, đôi chân chị nặng nề kéo lê trên mặt đường đất, gót chân nhuốm phèn vàng cạch, rạn nứt của chị hất lên những cánh hoa vông. Buổi chiều ấy sao mà nhiều gió...

*

Anh bảo: "Em đừng nhặt hoa vông nữa". Tôi vẫn bướng bỉnh: "Em nhặt hết lần này thôi, mở đường rồi người ta sẽ chặt cây vông...". Đêm nay rằm, trăng soi sáng cả những đoạn đường làng mấp mô để lại những đốm đen lỗ chỗ trên mặt đất. Hoa vông rụng nhiều như chưa bao giờ rụng nhiều như thế. Anh thở dài. Anh cố đợi. Tôi vẫn dán mắt vào những cánh hoa đỏ thẫm xoè ra như những ngón tay. Mẹ tôi giờ ở đâu? Tôi không biết. Chị tôi ở đâu, đứa con trong bụng chị tôi ra sao? Tôi không biết. Tôi bình thản nhặt hoa vông không một mảy may. Anh là người của đoàn kĩ sư giám sát việc thi công làm đường, có lẽ cây vông cổ thụ chỉ làm chướng mắt anh. Anh muốn chặt nó sớm ngày nào hay ngày ấy. Mặc kệ! Tôi mặc kệ tất cả. Những cánh hoa vông như nặng đi trên tay tôi. Tôi không hiểu sao lại như thế. Có thể đó chỉ là cảm giác. Bàn tay tôi như bị ghì xuống mặt đường, đầu óc tôi như bị thôi miên trong sắc đỏ. Hình như có máu, có máu đang rỉ ra qua kẽ tay tôi.

"Em đừng nhặt hoa vông nữa". Anh nắm ghì lấy bàn tay tôi. Đôi mắt quắc như muốn nhắc nhắc tôi đó là mệnh lệnh. Tôi bướng bỉnh xòe rộng bàn tay hơn để nắm giữ những bông hoa…

Anh đi, bóng anh khuất dần trên con đường dẫn về nhà ông trưởng thôn. Anh không đủ kiên nhẫn để đợi tôi. Anh bỏ mặc tôi với những cánh hoa định mệnh. Gió thổi mạnh hơn, thấy có cảm giác lành lạnh vuốt dọc sống lưng, mơn trớn bầu ngực căng tròn của tôi sau lớp áo cánh mỏng... "Ngày rằm chớ nhặt hoa vông, ma nó theo về nhà đó", lời nói của nội tôi vẳng lại bên tai nghe ù ù buốt nhói. Mặc kệ! Tôi vốn bướng bỉnh.

Trở về nhà, trên tay tôi không cầm một bông hoa vông nào nhưng tôi biết mình đã nhặt hết số hoa rụng trên mặt đường làng. Chỉ mình tôi biết. Tôi cất nó vào đâu. Không biết! Có thể cất trong cái gọi là bướng bỉnh kia.

*

Còn mồ mả nội tôi, bà nhai trầu chậm rãi rồi nhìn xoáy vào từng nét trên mặt tôi chép miệng lắc lắc mái đầu bạc trắng: "Thằng Lập nhà này vô phúc." Lớn lên chút nữa tôi mới biết mình không phải là con cha tôi. Mấy gã hàng xóm đặt cho cha tôi cái biệt danh là "Lập ngố", người ta bảo cha tôi ngố tới mức hai đứa con gái không biết đứa nào là con mình. Quanh năm cha chỉ quần quật lo làm ăn, cha theo chuyến bè ông Tính đi buôn gỗ, mùa màng lại quay về đỡ đần vợ con. Mấy chuyện hàng xóm láng giềng đồn đại không phải cha không biết. Cha biết nhưng im lặng. Chiều chiều, ông lại nhâm nhi nỗi buồn với cút rượu suông, dăm điếu thuốc lào. Ông là người khó hiểu. Ngày mẹ tôi bỏ nhà đi theo người đàn ông hay đi cân gạo làng bên, cha cũng chỉ thở dài. Hai chị em tôi chạy ra đầu làng ngóng mẹ. Cha đứng sau lưng chị em tôi giọng nói chùng xuống nặng như chì: "Con Thu dẫn em về, con mẹ mày nó không về nữa đâu." Chị em tôi khóc đỏ mắt. Ngay tối hôm ấy, cha lục dưới đáy chiếc hòm gỗ cũ một cái áo. Đã có lần mẹ tôi mang cái áo ấy ra hong nắng, mẹ kể đó là chiếc áo cưới mà bà nội dẫn mẹ đi bộ mất nửa ngày lên tận chợ huyện đo vải. Chiếc áo của mẹ màu đỏ hoa vông. Tôi chưa nhìn thấy mẹ mặc lần nào nhưng các cô tôi bảo ngày cưới mẹ mặc chiếc áo ấy tôn lên nước da trắng bóc trông mẹ lộng lẫy lắm.

Tôi đứng nép bên vách nhìn cha cầm chiếc áo trên tay, ông miết những ngón tay lên mặt vải, lên từng đường kim khâu. Rồi ông ấp chiếc áo lên lồng ngực trần đen bóng của mình mà khóc. Cha tôi khóc vụng về, ông đưa những ngón tay thô kệch lên chùi nước mắt. Ông tẩm dầu đốt cái áo cháy khét lẹt một góc sân. Tôi trở vào căn buồng ngột ngạt tối om, nhìn qua cửa sổ dưới ánh trăng sáng lạnh bóng cha đổ dài trên mặt sân đất.

*

Tôi vẫn đi học. Trường cấp ba cách nhà gần hai mươi cây số. Từ ngày mẹ tôi theo người đàn ông ấy, chị Thu chửa hoang phải bỏ làng đi, tôi vẫn lủi thủi một mình đạp xe đi học trên con đường đất dẫn lên phố huyện. Mùa này hoa vông nở nhiều vô kể. Cây vông đầu làng tôi chẳng biết có từ bao giờ chỉ biết thân nó to đến mấy người ôm. Trên huyện người ta trồng nhiều vông lắm nhưng chẳng cây nào to và rực rỡ như cây vông làng tôi. Cánh vông xoè ra hệt những ngón tay, khi hoa vông nở chẳng thấy lá đâu chỉ có những cành cây già nua sừng sững và toàn hoa là hoa. Đi học về, tôi thường dựng xe bên đường nhặt hoa vông. Có lần cha tôi say rượu, ông vào buồng nhìn thấy mấy bông hoa trên bàn học mắt ông trợn ngược, vằn lên tia nhìn dữ tợn: "Mày vứt ngay cái thứ hoa vong tình ấy đi". Tôi không đáp lại, mắt tôi nhìn vào mấy chiếc hoa vông mình nhặt ban chiều. "Con kia, mày điếc hả?"

Ông quờ tay với cái phích nước ở góc nhà ném choang, nghe những âm thanh đổ vỡ, tôi biết ông đã ném tất cả những gì ông vớ được. Ông xông vào bóp mạnh hai bờ vai tôi lắc lắc. Bàn tay hộ pháp của cha giật mái tóc tôi quấn mấy vòng quanh cánh tay. Miệng ông gào lên: "Quân vong tình, quân phản bội...". Trong cơn say, ông gọi tên mẹ tôi bằng cái giọng chát bứ hẫng hụt. Tôi chỉ biết lặng im. Chỉ biết đau đớn hứng trọn những cái tát của ông. Ông cầm tóc tôi giật mạnh về đằng sau để mặt tôi ngửa lên, rồi bàn tay ông lại vơ nắm hoa vông nhét vào miệng tôi. Tôi không thấy đau. Tôi không gào khóc, chỉ thấy đắng ngắt trong miệng. Ừ! Hoa vông có vị đắng, lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra hoa vông đắng thật. Vị đắng như chảy tràn xuống tận cuống họng tôi. Hồi lâu như đã mệt, ông loạng choạng đổ người vào xó nhà bỏ mặc tôi ngồi lặng trong bóng tối. Những cánh hoa vông đã nát, vị đắng tan loãng trên môi. Về sau chính tôi cũng không hiểu sao buổi tối hôm ấy mình không khóc.

*

Cha cấm tôi mang hoa vông về nhà. Ông cấm tôi nhặt hoa vông nhưng không thể cấm tôi đi qua đầu làng khi đi học hay lúc làm đồng. Tôi bướng bỉnh. Phải! Có ai cấm được tôi làm mọi việc theo ý mình vì tôi mang dòng máu của mẹ tôi, giống chị Thu tôi. Cây vông vẫn còn đó. Gió vẫn thổi bạt trên tán cây. Mười bảy tuổi, tôi vẫn nhặt hoa vông như là để tưởng niệm nỗi xót xa, để thỉnh cầu sự bình an cho những người đã ra đi. "Ngày rằm chớ nhặt hoa vông ma nó theo về nhà đó". Tôi mặc kệ lời nội. Nội tôi đi xa đã mấy năm rồi, tôi cũng để lời nội tan cùng với gió...

Tôi vẫn nhặt hoa vông ngay cả ngày rằm. Tôi nhặt hoa cho mình, nhặt cả phần cho mẹ, cho chị Thu, hai người phụ nữ đi qua đời tôi bằng nỗi đau đớn.

Đẩy cánh cửa cổng làm bằng mấy thanh tre, tôi dắt xe đạp vào khoảng sân hẹp phơi đầy củi xoan khô. Cha tôi đang ngồi hút thuốc lào. Bao giờ cũng thế, ông tiễn chiều qua bằng khói thuốc. Mâm cơm đậy lồng bàn để trên chiếc chõng đã nguội ngắt.

- Sao cha không ăn cơm trước đi.

Cha không nói gì. Từ lâu lắm, tôi quen với sự im lặng của cha. Đôi mắt ông nheo nheo trong ánh chiều chạng vạng. Sau làn khói thuốc mỏng tang, cảnh vật như liêu xiêu mờ nhạt.

- Hình như người ta sắp mở đường qua chỗ cây vông ấy.

Rõ ràng là cha nói mà tôi nghe tựa hồ giọng nói của ai. "Mở đường", "Cây vông"... Có thể lắm. Chiều nay, lúc đi học về tôi có thấy mấy người cầm thước đo đạc rồi bàn tán gì đó... Lẽ nào người ta mở đường thật.

*

 

Những sợi khói thuốc xanh bạc vẽ vòng trong buổi chiều nằng nặng, oi oi cuối hè. Mắt cha đăm đắm nhìn xuống những ngón chân thô kệch của mình ông nói vợ chồng tôi: "Nghe bà Nhài xóm bên bảo con Thu đã lấy chồng, đứa nhỏ ngày ấy cũng không giữ được nữa, hai vợ chồng mày sang hỏi bà ấy xem thế nào rồi thu xếp đi thăm nó một chuyến." Cha nhìn tôi, tôi quay đi tránh cái nhìn của ông đùng đục, hình như có nước... Ba năm, con đường đổ xong, tôi tốt nghiệp phổ thông rồi lên tỉnh học may và trở thành vợ anh, người đàn ông chưa khi nào đủ kiên nhẫn đợi tôi nhặt hoa vông mỗi đêm hò hẹn. Cũng lạ, hò hẹn với anh mà tôi không biết làm gì ngoài việc nhặt hoa vông. Có đêm, tôi chôn chân ngồi miết dưới gốc vông, thấy vẳng bên tai lời ru của mẹ:

"Hoa vông rụng suốt đêm rằm

Tình là sợi mắc chim giăng ngang trời.. À ơi…

Tình là sợi mắc, chim giăng ngang trời..."

Ngẩng đầu lên thì đã không thấy anh đâu. Tôi toát mồ hôi. Mẹ tôi, những người phụ nữ quê tôi vẫn ru con bằng câu hát ấy. Dưới ánh trăng hai bàn chân tôi trắng toát, rõ ràng chân mình tôi vẫn tưởng chân ai. Đám hoa vông vây kín đôi chân tôi, một lớp keo vô hình nào gắn chặt đôi chân khiến tôi không bước đi được. Bãi hoang giữa cánh đồng đen kịt nổi lên những đốm trắng của mồ mả. Nội nằm ngoài kia. "Ngày rằm đừng nhặt hoa vông, ma nó theo về nhà đó". Tôi chạy một mạch về nhà. Anh vẫn còn đợi tôi trước ngõ, anh nhìn tôi đăm đăm, mắt anh như đựng gió khuya qua cái nhìn xa lắc. Sau đêm ấy tôi không ra gốc vông đầu làng nữa.

 

*

Đứa nhỏ da đen bóng dắt con nghé bên vệ đường chỉ cho vợ chồng tôi nhà chị Thu:

- Đó! Cái nhà lợp ngói đó cô.

Tôi vuốt tóc rồi cười với nó. Anh đưa tay lau những giọt mồ hôi đọng trên trán tôi. Tôi và anh đi về phía cái ao nước xanh lét, một bức tường dài mới xây xong còn sặc mùi vôi vữa bao quanh căn nhà nhỏ. Có tiếng võng đưa kẽo kẹt, có tiếng ru khàn khàn:

"Hoa vông rụng suốt đêm rằm

Tình là sợi mắc chim giăng ngang trời

À ơi!..."

Tôi như ngã quỵ, tiếng ru của chị Thu nặng nề đưa theo cánh võng. Tôi đưa tay ngăn anh, anh đang định gọi người trong nhà ra mở cổng.

"Mình về!" Tôi nói rồi chúi mũi bước về phía trước, tôi bước nhanh như cố chạy trốn điều gì, lời ru của chị níu chân tôi trầy trật. Những cánh hoa vông như phủ lên ngập bước chân tôi. Màu đỏ tươi chảy lan trong mắt. Bóng tôi và anh đổ dài trên mảnh ruộng rì rào sóng lúa. Phía đầu làng, nơi con đường mới rải nhựa loang loáng vắt qua cánh đồng tôi thấy có cây vông sừng sững thắp lên búp lửa.

 

 

Vết son từ

Thẩm Quyến

 

Tôi bước lên từng bậc cầu thang dẫn lên ban công đầy gió. Bức tường đêm như sán lại gần tôi, phì phò thở, màu xanh len lét của đèn neon như ma trơi chập chờn xui những ý nghĩ mông mị của tôi lóe lên. Chợt thấy như có bàn tay vô hình nào đó kéo tôi đi. Người tôi nhẹ bẫng. Đứa con trong bụng tôi như bốc hơi đi đâu mất khiến bước chân tôi bước trên cầu thang nhẹ nhàng đến lạ. Đưa bàn tay lên xoa bụng thấy nao nao cơn chóng mặt lại dội lên. Một cảm giác chộn rộn quấn lấy tôi và cả đứa con bé bỏng chưa kịp chào đời. Cái bụng của tôi sắp tới ngày sinh vậy mà chẳng hiểu sao nó cứ im lìm đến khó chịu. Con tôi không chịu đạp, cũng không cựa khẽ một chút để tôi yên tâm. Tôi nói với chồng, Tường bảo: "Con chúng mình nó thương em, biết em không chịu được đau nên nó ngủ ngoan vậy đó thôi. Con mà đạp em lại chẳng kêu toáng lên ấy." Tôi nở nụ cười nhàn nhạt nhìn khuôn mặt lấm tấm mồ hôi của anh sau giờ tan sở lại tất bật lên xe phóng về ôm lấy tôi, áp tai vào bụng do thám đứa con trai chắc hãy còn đang ngủ. Gió thổi u u, gió như đến từ một nơi nào xa lắm.

 

*

 

Ông bác sĩ già là chỗ thân cận bên gia đình chồng nhìn tôi cười:

- Cô nhà cứ an tâm, thai khỏe phát triển bình thường chỉ đợi tới ngày sinh thôi.

- Nhưng cháu chẳng thấy nó đạp gì cả.

Tôi chau mày lo âu trong khi gương mặt Tường lại bình thản đến lạ lùng khi anh quay sang nhìn ông bác sĩ:

- Không sao đâu. Xem ra cu cậu nhà mình ngoan từ trong trứng… Đúng là con nhà tông…

Ông cười xòa, Tường đỡ tôi đứng dậy ân cần:

- Đấy! Anh đã bảo em mà. Em cứ lo âu vậy chứ có chuyện gì đâu.

Tường thanh toán tiền khám thai rồi cùng tôi cúi chào ông bác sỹ nhân hậu. Một tay anh cầm giùm tôi cái túi xách một tay anh dìu tôi ra chiếc taxi đợi sẵn bên đường. Tôi biết có những cái nhìn ngưỡng mộ đằng sau chúng tôi. Nghe thấy tiếng của một cô gái trẻ chao chát:

- Đời con gái sao nhiều người họ sướng thế không biết. Chả bù cho mình, chửa vượt mặt còn…

Mấy băng ghế dài có đến hơn hai chục người phụ nữ đợi tới lượt mình. Họ xì xào bàn tán và kết thúc cho tất cả tôi nghe rõ lắm, là một tiếng thở dài thườn thượt.

Cánh cửa taxi đóng sập lại, tôi tựa vào vai Tường thiếp đi. Trong cảm giác mê man tôi nghe thấy tiếng anh nhỏ nhẹ: "Tối nay anh gặp đối tác về muộn, em và con ở nhà nghe". "Anh mở cửa ra đi". Tường im lặng đưa cánh tay săn chắc đẩy cánh cửa taxi ra một chút. Chiếc xe lao đi vun vút tôi cố nhắm mắt, cố nén cảm giác bất an trong lòng.

*

 

23 giờ, Tường chưa về. Chị giúp việc ngủ ở phòng bên tiếng ngáy phè phè nặng nhọc. Tôi lên mạng, bạn bè tôi không ai lên mạng giờ này. Những biểu tượng mặt người trở nên xám xịt. Đang định Out thì một cái nick lạ nhảy vào với lời chào là một dãy số 2 quen thuộc.

hanhnguyen: Ai vậy?

nguoitinhthamquyen: A! mà cô không biết tôi đâu.

hanhnguyen: Lạ thật đấy.

nguoitinhthamquyen: Ừ! Lạ… Người ấy trả lời lấp lửng.

hanhnguyen: Ai vậy? Tôi nhắc lại câu hỏi đồng thời khi ấy cái cảm giác bất an lại quay lại với tôi. Đơn giản là anh vẫn chưa về vả lại từ ngày lấy chồng tôi đã bỏ thói quen online vào lúc đêm khuya.

nguoitinhthamquyen: Chồng cô vẫn gọi tôi là "người tình Thẩm Quyến". Cô cứ gọi tôi là Lý Tiểu Đam. Mà thôi, gọi Tiểu Đam thôi gọi cả họ tên vậy nghe hình sự quá.

Tôi thở dài. "Ừ! Người tình Thẩm Quyến". Lại một cô gái Trung Hoa có quan hệ với chồng tôi. Những chuyện như thế tôi chẳng lạ gì. Nhưng điều gây ngạc nhiên cho tôi là trong số các cô gái Trung Hoa anh quen biết có lẽ cô này là thạo tiếng Việt. Thú vị đây!

nguoitinhthamquyen: Con cô sắp chào đời rồi phải không?

hanhnguyen: Sao cô biết?

nguoitinhthamquyen: Tường bảo.

hanhnguyen: Tường bảo, nghe hay nhỉ!

Tôi nhắc lại câu của cô gái Trung Hoa xa lạ rồi Out. Cô ta thực sự làm tôi khó chịu. Tiếng chuông điện thoại đổ dồn, tôi nặng nề đứng lên nghe máy, chưa kịp a lô thì tiếng thằng Nam, em chồng tôi đã léo nhéo bên tai:

- Anh Tường say quá ngủ lại chỗ em, báo để chị an tâm. Ngủ ngon nhé bà chị.

Cũng chưa kịp dặn thêm nó lời nào thì đầu máy bên kia đã nghe tiếng "tút tút…"ong cả tai.

 

*

 

Chị Nết giúp việc cẩn trọng nhìn trước ngó sau rồi chìa ra cho tôi cái áo sơ mi hiệu Pierre Cardin của chồng tôi. Tôi bình thản đưa tay đón lấy cái áo rồi hướng ra cửa sổ. Thật dễ dàng nhận thấy vết son môi ở cổ áo của anh. Vết son màu hồng sáng. Tôi nhìn khuôn mặt căng thẳng lo âu của chị giúp việc mà mỉm cười độ lượng:

- Giống như màu son Docteur Glamour của E’Zup ấy nhỉ?

- Tới nước này mà cô còn đùa sao? Tôi cho vào máy giặt mà không sạch được.

Tôi không có ý định đùa một người phụ nữ quê chất phác như chị làm gì. Năm năm làm vợ anh, làm con dâu trưởng của một gia đình quyền quý những năm anh du học, mẹ chồng đã răn dạy tôi phải làm những gì để tròn bổn phận người vợ, bổn phận dâu con trong dòng tộc nhà anh.

- Giặt máy không sạch được. Để tôi giặt bằng tay. Khiếp! Son mới chả phấn! Hại người! Chị giúp việc làu bàu trong miệng.

- Chị vứt nó đi!

Tôi vung tay đưa cái áo về phía chị rồi trở vào phòng ngủ. Buổi chiều mùa hè oi ả. Trong căn phòng gắn máy điều hòa lạnh âm âm. Tôi đưa tay khẽ kéo chiếc váy lên, dưới lớp da trắng mịn nổi lên những đường gân xanh xao nghi hoặc. Con trai tôi vẫn ngủ. "Đạp một chút đi con! Mẹ không sợ đau đâu. Con cứ ngoan một cách đáng ngờ như thế mẹ buồn…" Tôi vỗ vỗ nhẹ vào bụng mình cưng nựng. Cứ thắc mắc sao nó ngủ nhiều đến vậy, sao cái bụng tôi cứ im ắng, sự im ắng làm tôi lo âu sợ hãi. Tôi nhắm nghiền mắt. Cảm giác mồ hôi đang rịn ra khắp lưng tôi. Bức bối đến ngột thở. Giấc ngủ mê man của tôi lởn vởn những hài nhi co quắp trong bọc nước ối. Chúng cựa quậy, chúng quẫy đạp, giãy giụa… nhưng không khóc! Đơn giản bởi chúng còn nằm trong cơ thể sản phụ, chúng chưa có quyền khóc chào đời khi chưa đến ngày đến tháng.

- Mẹ! Mẹ! Có người cứ muốn đánh dấu vào con đây này!

Cái thai đã rõ hình hài đứa trẻ giãy giụa. Nó mở to đôi mắt u uất phẫn nộ cầu cứu. M..á..u! Thấy toàn máu là máu. Máu cứ chảy và cái thai oằn mình giữa vũng máu chống đỡ cái dấu nào đó, mà một con người nào đó, đang dằn nó ra để đóng vào… trông nó tựa như sợi dây thừng cỡ lớn vặn mình trặt trẹo.

- Không!

Tôi thức dậy khi chị Nết đưa hai bàn tay thô ráp giữ chặt vai tôi. Tôi bật dậy, bất giác đưa ngay tay xuống bụng. Cái bụng vẫn lùm lùm sau lớp váy lụa hồng mát rượi. Mạch máu như rân rân giật đều từ bụng tôi lan khắp cơ thể. Người tôi tứa mồ hôi:

- Cô gặp ác mộng à? Đàn bà mang thai hầu như ai cũng thế. Mà sao nay cô lại ngủ chiều?

- Không! Không! Đầu óc tôi váng vất bởi sự ám ảnh cái thai oằn mình giữa vũng máu. Ai đóng dấu con tôi? Đóng dấu cái gì chứ? Ngày còn bé tôi có một cái bớt ở lưng, mẹ tôi bảo là bà mụ đánh dấu. Bà mụ mà đánh dấu trẻ con chắc không tới mức con tôi phải quằn quại như thế…

Chị giúp việc chườm chiếc khăn lạnh lên trán tôi, rồi xuống cổ, xuống đôi tay thon gầy làm tôi tỉnh lại. Thấy ong ong trong đầu. Ô cửa sổ khép hờ để ánh nắng chiếu xéo thành vệt dài trên chiếc giường có tấm gar màu xanh lơ. Ngoài kia, có tiếng ô tô đỗ xịch trước cửa, tiếng chuông cổng réo inh tai. Cái kiểu ấn chuông ấy chỉ có thể là Tường.

 

*

 

nguoitinhthamquyen: Lại gặp cô rồi! Cô khỏe chứ?

hanhnguyen: Cảm ơn, tôi khỏe. Cô thế nào?

Tôi nhắn dòng tin gửi cho nhân vật mình vốn không thiện cảm. Tiếng nước trong bồn tắm ào ạt chảy. Hình như Tường đang hát, bài hát ngày xưa anh sáng tác cho tôi: "Như là bên anh, biển gió vỗ vào khát khao, như là bên anh lắng trong hơi thở hạt cát nhu mì…"

- Em yêu, đang làm gì thế?

- Chát cùng người tình Trung Hoa của anh.

- Vớ vẩn, Out đi, anh ra bây giờ.

Tôi cười đưa tay vuốt lại mấy sợi tóc rũ xuống trán. Bất chợt một hơi nóng xốc ngược từ bụng tôi lên tận đỉnh đầu nhức buốt. Tôi thở hắt ra. Quờ tay lên bàn phím tôi chào cô ta cho qua chuyện:

hanhnguyen: Thôi, chào cô nhé! Chúc vui!

nguoitinhthamquyen: Khoan đã! Tôi muốn thương lượng với cô.

hanhnguyen: Lại gì nữa đây NGƯỜI TÌNH THẨM QUYẾN? Tôi vẫn còn đủ bình tĩnh viết hoa cụm từ ấy như một sự mai mỉa.

nguoitinhthamquyen: Một là cái giá chồng cô đáng phải trả, hai là để tôi hôn đứa con trai cô.

hanhnguyen: Khó hiểu quá! Cô điên rồi!? Không bao giờ… Ngớ ngẩn.

 

Tôi tắt nick.

*

 

Tính ngày đã quá hai hôm mà vẫn chưa thấy gì. Đêm nay Tường cứ đòi hát trọn bài hát ấy cho tôi nghe, anh bảo: "Không chỉ có em nghe đâu, con chúng mình nghe nữa đấy. Nó sẽ thấy gia đình mình hạnh phúc biết nhường nào". Trong vòng tay anh, giai điệu êm ái đưa tôi chìm vào giấc ngủ họa hoằn ma mị. Người con gái tôi chưa gặp bao giờ, cô ta quẳng về phía tôi ánh nhìn sắc lạnh. Cả khuôn mặt cô ta trắng bệch nổi bật lên là đôi môi căng mọng màu hồng sáng hệt màu son môi trên cổ áo anh. Cái thai mở to miệng ngáp trong bất lực, nó không cất tiếng khóc mà nói rõ ràng bằng chất giọng đầy phẫn uất: "Người ta đòi đánh dấu con". Cặp môi cô ta nhập nhèm màu đỏ của sự khát máu. Khẽ lia đầu lưỡi lên đôi môi, cô ta nhìn tôi cười thách thức. Cố vươn đôi tay bé nhỏ yếu ớt về phía đứa con tội nghiệp tôi càng thấy nó xa tôi. Nó như bị cuốn chảy phăng phăng theo một dòng sông đỏ thẫm. Dòng sông màu máu, có những lúc ánh lên màu son xa lạ trên cổ áo của Tường. Vết son di chuyển nhập nhằng trong bóng đêm… Có tiếng trẻ con khóc ré lên và một dòng máu chảy dài…

- Trả con lại cho tôi. Con ơi! Tôi gào lên vô vọng. Tiếng cười man dại của người con gái kì dị ấy xé toạc nỗi đau đớn của tôi.

- Em! Em sao vậy, con mình làm sao? Em!

Tôi nhìn Tường trân trân, anh lấy lại vẻ điềm nhiên xoa vào bụng dưới của tôi trấn an. Vùng khỏi vòng tay anh, tôi chạy bổ xuống cầu thang hốt hoảng lớn tiếng gọi người giúp việc:

- Chị Nết! Chị Nết đâu! Chị…

- Sao thế cô? Ấy ấy, cô đứng yên trên đó.

Chị Nết hấp tấp từ phòng khách bước lên cầu thang mập mờ dưới ánh đèn neon.

- Chị… Chị… đã… vứt chiếc áo kia… ở đâu rồi?

Mặt chị ta đột nhiên giãn ra tỉnh bơ:

- Ôi dào! Đúng là người ăn chẳng hết kẻ lần không ra… Chiếc áo mới thế tôi không vứt đang ngâm dưới kia kìa.

Tôi thất thần gào lên:

- Tôi đã bảo chị vứt nó đi cơ mà.

- Được rồi. Cô cứ bình tĩnh lại. Rõ khổ, đến ngày đến tháng mà nó không chịu ra nên cáu bẳn đấy mà.

Tường đã kịp xuất hiện trước cầu thang. Vẫn bằng cái điệu bộ điềm đạm muôn thưở. Anh dìu tôi lên phòng. Một sức mạnh vô hình đè lên tôi.

*

 

Tôi cùng mẹ chồng lên chùa. Bà vận chiếc áo dài nâu chỉ dành cho những hôm đi lễ. Miệng bà lầm rầm khấn, hồi lâu bà sụp xuống vái lạy. Mùi nhang những ngày rằm, ngày tết ấm áp là vậy mà sao ngày dưng tôi thấy rờn rợn, buồn nôn. Tiếng chuông cũng không còn vang lên thanh tịnh bình an nữa mà chung chiêng váng vất. Quay bốn phía chỉ thấy rặt những pho tượng sơn son thiếp vàng chối mắt. Có cái gì nặng nặng âm khí quanh quẩn đâu đây. Tôi nhắm mắt, chắp tay lại thành tâm để tìm một sự giải tỏa. Các pho tượng, khóm hải đường, mẫu đơn sao rặt một màu đỏ, như vết son định mệnh ấy, như dòng sông của những cơn hôn mê quyện đặc màu máu… Tất cả trôi về phía tôi… Đôi chân tôi tê cứng, tôi đứng chôn chân cạnh cây cột lớn chạm trổ rồng phượng mà thấy dòng chảy đỏ ối quấn lấy chân mình nhớp nhúa. Đứa con tôi không còn cất lên lời cầu cứu. Có một người nhấc nó lên hôn. Đôi môi sắc lẹm bật lên lời nguyền thú tính: "Tôi phải hôn được con cô". Đứa bé rũ đi trên tay người ấy, thân thể mềm nhũn khẽ cựa quậy.

- Con sao thế? Vào chùa mà đầu óc cứ để đâu đâu.

Câu nói của mẹ chồng tôi kéo tôi về với thực tại. Tôi không biết rằng bà đã gọi tôi đến lần thứ ba, khi quay lại tôi nhận được cái liếc xéo. Bà quét cái nhìn khắp người tôi…

- Tới ngày sinh nở phải biết giữ gìn. Con nên chuẩn bị tâm lý làm mẹ đi đừng suy nghĩ vẩn vơ.

Tôi "Dạ" rồi quay ra nhìn khoảng sân chùa đầy nắng tránh cái nhìn dò xét của bà. Đặt tay lên bụng vẫn không tìm thấy gì ngoài sự im lặng. Tôi bắt đầu sợ hãi. Có khi nào bào thai tôi mang trong mình không phải là đứa con trai mà nhà chồng mong đợi. Có khi nào nó chỉ là một bọc nước, một khối thịt không rõ hình hài… Có khi nào… Chẳng biết sao tôi lại suy nghĩ lung tung thế!

 

*

 

- Chúc mừng chị, chị đã sinh một bé trai

-Con tôi đâu? Tôi mấp máy đôi môi khô rát, khẽ nhích cơ thể đau ê ẩm. Cô y tá bế đứa trẻ đưa qua tay chị Nết đến tôi. Nước mắt tôi giàn giụa chảy cả xuống gương mặt bé xíu còn nguyên những nếp nhăn sơ sinh. Đôi tay cũng bé xíu cựa quậy, nó khóc…

- Oe..Oe.

- Con tôi khóc mất rồi, chắc nó lạnh đây mà, ừ mẹ thương để mẹ quấn tã lại cho con…

Tôi cưng nựng vỗ về đứa con trai bé bỏng. Chị Nết xun xoe hết chạy mua thứ này lại thứ khác.

- Chị đã gọi cho anh Tường chưa?

- Tôi gọi nhưng không liên lạc được.

- Chị đưa máy cho tôi!

Đón chiếc điện thoại từ tay chị tôi bấm số của Tường. Cánh cửa phòng mở toang, không phải anh, cậu Nam thất thần chạy tới:

- Chị! Anh Tường bị bắt rồi!

Chiếc điện thoại từ trên tay tôi rơi xuống nền nhà. Mấy người sản phụ giường bên giương mắt lên nhìn đầy vẻ ngạc nhiên khó hiểu.

- Chú nói rõ xem nào.

- Anh bị tình nghi có liên quan tới cái chết của cô Lý Tiểu Đam người Thẩm Quyến, Trung Quốc tại một hộp đêm ở Thượng Hải cách đây hơn hai năm. Cảnh sát Trung Quốc đã lật lại vụ án. Cô ta chết không phải do sốc thuốc.

- Hơn hai năm, có nhầm không? Tôi nói chuyện với cô ta mới tối hôm kia cơ mà.

- Có thể do chị yếu, tâm lý không tốt thôi.

- Không thể nào.

Tôi giằng lấy đứa con ôm chặt vào lòng. Ngoài kia bóng đêm ma quái bao trùm khoảng sân bệnh viện, bọc lấy những vòm cây. Trong phút giây choáng váng tôi kịp nghe tiếng giày dép gấp gáp, tiếng chuông báo động ngoài hành lang, tiếng con trai tôi khóc thét lên vì khát sữa.

*

 

Tôi ôm con trong vòng tay rã rời nhìn mẹ chồng tôi mòn mỏi tựa đầu vào vai chị Nết. Gia đình chồng tôi ngồi đầy phòng khách. Họ im lặng, không nói câu gì với tôi cũng không nói chuyện với nhau. Hồi lâu, khi đứa con tội nghiệp của tôi no sữa đã thiu thiu ngủ mới thấy mẹ chồng tôi thở dài:

- Chiều qua thằng Nam vừa chở mẹ đi Từ Sơn, Bắc Ninh. Người ta đồn ở đó có ông thầy giỏi lắm… vừa bước vào ông ta đã cao giọng quở: "Con trai nhà người xuất ngoại mà trở về lại đem cả dấu son kĩ nữ nên nó chết nó vẫn theo…". Bà chưa kể hết đã lấy khăn chấm nước mắt rồi quay đi.

Tôi buông thõng cánh tay ngước đôi mắt khô ran nhìn lên trần nhà. Tôi và cô ta đã từng có một cuộc thương lượng. 

Lữ Thị Mai
(Hà Nội)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Giêng 202211:34 CH(Xem: 10332)
Thả chiếc bánh tét cuối cùng vào nồi , mợ Hai phủi tay đứng dậy. — Phần mợ xong rồi đó. Tụi bây chia nhau thức canh nồi bánh nghe . Nhi dạ một tiếng đáp lời mợ . Quang tranh thủ chớp ngay thời cơ : — Có gì ăn để khỏi buồn ngủ không mợ ? Mợ hai cười dễ dãi : — Cái thằng này chỉ ăn là giỏi . Nhi vào lấy đậu , đường trong bếp ra nấu chè cho tụi bạn ăn đi con. Thà từ ngoài vườn bước vào , quăng mạnh bó tàu lá dừa xuống đất . Thấy Nhi đang lúi húi nạo dừa, Thà đi đến giành lấy bàn nạo : — Để tui làm cho. Nhi nghỉ tay đi . Có tiếng Lài “e hèm “ liền sau câu nói của Thà.
28 Tháng Giêng 202211:19 CH(Xem: 8987)
Trong một ngôi nhà của quan lại ở Kinh thành Thăng Long, có một cuộc gặp kín giữa vài nho sĩ vốn là tôi trung của nhà Lê, cùng đôi người thuộc phe chúa Trịnh. Siêu quận công, danh sĩ Ôn Như Nguyễn Gia Thiều cũng ở đó. Sau mấy câu bàn luận về thời cuộc, một vị cầm tờ giấy viết đặc chữ Nho, đứng dậy vẻ hể hả: - Tôi xin hiến các vị một bài hành, vừa viết đêm trước đây!
25 Tháng Giêng 202210:43 CH(Xem: 9109)
Lật bật mà Tết lại sắp tới. Làng xóm đó đây thảy đều chộn rộn đón xuân về, mỗi nhà mỗi kiểu. Mấy năm trước, lúc nào cô Thơm cũng thấy lòng mình dửng dưng trước những dấu hiệu của một mùa xuân đang trở lại. Chợ búa thay màu đổi sắc, rực rỡ hẳn lên với những mặt hàng dành riêng cho tết nhứt. Từ hai mươi tháng Chạp trở đi, ba má cô đã háo hức sửa soạn mọi thứ như vẫn làm từ năm này qua năm khác. Nhắm mắt lại, cô Thơm có thể mường tượng ra cảnh dưới bếp, má cô lễ mễ mang về những món cần thiết để chuẩn bị nấu mâm cơm cúng giao thừa và đầu năm. Hay trên gian nhà chính, ba cô đang dọn dẹp lại bàn thờ tổ tiên, lau chùi bộ lư đồng và chân đèn sáng loáng đến ngó vào cũng thấy rõ mặt mình.
24 Tháng Giêng 20229:38 CH(Xem: 9269)
“Trong khi giáo hội từ lâu đã nói rõ với thầy rằng nếu buộc phải xen vào việc chính trị, quyền bính, thì phải yêu cầu đồng thời cả hai phía đang đánh nhau kia bỏ dao, bỏ súng xuống, để cùng cứu toàn thể chúng sinh, chứ không chỉ yêu cầu có một bên, để rồi khi một bên có chính nghĩa yếu đi, thì bên tà quyền kia sẽ tiêu diệt họ, đầy đọa muôn dân toàn cõi chìm trong bể khổ, khi chúng nắm quyền bính được trong tay,” Công Lý nói thêm.
02 Tháng Giêng 20223:37 CH(Xem: 9389)
Một chương trình đại nhạc hội vinh danh, một loạt series trên truyền thông và truyền hình với vợ con cùng xuất hiện ôn lại thành tích và vinh quang của một đặc tình cỡ tá với hàng chục năm hoạt động, chui sâu leo cao ngay trước mũi phản gián của họ, rồi một chỗ làm mới chính danh và một tương lai không tồi ngồi sau một chiếc bàn đầy quyền lực. / Chen Li điểm lại những thông tin mới mà người điều khiển nói với y, trong lần liên lạc truyền tin mới nhất, mà hôm nay y sẽ phải hồi đáp cụ thể bằng hành động, bởi vì vé hồi cư cho y và gia đình, cùng các giấy tờ và tiền bạc, thẻ tín dụng ngân hàng v.v… cũng đã được gửi tới tay y theo đường giây, y hẹn.
24 Tháng Mười Hai 20214:53 CH(Xem: 9851)
“ Anh sẽ về trên chuyến bay DL1111, đến Phi trường TSN vào 10:45 pm ngày 22/12. Sẽ kịp đón Giáng Sinh cùng em . Nhớ và yêu em thật nhiều. Phan Vũ.” Bức email chỉ có vài dòng như thế, nhưng Vy đọc đi đọc lại mãi không chán. Cô nhảy chân sáo khắp nhà, cười khoe tíu tít với mọi người. Chỉ còn hơn một tuần nữa thôi, là cô sẽ gặp lại anh sau 4 năm dài xa cách. Giáng sinh năm nay là Giáng sinh hội ngộ và cũng là ngày dạm ngõ của 2 gia đình. — Tiểu đăng khoa rồi đại đăng khoa nhé. Nhất anh Vũ của mày. — Thế là một con cá lại mắc câu. Bạn bè mỗi người một câu , trêu cô. Cô mỉm cười , hồng đôi má.
24 Tháng Mười Hai 20213:50 CH(Xem: 9974)
Bi quay sang nhìn bạn, đằng sau ồn ào bên ngoài còn có một nỗi buồn gì đó. Mà cũng lạ, cô giáo cho thằng khỉ rệp nửa máu Ả Rập này đóng vai Giuse chẳng khác nào chưởi bố dân Do Thái! Ông Giuse biết được chắc phải cựa mình húng hắng ho dưới mồ. Ngoài tên và họ tìm hoài không thấy một mẫu tự latin: Mustapha Khalid Mahomed, nó còn có một bộ tóc đen quăn tít như những chiếc lò xo nhỏ mọc lộn xộn trên đầu, đặc thù của giống Bắc Phi. Ông bố Maroc mà biết đươc thằng con yêu dấu đóng vai Do Thái, dù là thánh Do Thái đi nữa, hẳn sẽ đứng tim trào máu họng! Được cái những “linh kiện” còn lại là của bà mẹ Tây Phương chính hiệu nên trông nó không đến nỗi quá lộ liễu: mắt xanh, mũi lõ, da trắng hồng, môi đỏ thắm.
08 Tháng Mười Hai 20219:20 CH(Xem: 10305)
Tôi vừa gặp một người có ít nhiều liên quan đến quãng đời xưa cũ, xa lăng lắc của mình. Đang đứng tần ngần nhìn các cây thông Giáng Sinh bằng nhựa đủ kiểu, đủ cỡ bày trong một cửa tiệm, chưa biết lựa cây nào thì tôi nghe có tiếng người hỏi từ phía sau: – Xin lỗi, cậu là cậu Việt, phải không? Tôi hơi giật mình, quay lại, thấy một người đàn ông đứng tuổi mà trước đây tôi chưa bao giờ gặp. – Dạ phải. —Tôi e dè đáp. – Tôi hơi đường đột, cậu bỏ qua cho. —Người đàn ông nói tiếp— Tôi là Nhơn, em của ông Quới, trung sĩ Quới ngày trước làm chung chỗ với ông thân của cậu.
23 Tháng Mười Một 20214:03 CH(Xem: 10039)
Chi bằng dành dụm tiền đi học luật, sau này sinh nhai bằng nghề thầy cải nhưng gã không màng, lại dốc hết tiền túi để xuất bản một tập thơ. Tập thơ là một tai họa, mỗi dòng chữ trong thơ là một nỗi cô đơn. Ngay đến xã hội gã đang sống nhưng gã luôn đắm chìm nỗi cô đơn trong đó. Gã đứng giữa đám đông nhưng luôn cảm thấy mình lạnh lẽo như đang đứng trong bốn vách tường lạnh lẽo này . Gã biến cái thuần túy cô đơn thành tâm hồn, như một thực tế bên ngoài thế giới, toàn bộ cuộc sống của gã như tan chảy vào trong. Đứng giữa đám đông nhưng tâm hồn gã luôn bất an, muốn đạp bằng tất cả mọi tầm thường, dung tục. Gã từ chối mọi thống trị của cái hời hợt, nông cạn của những thị hiếu tầm thường, chây lười , những đua đòi dục vọng thấp hèn của đám đông khiến gã chán ngán quá đổi.
23 Tháng Mười Một 20213:54 CH(Xem: 12314)
— Về Việt Nam để mua đất đầu tư... Đó là câu nói anh lặp đi lặp lại không biết chán trong những cuộc chuyện trò giữa hai vợ chồng. Bao nhiêu lần , chị nhẹ nhàng nhắc nhở cho anh nghe về chế độ mà cả anh và chị đều hiểu rất rõ ràng. Nhưng anh dường như quên tất cả . Anh tặc lưỡi , cố chấp : — Ngày trước khác. Bây giờ mọi thứ đã thay đổi hết.